Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 3/2024

By H'Dên in THIẾU NHI on 10 Tháng Năm, 2024

BÀI 2. TÌNH YÊU THƯƠNG

I. KINH THÁNH: Ga-la-ti 5:22-23 (tham khảo1Cô-rinh-tô 8:1-13).

II. CÂU GỐC: “Nhưng trên hết những điều nầy, phải mặc lấy tình yêu thương, vì là dây liên kết của sự toàn hảo.” (Cô-lô-se 3:14).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

   – Biết: Tình yêu thương là đặc tính đầu tiên và là nền tảng quan trọng để sản sinh ra những đặc tính còn lại của trái Thánh Linh.

   – Cảm nhận: Tình yêu thương thật sẽ vì lợi ích của người khác.

   – Hành động: Bày tỏ tình yêu thương bắt đầu từ anh chị em trong gia đình, sau đó lan ra những người khác.

IV. GIÁO VIÊN SUY GẪM.

    Agape, tiếng Anh dịch là Love, còn bản Kinh Thánh tiếng Việt dịch là “Yêu thương”, “Tình yêu thương”, “Lòng yêu thương”. Tình yêu thương là “hương vị”đầu tiên của trái Thánh Linh. Trong tiếng Hy-lạp, có nhiều từ ngữ khác nhau nói về tình yêu thương. Thứ nhất: “Tình yêu tự nhiên”(Storgẽ), chỉ tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Thứ hai: “Tình yêu bạn hữu” (Philia), chỉ tình yêu giữa bạn bè, hoặc chỉ sự yêu thích vật nào đó hoặc sự việc nào đó. Trong Tân Ước, từ ngữ nầy xuất hiện tổng cộng 25 lần. Thứ ba: “Tình ái” (Erõs) là chỉ tình yêu xuất phát bởi sự tham muốn, đặc biệt là liên quan đến tình dục. Thứ tư: “Tình yêu thương” hoặc “Tình yêu thánh khiết”(Agape) chỉ về tình yêu mặc dầu. Tình yêu thương nầy là tình yêu của Đấng Christ đối với chúng ta, cũng chính là tình yêu thương được đề cập trong bài nầy.

   Tình yêu “thông thường” lấy “tôi” làm trọng tâm, muốn “tôi” được ích lợi, muốn “tôi” được thỏa mãn, nhưng tình yêu “mặc dầu” (Agape) là tình yêu không vị kỷ, không dựa trên điều kiện hoặc quyền lợi nào cả. Tình yêu “mặc dầu” không vì lợi ích của “tôi” mà vì lợi ích của người khác. Đức Chúa Trời là gương mẫu của tình yêu “mặc dầu”. Ngài đã yêu chúng ta bằng tình yêu “mặc dầu”, nên Ngài muốn chúng ta cũng yêu người khác bằng tình yêu nầy (1Giăng 3:16-18; 4:7-11).

   Nếu không có tình yêu thương thì sẽ không có “sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ”. Vì thế Phao-lô nói: “Trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành” (Cô-lô-se3:14).

   Trọng điểm bài nầy là giúp các em hiểu rõ ý nghĩa cao nhất của tình yêu thương là vì lợi ích của người khác.

V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

   *Tình yêu thương là gì?

   Giáo viên đưa ra những câu hỏi sau đây để các em thảo luận và sau đó phát biểu cảm nghĩ của mình.

  1. Em nhận biết tình yêu thương là gì?
  2. Ai từng khiến em biết mình được yêu thương?
  3. Em cho rằng hành động như thế nào là biểu hiện tình yêu thương

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   Các em thân mến! Có thể chúng ta nhận biết rất hạn chế về tình yêu thương, chỉ biết đây là một loại cảm giác khiến chúng ta yêu thích. Các em còn nhớ câu gốc của bài học trước không? “Hương vị”đầu tiên của trái Thánh Linh là gì? (Tình yêu thương).

   Muốn thực hành tình yêu thương thì đầu tiên các em phải hiểu ý nghĩa của tình yêu thương. Tình yêu thương là thứ tình cảm xuất phát từ trong lòng, khiến chúng ta từ bỏ lợi ích của mình và muốn làm những điều tốt đẹp cho người khác.

  1. Bài học.

   (Sử dụng trang tài liệu 5 sách giáo viên).

