Tác giả: andynguyen

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 08.02.2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 08.02.2015

in Thanh niên on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 15.02.2015.

1. Đề tài: VẤN ĐỀ CHÁN NẢN.

  1. Kinh Thánh: Thi Thiên 46:1; Ha-ba-cúc 3:17-19; Hê-bơ-rơ 12:1-5.

3. Câu gốc: “Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi” (Ê-sai 40:31).

4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 4-8.

5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

1. Chọn một người đóng vai Ê-li và một người làm phóng viên.

2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và câu trả lời cần phải ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.

3. Mời trước một người đúc kết buổi phỏng vấn và nêu lên những điều học hỏi được từ câu chuyện. Cầu nguyện kết thúc (có thể mời nhân vật được phỏng vấn cầu nguyện).

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

(Sau khi NHD giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới phòng nhóm đi lên và Ê-li từ ngoài bước vào phòng nhóm).

– Phóng viên: Dạ xin kính chào cụ Ê-li!

– Ê-li: Chào các cháu!

– PV: Chúng cháu rất vui vì được cụ đến thăm hôm nay. Thay cho các bạn thanh niên trong Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Nhân buổi gặp gỡ nầy cụ có thể giúp chúng cháu tìm hiểu vấn đề chán nản trong đời sống không thưa cụ?

– Ê-li: Được, các cháu cứ hỏi, ta sẽ giúp các cháu theo kinh nghiệm của đời sống ta.

– PV: Thưa cụ, điều gì dễ khiến con người rơi vào tình trạng chán nản, ngã lòng?

– Ê-li: Lý do dẫn đến sự ngã lòng có thể tìm thấy trong ba khía cạnh sau: (1) Vì sự quá sức hay mòn mỏi của thân thể. (2) Vì sự khủng hoảng của tinh thần. (3) Vì sự khủng hoảng trong tâm linh.

– PV: Là người từng trải kinh nghiệm, xin cụ phân tích từng phần cho chúng cháu được biết với!

-Ê-li: Đọc 1Các Vua 18, các cháu sẽ thấy từ sáng sớm đến chiều tối, một mình ta phải dồn hết tâm tư, sức lực vào cuộc thách đố với 450 tiên tri Ba-anh và 400 tiên tri Át-tạt-tê! Sau cuộc thách đố, sự đắc thắng về danh Đức Chúa Trời, nhưng sức lực của ta bị mòn mỏi, cạn kiệt! Vì sự quá sức của cơ thể, đưa ta đến sự chán nản, ngã lòng.

– PV: Thưa cụ, lúc ấy thân thể cụ rã rời nhưng còn tinh thần cụ thì thế nào?

-Ê-li:Nhắc đến điều này ta thấy mắc cỡ quá! Tinh thần ta lúc đó xuống dốc lắm. Ta không mạnh mẽ như lúc sáng sớm, ta không can đảm như lúc đứng trước các tiên tri tà thần. Lúc đó ta thật thê thảm! Talo sợ bởi lời hăm dọa của hoàng hậu độc ác Giê-sa-bên. Ta thấy dường như thất bại và cô đơn, ta thấy tuyệt vọng trước nghịch cảnh…

– PV: Thưa cụ, nhưng cháu thấy sự việc xảy ra không như điều cụ lo sợ?

-Ê-li: Đúng vậy đó các cháu, khi bị khủng hoảng về tinh thần, con người thường suy nghĩ lung tung và lo sợ. Hơn thế nữa, ý nghĩ bi quan, tự ti mặc cảm, tự ái quá cao… khiến ta bị khủng hoảng.

– PV: Thể xác và tinh thần cụ bị khủng hoảng nhưng tâm linh cụ lúc ấy thế nào, thưa cụ?

-Ê-li: Ta ngã lòng không chỉ vì mệt mỏi trong thân thể, vì sự sợ hãi trong tinh thần, nhưng còn vì không để lòng tin cậy Chúa. Ta thấy dường như chỉ có một mình đơn độc chống lại kẻ tà thần. Ta không nhìn thấy Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị.

– PV: Theo sự trình bày của cụ thì sự chán nản đến từ nhiều nguyên nhân và có sự liên quan với nhau phải không thưa cụ?

– Ê-li: Phải rồi, người bị chán nản không chỉ vì một lý do, và còn có thể ảnh hưởng đến các vấn đề khác, như từ sự chán nản vì mòn mỏi của thể xác, có thể dẫn chúng ta đến sự xao lãng trong sự cầu nguyện với Chúa, do đó tâm hồn bị khô héo và trở thành chán nản thuộc linh.

– PV: Thưa cụ, có dấu hiệu nào tỏ ra bên ngoài để nhận biết một người đang bị chán nản không?

-Ê-li: Có đấy các cháu. Các cháu có thể phân biệt qua những dấu hiệu sau: (1) Xao lãng, không quan tâm đến mình cũng như người khác. (2) Thu mình, tránh né, từ chối giao tiếp bên ngoài. (3) Thờ ơ, khước từ mọi trách nhiệm. (4) Bỏ cuộc, chịu thua trước mọi việc.

– PV: Theo cụ, sự chán nản thường đem lại điều gì?

-Ê-li: Sự chán nản ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì sự căng thẳng tinh thần làm cho người ta hay buồn giận, là yếu tố có thể dẫn đến tâm bệnh như nhức nửa bên đầu hay bị ung nhọt. Sự căng thẳng cảm xúc và tinh thần là một trong những lý do của bệnh tim mạch, huyết áp cao. Khi sự chán nản ở vào tình trạng tuyệt vọng có khi dẫn đến tự sát.

– PV: Khủng kiếp thật! Sự chán nản gây hại cho sức khỏe, thân thể con người. Nhưng về phần tâm linh thì bị ảnh hưởng thế nào thưa cụ?

– Ê-li: Các cháu biết không, sự chán nản chẳng những có hại cho sức khỏe của thân thể, nhưng còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm linh, khiến chúng ta trở thành người yếu đuối, như một dụng cụ không còn hữu hiệu trong công việc nhà Chúa.

– PV: Xin cụ cho chúng cháu biết có cách nào để giúp người chán nản ngã lòng không?

-Ê-li: Cách tốt nhất ta học được là cách của Chúa qua việc Ngài chăm sóc ta. Khi ta chán nản, ngã lòng vì quá sức, thì Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ mang bánh, nước chăm sóc ta. Nhờ thức ăn, nhờ giấc ngủ nghỉ ngơi mà ta được hồi sức.

– PV: Vậy thưa cụ, có cách nào ngăn ngừa sự chán nản xảy ra cho đời sống không?

– Ê-li: Để tránh sự chán nản vì quá sức nên lưu ý: Trừ trường hợp khẩn cấp, chớ nên “làm ráng… một chút!” Phải biết sức người có hạn, nên để thì giờ nghỉ ngơi bồi bổ sức lực. Trong sự giải trí chớ quên bồi bổ phần tâm linh, vì trong sự mòn mỏi của thể xác có thể có những “tội lỗi nho nhỏ” thừa dịp xen vào làm khô héo đời sống thuộc linh. Mỗi ngày để lòng nương cậy Chúa, sống trong sức mới của Ngài.

– PV: Với sự chán nản vì lý do khủng hoảng tinh thần thì làm thế nào thưa cụ? 

– Ê-li: Với người ở trong sự sợ hãi lo âu, các cháu giúp họ học biết lời hứa về sự hiện diện của Chúa, sự ban cho bình an và an nghỉ trong Ngài. Hãy đặt lòng nương cậy nơi lời hứa của Chúa trong các câu Kinh Thánh như Thi Thiên 46:1; Ê-sai 43:13; Ma-thi-ơ 11:28…

– PV: Với người chán nản vì ước mơ không thành, vì mất mát đau đớn thì làm thế nào thưa cụ?

– Ê-li: Các cháu giúp họ biết rằng: Trong mọi sự xảy ra Chúa có ý muốn tốt lành cho kẻ yêu mến Ngài. Chúa thông cảm với nỗi đau buồn của họ và ban cho họ sự giải cứu. Hãy phó thác mọi sự trong bàn tay chăm sóc yêu thương của Chúa, với lòng tin cậy nơi Ngài (Thi 68:19; 37:5; Rô 8:28).

– PV: Thưa cụ, với người chán nản vì tự ti mặc cảm, sự bất lực và vô vọng thì làm gì giúp họ?

– Ê-li: Hãy giúp họ nhận biết rằng họ là người được Chúa cứu chuộc để trở nên có giá trị trước mặt Ngài (Ê-sai 43:4-5). Hãy biết rằng trong Đấng Hằng Sống, chúng ta không bao giờ mất hy vọng. Hãy vững lòng tin cậy nơi Đấng thành tín, bất biến (Hêb 12:2; 13:8).

– PV: Làm thế nào để đối phó với sự chán nản vì khủng hoảng thuộc linh, thưa cụ?

– Ê-li: Trước tiên phải xưng tội với Chúa và tìm sự tha thứ của Ngài. Đây là điểm chính yếu để chúng ta được lập lại mối tương giao với Chúa và tìm lại được sự tươi mới, bình an cho tâm hồn (Thi 32:5; 1Giăng 1:7-8). Thứ hai dứt bỏ mọi tội lỗi, nhất là tội dễ vấn vương (Hê-bơ-rơ 12:1-5). Thứ ba cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta bền đỗ trong đức tin và có tấm lòng thuận phục Ngài trong mọi sự (Ha-ba-cúc 3:17-19).

– PV: Cám ơn cụ đã giúp chúng cháu hiểu rõ hơn về vấn đề chán nản trong đời sống. Biết rõ điều nầy, chúng cháu sẽ giúp mình, giúp người tránh rơi vào tình trạng chán nản và ra khỏi tình trạng chán nản, để đời sống hưởng được sự vui thỏa, phước hạnh.

NHD: Thưa các bạn! Chúng ta vừa nghe cụ Ê-li phân tích về sự chán nản, ngã lòng trong đời sống. Nguyện Chúa giúp chúng ta biết nhờ cậy Chúa trong mọi sự, lập mối tương giao với Chúa và tìm được sự tươi mới, bình an cho tâm hồn mỗi ngày. Mời các bạn đứng lên và mời cụ Ê-li cầu nguyện cho chúng cháu.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Một trong những điểm nổi bật ở các xứ văn minh kỹ nghệ là sự tranh đua. Trong cuộc sống hằng ngày, sự tranh đua được thấy trong nhiều khía cạnh khác nhau. Người ta tranh đua trong việc kinh doanh, trong công danh sự nghiệp, trong công việc làm ăn sinh sống, trong sự học vấn…

Vì vậy phía sau cuộc sống bận rộn căng thẳng ấy, người ta không thể tránh khỏi những mệt mỏi, chán nản ngã lòng! Tại Hoa Kỳ số người chán nản, tức tối, bị xuống tinh thần càng gia tăng. Sự xuống tinh thần trong tình trạng nhẹ ảnh hưởng đến cảm xúc là chuyện thường xảy ra. Nhưng cũng có người xuống tinh thần ở mức độ trầm trọng, có thể gọi là bệnh chán nản. Theo các nhà nghiên cứu ước lượng, trong năm người thì có một người rơi vào “bệnh” chán nản trầm trọng!

Dĩ nhiên sự chán nản, ngã lòng có nhiều lý do của nó. Nhưng đây cũng là vấn đề người Cơ đốc đương đầu trong xã hội này. Thế nào chúng ta vượt thắng khi phải đối phó với sự ngã lòng?

I. DẪN GIẢI.

A. NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ CHÁN NẢN.

Lý do dẫn đến sự chán nản có thể tìm thấy trong ba khía cạnh sau đây:

1. Vì sự quá sức, mòn mỏi của thân thể.

Trong 1Các Vua 18 cho thấy, suốt cả ngày từ sáng sớm đến chiều tối, tiên tri Ê-li một mình phải dồn hết tâm tư, sức lực vào cuộc thách đố với 450 tiên tri Ba-anh và 400 tiên tri thần Át-tạt-tê! Khi cuộc thách đố xong, sự đắc thắng thuộc về danh Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, nhưng sức lực và cảm xúc của Ê-li bị mòn mỏi, cạn kiệt! Vì sự quá sức của cơ thể có thể làm xáo trộn luật quân bình về sinh lý là nguyên nhân đưa đến sự chán nản.

2. Vì sự khủng hoảng của tinh thần, tâm lý.

Sự chán nản có thể đến từ những lý do sau đây:

– Vì lo sợ: Tiên tri Ê-li chán nản chạy trốn vì lời hăm dọa của hoàng hậu ác độc Giê-sa-bên (1Vua 19:1-3).

– Vì mơ ước không thành: Ê-li với nhiệt tâm trừ diệt kẻ thờ tà thần, để đem dân sự trở về cùng Đức Chúa Trời hằng sống, nhưng ông cảm thấy dường như thất bại và cô đơn (1Vua 19:10-11).

– Vì tuyệt vọng, cảm thấy bất lực trước mọi nghịch cảnh: Đây có thể nói là điểm chủ yếu khiến người ta chán nản, khi không còn thấy một tia sáng của hy vọng, khi cuộc đời là cả một màu đen! Tổng thống Abraham Lincoln khi còn là một luật sư trẻ tuổi, cũng có lần rơi vào tình trạng chán nản. Ông viết lại như sau: “Bây giờ tôi là người sống khốn khổ nhất!”

– Vì ý nghĩ bi quan, bất mãn nên nhìn cuộc sống với sự hoài nghi, vô nghĩa! Chuyện gì cũng có thể phê phán, chẳng có gì là hài lòng!

– Vì mặc cảm tự ti, suy nghĩ mình chẳng có giá trị chi, như người vô dụng bị loại ra ngoài. Sự chán nản này thường thấy trong vòng người hưu hạ, tuổi cao, không được gia đình, cộng đồng lưu ý tôn trọng.

– Vì tự ái cao, quá nóng nảy, không đủ kiên nhẫn chịu đựng một điều bất như ý nào!

– Vì mất mát tài sản, danh dự, sức khỏe hay phân rẽ người thân yêu như Gióp khi trải qua sự mất mát cả tài sản và con cái yêu quý (Gióp 1).

3. Vì sự khủng hoảng trong tâm linh.

Trong 1Các Vua 19 cho thấy tiên tri Ê-li ngã lòng chẳng phải vì mệt mỏi trong thân thể, vì sự sợ hãi trong tinh thần, nhưng còn vì không để lòng tin cậy Chúa. Ê-li thấy chỉ có một mình đơn độc chống lại kẻ tà thần, mà không nhìn thấy Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị (19:14-15).

Sự giấu kín tội lỗi trong lòng là nguyên nhân của sự chán nản, của đời sống bị héo hon và tuyệt vọng, như trong từng trải bản thân của vua Đa-vít (Thi 32:3-4; 38:3-8).

Tóm lại: Ba nguyên nhân nói trên thật ra đều có tương quan với nhau. Người bị chán nản không chỉ vì một lý do đơn độc, mà không ảnh hưởng đến các vấn đề khác, như từ sự chán nản vì mòn mỏi của thể xác, có thể dẫn chúng ta đến sự xao lãng trong sự cầu nguyện tương giao với Chúa, do đó tâm hồn bị khô héo và trở thành chán nản thuộc linh.

Trong tiếng Anh, một từ thông dụng là “burn out” chỉ về sự chán nản ngã lòng. Chữ “burn out” có hình ảnh của một cây nến cháy cạn dần. Chữ này dùng để nói đến tình trạng trống rỗng bên trong, khi nguồn suối tâm hồn bị khô hạn. Sự cháy cạn này gây nên mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần và tâm linh của con người. Theo tấn sĩ A. Hart, thì những lý do sau đây có thể đưa đến tình trạng “cháy cạn”:

– Bị mất quân bình vì hoạt động bên ngoài quá nhiều, mà không có sự củng cố bồi đắp bên trong.

– Mang cảm nghĩ thương hại mình, vì bị chỉ trích cách bất công!

– Che giấu một tội lỗi nào đó mà không thể nói ra.

– Ý kiến của mình xung khắc với kẻ khác (tự ái).

– Cố gắng giải quyết những vấn đề không bao giờ có thể giải quyết xong.

B. DẤU HIỆU VÀ HẬU QUẢ CỦA SỰ CHÁN NẢN NGÃ LÒNG.

Quan sát sự ngã lòng của tiên tri Ê-li và tâm trạng của người mệt mỏi chán nản mô tả trong Thi Thiên 102, chúng ta nhận thấy người ngã lòng có thể được thấy trong những dấu hiệu sau:

– Biếng ăn, bỏ mặc sự chăm sóc thân mình.

– Trằn trọc, thao thức, khó ngủ.

– Buồn thảm, héo hon.

– Rút lui, xa lánh đám đông.

– Thối thác trách nhiệm.

– Tuyệt vọng, không muốn tiếp tục cuộc sống.

Những dấu hiệu trên có thể tóm tắt trong những điểm này: (1) Xao lãng tức là không quan tâm đến mình cũng như người khác. (2) Thu mình, tránh né, từ chối giao tiếp bên ngoài. (3) Thờ ơ, khước từ mọi trách nhiệm. (4) Bỏ cuộc, chịu thua trước mọi việc.

Sự chán nản có thể nhẹ hay nặng, nhưng có thể gây hại cho sức khỏe. Vì sự căng thẳng tinh thần thường làm cho người ta hay buồn giận, là yếu tố có thể dẫn đến tâm bệnh như nhức nửa đầu, thậm chí dẫn đến ung thư. Tại Mỹ, người ta có câu nói “căng thẳng tinh thần làm cho đời sống ngắn hơn!” Trung bình hằng năm tại Hoa Kỳ có khoảng 60.000 người chết vì cao huyết áp. Mặc dầu các nhà chuyên môn không thể xác định nguyên nhân của bệnh này; tuy nhiên càng ngày họ đồng ý rằng: Sự căng thẳng cảm xúc và tinh thần của người chán nản có thể là một trong những lý do của sự chết về bệnh ấy. Khi sự chán nản ở vào tình trạng tuyệt vọng trầm trọng thì có thể dẫn đến nguy cơ tự sát. Sự chán nản chẳng những có hại cho sức khỏe của thân thể, nhưng còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm linh, khiến chúng ta trở thành người yếu đuối, như dụng cụ không còn hữu hiệu trong công việc nhà Chúa.

C. BÍ QUYẾT ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỰ CHÁN NẢN.

1. Làm thế nào để đối phó với sự chán nản vì quá sức?

Khi tiên tri Ê-li ngã lòng vì quá sức, Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ mang bánh, nước chăm sóc đầy tớ Ngài. Nhờ thức ăn, nhờ giấc ngủ mà tiên tri được hồi phục sức lực (1Vua 19:5-8). Như vậy, với sự chán nản vì quá sức, chúng ta nên lưu ý đến những điểm sau đây:

a. Trừ trường hợp khẩn cấp, thông thường chớ nên “làm ráng… một chút!” phải biết sức người có hạn với sự thêm lên của tuổi tác.

b. Khi bị chán nản vì quá sức, nên để thì giờ nghỉ ngơi, bồi bổ sức lực. Trong sự vui chơi giải trí chớ quên phần bồi bổ tâm linh. Vì sự mòn mỏi thể xác có thể có những “tội lỗi nho nhỏ” thừa dịp xen vào làm cho khô héo đời sống thuộc linh, như những chiếc thuyền cố gắng chống chọi với sóng gió bên ngoài, nhưng khi vào bờ thì bị chìm, vì trong lúc sóng gió có những sinh vật nhỏ sống dưới biển bám vào gặm nhấm làm mục ván thuyền!

c. Mỗi ngày với lòng nương cậy Chúa, sống trong sức mới của Ngài (Ê-sai 40:31).

2. Làm thế nào để đối phó với sự chán nản vì khủng hoảng tinh thần?

a. Với sự sợ hãi lo âu, chúng ta học biết lời hứa về sự hiện diện của Chúa, sự ban cho bình an và an nghỉ trong Ngài. Hãy đặt lòng nương cậy nơi Chúa (Thi 46:1; Ê-sai 43:13; Mat 11:28).

b. Với ước mơ không thành, với những mất mát đau đớn, chúng ta biết rằng trong mọi sự xảy ra, Chúa có ý muốn tốt lành cho kẻ yêu mến Ngài. Chúa thông cảm với nỗi đau buồn của chúng ta và ban cho chúng ta sự giải cứu. Hãy phó thác mọi sự trong bàn tay chăm sóc yêu thương của Chúa, với lòng tin cậy nơi Ngài (Thi 68:19; 37:5; Rô 8:28).

c. Với sự tự ti mặc cảm, sự bất lực và vô vọng, hãy nhận biết rằng chúng ta là người được Chúa cứu chuộc để trở nên có giá trị trước mặt Ngài (Ê-sai 43:4-5). Hãy biết rằng trong Đấng Hằng sống, chúng ta không bao giờ mất hy vọng. Hãy vững lòng tin cậy nơi Đấng Thành tín bất biến (Hê-bơ-rơ 12:2; 13:8).

d. Trong một khía cạnh khác, sự chán nản ngã lòng trong tình trạng trầm trọng đôi lúc cũng cần sự chữa trị chuyên môn theo phương pháp tâm bệnh học. Tuy nhiên, đây chỉ là phương cách mà thôi, nhưng cứu cánh phải là tấm lòng tin cậy Chúa. Cho nên nếu cần chữa trị, tốt hơn nên tìm một bác sĩ chuyên môn – cũng là người có niềm tin nơi Chúa.

e. Không nên dùng phương pháp “thiền” để trấn an!

