CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 08.05.2022
By Lee Vi in Thanh niên on 6 Tháng Năm, 2022
Chúa nhật 08.05.2022
- Đề tài: LỄ MẪU THÂN.
- Kinh Thánh: Xuất 20:12, Êph 6:2-3, Châm 1:8, 6:20.
- Câu gốc: “Hỡi con, hãy giữ lời răn bảo của cha, chớ lìa bỏ các phép tắc của mẹ con” (Châm 6:20).
- Đố Kinh Thánh: Đố Theo Chủ Đề.
- Thể loại: Tâm tình.
* CHỈ DẪN: Tâm tình.
- Mời tất cả các bà mẹ của ban viên đến tham dự buổi nhóm.
- Mời một số bà mẹ tâm tình về niềm vui, sự hy vọng, sự trưởng thành gởi gắm nơi những đứa con thân yêu của mình, những sự ray rứt, dày vò khi thấy đứa con không vâng lời, những trăn trở khi thấy con mình khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật… để cho các ban viên thông cảm được vai trò của người mẹ trong gia đình.
- Mời một số người con – ban viên – nói lên cảm tưởng đối với mẹ.
- Mời một ban viên cầu nguyện xin Chúa ban phước cho các bà mẹ. Và một bà mẹ cầu nguyện xin Chúa ban phước cho các ban viên.
- Sau giờ thờ phượng nên có buổi thông công (những người con nấu vài món ăn để chiêu đãi các bà mẹ).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
BIẾT ƠN MẸ
Mẹ chính là món quà yêu quý nhất của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Chúng ta không có cách nào để có thể đáp đền đầy đủ những gì mẹ đã làm cho mình. Cho nên Ngày Nhớ Ơn mẹ là dịp tốt nhất để nói lên lòng tri ân của mình đối với mẹ, thưa với mẹ rằng con yêu mẹ, với cả tâm tình quan tâm chăm sóc mẹ, với cả lòng tôn kính mẹ.
Một trong những nghiêm lệnh của Đức Chúa Trời truyền đến loài người là tôn trọng và hiếu kính mẹ cha: “Phải hiếu kính cha mẹ, như vậy ngươi mới được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất 20:12).
Triết gia Paul đã lập lại nghiêm lệnh nầy “Phải hiếu kính cha mẹ” là điều răn đầu tiên có kèm theo lời hứa: “nhờ đó con mới được phúc và sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6:2-3). Người nào nói mình hiếu kính mẹ, tôn trọng mẹ mà không dành thời gian gần gũi, tâm tình với mẹ thì người ấy chưa làm trọn phận sự của mình với mẹ.
Hiếu kính ở đây trong ngôn ngữ Hy-lạp là “tôn trọng”, là “dành thời gian”. Thì giờ dành cho mẹ là món quà tốt nhất, quý nhất, là điều mẹ ưa thích nhất!
Chẳng những phận làm con, chúng ta phải tỏ lòng hiếu kính với mẹ bằng cách dành thì giờ để gần gũi, trò chuyện với mẹ cha, chúng ta còn phải phụng dưỡng mẹ cha mình.
Một trong những lời khiển trách của Chúa Cứu Thế Giê-xu đối với những nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái vì họ đã bỏ bê, không phụng dưỡng mẹ cha bằng cách viện cớ là phải phục vụ Đức Chúa Trời: “Các ngươi vâng giữ tục lệ của loài người, mà bỏ qua mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Các ngươi khéo léo chối bỏ luật Đức Chúa Trời để giữ tục lệ của các ngươi!” Chẳng hạn khi Môi-se dạy: “Phải hiếu kính cha mẹ” và “Ai nguyền rủa cha mẹ phải bị xử tử”. Nhưng các ngươi bảo: “nếu người nào lấy tiền phụng dưỡng cha mẹ, dâng cho đền thờ, người đó khỏi phụng dưỡng cha mẹ. Vậy tục lệ của các ngươi đã xóa bỏ mệnh lệnh trực tiếp của Đức Chúa Trời. Các ngươi còn làm nhiều điều khác cũng sai quấy như thế!” (Mác 7:8-13).
