Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in NHI ĐỒNG on 15 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. HAI CÂU CHUYỆN VỀ SỰ CẦU NGUYỆN

I. KINH THÁNH: Lu-ca 18:1-14.

II. CÂU GỐC: “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:16).

III. BÀI HỌC.

  1. Nối các câu phù hợp với những người trong hình bằng mũi tên:

– Khoe khoang về bản thân trước người khác.

– Cảm thấy xấu hổ trước Chúa.

– Một người chỉ nói đếnlợi ích riêngmình.

– Một người chỉ cầu xin Chúa tha thứ.

* Hãy nghĩ xem Chúa thích lắng nghe lời cầu xin của ai?

  1. Nối các câu sau đây với những người trong hình bằng mũi tên:

Người này không ngừng cầu xin giúp đỡ.

Người này hoàn toàn không để ý đến bà.

Người này vẫn tiếp tục khẩn khoản cầu xin.

Cuối cùng người này đồng ý giúp đỡ bà.

IV. CÙNG SUY NGHĨ.

  1. Tại sao lúc đầu quan án từ chối lời cầu xin của người đàn bà?
  2. Chúa có giống với quan án không? Vì sao?
  3. Người Pha-ri-si đã phạmlỗi gì khi cầu nguyện?
  4. Lời cầu nguyện của người thâu thuế có điểm gì đáng cho chúng ta học tập?

BÁNH XE CẦU NGUYỆN.

*Cách chơi.

Hai em cùng chơi với nhau. Em thứ nhất chọn một ô của vòng ngoài, rồi nói rõ về những điều sẽ cầu nguyện với Chúa, còn em kia chọn một đáp án ở vòng trong, và suy nghĩ xem đáp án này dẫn đến việc gì? Hai em có thể đổi vai cho nhau.

 

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in NHI ĐỒNG on 15 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. HAI CÂU CHUYỆN VỀ SỰ CẦU NGUYỆN

I. KINH THÁNH: Lu-ca 18:1-14.

II. CÂU GỐC: “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:16).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Chúa Jêsus dạy các em biết cách cầu nguyện để được Đức Chúa Trời nhậm lời.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời luôn yêu thương và lắng nghe lời cầu nguyện của các em.

– Hành động: Em cầu nguyện cách chân thành và bền đỗ.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

*Bàn tay cầu nguyện.

  1. Mục đích: Giúp các em hiểu rằng tư thế khi cầu nguyện biểu hiện sự kính trọng Chúa.
  2. Vật liệu: Mỗi em một tờ giấy để vẽ và một hộp bút chì màu.
  3. Cách thực hiện: Giáo viên vẽ sẵn hình hai bàn tay chắp lại cầu nguyện.

– Giáo viên giải thích tại sao khi cầu nguyện các em phải nhắm mắt và chắp hai tay lại với nhau? Điều đó chứng tỏ em kính trọng Chúa. Sau đó, cho các em vẽ bàn tay cầu nguyện theo mẫu đã vẽ sẵn (em nào không vẽ được thì vẽ theo bàn tay đặt lên giấy), rồi tô màu.

   Sau khi các em vẽ xong, mời tất cả nhắm mắt, chắp tay và giáo viên hướng dẫn các em cầu nguyện.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   Các em có thích nghe kể chuyện không? (Cho các em trả lời). Chúa Jêsus đã từng kể nhiều câu chuyện rất hay. Hôm nay các em sẽ được nghe hai câu chuyện về sự cầu nguyện do Chúa Jêsus kể.

  1. Bài học.

   Bây giờ các em cùng theo dõi câu chuyện thứ nhất nhé!

   Tại một thành phố kia có một quan án gian ác, không kính sợ Đức Chúa Trời. Tại đó cũng có một bà góa bị người khác lừa gạt, đến xin quan tòa xét xử, mong đòi lại được của cải. Bà thưa với quan án: “Thưa quan, tôi bị người ta lừa gạt, xin quan giúp tôi vì ngoài quan chẳng ai có thể giúp tôi đòi lại của cải cả”.

   Quan tòa không thèm nghe lời cầu xin đó vì bà không có tiền đút lót. Nhưng bà góa vẫn không nản lòng, cứ van nài mãi, vị quan vẫn không nghe, bà đành phải ra về.