Chữ “Yoga” có nghĩa là “hiệp một với thần”. Đây là một phương pháp tịnh tâm trong triết lý của đạo Hin-đu từ 5.000 năm về trước. Phép thiền thông dụng ngày nay được thấy trong các nơi giải trí, bồi dưỡng sức khỏe được gọi là “Hatha Yoga”. Một phương pháp luyện tập làm cho thân thể thư thả bằng cách hít thở để trút đổ những căng thẳng trong cơ thể, để tâm trí được nhẹ nhàng, thoải mái.

Tuy nhiên, thiền không phải đơn giản là thể dục sức khỏe, nhưng có sự kết hợp của tôn giáo thần bí. Nghĩa là từ chỗ tập chế ngự thân thể bằng cách ngồi yên lặng, hay trải dài người trên sàn nhà trong tư thế thả lỏng, đến chỗ tập hít thở là để người ta trút đổ nặng nề của thân thể, và hít vào luồng sinh khí từ vũ trụ bên ngoài, cộng thêm vài câu thần chú (là những bước dẫn đến tình trạng “xuất thần”).Nghĩa là người ta bước vào tình trạng tưởng tượng liên kết với thần bí của vũ trụ, nhờ đó mà tâm hồn cảm thấy lâng lâng nhẹ nhàng. Đây là trạng thái mà người ta dễ bị dẫn dụ vào quyền lực của ma quỉ.

Vì thế, người Cơ Đốc phải cẩn thận tránh thiền Yoga dưới hình thức là thể dục. Nên nhớ có nhiều phương cách thể dục lành mạnh bồi bổ sức khỏe chớ không phải chỉ có cách thiền! Hơn nữa, một cách đúng để tìm sự bình an tâm hồn là tấm lòng tin cậy Chúa, và sự yên tịnh suy gẫm lời hứa của Chúa trong sự soi dẫn của Đức Thánh Linh!

3. Làm thế nào để đối phó với sự chán nản vì khủng hoảng thuộc linh?

a. Xưng tội với Chúa và tìm sự tha thứ của Ngài. Đây là điểm chính yếu để chúng ta được lập lại mối tương giao với Chúa và tìm lại sự tươi mới, bình an cho tâm hồn (Thi 32:5; 1Giăng 1:7-8).

b. Dứt bỏ mọi tội lỗi, nhất là tội dễ vấn vương (Hê-bơ-rơ 12:1-5).

c. Cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta bền đỗ trong đức tin và có tấm lòng thuận phục Ngài trong mọi sự (Ha-ba-cúc 3:17-19).

Tóm lược.

1. Sự chán nản ngã lòng có thể đến từ ba nguyên nhân chính: Sự quá sức của cơ thể, sự khủng hoảng trong tinh thần và sự khủng hoảng trong tâm linh.

2. Sự chán nản ngã lòng có thể được thấy trong những dấu hiệu: Xao lãng với chính mình, thờ ơ với trách nhiệm, thu mình, xa lánh người khác và chủ động rút lui trước mọi sự. Sự chán nản trầm trọng có thể dẫn đến sự tự sát.

3. Những yếu tố cần để đối phó với sự chán nản: (1) Nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe. (2) Tin cậy Chúa và tìm sự bình an, sức mới nơi lời của Ngài. (3) Xưng tội, tìm sự tha thứ và cứ ở trong tình yêu thương của Chúa, học tập hài lòng trong mọi hoàn cảnh.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Sự chán nản đến từ đâu?

2. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

  1. Thi 32:3-4; 38:3-8: Tại sao vua Đa-vít buồn thảm ngã lòng?

b. 1Các Vua 19: Tại sao tiên tri Ê-li ngã lòng? (1-4, 5, 14-15).

3. Sự ngã lòng có thể đến từ những nguyên nhân nào? Và những nguyên nhân ấy có liên quan đến khía cạnh nào của đời sống?

4. Sự chán nản ngã lòng có thể được thấy trong những dấu hiệu nào? Và dẫn đến những hậu quả gì?

5. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. 1Các Vua 19:4: Trong sự ngã lòng, tiên tri Ê-li cầu xin Chúa điều gì? Tại sao?

b. Thi Thiên 102:3-11: Người chán nản thường có cảm nghĩ thế nào về mình? Về mối quan hệ với người chung quanh?

c. Sự chán nản có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người?

6. Làm thế nào để vượt thắng sự chán nản?

7. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. Thi 23:2-3; Ha-ba-cúc 3:17-19; Hê-bơ-rơ 12:1-5; 1Giăng 1:7-8: Làm thế nào để đối phó với sự chán nản vì lý do thuộc linh?

b. Thi 46:1; 68:19; Ma-thi-ơ 11:28; Rô-ma 8:38-39; Phi-líp 4:8; 1Phi-e-rơ 5:8: Làm thế nào để đối phó với sự ngã lòng vì tâm lý?

c. 1Các Vua 19:5-8; Ê-sai 40:31; 2Cô-rinh-tô 1:3-4: Làm thế nào để đối phó với sự ngã lòng vì mỏi mệt của thể xác?

8. Những yếu tố cần thiết nào để đương đầu với sự ngã lòng?

9. Theo bạn “thiền” có hợp lẽ với người Cơ Đốc không? Vì sao?

10. Trong cuộc sống hằng ngày, điều gì dễ khiến bạn ngã lòng? Bạn làm gì trong lúc ngã lòng?

 

 

 

 

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 08.02.2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 08.02.2015

in Thanh niên on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 08.02.2015.

1. Đề tài: SỰ TIẾP RƯỚC HỘI THÁNH.

2. Kinh Thánh: 1Tês 4:13-17; Phi-líp 3:20-21; 1Côr 15:55-57.

3. Câu gốc: “Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn” (Khải 19:7).

4. Đố Kinh Thánh: Ca Thương 4-5, Ê-xê-chi-ên 1-3.

5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 04.01.2015.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Khi về trời, Chúa Giê-xu để các môn đồ lại với lời hứa sẽ trở lại. Trong thế gian, Hội Thánh được ví sánh như vị hôn thê của Đấng Christ, chịu nhiều khổ nạn, bị bách hại của người đời vì cớ Danh Ngài. Cho nên trong thế gian nầy, điều mong đợi lớn nhất của Hội Thánh là ngày Đấng Christ, Vị hôn phụ đến tiếp rước về trờ            i.

Sự đón tiếp nầy sẽ xảy ra như thế nào? Có ý nghĩa gì đối với chương trình của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi và thành lập Hội Thánh?

I. DẪN GIẢI.

A. NGÀY TIẾP ĐÓN HỘI THÁNH.

1. Hai ngày quan trọng.

a. “Ngày Đức Giê-hô-va” hay “Ngày của Chúa”.

Trong Cựu Ước, từ “Ngày Đức Giê-hô-va” hay “Ngày của Chúa” được các tiên tri dùng để chỉ về ngày đoán xét của Đức Chúa Trời, ngày Chúa đổ thạnh nộ lớn trên tuyển dân Y-sơ-ra-ên và dân ngoại (Giô-ên 1:15; 3:1-2; A-mốt 5:18; Áp-đia 15; Sô-phô-ni 1:7-8; Xa-cha-ri 14:1; Ma-la-chi 4:5; Ê-sai 13:6; 34:2).

Trong Tân Ước, từ “Ngày của Chúa” được Phao-lô dùng nói đến sự hiện ra của Chúa Giê-xu (1Tês 5:2). Các nhà giải kinh cho rằng từ nầy đồng nghĩa với “Ngày Đức Giê-hô-va” trong Cựu Ước, tức chỉ về ngày Chúa giáng tai vạ trên thế gian (2Tês 2:1-4; Khải 3:10). Đó là ngày mà trong sự hiện thấy, sứ đồ Giăng thấy bảy bát thạnh nộ đổ xuống đất (Khải 16).

b. Ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ (Phil 1:6):

Chỉ về ngày Đấng Christ hiện đến giải cứu và tiếp đón Hội Thánh về nơi vinh hiển Ngài (1Tês 1:7-10; 4:16-17). Sự khác nhau giữa ngày của Đức Giê-hô-va và ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ có thể được thấy trong những điểm sau đây.

– Cả hai “Ngày của Đức Giê-hô-va”“Ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ” đều thuộc về tương lai.

– Ngày của Đức Giê-hô-va có liên quan đặc biệt với quốc gia Y-sơ-ra-ên và người chẳng tin trên đất. Ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ có liên quan đặc biệt với người tin, tức là Hội Thánh Ngài trong thế gian.

– Ngày của Đức Giê-hô-va có tính cách khủng khiếp, run sợ. Ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ có tính cách hân hoan, mừng rỡ.

Nói đến hai ngày quan trọng nầy, một vấn đề có thể nêu lên là: Hội Thánh sẽ được cất lên trời khi nào? Trước hay sau ngày của Đức Giê-hô-va?

Có ba quan điểm khác nhau về thời điểm của biến động Hội Thánh được cất lên trời.

(1) Quan điểm cuối cơn đại nạn: Cho rằng Hội Thánh sẽ được cất lên trời sau thời gian đại nạn (Khải 3:10). Nghĩa là ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ sẽ đến sau ngày của Đức Giê-hô-va.

(2) Quan điểm giữa cơn đại nạn: Cho rằng Hội Thánh sẽ được cất lên trời vào gần cuối của cơn đại nạn, là thời gian An-ti-christ hành quyền trên thế gian, và Hội Thánh sẽ phải trải qua một phần của sự bách hại như được nói đến trong Khải 7:9-17; 11:3-13. Điều đó có nghĩa là ngày của Đức Chúa Giê-xu sẽ xảy ra giữa hoặc gần cuối ngày của Đức Giê-hô-va.

(3) Quan điểm trước cơn đại nạn: Cho rằng ngày Đức Giê-hô-va có liên quan với dân Do Thái mà thôi (Giê-rê-mi 30:7), còn Hội Thánh là những người được cứu chuộc trong Đấng Christ, nên cũng được giải cứu khỏi cơn đoán xét của Đức Chúa Trời (1Tês 5:9).

Sự khác nhau của ba quan điểm trên là do cách giải nghĩa khác nhau của các nhà giải kinh về tuần lễ thứ 70 trong sự hiện thấy của tiên tri Đa-ni-ên (9:24-27). Các nhà giải kinh theo văn tự cho rằng tuần lễ thứ 70 tức là thời dấy lên của An-ti-christ chỉ có liên quan đến tuyển dân Y-sơ-ra-ên mà thôi, nên tin rằng Hội Thánh sẽ được cất lên trước ngày của Đức Giê-hô-va, tức trước kỳ đại nạn. Nhưng trong các nhà giải kinh Tin Lành cũng có một số tin rằng Hội Thánh sẽ trải qua một phần khổ nạn trong thế gian trước khi được tiếp về trời, như Lời Chúa Giê-xu đã nói trước về sự chịu khổ của Hội Thánh trong thế gian. Tuy nhiên Ngài cũng có lời hứa về sự giải cứu (Giăng 16:33; Khải 3:10).

Tóm lại, không thể xác định cách rõ ràng về thời điểm của ngày Đức Giê-hô-va, và ngày của Đấng Christ. Vì cả hai ngày này còn trong dự ngôn, chưa được ứng nghiệm. Tuy nhiên có nhiều dẫn chứng Kinh Thánh bày tỏ về ngày Đấng Christ sẽ đến trước khi An-ti-christ hành quyền trên đất, và Đức Thánh Linh dừng công việc của Ngài trong sự ngăn chặn người đại ác. Trong lời giải đáp của sứ đồ Phao-lô cho các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca khi họ nghĩ rằng ngày tai họa của Chúa đã đến, và lo sợ bị bỏ lại, cho chúng ta thấy Đấng Christ sẽ đến trước khi An-ti-christ cai trị thế gian (2Tês 1:5-7; 2:1-8). Vì vậy, với niềm tin trong Lời Kinh Thánh, chúng ta biết rằng Hội Thánh Chúa chắc sẽ được cứu trong ngày thạnh nộ của Đức Chúa Trời, và được tiếp đi với Đấng Christ trong sự vui mừng.

B. CÁC BIẾN ĐỘNG TRONG SỰ TIẾP RƯỚC HỘI THÁNH.

1. Diễn biến về sự hiện đến của Chúa.

Sự hiện đến của Chúa để tiếp đón Hội Thánh sẽ xảy ra cách thình lình và nhanh chóng, với tiếng kêu lớn, tiếng của thiên sứ và tiếng kèn của Đức Chúa Trời (1Tês 4:16; Ma-thi-ơ 24:27). Tại sao xảy ra cách thình lình và nhanh chóng? Vì thì giờ Chúa đến là kín nhiệm, cho nên sự hiện đến của Chúa là điều không ai có thể biết trước. Mục đích của sự thình lình và nhanh chóng nầy là để cảnh tỉnh con cái Chúa chuẩn bị sẵn sàng đi với Chúa bất cứ lúc nào.

Ba tiếng kêu lớn mở đầu cho biến động hiện đến của Chúa có nghĩa gì?

– Tiếng kêu lớn, chỉ về tiếng gọi của mạng lịnh. Như tiếng kêu lớn của Chúa Giê-xu truyền lịnh cho La-xa-rơ ra khỏi mồ mả. Ngài là Đấng truyền lịnh người chết sống lại và làm nên sự đoán xét mọi người trong ngày sau rốt (Giăng 5:28-29).

– Tiếng của thiên sứ lớn: Thiên sứ lớn có thể ám chỉ thiên sứ trưởng Mi-chên (Giu-đe 9; Khải 12:7). Tiếng kêu của thiên sứ trưởng là tiếng gọi tập họp các thiên sứ để sẵn sàng thi hành mạng lịnh của Chúa. Điều nầy cho thấy thiên sứ đóng vai trò quan trọng trong sự nhóm họp người được chọn khắp mọi nơi trên đất khi Chúa hiện ra (Ma-thi-ơ 24:31).

– Tiếng kèn của Đức Chúa Trời: Đối với người Do Thái, tiếng kèn của Đức Chúa Trời được hiểu theo hai nghĩa: Chỉ về ngày đoán xét của Chúa, và cũng chỉ về ngày giải cứu của Chúa.

Tóm lại, ba tiếng kêu nói trên đã diễn tả biến động diệu kỳ về sự đến của Chúa, với lời tuyên bố của Đức Chúa Trời, sự thể hiện của Đấng Christ và sự thừa hành của các thiên sứ thánh trong sự tiếp đón Hội Thánh về trời.

Về sự hiện đến của Chúa Giê-xu, một câu hỏi có thể nêu lên là: Ngài có ngự xuống mặt đất hay chỉ hiện ra trên không trung?

Trong 1Tês 4:16-17: “…Thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống… tại nơi không trung mà gặp Chúa”. Hai câu Kinh Thánh nầy ám chỉ trong sự tái lâm, Chúa Giê-xu từ trời (Thiên đàng) hiện xuống nơi không trung và tại đó Hội Thánh được cất lên để gặp Chúa.

2. Các biến động xảy ra khi Hội Thánh được cất lên.

Trong ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ, tức là sự hiện ra của Ngài, có năm biến động liên quan đến Hội Thánh:

a. Người tin đã chết được sống lại.

Luật sự sống được nghiệm đúng cho người tin: Vì Đấng Christ là trái đầu mùa của sự sống lại (1Côr 15:20-23; 1Tês 4:16).

b. Người tin còn sống được biến hóa.

Đây là lẽ mầu nhiệm được Phao-lô bày tỏ trong 1Cô-rinh-tô 15:51-52. Sự kiện xảy ra cách kỳ diệu chỉ “trong nháy mắt”. Chữ “nháy mắt” trong nguyên văn Hy-lạp là atomos, nghĩa đen là nguyên tử, chỉ về một thời gian thật nhỏ không thể phân chia. Người chết sống lại được mặc lấy thân thể vinh hiển thể nào thì người còn sống, thân thể cũng được biến hóa vinh hiển thể ấy. Đây là giờ phút vinh diệu nhất của người tin về sự giải cứu khỏi sự hư mất của thân thể để bước vào sự sống vĩnh cửu với Chúa. Đây là giờ phút ứng nghiệm hoàn toàn Lời Kinh Thánh: “Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng”, và sự đắc thắng nầy là do chính Chúa Giê-xu chúng ta (1Côr 15:55-57).

Trong sự sống lại của người tin, các thánh trong thời Cựu Ước có được sống lại và cùng Hội Thánh tiếp rước lên trời không?

Có hai quan điểm trả lời cho câu hỏi trên. Một số các nhà giải kinh cho rằng những người chết trong Chúa, hoặc các thánh đồ trong thời Cựu Ước hay người tin trong thời Tân Ước đều được sống lại và được tiếp lên trời. Đó là “sự sống lại tốt hơn”, sự sống lại của người công nghĩa mà các thánh xưa hằng mong đợi bởi đức tin trong Đấng Christ (Hê-bơ-rơ 11:15-16,35; Lu-ca 14:14; Ê-phê-sô 4:8). Và Hội Thánh Đấng Christ gồm những người tin, cả dân Do Thái lẫn người ngoại bang. Cho nên, các thánh thời Cựu Ước cũng được dự phần vào Hội Thánh Ngài.

Tuy nhiên, một số nhà giải kinh khác cho rằng, chỉ những người tin Chúa trong thời Tân ước được sống lại và được tiếp lên trời, còn các thánh trong thời Cựu Ước sẽ sống lại vào thời điểm Đấng Christ tái lâm lập nước ngàn năm bình an (Đa-ni-ên 12:2-3; Ê-sai 26:19; Khải 20:3-5).

c. Hội Thánh được cất lên trời để gặp Chúa (1Tês 4:17).

Động từ “cất lên” trong nguyên văn Hy-lạp là harpazò. Chữ nầy có nghĩa đen chỉ về sự cuốn đi của một cơn bão. Nghĩa bóng chỉ về sự tiếp lên trời để gặp Chúa và được Ngài đón tiếp. Đó là một đại gia đình sum họp, vui mừng và được sống bên Chúa mãi mãi.

Điều này cho thấy Chúa Giê-xu thành tín với lời hứa của Ngài (Giăng 14:3).

d. Chúa xét đoán công việc của tín đồ (2Côr 5:10).

Sự xét đoán không phải để hình phạt, nhưng để quở trách người bê trễ, và ban thưởng cho người trung tín hầu việc Chúa (1Côr 3:11-15).

e. Lễ cưới Chiên Con (Khải 19:7-9).

Đây là cao điểm trong sự hiện ra của Đấng Christ. Trong trần gian, Hội Thánh là “Cô dâu”, được Đức Thánh Linh sửa soạn với những nét đẹp của sự tinh sạch tuyệt vời, và được trang điểm bởi chiếc áo công nghĩa sáng láng, để sẵn sàng ra mắt Tân lang trong lễ cưới Chiên Con. Đó là giờ phút Đấng Christ tiếp nhận Hội Thánh như món quà quí giá từ Chúa Cha, để Hội Thánh được trở nên “Vợ” yêu dấu của Ngài, được hưởng sự vinh hiển của Ngài mãi mãi, và được trị vì với Ngài trong nước ngàn năm bình an (Khải 20:6).

B. MỤC ĐÍCH CỦA SỰ TIẾP RƯỚC HỘI THÁNH LÊN TRỜI.

1. Để làm trọn sự cứu rỗi toàn diện của Ngài, gồm có sự cứu chuộc linh hồn khỏi quyền lực của tội lỗi trong hiện tại, và sự giải cứu thân thể khỏi sự chết trong tương lai (Rô 8:23; Hê-bơ-rơ 9:28). Điều này thấy rõ trong việc khiến người tin đã chết sống lại, và biến hóa thân thể người tin còn sống.

2. Để làm thành lời hứa về sự trở lại tiếp rước người tin vào trong Nước Ngài; và ban thưởng cho người trung tín hầu việc Ngài (Giăng 14:3; Khải 2:10; 22:12).

3. Để làm vinh hiển Hội Thánh, như trong lễ cưới Chiên Con (Rô-ma 8:30).

Những điểm trên có liên quan đến chương trình Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi và thành lập Hội Thánh. Sự kiện tiếp rước Hội Thánh về trời để trở nên Tân phụ của Đấng Christ, đánh dấu việc hoàn tất mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi và thành lập Hội Thánh, để bày tỏ sự giàu có của ân điển vô hạn Ngài trong Chúa Giê-xu, để danh Ngài mãi mãi được tôn vinh, chúc tụng (Ê-phê-sô 2:6-7; Khải 5:13).

Tóm lược.

1. Ngày Chúa hiện ra tiếp đón Hội Thánh cũng được gọi là ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ. Khác với ngày của Chúa hay là ngày Đức Giê-hô-va là ngày giáng thạnh nộ trên thế gian.

