Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 06.02.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 06.02.2022

By H'Dên in PHỤ NỮ on 3 Tháng Hai, 2022

Chúa nhật 06.02.2022

1 Đề tài: CẦU NGUYỆN LÀ ƯU TIÊN.

  1. Kinh Thánh: 1Ti-mô-thê 2:1-8.
  2. Câu gốc: Vậy, trước hết ta khuyên dặn con phải dâng lời khẩn nguyện, cầu xin, cảm tạ và cầu thay cho mọi người, cho các vua, cho tất cả những người lãnh đạo, để chúng ta được sống yên ổn, bình an với tất cả lòng tin kính và đạo đức (1Ti-mô-thê 2:1-2 – BHĐ).
  3. Đố Kinh Thánh: 1Sử ký 7-9.
  4. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, Ủy viên Linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Cách cầu nguyện đp lòng Chúa là cầu nguyện cho mình, cho gia đình cho Hội Thánh.

Đề tài 2: Cách cầu nguyện đẹp lòng Chúa là cầu nguyện cho mọi người, cho chính quyền, cho dân tộc, cho người chưa tin Chúa và những kẻ thù.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận thêm sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1Ti-mô-thê 2:1-8 “Vậy, trước hết ta khuyên dặn con phải dâng lời khẩn nguyện, cầu xin, cảm tạ và cầu thay cho mọi người, cho các vua, cho tất cả những người lãnh đạo, để chúng ta được sống yên ổn, bình an với tất cả lòng tin kính và đạo đức. Đó là điều tốt đẹp và hài lòng Đức Chúa Trời, Cứu Chúa chúng ta, là Đấng muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Đức Chúa Trời và loài người, là Đấng Christ Giê-xu, cũng là người. Ngài đã phó chính mình làm giá chuộc mọi người, là lời chứng được ban cho đúng thời điểm. Vì lời chứng ấy, ta đã được cử làm người truyền giảng và sứ đồ (ta nói thật, không nói dối), làm giáo sư cho các dân ngoại, để dạy họ về đức tin và chân lý. Vậy, ta muốn những người đàn ông khắp mọi nơi đều đưa tay thánh sạch lên trời mà cầu nguyện, không giận dữ và cãi cọ”.

  1. CẦU NGUYỆN LÀ QUAN TRỌNG.

Phao-lô mở đầu bằng hai cụm từ quan trọng: “trước hết” và ta “khuyên dặn” hay khuyến giục. Cả hai cụm từ này đều mang tính chất khẩn cấp và hệ trọng. Như thế chứng tỏ cầu nguyện cần thiết cho thờ phượng như thế nào. Trong câu 1 có bốn hình thức cầu nguyện được nêu lên ngắn ngủi mà không cần giải thích, vì có lẽ người thời đó đã hiểu các hình thức cầu nguyện này.

Trước tiên là khẩn nguyện. Nghĩa là cầu xin. Chúa dạy ta là phải xin Chúa. Nhiều người bảo rằng Chúa đã biết tất cả rồi chúng ta phải xin làm gì nữa? Nhưng tại đây Phao-lô căn dặn là phải xin Chúa. Dĩ nhiên là khi xin là ta trình bày chi tiết rõ ràng nhu cầu của mình thì mới thấy được sự quan tâm của Chúa đối với chúng ta dù việc nhỏ nhặt nhất, ta cũng cần học biết về Chúa để hiểu rằng có những điều Chúa không thể cho, vì không có lợi cho ta, hoặc không theo ý định của Chúa. Nhưng dù sao, ta vẫn tôn thờ Chúa đúng cách, khi ta khẩn nguyện về các khó khăn mà mình gặp.

Thứ hai là ca ngợi. Đây là từ nói chung về việc cầu nguyện, tức là dâng lên Chúa những lời ca ngợi, chúc tụng, khẩn xin và cảm tạ.

Từ thứ ba được nêu lên ở đây là kêu van. Kêu van là lời xin của một bậc thấp hèn lên Đấng Cao cả. Đây là kêu xin với một Đấng bậc rõ ràng chứ không phải một thần linh mơ hồ. Kêu van là đối thoại với Chúa và xin Chúa. Từ này còn có nghĩa là cầu thay cho ai, hay van xin cho ai khác.

