Ngày: Tháng Ba 19, 2015

NGUYỆN TỤNG MỸ CHÚA LINH NĂNG

in LỊCH SỬ THÁNH CA on 19 Tháng Ba, 2015

NGUYỆN TỤNG MỸ CHÚA LINH NĂNG
(Thánh ca TLVN -02)
Joachim Neander (1680).
Martin Luther là vị lãnh đạo tinh thần cuộc cải chánh tại nước Đức, sau đó John Calvin lãnh đạo tại Pháp. Vì bị Công giáo La Mã bách hại nên những người thuộc phái Calvin phải trốn sang Đức, mang theo niềm tin chân chính và ao ước được hát tôn vinh Chúa trong thờ phượng. Lúc đó nhiều thanh niên Đức ảnh hưởng phong trào đi du học, một số về nước mang theo cuốn Geneval Psalter và sách giáo lý của Calvin. Từ đó, các Hội Thánh thuộc giáo phái Calvin phát triển nhanh chóng.
Một cuộc phục hưng đã làm nóng lại các trái tim đã nguội lạnh vì chiến tranh. Ảnh hưởng nầy nhanh chóng lan tràn giữa các Hội Thánh Cải chánh. Tuy nhiên, một số người trong phái Calvin không đồng tình cho toàn thể Hội Thánh hát tôn vinh. Khi đó, thi sĩ Joachim Neander đã sáng tác bản Thánh ca bất hủ “Nguyện Tụng Mỹ Chúa Linh Năng”.
Joachim Neander sinh năm 1650 tại Premen, trong một gia đình yêu mến Chúa đã nhiều đời. Năm 16 tuổi, Neander gia nhập Hội Mỹ Thuật Premen, bắt đầu sống đời sống nghệ sĩ phóng đãng cho đến năm 20 tuổi.
Một hôm, ông và người bạn đang nghe giảng tại nhà thờ. Những lời giảng mãnh liệt của diễn giả đã đốt cháy cái vỏ hoài nghi, phỉ báng mà ông vẫn khoác cho mình. Sau giờ thờ phượng, ông xưng nhận đức tin với Mục sư Under Eyck. Ông tái sinh thành một người mới và giao phó hết đời mình cho Giê-xu Christ.
Hai biến cố khác đã ảnh hưởng lớn trên đời sống thuộc linh của ông. Biến cố thứ nhất xảy ra trong một cuộc đi săn trong một vùng đồi cây cối rậm rạp và nhiều đá. Sinh mạng đang lâm nguy, ông bèn cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và đã dâng trọn đời mình cho Ngài. Biến cố thứ hai xảy ra ở Frankfurt, khi ông quen biết với Jakob Spencer, người sáng lập Tân Phái, chủ trương thánh hóa đời sống tín đồ. Phái nầy có vẻ cực đoan nhưng rất có ích khi đời sống thuộc linh nguội lạnh.
Năm 1674, Joachim Neander làm Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm tại Pusseldorf. Tại đây ông bị chính quyền làm khó dễ vì chủ trương cực đoan trong tôn giáo. Sau đó ông bị cách chức và bị xúc phạm nặng nề. Học sinh an ủi ông rất nhiều. Ít lâu sau, ông được phục chức, nhưng chức vụ nhỏ hơn.
Năm 1679, ông được gọi về Premen để làm phụ tá cho Mục sư Theodore Under Eyck tại Hội Thánh Martin, là nơi ông tin Chúa. Ông hầu việc Chúa tại đó rồi qua đời vì bệnh lao phổi.
Catherine Winkworth là người đã dịch bài Thánh ca của Joachim Neander. Bà là một phụ nữ người Anh, sinh năm 1827, có biệt tài dồi dào về việc phiên dịch Thánh ca Cơ Đốc. Bà phiên dịch nhiều Bài Thánh ca, trong đó có bài “Nguyện Tụng Mỹ Chúa Linh Năng”.