Qua lời khiển trách nầy, ta thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu đưa ra một thí dụ điển hình về những gì mà các nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái thời ấy đã vi phạm. Luật pháp Môi-se dạy rằng họ phải hiếu kính cha mẹ mình, nhưng trong lời truyền khẩu của họ thì lại cho phép họ trốn tránh trách nhiệm với cha mẹ. Nếu một người không muốn giúp đỡ cha mẹ khi già yếu cần đến, người đó dâng tài sản của mình cho thầy tế lễ trong đền thờ và gọi đó là một “món quà.” Và khi người này chết tài sản ấy sẽ hiến cho đền thờ. Như vậy người ấy không còn trách nhiệm với cha mẹ. Chúa Giê-xu chỉ cho họ thấy rằng lời truyền khẩu này đối nghịch lại với lệnh truyền của Đức Chúa Trời là phải “tôn kính và hiếu thảo cha mẹ”.
Lòng tôn kính hiếu thảo của chúng ta cũng được thể hiện qua sự lắng nghe lời dạy khuyên của mẹ. Hai lần Kinh Thánh nhắc đến điều nầy trong Châm ngôn 1:8 và 6:20 “Con ơi, phải nghe lời cha khuyên dạy, đừng bỏ khuôn phép của mẹ con”.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thấy có những ông cha vui mừng, hãnh diện khoe với mọi người về cậu con trai thành công, ngoan hiền của mình. Nhưng nếu thấy con mình bê bối, thất bại, người cha lại lặng thinh, trong khi người mẹ thì khác, bà rất buồn về tình trạng bê bối, xấu xa của con trai mình.
Thưa quý vị, đành rằng không phải lời dạy của mẹ lúc nào cũng đúng, nhưng ít ra cũng nói đến tình yêu và sự quan tâm của mẹ đối với ta. Đây chính là một mối quan hệ rất quan trọng trong gia đình. Có rất nhiều người xuất thân từ gia đình cha mẹ tin kính nhờ đọc và làm theo lời khuyên dạy này. Con cái được dạy bởi cha mẹ, sau khi lớn lên, những lời dạy đó sẽ không bị xóa nhòa trong tâm khảm của con. Nhất là cha mẹ đã dạy con cái mình những điều tốt lành về Đức Chúa Trời.
Thưa quý vị, mỗi lần nghĩ đến tình mẹ có bao giờ chúng ta nghĩ đến tình yêu của Đức Chúa Trời. Dầu Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Cha Thiên Thượng nhưng lòng Ngài thật bao la. Ngài ví lòng của Ngài như lòng của người mẹ: “Hãy vui thích nơi Giê-ru-sa-lem và thưởng thức vinh quang nó như đứa con vui thích và thưởng thức sữa mẹ. Giê-ru-sa-lem sẽ an nhiên thịnh vượng như dòng sông tuôn tràn; Ta sẽ thực hiện điều đó,” Chúa Hằng Hữu phán vậy. “Của cải châu báu của các dân tộc nước ngoài sẽ đổ về đây. Đàn con nó sẽ được bú mớm nâng niu, được cõng trên lưng, được ngồi chơi đong đưa trên đầu gối mẹ. Ta sẽ an ủi các ngươi như mẹ an ủi con thơ” (Ê-sai 66:11-13). Tấm lòng của Đức Chúa Trời qua Lời phán của Ngài cho ta thấy:
(1) Chúa an ủi, vỗ về ta qua sự hiện diện của Ngài. Quý vị thử tưởng tượng một căn nhà thiếu mẹ, vắng bóng mẹ hiền là thiếu vắng tình yêu, sự vỗ về, phục vụ. Và điều tệ hại hơn cho nhà nào thiếu vắng Đức Chúa Trời. Thật ra Đức Chúa Trời không ở xa chúng ta. Ngài lúc nào cũng ở bên cạnh để an ủi, vỗ về, và chăm sóc ta. Chính vì quá yêu thương và giải cứu loài người chúng ta khỏi tội lỗi và hỏa ngục, mà hai ngàn năm trước Ngôi Hai Đức Chúa Trời là Chúa Cứu Thế Giê-xu đã giáng thế, Ngài hy sinh mạng sống trên cây thập tự thế tội cho chúng ta. Một khi tiếp nhận Chúa Giê-xu vào đời sống, chúng ta sẽ được Ngài ngự trị trong tâm hồn và kề cận với ta trong mọi phút giây của đời sống.
