CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 21.7.2019
By Lee Vi in Thanh niên on 21 Tháng Bảy, 2019
Chúa nhật 21.7.2019.
- Đề tài: PHƯỚC HẠNH CỦA THỜI ĐẠI ÂN ĐIỂN.
- Kinh Thánh: Ga-la-ti 3:26 – 4:7.
- Câu gốc: “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp” (Ga-la-ti 4:4-5a).
- Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 31-35.
- Thể loại: Phỏng vấn.
* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.
- Chọn hai người: Một người đóng vai Phao-lô và một người đóng vai thanh niên thời nay.
- Dựa theo tài liệu tham khảo và Ga-la-ti 3:26 – 4:27 để soạn ra nhiều câu hỏi và câu trả lời để cho hai diễn viên đọc trước. Một buổi phỏng vấn hay khi có nhiều câu hỏi gây hứng thú và người được phỏng vấn trả lời thật ngắn, nhưng đầy đủ ý nghĩa.
* Phao-lô đừng thuật lại tất cả mọi việc trong cùng một lúc, nhưng thuật lại từng chi tiết, rồi ngừng lại chờ câu hỏi. Như thế buổi phỏng vấn sẽ hấp dẫn hơn.
* Phao-lô sẽ đúc kết và cầu nguyện.
* PHỎNG VẤN.
– Giới thiệu: Sự hiện đến của Chúa Giê-xu đã chấm dứt thời đại luật pháp và mở đầu cho thời đại mới, thời đại của ân điển. Đức Chúa Trời đã thực hiện chương trình cứu rỗi trong Chúa Giê-xu Christ như thế nào? Và trong ân điển, chúng ta nhận được những phước hạnh nào? Xin mời các bạn theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây của chúng tôi với cụ Phao-lô.
* Pv: Xin chào cụ Phao-lô.
– Phao-lô: Xin chào các cháu.
* Pv: Hôm nay các cháu đang học Kinh Thánh với chủ đề: Vào Thời Ân Điển. Các cháu rất vui được gặp cụ để xin hỏi một vài câu về đề tài nầy.
– Phao-lô: Ta sẵn sàng, các cháu cứ hỏi.
* Pv: Thưa cụ, ân điển là gì?
– Phao-lô: Ân điển là những đặc ân Chúa ban cho những người không đáng hưởng.
* Pv: Xin cụ cho biết thời kỳ ân điển nầy bắt đầu từ lúc nào?
– Phao-lô: Thời kỳ ân điển bắt đầu khi Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá, trả xong sự đòi hỏi của luật pháp công bình của Đức Chúa Trời.
* Pv: Là con cháu của A-đam, chúng cháu ở trong gia đình tội lỗi của tổ phụ. Nhưng trong thời kỳ ân điển, chúng cháu còn ở trong gia đình đó không?
– Phao-lô: Trong thời kỳ ân điển, người tin Chúa không còn ở trong gia đình của A-đam tội lỗi, nhưng bước vào gia đình mới, gia đình của Chúa Giê-xu (Mác 3:34-35). Gia đình đó còn gọi là Hội Thánh, một cộng đoàn gồm những người được kêu gọi và sinh lại bởi Thánh Linh để biệt riêng ra cho Chúa (Giăng 1:12-13).
* Pv: Nhưng làm thế nào để loài người có thể bước vào Hội Thánh, là gia đình mới trong Đấng Christ?
– Phao-lô: Chìa khóa để được nhận vào gia đình mới là đức tin: “Vì chưng bởi tin Đức Chúa Giê-xu Christ, anh em hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời” (c.26).
* Pv: Theo bức thư của cụ viết cho người Ga-la-ti 3:27: “Anh em thảy đều chịu báp-tem trong Đấng Christ”. Những chữ “chịu báp-tem trong Đấng Christ” chỉ về điều gì, thưa cụ?
– Phao-lô: “Chịu báp-tem trong Đấng Christ” chỉ về báp-tem bằng Đức Thánh Linh.
* Pv: Thế còn phép báp-tem bằng nước của người đã tin Chúa là thế nào?