HỠI THÁNH VƯƠNG, KÍP NGỰ LAI

in LỊCH SỬ THÁNH CA on 19 Tháng Ba, 2015

1. HỠI THÁNH VƯƠNG, KÍP NGỰ LAI
(Thánh ca TLVN -01)
Charles Wesley sinh ngày 18 tháng 12 năm 1707 tại Epworth, Lincolnshire, Anh quốc. Charles Wesley là một trong ba người đã sáng lập Phong Trào Giám Lý. Hai người còn lại là John Wesley, anh ruột của Charles, và George Whitefield một nhà truyền giảng khác. Mặc dầu hai anh em rất thân nhau và có cùng một chí hướng, nhưng John Wesley và Charles Wesley có vài khác biệt. John Wesley trình bày niềm tin Cơ Đốc giáo qua những bài giảng và sách báo. Charles Wesley thực hiện những điều đó qua âm nhạc và Thánh ca. John Wesley, dầu trái với ý muốn, đã tách ra khỏi Anh giáo. Charles Wesley, ngược lại, vẫn trung thành phục vụ trong Giáo hội Anh cho đến cuối đời.
Tiểu sử.
Charles Wesley là con trai của bà Susanna Wesley và Mục sư Samuel Wesley. Giống anh mình, Charles Wesley ra đời tại Epworth Lincolnshire, Anh quốc khi Samuel Wesley quản nhiệm nhà thờ tại đó. Charles Wesley theo học tại Westminster School, rồi nối gót anh mình vào Christ Church College, một trường thuộc Đại Học Oxford danh tiếng của nước Anh.
Tại Đại học, nhận thấy đời sống thiếu đạo đức trong xã hội thời đó, Charles Wesley thành lập một nhóm học Kinh Thánh và cầu nguyện (1727). Một số bạn cùng học hưởng ứng và tham gia. John Wesley tham gia nhóm này vào năm 1729 và sau đó trở thành người lãnh đạo. George Whitefield sau đó cũng tham gia. Ngoài giờ học, các sinh viên này dành thì giờ học Kinh Thánh, cầu nguyện, làm việc, giúp đỡ những người nghèo, thăm viếng những người bị tù do thiếu nợ của những quý tộc thời đó. Vì thì giờ eo hẹp, để có thể làm được tất cả những điều này, John và Charles Wesley cùng những người bạn phải đặt thời khóa biểu chính xác: giờ nào tương giao với Chúa, giờ nào dành cho chính mình và giờ nào dành cho tha nhân. Những sinh viên khác trong trường chế giễu những người này, gọi họ là “Câu lạc bộ Thánh” (Holy Club) và những “người làm việc theo phương pháp” (Methodist). Phong Trào Giám Lý khởi đầu từ đó. Về sau, những từ ngữ chọc ghẹo này đã trở thành tên chính thức của Giáo Hội Giám Lý. Thuật từ Methodist khi dịch sang tiếng Việt gồm hai chữ: “Giám” nghĩa là soi xét, so sánh, đối chiếu; và “Lý” là đạo lý, nguyên lý, lý luận và chỉnh lý. Thuật từ này thể hiện quan điểm của tín hữu Giám Lý: so sánh những điều xảy ra trong cuộc sống với những nguyên tắc được dạy dỗ trong Thánh Kinh, phân tích để tìm hiểu và sửa lại cho đúng với căn nguyên.
Sau khi tốt nghiệp tại Đại học Oxford, Charles Wesley được phong chức Mục sư vào năm 1735. Sau đó, ông cùng anh mình là John Wesley dâng mình làm truyền giáo tại Georgia, Hoa Kỳ trong một năm. Lúc đó, Hoa Kỳ vẫn còn là thuộc địa của Anh. Sau đó, hai anh em quay lại nước Anh và khởi xướng Phong trào Giám lý. Phong trào bộc phát từ năm 1739. Phong trào bị bách hại rất nhiều bởi giới lãnh đạo Anh giáo, nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1785 đã có hơn 150.000 tín hữu.