2. Trong sự hiện đến của Chúa, trước hết Ngài hiện ra ở không trung để tiếp đón Hội Thánh.

3. Có 5 biến cố xảy ra trong sự tiếp đón Hội Thánh. Người tin đã chết được sống lại trong thân thể được biến hóa, thân thể của người tin hiện sống sẽ được biến hóa, Hội Thánh được cất lên trời gặp Chúa, sự xét đoán và ban thưởng; và lễ cưới Chiên Con.

4. Mục đích tiếp đón Hội Thánh là để giải cứu người tin khỏi sự chết của thân thể, để bước vào sự sống vĩnh cữu, để làm thành lời hứa về sự sắm sẵn chỗ ở cho người tin, và về sự ban thưởng cho người trung tín, để làm cho Hội Thánh được vinh hiển trong quyền năng vô hạn của Đấng Christ.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. Giô-ên 1:15;3:1-2; A-mốt 5:18; Áp-đia 15; Sô-phô-ni 1:7-8; Xa-cha-ri 14:1; Ma-la-chi 4:5; Ê-sai 12:6; 34:2; 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-2; 2Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-4: “Ngày của Chúa” hay “Ngày của Đức Giê-hô-va” có nghĩa gì?

b. Phi-líp 1:6; 1Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-10; 4:17: “Ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ” có nghĩa gì?

2. Qua ý nghĩa tìm thấy trên, chúng ta nghĩ Hội Thánh được tiếp lên trời trước ngày của Chúa hay sau ngày của Chúa?

3. a. 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; 5:2: Sự hiện đến của Chúa được xảy ra như thế nào? Tại sao?

b. Thiên sứ đóng vai trò gì trong sự hiện đến của Ngài? (Ma-thi-ơ 24:31).

4. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau và ghi nhận những sự kiện xảy ra trong sự hiện đến của Chúa Giê-xu: 2Tê-sa-lô-ni-ca 4:16c, 1Côr 15:51-52, 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:17, 2Cô-rinh-tô 5:10, Khải 19:7-9.

5. Xin tìm hiểu ý nghĩa của mỗi sự kiện xảy ra trong sự hiện đến của Chúa (Xem thêm Rô-ma 8:23; 1Cô-rinh-tô 15:53-57; 1Tê-sa-lô-ni-ca 1:8-10; Khải Huyền 20:6).

6. Cho biết mục đích của sự tiếp đón Hội Thánh (Hê-bơ-rơ 9:28; Rô 8:30).

7. Những mục đích trên cho thấy sự tương quan thế nào với mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi và thành lập Hội Thánh?

8. Cho biết những điểm quan trọng về sự tiếp rước Hội Thánh về trời.

9. Nếu Chúa đến hôm nay, bạn có được tiếp đi để gặp Chúa hay bị để lại? Vì sao bạn biết?

 

 

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 01.02.2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 01.02.2015

in Thanh niên on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 01.02.2015.

1. Đề tài: HÃY VÀO CỬA HẸP.

2. Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 7:13-14.

3. Câu gốc: “…Cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống” (Ma-thi-ơ 7:14a).  

4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.

5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Truyền giảng.

1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:

a. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Câu gốc, bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng tiền, đọc bài cầu nguyện chung…

b. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin Lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…

2. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…

3. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

HÃY VÀO CỬA HẸP.

Đây là lời mời gọi của Chúa Giê-xu khi Ngài còn ở thế gian. Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ…

I. CỬA HẸP LÀ GÌ?

Cửa hẹp là cửa có bề ngang quá nhỏ.

Khi chúng ta muốn vào thành nào hay nhà nào thì phải đi qua cánh cửa, khi chúng ta muốn vào Thiên đàng cũng vậy. Chúa Giê-xu ví cửa Thiên đàng hay các sự dạy dỗ của Ngài về Thiên đàng giống như cửa hẹp. Tại sao Ngài phán câu nầy? Có lẽ vì trong vòng các thính giả có người cho rằng đạo lý cùng các sự dạy dỗ của Chúa là khó quá, nên Ngài dùng điều nầy để khuyên lơn họ.

Người muốn vào cửa hẹp thì không thể vừa đội trên đầu, vừa mang gánh trên vai, vừa ôm trong lòng đủ các thứ hành lý, mà phải đi mình không và còn phải nép mình mà đi mới được. Cũng vậy, người muốn vào Thiên đàng, hay muốn theo Chúa thì phải bỏ khỏi mình những tội lỗi dễ vấn vương, những sự mê tham của mắt, của xác thịt và sự kiêu ngạo của đời, phải từ chối các điều ưa muốn của xác thịt mới được.

Bởi vậy xưa nay, có người cho rằng, theo Chúa là vào cửa hẹp và con đường quá chật vì phải bỏ các sự vui thú của trần gian. Họ ước ao tìm một tôn giáo nào cũng được, miễn là tự do làm những điều mình muốn, thỏa mãn sự ham muốn của tư dục mình. Đó là cửa rộng và đường khoảng khoát. Song Chúa Giê-xu biết đích đến của mỗi con đường, nên khuyên bảo rằng: “Hãy vào cửa hẹp!”

II. TẠI SAO NÊN VÀO CỬA HẸP?

Duyên cớ nào mà ta nên vào hay phải chọn lấy cửa hẹp?

Vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất”. Lẽ tự nhiên ai cũng muốn vào cửa rộng và đi trên con đường khoảng khoát, vì tại đó họ thấy dễ chịu. Nghĩa là theo con đường này thì họ được tự do sống theo tư dục, phóng túng, hoang đàng, thời gian đầu xem dường như sung sướng lắm, thể xác lấy làm ưa thích. Song điểm cuối của con đường nầy là đưa họ đến sự hư mất, trầm luân đời đời trong hỏa ngục. Lời Chúa phán: “Vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:7b); “Đức Chúa Trời báo trả cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm” (Giê-rê-mi 17:10).

Dẫu có nhiều kẻ vào đó, song chớ thấy đông mà nghĩ là hay, là đúng. Chúng ta phải suy nghĩ: Con cá sống là con cá lội ngược dòng còn con cá chết là con cá trôi theo dòng nước. Chạy theo người khác, chạy theo hoàn cảnh thuận lợi đôi khi dẫn đến bại hoại, dẫn đến hư mất. Lời Chúa dạy: “Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người, nhưng cuối cùng nó thành ra cái nẻo sự chết” (Châm 16:25).

“Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống…”. Cửa hẹp và đường chật thật khó đi, vì lẽ đó ít có người chịu đi vào cửa hẹp và đường chật. Người chọn đi trên đường nầy gặp nhiều khó khăn về thể xác, song sự khó khăn nầy chỉ tạm thời trên đất. Còn về phần tâm linh, người đó sẽ hưởng được kết quả tốt đẹp nhất là được sự sống đời đời! Như vậy, lấy sự khó khăn tạm thời so với sự vinh hiển đời đời, ta nên chọn đi trên con đường hẹp là hơn. Vì chẳng có gì đáng sánh với sự tốt đẹp trong nước vinh hiển của Chúa. “Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự không thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (2Côr 4:16-18).

Bây giờ ta chịu khó gieo để tương lai được gặt. Bây giờ ta hãy chuẩn bị để tương lai được vui hưởng. Nếu không có tâm trí ấy thì trên đời nầy chẳng ai làm được một việc ích lợi nào cả.

“Mặc dầu kẻ kiếm được thì ít”.

Song khi biết rằng số ít người chọn đi trên con đường tốt đẹp thì ta nên chọn đi hơn, vì kết quả khả quan hơn. Ôi, ước gì mỗi người có mặt trong buổi nhóm nầy được dự phần vào số ít người ấy, vì là số Đức Chúa Trời lựa chọn làm dân sự của Ngài.

* Kết luận: Thưa quý vị! Đời người là một cuộc hành trình. Quý vị đang đi trên con đường nào? Lẽ nào quý vị cứ tiếp tục đi trên con đường khoảng khoát để đến sự hư mất linh hồn đời đời sao? Quý vị có muốn linh hồn mình trầm luân trong hỏa ngục, đời đời xa cách Đức Chúa Trời không? Nếu không, quý vị phải quay đầu lại, phải từ bỏ con đường cũ mà bước vào con đường mới, là con đường quý vị chọn tin Chúa Giê-xu để được sự cứu rỗi ngay hôm nay.

 

 

 

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 25.01.2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 25.01.2015

in Thanh niên on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 25.01.2015.

1. Đề tài: VẤN ĐỀ TUỔI TÁC.

  1. Kinh Thánh: Truyền Đạo 11:9; 12:1, 6-7, 13; Thi 91:16; 92:13-14.

3. Câu gốc: “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi 90:12).

4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 51-52- Ca Thương 1-3.

5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

– Chủ đề: VẤN ĐỀ TUỔI TÁC.

– Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ.

– Thời gian: 1h30’.

I. CHUẨN BỊ.

– Ban tổ chức cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu đố Kinh Thánh và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và dựa vào nội dung để tìm đến trạm. Sau khi thực hiện xong các yêu cầu của ban tổ chức, cả nhóm theo chỉ dẫn của mật thư thứ hai để đến trạm kế tiếp…

– Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.

– Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… mà ban viên đã quen thuộc, đồng thời phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật thư được giấu tại điểm đặt trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.

– Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường tùy theo địa điểm mỗi nơi.

– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.

– Kinh Thánh: Thông báo cho ban viên học thuộc lòng câu gốc tuần nầy và đọc trước Truyền Đạo 11:9; 12:1,6-7,13, Thi 91:16; 92:13-14.

II. THỰC HIỆN.

1. Thể lệ cuộc thi và cách chấm điểm.

                        a. Thể lệ cuộc thi.

– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.

– Đến trạm, phải sắp hàng ngay ngắn và báo cáo kết quả của trạm trước.

       – Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.

b. Cách chấm điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ……………. 10 điểm.

– Giải chính xác mật thư……………………………………. 10 điểm.

– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm………………………… 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất………………………………………… 10 điểm.

– Nội dung thảo luận thực hiện tốt………………………. 10 điểm.

2. Diễn tiến trò chơi.

                      a. Mở đầu.

       Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người, xếp hàng dọc theo mỗi nhóm, cử nhóm trưởng và thư ký nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: Vấn đề tuổi tác.

Thưa các bạn! Trong cuộc sống có hai điều con người thường lo sợ nhưng phải đối diện đó là sợ già và sợ chết. Thật ra, sự thêm lên của tuổi tác là lẽ đương nhiên của đời người. Tuy nhiên mỗi giai đoạn tuổi tác đều có giá trị và ý nghĩa nếu biết đặt mình trong bàn tay sử dụng của Đức Chúa Trời. Mời các bạn tham gia chương trình sinh hoạt hôm nay, để thấy được quan điểm của người đời và quan điểm của Cơ Đốc nhân về vấn đề tuổi tác.

       b. Xuất phát.

       Tất cả các nhóm phải tập trung tại điểm xuất phát. Ban tổ chức phổ biến thể lệ cuộc thi và mỗi nhóm cử ra một người, đại diện nhóm để “Vượt chướng ngại vật”.

(“Chướng ngại vật” là những câu hỏi do ban tổ chức soạn ra như: Vì sao con người sợ già, sợ chết? Cách nào để con người thoát khỏi sự sợ hãi nầy???)

Đại diện nhóm nào vượt qua được “chướng ngại vật” mới được nhận mật thư.

* Mật thư 1: HAYX DDOOCS TIMF NHAAN QUAN VEEF DDIEEMR TUOOIR CUAR TACS COO.

Ñ: Cóc nhảy hai lần.

Trạm 1.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

1. Theo thời gian, tuổi thọ con người như thế nào? Tại sao? (Sáng 5:27; 6:3; Thi 91:10).

2. Tiên tri Sa-mu-ên, Giê-rê-mi đã được Đức Chúa Trời kêu gọi hầu việc Chúa trong tuổi nào? (1Sa 3:1; Giê 1:6).

3. Trong tuổi nào Đa-vít, Đa-ni-ên đã được Chúa gọi làm công việc cho Ngài? (1Sa 16:11-13,18-23; 2Sa 5:3-4; Đa-ni-ên 1:8-17; 2:45).

4. Trong khoảng tuổi nào, Đức Chúa Trời dùng người Lê-vi hầu việc trong đền thờ? (Dân 4:2).

5. Tuổi lão niên có giá trị gì? Và được Chúa dùng trong công việc nào? (Phục Truyền 32:7; 21:20-21; Gia-cơ 5:14-15; 1Phi 5:1-2).

6. Con người theo tuổi tác được mô tả thế nào? Có sắc thái gì? (Truyền 12:3-5).

7. Song song với tuổi tác, Đức Chúa Trời có lời hứa gì cho con cái Ngài? Những lời hứa có nghĩa gì? (Thi 103:5; 92:13-14; Ê-sai 40:31; 46:4).

8. Tuổi tác với sự hao mòn thân xác bên ngoài, nhưng với Cơ đốc nhân, người bề trong như thế nào? (2Côr 4:16; 1Giăng 2:14-16).

* Mật thư 2:

 

 

TIMF QUYEETS THOAR TRONG TACS TUOOIR NGUYEENJ DDUOWCJ BIS

Ñ: Rắn ăn đuôi.

Trạm 2.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

1. Kinh Thánh có lời khuyên dạy gì cho người trẻ tuổi? (Châm 3:5-6; Truyền 11:9-10; 12:1-13; Giô-suê 1:8).

2. Các ngày chúng ta phải được sử dụng thế nào? (Thi 90:12; Êph 5:15-19).

3. Trong tuổi về hưu, tiên tri Sa-mu-ên làm gì? (1Sa 12:23-24).

4. Người trong tuổi lão niên nên biết điều gì? Và có thái độ nào? (Xuất 20:12; Thi 91:16).

X
K S
T F I
T J I O
S R T W O
A C I E O D
U O O I E U D
H A C S B I G S
W R V O O I S N H
T I M F X E M C A C

* Mật thư 3:

Ñ:

 

 

 

Trạm 3.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

1. Chúa dạy chúng ta có thái độ thế nào đối với người già cả? (Lê-vi 19:32; 1Phi 5:5).

2. Người lớn tuổi nên có thái độ thế nào đối với người trẻ tuổi? (1Tim 4:12-13).

3. Phao-lô dạy Ti-mô-thê điều gì? (1Tim 5:1-2).

4. Trong Hội Thánh, chúng ta nên đối xử với nhau như thế nào?

3. Kết thúc.

       Thưa các bạn!

       Người đời nhìn tuổi tác trong chiều hướng bi quan, nhưng người Cơ đốc nhìn trong chiều hướng lạc quan. Bởi vì người Cơ đốc biết rằng tuổi tác thể chất làm hao mòn con người bên ngoài, nhưng tuổi tác thuộc linh làm con người bề trong càng thêm tươi mới.

       Nguyện mỗi người chúng ta biết được những điều nầy để được thỏa nguyện qua các giai đoạn của đời sống và giúp đỡ những người có cái nhìn bi quan.

       – Cầu nguyện theo sự dạy dỗ.

– Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong cuộc sống chóng tàn, có hai điều con người hay lo sợ nhưng phải đối diện đó là sợ già và sợ chết. Một em bé chào đời… mới ngày nào mà đã trở thành một thiếu niên xinh đẹp như đóa hoa hồng chớm nở dưới nắng rực rỡ của buổi ban mai. Rồi đến tuổi thanh niên say sưa hướng nhìn về tương lai tươi đẹp, bận rộn trong giấc mơ xây dựng sự nghiệp… Rồi một ngày soi mình trước tấm gương, thấy mái tóc bắt đầu điểm bạc, da mặt nhăn nheo, báo hiệu tuổi về chiều sắp đến!

Thật ra, tuổi tác không phải là vấn đề, vì là lẽ đương nhiên của con người phải trải qua. Nhưng vấn đề là quan niệm của xã hội đối với tuổi tác và mặc cảm của con người trước tuổi tác. Trong xã hội văn minh kỹ nghệ, con người như bị đánh giá theo mức độ “sản xuất”. Khi người không còn sản xuất, thì kể là “vô dụng”, bị mặc cảm không đáng sống, chẳng khác nào bộ máy kia bị phế thải trong bóng tối!

Như thế trong niềm tin, người Cơ Đốc có quan điểm gì về tuổi tác? Và có thái độ nào đối với mỗi giai đoạn của tuổi tác, để cuộc sống được vui thỏa, có ý nghĩa thật sự?

I. DẪN GIẢI.

A. TUỔI TÁC TRONG QUAN ĐIỂM CỦA CƠ ĐỐC NHÂN.

Cuộc sống con người là cuộc sống được gắn liền với tuổi tác. Từ khi sinh ra đã bắt đầu tính tuổi và khi cuộc đời chấm dứt cũng được tính với số tuổi thọ. Mặc dầu tuổi thọ ít hay nhiều, nhưng thời gian sống trên đất vẫn mang một ý nghĩa và giá trị cho mục đích của sự chào đời do Chúa định.

Cho dù sự tiến bộ của khoa học có thể kéo dài đời sống con người thêm một khoảnh khắc nào đó, tuy nhiên, cuộc sống con người vẫn là cuộc sống ngắn ngủi. Tuổi thọ của con người nói chung, thực ra là giảm dần vì sự gia tăng của tội lỗi theo như sự bày tỏ của Kinh Thánh (Sáng 5:27, 6:3; Thi 90:10). Đời sống chóng tàn của con người được Đa-vít mô tả trong hình ảnh của đời sống cây cỏ. Đời người về phương diện tuổi tác có thể được phân chia chi tiết trong năm giai đoạn như: Thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, trung niên và lão niên, hay theo cách tính tổng quát của Kinh Thánh gồm ba hạng tuổi: Thiếu niên, thanh niên và phụ lão (1Giăng 2:12-14). Như chu kỳ của cây cỏ, tăng trưởng, ra hoa và tàn héo, đời sống con người cũng trải qua tuổi trẻ, tuổi thanh xuân, tuổi già nua và cuối cùng là sự chết. Cây cỏ chịu luật đào thải của thiên nhiên và con người chịu định luật của sự chết. Vì vậy người ta sợ tuổi tác, sợ già, sợ bị xã hội loại bỏ vì vô dụng, bị đời quên lãng vì tàn tạ! Nhưng Đức Chúa Trời có cái nhìn thế nào với tuổi tác con người?

1. Giá trị của tuổi tác.

Theo sự ghi nhận của Kinh Thánh cho thấy mỗi giai đoạn tuổi đều có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài đã kêu gọi Sa-mu-ên, Giê-rê-mi làm tiên tri từ lúc còn thiếu nhi (1Sa 3:1; Giê 1:6). Ngài đã dùng các thanh niên để làm công việc lớn lao cho danh Ngài như Đa-vít, Đa-ni-ên và các người Lê-vi (1Sa 16:11-13,18-23; 2Sa 5:3-4; Đa-ni-ên 1:8-17; 2:4; Dân Số Ký 4:2). Cũng như Ngài dùng những lão niên trong việc xét xử dân Y-sơ-ra-ên thời Cựu Ước, và trong sự chăm sóc Hội Thánh Chúa ngày nay (Phục 21:20-21; Gia-cơ 5:14-15; 1Phi 5:1-2). Môi-se, nhà lãnh đạo số một của Y-sơ-ra-ên đã được Chúa dùng từ tuổi 80 đến 120 tuổi. Tuổi thiếu nhi được Chúa Giê-xu khen ngợi về lòng đơn sơ khiêm nhu (Mat 18:3-4). Tuổi thanh xuân là tuổi cao điểm của đời người với sức mạnh như “chim ưng” và tài năng chớm nở, là tuổi đầy nhiệt huyết, có khả năng để làm công việc lớn. Tuổi lão niên là tuổi giàu kinh nghiệm và khôn ngoan trong cuộc sống để chia sẻ (Phục 32:7). Như vậy mỗi giai đoạn tuổi tác đều có giá trị nếu đặt trong bàn tay sử dụng của Chúa.

Ông W.A. Criswell nhà lãnh đạo của Hội Báp-tít Miền Nam, đã tin Chúa lúc 10 tuổi và trở thành mục sư lúc 17 tuổi. Ông đã giảng bài giảng đầu tiên tại nhà thờ Dallas, Texas vào năm 1944. Từ đó Hội Thánh tăng trưởng cách lạ lùng, số tín hữu từ 7.800 lên đến 20.500. Cũng như John Wesley vẫn còn đi giảng Tin Lành và viết sách lúc 88 tuổi.

2. Lời hứa thêm sức của Chúa.

Trong một phương diện, Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy hình ảnh thực sự của con người bên ngoài suy tàn theo thời gian tuổi tác như trong sự diễn tả của nhà truyền đạo Sa-lô-môn:

“Vì ai cũng vậy, sẽ đến lúc sức mạnh hao mòn với tuổi tác, chân tay run rẩy, lưng khòm cúp, răng rụng dần không còn đủ để nhai, mắt mờ đi, lúc ăn môi phải mím chặt vì răng không còn, giọng nói yếu ớt thều thào; trong giấc ngủ dễ bị đánh thức, dù chỉ bởi tiếng chim hót lúc rạng đông; sợ không dám lên cao, đi đứng dễ ngã, tóc bạc phơ, người khô héo cằn cỗi, tình dục tắt ngấm, và cứ thế đi dần vào cõi chết là nơi ở ngàn thu; rồi những người thân khóc thương khi đưa đám tang qua các đường phố” (Truyền 12:3-5 BDY).

