Tác giả: Lee Vi

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 05.05.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 05.05.2024

in NAM GIỚI on 1 Tháng Năm, 2024

Chúa nhật 05.05.2024

  1. Đề tài: KINH NGHIỆM ĐỨC CHÚA TRỜI QUA SỰ VÂNG LỜI.
  2. Kinh Thánh: Giăng 14:15, 24a; 1Giăng 2:3-6; Phục 28:15-68.
  3. Câu Gốc: “Ai có các điều răn của Ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến Ta; người nào yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu lại, Ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết Ta” (Giăng 14:21).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 52-54.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 18.02.2024.

* CÂU HỎI GỢI Ý:

Đọc Xuất 17:1-7 rồi trả lời những cụm câu hỏi sau:

(1.1) Câu hỏi phát hiện: Vì sao dân Y-sơ-ra-ên kiếm cớ gây với Môi-se tại Rêphiđim?

(1.2) Câu hỏi suy luận: Khi Môi-se thực hiện đúng theo sự dẫn dắt của Chúa, ông đã tạo được ảnh hưởng lớn nào cho dân Y-sơ-ra-ên?

(1.3) Câu hỏi ứng dụng: Bạn nhận được sự dạy dỗ gì qua gương của Môi-se trong phân đoạn Kinh Thánh này?

(2.1) Môi-se đã làm gì để giải quyết tình trạng thiếu nước uống của dân Y-sơ-ra-ên tại nơi đây?

(2.2) Phép lạ nước chảy ra từ hòn đá tại Hôrếp chứng tỏ điều gì?

(2.3) Bạn có tin Đức Chúa Trời luôn hành động trên đời sống bạn, trên Hội Thánh của bạn không? Dựa vào đâu bạn có đức tin đó?

(3.1) Những hành động nào của Môi-se trong phân đoạn Kinh Thánh này chứng tỏ ông luôn vâng theo Lời Chúa phán?

(3.2) Dấu hiệu nào cho thấy một người đã biết Chúa, kinh nghiệm Chúa trong đời sống?

(3.3) Môi-se đã liên tục kinh nghiệm Chúa trong sự vâng lời, bạn đã kinh nghiệm được Chúa trong sự vâng lời chưa?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. 1. Ý Nghĩa Của Sự Vâng Giữ Mạng Lệnh.

Đức Chúa Trời yêu thương bạn. Ngài muốn điều tốt nhất cho bạn. Đó là lý do vì sao Ngài ban những điều răn và những lời dạy, các mạng lệnh và chỉ dẫn. Các mạng lệnh của Ngài không để giới hạn hay kiềm chế bạn, mà để buông tha cho bạn tự do kinh nghiệm đời sống ý nghĩa nhất có thể có được.

Khi bạn vâng giữ mạng lệnh của Chúa, điều đó có nghĩa là mối tương giao của bạn ở trong sự vui mừng, không gián đoạn với Chúa. Một số người muốn Chúa giao một công tác để làm cho Ngài. Họ hứa nguyện sẽ làm bất cứ điều gì mà Ngài yêu cầu. Nhưng khi Chúa quan sát đời sống họ, Ngài thấy họ không vâng lời trong những điều Ngài đã bảo cho họ rồi.

Không phải những mạng lệnh của Chúa được ban cho, bạn lựa chọn những mạng lệnh nào mình muốn vâng theo rồi quên đi các mạng lệnh còn lại. Ngài muốn bạn vâng giữ toàn bộ các mạng lệnh của Ngài vì cớ mối quan hệ yêu thương của bạn với Ngài. Khi nhìn thấy bạn trung tín và vâng lời trong một việc nhỏ, Ngài mới có thể giao phó cho bạn nhiều hơn. Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt bạn hằng ngày vào những mạng lệnh cụ thể mà Đức Chúa Trời muốn bạn vâng giữ.

  1. 2. Không Vâng Lời Phải Trả Giá Đắt.

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không bao giờ xem nhẹ sự không vâng lời. Sự bất tuân của Giô-na gần như khiến ông phải trả giá bằng mạng sống của mình. Việc Môi-se giết người Ê-díp-tô kia buộc ông trả giá bốn mươi năm trong đồng vắng. Tội của Đa-vít phạm với Bát-sê-ba đã phải trả giá bằng sinh mạng đứa con trai của ông. Chức vụ ban đầu của Phao-lô đã bị ngăn trở rất nhiều bởi sự bất tuân của mình. Nhiều người sợ đến gần ông vì cớ tai tiếng của một người bắt bớ Cơ Đốc nhân.

Dầu Chúa tha thứ và thường ban những cơ hội để bạn ăn năn, nhưng bạn không được phép xem thường sự không vâng lời. Đôi khi, Ngài không ban cơ hội thứ nhì. Hai con trai của A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu, không vâng lời khi xông hương không thánh khiết cho Đức Giê-hô-va; và Đức Chúa Trời đã đánh chết họ (Lê-vi ký 10:1-20).

Môi-se cướp vinh hiển của Đức Chúa Trời trước mặt toàn Y-sơ-ra-ên, ông đánh hòn đá và nói: “Hỡi dân phản nghịch! Hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá này ra cho các ngươi được sao?” (Dân 20:10). Hãy để ý chữ “chúng ta”, Đức Chúa Trời mới là Đấng đem nước ra từ hòn đá. Môi-se đã cướp vinh hiển của Chúa, và Ngài không chịu cất bỏ những hậu quả của sự không vâng lời đó. Ngài không để cho Môi-se được cùng dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa.

  1. Kinh Nghiệm Chúa Qua Sự Vâng Lời.

Lu-ca ghi lại một từng trải đẹp đẽ của các môn đồ Chúa Giê-xu có cùng một mẫu mực này (Lu-ca 10:1-24). Chúa Giê-xu mời 70 môn đồ (bản NIV ghi 72 môn đồ) cùng dự phần với Ngài vào công việc của Đức Chúa Cha. Họ vâng lời và đã kinh nghiệm Chúa làm qua họ, những việc mà chỉ có Đức Chúa Trời mới làm được.

Chúa Giê-xu đã ban cho các môn đồ công việc cụ thể. Họ vâng lời Ngài và kinh nghiệm Đức Chúa Trời làm việc qua mình để chữa bệnh và đuổi ma quỷ. Ngài bảo họ rằng chính sự cứu rỗi của họ mới đáng đem lại niềm vui hơn là sự khuất phục các tà linh (Lu-ca 10:20). Chúa Giê-xu ca ngợi Đức Chúa Cha vì đã bày tỏ chính Ngài cho các môn đồ (Lu-ca 10:21-22). Sau đó, Chúa Giê-xu quay sang các môn đồ và phán: “Phước cho mắt nào được thấy điều các ngươi thấy! Vì Ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên tri và vua chúa ước ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng từng thấy, ước ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng từng nghe” (Lu-caLc 10:23-24).

Các môn đồ đã được Đức Chúa Trời chọn lựa cách đặc biệt để dự phần vào công việc Ngài. Những điều họ đã thấy, nghe và rồi tiến đến chỗ biết được Chúa chính là điều mà ngay cả các tiên tri và các vua muốn được từng trải nhưng không được. Các môn đồ này đã được phước Chúa ban!

Bạn cũng sẽ được phước khi Đức Chúa Trời làm qua bạn một công việc đặc biệt và mang tầm cỡ của Ngài. Bạn sẽ tiến đến chỗ biết Ngài đến nỗi đời sống bạn tràn đầy vui mừng. Khi người khác thấy bạn kinh nghiệm Chúa như vậy, họ cũng muốn làm sao để kinh nghiệm được Ngài, giống như bạn. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để chỉ họ đến với Đức Chúa Trời.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Bạn đã kinh nghiệm Đức Chúa Trời thế nào trong sự vâng lời Ngài?
  2.  Bạn đã kinh nghiệm Đức Chúa Trời thế nào khi bạnkhông vâng lời Ngài?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 28.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 28.04.2024

in Thanh niên on 24 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 28.04.2024.