Trong khi John Wesley dùng bài giảng và ngòi viết của mình để chia sẻ niềm tin, Charles Wesley dùng âm nhạc và Thánh ca. Ông viết gần năm ngàn năm trăm bài Thánh ca về đức tin và sinh hoạt của tín hữu Cơ Đốc. Những bài Thánh ca này thể hiện những quan điểm thần học sâu sắc, ảnh hưởng sâu đậm trên Phong trào Giám Lý vào lúc đó. Một số nhà nghiên cứu nhận định rằng những bài giảng của John Wesley được lắng nghe bởi một số người vào thời đó, nhưng những Thánh ca của Charles Wesley khích lệ hàng triệu người khắp thế giới cho đến bây giờ. Trong suốt gần ba trăm năm qua, những Thánh ca của Charles Wesley được hát khắp nơi; không phải chỉ trong cộng đồng 75 triệu tín hữu Giám Lý khắp thế giới nhưng trong nhiều giáo phái Tin lành Cải cách và trong các nhà thờ Công giáo. Bên cạnh đó, Charles Wesley cũng viết lời cho hơn hai ngàn ca khúc khác.
Năm 1749, Charles Wesley thành hôn với Sarah Gwynne, một thiếu nữ trẻ, con gái của Marmaduke Gwynne, một người giàu có tại xứ Welsh. Khác với vợ của John Wesley, vợ của Charles Wesley ủng hộ ông rất nhiều trong chức vụ Mục sư. Bà theo và ủng hộ chồng trong nhiều chương trình truyền giảng khắp Anh quốc.
Charles and Sarah có 8 người con, nhưng chỉ có 3 người sống sót. Một người mang tên cha là Charles Wesley (1757-1834), một người mang tên mẹ là Sarah Wesley và một người mang tên ông nội là Samuel Wesley (1766-1837). Cả hai người con trai Samuel và Charles, thừa hưởng tài năng âm nhạc của cha. Họ là những nhà phong cầm và soạn nhạc xuất sắc. Tuy nhiên, chỉ có con của Samuel Wesley là Samuel Sebastian Wesley, về sau đã trở thành một nhà soạn nhạc danh tiếng của Anh quốc vào thế kỷ 19.
Charles Wesley từ trần ngày 29 tháng 3 năm 1788.
Những bài Thánh ca nổi tiếng.
Rất nhiều bài Thánh ca của Charles Wesley vẫn còn phổ biến hiện nay. Một số bài đã được dịch sang tiếng Việt và in trong các Thánh ca Tin Lành như sau:
Bài Hát Trong Đêm.
Chúa Yêu Thương Tôi.
Đây Phận Sự Tôi Đảm Đương.
Điều Này Thật Sao!
Giê-xu Đấng Hằng Yêu Thương Tôi.
Hỡi Thánh Vương Kíp Ngự Lai.
Kìa Thiên Binh Cùng Nhau Trổi Hát.
Ngày Nay Chúa Phục Sinh.
Nguyền Tình Yêu Giáng Lâm.
Tâm Linh Ơi Hãy Vùng Lên.
Thiên Thần Hòa Ca.
Tôi Phải Đưa Đến Thiên Tòa Chăng?
Tôn Vinh Chúa Linh Năng.

Chương trình thờ phượng Ban Thanh Niên CN 11/1/2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh Niên CN 11/1/2015

in Thanh niên on 19 Tháng Ba, 2015

Chúa nhật 11.01.2015.
1. Đề tài: PHIÊN TÒA CUỐI CÙNG CỦA THẾ GIỚI.
2. Kinh Thánh: Khải Huyền 20:7-15.
3. Câu gốc: “Người nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa” (Khải 20:15).
4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 41-45.
5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
a. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
b. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:
– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).
– Câu hỏi giải nghĩa (tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).
– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
Dựa vào Khải Huyền 20:7-15 soạn một số câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh.
(1.1) Xin cho biết biến cố gì xảy ra sau 1.000 năm bình an?
(1.2) Tại sao Đức Chúa Trời cho phép biến cố nầy xảy ra?
(1.3) Qua biến cố nầy bạn học biết quyền tể trị của Đức Chúa Trời như thế nào?
(2.1) Sự phán xét cuối cùng xảy ra như thế nào?
(2.2) Tại sao có sách sự sống và các loại sách khác? Kết cuộc của người có tên trong hai loại sách đó như thế nào?