   Hôm sau, bà lại đến tìm quan án tiếp tục khẩn cầu nhưng quan tòa vẫn làm ngơ. Tuy thế, bà góa cứ nài nỉ mãi cho đến khi quan tòa cảm thấy bực mình. Ông nghĩ thầm: “Bà góa nầy thật đáng ghét, nếu mình không xét xử, bà ấy cứ đến quấy rầy hoài chịu sao nổi. Thôi thì xét xử cho bà ta để khỏi phiền phức”.

   Thế là cuối cùng vị quan tòa lắng nghe nỗi khổ của bà góa và xét xử cho bà.

   Các em thấy không, lúc đầu quan tòa không muốn nghe lời kêu oan của bà góa nhưng vì bà nài xin mãi nên vị quan phải đồng ý giúp bà, huống chi Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương các em. Ngài khác hẳn vị quan kia. Ngài luôn lắng nghe lời cầu nguyện của các em. Ngài thích các em nói chuyện với Ngài. Ngài muốn các em kiên nhẫn kể cho Ngài nghe những nhu cầu của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào Đức Chúa Trời cũng ban cho các em tất cả những điều các em cầu xin, nhưng sự trả lời của Ngài là điều tốt đẹp nhất cho các em. Chúa yêu thương các em vô cùng. Ngài biết rõ những điều các em cần.

   Chúa Jêsus lại kể một câu chuyện khác về sự cầu nguyện. Câu chuyện đó như sau:

   Có hai người đến đền thờ cầu nguyện, một người thuộc phái Pha-ri-si và người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-si chọn đứng ở một nơi mà mọi người đều trông thấy rồi lớn tiếng cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời, con tạ ơn Ngài, vì con không phải như những người khác: tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thu thuế nầy. Con kiêng ăn mỗi tuần hai lần, và nộp một phần mười về mọi lợi tức của con.” Người Pha-ri-si liên tục kể về những điểm tốt của mình trong khi cầu nguyện.

   Còn người thu thuế thì cầu nguyện khác hẳn. Ông đứng xa mọi người, cúi đầu, mắt đẫm lệ, thì thầm cầu nguyện với Đức

Chúa Trời: “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con, vì con là một tội nhân!”.

   Khi hai người cầu nguyện xong, họ ra về. Các em nghĩ Đức Chúa Trời vui lòng với lời cầu nguyện của ai? Vì sao? (Cho các em trả lời). Người Pha-ri-si cầu nguyện với mục đích khoe khoang, còn người thu thuế thật lòng xin Chúa tha thứ những lỗi lầm của mình.

   Câu chuyện nầy giúp các em hiểu rằng, Chúa muốn các em cầu nguyện cách chân thành, khiêm nhường, xưng nhận những lỗi lầm của mình và cầu xin Ngài tha thứ.

   Như vậy, qua hai câu chuyện nầy Chúa Jêsus dạy các em điều gì? (Cho các em trả lời). Xin Chúa cho các em biết hạ mình trước mặt Chúa, ăn năn về những lỗi lầm mà mình đã vi phạm và bền đỗ trong sự cầu nguyện.

  1. Ứng dụng.

   Cho các em mở sách học viên, giáo viên giải thích trò chơi: “Bánh xe cầu nguyện”. Vành ngoài cho biết trong mỗi tình huống phải cầu nguyện ra sao. Vành trong cho biết câu trả lời sau khi cầu nguyện.

   Sau đó, giáo viên hướng dẫn các em chơi. Ví dụ: “Trí, em hãy chọn một hình ở vòng ngoài và nghĩ xem trong hoàn cảnh nầy bạn nhỏ trong hình sẽ cầu nguyện như thế nào? Trí nói đúng lắm! Bây giờ Mỹ Duyên chọn một đáp án ở vành trong cho Trí. Ví dụ: Đức Chúa Trời trả lời “không”, chuyện gì sẽ xảy ra?…”. Giáo viên cứ thế tiếp tục hướng dẫn các em tham gia trò chơi.

   Giáo viên giúp các em hiểu rằng dù Đức Chúa Trời trả lời như thế nào, các em cũng đều phải cảm ơn Ngài, bởi vì Ngài luôn ban cho các em điều tốt lành nhất.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 15 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. CHÚA CHỮA LÀNH NGƯỜI BẠI

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 9:1-8; Lu-ca 5:17-20.

II. CÂU GỐC: “Thương xót người ấy và cầu khẩn” (Gióp 33:24a).

III. MỤC ĐÍCH: Gíup các em:

– Biết: Chúa Jêsus chữa cho người bại được lành.

