Latest News From Our Blog

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 08.02.2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 08.02.2015

By andynguyen in Thanh niên on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 15.02.2015.

1. Đề tài: VẤN ĐỀ CHÁN NẢN.

  1. Kinh Thánh: Thi Thiên 46:1; Ha-ba-cúc 3:17-19; Hê-bơ-rơ 12:1-5.

3. Câu gốc: “Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi” (Ê-sai 40:31).

4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 4-8.

5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

1. Chọn một người đóng vai Ê-li và một người làm phóng viên.

2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và câu trả lời cần phải ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.

3. Mời trước một người đúc kết buổi phỏng vấn và nêu lên những điều học hỏi được từ câu chuyện. Cầu nguyện kết thúc (có thể mời nhân vật được phỏng vấn cầu nguyện).

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

(Sau khi NHD giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới phòng nhóm đi lên và Ê-li từ ngoài bước vào phòng nhóm).

– Phóng viên: Dạ xin kính chào cụ Ê-li!

– Ê-li: Chào các cháu!

– PV: Chúng cháu rất vui vì được cụ đến thăm hôm nay. Thay cho các bạn thanh niên trong Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Nhân buổi gặp gỡ nầy cụ có thể giúp chúng cháu tìm hiểu vấn đề chán nản trong đời sống không thưa cụ?

– Ê-li: Được, các cháu cứ hỏi, ta sẽ giúp các cháu theo kinh nghiệm của đời sống ta.

– PV: Thưa cụ, điều gì dễ khiến con người rơi vào tình trạng chán nản, ngã lòng?

– Ê-li: Lý do dẫn đến sự ngã lòng có thể tìm thấy trong ba khía cạnh sau: (1) Vì sự quá sức hay mòn mỏi của thân thể. (2) Vì sự khủng hoảng của tinh thần. (3) Vì sự khủng hoảng trong tâm linh.

– PV: Là người từng trải kinh nghiệm, xin cụ phân tích từng phần cho chúng cháu được biết với!

-Ê-li: Đọc 1Các Vua 18, các cháu sẽ thấy từ sáng sớm đến chiều tối, một mình ta phải dồn hết tâm tư, sức lực vào cuộc thách đố với 450 tiên tri Ba-anh và 400 tiên tri Át-tạt-tê! Sau cuộc thách đố, sự đắc thắng về danh Đức Chúa Trời, nhưng sức lực của ta bị mòn mỏi, cạn kiệt! Vì sự quá sức của cơ thể, đưa ta đến sự chán nản, ngã lòng.

– PV: Thưa cụ, lúc ấy thân thể cụ rã rời nhưng còn tinh thần cụ thì thế nào?

-Ê-li:Nhắc đến điều này ta thấy mắc cỡ quá! Tinh thần ta lúc đó xuống dốc lắm. Ta không mạnh mẽ như lúc sáng sớm, ta không can đảm như lúc đứng trước các tiên tri tà thần. Lúc đó ta thật thê thảm! Talo sợ bởi lời hăm dọa của hoàng hậu độc ác Giê-sa-bên. Ta thấy dường như thất bại và cô đơn, ta thấy tuyệt vọng trước nghịch cảnh…

– PV: Thưa cụ, nhưng cháu thấy sự việc xảy ra không như điều cụ lo sợ?

-Ê-li: Đúng vậy đó các cháu, khi bị khủng hoảng về tinh thần, con người thường suy nghĩ lung tung và lo sợ. Hơn thế nữa, ý nghĩ bi quan, tự ti mặc cảm, tự ái quá cao… khiến ta bị khủng hoảng.

– PV: Thể xác và tinh thần cụ bị khủng hoảng nhưng tâm linh cụ lúc ấy thế nào, thưa cụ?

-Ê-li: Ta ngã lòng không chỉ vì mệt mỏi trong thân thể, vì sự sợ hãi trong tinh thần, nhưng còn vì không để lòng tin cậy Chúa. Ta thấy dường như chỉ có một mình đơn độc chống lại kẻ tà thần. Ta không nhìn thấy Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị.