Tuy nhiên Kinh Thánh cũng có lời hứa “hồi xuân” thật kỳ diệu của Chúa cho người hao mòn vì tuổi tác và Ngài sẽ chăm sóc họ: “Ngài cho miệng người được thỏa các vật ngon. Tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng hoàng… Dầu đến buổi già bạc, họ sẽ còn sanh bông trái, được thạnh mậu và xanh tươi… Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng… Hãy nghe ta đã gánh vác các ngươi từ lúc mới sanh, bồng ẵm từ trong lòng mẹ. Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng ẵm các ngươi” (Thi 103:5; 92:14; Ê-sai 40:31; 46:3b,4).

Vì vậy, với lời hứa của Chúa, trong sự hao mòn của tuổi tác, người Cơ Đốc luôn nhận được sức sống của Chúa, khiến người bề trong càng thêm tươi mới, được trưởng thành về mặt thuộc linh với sự sanh bông trái Thánh Linh phản chiếu vẻ đẹp vinh quang của Thiên đàng (2Côr 4:16; 1Giăng 2:14-16). Cho nên, tuổi lão niên của người tin kính Chúa không phải là tuổi cạn tắt, nhưng là tuổi đầy trọn và tuôn trào. Dù bên ngoài tóc bạc, da đồi mồi, nhưng tóc bạc vẫn đẹp, là vinh hạnh, vì “tóc bạc là mão triều thiên vinh hiển, miễn là thấy ở trong đường công bình” (Châm 16:31).

Tóm lại, tuổi tác trong cái nhìn của người đời thật là bi quan, với sự tàn tạ và vùi sâu trong lòng đất lạnh! Nhưng tuổi tác trong cái nhìn của Cơ Đốc nhân là cái nhìn lạc quan. Người đời bi quan vì thấy sự hao mòn của con người theo tuổi tác, nhưng người Cơ đốc lạc quan vì biết được giá trị của mỗi giai đoạn tuổi tác trong mục đích tốt lành của Chúa và sự tươi mới càng thêm của con người bề trong vượt qua tuổi tác bởi ân sủng của Chúa. Vì vậy, chúng ta không bi quan với vấn đề tuổi tác, như Bosch nói rằng: “Đối với Cơ Đốc nhân, tuổi già là tuổi tiền phong của tuổi xuân bất diệt”. Nét bi quan về tuổi tác của người đời và nét lạc quan về tuổi tác của người Cơ Đốc được thấy rõ trong hai bài thơ sau đây:

Đời tôi như chiếc lá mùa thu,

Những bông trái yêu đã qua rồi!

Chỉ có sâu bọ gặm mòn và buồn thảm,

Và còn lại tôi một bóng đơn côi.

(Bá tước Byron lúc 37 tuổi).

Tôi đã trải qua mùa xuân của cuộc đời.

Tôi đã chống trả với sức nóng của mùa hạ.

Tôi đã hái trái của mùa thu.

Và bây giờ tôi vẫn kiên trì với tiết lạnh của mùa đông.

Nhưng chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ tiến gần đến mùa xuân bất tận.

Ha-lê-lu-gia!

(Adam Clark, lúc tuổi già nua).

B. BÍ QUYẾT ĐƯỢC THỎA NGUYỆN TRONG TUỔI TÁC.

1. Những vấn đề trong các giai đoạn tuổi tác.

Mỗi giai đoạn tuổi có điểm ưu, cũng như có vấn đề trong nhiều khía cạnh. Sau đây chúng ta lần lượt tìm hiểu:

a. Tuổi thiếu nhi: Đây là giai đoạn có thể nói là “lý tưởng” vì rất đơn sơ, hồn nhiên, không bận tâm về tiền bạc, tấm lòng rất thuận lợi cho sự gieo đạo sự sống, cần tình thương của xã hội và gia đình.

b. Tuổi thiếu niên: Tuổi nông nổi, có nhiều khủng hoảng nội tâm, vì ở giai đoạn chuyển đến tuổi trưởng thành, có sự thay đổi về cơ thể, tâm lý và tính tình. Tuổi thích tự do, xã giao bạn bè, muốn làm người lớn, hay chán nản, một vấn đề là hay nói dối… và cần tiền xài.

c. Tuổi thanh niên: Tuổi trưởng thành, thích tự do, tự lập, lý tưởng phục vụ Chúa. Vài nhược điểm là hay tự ái, hay cậy mình, khó vâng phục thẩm quyền là vấn đề của tuổi nầy! Có thể thành công trong việc học, nghề nghiệp, bạn bè… đôi lúc bị khủng hoảng về tài chánh.

d. Tuổi trung niên: Là tuổi có thể nói là “vững” về sự trưởng thành thuộc linh, kinh nghiệm trong nghề nghiệp và trong sự giao tế xã hội. Nhưng cũng có thể bị gãy đổ trong gia đình. Có những khủng hoảng khác nhau trong tuổi này. Về cơ thể, bệnh tật có thể xâm nhập, dễ lên cân. Về tâm lý, tính tình cũng thay đổi thất thường như hay buồn, hay giận, nóng nảy, hoặc có người trở lại “tuổi hồi xuân” vui vẻ, màu mè. Về tâm linh, có thể bị cám dỗ về tội lỗi không chung thủy. Theo một thăm dò gần đây cho biết trung niên ở tuổi từ 54-63, người nam phạm tội ngoại tình với tỷ số cao nhất là 37% so với phụ nữ chỉ có 12,4%, nhưng tỷ số này trong vòng người đi nhà thờ thường xuyên chỉ có 2,3%.

e. Tuổi lão niên: Tuổi này giàu kinh nghiệm sống đạo, sống đời thường. Cơ thể suy yếu, những bệnh tật thường phát sinh như khó thở, mắt mờ, tai nặng, huyết áp cao, đau khớp xương, yếu thận, hay quên… Giao tế bị thu hẹp. Về tâm lý cần tình yêu thương. Tính tình cũng thay đổi, có thể là tự ái, mặc cảm, khó tính… Tài chính cũng có thể là vấn đề nếu không có sự đề phòng khi có chuyện khẩn cấp.

2. Những nguyên tắc để được thỏa nguyện trong tuổi tác.

Sự phân tích trên và những nguyên tắc sau đây giúp chúng ta trau dồi hoặc chuẩn bị cho mỗi giai đoạn của tuổi tác để đời sống thật sự được thỏa nguyện trong ơn Chúa.

a. Tìm kiếm Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa trong lúc còn tuổi trẻ (Truyền 12:1): Vì tìm kiếm Đấng Tạo Hóa là tìm kiếm nguồn sống thật. Khi nguồn sống này được vun trồng trong tuổi thiếu nhi, thì sẽ cứ mãi tuôn tràn qua các giai đoạn tuổi tác, làm cho con người bề trong càng thêm tươi mới, làm nghịch đảo định luật hao mòn của tuổi tác bên ngoài. Chính nhờ nguồn sống dư dật của Chúa bên trong mà chúng ta được sự sung mãn qua mọi giai đoạn của cuộc sống. Thiếu điều căn bản này, cho dù bên ngoài chúng ta có đầy đủ vật chất, nhưng vẫn không bao giờ thỏa lòng.

b. Kính sợ Đức Chúa Trời và vâng giữ điều răn Ngài (Truyền 12:12-13). Vì kính sợ Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan (Châm 1:7), để giúp chúng ta biết cuộc sống có giá trị thật. Với sự kính sợ Chúa giữ người trẻ tuổi khỏi sự vấp ngã trong tội lỗi khi vui chơi, giữ người lớn tuổi khỏi sự ngã lòng trong sự cám dỗ (Truyền 11:9-10).

c. Học biết và cẩn thận làm theo Lời Chúa (Giô-suê 1:8): Để được thành công trong mỗi giai đoạn của cuộc sống.

d. Hết lòng tin cậy Chúa trong mọi sự (Châm 3:5-6): Để giúp người trẻ tuổi khỏi tự phụ, tự ái, biết nương dựa sức Chúa, hầu đời sống được thành công phước hạnh trong ơn Chúa.

e. Khôn ngoan trong sự sử dụng thì giờ (Thi 90:12; Êph 5:15-19): Sự biết tận dụng thì giờ cho mục đích thiên thượng sẽ giúp chúng ta tránh khỏi những trống vắng, chán nản, nhưng tìm được niềm vui và ý nghĩa của mỗi giai đoạn trong cuộc sống. Như tiên tri Sa-mu-ên đã từng dùng thì giờ về hưu của ông để cầu thay cho dân Y-sơ-ra-ên (1Sa 12:23-24).

f. Hãy chấp nhận và sống vui với mỗi giai đoạn của tuổi tác.

Với tuổi trẻ, hãy vui vẻ hồn nhiên trong sự nhìn biết Đấng Tạo Hóa. Với tuổi thiếu niên, chúng ta hãy vui thỏa trong tuổi trẻ tươi đẹp, nhưng đừng quên kính sợ Chúa và vâng giữ điều răn Ngài. Với tuổi thanh xuân, hãy vui mừng trong đời sống tươi đẹp, nhưng đừng quên dâng tài năng phục vụ Chúa. Và cũng hãy chuẩn bị cho tuổi về hưu, thực tế là “quỹ hưu trí”! Với tuổi già nua, hãy xem đó là sự ban phước của Chúa (Thi 91:16). Đừng quá lo sợ sự tàn tạ bên ngoài, hãy ôn lại ơn phước Chúa cho, kinh nghiệm sống đạo và chia sẻ, khuyến khích con cháu trong niềm tin. Hãy làm cho chuỗi ngày hưu hạ của mình trở thành tươi vui và ý nghĩa đầy trọn.

C. SỰ ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI KHÁC BIỆT TUỔI TÁC.

1. Kính trọng người cao tuổi: Đây là lễ phép cần có trong người trẻ tuổi. Đây là mạng lịnh Chúa dạy cho dân sự Ngài (Lê 19:32). Sứ đồ Phi-e-rơ và Phao-lô cũng đã nhắc nhở người trẻ tuổi về sự vâng phục các trưởng lão trong Hội Thánh (1Phi 5:5; 1Tim 5:1-2).

2. Người cao tuổi biết quý trọng người trẻ tuổi: Đáp lại người trẻ tuổi phải có tư cách xứng đáng với sự quý trọng ấy.

Hai điều trên sẽ tạo nên sự cảm thông với nhau và nối liền khoảng cách giữa người khác biệt tuổi tác, đem lại sự hiệp một trong vòng con cái Chúa như trong một đại gia đình.

Tóm lược.

1. Người đời nhìn tuổi tác trong chiều hướng bi quan. Nhưng Cơ đốc nhân nhìn tuổi tác trong chiều hướng lạc quan.

2. Mỗi giai đoạn tuổi tác đều có giá trị và ý nghĩa trong bàn tay sử dụng của Đức Chúa Trời.

3. Tuổi tác thể chất làm hao mòn con người bên ngoài. Nhưng tuổi tác thuộc linh làm con người bề trong càng thêm tươi mới.

4. Những nguyên tắc để được thỏa nguyện qua các giai đoạn của đời sống: (1) Tìm kiếm Đấng Tạo Hóa khi còn trẻ. (2) Kính sợ và giữ điều răn Chúa. (3) Học và làm theo Lời Chúa. (4) Hết lòng tin cậy Chúa. (5) Khôn ngoan sử dụng thì giờ. (6) Chấp nhận và vui sống trong mỗi giai đoạn của tuổi tác.

5. Kính trọng, quý trọng và thông cảm là cách đối xử với người khác biệt tuổi với nhau.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.

1. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. Sáng Thế Ký 5:27; 6:3; Thi Thiên 91:10: Theo thời gian, tuổi thọ con người như thế nào? Tại sao?

b. 1Giăng 2:12-14: Kinh Thánh nói đến ba hạng tuổi nào của đời người?

c. Thi Thiên 103:15-16: Đời người được ví sánh như thế nào? Với sự ví sánh này, các giai đoạn tuổi của con người có thể mô tả trong hình ảnh nào của đời sống hoa cỏ?

d. 1Sa-mu-ên 3:1; Giê-rê-mi 1:6: Tiên tri Sa-mu-ên, Giê-rê-mi đã được Đức Chúa Trời kêu gọi hầu việc Chúa trong tuổi nào?

e. 1Sa-mu-ên 16:11-13, 18-23; 2Sa-mu-ên 5:3-4; Đa-ni-ên 1:8-17; 2:45: Trong tuổi nào Đa-vít, Đa-ni-ên đã được Chúa gọi làm công việc gì cho danh Ngài?

g. Dân Số Ký 4:2: Trong khoảng tuổi nào, Đức Chúa Trời dùng người Lê-vi hầu việc trong đền thờ?

h. Phục Truyền 32:7; 21:20-21; Gia-cơ 5:14-15; 1Phi 5:1-2: Tuổi lão niên có giá trị gì, và được Chúa dùng trong công việc nào?

i. Châm Ngôn 16:31: Tóc bạc của người già được diễn tả thế nào? Có nghĩa gì?

j. Truyền Đạo 12:3-5: Con người theo tuổi tác bên ngoài được mô tả thế nào? Có sắc thái gì?

k. Thi Thiên 103:5; 92:13-14; Ê-sai 40:31; 46:4: Song song với tuổi tác, Đức Chúa Trời có lời hứa gì cho con cái Ngài? Những lời hứa có nghĩa gì?

l. 2Cô-rinh-tô 4:16; 1Giăng 2:14-16: Tuổi tác với sự hao mòn thân xác bên ngoài, nhưng với Cơ đốc nhân, người bề trong như thế nào? Điều này có nghĩa gì?

2. Qua sự ghi nhận trên, chúng ta nhận thấy mỗi giai đoạn tuổi có giá trị gì? Xin diễn tả tuổi tác trong quan điểm của Cơ Đốc nhân. So sánh cái nhìn của người đời và của Cơ Đốc nhân về tuổi tác.

3. Theo bạn, mỗi giai đoạn tuổi cần được trau dồi và chuẩn bị thế nào về mọi phương diện để được thỏa nguyện trong cuộc sống?

4. Ê-phê-sô 5:15-19: Các ngày chúng ta phải được sử dụng thế nào?

a. 1Sa-mu-ên 12:23-24: Trong tuổi về hưu, tiên tri Sa-mu-ên làm gì?

b. Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12; Thi Thiên 91:16: Người trong tuổi lão niên nên biết điều gì? Và có thái độ nào?

5. Xin tìm hiểu những điểm quan trọng nào trong bí quyết để được thỏa nguyện qua các giai đoạn của đời sống?

6. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. Lê-vi Ký 19:32; 1Phi-e-rơ 5:5: Chúa dạy chúng ta có thái độ thế nào đối với người già cả?

b. 1Ti-mô-thê 4:12-13: Người lớn tuổi nên có thái độ thế nào đối với người tuổi trẻ?

c. 1Ti-mô-thê 5:1-2: Phao-lô dạy Ti-mô-thê điều gì?

7. Trong Hội Thánh, chúng ta nên đối xử với nhau như thế nào?

8. Xin cho biết:

– Bạn có thỏa nguyện với mỗi giai đoạn của cuộc sống không?

– Bạn đang sử dụng các ngày Chúa cho như thế nào?

– Bạn có thái độ thế nào đối với người cách biệt tuổi với bạn?

 

 

 

 

 

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 18.01.2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 18.01.2015

in Thanh niên on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 18.01.2015.

1. Đề tài: SỰ TÁI LÂM CỦA CHÚA GIÊ-XU.

2. Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 24:29-35; Giăng 14:1-3; Công Vụ 1:11.

3. Câu gốc: “…Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho người chờ đợi Ngài” (Hê-bơ-rơ 9:28).

4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 46-50.

5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm.

Đề tài 1:Chúa Giê-xu không bao giờ tái lâm.

Đề tài 2: Chúa Giê-xu sẽ tái lâm.

2. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.

3. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.

4. Giờ thảo luận.

a. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.

b. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.

c. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Một trong những giáo lý căn bản về niềm tin của Cơ Đốc nhân là sự tái lâm của Đấng Christ. Trải qua bao thế kỷ, giáo lý tái lâm đã phải đương đầu với nhiều thách thức của người chẳng tin, của những tiên tri giả. Có những giải luận sai lạc về lẽ đạo nầy, thậm chí có một số con cái Chúa bắt đầu hoài nghi về sự tái lâm của Chúa.

Trước những luồng sóng nghi ngờ và dấy lên của nhiều tà thuyết, thật rất cần cho Cơ Đốc nhân xác nhận niềm tin của mình về những giáo lý nầy, vì đây là lẽ trông cậy cho sự cứu rỗi của chúng ta.

Chúa Giê-xu sẽ tái lâm không? Sự tái lâm của Ngài sẽ xảy ra như thế nào? Và có mục đích gì?

I. DẪN GIẢI.

A. DẪN CHỨNG VỀ SỰ TÁI LÂM CỦA CHÚA GIÊ-XU.

Sự tái lâm của Chúa Giê-xu là điều chắc chắn:

1. Sự lặp đi lặp lại của Kinh Thánh.

Kinh Thánh Cựu Ước đã nói trước về sự tái lâm của Chúa Giê-xu (1Phi 1:10-11).

Trong Tân Ước, sự tái lâm của Chúa Giê-xu được nói đến nhiều hơn là sự giáng sanh của Ngài. Trong 27 sách Tân Ước, trung bình mỗi 25 câu có một câu nói đến sự tái lâm. Trong 216 đoạn của Tân Ước, sự tái lâm của Chúa Giê-xu được nói đến khoảng 318 lần và chừng 50 lần nhắc nhở con cái Chúa tỉnh thức chờ đón Chúa Giê-xu trở lại. Đặc biệt hai sách Tê-sa-lô-ni-ca, Khải Huyền, và bốn đoạn Mat 24, 25, Lu-ca 21, Mác 13, chỉ nói đến một đề tài là sự tái lâm.

2. Chính Chúa Giê-xu đã nói tiên tri về sự tái lâm, và hứa với các môn đồ về sự trở lại của Ngài (Ma-thi-ơ 24; Giăng 14:3).

3. Sự làm chứng của thiên sứ.

Khi Chúa Giê-xu thăng thiên, thiên sứ cũng đã quả quyết với các môn đồ đang chứng kiến rằng, Ngài sẽ trở lại (Công Vụ 1:11).

4. Sự tái lâm được các sứ đồ công bố và dạy dỗ các tín hữu hy vọng về sự cứu rỗi (1Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; 2Tê-sa-lô-ni-ca 2:1,8; 1Phi 5:4; 2Phi 3:9-10; Gia-cơ 5:7-8).

5. Niềm tin sống động của Hội Thánh đầu tiên.

Hội Thánh đầu tiên tin nhận giáo lý tái lâm, xem đó là giáo lý nền tảng như giáo lý về sự cứu chuộc của Đấng Christ. Mosheim ghi rằng: “Giáo lý về Đấng Christ tái lâm trước khi tận thế để trị vì một ngàn năm bình an đã được truyền bá khắp nơi, và trước đời Origène (185-254 S.C), chẳng ai phản đối gì cả”.

B. MỤC ĐÍCH CỦA SỰ TÁI LÂM.

1. Để ban sự cứu rỗi cho người tin nhận Ngài, tức là sự cứu chuộc của thân thể.

Đấng Christ là trái đầu mùa của sự sống lại. Ngài sẽ khiến người tin sống lại, và thân thể họ được biến hóa vinh hiển khi Ngài tái lâm (Hê-bơ-rơ 9:28; Rô-ma 8:23; 1Côr 15:20-23; 1Tês 4:16).

2. Để ban thưởng cho người trung tín hầu việc Ngài (2Tim 4:1; Khải 22:12).

3. Để lập nước ngàn năm bình an, trị vì, đem lại sự hòa bình và công lý trên khắp đất (Khải 11:15; Ê-sai 11:3-5).

Ba điểm trên chứng tỏ sự tái lâm của Chúa Giê-xu là cần thiết.

– Vì đó là hi vọng của Cơ Đốc nhân về sự giải cứu thân thể khỏi sự chết.

– Vì đó là niềm mong đợi của tuyển dân Y-sơ-ra-ên về sự hiện đến của Đấng Mê-si, để giải cứu họ khỏi sự bách hại của thế giới.

– Vì đó là khát vọng của muôn dân về hòa bình và công lý thực sự trên đất.

C. BIẾN ĐỘNG CỦA SỰ TÁI LÂM.

1. Những dấu hiệu báo trước.

Trong Ma-thi-ơ 24:4-14,29-32, Chúa Giê-xu nói đến các biến cố xảy ra báo hiệu cho sự tái lâm sắp đến như: Sự xuất hiện của Christ giả, của An-ti-christ, sự gia tăng của các tai vạ, chiến tranh, đói kém, động đất, sự bách hại Hội Thánh Chúa. Bên cạnh sự gia tăng của tội lỗi; Tin Lành được rao giảng khắp đất; và một dấu hiệu rõ rệt nữa là sự đâm chồi của cây vả, chỉ về quốc gia Y-sơ-ra-ên trên đường phục hồi theo lời tiên tri đã dự ngôn.

