Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 13.02.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 13.02.2022

By H'Dên in PHỤ NỮ on 8 Tháng Hai, 2022

Chúa nhật 13.02.2022

  1. Đề tài: PHỤ NỮ TRONG VIỆC THỜ PHƯỢNG.
  2. Kinh Thánh: 1Ti-mô-thê 2:9-15.
  3. Câu gốc: Dù vậy, người nữ sẽ được giải cứu trong lúc sinh con cái, nếu họ cứ tiếp tục sống đoan chính trong đức tin, trong tình yêu thương, và trong sự thánh khiết(1Ti 2:15 – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Sử ký 10-12.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên Linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền (1Ti-mô-thê 2:9-15), và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn ít nhất là 4 câu hỏi cho các nhóm trong giờ học Kinh Thánh:

– 2 câu hỏi suy luận (Tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).

– 2 câu hỏi áp dụng (Ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng hoặc dùng để tham khảo.

  1. Xem 1Ti-mô-thê 2:9-10.

(1) Phaolô dạy gì về người nữ trong khi đi thờ phượng? Vì sao?

(2) Việc dạy như vậy nhằm mục đích gì?

(3) Bạn hiểu như thế nào qua sự dạy dỗ nầy?

  1. Xem 1Ti-mô-thê 2:11-15.

(1) Vai trò người nữ thời bấy giờ như thế nào trong Hội Thánh? (c.11).

(2) Vì sao lúc bấy giờ Phaolô phải khuyên người nữ như thế?

(3) Ngày nay chúng ta sẽ áp dụng điều đó như thế nào?

  1. Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, Ủy viên Linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
  2. Thời gian học Kinh Thánh nhóm:
  3. 5 phút giải thích và chia nhóm.
  4. 20 phút học Kinh Thánh.
  5. 10 phút tường trình.
  6. 5 phút đúc kết.
  7. Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền. Giải thích phương pháp học. Đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên dễ thảo luận.
  8. Chia nhóm: Chia thành 3 nhóm.
  9. Vị trí: Ủy viên Linh vụ chỉ định chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
  10. Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho mỗi nhóm.
  11. Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Mỗi nhóm có thể cử người làm trưởng nhóm và thư ký nhóm (nếu chưa có). Trưởng nhóm hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính trong giờ học Kinh Thánh và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
  12. Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, ủy viên linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Đây là một đoạn văn gây nhiều tranh cãi về thái độ của Phao-lô đối với phụ nữ. Các bà các cô nhiều khi đọc đến đây không muốn tiếp tục phục vụ Chúa nữa, hoặc là có khi phái nam dùng các câu này để hạ thấp vai trò của phụ nữ. Tuy nhiên chúng ta sẽ chia vấn đề làm hai phần và sẽ nói đến từng phần một.

  1. NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG VIỆC THỜ PHƯỢNG CHÚA VÀ CÁCH SINH HOẠT HẰNG NGÀY.

Những chữ nổi bật trong các câu này tương phản nhau: Ăn mặc gọn ghẽ, nết na, đức hạnh, việc thiện lành đối xứng với bện tóc, đeo vàng, châu ngọc và quần áo đắt tiền. Những câu này không giải thích thì ai cũng rõ là việc trang phục trong giờ thờ phượng Chúa phải thích đáng, không phải như những người tham dự các cuộc vui trong đời, vì trong các buổi đó, phụ nữ là mục tiêu cho người ta nhìn ngắm. Trong khi đó, việc thờ phượng Chúa là chú trọng vào Chúa và người phụ nữ phải ăn mặc đơn giản nhưng không kém lịch sự.

Dĩ nhiên là trong buổi thờ phượng Chúa, không ai có thể làm những việc thiện lành hay phô bày đức hạnh, nhưng đây là tư cách hằng ngày cho xứng đáng ra mắt Chúa.

Lời dạy này cần áp dụng một cách khôn ngoan và không ai nên trích các câu này để làm áp lực đối với vợ, con hoặc phụ nữ khác về y phục. Ta nên nhớ rằng đến trước mặt một vị quan quyền đời này, ta còn phải ăn mặc chỉnh tề, huống hồ ra mắt Chúa. Mọi người cần phải suy nghĩ về trang phục để việc ra mắt Chúa được xứng đáng.

  1. YÊN LẶNG VÂNG PHỤC.

“Dạy dỗ, cầm quyền”. Ta thấy ngay là nhiều lời dạy của Phao-lô có giá trị cho hoàn cảnh các Hội Thánh đương thời với các nan đề họ gặp lúc đó. Theo một số nhà giải nghĩa Kinh Thánh thì Phao-lô dạy các điều này cho các Hội Thánh của những người sống trong bối cảnh Hy Lạp. Tại thành Ê-phê-sô có những tôn giáo mà việc thờ phượng có pha trộn với dâm ô và điếm đĩ. Nhiều nữ tư tế của các tôn giáo này trang phục diêm dúa để lôi cuốn đàn ông, vì vậy Hội Thánh của Chúa trong lúc đó không cho phép phụ nữ đứng lên phát biểu hay làm những chức vụ gì trong nhà thờ, vì có thể bị hiểu lầm như các nữ tế sư của các tôn giáo chung quanh. Việc giới hạn cần được dạy rõ để lúc ấy mọi người đều tuân phục các nhà lãnh đạo và đạo Chúa không bị xúc phạm.

Mặt khác, khi xét về vai trò của phụ nữ trong thời Chúa Giê-xu và Hội Thánh đầu tiên, ta thấy họ rất là quan trọng. Bà Ma-ri là mẹ phần xác của Chúa Giê-xu. Khi các môn đệ Chúa chạy trốn hết, tại chân thập giá, chỉ có Giăng và bốn phụ nữ. Ma-ri Ma-đơ-len là người gặp Chúa phục sinh đầu tiên và đi loan tin cho mọi người khác. Bà Bê-rít-sin cùng chồng là A-qui-la đã có công huấn luyện cho nhà truyền giáo A-pô-lô. Ê-vô-đi và Sin-ti-cơ là những người phục vụ mà Phao-lô nêu danh trong thư Phi-líp. Nhà truyền giáo Phi-líp có bốn con gái nói tiên tri. Phao-lô dạy Tít là trong Hội Thánh các bà cụ già phải dạy cho các thiếu phụ. Phao-lô còn ca ngợi công ơn giáo dục Ti-mô-thê của hai phụ nữ là Lô-ít và Ơ-nít. Còn nhiều phụ nữ khác được nêu danh trong các lá thư của Phao-lô cũng như của Giăng.

Như thế, ta thấy việc phụ nữ tham gia vào mọi công tác truyền giáo như nam giới là chuyện thông thường, ngày xưa cũng như bây giờ. Tuy nhiên, Phao-lô có ý nhấn mạnh về nhược điểm của phụ nữ là dễ bị cám dỗ phạm tội. Lời khuyên ở đây là, phụ nữ nên giữ đúng phẩm cách và bản chất của mình để tránh những cám dỗ và những điều có thể làm cho Hội Thánh bị mang tiếng là giống như các tà giáo đương thời. Lãnh đạo Hội Thánh nên dành cho nam giới để việc điều hành Hội Thánh được mạnh hơn. Phụ nữ đóng vai trò giáo dục con cái và gia đình thích hợp hơn nam giới, đó là điều hiển nhiên nhưng cũng phải có trường hợp ngoại lệ.

Câu 15 là một câu gieo nhiều thắc mắc cho người đọc Kinh Thánh hơn cả.

Tuy nhiên ta để ý thì thấy rằng Phao-lô vẫn dạy trong hoàn cảnh của Hội Thánh vùng văn hóa Hy Lạp trong lúc đó, và ông khuyên phụ nữ nên chu toàn nhiệm vụ làm vợ và làm mẹ thì sẽ tránh được những cạm bẫy tội lỗi trong xã hội và dù phải sinh sản đau đớn vì tội tổ tiên để lại, phụ nữ vẫn được cứu như nam giới, nếu các bà tiếp tục sống trong niềm tin, tình thương và đời sống thánh khiết. Câu “Người nữ sẽ được giải cứu trong lúc sinh con cái có thể dịch lại là: Dù phải chịu khổ sinh con cái, nhưng vẫn được cứu. Câu này không có nghĩa là hễ cứ sinh con cái thì được cứu. Vì trên đời có rất nhiều phụ nữ không có con, không thể vì thế mà họ không được cứu.

Ta cần nhớ:

  1. Lúc nào phụ nữ yêu Chúa cũng phải sống trong tinh thần thờ phượng Chúa, và đừng thu hút người khác về vẻ đẹp bề ngoài, nhưng phải trau giồi đức hạnh, nết na, hiền thục và việc lành.
  2. Phụ nữ cần sử dụng bản chất mềm mỏng chịu đựng của mình để chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng con cái và phục vụ đồng bào. Việc lãnh đạo nên dành cho nam giới.
  3. Ba điều căn bản cho mỗi phụ nữ là có đức tin vững mạnh, có tình thương quảng đại và luôn luôn giữ đời sống thánh khiết.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Ích lợi từ hạt đậu xanh.

– Chữa rôm sảy, ngứa ngáy: Lấy 15g bột đậu xanh, 30g bột hoạt thạch nghiền vụn, trộn đều để xoa lên những chỗ bị rôm sảy thay cho phấn rôm. Khi bị ngứa ngáy khó chịu, có thể lấy một tàu lá sen tươi thái nhỏ nấu với chút đậu xanh để ăn. Có thể dùng nước này uống thay nước trà cho đến khi hết ngứa.

Post CommentLeave a reply