  1. Đề tài: ĐAU LÒNG VÌ GIA CẢNH.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế ký 37:1-35.
  3. Câu gốc: “Vả, Y-sơ-ra-ên thương yêu Giô-sép hơn những con trai khác, vì là con muộn mình” (Sáng thế ký 37:3a).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xơ-tê 6-10.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh.

* Chỉ dẫn: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 18.02.2024.

* Câu hỏi học Kinh Thánh tham khảo.

(1.1) Gia-cốp yêu Giô-sép hơn những người con khác như thế nào? (37:3-4).

(1.2) Việc Gia-cốp bày tỏ tình thương với Giô-sép thì đó là việc làm đúng hay sai? Xin giải thích.

(1.3) Bài học này giúp bạn điều gì trong cách đối xử với người trong gia đình?

(2.1) Lòng ghen ghét của các anh đối với Giô-sép được nuôi dưỡng thế nào trong tư tưởng họ? (37:17-22).

(2.2) Khi một người âm mưu hại người khác thì ai là nạn nhân? Kẻ bị hại hay là chính họ? Vì sao?

(2.3) Chúng ta nên sống như thế nào để có đời sống vui tươi và hạnh phúc?

(3.1) Lòng ghen ghét của các anh được tỏ ra thế nào qua hành động của họ đối với Giô-sép? (37:23-28).

(3.2) Hậu quả của việc nuôi dưỡng lòng ghen ghét đưa người ta đến đâu? Và kết quả cuối cùng họ nhận được là gì?

(3.3) Bạn có ghen ghét anh em mình không? Bạn phải làm gì để thoát khỏi điều đó?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. HIỂM HỌA CỦA ĐẶC ÂN (Sáng thế Ký 37:3-4).

Đặc ân là ơn đặc biệt của người ban cho dành riêng cho người mình thương yêu, mến mộ. Đây là điều tốt vì sẽ khuyến khích người được thương mến cố gắng hơn để xứng đáng với tình yêu của người ban cho. Tuy nhiên, sự ban cho đặc ân không đồng đều rất dễ dẫn đến sự ghen ghét, đố kỵ. Có nhiều Hội Thánh đã xảy ra nhiều than phiền khiếu nại khi có vấn đề ban phát giải thưởng. Nhiều lời phê bình, chỉ trích xảy ra tại sao cho người này, không cho người kia.

Gia-cốp thương yêu Giô-sép không có gì là sai. Cái sai của người cha này là “thương yêu Giô-sép hơn những con trai khác” lý do “vì là con muộn”. Tôi thấy có nhiều người cũng mang chung lỗi lầm đó là yêu thương “con muộn” hoặc “con út” nhiều hơn các anh, các chị trong gia đình. Xin Chúa giúp chúng ta cảnh giác về thứ “yêu thương hơn” này vì nó rất dễ đưa gia đình chúng ta từ chỗ hạnh phúc, ấm êm, đến chỗ xào xáo, lộn xộn. Đôi khi còn có ý giết hại lẫn nhau như trường hợp anh em Giô-sép có ý muốn giết em cùng cha khác mẹ của mình dù rằng em mình vô tội.

  1. ÂM MƯU GIẾT NGƯỜI (Sáng thế Ký 37:17b-22).

Có lần, đọc một bản tin trên báo tôi bàng hoàng. Bản tin cho biết, một người con trai đã xô cả cha lẫn mẹ mình từ lầu xuống đất cho chết, chỉ vì cha mẹ mình đã nhường lại tài sản cho bà chị của mình. Sách Châm ngôn có câu “Sự ghen ghét làm mục xương cốt” (Châm ngôn 14:30). Gia-cơ có cùng ý tưởng trên khi ông viết “Ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, ở đó có sự lộn xộn và đủ mọi điều ác” (Gia-cơ 13:16). Qua phần Kinh Thánh chúng ta học hôm nay, chúng ta thấy các anh Giô-sép là nạn nhân của sự ghen ghét (không phải là Giô-sép). Theo biểu đồ thì sự ghen ghét trong lòng họ càng ngày càng gia tăng. Biểu đồ đi lên chứ không bao giờ đi xuống. Câu 4 ghi “Họ sanh lòng ghen ghét”, rồi “càng thêm ganh ghét” (câu 5). Câu 8 ghi “càng ganh ghét hơn nữa” và câu 11 ghi “lấy làm ganh ghét”. Ít có người hiểu điều này. Họ cứ tưởng rằng khi mình ganh ghét thì người khác sẽ là nạn nhân của mình. Không! Người có lòng ganh ghét là nạn nhân của chính họ vì không có sự vui mừng đến thăm viếng họ, hạnh phúc chán nản bỏ đi, bình an đóng cửa đi ngủ, chỉ có ác quỷ vẫn đứng đốt thêm đống lửa hận thù. Nhà thần học Douglas V. Steere viết rằng “Hận thù hay ghét ghét là mầm sinh nở của sự tự vẫn”. Vì thương yêu những người trong lòng chan chứa hận thù, ghen ghét, Chúa Giê-xu có lần đã khuyên “Hãy yêu kẻ thù nghịch” (Ma-thi-ơ 5:44). Kẻ ghét mình mà còn phải làm điều tốt cho họ, kẻ không ghét mình mà mình ghét họ làm gì cho thêm khổ. Vậy mà có nhiều người vẫn thích ghét hơn thương. Ghét rất vô cớ. Pascal nói “Theo tính tự nhiên, con người ghét nhau. Vì thế mà có chiến tranh trong thế giới, quốc gia, gia đình, cá nhân, đảng phái, tôn giáo. Để thỏa lòng ghen ghét nhiều người nói những lời nói vô tội vạ! Thật ra ai là nạn nhân? Giô-sép hay là các anh? Hãy đọc lời chúc tiên tri của Gia-cốp (Sáng thế Ký 49). Si-mê-ôn và Lê-vi là kẻ dùng “Thanh gươm như khí giới hung tàn” (c.5,7) thì “họ đáng bị rủa sả” còn Giô-sép thì như “chồi của cây tươi tốt, mọc gần bên bờ suối nước; nhành nhánh phủ bao trên ngọn tường” (c.22). Tôi tin chắc rằng ai cũng muốn có được phước hạnh như Giô-sép mà không ai muốn đời mình như Si-mê-ôn và Lê-vi cả.

III. LƯƠNG TÂM CHAI LÌ (Sáng thế Ký 37:23-28).

Cách nay khá lâu, tòa án San Diego đã kêu án xử tử một người vì tội “chai lì lương tâm”, ông ta đã giết một người. Nạn nhân là một cô gái trẻ bị hư xe, ông ta giả bộ giúp rồi bắt cóc cô gái, hãm hiếp rồi giết chết. Tòa án kết tội ông ta là lẽ dĩ nhiên. Có điều cả báo chí và quan tòa đều nhấn mạnh đến một điểm là “ông ta có lương tâm chai lì”. Nhiều người đã giết người, bị xử tử hoặc ở tù chung thân nhưng ít ai có bản án như tên giết người này. Tại sao vậy? Lý do là sau khi giết chết cô gái đáng thương này, rồi trước thân thể đầy máu me của nạn nhân, tên sát nhân rất bình thản ngồi ăn phần ăn mà nạn nhân sẽ dùng để ăn trưa trong trường Đại Học. Phần Kinh Thánh ghi “Các anh bắt chàng đem quăng trong hố rồi, họ ngồi ăn”. Họ ngồi ăn khi em họ, một người thiếu niên mới 17 tuổi đang kêu khóc van xin. Trong đoạn Kinh Thánh này không có nói là Giô-sép van xin nhưng chính các anh Giô-sép đã thú nhận sự kiện này. Họ nói “Chúng ta can tội cùng em ta vì lúc trước ta thấy tâm hồn nó buồn thảm khi nói xin nhờ ơn, nhưng ta không khứng cho” (Sáng thế Ký 42:21). Phao-lô đã nói về bội đạo trong thời kỳ cuối cùng vì “Có lương tâm chai lì” (1Ti-mô-thê 4:12). Ghen ghét chính là điều làm lương tâm chai lì, mà khi lương tâm đã chai lì thì có điều gì mà không dám làm, còn ai mà phải sợ! Các anh của Giô-sép đã bán em ruột với 20 nén bạc. Giu-đa bán Chúa lấy 30 nén bạc. Chưa biết ai đã chai lì hơn ai?

