Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 04.09.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 04.09.2022

By H'Dên in Thanh niên on 1 Tháng Chín, 2022

Chúa nhật 04.09.2022.

  1. Đề tài: ĐỨC CHÚA TRỜI Ở ĐÂU?
  2. Kinh Thánh: Ê-sai 44:21-45:8.
  3. Câu gốc: “Đức Giê-hô-va, là Đấng Cứu chuộc ngươi, đã gây nên ngươi từ trong lòng mẹ, phán như vầy: Ta là Đức Giê-hô-va, đã làm nên mọi vật, một mình ta đã giương các từng trời và trải đất, ai ở cùng ta?” (Ê-sai 44:24).
  4. Đố Kinh Thánh: Ru-tơ 1-4.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 10.07.2022.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có người nói: “Đức tin và sự nghi ngờ loại trừ lẫn nhau”. Nơi đức tin ngự trị sẽ không có bóng dáng của sự nghi ngờ; khi nghi ngờ lên ngôi, thì đức tin sẽ biến mất. Sáng Thế Ký đoạn 3 là bằng chứng rõ ràng nhất về điều này. Vì nghe lời con rắn xảo quyệt, Ê-va đã nghi ngờ lời Đức Chúa Trời, từ đó bà đi đến sự bất vâng phục Chúa; và hậu quả kinh khiếp của sự không vâng phục là sự phạm tội. Trong những hoàn cảnh khốn khó, con người rất dễ hoài nghi về sự hiện diện của Đức Chúa Trời quyền năng trên đời sống họ. “Có Đức Giê-hô-va ở giữa chúng ta hay chăng?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:7c). Gia-cơ nói: “Kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đó” (Gia-cơ 1:6). Bài học hôm nay sẽ đưa chúng ta về mốc thời gian khoảng 700 T.C, nơi miền đất đầy xáo trộn, đau khổ, mà trước đó Đức Chúa Trời mô tả là miền đất đượm sữa và mật. Ê-sai qua các đoạn Kinh Thánh nêu trên đã giúp chúng ta nhận định chính xác về giá trị của niềm tin và hậu quả của lòng nghi ngờ.

  1. KHAI TRIỂN BÀI HỌC.
  2. NGHI NGỜ SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA (Ê-sai 44:24).

Khi con người đến tột cùng của sự đau khổ, thì lòng nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là điều không thể tránh khỏi. Nhà văn Phan Nhật Nam đã đặt những câu hỏi: “Chúa ở đâu trên cái thây người bé nhỏ nhão nát kia? Hay Chúa đã thua cuộc? Người biết cậy vào đâu khi Chúa vắng mặt?” (Đường Trường Xa Xăm trang 29). Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cũng đã hỏi: “Nếu có trời đời tôi đâu nên nỗi” (Hoa Địa Ngục). Cùng trong hoàn cảnh khổ đau đó, lòng dân sự lay động trước cảnh nước mất, nhà tan; đều do sự hủy diệt bởi tay đế quốc A-si-ri, rồi đến Ba-by-lôn… Dân tộc bị lưu đày, trăm chiều khổ ải. Đức Chúa Trời ở đâu? Sao Ngài nín lặng? Sao Ngài không bênh vực những kẻ vô tội, khốn cùng? Để trả lời vấn nạn cho người Do-thái trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó, Ê-sai xác định thẩm quyền và vai trò của Đức Chúa Trời trên những biến động của dòng lịch sử. Lời xác định của ông giúp dân Do-thái thêm niềm tin và hy vọng để hướng về một tương lai tươi sáng, huy hoàng.

  1. Đức Chúa Trời Là Đấng Tạo Hóa.

Những chữ “dựng nên ngươi từ trong lòng mẹ, làm nên mọi vật, giương các từng trời và trải đất” là những từ ngữ rất mạnh mẽ và nói rõ rằng Chúa chính là Đấng Sáng Tạo. Kinh nghiệm đó sẽ giúp con dân Chúa chịu đựng hoàn cảnh nguy khốn, bước đi trong đức tin và thêm lòng nhờ cậy.

  1. Đức Chúa Trời Là Đấng Cứu Chuộc.

Đó là một nhận thức hết sức quan trọng mà mỗi chúng ta cần phải có để từ đó luôn vững tâm bước đi với Chúa qua những “trũng bóng chết” để có thể đến được “đồng cỏ xanh tươi và mé nước bình tịnh” (Thi Thiên 23).

  1. SỰ PHỈNH DỖ, LỌC LỪA (Ê-sai 44:25).

Khi con người đối diện với đau khổ, tuyệt vọng, họ thường hay có khuynh hướng tìm kiếm sự giúp đỡ. Dù rằng sự giúp đỡ đó nhiều khi không xứng hợp và cũng không thích đáng với nhu cầu thật của họ. Không có thời kỳ nào, con người tin tưởng vào đồng cốt, bói toán như thời kỳ nầy. Nhiều lần báo chí, tivi và những phương tiện truyền thông đại chúng lên tiếng cảnh báo vấn đề này, nhưng con người vẫn không nghe mà tiếp tục bị dối gạt. Do đó, sự kiện này nói lên điều gì? Điều này cho thấy hiện tượng trống vắng niềm tin trên phần đông đời sống của nhiều người; điều này cũng nói lên sự bất an mặc dù họ đang sống trong một thế giới văn minh, tiến bộ, dư thừa vật chất. Những chữ “kẻ nói dối, thầy bói” ám chỉ vào những người được gọi là “thầy đời.” Thực ra, họ không giúp ích được gì mà còn dẫn đưa con người đi sâu vào con đường lầm lạc, hư mất. Là con dân Chúa, chúng ta cần bước đi trong ánh sáng của lời Chúa và chỉ tin cậy vào chính Chúa mà thôi.