(2.3) Học biết phiên tòa cuối cùng nầy, bạn thấy mình phải chuẩn bị điều gì trong hiện tại?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trong nhân loại có rất nhiều phiên tòa lịch sử xét xử những phạm nhân “nổi tiếng” như tòa án xử các tội phạm chiến tranh thời đệ nhị thế chiến. Trong những phiên tòa của trần gian, có những bản án được tuyên bố khiến người ta vô cùng kinh khiếp. Nhưng dầu kinh khiếp, công lý trên đời chỉ có giới hạn, và không làm gì hơn nữa sau sự chết của phạm nhân. Tuy nhiên, có những bản án khiến người ta vô cùng ngạc nhiên vì thấy người ác có thể lọt lưới công lý một cách dễ dàng!
Nhưng đối với luật pháp của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh cho biết có một phiên tòa cuối cùng mà cả nhân loại không một ai thoát khỏi, sẽ phải ứng hầu trước mặt Ngài. Phiên tòa nầy sẽ được xảy ra khi nào? Như thế nào? Và kết quả ra sao?
I. DẪN GIẢI.
A. SỰ CUỐI CÙNG CỦA SA-TAN.
Theo Khải 20:7-10, chúng ta ghi nhận những diễn biến sau đây:
1. Thời đại Thiên hi niên được kết thúc với biến cố của sự phóng thích sa-tan đã bị quản thúc ngàn năm trong vực sâu. Sự phóng thích nầy có thể nhằm mục đích thử nghiệm loài người lần chót xem có đủ điều kiện vào Nước vĩnh viễn của Đức Chúa Trời hay không. Đồng thời để cho sa-tan làm trọn việc ác của nó tới đúng mức bị hủy diệt.
2. Sau khi được thả ra, hoạt động của sa-tan là tạo chiến tranh để chống nghịch Đức Chúa Trời. Dấy nghịch Chúa và bách hại con cái Ngài là việc sa-tan chẳng bao giờ dừng! Bằng cách khéo léo quyến dụ, dỗ dành loài người trên đất, có thể sa-tan cổ võ một “phong trào cách mạng dân chủ” chống lại chính thể thần quyền của Đấng Christ. Nó qui tụ được một liên minh quân sự rất hùng hậu từ các dân trên thế giới. Gót và Ma-gót, tên nầy được thấy trong Sáng Thế Ký 10:2, là tên một người thuộc dòng dõi của Gia-phết. Vì trong Ê-xê-chi-ên 38:22 tên Gót và Ma-gót cũng có đề cập đến trong lời tiên tri về biến cố nầy. Theo các nhà giải kinh, hai tên nầy có thể tiêu biểu cho các dân từ bốn phương của thế giới.
Dưới quyền chỉ huy của sa-tan, chúng đổ quân bao vây thành các thánh đồ và thành yêu dấu, tức Giê-ru-sa-lem, thủ đô của nước Thiên hi niên. Sự vây thành nầy có nghĩa sa-tan muốn chiếm ngôi nước của Đức Chúa Trời.
3. Quân lực của sa-tan bị thảm hại. Đức Chúa Trời giáng lửa từ trời tiêu diệt chúng.
4. Sa-tan bị quăng vào hồ lửa đời đời. Đó là số phận cuối cùng của nó, chung với tiên tri giả, và con thú, tức là An-ti-christ, là những người kết hợp với nó để chống nghịch Đức Chúa Trời.
Trong cuộc chiến cuối cùng của thế gian, câu hỏi có thể nêu lên là: Trong thời đại Thiên hi niên, dân cư sống trong nước Chúa đều là những người thuần phục Ngài. Nhưng tại sao sa-tan có thể lôi cuốn được số đông “như cát bãi biển” theo nó vào cuối thời đại nầy?
Câu hỏi trên có thể được cắt nghĩa trong hai điểm sau đây:
(1) Trong Nước ngàn năm, dân cư là những người tin kính Chúa. Nhưng những thế hệ sanh ra sau đó không phải hoàn toàn là những người thực sự tin Chúa.