* Bài học áp dụng.

  1. Gia-cốp là tiêu biểu của nhiều bậc cha mẹ đã sai lầm khi yêu thương không đồng đều. Giô-sép đã bị hại chỉ vì được cha thương yêu hơn anh em khác. Bài học này giúp được gì cho chúng ta trong cách đối xử trong gia đình (Sáng thế Ký 37:3-4).
  2. Khi một người âm mưu hại người khác thì ai là nạn nhân? Kẻ bị họ hại hay là chính họ? Vì sao? Chúng ta nên sống như thế nào để có niềm vui, hạnh phúc (Sáng thế Ký 37:17-22).
  3. Hậu quả của lương tâm chai lì đưa người ta đến đâu? Và kết quả cuối cùng họ nhận được là gì? (Sáng thế Ký 37:23-28).
  4. Tạ ơn Chúa, bài học hôm nay là một tiếng vang cảnh tỉnh mỗi người chúng ta. Chúng ta phải xét lại mình xem mình có phải mắc lỗi lầm như Gia-cốp không? Mình có đối xử ghen ghét anh em mình không? Lương tâm chai lì chưa? Nếu có, sự thức tỉnh, ăn năn vẫn là điều chưa muộn. Cha phải thương con đồng đều như nhau. Anh em phải ăn ở hoà thuận nhau. Mục sư phải thương mục sư, tín hữu phải quý trọng tín hữu thì đạo Chúa lo gì mai một.
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 28.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 28.04.2024

in PHỤ NỮ on 24 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 28/04/2024.

  1. Đề tài: THẾ NÀO LÀ VÁC THẬP TỰ GIÁ?
  2. Kinh Thánh: Mat 10:38; 16:24; Lu 9:23; 14:27; Êph 2:16; Hêb 2:2; 1Cô 1:18.
  3. Câu gốc: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Mác 8:34b BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 28-31.
  5. Thể loại: Tìm hiểu.

* CHỈ DẪN: Tìm hiểu.

Mời 2 người nữ trong BHD chịu trách nhiệm trình bày đề tài: “Thế nào là vác thập tự giá?” và mời một người lên đúc kết, cầu nguyện.

Sau khi NHD trình bày phần giới thiệu rồi thì lần lượt mời người có trách nhiệm lên trình bày.

– Người thứ I: Trình bày quan điểm không đặt nền tảng trên Thánh Kinh.

– Người thứ II: Trình bày quan điểm đặt nền tảng trên Thánh Kinh.

– Người thứ III: Lên đúc kết và cầu nguyện kết thúc.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

THẾ NÀO LÀ VÁC THẬP TỰ GIÁ THEO CHÚA?

Chúa Giê-xu phán: “Nếu ai muốn theo Ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Mác 8:34). Vác thập tự giá là việc quan trọng cho những Cơ Đốc nhân. Trong (Ma-thi-ơ 10:38) Chúa nhấn mạnh rằng nếu ai không vác thập tự giá mình theo Chúa, thì không đáng làm môn đệ Ngài. (Lu-ca 14:27) ai không vác thập tự giá mình theo Chúa, thì cũng không được làm môn đồ Chúa. (Ma-thi-ơ 16:24), (Mác 8:34) và (Lu-ca 9:23) đòi hỏi phải từ bỏ chính mình để vác thập tự giá theo Chúa mỗi ngày.

Thế nào là vác thập tự giá? Vác thập tự giá theo nghĩa đen, nghĩa bóng hay nghĩa thuộc linh? Có nhiều quan điểm giải thích cho việc vác thập tự giá theo Chúa.

  1. QUAN ĐIỂM KHÔNG ĐẶT NỀN TẢNG TRÊN KINH THÁNH.
  2. “Thập tự giá” được hiểu theo nghĩa đen.

Thập tự giá mà người Cơ đốc vác là thập tự giá bằng gỗ. Trong lịch sử Hội Thánh ta thấy có nhiều người ủng hộ quan điểm nầy và luôn mang tượng cây thập tự bằng gỗ bên mình.

  1. “Thập tự giá” chỉ về bệnh tật.

Thập tự giá chỉ về những tật bệnh mà mỗi con cái Chúa phải chịu. Thomas A. Kempis tán thành quan điểm nầy, và giảng giải thêm: “Thập tự giá không những chỉ về bệnh tật, mà còn chỉ về sự đau khổ”.

  1. “Thập tự giá” chỉ về sự cứu rỗi.

Người vác thập tự giá là người kinh nghiệm được sự cứu rỗi. Những người chủ trương quan điểm nầy cho rằng việc môn đồ hóa và được cứu rỗi có giá trị như nhau. Nhóm khác nữa thì quan niệm rằng môn đồ hóa là điều kiện của sự cứu rỗi. Họ kêu gọi mọi người hãy vác thập tự giá để làm nên sự cứu rỗi cho mình. Quan điểm nầy lầm lẫn vì dạy rằng con người nhờ việc làm mà được cứu rỗi.

  1. “Thập tự giá” chỉ về tội lỗi.

Thập tự giá chỉ về những tội lỗi mà người tin Chúa không thể từ bỏ. Martin Luther ủng hộ quan điểm này, John R. Rice cũng tán thành qua việc dạy về lẽ cần để đóng đinh bản tính tội lỗi. Theo Kinh Thánh, thói quen phạm tội không phải là điều Chúa muốn con cái Ngài phải mang. Trong Chúa Cứu Thế, ta được ban sự đắc thắng tội lỗi. Lời Chúa dạy: “phải nên thánh vì Ta là thánh” (1Phi 1:16).

  1. “Thập tự giá” chỉ về người phối ngẫu của mình.

Nhiều người chồng, người vợ không vừa ý nhau, hay kể người phối ngẫu là cây thập tự nặng nề mà mình phải mang. Có ông chồng kia giới thiệu vợ mình cho bạn hữu bằng những lời: “Tôi xin giới thiệu với anh chị, đây là… thập tự giá của tôi!”

  1. QUAN ĐIỂM ĐẶT NỀN TẢNG TRÊN THÁNH KINH.

Trong Tân Ước, chữ “thập tự giá” thường được hiểu theo ba nghĩa: Nghĩa đen, nghĩa thuộc linh và nghĩa bóng.

Theo nghĩa đen, Tân ước chỉ có ba thập tự giá hiểu theo nghĩa này: Đó là cây thập tự của Chúa Giê-xu và hai cây thập tự của hai tên cướp cùng bị đóng đinh với Chúa (Mat 27:38-40).

Theo nghĩa thuộc linh, tất cả người tin Chúa đều đã được đồng chịu đóng đinh với Chúa Giê-xu trên thập tự giá (Rô 6:6, Gal 2:20). Nói cách khác, mỗi người đặt đức tin nơi công lao cứu chuộc của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, đều được đồng chết với Ngài.

Theo nghĩa bóng, thập tự được hiểu là:

  1. Sự gian khổ và phủ nhận chính mình (Mat 16:24).
  2. Sự khổ đau của Chúa Giê-xu (Êph 2:16, Hêb 2:2).
  3. Giáo lý của Phúc Âm (1Côr 1:18).
  4. Phúc Âm, vì kẻ thù của Phúc Âm là kẻ thù của thập tự giá (Phil 3:18).
  5. Thập tự giá của Chúa Giê-xu là hình ảnh về sự cứu rỗi (1Côr 1:17).

Người vác thập tự giá là người sẵn sàng sống cho Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù phải chịu sỉ nhục, đau khổ và ngay cả phải chết vì Chúa.