(2) Chúa an ủi, vỗ về ta qua Thánh Kinh là Lời của Ngài: Có bao giờ quý vị nghe nói rằng cô giáo đầu đời của trẻ thơ chính là mẹ của bé: Người mẹ đã dạy những bài học vỡ lòng, từ lúc mới sanh cho đến lúc tập tễnh bước đi và tiếp tục dạy con bước vào đời:
Con ơi nên nhớ điều nầy
Học ăn học nói cho tầy người ta.
Đừng nên theo thói điêu ngoa
Khôn ngoan cân nhắc nhân từ yêu thương.
Lúc nào cũng nghĩ đến người
Kính trên nhường dưới ơn Trời chớ quên.
Khi đến với Chúa, trong những ngày đầu, chúng ta được Chúa dạy mình qua lời Thánh Kinh; đến lúc trưởng thành và suốt cả cuộc đời nhờ Thánh Kinh làm đèn soi tiến bước.
Chủ bút của tờ báo nổi tiếng “Luân Đôn Thời Báo” đã gởi 100 bức thư cho các giáo sư đại học, các chủ nhiệm, các thương gia và những chuyên gia. Nội dung của bức thư là “Giả như bạn bị cầm tù trong suốt 3 năm, người ta cho phép bạn đem theo ba quyển sách, bạn sẽ chọn 3 quyển sách nào. Xin hãy nói rõ tầm quan trọng của những quyến sách đó. Sau đó chủ bút nầy nhận các thư hồi âm với kết quả 98% câu trả lời là họ chọn quyển Thánh Kinh. Điều đáng chú ý trong 100 người được thăm dò đó ít có người sùng đạo, trong số họ có vài người vô thần và những người theo phái bất khả tri! Sau khi tìm hiểu lý do, chủ bút tờ báo nầy khám phá ra rằng ngoài quyển Thánh Kinh ra không có quyển sách nào đem lại hy vọng và niềm an ủi lớn lao cho những người ở trong cảnh tối tăm tuyệt vọng, tại chốn ngục tù”.
(3) Chúa an ủi, vỗ về ta qua sự yên lặng của Ngài: Một nhân vật trong Kinh Thánh giữa cơn khốn khó, hoạn nạn đã cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, dẫu Ngài yên lặng không nói lời nào, người dâng lên Chúa cả lòng biết ơn: “Chúa dạy con biết con đường sự sống, Chúa hiện diện là niềm vui tuyệt đỉnh. Gần bên Chúa là thích thú muôn đời” (Thi Thiên 16:11).
Nhân Ngày Nhớ Ơn Mẹ, rất mong mỗi chúng ta bày tỏ lòng hiếu thảo với mẹ mình qua lời nói, hành động, chăm sóc, quan tâm. Những ai mất mẹ cũng được sự an ủi vì Đức Chúa Trời chẳng những là Cha Thiên thượng, Ngài sáng tạo, yêu thương, chu cấp mọi sự cho ta, lòng của Ngài hơn cả người mẹ, lúc nào cũng gần gũi, yên ủi, vỗ về ta, và đỉnh điểm của tình thương ấy là sự hy sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, chết thế tội ta.
Rất mong quý vị dâng lòng mình cho Chúa, chân thành mời Chúa ngự trị quản cai đời sống mình.
Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang