Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 3/2024

By H'Dên in THIẾU NHI on 21 Tháng Năm, 2024

BÀI 4. BÌNH AN

I. KINH THÁNH: Ga-la-ti 5:22-23, (tham khảo thêm Rô-ma 5:1; Giăng16:33; Phi-líp 4:6-7).

II. CÂU GỐC:Mến gửi Tít, con thật của ta trong đức tin chung: Cầu xin Đức Chúa Trời là Cha và Đấng Christ Jêsus, Cứu Chúa chúng ta, ban ân điển và bình an cho con!.” (Tít 1:4).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

   – Biết: Hai điều kiện của sự bình an: Hòa thuận với Đức Chúa Trời và với mọi người.

   –  Cảm nhận: Sự bình an thật đến từ Chúa.

   – Hành động: Hòa thuận với Chúa và mọi người để có sự bình an.

IV. GIÁO VIÊN SUY GẪM.

   Trong Cựu ước, Shalom (bình an) có nghĩa là mạnh khỏe, ổn thỏa, tốt lành. Trong Tân ước, theo tiếng Hy-lạp (Eirènè), bình an có nghĩa là “nghỉ ngơi”. Trong tiếng Hy-lạp cổ, ngoài ý nghĩa bình an (Shalom) trong Cựu ước ra, nó còn là lời chào, hỏi thăm hoặc từ biệt, kết thúc sự xung đột hoặc chỉ sự hòa thuận của gia đình.

   Một người muốn nhận được sự bình an thì bước đầu tiên phải hoà thuận với Đức Chúa Trời, bởi đức tin  nơi sự chết chuộc tội của Chúa Jêsus Christ. Rô-ma 5:1 chép: “Vậy, khi đã được xưng công chính bởi đức tin, chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời qua Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ.” (Cô-lô-se1:21-22). “Còn anh em ngày trước vốn xa cách Đức Chúa Trời, trở nên thù nghịch với Ngài bởi những ý tưởng và hành động xấu xa của anh em, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã hòa giải qua sự chết thân xác của Con Ngài, để trình diện anh em một cách thánh sạch, không tì vết, không chỗ chê trách được trước mặt Ngài.”

  Khi một người trở lại hoà thuận với Đức Chúa Trời thì trong lòng người đó có sự bình an. Phi-líp 4:7 “Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jêsus.” Sự bình an nầy được ban cho sau khi một người quay trở lại hòa thuận với Đức Chúa Trời, và nó không bị mất đi bởi sự chi phối của thế gian, mà còn có thể giúp đắc thắng mọi lo buồn trong cuộc sống. Chúa Jêsus đã từng nói: “Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi.” (Giăng 14:27).

   Như vậy, qua Chúa Jêsus, chúng ta có sự hoà thuận với Đức Chúa Trời, có sự bình an trong lòng, và sự bình an nầy cũng có một yêu cầu về mặt đạo đức. Đó là sự hoà thuận giữa người với người. Sự bình an nầy cần phải phấn đấu, rèn luyện để đạt được. Đây cũng là mạng lệnh của Kinh Thánh: “Hãy tìm cách sống hòa thuận với mọi người và đeo đuổi sự thánh khiết; vì nếu không thánh khiết thì chẳng ai thấy được Chúa.” (Hê-bơ-rơ 12:14a).

   Khi chúng ta bày tỏ sự bình an trong lòng bằng hành động trong cuộc sống, thì chúng ta đang theo đuổi sự hòa thuận với mọi người. Tuy nhiên, hòa thuận với Đức Chúa Trời là nền tảng của sự bình an, và phải thực hiện qua Chúa Jêsus, còn sự hòa thuận giữa người với người cần phải nhờ cậy Đức Thánh Linh và phấn đấu liên tục, chứ không phải tự nhiên mà có.

V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

*Trò chơi xếp chữ.

