Chúa nhật 03.05.2015.
1. Đề tài: NƯỚC VINH HIỂN ĐỜI ĐỜI.
2. Kinh Thánh: 2Phi-e-rơ 3:9-14; Khải Huyền 21:1-8.
3. Câu gốc: “Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở” (2Phi 3:13).
4. Đố Kinh Thánh: Đa-ni-ên 6-10.
5. Thể loại: Phỏng vấn.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 15.02.2015.
* GỢI Ý PHỎNG VẤN.
(Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới phòng nhóm đi lên và Phi-e-rơ từ ngoài bước vào).
– Phóng viên: Dạ xin kính chào cụ Phi-e-rơ!
– Phi-e-rơ: Chào các cháu!
– PV: Chúng cháu rất vui vì được cụ đến thăm hôm nay. Thay cho các bạn thanh niên trong Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Nhân buổi gặp gỡ nầy cụ có thể giúp chúng cháu tìm hiểu về Nước vinh hiển đời đời xảy ra trong tương lai không thưa cụ?
– Phi-e-rơ: Được, các cháu cứ hỏi, ta sẽ giúp các cháu trong khả năng của ta.
– PV: Xin cụ vui lòng cho chúng cháu biết vì sao Chúa chưa trở lại?
– Phi-e-rơ: Theo 2Phi-e-rơ 3:9 cho biết lý do Chúa chưa trở lại là vì cớ chờ đợi người có tội ăn năn, chớ chẳng phải Ngài không trở lại.
– PV: Thưa cụ, có hình ảnh nào để minh chứng chắc chắn Chúa sẽ trở lại để chúng cháu giúp đỡ những người còn nghi ngờ hoặc hờ hững với sự tái lâm?
– Phi-e-rơ: Các cháu có thể dùng nhiều lời tiên tri của Chúa Giê-xu, các tiên tri, và các sứ đồ được chép trong Kinh Thánh để dẫn chứng trong khi nói chuyện với những người vô tín. Các cháu cũng có thể dùng hình ảnh cơn nước lụt trong thời Nô-ê để minh chứng Đức Chúa Trời đã hủy diệt thế giới loài người gian ác bằng cơn nước lụt.
– PV: Cám ơn cụ về sự giúp đỡ nầy. Thưa cụ, trong ngày cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thế giới tội lỗi nầy như thế nào?
– Phi-e-rơ: Theo Lời Chúa, trời đất vẫn được giữ nguyên để dành cho lửa trong ngày phán xét sau cùng. Sự phán quyết của Kinh Thánh là lời cảnh cáo người vô tín và nhắc nhở những ai còn nghi ngờ về sự tái lâm của Đấng Christ.
– PV: Cụ có thể mô tả rõ ràng về ngày tận cùng của muôn vật không thưa cụ?
– Phi-e-rơ: Lời Chúa chép: “Các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả… các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán” (2Phi 3:10,12).
– PV: Thưa cụ, khi nào Chúa dựng nên trời mới, đất mới và dựng nên như thế nào?
– Phi-e-rơ: Phía sau của sự tiêu hủy thế giới cũ đầy tội lỗi, một khung cảnh huy hoàng tinh khiết của trời mới, đất mới hiện ra. Sự dựng nên mới nầy đã được tiên tri Ê-sai dự ngôn và trong sự hiện thấy của sứ đồ Giăng (Ê-sai 66:22; Khải 21:1).
– PV: Thưa cụ, tại sao Đức Chúa Trời tiêu hủy công việc sáng tạo, là công việc mà trước kia Ngài phán thật rất “tốt lành” và dựng nên trời mới, đất mới?
– Phi-e-rơ: Mọi công việc Ngài làm đều rất toàn hảo. Nhưng tiếc thay vì sự xâm nhập của tội lỗi, vì sự bất tuân của loài người nên con người không những chịu sự đoán phạt của Đức Chúa Trời mà còn gây ảnh hưởng tai hại cho mặt đất. Chính vì vậy, Đức Chúa Trời đốt cháy trời đất trong ngày phán xét cuối cùng để thanh lọc người ác, tẩy sạch vật sáng tạo vì đã bị uế nhiễm bởi tội lỗi.
– PV: Xin cụ vui lòng cho chúng cháu biết thêm về Nước vinh hiển.
-Phi-e-rơ: Nước vinh hiển là Nước toàn thiện của Ngài trên đất. Là nơi “sự công bình ăn ở”, nơi không có bóng của tội lỗi, nơi dành cho người được chuộc bởi ân điển Ngài (2Phi 3:13).
