Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ 21.6.2015.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ 21.6.2015.

By andynguyen in PHỤ NỮ on 1 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 21.06.2015 (Lễ Phụ thân).

1. Đề tài: VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CHA.

2. Kinh Thánh: Sáng 21:8; Xuất 20:5; 21:22; 34:7; Giô 4:6,21,22; 29:6; Phục 6:4-9; 7:3; Ô-suê 11:3.

3. Câu gốc: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi” (Phục 6:6-7a).

4. Đố Kinh Thánh: Châm 1-3.

5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn trước.

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CHA.

Chúa nhật thứ ba tháng sáu hằng năm là ngày lễ Phụ thân. Lễ Phụ thân là ngày để con cái nghĩ đến công ơn của người cha hầu tri ân và sống xứng đáng với danh phận làm con. Đây cũng là ngày giúp cho người cha ý thức vai trò mình trong gia đình để sống yêu thương và chu toàn trách nhiệm đối với con cái.

Người Việt ta quan niệm:

Con có cha như nhà có nóc

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

Hoặc:

Còn cha gót đỏ như son

Mai sau cha chết gót con đen sì.

Và:

Bạc bảy đâu sánh vàng mười

Mồ côi đâu sánh cùng người có cha.

Đọc Kinh Thánh chúng ta sẽ thấy Lời Chúa viết về người cha nhiều hơn người mẹ. Điều này bày tỏ rằng người cha được Chúa ban địa vị thật cao trọng. Trở thành người cha chẳng những là một đặc ân cao quí Chúa cho, mà cũng là trách nhiệm lớn nhất của con người.

Nhân ngày lễ Phụ thân năm nay, chúng ta cùng tìm biết về “Vai trò của người cha trong Cựu Ước”.

1. Trách Nhiệm Đối Với Con Khi Chưa Sinh.

Trong Cựu Ước, người cha có trách nhiệm bảo vệ đứa con chưa chào đời của mình. Khi có một người gây thương tích cho một phụ nữ đang mang thai khiến sẩy thai, thì người gây thương tích phảibồi thường theo mức chồng phụ nữ nầy ấn định (Xuất 21:22).

2. Trách Nhiệm Sau Khi Con Ra Đời.

Theo luật lệ về sinh đẻ, người cha chịu trách nhiệm làm lễ cắt bì cho con trai vào ngày thứ tám (Lê-vi 12:3); phải phú dâng cho Đức Chúa Trời con trưởng nam của mình (Xuất 22:29). Khi con lớn lên, người cha sẽ tập cho con đi, cầm cánh tay mà dìu nó (Ô-sê 11:3). Lúc con đến ngày dứt sữa, người cha đặt tiệc ăn mừng (Sáng 21:8).

3. Trách Nhiệm Dạy Dỗ Con Cái.

Người cha có trách nhiệm dạy dỗ con cái. Người phải ân cần dạy dỗ cho con khi ở nhà, lúc ra ngoài, khi đi ngủ, lúc thức dậy (Phục 6:4-9). Người cha phải ghi tạc những mệnh lệnh Chúa vào lòng dạ, khắc vào thẻ bài đeo nơi tay và đeo trước trán. Rồi đem những mệnh lệnh nầy dạy cho con cái am tường (Phục 11:18-21). Người cha cũng dạy cho con về ý nghĩa các ngày lễ (Xuất 12:26-27; 13:8,14; Phục 6:20-25); và dạy cho chúng biết về lịch sử cuộc giải cứu và sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với các bậc cha ông (Giô 4:6,21-22).

Sự dạy dỗ của người cha rất quan trọng, nên tác giả sách Châm Ngôn đã nhiều lần nhắc nhở các con cái phải nghe theo lời người cha khuyên dạy (Châm 1:8-9; 4:1; 6:20-22; 13:1; 15:5).

4. Trách Nhiệm Thực Thi Kỷ Luật.

Người cha có trách nhiệm giáo huấn và hướng dẫn con cái sống theo kỷ luật. Người phải “dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm 22:6). Đức Chúa Trời đã phạt Hê-li và không cho gia đình ông tiếp tục hành chức thầy tế lễ, vì ông đã biết “tính nết quái gở của các con trai mình, mà không cấm” (1Sa 3:13). Các con trai của Sa-mu-ên vì không được giáo huấn theo kỷ luật nên đã ăn hối lộ, bóp méo công lý và điều này làm cớ cho dân Y-sơ-ra-ên cầu xin một vua để cai trị họ (1Sa 8:1-5). Vua Đa-vít đã không dạy con khép mình vào kỷ luật, khiến gia đình phải chứng kiến cảnh con trai tự tôn làm vua (1Các 1:5-6).