(2) Môi trường tốt bên ngoài không thể cải thiện tấm lòng bên trong của con người. Dưới sự trị vì của Chúa, trong sự chánh trực công bình, luân lý đạo đức toàn vẹn, hòa bình, hạnh phúc khắp nơi nơi, là môi trường rất thuận lợi cho sự hướng thiện. Nhưng tâm tánh con người vốn sa ngã không thể nhờ môi trường bên ngoài mà được biến đổi nếu không nhờ quyền năng Thánh Linh đổi mới bên trong. Cho nên trong lúc vắng mặt sa-tan, và với sự cai trị bằng “cây gậy sắt” của Chúa, họ buộc phải thuần phục Ngài (Ê-sai 11:4). Vì vậy khi sa-tan được thả ra, thì rất dễ dàng mà theo sự dỗ dành của nó.
Tóm lại, những sự kiện xảy ra dẫn đến sự cuối cùng của sa-tan, chúng ta học biết những điều sau đây:
– Sự phóng thích của sa-tan vào cuối thời Thiên hi niên tỏ rằng Đức Chúa Trời không ép buộc người ta thờ phượng nếu họ không thật lòng.
– Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị: Với sự dấy nghịch của sa-tan, Ngài trừ diệt nó theo đúng thời điểm của Ngài.
B. SỰ PHÁN XÉT CUỐI CÙNG.
Trong phiên tòa cuối cùng của nhân loại, chúng ta ghi nhận những điểm quan trọng sau đây:
1. Thời gian.
Vào cuối thời Thiên hi niên, sau cuộc chiến của sa-tan, và sa-tan bị quăng vào hồ lửa đời đời (Khải 20:7-10).
2. Địa điểm.
Tòa lớn và trắng. Tòa án được diễn tả bằng hai hình dung từ “lớn” và “trắng”. Theo các nhà giải kinh, hai chữ nầy phản chiếu vẻ oai nghiêm công chính và thánh khiết của Đấng phán xét. Trước tòa án trắng tinh anh, tội nhân tự thấy rõ tội lỗi xấu xa của mình, không cần phải ai nói cho biết.
3. Đấng phán xét.
“Đấng đương ngồi ở trên” chính là Chúa Giê-xu Christ, Đấng đã được Cha ban quyền phán xét thế gian (Khải 20:11; Giăng 5:22). Trên ngôi thẩm phán, Ngài oai nghiêm biết bao. “Trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa”.
4. Tiêu chuẩn đoán xét.
Trong Khải Huyền 20:12-13 nói đến Sách của sự sống và những sách khác. Hai thứ sách nầy có nghĩa gì?
Sách của sự sống gọi là sách của Chiên Con, là sách của những người thuộc con cái Đức Chúa Trời, được cứu chuộc bởi huyết Chiên Con, được ghi tên từ trước buổi sáng thế do sự lựa chọn bởi tình yêu thương của Ngài. Quyển sách sự sống được mở ra trong phiên tòa cuối cùng. Những người ác chịu xét đoán không ai có tên trong sách nầy vì Chúa biết rõ người thuộc về Ngài (Giăng 10:14).
Sách sự sống chỉ có một mà thôi, còn những sách là chỉ về sự ghi chép các việc làm của người ác. Vì sự phán xét của Chúa sẽ được căn cứ tùy theo công việc làm của mỗi người lúc còn trong xác thịt.
Sự mở ra của sách sự sống và các sách ghi công việc làm của mỗi người cho thấy tính chất nghiêm trọng của phiên tòa cuối cùng, một sự luyện lọc giữa người ác và người công bình. Có thể người ta trốn thoát khỏi lưới công lý của trần gian. Nhưng trong ngày phán xét chung kết nầy không một ai có thể lọt khỏi mạng lưới công lý của Đức Chúa Trời.
5. Người chịu xét xử.
Người chịu xét xử gồm tất cả loài người từ thời A-đam, là người không được cứu. Theo lịnh của Chúa, biển sẽ trả những người chết mình chứa, âm phủ trả những người chết mình có và tất cả được sống lại rồi ứng hầu trước mặt Chúa. “Cả lớn và nhỏ” chỉ về người trẻ tuổi lẫn người lớn tuổi, hoặc người sang trọng hay người nghèo hèn, người tri thức hay người dốt nát đều được xét xử trên cùng một tiêu chuẩn như nhau vì Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai (Rô-ma 2:11).
