Latest News From Our Blog

Bài học Kinh Thánh giáo viên lớp thiếu nhi (9-12 tuổi)

Bài học Kinh Thánh giáo viên lớp thiếu nhi (9-12 tuổi)

By andynguyen in THIẾU NHI on 18 Tháng Ba, 2015

Bài 2. NGƯỜI LÂN CẬN TỐT BỤNG

I. KINH THÁNH: Lu-ca 10:25-37.
II. CÂU GỐC: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình” (Lu-ca 10:27).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em
– Biết: Chúa Giê-xu dùng ví dụ nầy để dạy các em phải quan tâm, yêu thương và giúp đỡ người khác.
– Cảm nhận: Chúa Giê-xu yêu chúng ta, các em càng phải yêu thương nhau.
– Hành động: Giải thích ý nghĩa của từ “Người lân cận”, và làm thế nào để trở thành người lân cận tốt?
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
1. Chuẩn bị một số em để diễn kịch câm phụ họa trong khi kể chuyện.
2. Tìm trên bản đồ thành Giê-ri-cô và hoàn cảnh địa lý của vùng nầy.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
1. Vào đề.
Các em thân mến! Có bao nhiêu em đã nghe qua ví dụ về người Sa-ma-ri nhân từ? Có lẽ các em đã từng nghe ví dụ nầy, cũng có em chưa được nghe, nhưng dù đã nghe hay chưa nghe, các em cũng sẽ rất thích thú khi nghe lại, vì điều làm cho các em thích thú nhất là tìm ra những điều mới mẻ từ câu chuyện Kinh Thánh quen thuộc. Bài học hôm nay sẽ có tựa đề là “Người lân cận tốt bụng”. Các em suy nghĩ xem tại sao Chúa Giê-xu lại giảng ví dụ nầy? (Cho các em trả lời).
B. BÀI HỌC.
1. Lý do Chúa Giê-xu kể ví dụ.
Một ngày nọ, Chúa Giê-xu đang dạy dỗ dân chúng, có nhiều người Pha-ri-si đến nghe Ngài giảng dạy. Các em nên nhớ rằng người Pha-ri-si rất xem trọng việc tuân giữ luật pháp của Môi-se.
Hôm đó, trong những người Pha-ri-si tham dự, có một thanh niên đứng dậy hỏi Chúa Giê-xu: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” Chúa Giê-xu không trả lời ngay, mà hỏi rằng: “Luật pháp Môi-se dạy thế nào về điều đó?”
Đọc Lu-ca 10:27, các em sẽ thấy thầy dạy luật rất thông thạo luật pháp. (Cho các em đọc Lu-ca 10:27). Chúa Giê-xu đồng ý với câu trả lời chính xác đó.
Người thanh niên đó lại hỏi câu thứ hai: “Ai là người lân cận của tôi?” Nói cách khác, anh ta muốn biết chính xác là mình phải yêu thương ai. Nếu người lân cận là bạn thân của mình, hay ba, mẹ, anh, chị, em… thì việc yêu người lân cận không có gì khó khăn. Nhưng nếu người lân cận bao gồm luôn người hàng xóm đáng ghét thì đó là một việc khó khăn vô cùng, phải không các em?
Chúa Giê-xu trả lời câu hỏi của anh thanh niên bằng một ví dụ. (Để các em hiểu rõ ví dụ, giáo viên cần giúp các em hiểu các vấn đề sau: Vào thời Chúa Giê-xu, người Lê-vi là người giúp việc trong đền thờ, họ lau rửa các dụng cụ tế lễ và tham gia ban hát. Người Sa-ma-ri là những người được sanh ra bởi người Giu-đa và người ngoại bang, nên người ta gọi dân Sa-ma-ri là dân lai. Ở thời Cựu ước, Đức Chúa Trời phán dạy dân Giu-đa không được cưới vợ hay gả chồng với người ngoại bang, nhưng tổ tiên của người Sa-ma-ri không vâng lời Đức Chúa Trời. Vì vậy dân Giu-đa rất ghét dân Sa-ma-ri, họ cho rằng người Sa-ma-ri có địa vị thấp kém hơn họ).
2. Hình ảnh người lân cận tốt bụng.
(Khi giáo viên kể chuyện, các em đã được phân vai sẽ ra diễn kịch câm).
