Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 28.03.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 28.03.2021

By H'Dên in PHỤ NỮ on 22 Tháng Ba, 2021

Chúa nhật 28.03.2021

(Kỷ niệm Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem)

1. Đề tài: CHÚA VÀO THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM

2. Kinh Thánh: Lu-ca 19:29-44.

3. Câu gốc: “Đáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao!” (Lu-ca 19: 38).

4. Đố Kinh Thánh: Các quan xét 19-21.

5. Thể loại: Thi kể chuyện.

* CHỈ DẪN.

  1. Ban hướng dẫn chuẩn bị.
  2. Mời người trong ban chấp sự Hội Thánh làm giám khảo.
  3. Thông báo thể lệ thi cho các nhóm. Yêu cầu mỗi nhóm xem kỹ phân đoạn Kinh Thánh, sau đó dùng lời văn của mình để kể lại câu chuyện một cách diễn cảm.
  4. Thi kể chuyện.
  5. Trưởng ban thông báo thể lệ cuộc thi.

– Các nhóm có thời gian thảo luận với nhau về nội dung của câu chuyện. Sau đó, trình tự mỗi nhóm cử 1 đại diện lên kể lại câu chuyện một cách diễn cảm.

– Ban giám khảo sẽ chấm điểm:

     4Cả nhóm cùng thảo luận: 10 điểm.

     4Câu chuyện diễn cảm: 10 điểm.

     4Tinh thần làm việc hăng say, vui vẻ và đoàn kết: 10 điểm.

  1. Phát thưởng và thông công.

     – Ban tổ chức tuyên bố điểm và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Tuần nầy là tuần lễ cuối cùng Chúa thi hành chức vụ trên đất. Ngày thứ nhất: Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem; Ngày Thứ Năm: Chúa bị bắt tại vườn Ghết-sê-ma-nê; Ngày Thứ sáu: Chúa bị giải đến Phi-lát và Phi-lát truyền lịnh đóng đinh Chúa trên thập tự giá.

  1. GIẢI NGHĨA.

Ngày kỷ niệm Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem được Giáo hội Công giáo La-mã gọi là Lễ Lá. Chúa vào thành một cách khải hoàn. Sự kiện này khởi đầu tuần lễ thánh, là tuần lễ kỷ niệm Chúa chịu thương khó, đóng đinh trên cây thập tự và sau đó Ngài đã phục sinh.

Trong niên lịch Cơ đốc giáo, Chúa nhật kỷ niệm Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem được tổ chức một tuần trước Lễ Phục sinh. Vì Lễ Phục Sinh được kỷ niệm vào Chúa nhật trăng tròn đầu tiên sau ngày xuân phân (21/3), do đó lễ Phục sinh có thể xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai ngày 22/3 và 25/4 Dương lịch; và vì thế Chúa nhật Lễ Lá nằm trong khoảng thời gian giữa ngày 15/3 đến ngày 18/4 Dương Lịch.

  1. Ý NGHĨA.
  2. Con lừa.

Sự kiện Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem một cách khải hoàn được cả bốn sách Phúc Âm ghi lại. Các sách Phúc Âm đã tường thuật như sau: 29 Đức Chúa Giê-xu gần đến thành Bê-pha-giê và Bê-tha-ni, ngang núi gọi là Ô-li-ve, sai hai môn đồ đi, 30 và dặn rằng: Hãy đi đến làng trước mặt các ngươi; khi vào làng, sẽ thấy một lừa con buộc đó, chưa hề có ai cỡi; hãy mở và dắt về cho ta. 31 Hoặc có ai hỏi sao các ngươi mở nó ra, hãy trả lời rằng: Chúa cần dùng lừa nầy… 33 Đang mở lừa con, các chủ lừa hỏi rằng: Sao mở lừa con nầy ra? 34 Hai người trả lời rằng: Chúa cần dùng nó” (Lu-ca 19:29-31; 33-34).

Việc nầy xảy ra để ứng nghiệm lời đấng tiên tri đã nói trước rằng: 9 Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ cả thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái” (Xa-cha-ri 9:9).

Mọi điều sau đó đã xảy ra đúng như lời Chúa Giê-xu đã phán cùng các môn đồ: 32 Hai người được sai ra đi, quả gặp mọi điều y như Đức Chúa Giê-xu đã phán. 33 Đang mở lừa con, các chủ lừa hỏi rằng: Sao mở lừa con nầy ra? 34 Hai người trả lời rằng: Chúa cần dùng nó. 35 Hai người bèn dắt lừa về cho Đức Chúa Giê-xu; rồi lấy áo mình trải trên con lừa, nâng Ngài lên cỡi” (Lu-ca 19:32-35).

