Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 11.09.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 11.09.2022

By H'Dên in Thanh niên on 10 Tháng Chín, 2022

Chúa nhật 11.09.2022 (Chúa Nhật Thiếu Nhi Tin Lành).

  1. Đề tài: TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA ĐỐI VỚI THIẾU NHI.
  2. Kinh Thánh: Châm Ngôn 22:6; Mác 9:33-42; 36,37,42.
  3. Câu gốc: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 1-5.
  5. Thể loại: Tâm tình.

* CHỈ DẪN: Tâm tình.

– Mời diễn giả hoặc một người có trình độ thuộc linh trong Hội Thánh nghiên cứu đề tài “TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA ĐỐI VỚI THIẾU NHI” và trình bày cho ban Thanh Niên.

– Sau đó mời một người lên đúc kết và cầu nguyện.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Thiếu nhi là tương lai của Hội Thánh. Thiếu nhi ngày nay là Hội Thánh ngày mai. Lo cho thiếu nhi ngày nay là lo cho Hội Thánh ngày mai. Vì người có công gieo trồng, có công chăm sóc tưới nước, mới mong có một mùa gặt bội thu.

  1. PHẢI BẢO VỆ THIẾU NHI (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1-10).

   Môi-se đã không may mắn ra đời nhằm lúc hoàng đế Ai-cập ra lệnh hễ người đàn bà Y-sơ-ra-ên sinh con gái thì để cho sống, sinh con trai thì ném xuống sông. Chắc bấy giờ đã có một số bà mẹ ném con mình xuống sông, vì sợ mạng lệnh của hoàng đế. Song mẹ của Môi-se rất yêu con, tin cậy Chúa, nên không làm như vậy (Hê-bơ-rơ 11:23).

   “Ở đâu có ý chí, ở đó có phương pháp”, người có đức tin ắt có đường lối Chúa. Chúa đã cho mẹ Môi-se có phương pháp đó là làm một chiếc rương mây, bỏ con mình vào đó và đưa ra bờ sông giấu trong đám lau sậy. Kết quả là con bà không bị ném xuống sông mà được làm con nuôi của công chúa Ai-cập. Bà được nuôi con của mình và còn được công chúa trả lương cho.

   Bởi đức tin, bà đã làm những việc phi thường và làm bằng sức mạnh, bằng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

   Đừng làm như người vú nuôi của Mê-phi-bô-sết vì không bảo vệ hay không biết bảo vệ mà để cậu bé 5 tuổi phải té, bị què cho đến suốt đời (2Sa-mu-ên 4:4).

   Về phương diện thuộc linh, cha mẹ hoặc người hướng dẫn không biết bảo vệ thiếu nhi, nên có đứa đã bị què quặt thuộc linh, rơi vào tay của ma quỉ, làm công cụ cho nó.

  1. PHẢI GIÁO DỤC THIẾU NHI (Châm Ngôn 22:6).

   Bảo vệ thiếu nhi đã khó, giáo dục thiếu nhi còn khó hơn. Sinh con, nuôi con là khó, dạy con nên người còn khó hơn biết bao! Song trong Chúa, chúng ta có đủ khả năng, ân tứ làm việc đó, như vô số người đã làm.

  1. Lô-ít và Ơ-nít (2Ti-mô-thê 1:5a; 3:15).

   Bà ngoại và mẹ có đức tin đã truyền đạt đức tin. Bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con. Lại còn dạy dỗ con cháu ngay khi thơ ấu, nên Ti-mô-thê đã được cứu và sớm được Chúa dùng (Công Vụ 16:1).

  1. Giô-kê-bết dạy Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:10).

   Bà đã dạy Môi-se trong thời gian từ khi ra đời cho đến khoảng 5-7 tuổi, thế mà Môi-se đã biết Chúa, tin Chúa, làm việc lớn cho Chúa (Hê-bơ-rơ 11:24-27).

  1. An-ne dạy Sa-mu-ên (1Sam-mu-ên 1:28; 2:11).

   Trong thời gian từ khi sinh ra đến khi khôn lớn hay thôi bú, Sa-mu-ên đã học biết phục vụ Chúa ngay khi đó và đã trở nên nhà tiên tri lớn, được Chúa trọng dụng phục hưng dân Y-sơ-ra-ên trong thời tối tăm hơn hết.

   Không ai dạy con tốt bằng mẹ, không lúc nào dạy con tốt bằng lúc chúng còn thơ ấu. Không nơi nào tốt để giáo dục thiếu nhi bằng gia đình, mặc dầu có nhà thờ, vì phần đông con cái chúng ta đến nhà thờ mỗi tuần chỉ có một lần thôi.

   * Đúc kết.

Ai trong chúng ta cũng thấy được trách nhiệm của mình đối với thiếu nhi là quan trọng dường bao. Thế nhưng, Chúa Giê-xu đã giao cho chúng ta trách nhiệm nào đối với thiếu nhi?

   – Tiếp đón thiếu nhi (Mác 9:36-37).

   – Không được làm cớ cho thiếu nhi vấp phạm (Mác 9:42).

   Ước mong bài học nầy nhắc nhở mỗi người chúng ta thấy và làm trọn trách nhiệm của mình đối với các em thiếu nhi để Hội Thánh Chúa được phát triển mạnh mẽ qua các em.

Cố Mục sư Đoàn Văn Miêng.

Post CommentLeave a reply