– PV: Thưa cụ, vậy là cuộc sống của con người nơi Nước vinh hiển khác hẳn cuộc sống nơi thế giới cũ tội lỗi phải không cụ?
– Phi-e-rơ: Các cháu nói rất đúng. Sự khác biệt nầy có thể thấy rõ trong những điểm sau đây:
– Trong thế giới cũ con người bị bịnh tật, sự chết, nước mắt, buồn rầu, đau đớn, tội lỗi, và cách xa Đức Chúa Trời.
– Nhưng trong Nước vinh hiển con người được sự sống đời đời, vui mừng, thánh khiết, phước hạnh trong sự hiện diện của Đức Chúa Trơ-i.
– PV: Cám ơn cụ đã giúp chúng cháu hiểu rõ hơn về Nước vinh hiển trong tương lai. Biết rõ điều nầy chúng cháu hứa sẽ giúp người khác hiểu biết về Nước vinh hiển và có sự ước ao vào sống trong Nước vinh hiển.
NHD: Thưa các bạn! Chúng ta vừa nghe cụ Phi-e-rơ giãi bày về Nước vinh hiển trong tương lai. Nguyện Chúa Thánh Linh ban năng lực để các bạn làm trọn những điều mình hứa nguyện với Chúa qua bài học nầy. Mời các bạn đứng lên và mời cụ Phi-e-rơ cầu nguyện cho chúng cháu.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Thế giới chúng ta đang sống là thế giới đầy dẫy nan đề vượt quá tầm tay của con người. Mặc dầu sự tiến bộ của khoa học hiện đại có thể giải quyết được một số vấn đề nhất thời của nhân loại nhưng con người không có cách nào để ngăn chặn sức lan tràn của tội lỗi đang bành trướng mỗi ngày một thêm. Sự băng hoại đạo đức bên trong lòng người đã đến mức độ trầm trọng. Đó là nguyên nhân của bạođộng, xáo trộn không ngừng mà chúng ta thấy khắp nơi trong xã hội loài người. Như thế tình trạng nầy cứ tiếp diễn mãi theo sự xoay vần của trái đất và bất biến với thời gian không? Thế giới loài người sẽ đi về đâu?
Kinh Thánh đã nói đến sự bắt đầu của thế giới, và cũng nói đến ngày cuối cùng của muôn vật. Điều nầy sẽ xảy ra như thế nào? Bên kia sự tận cùng là gì? Và có mục đích gì trong chương trình sáng tạo và cứu rỗi của Đức Chúa Trời đối với loài người trên đất?
I. DẪN GIẢI.
A. SỰ CUỐI CÙNG CỦA MUÔN VẬT.
1. Nền tảng Kinh Thánh về ngày tận thế.
Ngày tận thế là điều chắc chắn theo như lời tiên tri trong Kinh Thánh.
– Ma-thi-ơ 24:3-14: Chính Chúa Giê-xu đã bày tỏ cho môn đồ biết những biến cố sẽ xảy ra dẫn đến ngày tận thế.
– 1Phi-e-rơ 4:7: Sứ đồ Phi-e-rơ cũng đã cảnh tỉnh con cái Chúa về sự cuối cùng của muôn vật hầu gần.
– 2Phi-e-rơ 3:3-9: Chúa không chậm trễ về sự hiện đến của Ngài. Lý do Ngài chưa đến là vì cớ chờ đợi người có tội ăn năn, chớ không có nghĩa Ngài sẽ không trở lại để thi hành sự đoán phạt thế gian. Trong thời Nô-ê, thế giới loài người đã có lần bị hủy diệt bằng cơn nước lụt. Tuy nhiên, trời đất theo lời Chúa vẫn được giữ nguyên để dành cho lửa trong ngày phán xét sau cùng của nhân loại. Sự phán quyết của Kinh Thánh là lời cảnh cáo người vô tín khinh lờn về ngày chung kết của thế gian, và nhắc nhở những ai còn nghi ngờ về sự tái lâm của Đấng Christ.
2. Thời điểm và diễn tiến về sự tận cùng của muôn vật.
Theo các diễn tiến nói đến trong Khải Huyền 20:7,11, thì biến cố của ngày tận thế sẽ xảy ra sau thời đại Thiên hi niên, và trước ngày phán xét cuối cùng của thế giới. “Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đương ngồi ở trên; trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết” (c.11).