– Phao-lô: Phép báp-tem bằng nước của người đã tin Chúa là dấu hiệu bên ngoài, xác chứng cho đức tin bên trong, một sự bày tỏ vinh hiển về sự đồng chết, đồng chôn và đồng sống lại với Chúa Giê-xu, và đó cũng là sự công bố đức tin của người quyết định gia nhập vào Hội Thánh Đấng Christ.
* Pv: Như vậy, báp-tem bằng Thánh Linh có dư thừa không, thưa cụ?
– Phao-lô: Báp-tem bằng Thánh Linh chẳng những không dư thừa mà còn là công việc để Đức Thánh Linh đem kẻ tin vào trong sự liên hiệp với Đấng Christ, và trong Thân Thể của Chúa tức là Hội Thánh phổ thông hay Hội Thánh vô hình của Ngài (1Cô-rinh-tô 12:12-13; Ê-phê-sô 4:15-16).
* Pv: Trong sự liên hiệp với Thân Thể Đấng Christ, tất cả mọi người có cùng niềm tin được ích lợi gì?
– Phao-lô: Trong sự liên hiệp với Thân Thể Đấng Christ, tất cả mọi người có cùng niềm tin được thông công với Chúa và thông công với nhau trong tình anh em.
* Pv: Thưa cụ, những chữ “mặc lấy Đấng Christ” trong câu 27 có nghĩa như thế nào?
– Phao-lô: Bởi sự liên hiệp sống động với Đấng Christ mà người tin Chúa Giê-xu được mặc lấy tâm tánh của Ngài, đó là bông trái của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22) để được trở nên giống Chúa trong sự thánh sạch và yêu thương.
* Pv: Xin cụ cho biết những đặc tính của người thuộc về Hội Thánh của Đấng Christ?
– Phao-lô: Mời một thanh niên đọc thư Ga-la-ti 3:26-27…
Có ba đặc tính của người thuộc về gia đình của Chúa.
* Thứ nhất: Bởi đức tin trong Đấng Christ, chúng ta được trở nên con cái Đức Chúa Trời.
* Thứ hai: Bởi phép báp-tem trong Đấng Christ, chúng ta được thuộc vào gia đình Ngài.
* Thứ ba: Bởi sự mặc lấy Đấng Christ, chúng ta trở nên giống như Ngài.
* Pv: Thưa cụ, người thuộc về Đấng Christ được thừa hưởng những đặc ân nào?
– Phao-lô: Có chứ! Để ta đếm thử coi. Nầy nhé,
Một là: Được làm con cái Đức Chúa Trời (c.26).
Hai là: Được bình đẳng trong gia đình của Chúa (c.28).
Ba là: Được trở nên kẻ kế tự theo lời hứa (c.29).
* Pv: Như vậy, có phải ba đặc ân mà cụ vừa nói đó là sự tự do lý tưởng của người tin Chúa không?
– Phao-lô: Đúng vậy, cháu ạ! Ba đặc ân trên đã diễn tả trọn vẹn lý tưởng tự do của người tin theo Đấng Christ. Đó là, thứ nhất, tự do trong sự tương giao với Đức Chúa Trời: Từ khi A-đam sa ngã, con đường đến cùng Đức Chúa Trời đã bị đóng chặt (Sáng thế ký 3:24). Nhưng trong Chúa Giê-xu, chúng ta tìm lại được mối thông công với Đức Chúa Trời (Giăng 14:4; Hê-bơ-rơ 4:16; Ga-la-ti 4:6).
* Pv: Thưa cụ, đặc ân thứ hai là gì?
– Phao-lô: Đặc ân thứ hai là tự do trong sự yêu thương và công bằng: Tại thập giá của Chúa Giê-xu, những phân biệt, ghen ghét của con người bị phá hủy (Ê-phê-sô 2:13-16). Trong tình yêu thương của Ngài, tất cả đều được tiếp nhận bình đẳng và được tự do thông công với nhau trong tình anh em mà không bị ngăn cách bởi màu da, chủng tộc, hay phái tính.
* PV: Đặc ân thứ hai quá tuyệt vì ban cho chúng ta tình yêu và sự công bình khi sống giữa thế gian không có tình yêu lẫn sự công bình. Như thế, đặc ân thứ ba Chúa ban cho chúng ta cũng rất tuyệt, phải không, thưa cụ?