Những điều kể trên đã, đang và sẽ ứng nghiệm, đồng thời cũng cho thấy rằng thời kỳ Hội Thánh hay cũng gọi là thời kỳ dân ngoại sắp điểm, số dân ngoại được tiếp nhận vào Hội Thánh Đấng Christ sắp đủ. Ngài sắp trở lại tiếp đón Hội Thánh và giải cứu dân sự Ngài (Rô-ma 11:25-26), cho nên hãy nhìn “cây vả” đang đâm chồi thì biết mùa hạ sắp tới, như lời cảnh báo của Chúa Giê-xu.

2. Thời điểm Chúa tái lâm là điều kín nhiệm (Ma-thi-ơ 24:36).

Kinh Thánh cho thấy trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, sự hoạch định chương trình và ấn định thời điểm là công việc của Đức Chúa Cha. Ga-la-ti 4:4 ghi rằng: “…Khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài…” giáng thế, thì sự ấn định thì giờ cho ngày Đức Chúa Con tái lâm cũng là công việc của Đức Chúa Cha. Sự kín nhiệm về thì giờ là điều thử nghiệm tấm lòng trung tín của con cái Chúa trong tinh thần tỉnh thức trông đợi Chúa, hầu việc Chúa cách dư dật luôn để được gặp Chúa trong sự vui mừng và ban thưởng.

3. Các diễn biến của sự tái lâm.

Kinh Thánh dùng ba từ để nói đến sự tái lâm của Chúa.

a. 1rinhtô 15:23: Sự hiện đến của Ngài. Chữ nầy trong nguyên văn Hy-lạp là Pararousia có nghĩa đen là “có mặt” hay sự hiện diện. Nghĩa bóng chỉ về sự hiện đến của Đấng Christ để tiếp rước Hội Thánh (1Tês 2:19; 3:13; 4:15).

b. 1Tim 6:14: Sự hiện ra của Ngài. Nghĩa đen của chữ “hiện ra” trong nguyên văn Hy-lạp là Epiphaneia, là chữ Kinh Thánh Tân Ước dùng để nói đến sự giáng thế của Đấng Christ, nhưng dùng nhiều hơn để chỉ về sự hiện ra lần thứ hai của Ngài trong sự đoán xét thế gian, và lập nước ngàn năm trên đất (2Tês 2:8; 2Tim 4:1,8).

c. 1Phi 4:13: Sự bày tỏ của Ngài. Trong nguyên văn Hy-lạp là Apokalypsis, nghĩa đen là “mặc khải” hay là khải thị. Nghĩa bóng chỉ về sự hiện ra của Đấng Christ cách hiển nhiên cho cả thế gian được thấy Ngài cách tỏ tường.

Sự tái lâm của Đấng Christ sẽ gồm hai giai đoạn:

(1) Giai đoạn thứ nhất – Tiếp rước Hội Thánh.

Sự hiện đến của Ngài có tính cách ẩn nhiên, liên quan đến người tin. Chúng ta không biết rõ khoảng thời gian bao lâu, nhưng trong giai đoạn nầy, trước hết Đấng Christ sẽ hiện ra trên không trung để tiếp đón Hội Thánh Ngài (1Tês 4:16-17).

(2) Giai đoạn thứ hai – Sự hiện ra cách hiển nhiên. Ngài hiện đến với các thánh đồ và thiên sứ để thể hiện sự công bình của Ngài trên đất (2Tês 1:7-8).

Hai giai đoạn của sự tái lâm không có nghĩa là có hai sự tái lâm, nhưng sự tái lâm xảy ra theo hai giai đoạn. Hai giai đoạn nầy được J. D. OIsen mô tả như sau:

“Chặng thứ nhất, Ngài hiện đến như “Sao Mai” (Khải 22:16). Chặng thứ hai, Ngài hiện đến như “Mặt trời công bình” (Ma-la-chi 4:1-2). Chặng thứ nhất, Ngài giáng lâm giữa không trung (1Tês 4:17); chặng thứ hai, Ngài giáng hạ tại núi Ô-li-ve (Xa-cha-ri 14:3-4). Chặng thứ nhất, Ngài hiện đến để tiếp rước tân phụ Ngài (Giăng 14:3); chặng thứ hai Ngài hiện ra để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên (Xa-cha-ri 11:10). Chặng thứ nhất, gọi là “chúng ta hội hiệp cùng Ngài” (2Tês 2:1); còn chặng thứ hai gọi là “Chúa Giê-xu từ trời hiện đến” (2Tês 1:7).

4. Ý nghĩa và lý do sự hiện đến lần thứ hai của Chúa Giê-xu.

Kinh Thánh nói rất rõ về hai lần hiện đến của Đấng Christ. Trong thời Cựu Ước, dự ngôn của tiên tri Ê-sai về Đấng Mê-si-a được mô tả trong hai hình ảnh khác nhau: Hình ảnh của đầy tớ chịu sỉ nhục (Ê-sai 53) và hình ảnh của vị Vua vinh hiển (Ê-sai 11). Hai hình ảnh nầy đã làm cho dân Do Thái lầm lẫn trong sự nhận diện Đấng Mê-si-a khi Ngài hiện đến. Tuy nhiên trong Tân Ước, hai hình ảnh của Đấng Mê-si-a nói đến trong Cựu Ước được bày tỏ trong hai lần hiện đến của Ngài. Lần thứ nhất, Ngài hiện đến trong sự giáng thế làm người, hạ mình chịu chết làm sinh tế chuộc tội loài người – ứng nghiệm Ê-sai 53. Lần thứ hai, Ngài hiện đến trong sự tái lâm, để làm Vua ban sự cứu rỗi cho người tin và đem lại hòa bình trên khắp đất, như điều đã nói trước trong Ê-sai 11 (Hê-bơ-rơ 9:28).

  Lần hiện đến lần nhất

– Sự giáng thế của Ngài.

– Làm đầy tớ, bị sỉ nhục.

– Dâng mình chuộc tội, trở nên sự cứu rỗi cho thế gian.

 

– Bị dân Ngài chối bỏ.

 

– Thần tánh Ngài ẩn giấu.

           Lần hiện đến lần hai

– Sự tái lâm của Ngài.

– Vua vinh hiển.

– Ban sự cứu rỗi cho người tin.

– Đem lại sự hòa bình và công chính trên đất.

– Giải cứu dân Y-sơ-ra-ên và được dân Ngài tiếp nhận.

– Thần tánh Ngài được bày ra.

5. Quang cảnh của sự thăng thiên và sự tái lâm.

Quang cảnh của sự thăng thiên và tái lâm có khác nhau không? Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, chúng ta được biết những điều sau:

(1) Công Vụ 1:11: Chúa sẽ trở lại như cách Ngài được tiếp lên trời.

(2) Ngài lên trời bằng thân thể phục sanh, thì Ngài cũng sẽ trở lại với thân thể của Đấng Thần Nhân. Mọi mắt sẽ trông thấy Ngài, cả đến những người đã đâm Ngài (Khải 1:7).

(3) Ngài lên trời từ núi Ô-li-ve, thì cũng sẽ trở lại tại hòn núi nầy (Xa-cha-ri 14:4).

Sự tái lâm của Chúa Giê-xu có thể giải đáp những thắc mắc sau:

1. Sự tái lâm của Chúa Giê-xu không phải là sự chết của người tin Chúa. Vì sự chết của người tin Chúa không xảy ra biến động của sự tái lâm (1Tês 4:16-17).

2. Sự tái lâm không phải sự giáng lâm của Đức Thánh Linh. Vì trong ngày lễ Ngũ tuần, sự giáng lâm của Đức Thánh Linh để thành lập Hội Thánh. Nhưng sự tái lâm là sự hiện đến của Chúa để tiếp đón Hội Thánh về trời.

3. Sự tái lâm không phải là sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem. Vì sau biến cố hủy phá thành Giê-ru-sa-lem, dân Y-sơ-ra-ên tan lạc khắp đất, thay vì được phục hồi trong sự trị vì của Đấng Mê-si khi Ngài tái lâm như điều các tiên tri đã nói trước.

Tóm lược.

1. Sự tái lâm của Đấng Christ là chắc chắn; vì sự xác quyết của Kinh Thánh, thiên sứ, các sứ đồ, và chính Chúa Giê-xu.

2. Có những dấu hiệu báo ngày Chúa tái lâm sắp đến, nhưng thì giờ của sự hiện đến là điều kín giấu.

3. Sự tái lâm của Chúa gồm trong hai giai đoạn. Thứ nhất Ngài hiện đến tiếp rước Hội Thánh. Thứ hai, Ngài hiện đến cách hiển nhiên, làm vua cai trị Nước ngàn năm bình an.

4. Sự tái lâm của Chúa Giê-xu sẽ như cách Ngài lên trời.

5. Mục đích của sự tái lâm là để ban sự cứu rỗi cho người tin, đem sự hòa bình trên đất và giải cứu dân sự Chúa.

6. Biến động tái lâm của Chúa Giê-xu có liên quan đến người tin, đến tuyển dân Y-sơ-ra-ên và cho cả thế giới.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. a. 1Phi-e-rơ 1:10-11: Các tiên tri trong Cựu Ước đã nói trước điều gì về Đấng Mê-si-a?

b. Ma-thi-ơ 24:30; Giăng 14:3: Chúa Giê-xu nói trước gì về Ngài? Và hứa gì với các môn đồ?

c. Công Vụ 1:11: Thiên sứ loan báo điều gì với những người chứng kiến Chúa Giê-xu về trời?

d. 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; 2Tê-sa-lô-ni-ca 2:1,8, 1Phi-e-rơ 5:4; 2Phi-e-rơ 3:9-10; Gia-cơ 5:7-8: Các sứ đồ dạy dỗ các tín hữu điều gì?

e. Khải Huyền 1:7: Sứ đồ Giăng bày tỏ điều gì khi ông gặp Chúa Giê-xu trong sự hiện thấy?

2. Xin tóm lược những điểm quan trọng, chứng tỏ sự tái lâm của Đấng Christ là điều chắc chắn.

3. Sự tái lâm của Chúa Giê-xu có những mục đích nào?

a. Hê-bơ-rơ 9:28; 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:16.

b. 2Ti-mô-thê 4:1; Khải Huyền 22:12.

c. Khải Huyền 11:15; Ê-sai 11:3-5.

4. Với những mục đích trên, xin cho biết tại sao sự tái lâm của Chúa Giê-xu là cần thiết.

5. Ma-thi-ơ 24:4-14,29-32: Những dấu hiệu nào báo trước sự tái lâm?

6. Xin cho biết ý nghĩa những từ: Sự hiện đến của Ngài (1Cô-rinh-tô 15:23), sự hiện ra của Ngài (1Ti-mô-thê 6:14), sự bày tỏ của Ngài (1Phi-e-rơ 4:13).

7. Theo ý nghĩa của những từ trên, sự tái lâm của Đấng Christ được diễn ra như thế nào và có liên quan đến những ai? (1Tês 4:16; 2Tês 1:7-8; Ma-thi-ơ 24:30).

8. Trong Hê-bơ-rơ 9:28, sự tái lâm của Chúa Giê-xu được gọi là sự hiện đến lần thứ hai của Ngài. Điều nầy có nghĩa gì so với lần hiện đến thứ nhất của Ngài?

9. Xin cho biết những điểm quan trọng về giáo lý tái lâm của Chúa.

10. Bạn có biết chắc rằng Chúa Giê-xu sẽ trở lại không? Qua nếp sống đạo hằng ngày, người ta có thể thấy bạn là người đang trông đợi sự hiện đến của Chúa không?

 

 

 

 

Chương trình thờ phượng Ban Phụ Nữ Chúa nhật 26.04.2015

Chương trình thờ phượng Ban Phụ Nữ Chúa nhật 26.04.2015

in PHỤ NỮ on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 26.04.2015.

1. Đề tài: A-GHÊ – NGƯỜI KHUYẾN KHÍCH DÂN SỰXÂY DỰNG

ĐỀN THỜ.

2. Kinh Thánh:A-ghê 1:1-2:9.

3. Câu gốc:  “…Hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn,  vì biết

rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích

đâu”(1Cô-rinh-tô 15:58b).

4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 130-132.

5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

CHỦ ĐỀ: A-GHÊ KHUYẾN KHÍCH DÂN SỰ XÂY ĐỀN THỜ.

Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ (hoặc nơi sinh hoạt).

Thời gian: 90 phút.

I. CHUẨN BỊ.

– Cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu hỏi và đặt mật thư tại

mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn

bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút

cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham

gia giải mật thư, trình ban tổ chức và đến trạm kế tiếp…

– Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ

điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài  liệu trước và học thêm

mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành

thạo.

– Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kínđáo, kiểm tra kỹ để

tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh  lệnh hoặc gợi ý về

những nhân vật, nơi chốn… Mật thư phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật

thư được giấu tại trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm,

không nên tập trung tại một chỗ.

91

– Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường.

– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.

– Kinh Thánh: Thông báo cho ban viên đọc trước A-ghê 1:1-2:9.

II. THỰC HIỆN.

1. Thể Lệ Cuộc Thi Và Cách Chấm Điểm.

a. Thể lệ cuộc thi.

– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.

– Đến trạm, phải sắp hàng ngay ngắn và báo  cáo kết quả của

trạm trước.

– Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.

b. Cách chấm điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) …………………10 điểm.

– Giải chính xác mật thư …………………………………………10 điểm.

– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm………………………………10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất ……………………………………………..10 điểm.

– Thực hiện tốt nội dung thảo luận ……………………………10 điểm.

2. Diễn Tiến Trò Chơi.

a. Mở đầu.

Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm,

mỗi nhóm từ 8-10 người. Nhóm xếp hàng dọc.  Cử nhóm trưởng và

thư ký nhóm, đặt tên nhóm. Khi các nhóm đã  ổn định, người hướng

dẫn giới thiệu chủ đề:

A-GHÊ KHUYẾN KHÍCH DÂN SỰ XÂY ĐỀN THỜ.

– Thưa các bạn! Sau thời gian lưu đày ở Ba-by-lôn, từ năm 537

T.C. dân Giu-đa được phép hồi hương và bắt đầu xây sửa đền thờ

Giê-ru-sa-lem. Nhưng sau đó vì kẻ thù chung quanh dấy lên quấy

phá, nên họ ngã lòng bỏ dỡ công việc. Trong tình trạnh ấy A-ghê

mang lời Chúa đến cùng dân sự để khích lệ họ trong việc xây lại

92

đền thờ Chúa và A-ghê đã thành công trong sứ điệp. Lời kêu gọi này

nhắc nhở chúng ta ngày nay có trách nhiệm thế nào đối với việc

nhà Ngài? Mời các chị em tham gia vào chương trình hôm nay để

giục lòng mạnh mẽ qua sứ điệp của tiên tri A-ghê.

b. Xuất phát.

NHD cho các nhóm xuất phát bằng trò chơi “Chia sẻ khó khăn”.

– Vật dụng: Chuẩn bị một số viên bi hoặc trái chanh tương ứng

với số nhóm, và muỗng tương đương với số người chơi.

– Cách chơi: Mỗi nhóm cử ra 3-6 người đứng thành hàng dọc,

mỗi người chơi ngậm trong miệng mình một cái muỗng. NHD đứng

trước cách các hàng 5-7m. Người đứng đầu mỗi nhóm ngậm một

muỗng, trên muỗng có một viên bi (hoặc tráichanh). Khi có lệnh,

người ngậm muỗng đi tới NHD vòng ra sau lưng rồi về chuyền lại bi

(hoặc chanh) cho người thứ hai (không được dùng tay). Cứ tiếp tục

cho đến người cuối cùng. Nhóm nào xong trướclà thắng cuộc.

– Lưu ý: Mỗi lần rớt bi được phép lượm lên,nhưng phải trở về vị

trí xuất phát để tiếp tục đi lại.

* Chế biến: Có thể cử mỗi nhóm một người để cùng ngậm

muỗng bi chạy thi, ai làm rớt sẽ bị loại.

– Nhóm có người thắng cuộc sẽ được nhận mật thư trước và tập

trung nhóm lại để giải mật thư.

_Mật thư 1:TIMF NGUOWIF DDANG KHIEENR TRACHS DAAN

SWJ BEE TREEX VIEECJ NHAF CHUAS.

– Chìa khoá: Chữ điện tín.

⌦Trạm 1.

_Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo sốngười trong nhóm.

– Phát câu hỏi đã viết sẵn trên giấy, cho nhóm thảo luận và trả

lời ra giấy hoặc hỏi đáp.

93

Đọc A-ghê 1:1-15, xin cho biết:

1. Lý do nào khiến dân sự bỏ việc xây đền  thờ? Lý do nầy có

hợp lẽ không?

2. Trong khi bỏ bê công việc Chúa, dân sự loviệc gì?

3. Làm công việc đó dân sự chuốc lấy hậu quả gì?

4. Qua lời cảnh cáo của A-ghê, dân sự có quyết định gì?

_Mật thư 2:TIMF DAAN NGUOWIF SWJ DDANG HAAUF

KHUYEENS VIEECJ KHICHS CHUAS.

– Chìa khóa: Cóc nhảy hai lần.

⌦Trạm 2.

_Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo sốngười trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời

trên giấy hoặc hỏi đáp.

1. Đọc A-ghê 2:1-3 cho biết tiên tri thúc đẩydân sự thế nào

trong việc xây dựng lại đền thờ?

2. Đọc A-ghê 2:4-5, tiên tri khích lệ người lãnh đạo dân sự

những lời nào?

3. Đọc A-ghê 2:4-9, những lời khích lệ trên đi kèm với những lời

hứa nào?

4. Đọc A-ghê 21:5-11 và 2:15-19, so sánh cuộc  sống của dân

sự khi làm việc nhà và khi làm việc Chúa khác nhau thế nào? Từ

đó, cho bạn nguyên tắc sống nào (Mat 6:33).

5. Sứ điệp nầy có ý nghĩa gì đối với Cơ đốcnhân chúng ta hôm

nay?

– NHD phát lệnh: “Các nhóm tập trung về điểm xuất phát”.

3. Kết thúc.

– NHD cùng ban Phụ nữ tóm lược lại nội dung sứ điệp của A-ghê.

94

– Kêu gọi các ban viên chung tay, góp sức xây dựng nhà Đức

Chúa Trời.

– Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

I. GIỚI THIỆU.

A-ghê được Đức Chúa Trời kêu gọi làm tiên  tri sau thời kỳ dân

Giu-đa bị lưu đày. A-ghê bắt đầu chức vụ năm520 T.C. nhằm năm

thứ hai sau đời Vua Đa-ri-út, vua Mê-đi Ba-tư.

Sau thời gian ở Ba-by-lôn, từ năm 537 T.C. dân Giu-đa được phép

hồi hương và bắt đầu xây sửa đền thờ Giê-ru-sa-lem. Nhưng sau đó

vì kẻ thù chung quanh dấy lên quấy phá, nên  họ ngã lòng bỏ dỡ

công việc. Trong tình trạnh ấy A-ghê đem lời Chúa đến cùng dân sự

qua bốn sứ điệp quan trọng sau đây:

(1) Khiển trách dân sự bê trễ việc nhà Chúa.

(2) Khuyến khích dân sự hầu việc Chúa.

(3) Rao báo sự vinh quang của đền thờ mới.

(4) Dự ngôn nước hầu đến của Đấng Mê-si vàphước hạnh của

dân Chúa.

Điểm chủ yếu của sứ điệp A-ghê là kêu gọixây lại đền thờ Chúa.

Lời kêu gọi này nhắc nhở con dân Chúa có trách nhiệm thế nào đối

với việc nhà Ngài?

II. DẪN GIẢI.

1. Lời Cảnh Cáo Về Sự Bỏ Phế Việc Nhà Chúa.

Có hai lý do khiến dân sự đình hoãn việc xây lại đền thờ Chúa:

a. Bị kẻ thù quấy phá:Họ là những dân bản xứ sinh sống trong

phần đất Sa-ma-ri đã nổi dậy chống lại việcxây đền thờ Chúa,

khiến dân sự ngã lòng bỏ cuộc (E-xơ-ra 4).

b. Thì giờ chưa đến! “Đức Giê-hô-va vạn quân có phán như vầy:

Dân nầy nói rằng: Thì giờ chưa đến, tức là  thì giờ xây lại nhà Đức

95

Giê-hô-va”(1:2). Thì giờ ở đây chỉ về sự ứng nghiệm của lời tiên tri.

Theo dự ngôn của tiên tri Giê-rê-mi và Ê-sai, thì dân Giu-đa sẽ bị

đày qua Ba-by-lôn 70 năm, sau đó họ sẽ trở về xây lại đền thờ với

sự hỗ trợ của vua Si-ru (Giê 25:11; Ê-sai 44:28). Đối với dân sự, thì

giờ này chưa đến. Nhưng thực ra đối chiếu với lời tiên tri và sự kiện

như đã xảy ra thì thời điểm (giờ) đã đến rồi. Khi vua Si-ru lên ngôi

vua nước Phe-rơ-sơ (Ba Tư) đã ra chiếu chỉ cho phép dân Giu-đa hồi

hương để xây lại đền thờ Chúa vào năm 537 T.C. như điều các tiên

tri đã nói trước (E-xơ-ra 1:1-4).

Hai lý do trên nhắc nhở chúng ta những điều sau này:

(1) Người làm công việc nhà Chúa chắc khôngtránh khỏi sự phá

hoại của ma quỷ, nên chúng ta phải hết lòngnương cậy Chúa.