– Cảm nhận: Chúa Jêsus là Đấng hay làm ơn.

– Hành động: Tin và nhờ cậy nơi Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

Trò chơi: GIÚP BẠN.

* Chuẩn bị:

                                    – Hai cái ghế nhựa lớn.

– Chia các em thành hai nhóm có nam, nữ bằng nhau.

                                    – Vạch hai đường thẳng cách nhau 5m làm điểm đầu và điểm cuối.

* Cách chơi:

Mỗi nhóm chọn ra bốn em nam (hoặc nữ khỏe mạnh) để làm người khiêng ghế, những em còn lại trong nhóm đóng vai người bại.

Khi nghe hiệu lịnh của người hướng dẫn, một em trong nhóm ngồi trên ghế, bốn em kia khiêng đi từ vạch khởi hành đến điểm cuối, cho bạn đó xuống, quay về nhóm khiêng bạn khác qua, cho đến khi nào bạn cuối cùng trong nhóm đã qua hết. Nhóm nào xong trước là nhóm thắng.

* Lưu ý: Nhắc nhở các em không nên đi quá nhanh, kẻo bị té ngã.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, các em vừa chơi một trò chơi thật vui phải không? Trò chơi nầy nói lên rằng những người bạn biết yêu thương, giúp đỡ người bị bại đi được đến điểm mong muốn. Đó cũng là nội dung của câu chuyện Kinh Thánh hôm nay cô (thầy) sắp kể cho các em nghe, các em yên lặng lắng nghe nhé!

  1. Bài học.

Có một người bị mắc bịnh bại đã lâu lắm rồi. Các em có biết bịnh bại là bịnh gì không? (Cho các em trả lời) Người bị bịnh sẽ phải nằm một chỗ, không đi, không chạy nhảy, không làm bất cứ việc gì được cả, như vậy rất buồn, phải không các em? Dù vậy, cũng có những người bạn thường đến thăm, trò chuyện để cho ông vui.

Rồi một ngày kia, họ đến gặp và báo cho ông một tin: Chúa Jêsus đã đến một làng gần đó, Ngài giảng đạo và đã chữa lành bệnh cho nhiều người. Người bại nghe vậy cũng mừng lắm, nhưng làm sao ông có thể đi đến đó được? Các em nghĩ xem, làm sao ông có thể đi đến gặp Chúa Jêsus? (Cho các em suy nghĩ và trả lời). Các em biết không, những người bạn của ông rất tốt. Họ bảo rằng họ sẽ đặt ông nằm trên giường và khiêng ông đi đến nơi. Các em thấy họ tính như vậy có được không? (Cho các em trả lời). Người bại cũng rất ngại vì đoạn đường khá xa mà vừa đi bộ vừa khiêng chắc các bạn ông cũng mệt lắm. Nhưng những người bạn nầy rất muốn ông được lành bệnh vì họ tin rằng Chúa Jêsus sẽ chữa được, nên họ nhất định khiêng ông đi. Các em biết không, họ đã phải đi một đoạn đường dài, có chỗ lên dốc, xuống dốc… rất cực khổ, nhưng rồi cuối cùng, họ cũng đến được nơi Chúa Jêsus đang ở. Có lẽ họ cũng mừng lắm, nhưng mà trong nhà, ngoài sân đều chật ních người, không có chỗ nào để vào được bên trong, nơi Chúa Jêsus ngồi.

Họ liền nghĩ ra một cách, khiêng người bại lên trên mái nhà, giở mái nhà ra và dòng người bại xuống. Chỉ còn có cách đó thôi và họ làm ngay.

Mọi người trong nhà đang ngồi nghe Chúa Jêsus giảng dạy, bỗng họ thấy có một người được thả xuống từ mái nhà, dừng lại trước mặt Chúa Jêsus. Chúa nhìn ông cách thương xót và thấy lòng tin nơi những người bạn của ông rất lớn, nên Ngài phán: “Ngươi hãy đứng dậy, vác giường trở về nhà!” Thật là kỳ diệu, người bại đã từ từ ngồi dậy rồi đứng lên trước sự ngạc nhiên của mọi người nơi đó! Người bại, các bạn của ông và mọi người đều rất vui mừng, cảm tạ và ca ngợi Đức Chúa Trời.

  1. Ứng dụng.

Các bạn của người bại bởi lòng tin đã giúp ông gặp được Chúa Jêsus và được lành bệnh. Các em cũng phải có lòng tin nơi Chúa. Những lúc bị bệnh, lúc sợ hãi… các em nhớ đến Chúa, cầu nguyện với Ngài thì Ngài sẽ giúp đỡ các em ngay.