Sự tận cùng của muôn vật được mô tả trong biến động với tiếng vang rền của các từng trời, sự đốt cháy của lửa và hết thảy đều bị thiêu hủy: “Các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả… các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán” (2Phi 3:10,12).
B. SỰ DỰNG NÊN TRỜI MỚI ĐẤT MỚI.
Phía sau của sự tiêu hủy thế giới cũ đầy tội lỗi, một khung cảnh huy hoàng tinh khiết của trời mới đất mới hiện ra. Sự dựng nên mới nầy đã được tiên tri Ê-sai dự ngôn và trong sự hiện thấy của sứ đồ Giăng (Ê-sai 66:22; Khải 21:1).
Trong Sáng Thế Ký 1:1-3; Giăng 1:3, bày tỏ sự dựng nên muôn vật là công việc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Và trong sự làm mới muôn vật cũng là công việc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Trong Khải Huyền 21:6, Đức Chúa Trời được xưng bằng danh hiệu “An-pha và Ô-mê-ga”, là danh hiệu cũng được dùng cho Đức Chúa Con. Điều nầy cho thấy sự bình quyền và đồng công của Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
Nói đến sự dựng nên mới, có thể một câu hỏi được nêu lên: Tại sao Đức Chúa Trời tiêu hủy công việc sáng tạo trước kia, là công việc mà Ngài phán thật rất “tốt lành” và dựng nên trời đất mới? Chúng ta có thể tìm thấy trong những lý do sau đây:
Đức Chúa Trời là Đấng Toàn thiện, Toàn mỹ. Mọi công việc Ngài làm đều toàn hảo. Nhưng tiếc thay vì sự xâm nhập của tội lỗi. Ở trên trời với sự dấy loạn của Luxiphe đã kéo theo một số thiên sứ, kết hợp thành nước của sa-tan chống nghịch với Đức Chúa Trời (Êph 6:12). Ở dưới đất, sa-tan cám dỗ loài người bất phục Đức Chúa Trời, sự phạm tội của loài người chẳng những chuốc lấy sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, lại còn gây ảnh hưởng tai hại cho mặt đất (Sáng 3:17-19). Cho nên với sự đốt cháy trời đất trong ngày phán xét cuối cùng, Đức Chúa Trời có mục đích thanh lọc người ác, tẩy sạch vật sáng tạo vì đã bị uế nhiễm bởi tội lỗi và dựng nên mới là để bắt đầu cho Nước vĩnh viễn, toàn thiện của Ngài trên đất, nơi “sự công bình ăn ở”, nơi không có bóng của tội lỗi, dành cho người được chuộc bởi ân điển Ngài (2Phi 3:13).
C. THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM MỚI.
Trong cảnh trời mới, đất mới, thành Giê-ru-sa-lem mới cũng được xuất hiện. Tính từ “mới” diễn tả trọn vẹn sự toàn hảo, trong sạch của nước vinh hiển đời đời. Danh hiệu Giê-ru-sa-lem mới còn được gọi là “Thành của Đức Chúa Trời”, “thành thánh”, “vợ mới cưới là vợ Chiên Con” (Khải 3:12; 21:1,9). Những danh hiệu nầy có thể bao gồm hai ý như sau: (1) Giê-ru-sa-lem mới nói về thủ đô của nước Đức Chúa Trời, với sự ngự trị của Ngài ở giữa dân sự Ngài (Khải 21:3). (2) Giê-ru-sa-lem mới ám chỉ người, một tập thể của những người được chuộc, tức là Hội Thánh của Đấng Christ. Trong ý nghĩa nầy, Giê-ru-sa-lem mới cũng được gọi là “Giê-ru-sa-lem ở trên cao” (Ga-la-ti 4:26).
Theo Khải Huyền 21:9-22:5, Giê-ru-sa-lem mới được diễn tả như sau: Là một thành hình vuông lập phương, có cạnh dài khoảng 1.500 dặm, chiếm diện tích 2.250.000 dặm vuông. Thành có một bức tường cao lớn, với 12 cửa, mỗi cửa làm bằng hột châu nguyên khối. Các cửa được sắp theo bốn hướng; ba cửa phía Đông, ba cửa phía Tây, ba cửa phía Nam và ba cửa phía Bắc. Mỗi cửa đề tên một chi phái Y-sơ-ra-ên. Tường thành được đặt trên 12 nền, trên đó có đề tên 12 sứ đồ. Mỗi nền được trang điểm bằng một thứ ngọc quí như bích ngọc, đá lam bửu, lục mã não, lục cẩm, hồng mã não, hoàng ngọc, ngọc hoàng bích, ngọc thủy thương, ngọc hồng bích, ngọc phỉ túy, hồng bửu, tử bửu. Đường phố lót bằng vàng ròng. Ở giữa thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mỗi tháng một mùa. Thành không cần mặt trời vì Chiên Con là sự sáng của thành.