– PV: Theo sự trình bày của cụ thì sự chán nản đến từ nhiều nguyên nhân và có sự liên quan với nhau phải không thưa cụ?

– Ê-li: Phải rồi, người bị chán nản không chỉ vì một lý do, và còn có thể ảnh hưởng đến các vấn đề khác, như từ sự chán nản vì mòn mỏi của thể xác, có thể dẫn chúng ta đến sự xao lãng trong sự cầu nguyện với Chúa, do đó tâm hồn bị khô héo và trở thành chán nản thuộc linh.

– PV: Thưa cụ, có dấu hiệu nào tỏ ra bên ngoài để nhận biết một người đang bị chán nản không?

-Ê-li: Có đấy các cháu. Các cháu có thể phân biệt qua những dấu hiệu sau: (1) Xao lãng, không quan tâm đến mình cũng như người khác. (2) Thu mình, tránh né, từ chối giao tiếp bên ngoài. (3) Thờ ơ, khước từ mọi trách nhiệm. (4) Bỏ cuộc, chịu thua trước mọi việc.

– PV: Theo cụ, sự chán nản thường đem lại điều gì?

-Ê-li: Sự chán nản ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì sự căng thẳng tinh thần làm cho người ta hay buồn giận, là yếu tố có thể dẫn đến tâm bệnh như nhức nửa bên đầu hay bị ung nhọt. Sự căng thẳng cảm xúc và tinh thần là một trong những lý do của bệnh tim mạch, huyết áp cao. Khi sự chán nản ở vào tình trạng tuyệt vọng có khi dẫn đến tự sát.

– PV: Khủng kiếp thật! Sự chán nản gây hại cho sức khỏe, thân thể con người. Nhưng về phần tâm linh thì bị ảnh hưởng thế nào thưa cụ?

– Ê-li: Các cháu biết không, sự chán nản chẳng những có hại cho sức khỏe của thân thể, nhưng còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm linh, khiến chúng ta trở thành người yếu đuối, như một dụng cụ không còn hữu hiệu trong công việc nhà Chúa.

– PV: Xin cụ cho chúng cháu biết có cách nào để giúp người chán nản ngã lòng không?

-Ê-li: Cách tốt nhất ta học được là cách của Chúa qua việc Ngài chăm sóc ta. Khi ta chán nản, ngã lòng vì quá sức, thì Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ mang bánh, nước chăm sóc ta. Nhờ thức ăn, nhờ giấc ngủ nghỉ ngơi mà ta được hồi sức.

– PV: Vậy thưa cụ, có cách nào ngăn ngừa sự chán nản xảy ra cho đời sống không?

– Ê-li: Để tránh sự chán nản vì quá sức nên lưu ý: Trừ trường hợp khẩn cấp, chớ nên “làm ráng… một chút!” Phải biết sức người có hạn, nên để thì giờ nghỉ ngơi bồi bổ sức lực. Trong sự giải trí chớ quên bồi bổ phần tâm linh, vì trong sự mòn mỏi của thể xác có thể có những “tội lỗi nho nhỏ” thừa dịp xen vào làm khô héo đời sống thuộc linh. Mỗi ngày để lòng nương cậy Chúa, sống trong sức mới của Ngài.

– PV: Với sự chán nản vì lý do khủng hoảng tinh thần thì làm thế nào thưa cụ? 

– Ê-li: Với người ở trong sự sợ hãi lo âu, các cháu giúp họ học biết lời hứa về sự hiện diện của Chúa, sự ban cho bình an và an nghỉ trong Ngài. Hãy đặt lòng nương cậy nơi lời hứa của Chúa trong các câu Kinh Thánh như Thi Thiên 46:1; Ê-sai 43:13; Ma-thi-ơ 11:28…

– PV: Với người chán nản vì ước mơ không thành, vì mất mát đau đớn thì làm thế nào thưa cụ?