Tác giả các sách Phúc Âm đã tường thuật Chúa Giê-xu cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem. Trong văn hóa vùng Trung đông, lừa là con vật biểu tượng cho hòa bình và ngựa là biểu tượng cho chiến tranh. Ngày xưa, khi thắng trận, các vua thường cỡi ngựa vào thành để bày tỏ uy quyền của một kẻ chinh phục. Trong khi đó, việc Chúa Giê-xu cỡi lừa vào thành thể hiện một hình ảnh hoàn toàn tương phản: Chúa không phải là kẻ chinh phục bằng bạo lực, nhưng Ngài là một Đấng Yêu Thương, là Đấng mang lại hòa bình. Chúa Giê-xu không chỉ dùng biểu tượng cỡi lừa bày tỏ mục đích Ngài đem bình an cho Giê-ru-sa-lem, nhưng Chúa đã nói rõ mục đích này lúc Ngài vào thành: 42 Ước gì, ít nữa là ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an! Song hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt mầy” (Lu-ca 19:42).

Trong niềm tin Cơ đốc, hình ảnh con lừa tơ đôi khi được dùng làm biểu tượng cho một người đã hiến trọn cuộc đời cho Chúa sử dụng. Con lừa khi có Chúa ở cùng đã bước đi giữa những tiếng tung hô. Một người hầu việc Chúa cần có Chúa ở cùng; và khi Chúa được tôn vinh, người đó được cùng hưởng vinh quang với Ngài.

  1. Trải thảm.

Chúa Giê-xu đi đến đâu, người ta trải áo choàng của mình ra trên đường đến đó. Khi Ngài đến gần và sắp sửa xuống núi Ô-li-ve, cả đoàn môn đồ của Ngài bắt đầu lớn tiếng ca ngợi Ðức Chúa Trời cách vui mừng về những việc quyền năng mà họ đã chứng kiến. Họ tung hô rằng: “Đáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao!” (Lu-ca 19:38).

Trong văn hóa của nhiều quốc gia, khi tiếp rước một nhân vật quan trọng, để bày tỏ lòng tôn kính, lối đi của nhân vật đó thường được trải thảm. Khi Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem, dân chúng trong lúc vội vàng đã trải áo lót đường cho Chúa đi qua: 36 Khi Đức Chúa Giê-xu đang đi tới, có nhiều kẻ trải áo trên đường” (Lu-ca 19:36).

Vào thế kỷ thứ nhất, nô lệ là vật sở hữu của chủ. Thời đó nô lệ thường không mặc áo. Hành động cởi áo trải xuống đường để Chúa đi qua, bên cạnh việc bày tỏ lòng tôn kính, còn thể hiện thái độ khiêm cung và tấm lòng đầu phục Chúa của người thực hiện điều này.

  1. Nhánh chà là.

Tin Chúa Giê-xu đang trên đường vào thành Giê-ru-sa-lem loan khắp thành phố, đám đông về dự lễ, lấy nhánh chà là đi ra đón Ngài và tung hô rằng: “Hô-sa-na! Chúc phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, là Vua của Y-sơ-ra-ên!” (Giăng 12:13). Có vài người Pha-ri-si trong đám đông nói với Chúa: 39 Bấy giờ, có mấy người Pha-ri-si ở trong đám dân đông nói cùng Ngài rằng: Thưa thầy, xin quở trách môn đồ thầy!” (Lu-ca 19:39). Chúa đã thẳng thắn đáp lời rằng: “Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên” (Lu-ca 19:40).

Trong văn hóa Hy-lạp và La-mã, lá cọ là biểu tượng của chiến thắng. Vì chiến thắng là kết thúc chiến tranh, khởi đầu cho hòa bình, cho nên lá cọ cũng là biểu tượng cho sự hòa bình. Trong nghi thức tôn giáo của Ai Cập, lá cọ được dùng trong tang lễ và biểu tượng cho sự sống vĩnh cửu. Dân cư Giê-ru-sa-lem dùng lá cọ tung hô Chúa; với hành động này, họ vừa tiếp đón Chúa như một Đấng khải hoàn, Đấng đem lại hòa bình và đồng thời họ cũng tiễn đưa Chúa vào cõi đời đời. Trong Khải Huyền 7:9, sứ đồ Giăng mô tả một đoàn người rất đông, là những người đã được Chúa cứu, mặc áo trắng tay cầm lá cọ tôn ngợi Đức Chúa Trời và Chiên Con trên thiên đàng. Trong lĩnh vực chính trị, khi một tiểu vương chấp nhận đầu phục một vị vua, tiểu vương đem mão miện và cờ hiệu của mình đặt dưới chân của vị vua đó. Lúc Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem, đoàn dân dùng lá làm cờ, và họ đem đặt biểu tượng vinh quang đó dưới chân Chúa.