  1. NƠI HY VỌNG NGẬP TRÀN (Ê-sai 44:26).

Câu Kinh Thánh quý báu nêu trên cho chúng ta thấy 3 điều quan trọng:

  1. Chúa là Đấng Tạo Hóa.
  2. Chúa là Đấng giãi bày tương lai duy nhất.
  3. Chúa là Đấng bảo đảm duy nhất cho chúng ta có thể tin cậy.

Một mặt, Chúa hủy phá con đường kẻ ác; một mặt, Chúa nâng đỡ con cái Ngài, làm thành chương trình kẻ phục vụ Ngài. Dù rằng dân tộc Do-thái phải chịu cảnh tù đày, khốn khổ (hậu quả của sự bội nghịch, không vâng lời), nhưng Đức Chúa Trời hứa là sẽ xây dựng lại Giê-ru-sa-lem và các thành phố trên xứ Giu-đê. Nếu vực sâu (biển đỏ) có thể khô cạn để dân Ngài đi qua (câu 27) thì không có điều gì khó hơn mà Đức Chúa Trời không làm được. Niềm hy vọng sẽ đưa dắt chúng ta đến bến bờ hy vọng và sẽ giúp ta hoàn tất cuộc hành trình theo Chúa.

  1. NƠI NHẬN ƠN PHƯỚC THIÊN THƯỢNG (Ê-sai 45:1,4-7).

Ê-sai tuyên bố về thẩm quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời và ngoài Ngài không có Đấng nào khác (Ê-sai 45:4-7). Ngài không những cầm quyền trên vũ trụ mà còn cầm quyền trên lĩnh vực xã hội, quốc gia nữa. Câu số 1 của đoạn 45 là lời tiên tri vô cùng huyền diệu. Lời tiên tri nầy nói về vai trò của Si-ru, vua Ba-tư, người đã ban chiếu chỉ về việc xây dựng lại đền thờ tại Giê-ru-sa-lem (E-xơ-ra 1:2). Có hai điều đáng ngạc nhiên là:

(1) Đức Chúa Trời đã gọi tên vua Si-ru hơn 150 năm trước khi ông hiện hữu (2Sử Ký 36:22).

(2) Si-ru là vua Ba-tư (dân ngoại bang) được Ê-sai gọi: “Là người xức dầu của Ngài”. Điều đáng nhớ là trước đó cũng có một người ngoại khác tên là Ha-xa-ên đã được Đức Chúa Trời ra lệnh cho Ê-li-sê xức dầu để làm vua xứ Sy-ri (1Các Vua 19:15-16).

(3) Ông còn được gọi là “người chăn chiên của ta” (44:28).

Ba điều đặc biệt trên cho thấy rằng Đức Chúa Trời có thể dùng bất cứ ai, chọn lựa bất cứ người nào để hoàn thành chương trình, ý định mà Ngài muốn. Lời loan báo nầy được coi là lạ lùng và đụng đến lòng tự ái của người Do-thái không ít. Người được xức dầu là người được Đức Chúa Trời giao phó một sứ mệnh, một công tác, một chương trình vô cùng quan trọng và vĩ đại. Làm sao Đức Chúa Trời lại giao phó công tác phục hồi đất nước, dân tộc và ngay cả việc xây đền thờ cho Chúa vào trong tay một người ngoại. Dù người Do-thái nghĩ như thế nào đi nữa, nhưng Si-ru vẫn được sinh ra để làm vua Ba-tư và để ban chiếu chỉ xây lại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Bài học chúng ta cần ghi nhớ là Đức Chúa Trời sẽ dùng cách nầy hay cách khác, người nầy hay người khác để thực hiện những mục đích tối hậu của Ngài.

  1. BÀI HỌC ÁP DỤNG.
  2. Sự nhận thức rằng Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Chuộc và là Đấng Sáng Tạo giúp chúng ta vững vàng trong niềm tin cậy Ngài (44:24).
  3. Sự biết chắc lời Chúa sẽ khuyến khích tín hữu tìm kiếm lời Ngài trong những khó khăn thay vì tin vào đồng, cốt, thầy bói để rồi mất đi lòng tin cậy nơi Chúa (44:25).
  4. Biết thẩm quyền của Chúa, biết rõ giá trị lời Ngài giúp chúng ta sống vui, sống tràn đầy hy vọng.
  5. Nhận thức việc Chúa dùng vua Si-ru để làm công cụ cho Ngài giúp chúng ta có những khám phá mới hơn về tiêu chuẩn chọn lựa người của Đức Chúa Trời (45:1).
  6. Đức Chúa Trời hành động qua Si-ru để phục hồi Giê-ru-sa-lem giúp chúng ta ca ngợi Ngài thay vì khen ngợi Si-ru (45:4-7).

Ước mong qua bài học này, chúng ta ghi nhớ những điều Chúa dạy, để đứng vững vàng trong Chúa, chiến thắng nghịch cảnh vì biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Cứu chuộc chúng ta. Chúng ta phải vững niềm tin nơi Ngài và tin rằng mọi việc xảy ra trên đời sống mình đều ở trong sự tể trị và cho phép của Chúa.

 

Post CommentLeave a reply