(2) Sự không nhận thức được thì giờ của Chúa, khiến ta bê trễ

trong công việc nhà Chúa. Ngày nay chúng ta nghĩ rằng ngày Chúa

trở lại còn xa lắm, nên không bắt lấy mọi  cơ hội hầu việc Ngài!

Nhưng thực ra theo sự bày tỏ của Kinh Thánh với các biến cố đang

xảy ra trên thế giới, thì ngày Chúa đến gầnlắm rồi! Vậy chúng ta

hãy biết  “Lợi dụng thì giờ… vì nếu chúng ta không trễnãi, thì đến

kỳ, chúng ta sẽ gặt”(Êph 5:16; Gal 6:9).

Với sự viện cớ thì giờ chưa đến để làm công việc riêng tư và bỏ

qua việc nhà Chúa: Tiên tri A-ghê đã quở trách sự bê trễ của dân sự.

Qua sứ điệp của Chúa, A-ghê đã bày tỏ cho họ thấy lỗi lầm của

mình:

– Lấy thì giờ của Chúa làm thì giờ của mình:  “Nay có phải là thì

giờ các ngươi đương ở trong nhà có trần ván,khi nhà nầy hoang vu

sao?”(1:4): Đáng lẽ dân sự tận lực dùng thì giờmình để xây nhà

Chúa trước hết. Trái lại lo xây nhà riêng để hưởng thụ an nhàn, ấm

cúng bên trong!

– Làm sai lệch đường lối Chúa: “Các ngươi khá xem xét đường lối

mình”(1:7): Theo chương trình của Đức Chúa Trời, mục đích chính

yếu của Ngài trong sự hồi hương là xây lại  đền thờ Giê-ru-sa-lem,

96

chuẩn bị cho ngày hiện đến của Đấng Mê-si để cứu chuộc nhân loại.

Nhưng thay vì hoàn thành mục đích của Chúa, dân sự xoay qua mục

đích riêng tư của mình, lo tạo dựng sự nghiệp, tìm kiếm sự giàu

sang để hưởng thụ. Vì vậy, công việc của họchỉ là lao khổ và mệt

nhọc, không được Chúa ban phước: “Các ngươi gieo nhiều mà gặt ít;

ăn mà không no; uống mà không đủ; mặc mà không ấm; và kẻ

nào làm thuê, đựng tiền công mình trong túi lủng”(1:6). Qua những

biến cố nguy vong của đất nước, và những ngày sống lưu vong nơi

đất khách, dân sự chắc hẳn có kinh nghiệm về sự phù du của vật

chất. Khi trở về xứ, Đức Chúa Trời muốn dạy họ một nguyên tắc

sống có giá trị hơn: Tìm kiếm Chúa trước nhất chớ không phải tìm

kiếm vật chất; cũng như đặt việc Chúa trướcviệc của mình. Điều này

không có nghĩa chúng ta chỉ lo việc nhà Chúa mà không lo việc mưu

sinh. Nhưng đây là sự đặt thứ tự ưu tiên chocông việc Chúa trước

các công việc của mình, và tất cả phải hướng về mục đích duy nhất

vinh danh Chúa. Khi người sống theo nguyên tắcnày thì chắc sẽ

không thiếu nhu cầu vật chất cho mình, như trong lời dạy dỗ của

Chúa Giê-xu:  “Trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời  và sự

công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm cácngươi mọi điều ấy

nữa”  (Mat 6:33). Cho nên sở dĩ dân sự làm việc màchẳng gặt kết

quả chi, vì cớ sai nguyên tắc của Chúa cho đời sống:  “Ấy là tại nhà

ta thì hoang vu, mà các ngươi ai nấy lo xây nhà mình. Cho nên, vì

cớ các ngươi, trời giữ móc lại, và đất giữbông trái lại. Ta đã gọi

cơn hạn hán đến trên đất, trên các núi, trên lúa mì, trên rượu mới,

trên dầu và trên sản vật đất sanh ra, trên  loài người, trên loài vật,

và trên mọi việc tay làm” (1:9-11).

Sau lời quở trách, A-ghê đã thách thức dân  chúng trở lại công

việc nhà Chúa:  “Hãy lên núi, đem gỗ về, và xây nhà nầy, thì ta sẽ

lấy nó làm vui lòng, và ta sẽ được sáng danh”  (1:8). Nghe sứ điệp

của A-ghê, dân chúng nhận biết đây là mạnglịnh của Chúa qua đầy

tớ Ngài nên có lòng sợ hãi ăn năn tội lỗi mình và trở lại vâng lời

Chúa. Với lời hứa được Chúa ở cùng và được sự thúc giục của Ngài

97

trong lòng, bây giờ cả người lãnh đạo đến dân sự  “…đều đến, làm

việc nơi nhà Đức Giê-hô-va vạn quân, là Đức Chúa Trời”(c.14).

Trong sự đem dân sự trở lại công việc nhà Chúa, chúng ta nhận

thấy có 2 yếu tố:

– Bên ngoài: Đức Chúa Trời sai đấng tiên triđem lời cảnh cáo

dân chúng và kêu gọi sự ăn năn.

– Bên trong: Đức Chúa Trời giục lòng dân sự, khiến họ đứng lên

bắt tay vào việc. Đây là hai điều quan trọngngười lãnh đạo cần ghi

nhận trong việc đôn đốc người bắt tay làm việc nhà Chúa.

2. Khuyến Khích Trong Công Việc Chúa

A-ghê chẳng những đem lời Chúa kêu gọi dân  sự trở lại tiếp tục

việc xây đền thờ, nhưng còn có lời khuyến khích họ đến chỗ hoàn

thành công việc. Với dân sự, A-ghê gợi lạitrong ký ức của họ bức

ảnh đền thờ Giê-ru-sa-lem vinh quang rực rỡ trong quá khứ trước khi

vương quốc Giu-đa chưa sụp đổ, so với quang cảnh đổ nát của đền

thờ đang ở trước mắt họ lúc ấy, để khiến dân sự thêm lòng hăng hái

trong công việc xây lại đền thờ Chúa vì vinhhiển danh Ngài (2:1-3).

Với Xô-rô-ba-bên, Giê-hô-sua là người lãnhđạo của dân sự, A-ghê đem lời Chúa giục lòng họ  “…các ngươi cũng khá can đảm, và

hãy làm việc… chớ sợ hãi”(2:4-5). Kèm theo đó với ba lời hứa:

(1) Sự hiện diện của Chúa.

(2) Sự hiện diện của thần Ngài.

(3) Sự vinh hiển của đền thờ (2:6-9).

Qua cảnh đền thờ đang bị đổ nát, họ nhìn thấy một viễn ảnh thật

vinh hiển, sáng chói của đền thờ Giê-ru-sa-lem trong tương lai. Ba lời

hứa trên rất là quan trọng trong sự khích lệngười hầu việc Chúa,

khiến được mạnh mẽ trong lòng, không sợ hãikẻ nghịch mưu phá,

vì cớ Chúa ở cùng; được can đảm trong công việc vì có Thần Ngài ở

giữa với quyền năng lớn Ngài nâng đỡ; và được phấn khởi với niềm

98

hy vọng về vinh quang rực rỡ của đền thờ Giê-ru-sa-lem trong Nước

của Vua Hoà Bình sắp đến.

Qua sự khích lệ của A-ghê, chúng ta học được:

(1) Người được Chúa gọi vào công việc Chúa,cũng sẽ được Ngài

ở cùng và ban cho quyền năng để làm thành công việc.

(2) Niềm hy vọng về ngày vinh hiển của Đấng Christ trở lại cũng

là niềm phấn khởi cho chúng ta trong công việc Chúa hiện tại.

3. A-ghê Với Sứ Mạng Chúa Gọi.

Trong hai tháng ngắn ngủi, với bốn sứ điệp của Chúa cho dân sự,

A-ghê đã thành công trong sứ mạng. Dân sự hăng hái bắt tay vào

việc nhà Chúa. Kết quả họ được Chúa ban phước dồi dào. So sánh

với đoạn 1: Khi bỏ bê việc nhà Chúa, đất đai họ bị cằn cỏi khô héo,

nhưng trong đoạn 2: Khi vâng lời Chúa trở lạicông việc Ngài, họ

được dư dật hoa màu (2:16-19). Đây là thực chứng cho nguyên tắc

căn bản trong Ma-thi-ơ 6:33, trước hết là ưu tiên cho công việc

Chúa. Qua các sứ điệp của A-ghê cho chúng tahọc biết Đức Chúa

Trời trong những khía cạnh này: Ngài là ĐấngThành Tín, giữ giao

ước Ngài; cũng là Đấng Quyền Năng, ban nănglực cho người hầu

việc Ngài; và là Đấng chủ hữu mọi tài vậttrên đất như lời Ngài

phán:  “Bạc là của ta, vàng là của ta”(2:8). Sự học biết Đức Chúa

Trời trong những khía cạnh trên để dạy chúngta thêm lòng kính sợ

Chúa, và có đức tin nơi lời hứa thành tín của Ngài. Đừng quá lo lắng

về vật chất, cũng đừng lo thâu trữ của cải, vì mọi sự thuộc về Chúa.

Nhưng điểm quan trọng là đời sống tin cậy Chúa và phục sự Ngài.

Tóm lại, với sứ mạng của A-ghê kêu gọi dân Chúa xây đền thờ,

khuyến khích chúng ta hôm nay trong sứ mạng xây dựng nhà Chúa,

hoặc đó là việc làm chứng nhân cho Chúa, kêu gọi mọi người tin

nhận Chúa Giê-xu để được trở nên con cái Đức Chúa Trời, hoặc đó là

việc chăm sóc đức tin anh em trong Hội Thánh…Nhưng một câu hỏi

cho chính mình là: Tôi có thái độ và tinh thần như thế nào đối với

công việc nhà Chúa? Xao lãng, bê trễ hay sốt sắng, hăng hái?

99

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Lời quở trách dân sự về sự bỏ phế việcnhà Chúa:

a. Lý do khiến dân sự bỏ qua việc xây lại đền thờ? (1:2) Lý do

này có hợp lẽ không?

b. Trong khi bỏ qua việc nhà Chúa, dân sự lo  công việc nào?

(1:4-9).

c. Trong sự lo việc nhà mình, dân sự chuốc lấy những hậu quả

nào? Tại sao? (1:5-11).

d. Hai yếu tố nào (điều gì) dân sự phải làmtheo? (1:12-14).

2. Khuyến khích trong công việc Chúa:

a. Trong 2:1-3: A-ghê thúc đẩy dân sự trong việc xây dựng lại

đền thờ Chúa thế nào?

b. Trong 2:4-5: A-ghê có những lời nào khích lệ các nhà lãnh

đạo dân sự?

c. Những lời khích lệ trên được kèm theo vớinhững lời hứa

nào? (2:4-9). Xin tìm hiểu tính chất quan trọngcủa lời hứa.

3. So sánh khi dân sự lo việc nhà mình thì gặt lấy hậu quả gì?

Và khi dân sự lo việc nhà Chúa thì được kếtquả gì? (1:5-11; 2:15-19). Qua sự so sánh này cho chúng ta học biếtnguyên tắc căn bản

nào trong nếp sống đạo của con dân Chúa? (Mat 6:33).

4. Sứ điệp A-ghê kêu gọi xây lại đền thờ Chúa có ý nghĩa gì đối

với Cơ đốc nhân chúng ta hôm nay? Và khuyến khích chúng ta trong

sứ mạng nào? (Rô 12:11; 1Côr 15:58; Ê-phê 5:16-17; Gal 6:9).

5. Qua sứ điệp, A-ghê bày tỏ Đức Chúa Trời  trong những khía

cạnh nào?

6. Ghi nhận những điểm quan trọng qua các sứ điệp của A-ghê.

7. Nhìn lại chính mình, xin cho biết:

a. Bạn sốt sắng việc nhà Chúa hay bê trễ việc nhà Ngài?

100

b. Công việc Chúa đối với bạn là việc quan trọng hàng đầu hay

chỉ là việc phụ?

c. Với người xao lãng việc Chúa, bạn có sứ mạng gì?

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

TÔM.

– Để Quết Tôm Được Dai.

Cần lau tôm cho khô trước khi quết. Sau khi quết nhuyễn, thêm

gia vị và một lòng trắng trứng. Không nên dùng hàn the. Quết lại để

trứng và tôm nhuyễn vào nhau.

 

Chương trình thờ phượng Ban Phụ Nữ Chúa nhật 19.04.2015

Chương trình thờ phượng Ban Phụ Nữ Chúa nhật 19.04.2015

in PHỤ NỮ on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 19.04.2015.

1. Đề tài: SÔ-PHÔ-NI – NGƯỜI KÊU GỌI CÁC DÂN TRÊN ĐẤT TÌM

KIẾM CHÚA.

2. Kinh Thánh:Sô-phô-ni đoạn 1 và 2.

3. Câu gốc: “…Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va, tìm kiếm sự công bình,

tìm kiếm sự nhu mì”(Sô-phô-ni 2:3b).

4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 127 – 129.

5. Thể loại: Học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn thể loại học Kinh Thánh.

1. Đọc A-ghê 1:2-3, mô tả sự đoán xét của Đức Chúa Trời?

2. Đọc A-ghê 1:4-13; 2:4-7,8-11,12,13-15, cho biết những ai bị

Đức Chúa Trời đoán xét và cho biết lý do?

3. Bạn học biết gì về Đức Chúa Trời, về quyền năng và sự đoán

xét của Ngài?

4. Trong A-ghê 2:1-3, tiên tri Sô-phô-ni kêu gọi các dân nhóm lại

tìm kiếm điều gì?

5. Tại sao phải tìm kiếm Đức Giê-hô-va ?

6. Bạn được nhắc nhở điều gì qua lời kêu gọi của tiên tri?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

I. GIỚI THIỆU.

Tên Sô-phô-ni có nghĩa “Chúa che giấu và bảo vệ”. Ông là người

đồng thời với tiên tri Na-hum và Giê-rê-mi,  được Chúa kêu gọi làm

tiên tri vào khoảng năm 625-610 T.C. đã chứngkiến cuộc phục hưng

tôn giáo vĩ đại dưới triều vua Giô-si-a vào năm 621 T.C.

Mặc dầu dân sự hứa nguyện trở lại cùng Đức Chúa Trời, nhưng

Sô-phô-ni đã nói trước về sự lưu đày của Giu-đa, vì tội lỗi họ quá lớn

không thể tránh khỏi sự đoán phạt của Chúa. Ngoài ra trong sứ điệp

Sô-phô-ni còn có ba dự ngôn quan trọng là:

85

1. Sự đoán xét của Chúa trên khắp thế giớitrong ngày sau cùng,

2. Sự cải đạo của các nước.

3. Sự hiện đến của Đấng Mê-si. Với sự rao báo ngày của Chúa,

Sô-phô-ni cũng đã kêu gọi các dân trên đất hãy tìm kiếm Đức

Chúa Trời.

Lời kêu gọi này có ý nghĩa gì đối với Cơ đốc nhân chúng ta?

II. DẪN GIẢI.

1. Sự Đoán Xét Của Đức Chúa Trời.

Không như tiên tri Na-hum chỉ rao sự đoán xét cho Ni-ni-ve, Sô-phô-ni có sứ mạng của Chúa rao sự đoán xéttrên cả thế gian. Một

sự đoán phạt thật là khinh khủng trên khắp  đất:  “Ta sẽ diệt sạch

mọi sự khỏi mặt đất, Đức Giê-hô-va phán vậy. Ta sẽ diệt loài người

và loài thú, chim trời và cá biển, cùng mọi sự ngăn trở với kẻ dữ;

và Ta sẽ trừ diệt loài người khỏi mặt đất,Đức Giê-hô-va phán vậy”

(1:2-3). Trong phạm vi đoán xét này gồm có:

a. Tuyển dân Y-sơ-ra-ên(1:4-13). Trong câu 5 và 6 cho thấy có

3 hạng người bị đưa đến sự đoán xét của Chúa:

(1) Người thờ thần tượng: Thần tượng dân Y-sơ-ra-ên hay thờ lạy

là Ba-anh, thần của người A-si-ry được nhập từ đời vua Ma-na-se

(2Vua 21:3). Đức Chúa Trời quyết rằng sẽ trừdiệt thần tượng giả dối

ấy cùng với kẻ xây bỏ Chúa.

(2) Người vừa tôn thờ Chúa vừa thờ lạy hìnhtượng. Đây là hạng

người đi giẹo hai bên mà tiên tri Ê-li đã có lần quở trách dân sự

rằng:  “Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào?Nếu Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời,

hãy theo hắn”(1Vua 18:21).

(3) Người chối bỏ luật pháp thánh của Chúa và làm theo ý muốn

mình. Trong Ma-thi-ơ 6:24, Chúa đòi hỏi dân sựChúa tôn thờ Ngài là

Vua của đời sống, và sống theo ý muốn Ngài.

Chúng ta đang đứng trong hạng người nào?

86

Xã hội Y-sơ-ra-ên trong thời tiên tri Sô-phô-ni ảnh hưởng về các

tập tục và tôn giáo của A-si-ry, cả đến trong cách ăn mặc “áo lạ”

(c.9). Cho thấy rằng họ bỏ nếp sống đạo theotiêu chuẩn công bình,

chánh trực của Chúa và bị đồng hoá với nếpsống của dân ngoại,

buông mình trong sự bại hoại, đầy dẫy sự bạo ngược và quỷ quyệt.

Vì cớ phạm tội dường ấy, nên từ các quan trưởng đến dân sự không

ai tránh khỏi cơn thạnh nộ của Ngài (c.7-13).Điều này nhắc nhở Cơ

đốc nhân chúng ta phải có đời sống biến đổi, phân rẽ với thế gian,

nhất là coi chừng những “kiểu áo lạ” của sự bại luân (đồi bại về luân

lý, đạo đức). Trong nếp sống đạo, người Cơ Đốc được Kinh Thánh

khuyến khích có cách trang phục trang nhã, hoà hợp với đức khiêm

nhu bên trong. Đức Chúa Trời chẳng những đoán xét tấm lòng chúng

ta, nhưng cũng đoán xét trong cách sống của chúng ta nữa.

b. Các nước thế gian(1:14-2:15): Trong sự đoán xét thế gian,

Sô-phô-ni đặc biệt rao sự phán xét của ĐứcChúa Trời trên các dân

tộc lân bang của Y-sơ-ra-ên.

(1) Phi-li-tin (2:4-7): Dân Phi-li-tin sống ở miền duyên hải (vùng

ven biển), vì phía Tây giáp Địa Trung hải, phíaĐông giáp Ca-na-an,

phía Nam gần Ai-cập, đã xuất hiện từ khoảng  năm 1200 T.C. Trong

thời các quan xét, dân này đã nhiều phen quấy nhiễu làm hại dân

Chúa. Cho nên Đức Chúa Trời sẽ khiến đất họ bị hoang vu và Y-sơ-ra-ên sẽ nhận đất ấy trong ngày họ hồi hương.

(2) Mô-áp và Am-môn (2:8-11): Là hai nước láng giềng của Y-sơ-ra-ên, nhưng đã từng đối xử tệ bạc với dânChúa. Vì thế Chúa sẽ huỷ

diệt họ như đã huỷ diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ!

(3) Ê-thi-ô-bi (2:12): Là nước “Cúc” trong tiếng Hê-bơ-rơ”, dân

tộc Soudanaisngày nay, nằm phía Đông nam Ai Cập và hai bờsông

Ni-lơ (Nile). Thời Ai-cập hưng thịnh, Ê-thi-ô-bi phục thuộc dưới quyền

Ai Cập. Vì dân này mạnh bạo, ưa chiến tranh,  nên vua Ai-cập hằng

mộ họ làm quân đội và thị vệ. Vì thế Ê-thi-ô-bi và Ai-cập có mối

87

liên hệ với nhau mật thiết, hai nước từng làm hại Y-sơ-ra-ên, nên

Chúa sẽ đoát phạt tùy theo công việc họ làm.

(4) A-si-ry (2:13-15): Là một đế quốc hùng mạnh một thời,

nhưng đã đối xử tàn bạo với Y-sơ-ra-ên khi họ bị bắt lưu đày. Đức

Chúa Trời sẽ khiến A-si-ry hoang vu và bị sỉ nhục giữa các dân như

điều tiên tri Na-hum đã rao báo.

2. Lời Kêu Gọi Ăn Năn.

Ngày đoán xét của Chúa chắc sẽ đến, không ai có thể tránh khỏi.