– Ê-li: Các cháu giúp họ biết rằng: Trong mọi sự xảy ra Chúa có ý muốn tốt lành cho kẻ yêu mến Ngài. Chúa thông cảm với nỗi đau buồn của họ và ban cho họ sự giải cứu. Hãy phó thác mọi sự trong bàn tay chăm sóc yêu thương của Chúa, với lòng tin cậy nơi Ngài (Thi 68:19; 37:5; Rô 8:28).

– PV: Thưa cụ, với người chán nản vì tự ti mặc cảm, sự bất lực và vô vọng thì làm gì giúp họ?

– Ê-li: Hãy giúp họ nhận biết rằng họ là người được Chúa cứu chuộc để trở nên có giá trị trước mặt Ngài (Ê-sai 43:4-5). Hãy biết rằng trong Đấng Hằng Sống, chúng ta không bao giờ mất hy vọng. Hãy vững lòng tin cậy nơi Đấng thành tín, bất biến (Hêb 12:2; 13:8).

– PV: Làm thế nào để đối phó với sự chán nản vì khủng hoảng thuộc linh, thưa cụ?

– Ê-li: Trước tiên phải xưng tội với Chúa và tìm sự tha thứ của Ngài. Đây là điểm chính yếu để chúng ta được lập lại mối tương giao với Chúa và tìm lại được sự tươi mới, bình an cho tâm hồn (Thi 32:5; 1Giăng 1:7-8). Thứ hai dứt bỏ mọi tội lỗi, nhất là tội dễ vấn vương (Hê-bơ-rơ 12:1-5). Thứ ba cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta bền đỗ trong đức tin và có tấm lòng thuận phục Ngài trong mọi sự (Ha-ba-cúc 3:17-19).

– PV: Cám ơn cụ đã giúp chúng cháu hiểu rõ hơn về vấn đề chán nản trong đời sống. Biết rõ điều nầy, chúng cháu sẽ giúp mình, giúp người tránh rơi vào tình trạng chán nản và ra khỏi tình trạng chán nản, để đời sống hưởng được sự vui thỏa, phước hạnh.

NHD: Thưa các bạn! Chúng ta vừa nghe cụ Ê-li phân tích về sự chán nản, ngã lòng trong đời sống. Nguyện Chúa giúp chúng ta biết nhờ cậy Chúa trong mọi sự, lập mối tương giao với Chúa và tìm được sự tươi mới, bình an cho tâm hồn mỗi ngày. Mời các bạn đứng lên và mời cụ Ê-li cầu nguyện cho chúng cháu.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Một trong những điểm nổi bật ở các xứ văn minh kỹ nghệ là sự tranh đua. Trong cuộc sống hằng ngày, sự tranh đua được thấy trong nhiều khía cạnh khác nhau. Người ta tranh đua trong việc kinh doanh, trong công danh sự nghiệp, trong công việc làm ăn sinh sống, trong sự học vấn…

Vì vậy phía sau cuộc sống bận rộn căng thẳng ấy, người ta không thể tránh khỏi những mệt mỏi, chán nản ngã lòng! Tại Hoa Kỳ số người chán nản, tức tối, bị xuống tinh thần càng gia tăng. Sự xuống tinh thần trong tình trạng nhẹ ảnh hưởng đến cảm xúc là chuyện thường xảy ra. Nhưng cũng có người xuống tinh thần ở mức độ trầm trọng, có thể gọi là bệnh chán nản. Theo các nhà nghiên cứu ước lượng, trong năm người thì có một người rơi vào “bệnh” chán nản trầm trọng!

Dĩ nhiên sự chán nản, ngã lòng có nhiều lý do của nó. Nhưng đây cũng là vấn đề người Cơ đốc đương đầu trong xã hội này. Thế nào chúng ta vượt thắng khi phải đối phó với sự ngã lòng?