– Phao-lô: Đúng rồi, đặc ân thứ ba Chúa ban cho chúng ta là được tự do hưởng phước. Với địa vị của người con kế tự theo lời hứa, chúng ta được quyền dự phần với Chúa Giê-xu Christ trong sự vinh hiển Ngài, là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm Vua của muôn vua, và kế tự muôn vật (Hê-bơ-rơ 1:2).
* Pv: Cảm ơn Chúa, Ngài đã ban cho chúng ta những đặc ân và sự tự do tuyệt vời! Xin cụ làm ơn cho chúng cháu biết tiếp: Chương trình cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời bắt đầu từ lúc nào?
– Phao-lô: Chương trình đó bắt đầu từ buổi sáng thế – ngay sau khi tổ phụ của loài người phạm tội.
* Pv: Xin cụ cho biết chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời được thực hiện như thế nào?
– Phao-lô: Chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời được thực hiện qua 2 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn thực hiện.
* Pv: Thưa cụ, có phải giai đoạn chuẩn bị nằm trong thời đại luật pháp và giai đoạn thực hiện là thời đại ân điển không?
– Phao-lô: Đúng vậy.
* Pv: Có phải luật pháp đem đến cho con người sự tự do không, thưa cụ?
– Phao-lô: Chẳng hề như vậy, vì luật pháp là kẻ canh giữ con người cho đến kỳ Đức Chúa Trời đã định, để họ sẵn sàng đón nhận sự cứu rỗi trong thời kỳ ân điển và lúc đó con người mới hưởng được sự tự do.
* Pv: Thưa cụ, Đức Chúa Trời đã dùng phương cách nào để giải phóng con người thoát khỏi sự canh giữ của luật pháp?
– Phao-lô: Đúng kỳ hạn, Đức Chúa Trời sai Con Ngài bởi người nữ sanh ra dưới luật pháp và Con ấy trả giá cho sự đòi hỏi của luật pháp trên thập tự giá, vì không đổ huyết thì không có sự tha thứ (Hêb 9:22).
* Pv: Thưa cụ, con người được hưởng những phước hạnh gì khi nhận sự cứu rỗi?
– Phao-lô: Những phước hạnh đó là: Trở nên con cái Đức Chúa Trời, được làm con nuôi của Ngài và được nhận lãnh sự ban cho của Đức Thánh Linh.
* Pv: Thưa cụ, thế nào là “con cái của Đức Chúa Trời” và thế nào là “con nuôi” của Ngài?
– Phao-lô: Chữ “con nuôi” chỉ về tình trạng trưởng thành của đứa trẻ, nghĩa là từ địa vị “tôi mọi” đến địa vị người con được quyền kế tự. Như vậy, chữ con nuôi Phao-lô dùng ở đây nhấn mạnh địa vị và quyền lợi của người làm con của Chúa; trong khi chữ “con cái Đức Chúa Trời” dùng để nhấn mạnh về mối liên hệ của kẻ tin với Ngài.
* Pv: Xin cụ có lời khuyên để giúp chúng cháu không sống theo các lề thói của đời nầy, nhưng sống trọn vẹn trong ân điển của sự tự do.
– Phao-lô: Các cháu ạ, không có phước hạnh nào lớn cho bằng người con lạc mất trong tội lỗi tìm lại được sự tự do trong gia đình với sự tiếp nhận tràn đầy tình thương của cha mình. Đây là điều Đức Chúa Trời đã ban cho loài người sa ngã qua sự cứu chuộc trong Đức Chúa Giê-xu Christ.
Các cháu đã được biết rất rõ giá trị của con người khi bằng lòng bước vào ân điển của Chúa rồi, thì các cháu phải sống một đời sống cho xứng đáng với ân điển của Chúa ban cho. Những ai còn sống dưới lề thói của thế gian và chưa đặt trọn niềm tin nơi Chúa, thì ngay hôm nay, hãy chạy đến với Ngài, vì sự tự do thật chỉ có trong Đấng Christ chớ không do sức người. Đó là quà tặng bởi ân điển của Đức Chúa Trời ban cho con người trên căn bản đức tin.
* Pv: Thay mặt cho các bạn, chúng cháu hết lòng cám ơn cụ.