Mặt khác, vác thập tự giá cũng có nghĩa là làm cho chết những tham vọng, ý tưởng, mục tiêu đi ngược lại ý muốn Chúa. Phao lô là người vác thập tự giá nên đã tuyên bố: “Tôi chết hằng ngày” (1Côr 15:31), tức là làm chết đi những điều không theo ý muốn Chúa.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 28.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 28.04.2024

in NAM GIỚI on 23 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 28.04.2024

  1. Đề tài: BẠN CÓ ĐANG ĐỂ CHÚA LÀM CHỦ TẤM LÒNG?
  2. Kinh Thánh: Giăng 20:28, Ê-phê-sô 3:20, Khải 3:20.
  3. Câu Gốc: “Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho, thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với Ta” (Khải Huyền 3:20).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 49-51.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 07.01.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Khi quyết định tin nhận Chúa Giê-xu, chúng ta cầu nguyện mời Ngài bước vào cuộc đời và làm chủ tấm lòng. Nhưng thành thật mà nói, hãy suy xét lại những ngày tháng qua, bạn có thực sự để Chúa làm chủ tấm lòng cách trọn vẹn? Hay là bạn vẫn đang cố gắng giữ lại một số nơi trong tấm lòng mà không muốn Chúa bước vào?

Thật là một ngày dài đầy mỏi mệt. Tôi quyết định sẽ đi dạo một quãng bên cạnh dòng sông êm đềm. Gió thổi nhẹ qua những tán cây sồi cao. Đó là một ngày mùa thu vàng tuyệt đẹp. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất cô đơn. Có quá nhiều điều xảy ra trong cuộc sống làm tôi bối rối.

Tôi bắt đầu trò chuyện với Chúa Giê-xu, Đấng hiểu hết mọi suy nghĩ trong lòng tôi và yêu thương tôi vô điều kiện.

“Chúa ơi, con đã cầu nguyện xin Ngài ngự vào lòng con nhưng nhiều lúc con thấy lòng mình thật trống trải. Ngài có thật sự ở đó?”

Dường như trong lòng mình, tôi nhận thấy tiếng Chúa thỏ thẻ, “Con yêu dấu của Ta ơi, Ta đã chờ đợi con đến và hỏi Ta. Có những lý do khiến lòng con cảm thấy trống rỗng. Khi Ta đến với những căn phòng của tấm lòng con, thì nó lại đóng kín. Vì yêu thương con, Ta đã giao mọi chìa khóa vào trong tay con. Có những chỗ Ta không vào được vì con đã đóng kín. Con cầu xin Ta làm chủ cuộc đời con nhưng vẫn có những chỗ trong đời sống mình con không muốn mở cửa cho Ta vào. Ta biết là con đã dâng tấm lòng con cho Ta. Nhưng có những căn phòng đặc biệt trong đó con lại đóng chặt với biển báo ‘KHÔNG ĐƯỢC VÀO’. Vì vậy, con đã cảm thấy trống rỗng và lạnh lẽo”.

Tôi liền đáp lại với Chúa, “Nhưng Chúa ơi, những căn phòng đó chứa đầy thương tổn, buồn đau và bối rối. Chúng là những căn phòng duy nhất mà con chưa mở bởi vì khi mở ra nó sẽ rất đau. Chẳng lẽ không thể để nó đóng chặt được sao?”

“Không, con của Ta. Nếu con muốn Ta là Chúa của cuộc đời con thì Ta phải ngự trị và làm chủ tấm lòng con. Toàn bộ tấm lòng. Con cần phải mở căn phòng có tên ‘Không tha thứ’ ấy ra và con hãy tha thứ. Thật sự tha thứ và bỏ qua lỗi lầm. Rồi hãy tiếp tục đi đến căn phòng có tên là ‘Đau buồn’ và để Ta khỏa lấp căn phòng ấy với sự yên ủi và yêu thương. Rồi hãy đến với căn phòng có tên ‘Quá khứ’ và để Ta thanh tẩy nó bằng huyết báu của chính Ta. Ta sẽ lấy đi mọi thứ trong những căn phòng ấy và đổ đầy chúng với tình yêu, lòng thương xót và sự tha thứ. Ta sẽ cất hết những nỗi đau, sẽ lau sạch những thương tổn và con sẽ tìm thấy những điều quý giá giấu kín ở đó”.

Tôi nhớ lại việc Chúa Giê-xu đã sinh ra ở nơi chuồng chiên máng cỏ vì nhà trọ không còn phòng trống cho Ngài. Từ nhỏ, mỗi lần nghĩ đến việc không còn phòng cho Chúa Giê-xu, tôi lại cảm thấy rất buồn. Và chính lúc này, Chúa lại nhắc nhở tôi vì đang làm điều tương tự, khi đóng chặt những căn phòng trong tấm lòng mình không để Chúa bước vào. Chính tôi cũng đang làm giống như người chủ nhà trọ khi xưa, bảo rằng lòng tôi không còn chỗ trống cho Ngài. Chúa muốn tôi mở lòng mình ra và mời Ngài không chỉ bước vào mà còn có toàn quyền làm chủ mọi căn phòng, mọi lĩnh vực của tấm lòng, của đời sống tôi. Đã nhiều năm qua, tôi đóng chặt những căn phòng đó, không để Ngài bước vào. Tôi tự hỏi tại sao mình có thể xưng Ngài là Chúa, là chủ trong khi lại không thực sự để Ngài kiểm soát trọn vẹn tấm lòng mình?

Tôi quỳ xuống bên cạnh dòng sông và xin Chúa Giê-xu bước vào những căn phòng đó. Và Ngài đã bước vào. Tôi tin rằng Ngài cũng sẽ làm như vậy với chính bạn. Hãy để Ngài làm chủ toàn bộ tấm lòng bạn. Không phải là một phần nhưng là toàn bộ. Và bạn sẽ hoàn toàn được thay đổi cách đầy lạ lùng.

“Đức Chúa Trời là Đấng hành động trong chúng ta bằng quyền năng Ngài, có thể làm trổi hơn bội phần mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê-sô 3:20).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì vẫn đóng chặt những căn phòng trong tấm lòng mình. Hôm nay con xin giao phó trọn vẹn tấm lòng con cho Chúa, xin Ngài ngự trị, làm chủ và cai quản mọi lĩnh vực của đời sống con. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen. Quý thính giả thân mến, có lĩnh vực nào trong đời sống bạn vẫn chưa hoàn toàn đầu phục theo ý muốn Chúa, vẫn muốn giữ riêng cho mình, làm theo tiêu chuẩn và ý muốn mình? Hôm nay Chúa mời gọi bạn hãy tin cậy Ngài cách trọn vẹn, đầu phục Ngài trọn vẹn và kinh nghiệm quyền năng biến đổi lạ lùng của Chúa sẽ tỏ bày trên đời sống bạn.

Marsha Brickhouse (Oneway.vn)

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 21.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 21.04.2024

in Thanh niên on 15 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 21.04.2024

  1. Đề tài: CHÚA NHẬT TƯƠNG TRỢ.
  2. Kinh Thánh: 1Sử Ký 16.
  3. Câu gốc: Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, vì Ngài là nhân từ; Sự thương xót Ngài còn đến đời đời.” (1Sử Ký 16:34)
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Ca ngợi, Cảm tạ.

* CHỈ DẪN: Ca ngợi, Cảm tạ.