I. DẪN GIẢI.

A. NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ CHÁN NẢN.

Lý do dẫn đến sự chán nản có thể tìm thấy trong ba khía cạnh sau đây:

1. Vì sự quá sức, mòn mỏi của thân thể.

Trong 1Các Vua 18 cho thấy, suốt cả ngày từ sáng sớm đến chiều tối, tiên tri Ê-li một mình phải dồn hết tâm tư, sức lực vào cuộc thách đố với 450 tiên tri Ba-anh và 400 tiên tri thần Át-tạt-tê! Khi cuộc thách đố xong, sự đắc thắng thuộc về danh Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, nhưng sức lực và cảm xúc của Ê-li bị mòn mỏi, cạn kiệt! Vì sự quá sức của cơ thể có thể làm xáo trộn luật quân bình về sinh lý là nguyên nhân đưa đến sự chán nản.

2. Vì sự khủng hoảng của tinh thần, tâm lý.

Sự chán nản có thể đến từ những lý do sau đây:

– Vì lo sợ: Tiên tri Ê-li chán nản chạy trốn vì lời hăm dọa của hoàng hậu ác độc Giê-sa-bên (1Vua 19:1-3).

– Vì mơ ước không thành: Ê-li với nhiệt tâm trừ diệt kẻ thờ tà thần, để đem dân sự trở về cùng Đức Chúa Trời hằng sống, nhưng ông cảm thấy dường như thất bại và cô đơn (1Vua 19:10-11).

– Vì tuyệt vọng, cảm thấy bất lực trước mọi nghịch cảnh: Đây có thể nói là điểm chủ yếu khiến người ta chán nản, khi không còn thấy một tia sáng của hy vọng, khi cuộc đời là cả một màu đen! Tổng thống Abraham Lincoln khi còn là một luật sư trẻ tuổi, cũng có lần rơi vào tình trạng chán nản. Ông viết lại như sau: “Bây giờ tôi là người sống khốn khổ nhất!”

– Vì ý nghĩ bi quan, bất mãn nên nhìn cuộc sống với sự hoài nghi, vô nghĩa! Chuyện gì cũng có thể phê phán, chẳng có gì là hài lòng!

– Vì mặc cảm tự ti, suy nghĩ mình chẳng có giá trị chi, như người vô dụng bị loại ra ngoài. Sự chán nản này thường thấy trong vòng người hưu hạ, tuổi cao, không được gia đình, cộng đồng lưu ý tôn trọng.

– Vì tự ái cao, quá nóng nảy, không đủ kiên nhẫn chịu đựng một điều bất như ý nào!

– Vì mất mát tài sản, danh dự, sức khỏe hay phân rẽ người thân yêu như Gióp khi trải qua sự mất mát cả tài sản và con cái yêu quý (Gióp 1).

3. Vì sự khủng hoảng trong tâm linh.

Trong 1Các Vua 19 cho thấy tiên tri Ê-li ngã lòng chẳng phải vì mệt mỏi trong thân thể, vì sự sợ hãi trong tinh thần, nhưng còn vì không để lòng tin cậy Chúa. Ê-li thấy chỉ có một mình đơn độc chống lại kẻ tà thần, mà không nhìn thấy Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị (19:14-15).

Sự giấu kín tội lỗi trong lòng là nguyên nhân của sự chán nản, của đời sống bị héo hon và tuyệt vọng, như trong từng trải bản thân của vua Đa-vít (Thi 32:3-4; 38:3-8).

Tóm lại: Ba nguyên nhân nói trên thật ra đều có tương quan với nhau. Người bị chán nản không chỉ vì một lý do đơn độc, mà không ảnh hưởng đến các vấn đề khác, như từ sự chán nản vì mòn mỏi của thể xác, có thể dẫn chúng ta đến sự xao lãng trong sự cầu nguyện tương giao với Chúa, do đó tâm hồn bị khô héo và trở thành chán nản thuộc linh.