Thành Giê-ru-sa-lem mới theo sự diễn tả trên cho chúng ta thấy có những đặc điểm và ý nghĩa sau đây:
(1) Đây là một thành thực sự.
(2) Đây là thành thánh từ trời, ở nơi Đức Chúa Trời hiện xuống, là thành mà các nhà giải kinh cho là nơi Chúa Giê-xu phán hứa với môn đồ trước khi Ngài về trời (Giăng 14:3).
(3) Đây là thành có sự ngự trị của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Đức Cha là Đền thờ của thành, Đức Con là Sự sáng của thành và Đức Thánh Linh là Sự sống của thành.
(4) Thành của sự cứu rỗi và sự cứu rỗi đến từ tuyển dân Y-sơ-ra-ên. Tên 12 chi phái ghi mỗi cửa tiêu biểu cho tuyển dân Y-sơ-ra-ên. Hạt châu làm cửa chỉ về Chúa Giê-xu, Đấng được sanh ra trong dòng dõi Đa-vít, là “Cửa” dẫn vào sự cứu rỗi (Giăng 4:22; 10:9).
(5) Một thành bao la rộng lớn như được mô tả trong kích thước (Khải 21:16).
(6) Một thành hoàn hảo. Kiểu hình vuông lập phương, Kinh Thánh thường dùng làm tiêu biểu cho sự hoàn hảo trọn vẹn (Xuất 27:1; 30:2; 1Các 6:20).
(7) Một thành được xây trên nền xinh đẹp vô cùng (Khải 21:18-19). Nền chỉ về các sứ đồ trong sự xây dựng Hội Thánh trên lẽ thật của Tin Lành (Êph 2:20).
(8) Một thành của vua vinh hiển, rực rỡ, vinh quang như được diễn tả trong chất liệu kiến trúc bằng vàng ròng (Khải 21:18).
(9) Cây sự sống của vườn Ê-đen mà loài người đã đánh mất được tìm lại trong thành Giê-ru-sa-lem mới.
(10) Dân sự của thành Giê-ru-sa-lem mới là người có tên trong sách sự sống, tức là người được cứu chuộc bởi huyết của Đấng Christ.
Qua những đặc điểm trên cho thấy người trong trời mới đất mới và Giê-ru-sa-lem mới khác hẳn với cảnh trạng của người trong thế giới cũ. Sự khác biệt nầy có thể thấy rõ trong những điểm sau đây:
– Trong thế giới cũ: Bệnh tật, sự chết, nước mắt, buồn rầu, đau đớn, tội lỗi, và cách xa Đức Chúa Trời.
– Trong thành Giê-ru-sa-lem mới: Sự sống đời đời, vui mừng, thánh khiết, phước hạnh, không có ban đêm, và ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời mãi mãi.
Khi cảnh trời mới đất mới xuất hiện, chúng ta nghe có tiếng phán của Đức Chúa Trời “Xong rồi” (Khải 21:6). Lời phán nầy có thể xem như một lời tuyên bố về sự hoàn thành chương trình vĩ đại của Đức Chúa Trời trong công cuộc sáng tạo và cứu chuộc loài người. Và sự lập nước vĩnh viễn cho người được chuộc là cứu cánh cuối cùng của chương trình cứu rỗi của Ngài.
Một tuyệt điểm của tình yêu thương Ngài được chiếu sáng trong quang cảnh rực rỡ của thành Giê-ru-sa-lem mới, với những người được chuộc bởi ân điển Ngài qua sự xả thân của Đấng Christ.
Một câu hỏi có thể nêu lên là: Khi nước Thiên hi niên đi vào nước vĩnh viễn, nghĩa là từ vương quốc của Đấng Christ đến vương quốc của Đức Chúa Trời theo điều nói đến trong 1Cô-rinh-tô 15:24-28, thì quyền trị vì của Đấng Christ có chấm dứt không hay vẫn tiếp tục?