C. BÀI TẬP.

            * Chuẩn bị:

– Cắt hình bài 3 trong trang cắt dán.

– Bút chì màu, kéo, hồ dán.

            * Thực hiện:

– Cho các em làm bài tập “Em làm gì để giúp bạn?”: Dán hình vào hình vẽ bài 3 cho thích hợp.            

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

in THIẾU NHI on 13 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. TÌNH CHA CON

I. KINHTHÁNH: Lu-ca15:11-32.

II. CÂU GỐC: “Anh em không còn là nô lệ nữa mà là con; và nếu là con, thì anh em cũng là người thừa kế.”(Ga-la-ti 4:7).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Chúa Jêsus kể ví dụ nầy để bày tỏ tình yêu thương và sự tha thứ của Ngài đối với những người có tội ăn năn.

– Cảm nhận: Tình yêu và sự tha thứ của Chúa là vô bờ bến mà nhiều khi chúng ta không thể hiểu hết được.

– Hành động: Qua ví dụ nầy, các em có thể kể thêm nhiều điều về tình yêu của Chúa, và cầu nguyện cảm tạ lòng yêu thương đời đời của Ngài.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. CHUẨN BỊ.

  1. Giáo viên giúp các em tập đóng kịch để diễn lại câu chuyện, có thể chia tổ để thi đua.
  2. Giáo viên tìm các tranh ảnh về nạn đói từ báo, tạp chí cũ, để các em hiểu rõ bối cảnh trong câu chuyện.
  3. Giúp các em hiểu rõ câu gốc, động viên các em viết ra hoặc diễn đạt ý nghĩa của câu gốc.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   (Dẫn vào đề bằng một vở kịch ngắn trong sách học viên trang số 6. Qua vở kịch nầy, giúp các em hiểu được tâm trạng và cảm nghĩ của người con cả trong ví dụ của Chúa Jêsus. Phân vai cho các em tập đóng kịch  trước).

   Sau khi diễn xong, cho các emthảo luận vở kịch đó với những câu hỏi sau.

 – Nếu em là Đạt, khi em chưa làm xong công việc mà được đi xem bóng đá, em cảm thấy thế nào? Có công bằng không? Tại sao?

 – Nếu em là Cường, thì em cảm thấy thế nào? Tại sao? Em có nói với ba là đã phân chia công việc và Đạt chưa làm xong phần việc của mình không? Em có thấy bất công không, khi xem bóng đá về còn phải giúp Đạt làm tiếp phần việc còn lại? Tại sao? Em có cảm thấy ba yêu thương Đạt hơn mình không? (Cho các em nói lên cảm nghĩ của mình).

   Hôm nay, chúng ta sẽ được nghe một ví dụ của Chúa Jêsus. Trong ví dụ nầy, có một người cũng hiểu lầm tình yêu thương của cha đối với mình như Cường vậy!

  1. Bài học.

(1) Lý do Chúa Jêsus kể ví dụ “Tình cha con”.

   Mỗi ví dụ đều cho chúng ta một bài học hay. Ví dụ mà Chúa Jêsus kể hôm nay có tên là “Tình cha con”.

   Người Pha-ri-si hết sức kiêu ngạo vì cho rằng mình thuộc lòng luật pháp của Đức Chúa Trời. Họ coi thường những người không phải là người Giu-đa chính gốc. (Mời một em đọc Lu-ca15:1-2). Trong Lu-ca15:1-2 cho thấy những người Pha-ri-si tức giận việc gì? (Họ cho rằng Chúa Jêsus không nên ở và ăn cơm chung với những người thâu thuế và người có tội, vì những người đó không xứng đáng được như vậy. Vào thời đó, ăn cơm chung là biểu hiện tình bạn tốt đẹp. Người Pha-ri-si nghĩ rằng chỉ có họ mới đáng làm bạn của Chúa Jêsus).

   Chúa Jêsus biết ý nghĩ của những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo, nên Ngài kể một ví dụ.

(2) Hình ảnh của“Tình cha con”.

     a. Đối với đứa con hoang đàng.

   Một người cha có hai con trai. Người anh cần cù làm việc suốt ngày, còn người em thì thích chơi bời lêu lỏng. Một ngày nọ, người em quyết định ra đi sống xa nhà, để mở rộng tầm mắt. Anh ta nói với cha: “Thưa cha, xin chia gia tài cho con!”