– Phao-lô: Xin mời các cháu cùng đứng lên, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Linh thêm sức và ban ân điển của Ngài một cách dư dật cho mỗi người, hầu cho những bước chân đang lần mò đến những thú vui của trần gian, mê đắm trong tội lỗi được quay trở lại để sống dưới sự tự do của ân điển Ngài, không còn sống cuộc đời nô lệ cho tội lỗi nữa.
* Cầu nguyện.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Sự hiện đến của Chúa Giê-xu đã chấm dứt thời đại luật pháp và mở đầu cho thời đại mới, thời đại của ân điển. Trong Ga-la-ti 3:26-4:7, Phao-lô đã trình bày thế nào Đức Chúa Trời thực hiện chương trình cứu rỗi trong Chúa Giê-xu Christ và trong ân điển Ngài, chúng ta được những phước hạnh nào?
A. ĐƯỢC VÀO GIA ĐÌNH CỦA CHÚA (c.26-29).
Trong thời đại ân điển của Chúa Giê-xu, Ngài kêu gọi nhân loại bước vào gia đình mới của Ngài (Mác 3:34-35). Một gia đình không giống như gia đình A-đam là dòng dõi sanh ra theo khí huyết, nhưng gồm những người được sanh ra bởi Thánh Linh (Giăng 1:12-13). Và chìa khóa để được nhận vào gia đình mới này là đức tin: “Vì chưng bởi tin Đức Chúa Giê-xu Christ, anh em hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời” (c.26).
Theo câu 27, người trở nên con cái Đức Chúa Trời cũng được phép báp-tem trong Đấng Christ và mặc lấy Ngài. Những chữ “chịu báp-tem trong Đấng Christ” chỉ về báp-tem bằng Đức Thánh Linh. Phép báp-tem bằng nước của người đã tin Chúa là dấu hiệu bên ngoài xác chứng cho đức tin bên trong, một sự bày tỏ vinh hiển về sự sống lại của Chúa Giê-xu, và đó cũng là sự tuyên bố cách công khai của người quyết định gia nhập vào Hội Thánh Đấng Christ. Còn báp-tem bằng Thánh Linh là công việc của Đức Thánh Linh đem kẻ tin vào trong sự liên hiệp với Đấng Christ, và trong Thân Thể Chúa tức là Hội Thánh phổ thông hay Hội Thánh vô hình của Ngài (1Cô-rinh-tô 12:12-13; Ê-phê-sô 4:15-16). Trong sự liên hiệp với Thân Thể Đấng Christ, tất cả mọi người có cùng niềm tin được thông công với nhau trong tình anh em. Và bởi sự liên hiệp sống động với Đấng Christ mà người tin được mặc lấy tâm tánh của Chúa, đó là bông trái của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22) để được trở nên giống Chúa trong sự thánh sạch và yêu thương. Đây là đặc tính của người thuộc trong gia đình của Chúa. Tóm lại, từ câu 26-27, chúng ta biết:
- Bởi đức tin trong Đấng Christ, chúng ta được trở nên con cái Đức Chúa Trời.
- Bởi phép báp-tem trong Đấng Christ, chúng ta được thuộc vào gia đình Ngài.
- Bởi sự mặc lấy Đấng Christ, chúng trở nên giống Ngài. Ý nghĩa của chữ “mặc lấy” Phao-lô dùng trong câu 27 được tìm thấy trong phong tục mặc áo của thời đó. Khi đứa trẻ đến tuổi niên thiếu thì được mặc chiếc áo mới. Áo này tiêu biểu cho những đặc ân của người được dự phần vào bản chất và quyền lực của vị thần mà trẻ ấy tôn thờ.
Từ câu 26-29, Phao-lô nói đến ba đặc ân của người tin Chúa:
- Được làm con cái Đức Chúa Trời (c.26).
- Được bình đẳng trong gia đình của Chúa (c.28).
- Được trở nên kẻ kế tự theo lời hứa (c.29).
Ba đặc ân trên đã diễn tả trọn vẹn lý tưởng tự do của người trong Đấng Christ, đó là:
- Tự do trong sự tương giao với Đức Chúa Trời: Từ khi A-đam sa ngã, con đường đến cùng Đức Chúa Trời cũng đã bị đóng chặt (Sáng 3:24). Nhưng trong Chúa Giê-xu, chúng ta tìm lại được mối thông công với Đức Chúa Trời (Giăng 14:4; Hêb 4:16; Gal 4:6).