  1. Thông báo cho các ban viên từ nhiều tuần trước. Tất cả các ban viên đều có thể ca ngợi, cảm tạ Chúa về những ơn phước Ngài ban. Khi làm chứng, xin trình bày cách thành thật. Nếu bài làm chứng cảm động, nên cầu nguyện ngay. Nếu không làm chứng thì ban viên nên bày tỏ lý do tôn vinh Chúa bài Thánh ca đó.
  2. Ghi danh với NHD chương trình thờ phượng.
  3. Có thể đơn ca, song ca, tốp ca hay cả ban cùng hát.
  4. Ở giữa chương trình có thể tổ chức một buổi đấu giá hay quyên góp cho ngày Chúa Nhật tương trợ.
  5. Tất cả các khoản quyên góp và dâng hiến trong ngày Chúa Nhật tương trợ sẽ dâng cho ủy ban tương trợ của Hội Thánh để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
  6. Thông công.
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 21.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 21.04.2024

in PHỤ NỮ on 15 Tháng Tư, 2024

Chủ nhật 21/04/2024 (Chúa nhật Tương trợ).

  1. Đề tài: CHĂM SÓC ANH EM
  2. Kinh Thánh: Phi-líp 4:2-7, 10-19.
  3. Câu gốc: “Tôi hiện rất vui mừng trong Chúa, vì cuối cùng, anh em lại quan tâm đến tôi. Thật ra anh em vẫn quan tâm, nhưng không có dịp tiện” (Phi-líp 4:10 BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 25-27.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 04-02-2024.

Đề tài 1: Giúp đỡ bằng lời nói khích lệ an ủi khi họ khó khăn đang cần nhu cầu.

Đề tài 2: Giúp đỡ đem lại cho anh em sự hòa thuận khi họ mâu thuẫn với nhau, không những thế, chúng ta cũng cần phải chia xẻ những nhu cầu vật chất cho anh em khi họ có nhu cầu.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. GIÚP NGƯỜI ĐANG MÂU THUẪN VỚI NHAU (Phil 4:2-3).

Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ đang có mâu thuẫn. Phao-lô mô tả họ là những người đã từng chung vai sát cánh với ông trong công việc truyền bá Phúc Âm, chịu nhiều hoạn nạn, khó khăn. Không rõ họ mâu thuẫn với nhau về vấn đề gì, khiến họ không thể hiệp một để hầu việc Chúa được.

Điều này cho thấy những va chạm có thể xảy ra bất cứ ở đâu, ngay cả Hội Thánh. Kinh Thánh mô tả những xích mích giữa Phao-lô và Ba-na-ba, bất đồng giữa các sứ đồ. Sự khác biệt giữa Cơ đốc nhân và người ngoại không phải là không có sự va chạm, nhưng là sự va chạm được giải quyết. Bổn phận của chúng ta là tìm cách giúp đỡ, đem họ trở lại hòa thuận. Phao-lô nói trực tiếp với hai người: “tôi khuyên Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ phải hiệp một ý trong Chúa”, ông còn nói thêm “hỡi kẻ đồng liêu trung tín, tôi cũng xin anh giúp hai người đàn bà ấy”.

Hai người phải giải quyết vấn đề mâu thuẫn của họ trước, người thứ ba đóng vai trò hòa giải, giúp họ hòa thuận. Chúa Giê-xu dạy các môn đồ trong bài giảng trên núi (Mat 5:9) “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời”.

  1. GIÚP NGƯỜI ĐANG BUỒN BÃ NGÃ LÒNG (Phi-líp 4:4-7)

Có những tín hữu Hội Thánh Phi-líp đang lo lắng, buồn phiền. Có thể họ đang lo lắng cho Phao-lô đang ở trong cảnh tù tội (1:12), lo lắng cho Ép-ba-phô-đích đang đau yếu (2:27), có thể là đang lo buồn cho chính họ cũng đang gặp cảnh bắt bớ của chính quyền, hay là một tà giáo đang xen vào giữa họ (1:17), lung lạc đức tin của một số người.

Trong cuộc đời theo Chúa, nhiều khi lâm vào tình trạng buồn bã, bối rối, ngã lòng, chúng ta cũng cảm thấy tuyệt vọng, bất lực, đôi khi muốn buông xuôi tất cả. Một số người nhờ cậy Chúa đứng lại được, nhưng cũng có người buông xuôi.

Trong lúc đó còn gì quý hơn là một người đến chuyện trò, an ủi, khích lệ. Sự có mặt của một người thân yêu biết cảm thông chia xẻ là một điều quý giá biết bao. (Truyền đạo 4:9-10) viết: “Hai người hơn một… nếu người này ngã thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên”, hoặc (Châm ngôn 17:17) “Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn. Và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn”.

Chúng ta sẽ dùng lời Chúa an ủi khích lệ anh em mình, chính lời Chúa sẽ nâng đỡ người đang buồn chán ngã lòng đó trở lại vui vẻ, bình an.

III. GIÚP NGƯỜI ĐANG CÓ NHU CẦU CẦN THIẾT (Phi-líp 4:10-13)

Phao lô đang ở trong tù, bị xiềng xích, thiếu thốn mọi điều. Hội Thánh Phi-líp biết hoàn cảnh khó khăn, họ tha thiết cầu nguyện cho ông. Họ quyên góp tiền bạc, cử Ép-ba-phô-đích mang đến cho ông. Phao lô viết trong (c.10) “Tôi được rất vui mừng trong Chúa, vì nay anh em lại lo tưởng về tôi lần nữa…”

Hội Thánh có người giàu, kẻ nghèo, anh em trong Chúa có bổn phận giúp đỡ, thể hiện tình yêu thương chân thật. Chúa Giê-xu động lòng thương xót đoàn dân không có thức ăn, đã làm phép lạ hóa bánh cho đoàn dân ăn là một hình ảnh cần phải bắt chước. Chúng ta cần quan tâm đến nhu cầu vật chất của người lãnh đạo cũng như hết thảy anh em chúng ta mỗi khi họ gặp thiếu thốn khó khăn.

  1. LÀM ĐẸP LÒNG CHÚA (Phi líp 4:14-19).

Sự giúp đỡ anh em của chúng ta nói lên hai điều:

  1. Đời sống kết quả (câu 17): Phao lô nói rằng khi Hội Thánh Phi-líp giúp đỡ cho ông, điều làm cho ông vui mừng không phải vì ông được chu cấp nhu cầu cần dùng, nhưng vì ông thấy được kết quả trong đời sống đức tin của họ. Những tín hữu Hội Thánh Phi-líp đã sống một đời sống kết quả, họ không NÓI yêu Phao lô bằng miệng, nhưng họ LÀM sự yêu thương bằng thực tế.
  2. Đẹp lòng Đức Chúa Trời: (C.18) “như một thứ hương có mùi thơm, tức là một của lễ Đức Chúa Trời đáng nhận, và đẹp lòng Ngài”. Kinh Thánh cho biết người ta dâng lên cho Đức Chúa Trời nhiều của lễ, nhưng không phải của lễ nào Đức Chúa Trời cũng nhận lấy và đẹp lòng, trên thực tế có nhiều của lễ Ngài còn gớm ghiếc nữa (Ê-sai 1:13).

Của lễ đẹp lòng Chúa không phải là những của lễ phô trương sự giàu có bên ngoài, nhưng là một hành động xuất phát từ tấm lòng bên trong.

Giúp đỡ người khác là một hành động thiết thực bày tỏ tình yêu thương của mình, không chỉ giúp đỡ bằng lời nói giúp người ta hòa thuận, lời nói giúp an ủi trong hoạn nạn khó khăn, chúng ta cũng cần phải chia xẻ nhu cầu vật chất cho anh em mình khi họ có nhu cầu (Gal 6: 2) “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ”, hay (Ga-la-ti 6:10) “Vậy, trong lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức tin”. (1Giăng 3:18) cũng viết: “Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”.

 

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 21.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 21.04.2024

in NAM GIỚI on 15 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 21.04.2024 (CN Tương trợ).

  1. Đề tài: HÃY MANG LẤY GÁNH NẶNG CHO NHAU.
  2. Kinh Thánh: 1Giăng 3:17, Ga-la-ti 6:10, Hê-bơ-rơ 13:16.
  3. Câu Gốc: “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ” (Ga-la-ti 6:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 46-48.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 21.01.2024.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 14.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 14.04.2024

in Thanh niên on 9 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 14.04.2024.

