Thẻ: CON ĐƯỜNG VINH QUANG

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 04.02.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 04.02.2024

in Thanh niên on 29 Tháng Một, 2024

Chúa nhật 04.02.2024.

  1. Đề tài: CON ĐƯỜNG VINH QUANG.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế Ký 11:27; 12:9.
  3. Câu gốc: “Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ra-ham rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi; và ngươi sẽ thành một nguồn phước” (Sáng thế Ký 12:1-2).
  4. Đố Kinh Thánh: E-xơ-ra 1-5.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, uy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Người theo Chúa phải từ bỏ tất cả: gia đình, bạn bè, quê hương, cuộc sống mình đang sống để đi theo Chúa.

Đề tài 2: Người nhận biết tiếng Chúa kêu gọi, phải từ bỏ một số điều trong cuộc sống để đi theo sự hướng dẫn của Chúa.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Đọc câu gốc trên chắc ai cũng thích. Ước ao gì mình cũng được Chúa hứa một lời như đã hứa với Áp-ram (Áp-ra-ham). Nhưng thưa quí vị, để được lời hứa đó, Áp-ra-ham phải trả giá rất đắt, phải chấp nhận thách thức, phải hi sinh đời sống mình, phải chấp nhận đủ mọi gian lao. Trước giả thư Hê-bơ-rơ 11 đã dùng 4 động từ để nói lên được niềm tin và lòng vâng phục của Áp-ra-ham (Hê-bơ-rơ 11:8-10). Bốn động từ đó là “Vâng, đi, ở, chờ”.

(1) Áp-ra-ham “Vâng lời Chúa gọi”.

(2) Áp-ra-ham “Đi đến xứ…”.

(3) Áp-ra-ham “Ở như trên đất ngoại quốc”.

(4) Áp-ra-ham “Chờ đợi một thành có nền vững chắc”.

Ngày nay có bao nhiêu người đã có được đời sống như Áp-ra-ham bằng lòng “Vâng, đi, ở, chờ” đợi Chúa Giê-xu Christ chúng ta trở lại?

  1. CHỌN LỰA MỘT GIA ĐÌNH (Sáng thế Ký 11:31-32).

Từ thời A-đam đến thời Nô-ê là 10 thế hệ, từ Nô-ê đến Áp-ra-ham là mười thế hệ kế tiếp. Biết bao thăng trầm, diễn biến đã xảy ra trong dòng lịch sử nhân loại mà biến cố đau lòng Chúa nhất là việc con người tỏ lòng chống nghịch Chúa qua việc xây dựng tháp Ba-bên (Sáng thế Ký 11). Giữa thế giới đa dạng và đầy tội lỗi đó, Đức Chúa Trời vẫn kiên trì tiếp tục phương cách cứu chuộc con người qua sự chọn lựa một người công nghĩa và người đó không ai khác hơn là Áp-ra-ham (Chúa đổi tên ông từ Áp-ram thành Áp-ra-ham ở Sáng thế Ký 17:5).

Áp-ra-ham được chọn lựa. Sự chọn lựa đó đi kèm theo một giao ước vững bền với 7 đặc tính đầy phước hạnh cho người được chọn (Sáng thế Ký 12:2-4).

(1) Thành một dân lớn (Sáng thế Ký 13:16).

(2) Nhận đầy phước lành của Chúa cả vật chất (Sáng thế Ký 13:14-17) lẫn tâm linh (Sáng thế Ký 15:6).

(3) Làm nổi danh.

(4) Thành nguồn phước cho nhân loại (Ga-la-ti 3:8).

(5) Ai chúc phước người sẽ được phước.

(6) Ai rủa sả người sẽ bị rủa sả.

(7) Các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ người được phước (qua sự giáng sinh của Chúa Giê-xu).

  1. TIẾNG GỌI ĐẦY THÁCH THỨC (Sáng thế Ký 12:1-3).

Qua Kinh Thánh, chúng ta thấy Đức Chúa Trời ít nhất đã gọi Áp-ra-ham 6 lần. Tiếng gọi của Đức Chúa Trời là một sự thôi thúc, thách thức con người có khải tượng và dám sống chết với niềm tin như Áp-ra-ham. Một lần tại U-xơ (Sáng thế Ký 11:31; Công vụ 7:2-3). Một lần tại Cha-ran (Sáng thế Ký 12:1). Chúa xác định tiếng gọi tại Si-chem (Sáng thế Ký 12:7), tại Bê-tên (Sáng thế Ký 13:14-17) và hai lần tại Hếp-rôn (Sáng thế Ký 15:5-18a; 17:1-8). Như vậy chúng ta thấy được tầm quan trọng của tiếng gọi này.