Theo sự bình giải của Me Alaim, vấn đề trên có thể hiểu như sau:
(1) Khi kẻ thù sau cùng của Đức Chúa Trời là Sa-tan đặt dưới chân của Đấng Christ, Vua Trung Bảo, bấy giờ mục đích của nước Thiên hi niên hay vương quốc trung bảo sẽ được trọn.
(2) Lúc đó Đấng Christ sẽ trao vương quốc trung bảo cho Đức Chúa Trời để trở thành vương quốc vĩnh viễn. Không có sự phân chia nào giữa hai vương quốc nầy (1Côr 15:24-26).
(3) Đây không có nghĩa chấm dứt quyền tể trị của Đấng Christ. Ngài chỉ dừng chức vụ trung bảo, nhưng sẽ tiếp tục trị vì với Chúa Cha trong cõi đời đời. Vinh dự của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh được thấy rõ trong vương quốc thần quyền vĩnh viễn, một sự hiệp một trọn vẹn trong sự tể trị muôn vật (Khải 21:10; 22:1-5; Giăng 17:23).
Tóm lược.
1. Trong ngày cuối cùng của thế giới, trời đất sẽ bị thiêu hủy bằng lửa. Trời mới đất mới sẽ được dựng nên để làm nơi ở vĩnh viễn cho người công bình.
2. Giê-ru-sa-lem mới là thủ đô của Nước vĩnh viễn đời đời. Đây là thành thánh, từ trời giáng xuống với sự ngự trị của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, đầy dẫy vinh hiển, rực rỡ oai nghiêm.
3. Trong thành Giê-ru-sa-lem mới không còn có sự chết, nước mắt và đau khổ.
4. Chỉ có người được ghi tên trong sách sự sống của Chiên Con mới được nhận làm công dân của Nước vĩnh viễn.
II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
1. a. Ma-thi-ơ 24:3-14: Chúa Giê-xu cho môn đồ biết trước điều gì sẽ xảy đến cho thế giới?
b. 1Phi-e-rơ 4:7: Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc con cái Chúa điều gì?
c. 2Phi-e-rơ 3:9-12; Khải Huyền 20:7,11: Sự cuối cùng của muôn vật sẽ được xảy ra khi nào? Tại sao chúng ta biết điều nầy là chắc chắn?
2. Xin tóm lược những điểm quan trọng làm dẫn chứng cho người không tin có sự tận thế hay còn nghi ngờ về lời hứa của Chúa (2Phi 3:3-7).
3. a. Ê-sai 66:22; Khải Huyền 21:1: Sau sự tiêu hủy muôn vật sẽ có điều gì?
b. Ê-sai 65:17; Khải Huyền 21:6 so sánh với Sáng Thế Ký 1:1; Giăng 1:3: Trời mới đất mới sẽ do ai dựng nên?
4. Sáng 3:17-19,22-24; 6:5-6; 2Phi-e-rơ 3:12-13: Tại sao thế giới bị hủy diệt và sự dựng nên trời mới và đất mới nhằm mục đích gì?
5. a. Khải Huyền 21:3; 3:12; 21:9: Thành Giê-ru-sa-lem mới còn được gọi bằng những danh hiệu nào khác và có nghĩa gì?
b. Khải Huyền 22:3,10,22-23: Trong thành Giê-ru-sa-lem mới có sự hiện diện của ai?
c. Khải Huyền 21:9-22:5. Cho biết về sự xây cất, kích thước của thành Giê-ru-sa-lem. Quang cảnh nầy có ý nghĩa gì?
d. Khải Huyền 22:8,27. Điều kiện nào để được trở thành công dân của thành Giê-ru-sa-lem mới?
6. a. Xin tóm lược những đặc điểm của thành Giê-ru-sa-lem mới.
b. Người ở trong thành Giê-ru-sa-lem mới được hưởng những phước hạnh gì? So sánh người trong thành Giê-ru-sa-lem mới với thế giới cũ (Khải 21:3-4,23-27).
7. a. Khải Huyền 21:6: Đức Chúa Trời xưng Ngài trong danh hiệu nào? Và danh hiệu nầy cũng được ai xưng nữa? (Khải 1:17; 22:13. Điều nầy có nghĩa gì?
b. Lời phán của Đức Chúa Trời “xong rồi” trong Khải Huyền 21:1-6, có nghĩa gì đối với chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Ngài?
8. Bạn có đủ điều kiện được nhận vào Nước vinh hiển đời đời không? Vì sao bạn biềt?