Dầu vậy, Chúa vẫn còn cho họ cơ hội để ăn năn. Vì thế tiên tri Sô-phô-ni kêu gọi các dân trên đất hãy trở lại cùng Đức Chúa Trời với

sự bày tỏ của tấm lòng hối lỗi và đời sống tin kính Chúa qua hai

hành động sau đây:

a. Tự xét lấy mình(2:1-2):  “Hỡi dân chẳng biết xấu hổ! Hãy

nhóm hiệp lại, trước khi mạng lịnh chưa ra….”.Sự nhóm hiệp lại

không phải để bàn mưu chống nghịch Chúa như họ đã làm, nhưng

để tự xét lại lòng mình, kiểm điểm lại đường lối bất chính, gian ác

của mình và tự nhận biết mình là tội nhân trước mặt Chúa, với lòng

thống hối ăn năn, tìm ơn thương xót của Chúa. Đây là điều cần thiết

cho người tránh khỏi cơn thạnh nộ của Chúa.  Vì  “nếu chúng ta biết

xét đoán lấy mình, thì khỏi bị xét đoán”(1Côr 11:31).

b. Tìm kiếm Đức Chúa Trời(2:3):  “Hỡi các ngươi là mọi kẻ nhu

mì của đất, làm theo mạng lịnh của Chúa, hãytìm kiếm Đức Giê-hô-va, tìm kiếm sự công bình, tìm kiếm sự nhumì, hoặc giả các

ngươi sẽ được giấu kín trong ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va” .

Khi người ăn năn, từ bỏ sự gian ác chưa đủ,cần phải tiến đến đời

sống mới theo tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời đòi hỏi:

(1) Tìm kiếm Đức Chúa Trời: Sự tìm kiếm ĐấngTạo Hóa là bổn

phận trước nhất của con người trên đất, vì Ngài là nguồn của sự

sống. Ai loại bỏ Ngài ra khỏi đời sống là tự hủy diệt mình.

88

(2) Tìm kiếm sự công bình: Đức Chúa Trời là  Đấng công nghĩa,

sự công nghĩa Ngài được bày tỏ trong điều răn và luật pháp Ngài

truyền cho Môi-se, để người nhờ đó học biếtsống theo đường lối của

Chúa và được phước.

(3) Tìm kiếm sự nhu mì: Vì kẻ kiêu ngạo bị Chúa đoán phạt,

nhưng người nhu mì được Ngài ban phước (Mat 5:5).

Tóm lại qua lời rao báo sự đoán xét cuả Chúa và kêu gọi ăn năn,

chúng ta ghi nhận những điểm sau đây:

– Các nước sẽ bị đoán xét, nhưng dân Y-sơ-ra-ên sẽ bị sửa phạt

và có lời hứa ban phước.

– Sự sửa phạt dân Y-sơ-ra-ên nhắc nhở chúngta kiểm điểm tấm

lòng và đời sống chúng ta trước mặt Chúa. Trong sự đoán phạt các

nước, nhắc nhở chúng ta kiểm điểm thái độ mình đối với Đấng Cao

Cả và tư cách chúng ta đối với dân sự Ngài.

– Trong lời rao về sự đoán xét, Đức Chúa Trời còn cho loài người

có dịp tiện ăn năn. Vậy hãy ăn năn khi còncó cơ hội, vì nếu hết cơ

hội sẽ không có sự tha thứ, chỉ còn sự đoán phạt mà thôi.

Hôm nay sống trong thời ân điển, ngày đoán xét lớn của Chúa

sắp đến gần hơn lúc tiên tri Sô-phô-ni rao báo! Cho nên sự kêu gọi

người ăn năn tin nhận Chúa Giê-xu để được tha tội, được cứu khỏi

cơn thạnh nộ của Chúa là sứ mạng khẩn cấp  của mỗi Cơ đốc nhân

chúng ta.

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Dự ngôn về sự đoán xét của Đức Chúa Trời:

a. Sự đoán xét của Chúa như thế nào? (1:2-3).

b. Sự đoán xét của Chúa trên những ai? Tại sao? (1:4-13; 2:4-7; 2:8-11; 2:12; 2:13-15).

c. Qua những ghi nhận trên chúng ta học biết gì về Đức Chúa

Trời quyền năng và sự đoán xét của Ngài?

2. Lời kêu gọi ăn năn:

89

a. Trong 2:1-2, tiên tri Sô-phô-ni kêu gọi các dân nhóm họp

lại với mục đích gì? Tại sao? (1Côr 11:31).

b. Trong 2:3: Tiên tri Sô-phô-ni kêu gọi các  dân tìm kiếm ai?

Và tìm kiếm điều gì? Tại sao? (A-mốt 5:4; Mat 5:5; 6:33).

c. Lời kêu gọi của Sô-phô-ni nhắc nhở chúng ta hôm nay trong

sứ mạng nào? (Giăng 3:36; 5:24).

3. Ghi nhận những điểm quan trọng trong sứ điệp của tiên tri Sô-phô-ni.

4. Nhìn lại chính mình, xin cho biết:

a. Bạn nhận biết sự đoán xét của Chúa như thế nào?

b. Bạn có bị đặt dưới sự phán xét của Chúatrong ngày sau

cùng không? Xin trình bày.

c. Bạn có biết kêu gọi mọi người tin Chúa Giê-xu để được cứu

khỏi sự đoán phạt của Chúa không? Sứ mạng Chúa gọi bạn làm gì?

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

TỎI

– Cách Sử Dụng Tỏi.

Không bao giờ để tỏi bị vàng cháy trong dầu  mỡ vì nó sẽ làm

cho mùi vị thức ăn bị khét, mất mùi tự nhiên của nó.

– Cách Khử Mùi Hôi Của Tỏi.

Ăn tỏi hôi miệng. Tránh ăn tỏi khi tiếp xúc với người khác. Tuy

nhiên, để tránh hôi miệng sau khi ăn tỏi, có thể: Nhai cà phê rang,

rau mùi, kẹo cao su…

– Cách Bảo Quản Tỏi.

Để tỏi chỗ thoáng gió.

 

Chương trình thờ phượng Ban Phụ Nữ Chúa nhật 12.04.2015

Chương trình thờ phượng Ban Phụ Nữ Chúa nhật 12.04.2015

in PHỤ NỮ on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 12.04.2015.

1. Đề tài: HA-BA-CÚC – NGƯỜI KÊU GỌI NGƯỜI CÔNG NGHĨA

SỐNG BỞI ĐỨC TIN.

2. Kinh Thánh: Ha-ba-cúc 1-3; Rô-ma 1:16-17; 3:23-26.

3. Câu gốc:  “Nầy, lòng người kiêu ngạo, không có sự ngay thẳng

trong nó; song người công bình thì sống bởi đức tin mình”(Ha-ba-cúc 2:4).

4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 124 – 126.

5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

78

1. Thông báo đề tài “Ha-ba-cúc, người kêu gọi người công nghĩa

sống bởi đức tin” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc

gởi cho ủy viên linh vụ.

2. Ủy viên linh vụ nhờ người có kinh nghiệm  thuộc linh giải đáp

thắc mắc.

3. Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ

dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau phần trả lời mỗi câu hỏi,

cần dành ra ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.

4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và

nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám

hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi

dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có  quá ít câu hỏi, bạn

cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

I. GIỚI THIỆU.

Ha-ba-cúc được Đức Chúa Trời kêu gọi làm tiên tri dưới triều vua

Giê-hô-gia-kim (608-697 T.C). Ông vốn là một thi sĩ như Ê-sai.

Trong lúc đế quốc Ba-by-lôn đang lớn mạnh vàdân Canh-đê trở

thành mối đe doạ cho nền an ninh Giu-đa sau chiến trận Carchemis

vào năm 650 T.C, Ha-ba-cúc bắt đầu thắc mắc  tại sao kẻ ác được

hưng thạnh. Vấn đề của Ha-ba-cúc được Đức Chúa Trời giải đáp với

câu trả lời vô cùng quan trọng là người công nghĩa sẽ sống bởi đức

tin (Ha 2:4). Đây là đề tài chính của sứ điệp Ha-ba-cúc truyền giảng

cho dân chúng trong lúc bị kẻ thù nghịch uy hiếp. Sau nầy, Luther

cũng đã dùng câu Kinh Thánh ấy làm nền tảng cho công cuộc Cải

Chánh Giáo Hội trong thế kỷ 16.

Qua sứ điệp trên, Ha-ba-cúc kết thúc bằng lời cầu nguyện với

lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Trong niềm tin ấy, Ha-ba-cúc đã kêu

gọi người công nghĩa đến cuộc sống thế nào?

II. DẪN GIẢI.

79

1. Vấn Đề Của Ha-ba-cúc.

Trong chức vụ tiên tri, có một vấn đề khiếnHa-ba-cúc thắc mắc

không ít, đó là tại sao người công bình bị kẻ ác hà hiếp? Người công

bình ở đây chỉ về tuyển dân Chúa, là dân sống theo tiêu chuẩn công

nghĩa của Đức Chúa Trời. Còn kẻ ác, chỉ về  dân Canh-đê, hay dân

ngoại, là dân sống gian ác, trái phạm đườnglối chân thật của Chúa.

Như tiên tri Giê-rê-mi, Ha-ba-cúc đặt mình vào nhóm dân có thể

bị kẻ ác áp bức và đã trở thành tiếng kêuthan của Đức Chúa Trời:

“Hỡi Đức Giê-hô-va! Tôi kêu van mà Ngài không nghe tôi đến

chừng nào? Tôi vì cớ sự bạo ngược kêu van cùng Ngài, mà Ngài

chẳng khứng giải cứu tôi!”(1:2). Ha-ba-cúc rất bất bình trước cảnh

quân thù vây dân Chúa. Trong thời kẻ ác hưng thịnh, người tiên tri

thấy dường như chánh trực công nghĩa không còn hiệu lực gì! (1:4).

Mặc dầu được Chúa cho biết Ngài sẽ dùng vuaBa-by-lôn sửa phạt

Giu-đa, nhưng Ha-ba-cúc không hài lòng cảnh kẻ bất nghĩa hung tàn

giày đạp dân Chúa! (1:5-12). Càng nghĩ đến sự thánh khiết oai

nghiêm của Chúa, Ha-ba-cúc càng thêm thắc mắc:  “Mắt Chúa thánh

sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược. Sao

Ngài nhìn xem kẻ làm sự dối trá, khi kẻ dữ  nuốt người công bình

hơn nó, sao Ngài nín lặng đi?”(1:13). Cho nên không thể chịu đựng

được nữa, Ha-ba-cúc quyết khiếu nại vấn đề  của mình trước mặt

Chúa: “Ta sẽ đứng nơi vọng canh, chôn chân nơi đồn  luỹ, rình xem

Ngài bảo ta điều gì, và ta trả lời thế nào về sự đối nại của ta”(2:1)

như Gióp lúc hoạn nạn đã mong ước tìm đến Chúa, để trình bày

duyên cớ của mình trước toà công lý của Ngài (Gióp 23:3-4).

2. Sự Giải Đáp Của Đức Chúa Trời Cho Ha-ba-cúc.

Trong đoạn 1, Ha-ba-cúc có cái nhìn hẹp hòi,  thấy kẻ ác trong

hiện tại được sự thạnh vượng và thắc mắc về sự nín lặng của Chúa.

Nhưng trong đoạn 2, Đức Chúa Trời đưa Ha-ba-cúc đến cái nhìn xa

hơn khi thấy sự cuối cùng của kẻ ác và thấy Chúa đang cầm quyền

80

tể trị. Trong sự giải đáp của Đức Chúa Trời, Ha-ba-cúc học biết

những điều quan trọng sau đây:

a. Người công nghĩa sống bởi đức tin:Trong 2:4 bày tỏ hai

nguyên tắc sống và hai hậu quả khác nhau: Kẻ ác sống bởi sự kiêu

ngạo và gặt lấy sự huỷ diệt, còn kẻ công  bình sống bởi đức tin và

được giải cứu. Vì vậy lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời là lẽ sống của

người công bình (Châm 16:18; Thi 37:1-9). Chữ đức tin trong nguyên

ngữ Hy-bá-lai là  Emunah, có nghĩa đen là “giơ bàn tay lên”. Như

trường hợp Môi-se giơ gậy hướng lên trời trong trận chiến với A-ma-léc và được thắng (Xuất 17:12), nghĩa bóng là “nắm vững hay nắm

chặt”, chỉ về lòng trung thành vâng giữ luậtpháp Đức Giê-hô-va.

Theo hai ý này, lời kêu gọi sống bởi đức tin của Ha-ba-cúc có hàm ý

khuyến khích con dân Chúa, dù trong hoàn cảnhbị kẻ ác hà hiếp,

nhưng người công bình cứ hướng lòng trông cậy Đức Giê-hô-va và

trung tín giữ điều răn Chúa dạy, cuối cùng chắc sẽ được sự giải cứu

và phước hạnh của Ngài.

Chữ đức tin trong 2:4 đã được sứ đồ Phao-lô trích dẫn cho sự giãi

bày lẽ đạo xưng nghĩa bởi đức tin. Trong thờiCựu ước, người công

bình sống bởi đức tin thế nào, thì trong thờiTân ước cũng bởi đức

tin nơi sự đổ huyết chuộc tội lỗi của Chúa  Giê-xu, mà tội nhân được

trở nên người công bình, được giải cứu khỏisự chết của tội lỗi, và

được sự sống bất diệt của Chúa (Rô 1:17,3,23-26; Gal 3:11; Giăng

3:16). Tất cả mọi điều ấy là do đức tin nơi  Chúa Cứu Thế. Vì vậy,

đức tin là nguyên tắc sống cần thiết cho người công bình của mọi

thời đại. Ngày xưa, Ha-ba-cúc kêu gọi người  công bình sống bởi đức

tin. Ngày nay sống trong thời đại ân điển, một tin mừng cho cả mọi

người là: Chẳng những người công bình sống bởi đức tin, mà kẻ tội

nhân cũng có thể nhờ đức tin trong Đấng Christ để được xưng công

bình.

Cho nên sự kêu gọi người đến đức tin trong Chúa Giê-xu là sứ

mạng của Cơ Đốc nhân chúng ta hôm nay.

81

b. Kẻ ác bị đặt dưới án phạt của Chúa (2:5-20): Trước kia Ha-ba-cúc tưởng Đức Chúa Trời chẳng lưu ý đến những điều của kẻ ác như:

tham lợi, kiêu ngạo, tàn nhẫn, bất nghĩa, trụy lạc, thờ thần tượng, giả

dối (2:5-8,15-19), nhưng qua giải đáp của Ngài, Ha-ba-cúc thấy rõ

Đức Chúa Trời đang ngồi trên cao ghi chép từng việc làm gian dối

của kẻ ác, và đã đặt chúng dưới cơn thạnh  nộ kinh khiếp của Ngài.

Ha-ba-cúc nhận biết sự hưng thạnh của kẻ ácchỉ trong chốc lát như

hoa cỏ chóng tàn và để dành cho lửa đoán xét của Chúa thiêu đốt

mà thôi! (2:13-16). Khi nhìn thấy quyền năng lớn của Đức Chúa Trời

bao phủ thế gian, sự oai nghiêm của Đấng Cao  Cả,  Ha-ba-cúc cảnh

cáo mọi người trên đất rằng:  “Nhưng Đức Giê-hô-va ở trong đền

thánh của Ngài, trước mặt Ngài, cả đất hãylàm thinh!”(2:20).

3. Niềm Tin Của Ha-ba-cúc.

Khi nhận thức được ý Chúa, quyền tể trị và chương trình của Đức

Chúa Trời đoán phạt kẻ ác và giải cứu người công bình, Ha-ba-cúc

không còn thắc mắc mà dâng lên Chúa lời cầu nguyện với cả tấm

lòng tin cậy trọn vẹn. Một điểm nổi bật trong đức tin của Ha-ba-cúc

là không bị chi phối bởi nghịch cảnh bên ngoài, như trong đức tin

của Áp-ra-ham: “Người cậy trông khi chẳng còn lẽ trông cậy…”(Rô

4:18). Với đức tin này, Ha-ba-cúc lòng tràn đầy vui mừng, bình an,

hy vọng trong Đấng cứu rỗi quyền năng; thay vì buồn thảm, thắc

mắc, tuyệt vọng như trước kia. Ông nói: “Vì dầu cây vả sẽ không nứt

lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho; cây Ô-li-ve không

sanh sản, và chẳng có ruộng nào sanh ra đồ ăn; bầy chiên sẽ bị

dứt khỏi ràn, và không có bầy bò trong chuồng nữa. Dầu vậy, tôi

sẽ vui mừng trong Đức Giê-hô-va, tôi sẽ hớnhở trong Đức Chúa

Trời của sự cứu rỗi tôi, Ngài làm cho chântôi giống như chân con

hươu, khiến tôi đi trên các nơi cao của mình”(3:17-19). Chúng ta

thấy rõ hai tâm trạng khác nhau của Ha-ba-cúc giữa đoạn 1 và 3.

Trong đoạn 1 với sự thắc mắc của lý trí, Ha-ba-cúc bi quan, ngã

lòng, đau khổ, bực dọc, than phiền Chúa. Trái lại trong đoạn 3, Ha-

82

ba-cúc với  đức tin của tấm lòng, Ha-ba-cúc lạc quan, bình an, vui

mừng, hy vọng, kiên nhẫn, chấp nhận nghịch cảnh và ca ngợi Chúa.

Điều này cho thấy người không có đức tin nơiChúa bị chôn vùi trong

nghịch cảnh, hoạn nạn. Nhưng người có đức tinnơi Chúa có thể bước

đi trong nghịch cảnh, trên nghịch cảnh và vượtqua nghịch cảnh.

Tóm lại, qua sự giải đáp của Đức Chúa Trờivà lời cầu nguyện của

Ha-ba-cúc, chúng ta ghi nhận những điểm sau đây:

(1) Trong sự tể trị của Đức Chúa Trời, kẻ ác dù hưng thạnh nhưng

chỉ trong giới hạn của chúng mà thôi.

(2) Trong sự đoán xét kẻ ác, Đức Chúa Trời có thì giờ của Ngài.

(3) Chỉ có người sống bởi đức tin nơi Chúa mới được sự giải cứu

của Ngài trong ngày đoán xét.

(4) Người sống với lý trí không thiếu thắc mắc, nhưng người sống

bởi đức tin không thiếu sự bình an và vui mừng trong Chúa.

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Vấn Đề Của Ha-ba-cúc:

a. Trong 1:4: Ha-ba-cúc nói đến hai hạng ngườinào? Hai hạng

người ấy chỉ về ai?

b. Trong 1:1-4,12-17: Ha-ba-cúc thắc mắc điều gì? Và ông có

những câu hỏi gì với Chúa?

2. Sự Giải Đáp Của Đức Chúa Trời:

a. Trong 2:4: Người công bình sống trên nền tảng nào?

b. Tin cậy Đức Chúa Trời là lẽ sống của người nào? (2:4).

c. Sự cuối cùng của kẻ ác sẽ như thế nào? (2:5-19).

d. Trong 2:12-14,20; 3:2-15: Cho chúng ta học biết gì về Đức

Chúa Trời và quyền năng Ngài?

3. Lời Cầu Nguyện Của Ha-ba-cúc:

a. Trong 3:6-19: Đức tin của Ha-ba-cúc có đặc điểm gì?

83

b. Với đức tin, Ha-ba-cúc đã tìm được những phước hạnh nào?

(3:18-19).

c. So sánh tâm trạng Ha-ba-cúc ở đoạn 1 và 3. Xin hiểu yếu

tố nào khiến Ha-ba-cúc từ chỗ thắc mắc đếnchỗ hài lòng?

4. Sứ điệp người công nghĩa sống bởi đức tincủa Ha-Ba-Cúc, có

liên quan gì đến lẽ đạo cứu rỗi bởi đức tintrong thời Tân Ước không?

Điều nầy khuyến khích chúng ta trong sứ mạng  nào? (Rô 1:16-17,23-26; 10:6-13).

5. Ghi nhận những điểm quan trọng trong sứ điệp của Ha-ba-cúc.

6. Nhìn lại chính mình, xin cho biết:

a. Bạn đang sống bởi đức tin nơi Chúa hay bởisức mình?

b. Trước sự bạo ngược của kẻ ác, bạn có bao giờ thắc mắc về

sự công bình của Chúa và thắc mắc thế nào?

c. Đời sống bạn đã bày tỏ niềm tin nơi Chúavà kêu gọi người

khác đến sự cứu rỗi bởi đức tin như thế nào?

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

– Tóc Rụng.

Để hạn chế tóc rụng, hãy gội đầu bằng nước rau cải xoong đun

kỹ. Trước khi gội đầu, hãy làm mát-xa da đầu cho kỹ với chút muối

rồi dùng bàn chải chải tóc thật lâu.

– Tóc Không Bóng Mượt.

Hãy lấy một khăn bằng lụa tơ tằm chà lên tóc, tóc sẽ trở nên

mượt mà hơn.

 

Chương trình thờ phượng Ban Phụ Nữ Chúa nhật 05.04.2015

Chương trình thờ phượng Ban Phụ Nữ Chúa nhật 05.04.2015

in PHỤ NỮ on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 05.04.2015 (Lễ Phục Sinh).

1. Đề tài: TỪ CHẾT ĐẾN PHỤC SINH.

2. Kinh Thánh: Rô-ma 6:3-11; Giăng 12:24; 1Côr 15:19-20.

3. Câu gốc: “…Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài  là trái đầu

mùa của những kẻ ngủ” (1Côr 15:20).

4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.

5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn trước.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

TỪ CHẾT ĐẾN PHỤC SINH.

Theo niên lịch Cơ Đốc Giáo, 40 ngày trước lễ Phục Sinh là lễ Tro.