- Tự do trong sự yêu thương và công bằng: Tại thập giá của Chúa Giê-xu, những phân biệt, ghen ghét của con người bị phá hủy (Ê-phê-sô 2:13-16). Trong tình yêu thương của Chúa, tất cả đều được tiếp nhận bình đẳng và được tự do thông công với nhau trong tình anh em mà không bị ngăn cách bởi màu da, chủng tộc, hay sự tranh chấp phái tính.
- Tự do trong sự hưởng phước: Với địa vị của người con kế tự theo lời hứa, chúng ta được quyền dự phần với Chúa Giê-xu Christ trong sự vinh hiển Ngài, là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm Vua của muôn vua, và kế tự muôn vật (Hê-bơ-rơ 1:2).
B. ĐƯỢC HƯỞNG SỰ CỨU RỖI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
- Giai đoạn chuẩn bị (c.1-3): Thời đại luật pháp.
Từ câu 1-2, Phao-lô mô tả tình trạng người ở dưới luật pháp trong hình ảnh của đứa trẻ trong giai đoạn chuẩn bị để nhận cơ nghiệp. Dầu là con kế tự, nhưng lúc ấu thơ trẻ ấy phải được đặt dưới sự chăm sóc của người bảo hộ và coi sóc. Đó là những người coi sóc tài sản cho đến thời điểm người cha ấn định trao gia tài cho đứa trẻ. Cho nên thời gian ở dưới kẻ coi sóc, đứa trẻ chẳng khác nào là nô lệ, không hưởng được cơ nghiệp của mình. Cũng vậy, dưới sự canh giữ của luật pháp, con người phục dưới các lề thói của thế gian (c.3) không thể nào nếm trải được sự tự do trong Đấng Christ khi thời ân điển chưa đến. Chữ “lề thói” chỉ về những điều sơ học thấp kém như vần A, B, C. Ở đây Phao-lô ám chỉ về sự hiểu biết cạn cợt hư không của người đời theo hình thức bên ngoài, so với nguyên tắc thuộc linh sâu nhiệm bởi đức tin trong Đấng Christ
(Cô-lô-se 2:8,20). Vì vậy, thời luật pháp chỉ là bước dọn đường cho con người để đến sự tự do trong ân điển của Chúa.
- Giai đoạn thực hiện sự cứu rỗi: Thời ân điển.
(1) Thời điểm: Những chữ “kỳ hạn đã được trọn…” (c.4) chỉ về thì giờ được ấn định theo chương trình của Đức Chúa Trời. Điều này tỏ rằng sự cứu rỗi loài người không phải là công việc bất ngờ, nhưng đã được Đức Chúa Trời dự định từ trước buổi sáng thế (1Phi-e-rơ 1:19-20), và được thể hiện qua từng giai đoạn theo đúng thời điểm của nó. Điều đó tỏ rằng Chúa là Đấng cầm quyền tể trị mọi biến cố lịch sử của loài người khiến mọi sự xảy ra theo như ý Ngài. Gọi là “được trọn” vì đó là thời điểm đúng lúc cho sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Kinh Thánh về sự hiện đến của Đấng Mê-si; và tình trạng của thế giới lúc bấy giờ cũng đúng lúc cho sự vào đời của Chúa Cứu Thế. Trong khi Do Thái giáo bại hoại đến tột điểm như trong lời Chúa Giê-xu quở trách người Pha-ri-si (Ma-thi-ơ 23) và sự suy đồi đạo đức trong đế quốc La-mã với những tập tục mê tín dị đoan, đưa con người lún sâu vào bóng tối tuyệt vọng, thì Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến đúng lúc mà nhân loại đang mong đợi (Công vụ 4:12).
(2) Phương cách cứu rỗi: Trong câu 5 chúng ta học biết những điều quan trọng về sự cứu rỗi:
– Đấng Cứu chuộc chúng ta là Thần Nhân. Nghĩa là trong Đức Chúa Giê-xu Christ có hai bản tánh trọn vẹn: Thần tánh và nhân tánh.