Sách Châm Ngôn bày tỏ lẽ thật nầy: Người cha biết thương con thì không quên sửa trị con (3:11-12); ai kiêng roi vọt ghét con trai mình (13:24). Cổ nhân ta diễn giải lại: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.

Hơn nữa, dạy con lúc còn thơ ấu là không để chúng sa vào chốn diệt vong (19:18; 22:15; 23:13-14; 29:17).

5. Trách Nhiệm Sống Công Chính.

Người cha có trách nhiệm sống yêu kính Chúa, nếu không Ngài sẽ phạt luôn cả con cháu người ấy cho đến ba bốn thế hệ (đời) (Xuất 20:5; 34:7). Người cha bất kính sẽ khiến “con cái nó phải mồ côi, và vợ nó bị góa bụa” (Thi 109:9). Đa-vít đã sống bất kính nên “con trai đã sanh cho ngươi hẳn sẽ chết” (2Sa 12:14). Đây là số phận Đức Chúa Trời dành cho kẻ gian tà: “Dù họ có đông con cái, đứa chết vì gươm, đứa vì đói khát” (Gióp 27:14) KTHĐ.

Ngược lại, một người cha chân thật sẽ để lại cho “những con cháu người lấy làm có phước thay” (Châm 20:7). Gióp thường dâng tế lễ thiêu cho các con, vì người nói rằng: “Biết đâu con cái tôi phạm tội và âm thầm khước từ Đức Chúa Trời trong lòng” (Gióp 1:5).

Trách Nhiệm Cưới Vợ Gả Chồng Cho Con Cái.
Người cha trong thời Cựu Ước có trách nhiệm đối với hôn nhân của các con, người được Chúa ủy thác cưới vợ, gả chồng cho con cái (Giê 29:6). Tiêu chuẩn của việc dựng vợ gả chồng là không kết sui gia với người ngoại (Phục 7:3). Kinh Thánh thuật lại việc Áp-ra-ham sai người đầy tớ, đi cưới vợ cho con trai mình là Y-sác (Sáng 24:2-9).

Về sau, Y-sác căn dặn con trai mình là Gia-cốp và Ê-sau đừng cưới vợ người Ca-na-an và sự không vâng lời của Ê-sau đã làm cho cha không vừa lòng (Sáng 27:46-28:9). Khi Gia-cốp xuống cưới Ra-chên làm vợ, người cũng phải xin cha nàng chấp thuận (Sáng 29). Sam-sôn xuống Thim-na gặp một cô gái Phi-li-tin, trở về nhà ông cũng xin cha mẹ cưới cô ấy cho mình (Quan xét 14:1-2). Tuy nhiên Sam-sôn vì không nghe lời khuyên của cha mẹ nên đã bị thất bại trong hôn nhân.

Việc người cha được Chúa giao cho trách nhiệm cưới vợ, gả chồng cho con cái, cho nên dù bạn và “người ấy” đã gặp nhau “tình trong như đã mặt ngoài còn e” thì cũng chớ vội tiến tới hôn nhân.

Ta còn cần phải:

Em về em hỏi mẹ cha

Có cho em lấy chồng xa hay gần

Em về hỏi mẹ cùng thầy

Có cho anh cưới tháng nầy thì cho.

Qua bài học này, mong rằng các bạn thanh niên bước vào tuổi lập gia đình nhận biết vai trò, trách nhiệm của mình trước mặt Chúa để sống xứng đáng kết quả cho Chúa, cho gia đình, cho Hội Thánh.

Vì hôn nhân là việc quan trọng cả cuộc đời, người phối ngẫu (vợ, chồng) phải là người Chúa chọn, theo ý muốn Ngài chứ không theo ý muốn chúng ta, thì mới đem lại hạnh phúc.

Mục sư Tô Văn Ut (có sửa).

 

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

MẮC CỔ.

– Nuốt phải vật lạ trơn như nút áo, hột xí muội… đừng lo sợ. Hãy lấy một cục cơm (cơm cháy càng tốt), bóp chặt cho nuốt. Vật ấy sẽ trôi xuống bụng. Cần phải xem phân để tìm ra vật phải nuốt.

– Nuốt phải vật có ngạnh nhưng nhỏ như xương cá, xương heo vụn cũng có thể làm như trên.

– Nuốt phải vật nhỏ như kim tây, kim băng, phải đưa ngay đến bác sĩ để gắp ra. Tuyệt đối không cho đũa, muỗng vào cổ họng để tìm lấy ra, không cho uống thuốc xổ.

Post CommentLeave a reply