Trong tiếng Anh, một từ thông dụng là “burn out” chỉ về sự chán nản ngã lòng. Chữ “burn out” có hình ảnh của một cây nến cháy cạn dần. Chữ này dùng để nói đến tình trạng trống rỗng bên trong, khi nguồn suối tâm hồn bị khô hạn. Sự cháy cạn này gây nên mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần và tâm linh của con người. Theo tấn sĩ A. Hart, thì những lý do sau đây có thể đưa đến tình trạng “cháy cạn”:

– Bị mất quân bình vì hoạt động bên ngoài quá nhiều, mà không có sự củng cố bồi đắp bên trong.

– Mang cảm nghĩ thương hại mình, vì bị chỉ trích cách bất công!

– Che giấu một tội lỗi nào đó mà không thể nói ra.

– Ý kiến của mình xung khắc với kẻ khác (tự ái).

– Cố gắng giải quyết những vấn đề không bao giờ có thể giải quyết xong.

B. DẤU HIỆU VÀ HẬU QUẢ CỦA SỰ CHÁN NẢN NGÃ LÒNG.

Quan sát sự ngã lòng của tiên tri Ê-li và tâm trạng của người mệt mỏi chán nản mô tả trong Thi Thiên 102, chúng ta nhận thấy người ngã lòng có thể được thấy trong những dấu hiệu sau:

– Biếng ăn, bỏ mặc sự chăm sóc thân mình.

– Trằn trọc, thao thức, khó ngủ.

– Buồn thảm, héo hon.

– Rút lui, xa lánh đám đông.

– Thối thác trách nhiệm.

– Tuyệt vọng, không muốn tiếp tục cuộc sống.

Những dấu hiệu trên có thể tóm tắt trong những điểm này: (1) Xao lãng tức là không quan tâm đến mình cũng như người khác. (2) Thu mình, tránh né, từ chối giao tiếp bên ngoài. (3) Thờ ơ, khước từ mọi trách nhiệm. (4) Bỏ cuộc, chịu thua trước mọi việc.

Sự chán nản có thể nhẹ hay nặng, nhưng có thể gây hại cho sức khỏe. Vì sự căng thẳng tinh thần thường làm cho người ta hay buồn giận, là yếu tố có thể dẫn đến tâm bệnh như nhức nửa đầu, thậm chí dẫn đến ung thư. Tại Mỹ, người ta có câu nói “căng thẳng tinh thần làm cho đời sống ngắn hơn!” Trung bình hằng năm tại Hoa Kỳ có khoảng 60.000 người chết vì cao huyết áp. Mặc dầu các nhà chuyên môn không thể xác định nguyên nhân của bệnh này; tuy nhiên càng ngày họ đồng ý rằng: Sự căng thẳng cảm xúc và tinh thần của người chán nản có thể là một trong những lý do của sự chết về bệnh ấy. Khi sự chán nản ở vào tình trạng tuyệt vọng trầm trọng thì có thể dẫn đến nguy cơ tự sát. Sự chán nản chẳng những có hại cho sức khỏe của thân thể, nhưng còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm linh, khiến chúng ta trở thành người yếu đuối, như dụng cụ không còn hữu hiệu trong công việc nhà Chúa.

C. BÍ QUYẾT ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỰ CHÁN NẢN.

1. Làm thế nào để đối phó với sự chán nản vì quá sức?

Khi tiên tri Ê-li ngã lòng vì quá sức, Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ mang bánh, nước chăm sóc đầy tớ Ngài. Nhờ thức ăn, nhờ giấc ngủ mà tiên tri được hồi phục sức lực (1Vua 19:5-8). Như vậy, với sự chán nản vì quá sức, chúng ta nên lưu ý đến những điểm sau đây:

a. Trừ trường hợp khẩn cấp, thông thường chớ nên “làm ráng… một chút!” phải biết sức người có hạn với sự thêm lên của tuổi tác.

b. Khi bị chán nản vì quá sức, nên để thì giờ nghỉ ngơi, bồi bổ sức lực. Trong sự vui chơi giải trí chớ quên phần bồi bổ tâm linh. Vì sự mòn mỏi thể xác có thể có những “tội lỗi nho nhỏ” thừa dịp xen vào làm cho khô héo đời sống thuộc linh, như những chiếc thuyền cố gắng chống chọi với sóng gió bên ngoài, nhưng khi vào bờ thì bị chìm, vì trong lúc sóng gió có những sinh vật nhỏ sống dưới biển bám vào gặm nhấm làm mục ván thuyền!

c. Mỗi ngày với lòng nương cậy Chúa, sống trong sức mới của Ngài (Ê-sai 40:31).

2. Làm thế nào để đối phó với sự chán nản vì khủng hoảng tinh thần?

a. Với sự sợ hãi lo âu, chúng ta học biết lời hứa về sự hiện diện của Chúa, sự ban cho bình an và an nghỉ trong Ngài. Hãy đặt lòng nương cậy nơi Chúa (Thi 46:1; Ê-sai 43:13; Mat 11:28).

b. Với ước mơ không thành, với những mất mát đau đớn, chúng ta biết rằng trong mọi sự xảy ra, Chúa có ý muốn tốt lành cho kẻ yêu mến Ngài. Chúa thông cảm với nỗi đau buồn của chúng ta và ban cho chúng ta sự giải cứu. Hãy phó thác mọi sự trong bàn tay chăm sóc yêu thương của Chúa, với lòng tin cậy nơi Ngài (Thi 68:19; 37:5; Rô 8:28).

c. Với sự tự ti mặc cảm, sự bất lực và vô vọng, hãy nhận biết rằng chúng ta là người được Chúa cứu chuộc để trở nên có giá trị trước mặt Ngài (Ê-sai 43:4-5). Hãy biết rằng trong Đấng Hằng sống, chúng ta không bao giờ mất hy vọng. Hãy vững lòng tin cậy nơi Đấng Thành tín bất biến (Hê-bơ-rơ 12:2; 13:8).

d. Trong một khía cạnh khác, sự chán nản ngã lòng trong tình trạng trầm trọng đôi lúc cũng cần sự chữa trị chuyên môn theo phương pháp tâm bệnh học. Tuy nhiên, đây chỉ là phương cách mà thôi, nhưng cứu cánh phải là tấm lòng tin cậy Chúa. Cho nên nếu cần chữa trị, tốt hơn nên tìm một bác sĩ chuyên môn – cũng là người có niềm tin nơi Chúa.

e. Không nên dùng phương pháp “thiền” để trấn an!

Chữ “Yoga” có nghĩa là “hiệp một với thần”. Đây là một phương pháp tịnh tâm trong triết lý của đạo Hin-đu từ 5.000 năm về trước. Phép thiền thông dụng ngày nay được thấy trong các nơi giải trí, bồi dưỡng sức khỏe được gọi là “Hatha Yoga”. Một phương pháp luyện tập làm cho thân thể thư thả bằng cách hít thở để trút đổ những căng thẳng trong cơ thể, để tâm trí được nhẹ nhàng, thoải mái.

Tuy nhiên, thiền không phải đơn giản là thể dục sức khỏe, nhưng có sự kết hợp của tôn giáo thần bí. Nghĩa là từ chỗ tập chế ngự thân thể bằng cách ngồi yên lặng, hay trải dài người trên sàn nhà trong tư thế thả lỏng, đến chỗ tập hít thở là để người ta trút đổ nặng nề của thân thể, và hít vào luồng sinh khí từ vũ trụ bên ngoài, cộng thêm vài câu thần chú (là những bước dẫn đến tình trạng “xuất thần”).Nghĩa là người ta bước vào tình trạng tưởng tượng liên kết với thần bí của vũ trụ, nhờ đó mà tâm hồn cảm thấy lâng lâng nhẹ nhàng. Đây là trạng thái mà người ta dễ bị dẫn dụ vào quyền lực của ma quỉ.

Vì thế, người Cơ Đốc phải cẩn thận tránh thiền Yoga dưới hình thức là thể dục. Nên nhớ có nhiều phương cách thể dục lành mạnh bồi bổ sức khỏe chớ không phải chỉ có cách thiền! Hơn nữa, một cách đúng để tìm sự bình an tâm hồn là tấm lòng tin cậy Chúa, và sự yên tịnh suy gẫm lời hứa của Chúa trong sự soi dẫn của Đức Thánh Linh!

3. Làm thế nào để đối phó với sự chán nản vì khủng hoảng thuộc linh?

a. Xưng tội với Chúa và tìm sự tha thứ của Ngài. Đây là điểm chính yếu để chúng ta được lập lại mối tương giao với Chúa và tìm lại sự tươi mới, bình an cho tâm hồn (Thi 32:5; 1Giăng 1:7-8).

b. Dứt bỏ mọi tội lỗi, nhất là tội dễ vấn vương (Hê-bơ-rơ 12:1-5).

c. Cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta bền đỗ trong đức tin và có tấm lòng thuận phục Ngài trong mọi sự (Ha-ba-cúc 3:17-19).

Tóm lược.

1. Sự chán nản ngã lòng có thể đến từ ba nguyên nhân chính: Sự quá sức của cơ thể, sự khủng hoảng trong tinh thần và sự khủng hoảng trong tâm linh.

2. Sự chán nản ngã lòng có thể được thấy trong những dấu hiệu: Xao lãng với chính mình, thờ ơ với trách nhiệm, thu mình, xa lánh người khác và chủ động rút lui trước mọi sự. Sự chán nản trầm trọng có thể dẫn đến sự tự sát.

3. Những yếu tố cần để đối phó với sự chán nản: (1) Nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe. (2) Tin cậy Chúa và tìm sự bình an, sức mới nơi lời của Ngài. (3) Xưng tội, tìm sự tha thứ và cứ ở trong tình yêu thương của Chúa, học tập hài lòng trong mọi hoàn cảnh.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Sự chán nản đến từ đâu?

2. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

  1. Thi 32:3-4; 38:3-8: Tại sao vua Đa-vít buồn thảm ngã lòng?

b. 1Các Vua 19: Tại sao tiên tri Ê-li ngã lòng? (1-4, 5, 14-15).

3. Sự ngã lòng có thể đến từ những nguyên nhân nào? Và những nguyên nhân ấy có liên quan đến khía cạnh nào của đời sống?

4. Sự chán nản ngã lòng có thể được thấy trong những dấu hiệu nào? Và dẫn đến những hậu quả gì?

5. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. 1Các Vua 19:4: Trong sự ngã lòng, tiên tri Ê-li cầu xin Chúa điều gì? Tại sao?

b. Thi Thiên 102:3-11: Người chán nản thường có cảm nghĩ thế nào về mình? Về mối quan hệ với người chung quanh?

c. Sự chán nản có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người?

6. Làm thế nào để vượt thắng sự chán nản?

7. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. Thi 23:2-3; Ha-ba-cúc 3:17-19; Hê-bơ-rơ 12:1-5; 1Giăng 1:7-8: Làm thế nào để đối phó với sự chán nản vì lý do thuộc linh?

b. Thi 46:1; 68:19; Ma-thi-ơ 11:28; Rô-ma 8:38-39; Phi-líp 4:8; 1Phi-e-rơ 5:8: Làm thế nào để đối phó với sự ngã lòng vì tâm lý?

c. 1Các Vua 19:5-8; Ê-sai 40:31; 2Cô-rinh-tô 1:3-4: Làm thế nào để đối phó với sự ngã lòng vì mỏi mệt của thể xác?

8. Những yếu tố cần thiết nào để đương đầu với sự ngã lòng?

9. Theo bạn “thiền” có hợp lẽ với người Cơ Đốc không? Vì sao?

10. Trong cuộc sống hằng ngày, điều gì dễ khiến bạn ngã lòng? Bạn làm gì trong lúc ngã lòng?

 

 

 

 

Post CommentLeave a reply