Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 12.04.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 12.04.2020

By H'Dên in Thanh niên on 6 Tháng Tư, 2020

Chúa nhật 12.04.2020

  1. Đề tài: LỄ PHỤC SINH.
  2. Kinh Thánh: Rô-ma 6:3-11; Giăng 12:24; 1Côr 15:19-20.
  3. Câu gốc: “…Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (1Côr 15:20).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ nhật Chúa nhật 16.03.2020.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

TỪ CHẾT ĐẾN PHỤC SINH.

Theo niên lịch Cơ đốc giáo, 40 ngày trước lễ Phục Sinh là lễ Tro. Lễ Tro là ngày đầu tiên của Mùa Thống Hối. Mùa Thống Hối sẽ chấm dứt vào ngày thứ bảy trước lễ Phục Sinh. Trong thời gian 40 ngày này, các tôi con Chúa thường kiêng ăn cầu nguyện, tự xét mình, ăn năn, xưng tội và cầu xin Đức Thánh Linh ban năng lực để sống đẹp lòng Chúa…

            Tuần lễ cuối cùng của Mùa Thống Hối là Tuần Thương Khó cũng gọi là Tuần Thánh. Tuần này bắt đầu với lễ Lá, nhắc ngày Chúa được nghênh rước vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn, rồi tiếp tục với thứ năm, ngày Chúa thiết lập lễ Tiệc thánh và thứ sáu, Chúa chịu đóng đinh trên thập tự giá để đến Chúa nhật, Chúa sống lại từ cõi chết. Đó cũng là ngày vui nhất của Cơ đốc giáo, ngày lễ Phục Sinh.

  1. CÓ CHẾT RỒI MỚI CÓ PHỤC SINH.

Một lẽ thật quan trọng chúng ta có thể khám phá được trong mùa lễ nầy là Chúa phải chịu đau đớn, khốn khổ và cuối cùng phải chết, rồi Ngài mới có thể phục sinh vinh hiển được.

            Trên phương diện thuộc linh cũng vậy, chúng ta phải chết đi rồi mới phục sinh được. Nhờ đức tin chúng ta đã chết và sống lại qua lễ báp tem. Tại lễ báp tem, chúng ta bước vào mầu nhiệm cùng chết và sống lại với Chúa (Rô-ma 6:3-11). Muốn có một đời sống đắc thắng tràn đầy sức sống thiên thượng, bước tiên quyết là phải chết đi con người cũ hoặc bản tánh xác thịt mình. Không có ngã tắt nào để bước vào ngưỡng cửa quyền năng phục sinh ngoại trừ phải chết. Ngày nào chúng ta còn chưa lấy đức tin để cho con người cũ chết đi, thì ngày đó chúng ta cũng chưa thể sống với sức sống phục sinh được.

            Trong cuộc sống theo Chúa, đôi khi Chúa cũng cho chúng ta phải trải qua những đau đớn thất vọng hoặc thất bại, rồi mới có thể tìm thấy sung sướng vui mừng và thành công. Có những cuộc hôn nhân phải đến chỗ đổ vỡ rồi mới tìm thấy lại hạnh phúc thật. Có những Hội Thánh phải đóng cửa rồi mới kinh nghiệm được sự hồi sinh. Có những tôi tớ Chúa phải nghỉ chức vụ một thời gian rồi mới có thể có một chức vụ kết quả.

            Chúng ta đừng vội thất vọng hoặc lên án khi thấy công việc nhà Chúa dường như đang đổ vỡ. Vì từ những hài cốt khô Đức Chúa Trời cũng có thể dựng lên một đạo binh rất lớn và dũng mãnh (Ê-xê 37). Bây giờ, người ta sẽ không thể nói rằng nhờ tay mình mà công việc Chúa mới được thế nầy thế kia; nhưng là nhờ quyền năng của Thánh Linh Đức Chúa Trời hành động qua mình (Xa-cha-ri 4:6).

            Chúa dạy, “nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều” (Giăng 12:24). Chết là cần thiết cho phục sinh. Phải có chết rồi mới có thể phục sinh được.