– Về mặt nhân tánh, Chúa Giê-xu Christ đã trở thành người do trinh nữ Ma-ri (Ma-thi-ơ 1:18-23). Chúa sanh ra dưới luật pháp nhằm mục đích chuộc người dưới luật pháp. Về mặt thần tánh, Chúa là Đức Chúa Trời nên đã đắc thắng sự chết (Hê-bơ-rơ 2:14-15). Vì thế, nhờ Thần Nhân Giê-xu Christ mà chúng ta nhận được sự cứu rỗi trọn vẹn, được chuộc khỏi sự rủa sả của luật pháp, được giải cứu khỏi sự chết của tội lỗi và được trở nên con cái Đức Chúa Trời trong ánh sáng tự do của ân điển Ngài.
- Phước hạnh của sự cứu rỗi.
Từ câu 5-7 mô tả ba phước hạnh của người được cứu rỗi:
– Trở nên con cái Đức Chúa Trời.
– Được làm con nuôi của Ngài.
– Được sự ban cho của Đức Thánh Linh.
Chữ “con nuôi” trong câu 5 chỉ về tình trạng trưởng thành của đứa trẻ, nghĩa là từ địa vị “tôi mọi” đến địa vị người con được quyền kế tự theo ý Phao-lô nói trong câu 1-3. Như vậy, chữ con nuôi Phao-lô dùng ở đây nhấn mạnh địa vị của người làm con của Chúa; trong khi chữ “con cái Đức Chúa Trời” dùng để nhấn mạnh về mối liên hệ của kẻ tin với Ngài. Bởi sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong lòng mà con cái Chúa biết chắc địa vị vinh hiển của mình trong Đấng Christ, và từ nơi sâu kín của tâm hồn bật lên tiếng gọi Đức Chúa Trời: A-ba! Cha! Tiếng gọi thật êm dịu và thân thiết biết bao, bày tỏ mối thông công khắng khít với Đức Chúa Trời mà chỉ có người thuộc trong gia đình Ngài mới nếm trải được phước hạnh quí báu này.
Tóm lại, người dưới thời luật pháp bị đặt dưới sự canh giữ của luật pháp, làm con của sự nô lệ. Trái lại dưới thời ân điển, bởi đức tin trong Đấng Christ, người được trở nên con cái Đức Chúa Trời, được tự do trong sự thông công với Chúa và với nhau, được Đức Thánh Linh ở cùng, được hưởng phước của kẻ kế tự theo lời hứa.
Qua hai bức ảnh tương phản trên cho thấy rõ Đấng Christ là cứu cánh duy nhất của chúng ta. Bởi Ngài, cánh cửa ân điển được mở rộng đón tiếp kẻ tin vào gia đình Đức Chúa Trời để vui hưởng tự do trọn vẹn của người làm con cái Ngài. Thật không có phước hạnh nào lớn cho bằng người con lạc mất trong tội lỗi, tìm lại được sự tự do trong gia đình với sự tiếp nhận tràn đầy tình thương của cha mình. Đây là điều Đức Chúa Trời đã làm cho loài người sa ngã qua sự cứu chuộc trong Đức Chúa Giê-xu Christ.
Sự tự do thật chỉ có trong Đấng Christ chớ không do sức người. Đó là quà tặng bởi ân điển của Đức Chúa Trời được ban cho con người trên căn bản đức tin.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- a. Làm thế nào để trở nên thành viên trong gia đình Đấng Christ? (c.26-27).
- Xin kể ba đặc ân của người thuộc gia đình Đấng Christ.
- Thế nào là người thực sự tự do trong Đấng Christ?
- Bằng cách nào Đức Chúa Trời chuộc người ở dưới luật pháp? (c.4-5). Tại sao Ngài dùng cách này?
- Dấu hiệu nào để ấn chứng cho người được kế tự trong Đấng Christ? (c.5-6; Rô-ma 8:16-17).
- Hãy kể những phước hạnh của người được sống dưới ân điển Chúa (Gal 3:26-4:7).
- Người sống dưới ân điển và người sống dưới luật pháp có ý nghĩa gì đối với chúng ta qua nếp sống đạo hàng ngày?
- Những lẽ thật nào chúng ta học biết trong Gal 3:26 – 4:7?
- Chúng ta đang sống trong sự tự do của ân điển Chúa hay đang sống dưới các lề thói của thế gian?