Đây là sự kêu gọi đầy thách thức vì thật ra ngoại trừ Áp-ra-ham, khó ai có thể đáp ứng được. Từ xứ Canh-đê (vùng vịnh Ba-tư) đi đến Cha-ran dài khoảng 960 km. Từ Cha-ran đến xứ Ca-na-an ít nhất là thêm 640 km nữa. Hãy nhớ là bối cảnh câu chuyện cách chúng ta chừng 4.000 năm. Thời đó đường sá thô sơ hiểm trở và phương tiện nếu có chỉ là những con lạc đà. Mấy ai chấp nhận hành trình về miền đất mình chưa từng biết, bỏ lại sau lưng bao điều thương mến. “Hãy ra khỏi quê hương” là một điều hết sức khó rồi. Lại còn xa lìa “bà con”“nhà cha ngươi” tức là xa lìa những gì mình quí mến nhất, thân thiết nhất để đi đến một nơi mà không biết mình đi đâu là điều mấy ai có thể chấp nhận. Tạ ơn Chúa, Áp-ra-ham đã đáp ứng tiếng gọi. Chấp nhận giá mình phải trả để không phụ niềm kỳ vọng của một Đức Chúa Trời quyền năng (El Shaddai) như chính Chúa đã tự xưng (Sáng thế Ký 17:1).

III. MỘT ĐỨC TIN TRỌN VẸN (Sáng thế Ký 12:4-9).

Chi tiết của đoạn Kinh Thánh này cho thấy khi lìa Cha-ran, Áp-ra-ham đã 75 tuổi. Tháp tùng cuộc hành trình là gia đình ông, gia đình của Lót (cháu Áp-ra-ham) cùng đoàn tùy tùng và sản vật. Nhìn qua các chi tiết này, chúng ta thấy quyết định bỏ Cha-ran của Áp-ra-ham thật là một quyết định hết sức táo bạo. Hơn thế nữa, với cuộc hành trình bấy giờ, Áp-ra-ham phải có sự chuẩn bị chu đáo, phải sắp đặt kỹ lưỡng và có kế hoạch. Các chi tiết trong đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta thấy được những điều rất quan trọng về đời sống thuộc linh của Áp-ra-ham. Trước khi vào xứ Ca-na-an ông đã dừng chân tại những địa danh mà sau này cháu nội ông là Gia-cốp cũng đã dừng chân tại đây để nhận khải tượng. Điểm đầu Áp-ra-ham dừng chân là Si-chem (cách Giê-ru-sa-lem 48 km về phía Bắc). Tại đây ông được Đức Chúa Trời xác định lời hứa và cũng tại đây, ông thiết lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va. Tại Bê-tên (khoảng 20 km về phía Bắc Giê-ru-sa-lem) nơi mà sau này, cháu nội ông là Gia-cốp đã chiêm bao về chiếc thang nối liền đất trời (Chúa Giê-xu). Áp-ra-ham lại dựng bàn thờ thứ nhì cho Chúa. Việc làm của Áp-ra-ham trên đường thờ phượng là một tấm gương cho chúng ta noi theo. Không vì lý do khó khăn, đường xa mà ông quên đi sự thờ phượng. Sự thờ phượng Chúa đối với Áp-ra-ham và bất cứ ai thật lòng yêu mến Chúa phải là công tác ưu tiên hàng đầu trong đời sống. Tiếc thay, ngày nay có nhiều con cái Chúa không đi nhà thờ được, không tham dự các chương trình cầu nguyện, học Kinh Thánh do Hội Thánh mình tổ chức chỉ vì mình phải đi làm, đi công việc… Ước mong, đời sống đắc thắng, phước hạnh của Áp-ra-ham sẽ khích lệ chúng ta luôn luôn đặt sự thờ phượng Chúa làm ưu tiên số một của đời sống mình.

* Bài học áp dụng:

  1. Đức Chúa Trời chọn gia đình Áp-ra-ham để thành nguồn phước cho nhân loại. Chúa Cứu Thế đã “chọn và lập các ngươi” với lòng mong ước rằng chúng ta sẽ “đi và kết quả” (Giăng 15:16). Chúng ta phải làm gì để không phụ lòng kỳ vọng của Chúa? (Sáng thế Ký 11:31-32).
  2. Ai cũng biết rằng phần thưởng càng quí thì sự gian khổ phải càng nhiều. Chúng ta có bằng lòng đón nhận những thách thức, chông gai để “liều mình vác thập tự” của mình để theo Chúa không? (Sáng thế Ký 12:1-3).
  3. Giá trị của đức tin không ở chỗ bộc phát nhất thời nhưng ở chỗ chịu đựng, bền bỉ? Chúng ta nên làm gì để điều chỉnh đời sống, hướng đi để có thể tiếp tục cuộc hành trình thiêng liêng, dấn thân vào đồng lúa để đem ích lợi cho Vương Quốc Đức Chúa Trời?
  4. Dời chỗ ở là một thay đổi của đời sống. Chúng ta cần thay đổi một vài điều nào đó trong đời sống hằng ngày để gia đình của chúng ta gần gũi với Chúa và được phước không? Đức tin không thể dậm chân tại chỗ nhưng sẽ lớn lên hoặc thụt lùi như con thuyền trên dòng sông. Chúng ta nên làm gì để giúp niềm tin bản thân chúng ta, gia đình, bạn bè và Hội Thánh được tiến triển, vững mạnh? Đời sống của Áp-ra-ham trong bài học hôm nay chính là câu trả lời cho mọi câu hỏi nêu trên. Ước mong chúng ta áp dụng những kinh nghiệm đó vào niềm tin của mình để đời sống chúng ta thành nguồn phước cho những người xhung quanh.