Một phuơng diện khác về lịch sử, chúng ta thấy rằng nước Do Thái lúc đó đang bị đế quốc La-mã đô hộ. Họ phải làm lụng vất vả để nộp thuế cho hoàng đế La-mã là Sê-sa. Dân tộc Do Thái vốn là một tuyển dân của Ðức Chúa Trời. Họ phạm tội với Chúa. Chúa quở trách họ. Nhưng bởi tình yêu, Ngài hứa là sẽ ban cho họ Ðấng Mê-si cứu rỗi họ. Ngài sẽ sanh ra ở Bết-lê-hem. Cựu Ước ghi rằng: “Hỡi Bết-lê-hem… ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ ngươi sẽ cho ra một Ðấng cai trị dân Y-sơ-ra-ên; gốc tích Ngài bởi đời xưa, từ trước vô cùng” (Mi-chê 5:1).

Chúa Giê-xu đã sanh ra ở Bết-lê-hem, khi lớn lên, Chúa Giê-xu đã làm nhiều dấu kỳ phép lạ, nên họ nhận ra rằng đúng Chúa Giê-xu là Ðấng Mê-si giải cứu họ. Cho nên đã có lần “họ ép Ngài để tôn làm vua” nhưng Chúa không bằng lòng (Giăng 6:15). Bây giờ Chúa công khai vào thủ đô Giê-ru-sa-lem. Dân chúng vui mừng nghĩ rằng đây là lúc Chúa sẽ tuyên bố làm vua, nên họ tôn vinh Ngài: “Ðáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến!” (Lu-ca 19:38).

Dân Y-sơ-ra-ên tin rằng Chúa Giê-xu sẽ giải cứu họ khỏi ách đô hộ của người La-mã và làm vua của họ. Chúng ta nên lưu ý là người Do Thái mong Chúa làm vua không phải vì yêu Chúa, nhưng chỉ vì họ có lợi. Họ nghĩ rằng nếu được Chúa Giê-xu làm vua thì họ sẽ có vị vua đầy quyền phép hóa bánh cho họ ăn, chữa lành bệnh cho họ.

Người Do-thái mong Chúa làm vua, lúc đó, họ sẽ được tự chủ, họ có quyền tự do, thoát khỏi cái nhục làm nô lệ cho ngoại bang là đế quốc La-mã. Về phương diện ngoại giao, nếu Chúa Giê-xu là người Do-thái làm vua của họ, họ sẽ được ngang hàng với các nước lân bang và có quyền tự quyết. Về phương diện kinh tế, tài chánh, họ tự định đoạt chính sách kinh tế, tài chánh, thuế khóa, và nhất là khỏi phải đóng thuế cho ngoại bang là đế quốc La-mã. Vậy thì, dân tộc Do-thái mong theo Chúa Giê-xu để được cái gọi là: “Ðộc lập, tự do”. Họ nghĩ rằng khi Chúa nắm chính quyền lập tức họ có lợi lớn!

Họ tin tưởng, vì Chúa đã từng hóa bánh cho năm, bảy ngàn người ăn no nê; Chúa từng quở sóng gió yên lặng; Chúa gọi La-xa-rơ từ kẻ chết sống lại. Bây giờ Chúa vào thủ đô xưng vua, dù bọn lính La-mã có đến chống lại, Chúa chỉ cần phán một lời là chúng ngã rạp hết. Họ tin có lý! Nhưng họ thất vọng.  Khi một đám đệ tử của các thầy tế lễ thượng phẩm đến bắt Ðức Chúa Giê-xu, có một môn đồ của Ngài rút kiếm ra chém đứt tai bên hữu một tên giặc thù. Chúa không những không khen người môn đồ này, mà Ngài còn quở trách ông rằng: “Hãy nạp gươm vào vỏ” (Ma-thi-ơ 26:52). Rồi Ngài chữa lành tai cho kẻ đến bắt Ngài.  Ngài không chống cự gì cả, Ngài để tự nhiên họ bắt, trói rồi dẫn đi. Lúc đó: “Hết thảy môn đồ bỏ Ngài mà trốn đi” (Ma-thi-ơ 26:56).