Cầu nguyện cần có lòng tin, dạn dĩ đến với Chúa, vào mối tương giao đối diện với Ngài trong thái độ thưa chuyện và đối thoại. Làm như thế ta mới thấy đời sống cầu nguyện phong phú và sâu nhiệm.

Cuối cùng, Phao-lô khuyên là phải cảm tạ Chúa. Cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh Hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Giê-xu(1Tês 5:18 – BHĐ).

Ta cũng nên nhớ rằng tất cả bốn hình thức cầu nguyện vừa kể là không chỉ dùng để cầu nguyện cho chính chúng ta không thôi mà còn dùng để cầu thay cho người khác nữa. Nhận xét như thế ta mới thấy việc cầu nguyện này khá lạ. Người khác đây là mọi người, nghĩa là không phân biệt, không kỳ thị. Bạn hay thù đều phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van và tạ ơn Chúa cho họ và vì họ.

  1. CẦU NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI, CHÍNH QUYỀN.

Khi vào thực tế ta mới thấy khó. Thí dụ như làm sao ta tạ ơn về kẻ thù của mình cho được? Ta có thể tạ ơn Chúa vì Chúa ngăn cản kẻ thù làm hại ta thôi chăng?

(c.2) cho biết là ta phải ưu tiên cầu nguyện cho những ai. Đó là các vua và các chính quyền. Trước đó, lời khuyên là cầu nguyện cho tất cả mọi người. Câu 2 có thể dịch là “trên tất cả, nên nhớ phải cầu nguyện cho các vua và hết thảy các bậc cầm quyền”. Việc cầu nguyện cho các vua trong thời đó rất là khó hiểu, vì vị hoàng đế đương thời của đế quốc La-mã lúc đó chính là bạo vương Né-ron, người về sau đã ra lệnh sát hại Phao-lô, Phi-e-rơ và nhiều người truyền giáo khác cũng như các tín đồ của Chúa Giê-xu. Mục đích của việc cầu nguyện này là để con dân Chúa có thể được tự do thờ phượng Chúa mà không bị làm khó dễ. Trong lịch sử đã có nhiều vụ bách hại người tin Chúa, nhưng con dân Chúa vẫn hết lòng cầu nguyện cho cả kẻ thù của họ.

Phần sau của câu 2 giải thích là tại sao phải cầu nguyện cho các vị trong chính quyền, câu này xin dịch lại theo nguyên văn là: “Để chúng ta được sống yên ổn, bình an với tất cả lòng tin kính và đạo đức. Bản diễn ý dịch là: để chúng ta được sống thanh bình, yên tĩnh trong tinh thần đạo đức đoan chính.

Cần cầu nguyện cho mọi cấp chính quyền để họ không làm xáo trộn đời sống an cư lạc nghiệp và ước muốn sống thờ phượng Chúa trọn vẹn của chúng ta, câu 4 nói rõ thêm mục đích của việc cầu nguyện cho các bậc cầm quyền, đó là để cho họ tin Chúa, được Chúa tha tội và cứu linh hồn họ. Câu 4 là một câu ta đáng ghi nhớ: Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật. Chúa không muốn trừng phạt hay tiêu diệt tất cả mọi người có tội, nhưng muốn cứu tất cả và muốn cho họ biết Chúa là Chân lý, Chân Thần. Chúng ta là con dân Chúa cầu nguyện cho mọi cấp lãnh đạo được sớm biết, và tin Chúa để chính họ thi hành công lý và công bằng cho mọi người dân. Quý thính giả có thể cầu nguyện cho nhiều cấp chính quyền đang nghe Đài Nguồn Sống cũng tìm được Chúa Giê-xu và tôn thờ Ngài để đời sống họ được thay đổi, xa lánh những việc làm hư xấu và chăm phục vụ nhân dân hiệu quả hơn. Chúa rất ưa thích khi thấy con dân Ngài cầu nguyện cho các cấp chính quyền, vì đó là điều tốt lành. Nếu ta đang sống với những khó khăn do các cấp chính quyền gây ra, ta càng nên cầu nguyện cho họ. Vì khi biết Chúa và kính sợ Chúa họ sẽ quý trọng những ai cũng thờ kính Chúa như vậy.