  1. Đề tài: TRƯỞNG THÀNH TRONG THỬ THÁCH.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế Ký 32:3; 33:17.
  3. Câu gốc: “Tôi lấy làm hèn mọn không đáng chịu các ân huệ và các điều thành thực mà Ngài đã làm cho kẻ tôi tớ Ngài” (Sáng thế Ký 32:10).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xơ-tê 1-5.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 14.01.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trưởng thành là điều ai cũng mong muốn; nhất là được trưởng thành về phần tâm linh. Ai làm việc với những người “Nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ” (1Cô-rinh-tô 13:11a) thì mệt lắm. Nhưng ai làm việc với kẻ thành nhân thì sướng lắm vì họ đã “bỏ những điều thuộc về con trẻ” (1Cô-rinh-tô 13:11b). Để đạt đến mức trưởng thành không phải là chuyện dễ, bệnh còi cọc tâm linh là thứ bệnh mà nhiều tín hữu vẫn thường mắc phải. Bệnh này thuộc loại bất trị, vô phương cứu chữa. Chỉ có Đức Thánh Linh là vị Thầy thuốc duy nhất chữa được bệnh này thôi. Gia-cốp đã bắt đầu đời sống mình như một con trẻ. Háu ăn, háu đá (tâm linh) muốn thì tìm cách thỏa mãn mà không biết nghĩ gì đến hậu quả. Chính vì vậy, Gia-cốp đã phải chạy trốn, lìa bỏ cả cha già, mẹ yếu để tìm đường sống.

Bài học hôm nay chúng ta không học về đời sống Gia-cốp nữa. Ông đã được Chúa gọi bằng tên mới Y-sơ-ra-ên (có nghĩa là chiến đấu với Chúa) Gia-cốp là con ngựa chứng, Y-sơ-ra-ên là con ngựa đã thuần chịu dây cương, giúp ích cho người cưởi nó.

  1. SỰ KHIÊM NHƯỜNG THÀNH THẬT (Sáng thế Ký 32:9-11).

Khiêm nhường là một đức tính cao trọng nhưng ít người có được. Chúa đã từng dạy “phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy… phước cho những kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất” (Ma-thi-ơ 5). Đầu mối của sự thành công, của hạnh phúc phải được bắt đầu bằng hai chữ “nhu mì”. Gia-cốp trên đường chạy trốn đã mất đi tất cả, tối ngủ gối đầu trên hòn đá, khi trở về ông đã tự thuật rằng “khi qua sông Giô-đanh, tôi chỉ có cây gậy” (Sáng thế Ký 32:10b). Đây là lần đầu tiên Gia-cốp biết hạ mình, cầu nguyện. (Các nhà giải kinh cho rằng Sáng thế Ký 28:20-21 chỉ là lời hứa). Trong lời cầu nguyện Gia-cốp gọi Đức Chúa Trời là Ê-lô-him, ám chỉ đến giao ước mà Chúa lập với Áp-ra-ham, ông nội mình; danh xưng thứ hai, Đức Giê-hô-va để nói đến mối quan hệ và ơn cứu chuộc mà Chúa dành cho ông. Một nhà văn có tiếng, Simone Weil đã nói câu này: “Khiêm nhường là sự khước từ sống ngoài Chúa”. Rất hay! Người khiêm nhường là người thật sự biết sống nép mình trong ánh sáng và vinh quang của Chúa.

  1. GIA-CỐP KHẮC PHỤC NỘI TÂM (Sáng thế Ký 32:24-30).

Đoạn Kinh Thánh chúng ta học là đoạn Kinh Thánh hết sức cảm động. Gia-cốp sắp đối diện với Ê-sau, chưa biết lành dữ thế nào. Gia-cốp cần người hỗ trợ tinh thần ông. Nhưng sự thật khác hẳn. Câu 24 là câu rất có ý nghĩa “Một mình Gia-cốp ở lại”. Một mình, không còn ai hết đã nói lên trọn vẹn cảm giác cô độc của Gia-cốp. Tạ ơn Chúa cho giờ phút cô độc tuyệt vời này. Đức Chúa Trời thường hay tiếp xúc với con người khi họ cô đơn nhất. Muốn tương giao với Chúa, chúng ta cần có thì giờ thanh vắng, yên tĩnh. Chỉ một mình với Chúa và không có ai khác. Sau đêm gặp Chúa tại Phê-ni-ên, Gia-cốp kể lại như sau: “Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu” (Sáng 32:30). Cuộc vật lộn đó nói lên điều gì? Theo tôi, cuộc vật lộn đó có một ý nghĩa sâu nhiệm. Đức Chúa Trời muốn làm chủ cuộc đời Gia-cốp và bằng chứng hiển nhiên là sự đổi tên Gia-cốp thành Y-sơ-ra-ên (chiến đấu với Chúa). Mỗi người trong chúng ta cần có những kinh nghiệm như vậy. Cô độc chưa hẳn là điều xấu mà nhiều khi là cơ hội để đến được lắng nghe tiếng Chúa, tiếp xúc với Chúa để Chúa thay đổi nội tâm để cho đời sống tâm linh tăng trưởng.

III. GIA-CỐP LÀM HOÀ VỚI ANH (Sáng thế Ký 33:1-4).

Chúng ta thường hay tha thứ những người lầm lỗi. Lỗi lầm là bản chất cố hữu của con người. Ai là người mà không từng lầm lỗi? Thấy người khác lầm lỗi rồi nhục mạ, xỉ vả, có thái độ khinh khi thì thật là hẹp hòi, không tự xét mình. Chúa dạy xét mình rồi mới xét người vì “chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người” là hành động hết sức kỳ cục. Bài học hôm nay đáng cho chúng ta học hỏi về lòng ăn năn và đức tính tha thứ. Hình ảnh thật tuyệt vời, hai anh em mười mấy năm xa cách, bây giờ gặp lại nhau, nước mắt tuôn tràn, tay bắt mặt mừng, còn hình ảnh nào đẹp hơn? Bởi đâu có được sự đó? Về phía Gia-cốp chúng ta ghi nhận được bốn điều sau:

(1) Gia-cốp biết lỗi mình.

(2) Gia-cốp tin lời Chúa hứa.

(3) Gia-cốp khiêm nhường (thấy mình không xứng đáng).

(4) Gia-cốp chân thật (không lừa phỉnh nữa).

Tội không thể “rửa” mà sạch. Tội cần được tha. Và sự tha tội chỉ có khi người phạm lỗi biết ăn năn. Tin vào lời Chúa hứa là yếu tố thứ hai. Một học giả Thánh Kinh đã nói câu này: “Quên lời Chúa hứa sẽ mất niềm vui… Nhớ lời Chúa hứa có được mọi sự”. Yếu tố thành công của Gia-cốp là ông nhớ lời Chúa hứa. Chính điều này tạo nên quyết tâm làm hòa với anh. Khiêm nhường cũng góp phần rất quan trọng. Kẻ không khiêm nhường sẽ sống cô độc suốt đời, chẳng có ai làm bạn. Người khiêm nhường biết nép mình trong Chúa. Mọi việc người làm chỉ vì vinh quang của Chúa và cho tình thương với tha nhân. Yếu tố cuối cùng là sự chân thật. Tạ ơn Chúa, một người có tên là Gia-cốp (kẻ chiếm quyền) bây giờ là người biết sống lương thiện, chân thật, cuộc đời trắc trở của Gia-cốp vẫn được Chúa dìu dắt uốn nắn để thành người có ích.

Điều đáng học hỏi khác là tinh thần tha thứ của Ê-sau. Đem 400 người đi đón em, nhìn thấy em mình thân tàn ma dại, những bước đi chao đảo, lòng hận thù như tan biến để nhường lại một xúc động chân thật yêu thương. Quá khứ hận thù qua đi, một chiếc cầu thân thương đã được bắt lại. Đoạn 33 câu 4 là câu Kinh Thánh tuyệt vời, chúng ta cần học hỏi. Hai anh em gặp nhau, ôm nhau cùng khóc vì nỗi vui mừng dâng trào.