Lễ Tro là ngày đầu tiên của Mùa Thống Hối.Mùa Thống Hối sẽ

chấm dứt vào ngày thứ bảy trước lễ Phục Sinh. Trong thời gian 40

ngày này các tôi con Chúa thường kiêng ăn cầu nguyện, tự xét mình,

ăn năn, xưng tội và cầu xin Đức Thánh Linh ban năng lực để sống

đẹp lòng Chúa…

Tuần lễ cuối cùng của Mùa Thống Hối là Tuần Thương Khó cũng

gọi là Tuần Thánh. Tuần này bắt đầu với lễ Lá, nhắc ngày Chúa được

nghênh rước vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn, rồi tiếp tục với

thứ năm, ngày Chúa thiết lập lễ Tiệc Thánhvà thứ sáu, Chúa chịu

đóng đinh trên thập tự giá để đến Chúa nhật, Chúa sống lại từ cõi

chết. Đó cũng là ngày vui nhất của Cơ Đốc Giáo, ngày lễ Phục Sinh.

I. CÓ CHẾT RỒI MỚI CÓ PHỤC SINH.

Một lẽ thật quan trọng chúng ta có thể khámphá được trong mùa

lễ nầy là Chúa phải chịu đau đớn, khốn khổ  và cuối cùng phải chết,

rồi Ngài mới có thể phục sinh vinh hiển được.

Trong phương diện thuộc linh cũng vậy. Chúng ta phải chết về

bản ngã, con người cũ (tư dục xác thịt, ý riêng), rồi mới phục sinh

75

được (đời sống mới, được biến đổi bởi Đức thánh Linh). Nhờ đức tin

chúng ta đã chết và sống lại qua lễ báp tem. Tại lễ báp tem, chúng

ta bước vào mầu nhiệm cùng chết và sống lại với Chúa (Rô 6:3-11).

Muốn có một đời sống đắc thắng tràn đầy sức sống thiên thượng

bước tiên quyết là phải chết đi con người cũ hoặc bản tánh xác thịt

mình. Không có ngã tắt nào để bước vào ngưỡng cửa quyền năng

phục sinh ngoại trừ phải chết. Ngày nào chúng ta còn chưa lấy đức

tin để cho con người cũ chết đi thì ngày đó chúng ta cũng chưa thể

sống với sức sống phục sinh được.

Trong cuộc sống theo Chúa, đôi khi Chúa cũng cho chúng ta phải

trải qua những đau đớn, thất vọng hoặc thất  bại rồi mới có thể tìm

thấy sung sướng, vui mừng và thành công. Có  những cuộc hôn nhân

phải đến chỗ đổ vỡ rồi mới tìm thấy lại hạnh phúc thật. Có những

Hội Thánh phải đóng cửa rồi mới kinh nghiệmđược sự phấn hưng.

Có những tôi tớ Chúa phải nghỉ chức vụ mộtthời gian rồi mới có thể

có một chức vụ kết quả.

Chúng ta đừng vội thất vọng hoặc lên án khithấy công việc nhà

Chúa dường như đang đổ vỡ. Vì từ những hài cốt khô Đức Chúa Trời

cũng có thể dựng lên một đạo binh rất lớn và dũng mãnh (Ê-xê 37).

Bây giờ người ta sẽ không thể nói rằng nhờtay mình mà công việc

Chúa mới được như thế nầy, như thế kia; bèn là nhờ quyền năng của

Thánh Linh Đức Chúa Trời hành động qua mình (Xa 4:6).

Chúa chúng ta đã dạy, “nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau

khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết

quả được nhiều”(Giăng 12:24). Chết là cần thiết cho phục sinh.

Phải có chết rồi mới có thể phục sinh được.

II. CÓ CHÚA PHỤC SINH, CÓ ĐỜI SỐNG ĐẮC THẮNG.

Đây là lẽ thật thứ hai. Thật rõ ràng là bối cảnh xã hội, chính trị tại

Pa-lét-tin không có gì thay đổi trước và sau  khi Chúa phục sinh. Người

La-mã vẫn cai trị dân Do-thái, giới lãnh đạotôn giáo vẫn cộng tác với

ngoại bang để củng cố chức vị và quyền hành. Những ai bất đồng ý

76

kiến hay có tư tưởng chống đối đều bị “chụp mũ” là chống chính quyền

và bị bắt giam ngay tức khắc. Hàng ngàn người đã bị xử đóng đinh.

Các môn đồ của Chúa Giê-xu phần nhiều là những người miền

quê. Bản tính sợ người quyền thế vốn đã cósẵn trong dòng máu của

những người quen bị trị. Lâu nay họ hãnh diệnvì thầy của mình thật

là tài năng, làm những dấu kỳ phép lạ phi  thường, nhưng từ khi

chính mắt họ thấy Chúa bị bắt, chịu tử hình trên thập tự giá, bao

nhiêu niềm hãnh diện và mộng đẹp đều bị tanvỡ. Họ sợ bị liên lụy,

sợ nên trốn tránh. Nhắc lại tình cảnh đó, thánh Giăng rất thành thật

viết: “Buổi chiều nội ngày đó, là ngày thứ nhất trong tuần lễ, những

cửa nơi các môn đồ ở đều đương đóng lại, vìsợ dân Giu-đa”

(Giăng 20:19). Sợ, là bản tánh cố hữu của chúng ta.

Nhưng từ khi họ gặp được Chúa phục sinh, sự sợ hãi đã tan biến.

Họ bắt đầu kinh nghiệm một đời sống đắc thắng. Ngày trước họ sợ

bị bắt bỏ tù, nhưng bây giờ bắt bớ và tù đày dường như không có

nghĩa lý gì nữa. Ngày trước, nếu những nhà lãnh đạo trong dân quở

trách, có lẽ họ đã im hơi lặng tiếng mà nghe, bất kể là đúng hay

sai, nhưng bây giờ thì họ đã không ngần ngạihỏi lại rằng:  “Chính

các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các

ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng? Vì, về phần chúng tôi,

không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe”

(Công 4:19-20).

Họ đã kinh nghiệm được thế nào là  “biết lẽ thật và lẽ thật sẽ

buông tha”(Giăng 8:32). Chúa Giê-xu phục sinh chính là lẽ thật đó.

“Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do” (Ga-la-ti 5:1a).

Kinh nghiệm Chúa phục sinh đã cho họ đời sống đắc thắng. Nhà

cầm quyền, roi vọt, tù đày, bị sỉ nhục công  khai, hoặc bị treo trên

thập tự giá vốn là những gì họ hay sợ trước khi gặp Chúa phục sinh.

Giờ đây những thứ đó không còn có nghĩa gì nữa. Quả thật, cuộc đời

họ đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi gặp Chúa phục sinh. Họ đã kinh

nghiệm một đời sống đắc thắng giữa một xã hội đầy bất công và áp

77

bức. Họ đã thật sự kinh nghiệm sự tự do dùsống giữa một môi

trường không chút tự do. Khó khăn hoặc chếtchóc đối với đa số

chúng ta dường như là tận điểm. Đứng trước sự khó khăn và sự chết,

chúng ta thường buồn bã và than vãn và đôi  khi cũng thắc mắc về

tình thương của Đức Chúa Trời, nhưng tạ ơn Chúa vì trước mắt Ngài,

khó khăn hoặc chết chóc chưa phải là tận cùng. Đó chỉ là sự cần

thiết để Ngài bày tỏ những việc diệu kỳ hơn qua quyền năng phục

sinh. Đức tin nơi Chúa phục sinh có thể giúp  chúng ta xem thường

mọi khó khăn trở ngại và được một đời sống đắc thắng. Ha-lê-lu-gia!

Tạ ơn Chúa, vì chúng ta đang được sự tự do và có thể sống một

cuộc đời đắc thắng. Hãy vững tin nơi Chúa phục sinh. Amen.

Mục sư Đặng Ngọc Báu (có sửa).

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

– Đổ Nước Sôi Vào Ly Thủy Tinh Không Vỡ.

Trước khi đổ nước sôi vào một ly thuỷ tinh,  đừng quên đặt cái ly

ấy trên một miếng vải thấm nước lạnh hoặc  bỏ vào ly một cái

muỗng kim loại.

 

Chương trình thờ phượng Ban Phụ Nữ Chúa nhật 29.03.2015

Chương trình thờ phượng Ban Phụ Nữ Chúa nhật 29.03.2015

in PHỤ NỮ on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 29.03.2015.

1. Đề tài: NA-HUM – NGƯỜI RAO BÁO SỰ ĐOÁN XÉT CÔNG BÌNH

CỦA CHÚA.

2. Kinh Thánh:Na-hum 1-2.

3. Câu gốc:  “Đức Giê-hô-va chậm giận và có quyền lớn;  nhưng

Ngài chẳng cầm kẻ mắc tội là vô tội”(Na-hum 1:3).

4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 121 – 123.

5. Thể loại: Thảo luận.

69

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn thảo luận trước.

– Đề tài 1:  Đức Chúa Trời không cho Ni-ni-ve cơ hội thứ hai để

ăn năn.

– Đề tài 2: Đức Chúa Trời đoán phạt Ni-ni-ve vì khinh lờnơn tha

thứ của Chúa.

I. GIỚI THIỆU.

Tên Na-hum có nghĩa “sự an ủi”. Ông được ĐứcChúa Trời kêu gọi

làm tiên tri vào khoảng năm 630-612 T.C. để đem sự an ủi cho dân

Giu-đa sau khi vương quốc Y-sơ-ra-ên sụp đổ (722 T.C).

Trong lúc đế quốc A-si-ry hùng mạnh đang đe dọa Giu-đa, tiên tri

Na-hum đã thấy trước sự sụp đổ của đế quốcnày. Với sứ điệp của

Chúa, Na-hum đã rao sự đoán phạt Ni-ni-ve, đồng thời cũng đem cho

dân Chúa tin lành của sự giải cứu. Qua dự ngôn của Na-hum đã bày

tỏ cho chúng ta biết gì về quyền tể trị tối  thượng của Đức Chúa Trời

và sự đoán xét công bình của Ngài?

II. DẪN GIẢI.

1. Sự Cảnh Cáo Nghịch Cùng Ni-ni-ve.

Như tiên tri Áp-đia được Đức Chúa Trời gọi với sứ mạng là rao sự

đoán phạt trên Ê-đôm thì tiên tri Na-hum cũng được Chúa kêu gọi

với sứ mạng là rao sự đoán phạt trên Ni-ni-ve, vì Ni-ni-ve bị đặt dưới

bản án là kẻ mưu sự dữ nghịch cùng Đức Giê-hô-va (1:11). Trước

mặt Đức Chúa Trời, những kẻ tự cao, kẻ gianác theo đường lối thế

gian, xúc phạm đến luật công nghĩa của Chúa là kẻ dấy nghịch cùng

Ngài (Gia 4:4). Nên trong lời rao án phạt, Na-hum bày tỏ cho Ni-ni-ve biết:

(1) Đức Chúa Trời là Đấng Yêu thương cũng là Đấng Công nghĩa:

Giê-hô-va là Đức Chúa Trời ghen và báo thù; Đức Giê-hô-va báo thù

và đầy sự thạnh nộ. Đức Giê-hô-va báo thùkẻ cừu địch mình. Đức

Giê-hô-va chậm giận và có quyền lớn; nhưng chẳng cầm kẻ mắc tội

là vô tội (1:2-3). Chữ “ghen” và “báo thù” không có nghĩa chỉ về

70

những hành động theo lý tính của con người xác thịt. Nhưng ở đây là

sự diễn tả một khía cạnh sôi động trong bảntính yêu thương và

công nghĩa của Đức Chúa Trời. Với bản tính yêu thương, Đức Chúa

Trời chậm nóng giận, nhưng Ngài cũng “ghen” đối với kẻ xây bỏ

Chúa để theo thế gian; như người chồng ghen tuông vì sự ngoại tình

của vợ mình (Gia 4:4-5). Với bản tính công nghĩa, Đức Chúa Trời

chẳng cầm kẻ có tội là vô tội, nhưng Ngài cũng “báo thù” kẻ ác theo

luật công lý nhân quả (được xử theo những gì mình đã làm cách

công bằng).

(2) Quyền năng của Đức Chúa Trời rất lớn. Sức mạnh Ngài như

cơn gió lốc và bão tố. Lời quở trách của Ngài khiến các sông khô

cạn, hoa màu khô héo, các núi run rẩy. Vì vậy, trong sự đoán xét

của Chúa, Na-hum đố thách kẻ ác mưu nghịch Ngài rằng:  “Ai đứng

được trước sự thạnh nộ Ngài? Ai đương nổi sự nóng giận Ngài? Sự

tức giận của Ngài đổ ra như lửa, những vầngđá vỡ ra bởi Ngài….

Các ngươi sẽ lập mưu gì nghịch cùng Đức Giê-hô-va? Ngài sẽ diệt

hết cả…”(1:6-9).

Lời cảnh cáo trên là một hung tin cho dân Ni-ni-ve, nhưng cũng

là một tin lành cho dân Chúa. Vì trong sự công nghĩa, Đức Chúa Trời

dùng quyền năng đoán phạt kẻ ác, nhưng trongtình yêu thương

Chúa, quyền năng ấy được dùng để giải cứu dân sự Ngài. Trong 1:15

là bức ảnh thật đẹp diễn tả hình ảnh của người đem tin vui về sự

giải cứu của Chúa cho tuyển dân “Nầy, trên các núi có chân của kẻ

đem tin lành và rao sự bình an!”.

Tin lành mà Na-hum rao báo cho Y-sơ-ra-ên là tin về:

(1) Sự giải cứu của Chúa:  “Nhưng bấy giờ ta sẽ bẻ gãy ách nó

khỏi ngươi, và bứt đứt dây ngươi”(1:13).

(2) Sự an ủi của Chúa:  “Dầu ta đã làm khổ ngươi, song ta sẽ

chẳng làm khổ ngươi nữa” (1:12).

(3) Sự ban cho bình an của Chúa: “Vì kẻ gian ác về sau chẳng đi

qua giữa ngươi nữa, nó sẽ bị diệt sạch”(c.15).

71

(4) Sự công nghĩa của Chúa:  “Vì Đức Giê-hô-va khôi phục sự

vinh hiển của Gia-cốp như sự vinh hiển của Y-sơ-ra-ên, bởi những

kẻ bóc lột đã bóc lột chúng nó và đã pháhại những nhành nho

chúng nó”(2:2).

Bốn đặc điểm trên cho chúng ta thấy trong bài ca mà thiên sứ

loan báo Chúa Giê-xu là Tin Lành, là sự vui mừng lớn cho muôn dân

(Lu 2:11). Ngài là Đấng mà Đức Chúa Trời đãlàm nên sự cứu rỗi,

bình an, công nghĩa cho chúng ta (1Côr 1:30). Ngày xưa, Na-hum

rao cho Y-sơ-ra-ên về tin lành của Chúa. Ngàynay, chúng ta là người

nhận được tin lành của Chúa, nên sự đem ơn cứu rỗi của Chúa cho

người đang đau khổ trong tội lỗi, đó là sứ mạng của mỗi Cơ Đốc

nhân chúng ta. Như trong lời khuyến khích của  sứ đồ Phao-lô:

“Những bàn chân kẻ rao truyền Tin lành là tốt đẹp biết bao!” (Rô

10:15).

2. Sự Đoán Phạt Ni-ni-ve.

Ni-ni-ve là thủ đô của A-si-ry. Là một nước chạy dài phía đông bờ

sông Ty-rơ, trải dài với vùng đồng bằng rộng lớn. Vòng tường thành

Ni-ni-ve dài chừng 13km. Dân số Ni-ni-ve có khoảng 175.000 –

300.000 người. Thành Ni-ni-ve được xây dựng rất kiên cố. Mặt tiền

(trước) với ba lớp chiến lũy và mặt hậu (sau) với hai lớp chiến lũy

phòng thủ. Dù vững chắc thế, nhưng tiên tri Na-hum đã nói trước về

sự sụp đổ của Ni-ni-ve, bởi vì tội lỗi của dân thành này quá lớn đến

mức phải bị hủy diệt!

Trong lời nghịch cùng Ni-ni-ve, cho thấy dân này vô cùng bại

hoại với sự bất nghĩa, bất chính, làm đổ huyết, dâm đãng và tà thuật

là điều rất là gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời:  “Khốn thay cho

thành đổ máu! Nó đầy dẫy những sự dối trávà cường bạo, cướp

bóc không thôi… nó bán các nước bởi sự dâm đãng, và bán các họ

hàng bởi sự tà thuật”(3:1-4). Bởi cớ đó, Đức Chúa Trời phán:  “Ta

sẽ ném sự ô uế gớm ghiếc của ngươi trên ngươi, làm cho ngươi

nên khinh hèn, làm trò cho mọi người xem”(3:6). Trước Na-hum

72

150 năm, Giô-na vâng mạng Đức Chúa Trời cảnh cáo tội lỗi của vua

và dân thành Ni-ni-ve, họ bày tỏ lòng ăn năn nên Đức Chúa Trời

dừng cơn đoán phạt. Nhưng sau đó họ trở lại  đường cũ, vẫn tội nào

tật nấy, làm điều cực ác, nghịch cùng Đức Chúa Trời, cho nên không

còn cơ hội thứ hai cho họ nữa.

Theo 3:8-19, Na-hum dự ngôn Ni-ni-ve sẽ bị hoangvu và dân sự

sẽ tản lạc như các nước hùng mạnh khác! Điều này đã xảy đến cho

Ni-ni-ve. Theo sử liệu (dấu vết, tài liệu lịch sử) mà Gadd tìm thấy ở

viện bảo tàng Anh Quốc, ghi rằng: Ni-ni-ve đãbị sụp đổ bởi sự

chinh phục của Cyaxares, vua Ba Tư sau ba tháng  bao vây và đế

quốc A-si-ry cáo chung (có dấu hiệu suy tàn)  khoảng năm 612 T.C.

không lâu sau lời dự ngôn của tiên tri Na-hum.

Sự sụp đổ của Ni-ni-ve cho chúng ta học đượcnhững điều sau:

(1) Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương, nhưng cũng là Đấng

Công Nghĩa: Trong sự yêu thương, Ngài tha thứ  tội nhân, nhưng

trong sự công nghĩa, Ngài không dung chứa tộilỗi.

(2) Đừng coi thường sự đoán phạt của Chúa: Lời Ngài phán, Ngài

chắc sẽ làm cho ứng nghiệm chẳng sai.

(3) Đừng khinh lờn ân điển của Chúa: Đức Chúa Trời không bao

giờ đoán phạt ai mà không cho họ có cơ hội  ăn năn. Nhưng nếu

người coi thường ơn tha thứ của Chúa chắc sẽkhông còn có cơ hội

cho họ nữa. Như lời cảnh cáo của Kinh Thánh  rằng:  “Hay là ngươi

khinh dể sự dư dật của lòng nhân từ, nhịn nhục, khoan dung Ngài,

mà không nhận biết lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đem ngươi

đến sự ăn năn sao? Bởi lòng ngươi cứng cỏi,không ăn năn, thì tự

chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ, khi sẽ hiện ra sự

phán xét công bình của Đức Chúa Trời”(Rô 2:4-5).

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. a. Na-hum cảnh cáo dân Ni-ni-ve thế nào? (1:1-2).

73

b. Qua lời cảnh cáo của Na-hum cho chúng ta học biết gì về

bản tính quyền năng của Đức Chúa Trời?

c. Na-hum đem lại cho dân Chúa sự an ủi nào? (1:12-2:2).

d. Sứ mạng của Na-hum có ý nghĩa gì cho Cơ Đốc nhân chúng

ta hôm nay?

2. a. Tình trạng đạo đức của dân Ni-ni-ve thếnào? (2:1; 3:1-5).

b. Xin tìm hiểu tại sao trước kia Đức Chúa Trời sai Giô-na rao

giảng cho dân Ni-ni-ve, còn bây giờ Ngài không tha thứ cho dân

nầy? (1:3). Điều nầy cho chúng ta học biết lẽ thật nào về ân điển và

sự đoán phạt của Đức Chúa Trời? (Rô 2:1-3;  2Phi 3:9-10; Hêb 6:4-6).

c. Theo dự ngôn của Na-hum, Ni-ni-ve chịu sự đoán phạt thế

nào? Lời tiên tri này có ứng nghiệm không?

3. Ghi nhận những lẽ thật quan trọng được bày tỏ trong sách Na-hum.

4. Nhìn lại chính mình xin cho biết:

a. Bạn đang sống trong sự tin kính Chúa hay khinh lờn ân điển

cứu rỗi của Ngài?

b. Bạn dùng lời Chúa cảnh cáo kẻ ác biết sự đoán xét công

bình của Chúa thế nào và giúp người bị ức hiếp được niềm hy vọng

trong sự giải cứu của Chúa thế nào?

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

– Lau Chùi Đồ Thủy Tinh.

Hãy pha vào nước lau chùi một ít giấm. Đồ thủy tinh sẽ sáng

bóng. Muốn chùi kỹ, trước khi rửa bằng nướclã pha giấm, bạn đổ

nước vào bình thủy tinh rồi cho vào vài miếng khoai tây sống hoặc

vỏ khoai tây. Ngâm trong vài giờ, vớt khoai tây và đổ nước ra.