III. CẦU XIN CHÚA ĐỂ NHIỀU NGƯỜI TIN NHẬN NGÀI.

Câu 5 là một câu giải thích cho những ai chống đối Chúa hay chống những người tin Chúa vì nghĩ rằng đó là chuyện mê tín dị đoan. Câu này cũng dứt khoát nói với những ai chưa muốn tin Chúa vì nghĩ rằng phiền phức và bị người ta cho là lạc hậu. Đây là tuyên ngôn của đạo Chúa và mọi người cần nghe cho rõ: Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Đức Chúa Trời và loài người, là Đấng Christ Giê-xu, cũng là người. Ngài đã phó chính mình làm giá chuộc mọi người. Đây là căn bản cho vấn đề thần linh, và nan đề tội ác của con người.

Người ta có thể mê tín, thờ từ thánh nhân cho đến những con vật, cây đa, núi non, sông hồ… Cũng có nhiều người cho là không có thần linh, không có Trời, và chủ trương vô thần. Có những người tin rằng chính mình, nếu tu thân đúng cách cũng trở thành thánh nhân. Tuy nhiên câu Kinh Thánh này xác định: “Chỉ có một Đức Chúa Trời”. Nói đúng ra là chỉ có một Thần duy nhất là Thượng Đế, là Đức Chúa Trời. Làm thế nào con người phàm trần tiếp cận được với Chân Thần là Thượng Đế? Chúa Cứu Thế Giê-xu là câu giải đáp. Câu này cho ta biết đôi điều quan trọng về Chúa Giê-xu. Trước tiên, Chúa Giê-xu là Đấng Trung Bảo giữa Chân Thần và loài người. Đấng Trung Bảo là vị ở giữa để làm nhịp cầu nối Trời với người.

Điều thứ hai trong câu 5 nói về Chúa Giê-xu là “Ngài là Người”. Chúa Giê-xu là thần linh làm người, vì thế có thể làm gạch nối giữa thần linh và người.

Câu 6 Ngài đã phó chính mình làm giá chuộc mọi người”. Chúa Giê-xu đã bằng lòng hi sinh, đổ máu, làm sinh tế trước Chân Thần chuộc tội cho tất cả mọi người. Chuộc tội cần phải trả giá, giá đó là giá máu, đó là cái chết. Chúa Giê-xu đã làm việc đó thay cho mọi người. Ai bằng lòng nhận việc chuộc tội đó thì sẽ được tha tội và đến được với Chân Thần là Thượng Đế, là Đức Chúa Trời.

Câu 7 nói về nhiệm vụ của Phao-lô. Ông là sứ giả truyền rao cho mọi người tin mừng về Chúa Giê-xu. Ông làm thầy giảng, sứ đồ và giáo sư dạy người ta về đức tin và chân lý. Ông khuyên mọi người nên cầu nguyện hơn là giận dữ và cãi cọ. Cãi cọ thì sẽ không đem đến sự ích lợi gì và khi giận dữ sẽ khiến lòng chúng ta hận thù và cay đắng.

Kết thúc bài học hôm nay, xin nhắc lại mấy điểm:

  1. Trong việc thờ phượng, ta nên nhớ đến việc cầu nguyện là ưu tiên.
  2. Cầu nguyện cho mọi người, kể cả các cấp chính quyền.
  3. Nên nhớ rằng chỉ có một Chân Thần và Chúa Giê-xu là Đấng Trung Gian. Muốn đến với Chân Thần, ta không có con đường nào khác để đến hơn là qua Chúa Giê-xu.
  4. Mỗi ngày ta cần cầu xin Chúa mở lòng nhiều người ở khắp mọi nơi để tin nhận Chúa nhiều phương tiện khác nhau, vì nếu không, chương trình cứu rỗi của Ngài sẽ trở thành vô ích.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Ích lợi từ hạt đậu xanh.

– Chữa viêm đường ruột: Những người bị kiết lị, viêm ruột có thể lấy bột đậu xanh trộn đều với mật heo, để khô, cho ít nước ấm vào nhồi đều rồi sao vàng lên, sau đó nghiền thành bột mịn, chia 3 lần uống trong ngày.

– Chữa bí tiểu: Ăn canh đậu xanh. Nếu đau rát bỏng ở đường niệu, có thể dùng 500g giá đậu xanh vắt lấy nước, cho thêm đường vào uống.

Post CommentLeave a reply