* Bài học áp dụng:

  1. Chúng ta học điều gì từ sự khiêm nhường của Gia-cốp? Chúng ta nên áp dụng vào đời sống thế nào? (Sáng thế Ký 32:9-11).
  2. Thay đổi là bằng chứng. Gia-cốp chiến đấu với Chúa, với nội tâm, với niềm tin để rồi thay đổi, lớn lên, làm con ngựa có dây cương thay vì là con ngựa hoang chạy nơi rừng núi. Chúng ta học được điều gì nơi Gia-cốp? Nơi sự trưởng thành thuộc linh của ông? (Sáng thế Ký 32:24-30).
  3. Yếu tố của sự hòa thuận là gì? Yếu tố nào giúp Gia-cốp thành công? Yếu tố nào giúp Ê-sau quên đi thù hận cũ? (Sáng thế Ký 33:1-4).
  4. Cả Gia-cốp và Ê-sau là những người đã trưởng thành đáng cho chúng ta học hỏi. Thời gian vẫn là liều thuốc bổ mà Đức Chúa Trời thường dùng để chữa lành vết thương lòng tưởng chừng như không bao giờ hàn gắn được. Xin Chúa giúp chúng ta học được các đức tính cao quí của Gia-cốp và Ê-sau.
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 14.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 14.04.2024

in PHỤ NỮ on 9 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 14/03/2024

  1. Đề tài: GIÔ-SUÊ – NGƯỜI CHIA ĐẤT CHO DÂN SỰ.
  2. Kinh Thánh: Giô-suê 1:1-9; 11:21-23.
  3. Câu gốc: “Nhưng tôi và gia đình tôi sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15c BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 22-24.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 21-01-2024.

Sau đây là một số câu hỏi gợi ý được soạn theo Giô-suê 1:1-9; 11:21-23, bạn có thể tham khảo hoặc dùng cho giờ học Kinh Thánh của Ban phụ nữ.

(1.1) Câu hỏi quan sát: Sau khi Môi-se chết, Đức Chúa Trời phán bảo Giô-suê điều gì?

(1.2) Câu hỏi giải nghĩa: Vì sao Đức Chúa Trời giao sứ mạng lớn lao cho Giô-suê?

(1.3) Câu hỏi áp dụng: Bạn được Đức Chúa Trời giao cho công việc gì? Bạn cảm thấy thế nào?

(2.1) Đức Chúa Trời hứa điều gì với Giô-suê?

(2.2) Lời hứa ấy có ý nghĩa gì?

(2.3) Trong đời sống hầu việc Chúa, điều nào thêm cho bạn sức mạnh?

(3.1) Đọc (Giô-suê 11:21-23) cho biết Giô-suê làm được việc gì?

(3.2) Vì sao Giô-suê làm được những việc lớn dường ấy?

(3.3) Bạn đạt được kết quả nào trong sự hầu việc Chúa? Xin cho biết điều gì giúp bạn đạt được hoặc ngăn trở bạn chưa đạt được?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. GIỚI THIỆU.

Nhân vật quan trọng thứ nhì sau Môi-se là Giô-suê.

Giô-suê một tướng lãnh thắng trận trong cuộc chiến với dân A-ma-léc đến quấy phá Y-sơ-ra-ên trên hành trình về đất hứa. Bốn mươi năm trong đồng vắng, Giô-suê trung thành luôn ở bên cạnh Môi-se, Môi-se qua đời. Đức Chúa Trời giao cho Giô-suê ông ba công tác quan trọng: (1) Dẫn dân sự vào đất hứa. (2) Chiếm xứ. (3) Chia đất cho dân sự.

Trở ngại đầu tiên họ gặp là phải vượt qua sông Giô-đanh. Đức Chúa Trời đã làm một phép lạ, khi các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước đi trước vừa đạp chân trên mé nước thì dòng sông rẽ đôi làm thành con đường (Giô-suê 3).

Kế tiếp là chiếm xứ. Giê-ri-cô là một thành lũy kiên cố nhất cần phải triệt hạ. Giô-suê đã dẫn đạo binh Y-sơ-ra-ên vào chiến thắng đầu tiên không bằng sức mạnh quân sự, nhưng bằng sự vâng lịnh Chúa đi vòng quanh thành trong bảy ngày. Thành Giê-ri-cô sụp đổ, Giô-suê dẫn quân tiến đánh A-hi. Từ đó, Giô-suê chinh phục các vua miền nam, rồi đến các vua miền bắc. Kết cuộc Giô-suê đánh bại ba mươi mốt vua, và chiếm cả Ca-na-an (Giô-suê 11:6-12).

Giô-suê chia đất cho dân sự. Dân Y-sơ-ra-ên vâng lịnh Đức Chúa Trời cấp cho Giô-suê một phần đất ở giữa mình. Giô-suê qua đời khoảng năm 1365 T.C, vào lúc 110 tuổi và được chôn trong thành.

  1. SUY GẪM.
  2. Đời sống tin kính Chúa của Giô-suê.
  3. Tin cậy Chúa: Giô-suê mạnh mẽ bày tỏ đức tin của mình, và khuyên dân sự chớ sợ hãi nhưng hãy tiến lên chiếm xứ (Dân 13,14).
  4. Vâng lời Chúa: Giô-suê kính sợ Chúa, vâng giữ các mạng lịnh và điều răn của Ngài.
  5. Trung thành phục vụ Chúa: Giô-suê đã dâng cho Chúa suốt cả cuộc đời và hầu việc Ngài với cả tấm lòng yêu mến, tận tụy (Giô-suê 24).
  6. Giô-suê với sứ mạng Chúa gọi.

– Cầm quân đánh trận với A-ma-léc.

– Làm thám tử do thám Ca-na-an (Xuất 17:8-12; Dân 13:8, 16, 17).

– Làm hầu cận của Môi-se.

Đức Chúa Trời gọi Giô-suê vào sứ mạng tướng lãnh Y-sơ-ra-ên, ủy thác cho Giô-suê ba công tác quan trọng: (1) Dẫn đưa dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa. (2) Chiếm xứ. (3) Chia xứ cho dân sự.

Đức Chúa Trời hứa ở cùng Giô-suê, ban cho mọi sự hanh thông nếu Giô-suê hết lòng vâng giữ điều răn và mạng lịnh Chúa đã truyền cho Môi-se.

III. ỨNG DỤNG CHO ĐỜI SỐNG.

– Đời sống tận tụy phục vụ Chúa của Giô-suê nhắc nhở đức tính người hầu việc Chúa là trung tín. Chẳng những trung tín trong việc lớn, nhưng cũng phải trung tín trong công việc nhỏ.

– Trong sứ mạng của người tướng lãnh chinh phục xứ và chia đất cho dân sự, nếu chưa có đời sống đắc thắng trong Đấng Christ, không thể trở thành nguồn phước cho người khác.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 14.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 14.04.2024

in NAM GIỚI on 9 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 14.04.2024

  1. Đề tài: MỐI QUAN HỆ THỰC HỮU, CÁ NHÂN, THỰC TIỄN.
  2. Kinh Thánh: Giê-rê-mi 31:3; Sáng 16:1-13; Giăng 15:16,19; Mác 6:7-13; Công 12:1-17.
  3. Câu Gốc: “Ta đã dùng dây nhân tình, dùng xích yêu thương kéo chúng nó đến. Ta đã như những kẻ cởi ách khỏi hàm chúng nó, và để đồ ăn trước mặt chúng nó” (Ô-sê 11:4).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 43-45.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 17.03.2024.

Đề tài 1: Mối quan hệ giữa con người với Đức Chúa Trời là không thực hữu.

Đề tài 2: Mối quan hệ giữa con người với Đức Chúa Trời là thực tế và cá nhân.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Diễn giải.