Không những Chúa Giê-xu không chống cự mà Ngài còn chịu cho kẻ đánh Ngài, kẻ nhổ vào mặt Ngài, kẻ tát vào má Ngài, kẻ phỉ báng Ngài, Ngài vẫn yên lặng chịu tất cả sự nhục nhã. Tuy vậy, dân Y-sơ-ra-ên vẫn mong Ðấng mà họ tôn vinh: “Hô-sa-na, Vua nhân danh Chúa mà đến” sẽ bày tỏ quyền năng vào giờ chót. Nhưng họ hoàn toàn thất vọng vào giờ chót, họ nghe Chúa Giê-xu trả lời với Phi-lát rằng: “Nước ta chẳng thuộc về thế gian này” (Giăng 18:36). Vậy là mộng Chúa làm vua, được độc lập tự do khỏi tay đế quốc La-mã của họ tiêu tan!

Và khi thất vọng thì thái độ của dân Do Thái như thế nào? Thật là đau đớn khi đọc câu Kinh Thánh này: “Phi-Lát nói cùng dân Giu-đa rằng: Vua các ngươi kia kìa! Những người đó bèn kêu lên rằng: Hãy đóng đinh hắn trên thập tự!” (Giăng 19:14,15)!! Họ không biết rằng Chúa Giê-xu sẽ đáp cùng Phi-lát rằng: “Nước ta chẳng phải thuộc về thế gian này” có nghĩa rằng nghĩa là vương quốc của Ngài không giống như một quốc gia nào trên đất cả. Vì quốc gia trên đất có biên cương, còn vương quốc của Chúa không có biên cương. Vương quốc của Chúa ở trong lòng của con dân của Ngài. Con dân Ngài ở khắp mọi nơi, và hơn nữa, vương quốc Ngài ở thiên đàng, thuộc về trời chớ không phải thuộc về đất.

  1. Chúa khóc.

Khi đến gần và nhìn thấy thành phố, Chúa khóc về thành rằng: “Ước gì, ít nữa là ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an! Song hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt mầy.  Vì sẽ có ngày xảy đến cho mầy, khi quân nghịch đào hố xung quanh mầy, vây mầy chặt bốn bề. Họ sẽ hủy hết thảy, mầy và con cái ở giữa mầy nữa. Không để cho mầy hòn đá nầy trên hòn đá kia, vì mầy không biết lúc mình đã được thăm viếng” (Lu-ca 19:42-44). Lúc đầu các môn đồ Ngài không hiểu những điều đó; nhưng sau khi Chúa Giê-xu đã được vinh hiển, lúc ấy họ nhớ ra rằng những điều đó đã được chép về Ngài, và được ứng nghiệm cho Ngài.

Đoàn người có mặt với Chúa lúc Ngài gọi La-xa-rơ ra khỏi phần mộ, và khiến ông sống lại từ cõi chết, đều làm chứng về Ngài; vì lý do đó, dân chúng lũ lượt kéo ra nghênh đón Chúa vì họ nghe nói Ngài đã thực hiện phép lạ ấy. Thấy vậy, những người Pha-ri-si nói với nhau: “ Các ngươi thấy mình chẳng làm nổi chi hết; kìa, cả thiên hạ đều chạy theo người!” (Giăng 12:19).

Chúa Giê-xu vào Giê-ru-sa-lem và đi vào đền thờ. Ngài đưa mắt nhìn quanh rồi cùng mười hai môn đồ trở ra Bê-tha-ni, vì lúc ấy trời đã gần tối. Vào Chúa nhật lễ Lá, tại nhiều nhà thờ, trên cửa, trên tường và hai bên những băng ghế trong nhà thờ được trang hoàng với lá cọ. Ở những địa phương không có lá cọ, lá của những loại cây khác được thế vào.

Tại một số Hội Thánh, trẻ em cầm lá đi vào trong nhà thờ, tái diễn lại khung cảnh Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn. Thánh ca được hát trong Chúa Nhật lễ Lá thường có bài Hô-sa-na, là lời chúc tôn của đoàn dân khi ca ngợi Chúa. Bài giảng trong ngày lễ Lá thường giải thích về ý nghĩa của ngày lễ này, nhắc nhở về sự đầu phục Chúa, đồng thời kêu gọi tín hữu hướng lòng tưởng niệm sự hy sinh của Chúa trong tuần lễ Thương khó và Phục sinh sắp đến. Tại một số nhà thờ, sau buổi lễ, lá cây cọ được đốt, tro được giữ lại để dùng vào lễ Tro năm sau.

 

Post CommentLeave a reply