  1. CÓ CHÚA PHỤC SINH, CÓ ĐỜI SỐNG ĐẮC THẮNG.

            Đây là lẽ thật thứ hai. Rõ ràng là bối cảnh xã hội, chính trị tại
Pa-lét-tin không có gì thay đổi trước và sau khi Chúa phục sinh. Người La-mã vẫn cai trị dân Do-thái, giới lãnh đạo tôn giáo vẫn cộng tác với ngoại bang để củng cố chức vị và quyền hành. Những ai bất đồng ý kiến hay có tư tưởng chống đối đều bị “chụp mũ” là chống chính quyền và bị bắt giam ngay tức khắc. Hàng ngàn người đã bị xử đóng đinh.

            Các môn đồ của Chúa Giê-xu phần nhiều là những người “nhà quê”. Bản tính sợ người quyền thế vốn đã có sẵn trong máu của những người bị trị. Lâu nay, họ hãnh diện vì thầy của mình thật là tài năng, làm những dấu kỳ phép lạ phi thường. Nhưng từ khi chính mắt họ nhìn thấy Chúa bị bắt rồi chịu tử hình trên thập tự giá, bao nhiêu niềm hãnh diện và giấc mơ đều bị tan vỡ. Họ sợ bị liên lụy. Họ trốn tránh. Nhắc lại tình cảnh các môn đồ sau khi Chúa chịu chết, sứ đồ Giăng rất thành thật, “Buổi chiều nội ngày đó, là ngày thứ nhất trong tuần lễ, những cửa nơi các môn đồ ở đều đương đóng lại, vì sợ dân Giuđa” (Giăng 20:19). Sợ là bản tánh cố hữu của chúng ta.

Nhưng từ khi họ gặp được Chúa phục sinh, sự sợ hãi đó đã tan biến. Họ bắt đầu kinh nghiệm một đời sống đắc thắng. Ngày trước họ sợ bị bắt bỏ tù; bây giờ bắt bớ và tù đày dường như không có nghĩa lý gì nữa. Trước đây, nếu những nhà lãnh đạo bắt bớ hoặc quở trách, có lẽ họ đã im hơi lặng tiếng mà nghe, bất kể là đúng hay sai, nhưng bây giờ thì họ đã không ngần ngại chất vấn rằng: “Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng? Vì, về phần chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công 4:19-20).

            Họ đã kinh nghiệm được thế nào là “biết lẽ thật và lẽ thật sẽ buông tha” (Giăng 8:32). Chúa Giê-xu phục sinh chính là lẽ thật đó. “Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do” (Ga-la-ti 5:1a).

Kinh nghiệm Chúa phục sinh đã cho họ đời sống đắc thắng. Nhà cầm quyền, roi vọt, tù đày, bị sỉ nhục công khai, hoặc bị treo trên thập tự giá vốn là những gì họ hay sợ trước khi gặp Chúa phục sinh. Giờ đây, những thứ đó không còn có nghĩa gì nữa. Quả thật, cuộc đời họ đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi gặp Chúa phục sinh. Họ đã kinh nghiệm một đời sống đắc thắng giữa một xã hội đầy bất công và áp bức. Họ đã thật sự kinh nghiệm sự tự do dù sống giữa một môi trường không chút tự do. Đứng trước sự khó khăn và sự chết, chúng ta thường buồn bã và than vãn và đôi khi cũng thắc mắc về tình thương của Đức Chúa Trời. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì trước mắt Ngài, khó khăn hoặc chết chóc chưa phải là tận cùng. Đó chỉ là sự cần thiết để Ngài bày tỏ những việc diệu kỳ hơn qua quyền năng phục sinh. Đức tin nơi Chúa phục sinh có thể giúp chúng ta xem thường mọi khó khăn trở ngại và được một đời sống đắc thắng. Ha-lê-lu-gia! Tạ ơn Chúa, vì chúng ta đang được tự do và có thể sống một cuộc đời đắc thắng. Hãy vững tin nơi Chúa phục sinh. A-men.

Mục sư Đặng Ngọc Báu.

 

 

Post CommentLeave a reply