   Sứ đồ Phao-lô đã dựa trên tình yêu thương để giải quyết sự tranh cãi trong Hội Thánh Cô-rinh-tô về việc ăn của cúng thần tượng. Người thì nói có thể ăn được, người thì nói không thể. Tìm hiểu về vấn đề nầy, các em sẽ hiểu rõ hơn về tình yêu thương.

   Phao-lô nói: “Nhưng sự hiểu biết sinh kiêu căng, còn tình yêu thương thì xây dựng.” (1Cô-rinh-tô 8:1b). Nếu chúng ta giải quyết vấn đề dựa trên tình yêu thương thì phải vì lợi ích của người khác.

   Các em đọc (1Cô-rinh-tô 8) xem sứ đồ Phao-lô đã nói gì về điều nầy? Nếu chúng ta ăn mà khiến anh em khác vấp phạm thì đừng ăn: “Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do của mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm…Cho nên, nếu thức ăn tạo cớ vấp phạm cho anh em, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt, để khỏi tạo cớ vấp phạm cho anh em tôi.” (1Cô-rinh-tô 8:13). Đó chính là tình yêu thương thật.

   Tình yêu thương khiến chúng ta không chỉ nghĩ đến quyền lợi, sở thích của cá nhân mình, mà nghĩ đến ích lợi của người khác. Tình yêu thương không phải là mù quáng, bao che tội lỗi, không dám nói thật, nhưng tình yêu thương vì lợi ích của người khác là sẵn sàng chỉ ra sai sót, thậm chí trách mắng người khác với tinh thần xây dựng.

   Thế nào là chỉ ra sai sót và trách mắng người khác với tinh thần xây dựng?

   (1) “Nếu anh em con có lỗi với con, hãy gặp riêng và nói cho người ấy biết điều đó. Nếu người ấy chịu nghe thì con được lại anh em.”(Ma-thi-ơ18:15). Chúng ta chỉ nói riêng với người sai sót. Tuyệt đối không đem sai sót của họ nói với người khác.

   (2) “Nhưng nếu người ấy không chịu nghe thì hãy đem một hay hai người đi với con, để dựa vào lời của hai hoặc ba nhân chứng mà mọi lời được xác nhận.” (Ma-thi-ơ 18:16). Khi người có sai sót không chịu nhận lỗi, chúng ta mới mời thêm vài người có uy tín để giúp người đó ăn năn.

   (3) “Thật, Ta bảo các con, hễ điều gì các con buộc ở dưới đất cũng sẽ bị buộc ở trên trời; và điều gì các con mở ở dưới đất cũng sẽ được mở ở trên trời.” (Ma-thi-ơ18:17). Nếu người có sai sót không chịu nghe nữa thì mới báo cho Hội Thánh. Chúng ta phải làm tất cả các bước ấy với lòng yêu thương tràn ngập lòng, với mục đích giúp bạn thấy lỗi để trở nên người tốt hơn, chứ không phải cho bạn thấy lỗi để dìm bạn xuống và tự đưa mình lên.

   Ba mẹ các em có trách mắng các em không? Vì sao? Các em đã từng giúp bạn thấy lỗi của mình với tấm lòng tràn ngập yêu thương chưa? (Cho các em chia sẻ).

   Chúa Jêsus là nguồn của tình yêu thương. Tình yêu thương khiến Ngài bằng lòng chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho tất cả mọi người. Sự chết của Chúa Jêsus là hình ảnh rõ ràng nhất về tình yêu thương.

   Tình yêu thương là nền tảng quan trọng nhất để sản sinh ra những điều khác như: Vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ… Tình yêu thương chính là động lực khiếnc húng ta kết trái Thánh Linh.

  1. Ứng dụng.

   Hướng dẫn các em làm bài tập “Trạm xăng yêu thương”, rồi

chia sẻ những gì đã viết. Tình yêu thương cũng giống như xăng để khởi động và làm cho xe chạy vậy. Sau đó làm tiếp bài tập “Đèn xanh yêu thương”. Hướng dẫn các em phân biệt động cơ cư xử của các nhân vật trong hình vẽ, tâm trạng và hành vi của các nhân vật có phải là tình yêu thương không.

   Bài tập phần 3: Tình yêu thương phải thể hiện bằng hành động cụ thể, bắt đầu từ những anh chị em trong gia đình, trong Hội Thánh rồi lan ra những người khác (cho các em chia sẻ những gì đã viết). Nếu có những hành động nào có thể thực hành tình yêu thương ngay tại lớp, thì hướng dẫn các em thực hiện.

Post CommentLeave a reply