6. Kết cuộc của sự phán xét.
Sự phán xét cuối cùng có tánh cách chung kết, nghĩa là không có sự xét xử thứ hai và lời thẩm phán trong ngày ấy sẽ không bao giờ thay đổi. Vì không có cơ hội thứ hai trong cõi đời đời, nên mục đích của sự phán xét không phải để quyết định số phận của tội nhân bởi số phận họ đã được định rồi khi qua khỏi đời nầy (Giăng 3:36). Đó là một sự chính thức công bố của Quan tòa công bình về nơi ở vĩnh viễn của người ác là hồ lửa đời đời, tức là sự chết thứ hai (Khải 20:15).
C. SỰ CHUNG KẾT CỦA THẾ GIỚI LOÀI NGƯỜI.
Ngày phán xét cuối cùng cũng là ngày đánh dấu chung kết của nhân loại. Có sự chia cách vĩnh viễn giữa người công bình với người ác. Họ vào hai nơi ở đời đời khác nhau. Trời mới đất mới, nơi vĩnh sanh phước hạnh dành cho người công bình, còn hồ lửa, nơi vĩnh hình dành cho người ác.
Trong ngày chung kết, sự công nghĩa của Đức Chúa Trời được chiếu rạng. Sa-tan và kẻ ác phải đền trả cách xứng đáng về việc ác của mình, còn người công bình sẽ được ban thưởng. Và những thắc mắc của công bình trên cõi đời nầy: Tại sao người ác hưng thạnh? Tại sao người nghĩa bị nạn, bị người ác gây họa, sẽ được giải đáp cách thỏa mãn trong ngày chung kết ấy.
Tóm lược.
1. Ngày phán xét cuối cùng xảy ra sau thời đại Thiên hi niên, và sau khi Sa-tan bị bỏ vào hồ lửa.
2. Tòa lớn và trắng là nơi phán xét, và Đấng phán xét là Đức Chúa Giê-xu.
3. Tiêu chuẩn của sự đoán xét căn cứ vào công việc của mỗi người, tức phẩm hạnh của mỗi người, được ghi chép trong những sách của Chúa.
4. Sự phán xét nầy dành cho người chẳng tin, gồm cả nhân loại kể từ đời A-đam.
5. Kết cuộc của sự phán xét là tất cả người không có tên trong sách sự sống đều đi vào hồ lửa đời đời.
II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
1. Xin đọc Khải Huyền 20:7-10 ghi nhận những sự kiện sau đây:
a. Biến cố nào xảy ra trong 1.000 năm bình an và do ai chủ động?
b. Biến cố nầy được chấm dứt như thế nào?
2. a. Tại sao Đức Chúa Trời phóng thích sa-tan sau thời đại Thiên hi niên?
b. Trong biến cố phản nghịch của sa-tan và các dân trên đất, cho chúng ta học biết gì về quyền tể trị của Đức Chúa Trời?
3. Xin đọc Khải Huyền 20:11-15 và tìm hiểu:
a. Thời điểm của sự phán xét (20:1-11).
b. Địa điểm của sự phán xét.
c. Đấng phán xét (Giăng 5:22).
d. Sách của sự sống và những sách có nghĩa gì? Tại sao sách nầy được dùng trong sự phán xét?
e. Những người chịu phán xét là ai?
g. Mục đích của sự phán xét là gì và kết quả cuối cùng như thế nào?
4. Tại sao phiên tòa cuối cùng nầy rất là nghiêm trọng?
5. Khải Huyền 20:11,14-15;21:1; 2Phi-e-rơ 3:13. Trong ngày phán xét cuối cùng cho thấy điểm chung kết của thế giới loài người là gì? Có sự phân chia thế nào giữa người ác và người công bình sau khi bức màn lịch sử của thế giới loài người kết thúc? Điều ghi nhận trên cho chúng ta học biết gì về sự công bình của Đức Chúa Trời.
6. Xin tóm lược những lẽ thật của Kinh Thánh về sự cuối cùng của sa-tan và ngày phán xét cuối cùng của thế giới?