  1. Chuẩn bị: Vẽ một hình tròn trên bảng, ngay tâm vòng tròn viết chữ “HÒA”.
  2. Thực hiện: Chia các em ra làm hai đến ba nhóm. Trong thời gian nhất định (khoảng 1-2 phút), mỗi nhóm phải ghép từ “HÒA”với một từ nữa sao cho có nghĩa (hòa bình, hòa ước, hòa thuận, giảng hòa, hòa giải, ôn hòa, hài hòa, hòa nhã, hòa đồng…). Nhóm nào viết được nhiều nhất thì nhóm đó thắng. Sau đó, giáo viên viết những từ mà các em mới tìm ra vào vòng tròn, chung quanh chữ “HÒA”, và giải thích cho các em hiểu những từ ngữ nầy đều liên quan đến sự bình an. Sự bình an biểu hiện qua thái độ của một người gồm có: Hòa nhã, ôn hòa, hiền hòa, hòa bình. Sự bình an biểu hiện giữa người với người: Hài hòa, hòa đồng, hòa hảo, hòa thuận. Phương thức bình an để xử lý xung đột: Hòa giải, giảng hòa, hòa ước.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   Các em thân mến! Hôm nay chúng ta sẽ “thưởng thức hương vị” thứ ba của trái Thánh Linh. Đó là sự bình an. Các em cùng theo dõi nhé!

  1. Bài học.

     a. Điều kiện thứ nhất để được bình an: Hòa thuận với Đức ChúaTrời.

   Khi Đức Chúa Trời dựng nên A-đam và Ê-va, Ngài ban cho họ cuộc sống bình an trong vườn Ê-đen. Họ không phải lo lắng cơm ăn áo mặc, không phải chịu đau đớn của bệnh tật chết chóc, không hề sợ hãi hoặc bị đe dọa…vì lúc đó không có tội lỗi. Họ sống an bình trong sự chăm sóc của Đức Chúa Trời, trò chuyện với Ngài mỗi ngày, và Ngài ban cho họ quyền cai quản vườn. Họ mãi mãi hưởng sự bình an nếu họ vâng phục Đức ChúaTrời, không ăn trái cấm.

   (Giáo viên vẽ hình vẽ dưới đây lên bảng để minh họa).

   Nhưng một ngày nọ, A-đam và Ê-va đã không vâng lời Đức Chúa Trời. Ông bà nghe theo lời xúi giục của Sa-tan, làm trái mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Bắt đầu từ giây phút đó, họ đã đánh mất sự bình an. Tội lỗi khiến mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời với con người bị cắt đứt. Họ sống trong sự khốn khổ, bất an và bị đè nặng dưới ách của tội lỗi. Tội lỗi khiến con người không thể đến gần Đức Chúa Trời thánh khiết. Các em biết không, con người nỗ lực tìm kiếm cho mình con đường để giải thoát khỏi tội lỗi bằng cách làm nhiều việc thiện, thờ nhiều vị thần…(Giáo viên vừa nói vừa ghi vào hình vẽ), nhưng vẫn thất bại, lòng con người vẫn bất an.

   Đức Chúa Trời có một phương cách. Ngài sai Chúa Jêsus xuống thế gian, chịu chết trên thập tự giá và sống lại, để kéo con người đến gần Đức Chúa Trời. Huyết của Chúa Jêsus đổ ra trên thập tự giá đã cuốn trôi tội lỗi (Giáo viên xóa các chữ trong hình, ghi vào đó chữ “Chúa Jêsus”, “Bình an”). Qua Chúa Jêsus, những ai tin nhận Ngài sẽ được hòa thuận với Đức Chúa Trời. “Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi.” (Giăng14:27).

     b. Điều kiện thứ hai để được bình an: Hòa thuận với mọi người.

   Các em thân mến! Sự hòa thuận với Đức Chúa Trời không cần phải nỗ lực mà chỉ cần tiếp nhận, nhưng sự hòa thuận với mọi người thì cần phải cố gắng không ngừng, đồng thời phải nhờ cậy sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh chỉ dẫn các em làm thế nào để giữ sự hòa thuận với mọi người trong gia đình, bạn bè trong trường học và Hội Thánh, nhất là những người đang bất hòa với các em.

   Nếu các em bất hòa với các bạn khác thì phải làm thế nào? Các em xem lại từ “HÒA” trong sinh hoạt đầu giờ, chúng có thể cho các em vài gợi ý.