   Vào thời đó, khi cha chết thì con trai trưởng nam được thừa hưởng 2/3 tài sản, con trai út chỉ được1/3. Khi nghe con trai út xin được phần tài sản của mình, người cha không vui, nhưng vẫn chia cho con. Chúa Jêsus kể tiếp: Mấy ngày sau, người em lấy tài sản của mình và ra đi.

   Các em biết người em đi đâu không? (Đi đến một nơi xa lạ). Anh ta làm gì ở đó? (Ăn chơi hoang đàng, tiêu xài phung phí). Khi đó, bạn bè của anh đối xử với anh thế nào? (Tốt, thân mật).

   Đúng lúc ấy, trong xứ anh cư ngụ xảy ra hạnh án. Thế là nạn đói xuất hiện và đe dọa mọi người. “Nạn đói” là gì? (Là lúc thiếu thức ăn kéo dài. Cho các em xem hình). Người em hết tiền, bị bạn bè bỏ rơi, khổ sở vì bụng đói, đành nhận lời đi chăn heo cho một nhà nọ. Đây là công việc mà không ai muốn làm, vì theo luật pháp của Môi-se, con heo được xem là con vật dơ bẩn (Lê-vi Ký 11:7). Vậy mà khi chăn heo, anh ta đói đến nỗi muốn ăn vỏ đậu của heo, nhưng chủ cũng không cho ăn.

   Vừa đói, vừa buồn tủi, nhục nhã, vừa hối hận, người em khóc, nhận ra mình rời bỏ gia đình là một việc sai lầm, giờ phải làm thế nào đây? (Anh quyết định quay về, xin cha coi như người làm mướn). Quyết định của người em cho thấy điều gì? (Anh ta đã ăn năn tội lỗi). Anh không đòi được làm con út như ngày nào, mà chỉ mong được làm đứa ở mướn cho cha.

    Nghĩ thế, người em đứng dậy trở về. Khi về gần đến nhà, anh lo lắng không biết thái độ của cha sẽ như thế nào khi thấy mình trở về? Nhất là khi tiền bạc đã tiêu xài hết, liệu cha có tha thứ cho anh không, hay sẽ mắng: “Mày không phải là con tao nữa, mày bỏ nhà ra đi, sao bây giờ còn quay lại xin ăn?” Nghĩ tới đó, anh ta càng thêm bối rối, lo sợ.

   Trong khi đó, cha ở nhà lúc nào cũng trông ngóng con trai trở về. Một hôm, ông thấy xa xa có một người đang đi về phía nhà mình, có phải con ông không? Sao dáng vẻ tiều tụy thảm thương đến thế nầy! Ôi! Đúnglà con trai của ta rồi! Các em biết ông làm gì không? (Người cha chạy ra, ôm chầm lấy con mà hôn).

   Người em hết sức ngạc nhiên khi thấy cha vui mừng như vậy. Anh nói những lời đã chuẩn bị trước: “thưa với cha: Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha, không xứng đáng gọi là con của cha nữa!” Người cha ngắt lời con vì ông quá vui mừng, liền bảo đầy tớ: “Hãy mau lấy áo tốt nhất mặc cho nó, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chân. Hãy bắt con bê mập làm thịt. Chúng ta hãy ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ tìm lại được.”

   Khi nghe cha nói như vậy, nếu em là người em, em sẽ cảm thấy như thế nào? (Cho các em nói ra cảm nghĩ của mình). Cái áo đẹp chỉ dành cho khách quí, nhưng anh lại được mặc, được đeo chiếc nhẫn quí của cha, mang giày tốt vào chân. Người em chỉ dám nghĩ rằng, mình được làm đứa ở mướn cho cha là qúy lắm rồi, nhưng anh không ngờ cha tha thứ cho anh, còn chuẩn bị tiệc, đàn hát, vui mừng đón anh.

     b. Đối với đứa con ngoan ngoãn vâng lời.

   Con út trở về, cha vui mừng. Có vẻ như đó là một kết cuộc tốt đẹp, nhưng Chúa Jêsus đã nói, trong nhà có hai anh em. Khi em út trở về thì người anh đang ở ngoài đồng. Đến lúc người anh ở ngoài ruộng trở về nhà, nghe tiếng cười, tiếng đàn ca thì ngạc nhiên hỏi một đầy tớ: “Có việc gì? Đầy tớ thưa: “Em cậu đã trở về và cha cậu đã làm thịt con bê mập, vì ông thấy cậu ấy về được mạnh khỏe”.