Chúa Giê-xu phán: Một ngày nọ, có một người Giu-đa đi từ thành Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-cô. Khi Chúa Giê-xu kể đến đây, dân chúng đều nghĩ đến con đường nầy nguy hiểm, hoang vắng, và có nhiều bọn cướp giật.
Nhiều người giàu có mua nhà ở Giê-ri-cô để nghỉ lễ ở đó, vì vậy bọn cướp thường rình rập dọc đường để giết người, cướp của.
Chúa Giê-xu tiếp tục câu chuyện: Trên đường đi, đến chỗ vắng vẻ, bỗng người đó bị kẻ cướp tấn công. (Những em đóng vai kẻ cướp từ nơi ẩn nấp chạy ra đánh người rồi ẩn nấp sau tảng đá). Kẻ cướp đánh người hết sức tàn nhẫn, cướp hết quần áo, tiền bạc, rồi bỏ người đó dở sống dở chết nằm bên lề đường.
Tình cờ, có một thầy tế lễ đi ngang qua (Em đóng vai thầy tế lễ đi ra). Ông đang trên đường đi đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đức Chúa Trời. Ông thấy người bị thương nằm dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời. Thầy tế lễ ngoảnh mặt và tránh sang bên kia đường. Ông cẩn thận tránh không đụng phải người đó, có lẽ ông tưởng người đó đã chết. Thầy tế lễ biết rằng trước khi thờ phượng Đức Chúa Trời, không được chạm vào người chết. Nếu chạm phải xác chết, thì trong bảy ngày, ông bị kể là người không sạch (tham khảo Dân Số Ký 19:11), điều đó có nghĩa là ông mất đi vị trí thờ phượng nơi đền thánh. Đối với thầy tế lễ, việc thờ phượng nơi đền thánh là quan trọng hơn giúp đỡ một người dọc đường. Vì vậy, ông vội vã bước đi. (Em đóng vai thầy tế lễ đi ra).
Chúa Giê-xu phán tiếp: Kế đó, có một người Lê-vi đi ngang qua. (Em đóng vai người Lê-vi bước vào). Ông phát hiện một người nằm bên đường, dáng vẻ rất thảm thương. Người Lê-vi đến gần, cúi xuống xem xét, nhưng ông lại đứng lên. Có lẽ ông nghĩ mình quá bận, đâu có thời gian mà giúp đỡ người không quen biết, hơn nữa, biết đâu kẻ cướp vẫn còn ẩn nấp nơi đây thì nguy hiểm cho ông. Thế là người Lê-vi ấy vội vã đi luôn. (Em đóng vai người Lê-vi đi ra).
Một lát sau, có một người Sa-ma-ri vẻ mặt hiền từ cưỡi lừa đi ngang qua. (Em đóng vai người Sa-ma-ri bước vào). Dân chúng nghe Chúa Giê-xu kể đến đây thì nghĩ rằng: “Chắc chắn người Sa-ma-ri sẽ không giúp người bị thương, vì người Sa-ma-ri tự nhủ: Người Do-thái ghét dân ta, ta cứu giúp người ấy làm chi?”
Nhưng người Sa-ma-ri đến gần người bị thương, ông thấy người nầy thật tội nghiệp. Người Sa-ma-ri vội vã xuống lừa, đỡ người bị nạn dậy và lấy dầu xức cho ông ta. Nếu bọn cướp quay trở lại hoặc còn ẩn nấp đâu đó, thì người Sa-ma-ri rất nguy hiểm, nhưng ông không lo nghĩ đến việc đó, mà ông lo chăm sóc vết thương rồi dìu người bị nạn lên lừa. Vì con lừa chỉ chở được một người, nên ông phải đi bộ dắt lừa trên con đường gập ghềnh sỏi đá và quãng đường cũng còn khá xa. Họ đi đến một quán trọ, người Sa-ma-ri bồng người bị thương vào quán trọ, thuê cho ông ta một phòng để nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, trước khi lên đường, người Sa-ma-ri đưa một số tiền cho chủ quán rồi dặn: “Ông săn sóc người nầy giùm tôi, nếu còn thiếu, khi về tôi sẽ trả”. (Em đóng vai người Sa-ma-ri đi ra).
Người Sa-ma-ri là một người lân cận tốt bụng, ông vui lòng giúp đỡ và còn trả tiền để người bị thương được chăm sóc chu đáo. Vì sao ông làm thế? Vì ông có lòng yêu thương và mong muốn làm một người lân cận tốt của người Giu-đa.