   – Bình tĩnh nhớ lại: Hãy nhớ rằng em và bạn ấy đều là anh chị em trong gia đình của Chúa Jêsus. Anh chị em trong một gia đình thì không thể ghét nhau mà phải yêu thương và tha thứ.

   – Khiêm tốn suy nghĩ: Suy nghĩ xem trách nhiệm của mình trong chuyện nầy như thế nào, không nên đổ hết lỗi cho bạn, mà phải biết rằng nguyên nhân gây ra bất hòa ít nhiều cũng do mình.

   – Chủ động làm hòa: Đừng chờ bạn ấy đến làm hòa với em, nhưng phải chủ động làm hòa với bạn ấy trước. Nếu em làm được điều nầy, Chúa Jêsus rất vui lòng. Còn nếu em có sự bất hòa với người khác mà chưa giải quyết, thì chính nó sẽ ngăn trở em trong khi cầu nguyện. Các em đọc Ma-thi-ơ 5:23-24 xem Chúa Jêsus dạy như thế nào về điều nầy?

   Tất cả những bước trên nếu không nhờ Đức Thánh Linh giúp đỡ thì các em khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, nếu các em bước theo Thánh Linh thì sẽ kết trái Thánh Linh, và sự bình an là một trong những “hương vị” của trái Thánh Linh.

     c. Đời sống của người có sự bình an: Bình an trong lòng.

   Khi các em tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa thì không cònở dưới quyền cai trị của tội lỗi nữa. Điều đó không có nghĩa là các em hoàn toàn không bị tội lỗi tấn công, nhưng trong Chúa Jêsus, Ngài ban cho các em năng lực để chiến thắng tội lỗi (nói dối, ăn cắp, chửi thề, không vâng lời ba mẹ, đánh lộn…). Khi các em chiến thắng tội lỗi, thì các em có sự bình an trong lòng. Khi các em gặp khó khăn như: Bị bệnh, trí nhớ kém, ba mẹ chưa đủ tiền đóng học phí cho em, giày em đã bị hư… (Có thể cho các em nêu thêm), nếu các em tin cậy Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ ban cho các em sự bìn han, vì Ngài có đủ quyền năng để giúp đỡ các em (cho các em mở Kinh Thánh đọc Phi-líp 4:6-7).

  1. Ứng dụng.

     a. Cho các em làm bài tập “Bánh kem ba tầng bình an” để ôn lại bài học.

     b. Cho các em thảo luận sau khi làm bài tập “Ba bước để có được sự hòa thuận”. Hỏi các em: “Nếu em đang có sự xung đột với một bạn không tin Chúa, thì em sẽ làm sao?” Giáo viên hướng dẫn các em thảo luận dựa vào Rô-ma12:17-21.

   – Kinh Thánh yêu cầu các em phải hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.

   – Không nên trả thù dù bằng lời nói, thái độ hay hành động. Hãy nói với Chúa việc đã xảy ra, và tin rằng Ngài sẽ xét xử công bình.

   – Đối xử tốt với người ghét em.

     c. Yêu cầu các em im lặng và nhắm mắt lại, nhớ lại mình có sự bình an chưa. Có điều gì đang ngăn cản mối quan hệ giữa em với Chúa, và giữa em với người khác không? Sau đó, giáo viên cầu nguyện đơn giản như sau: “Lạy Chúa Thánh Linh! Xin soi sáng lòng chúng con. Xin giúp chúng con nhớ lại chúng con đã làm buồn lòng Chúa và những người khác như thế nào, để ngay giờ nầy chúng con ăn năn, xin Chúa tha thứ và giúp chúng con nối lại mối quan hệ đó, để lòng chúng con có được sự bình an”. (Giáo viên lưu ý những em đang có sự tổn thương đối với ba hoặc mẹ. Nhân dịp nầy, khích lệ các em mở lòng ra với Chúa, Ngài sẽ chữa lành. Đa số các em không muốn thổ lộ trước nhiều người. Giáo viên có thể gặp riêng và cầu nguyện cho em đó).

Post CommentLeave a reply