Đức Chúa Trời luôn luôn khởi xướng trước trong mối quan hệ yêu thương này. Chúa phải khởi xướng và đến với chúng ta, thì chúng ta mới kinh nghiệm được Ngài. Đây là lời chứng của toàn Kinh Thánh. Chúa đã đến với A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen. Ngài đã thông công với họ và họ với Chúa trong tình yêu thương. Chúa đến với Nô-ê, Áp-ra-ham, Môi-se, và các tiên tri. Điều này cũng đúng trong Tân ước nữa. Chúa Giê-xu đã đến với các môn đồ, chọn họ ở với Ngài và kinh nghiệm tình yêu của Ngài. Ngài đến với Phao-lô trên con đường Đa-mách. Trong tình trạng con người tự nhiên của chúng ta, chúng ta không tự mình chủ động tìm kiếm Ngài trước.

  1. ĐỨC CHÚA TRỜI KHỞI XƯỚNG.

Tội lỗi ảnh hưởng trên chúng ta đến nỗi không ai tự chủ động tìm kiếm Chúa (Rô-ma 3:10-12). Do đó, Chúa đã khởi xướng mối quan hệ yêu thương của Ngài với chúng ta trước. Đây chính là điều Ngài đã làm: “Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến” (Giê-rê-mi 31:3; Ô-sê 11:4).

Tình yêu mà Chúa tập trung vào đời sống bạn là tình yêu đời đời. Bởi tình yêu đó mà Chúa đã kéo bạn đến với chính Ngài, dù bạn vẫn chưa tiếp nhận tình yêu đó. Khi bạn vẫn còn thù nghịch với Chúa, thì Đức Chúa Trời đã ban Con Ngài chết thay bạn. Muốn neo chắc kinh nghiệm và biết ý muốn Chúa, bạn phải tin tuyệt đối nơi tình yêu Chúa dành cho bạn.

Chúa đã đến với Sau-lơ, về sau gọi là Phao-lô (Công vụ 9:1-19). Trong lúc Sau-lơ đang thực sự chống Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, nhưng Ngàiđã đến với Sau-lơ (Phao-lô) và bày tỏ những ý định đầy tình yêu của Đức Chúa Cha dành cho ông. Chúa Giê-xu phán với những môn đồ Ngài: “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn Ta, bèn là Ta đã chọn và lập các ngươi…. các ngươi không thuộc về thế gian và Ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian” (Giăng 15:16,19). Điều này cũng đúng trong đời sống chúng ta. Chúng ta không chọn Chúa. Chúa chọn chúng ta, yêu chúng ta, và bày tỏ những ý định đời đời của Ngài cho đời sống chúng ta.

Nếu Đức Chúa Trời không chủ động trước, chúng ta sẽ không bao giờ kinh nghiệm được tình yêu của Ngài, ở trong Ngài và biết Ngài.

  1. MỐI QUAN HỆ THỰC HỮU, CÁ NHÂN, THỰC TIỄN.
  2. Mối quan hệ Chúa muốn có với bạn sẽ là mối quan hệ thực tế và cá nhân.

Có người hỏi: “Liệu người ta có thể thực sự có một mối quan hệ thực tế, cá nhân và thực tiễn với Đức Chúa Trời không?” Họ dường như nghĩ Chúa ở rất xa và không quan tâm đến nếp sống hằng ngày của họ. Đó không phải là Đức Chúa Trời chúng ta thấy trong Kinh Thánh đâu.

Từ Sáng Thế ký đến Khải Huyền, chúng ta thấy Đức Chúa Trời quan hệ với dân sự bằng những cách cá nhân, mật thiết và thực tế. Chúa đã tương giao mật thiết với A-đam và Ê-va, đồng đi với họ trong vườn vào buổi xế chiều. Đức Chúa Trời đã đi theo họ để khôi phục mối quan hệ yêu thương. Ngài đã đáp ứng nhu cầu rất thực tiễn bằng cách ban áo che phủ sự lõa lồ của họ (Sáng 3:10-11, 21).

A-ga đã bị Sa-rai lợi dụng, ngược đãi, và xử tệ. A-ga chạy trốn để cứu mạng. Khi cạn kiệt mọi nguồn cung ứngkhông còn biết trông mong vào đâu, khi mọi hy vọng đã tàn thì Đức Chúa Trời đến với nàng. Trong mối quan hệ với Chúa, nàng biết Ngài nhìn thấy mình, biết nhu cầu và trìu mến chu cấp cho nàng (Sáng 16:1-13). Chúa quan tâm đến mỗi cá nhân.

Các môn đồ cũng có mối quan hệ thực tế, cá nhân, và thực tiễn với Chúa Giê-xu – tức Con Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã chọn họ để họ được ở với Ngài. Có được mối quan hệ mật thiết như thế với Chúa Giê-xu quả sung sướng biết bao! Khi họ được giao một công tác rất khó khăn, Ngài không sai họ mà không giúp đỡ. Chúa đã ban cho họ uy quyền trên các tà linh mà trước đó họ chưa hề biết (Mác 6:7-13).

Tình yêu thương phải thực tế và cá nhân. Người ta không thể yêu nếu không có “ai đó” để yêu. Mối quan hệ yêu thương với Đức Chúa Trời xảy ra giữa hai hữu thể thực tế. Đấy luôn luôn là khao khát của Ngài. Ngài là Thân Vị tuôn đổ sự sống Ngài vào đời sống bạn. Nếu vì lý do nào đó không nhận ra mối quan hệ giữa bạn với Chúa cách thực tế, cá nhân, và thực tiễn, bạn cần dành thì giờ đánh giá lại mối quan hệ giữa mình với Ngài. Hãy ra mắt Chúa trong sự cầu nguyện xin Ngài bày tỏ bản chất thật của mối quan hệ giữa bạn với Ngài. Hãy cầu xin Ngài đưa bạn vào mối quan hệ ấy.

  1. Sự hiện diện và công việc của Chúa trong đời sống bạn rất thực tiễn.

Đức Chúa Trời chúng ta là một Đức Chúa Trời rất thực tiễn. Ngài đã thực hữu trong Kinh Thánh. Hôm nay Ngài vẫn thực hữu y nguyên như vậy. Lúc ban ma-na, chim cút và nước cho con cái Y-sơ-ra-ên, cũng như khi Chúa Giê-xu hóa bánh nuôi 5000 người, Ngài đã rất thực tiễn với con người chúng ta.

Sự hiện diện liên tục của Chúa là phần thực tiễn nhất trong đời sống và chức vụ của bạn. Buồn thay, chúng ta thường giao cho Chúa một chỗ rất hạn hẹp trong đời sống mình. Sau đó chúng ta kêu cầu Ngài mỗi khi cần được giúp. Điều đó hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta tìm được trong Lời Chúa. Ngài chính là Đấng đang hành động trong thế giới chúng ta. Toàn bộ kế hoạch để Ngài mở mang Nước Trời tùy thuộc vào việc Ngài hành động bằng những cách thực tế và thực tiễn qua mối quan hệ với dân sự Ngài.

Đức Chúa Trời có thể tạo ra sự khác biệt thực tiễn trong những mối quan hệ của bạn giữa gia đình, Hội Thánh, và với người khác. Bạn có thể gặp gỡ Đức Chúa Trời cách thực tiễn đến nỗi bạn biết mình đang kinh nghiệm Ngài.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Đọc Rô-ma 3:10-12 rồi trả lời các câu hỏi sau:
  2. Có bao nhiêu người tự có sự công nghĩa?
  3. Có bao nhiêu người tự hiểu được những vấn đề thuộc linh?
  4. Có bao nhiêu người tự tìm kiếm Đức Chúa Trời?
  5. Có bao nhiêu người tự làm lành?
  6. 2. Bạn có hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời rất thực tế, cá nhân và thực tiễn trong thời nay không? Vì sao bạn tin như thế?
  7. 3. Khi nói Đức Chúa Trời rất thực tế và cá nhân, bạn đã trải nghiệm điều này như thế nào trong mối quan hệ của bạn với Ngài?