3. Ai là người lân cận của tôi?
Kể xong ví dụ, Chúa Giê-xu hỏi: “Trong ba người đó, ai là người lân cận của kẻ bị cướp?” Chúng ta hãy nhớ lại, Chúa Giê-xu kể ra ví dụ nầy là để trả lời cho câu hỏi của anh thanh niên: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” và “Ai là người lân cận của tôi?” Câu hỏi của Chúa Giê-xu khi câu chuyện kết thúc thật không dễ trả lời, vì từ trước đến nay, anh thanh niên cứ nghĩ chỉ có người Giu-đa mới là lân cận của anh. Nhưng sau khi nghe ví dụ nầy, anh ta trả lời rằng: “Đó là người đã cứu giúp nạn nhân”. Chúa Giê-xu đồng ý với câu trả lời, và phán với anh ta: “Hãy đi, làm theo như vậy” (Lu-ca 10:37).
3. Ứng dụng.
Bây giờ, chúng ta hãy suy nghĩ về ý nghĩa của ví dụ. Các em có thể tự diễn đạt theo ý mình chữ “người lân cận” mà Chúa Giê-xu phán không? (Giúp các em hiểu mọi người xung quanh đều có thể là người lân cận). Chúa Giê-xu dạy chúng ta phải đối xử nhân ái và quan tâm đến tất cả mọi người.
Thầy tế lễ và người Lê-vi có phải là người lân cận không? (Không nên để các em nghĩ rằng thầy tế lễ và người Lê-vi là những người xấu. Họ nhận biết Đức Chúa Trời và thờ phượng Chúa nơi đền thánh. Họ sợ phải chạm tay vào người chết, vì như vậy sẽ không được hầu việc Chúa nữa. Có lẽ họ cho việc tuân giữ luật pháp còn quan trọng hơn việc cứu người. Chúa Giê-xu dạy chúng ta hầu việc Ngài, nhưng không bó buộc trong các điều luật, mà phải yêu thương mọi người một cách chân thật, hết lòng).
Lu-ca 10:33 cho các em thấy thái độ của người Sa-ma-ri rất khác với thầy tế lễ và người Lê-vi. (“Ông động lòng thương xót”). Thầy tế lễ và người Lê-vi chỉ cảm thấy tội nghiệp người ấy mà không đến giúp đỡ.
(Giáo viên giúp các em suy nghĩ bằng các câu hỏi sau: Nếu em thấy một bạn mà em rất ghét, bị té ở sân trường, em sẽ làm gì? Hoặc, nếu bạn ấy đang lo âu, buồn phiền, em sẽ làm gì? Nếu em có thể giúp bạn ấy, em có làm không? Nếu em không thích bạn ấy, tại sao em lại giúp bạn ấy? Hay em nhờ các bạn khác giúp bạn ấy, chứ em nhất định không giúp? Em làm thế nào để không ghét bạn ấy nữa, xem bạn là người lân cận của mình?)
Giáo viên gợi ý các em nên cầu nguyện, thành thật kể hết cho Chúa nghe. Nếu các em có lòng nhân ái và khẩn thiết cầu nguyện, các em sẽ không ghét bạn mình như trước nữa.
Tuy nhiên, muốn làm một người lân cận tốt bụng không phải dễ thực hiện. Câu gốc chỉ cho các em cách để thực hiện. Lu-ca 10:27 cho chúng ta biết, trước hết là phải yêu Chúa, tha thiết xin Chúa cho các em trở thành người nhà của Chúa. Khi các em yêu Chúa, Ngài sẽ cho các em sức mạnh để yêu thương người lân cận như mình.
Tuần nầy, các em sẽ làm gì để chứng tỏ mình là người lân cận tốt của mọi người? Cụ thể hơn, các em sẽ là người lân cận tốt của ai? Hãy nhớ, người Sa-ma-ri không chỉ cảm thấy tội nghiệp mà còn quan tâm, giúp đỡ tới nơi tới chốn nữa. Người lân cận của các em bao gồm bạn bè, những người các em ghét, trẻ tàn tật, trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn… Nếu các em biết ai đó đang cần sự giúp đỡ, ở trường hoặc gần nhà, hay trong lớp của chúng ta… Các em thử làm người lân cận tốt của những người ấy nhé!

Post CommentLeave a reply