   Đó có phải là tin vui không? Người anh nghe tin đó cảm thấy thế nào? (Cho các em đọc Lu-ca 15:28-30, ghi lên bảng chữ “nổi giận”, “không muốn vào nhà”, “con của cha kia”).

   Theo các em, tại sao anh ta nổi giận? (Cho các em trả lời. Có thể là vì ích kỷ, ganh ghét, tủi thân…). Người anh nổi giận, không vào nhà, làm vậy có nên không? Tại sao?

   Người cha biết tâm trạng của con cả liền bước ra khuyên nhủ, rằng cha yêu thương cả hai con, nhưng người anh thưa: “Cha xem, đã bao nhiêu năm con phục vụ cha, chưa từng trái lệnh cha, mà cha chẳng bao giờ cho con một con dê con để chung vui với bạn hữu. Nhưng khi đứa con kia của cha, là đứa đã phung phí hết tài sản của cha với gái mại dâm rồi trở về thì cha lại làm thịt con bê mập ăn mừng!”

   Cảm nghĩ của người anh như vậy có đúng không? Nếu em là người anh, em có suy nghĩ như vậy không? (Cho các em trả lời). Có thật người anh lúc nào cũng vâng lời cha không? Trong lời nói của anh ta, có điều gì chứng tỏ sự bất mãn với cha và tức giận với em trai mình? (Trách cha và gọi em là “đứa con cha kia”). Thật ra người anh tức giận điều gì? (Người em được tiếp đón khi trở về).

   Người cha ngạc nhiên khi thấy con cả nổi giận. Ông nhẹ nhàng nói: “Con ơi! Con luôn luôn ở bên cạnh cha. Tất cả tài sản của cha là của con, còn em con tưởng đã chết mà nay được sống, tưởng đã lạc mất mà nay trở về”.

 (3) Ý nghĩa của ví dụ “Tình cha con”.

   Mỗi nhân vật trong ví dụ đều đại diện cho một hạng người. Chúng ta cùng xem xét từng nhân vật trong câu chuyện để hiểu ý của Chúa Giê-xu. (Cho các em kể ra ba nhân vật: Người cha, người anh và người em).

     a.Người cha: Theo các em, người cha trong câu chuyện chỉ về ai? (Đức Chúa Trời). Người cha làm những gì khiến các em nghĩ đến Đức Chúa Trời? (Giáo viên có thể đặt một số câu hỏi gợi ý như: Người cha nghĩ gì về đứa con út? Sau khi con trai hoang phí hết của cải và trở về, cha còn yêu anh không? Tại sao con cả tức giận? Chính bữa tiệc mừng đã chứng tỏ người cha yêu con út và muốn người anh nguôi giận. Lời cha nói với con cả khiến chúng ta nghĩ đến lòng nhân từ và sự nhẫn nại của Đức Chúa Trời).

     b. Người anh: Người anh giống những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo ở điểm nào? (Giúp các em hiểu, người anh nổi giận vì cha dọn tiệc mừng em, cũng giống như các thầy thông giáo phản đối bạn bè của Chúa Jêsus là tội nhân và người thâu thuế. Giáo viên có thể đặt một số câu hỏi như: Ai không vui vì Chúa Jêsus ăn chung, ở cùng với các tội nhân? Ai không vui vì người cha dọn tiệc mừng con út trở về?)

     c. Người em: Người em đại diện cho ai? (Đến đây, có lẽ các em đã hiểu người em đại diện cho tất cả những người lầm lạc, dại dột, làm theo ý mình…). Chúng ta cũng giống như người em trong câu chuyện, thường rời xa Chúa, cho ý mình là tốt và làm theo ý riêng.

     3. Ứng dụng.

   Bài học quan trọng nhất mà Chúa Jêsus muốn các em học qua ví dụ nầy là, Đức Chúa Trời yêu các em. Các em là con cái của Chúa, dù các em phạm sai lầm gì, thì Đức Chúa Trời vẫn yêu thương các em. Các em thử suy nghĩ xem, khi con cái không vâng lời, ba mẹ có giận không? Nhưng giận có phải là không còn yêu thương con nữa không? Chúa Jêsus muốn dạy rằng: Đức Chúa Trời vẫn yêu thương các em ngay cả lúc các em phạm lỗi. Ngài căm ghét tội lỗi các em đã phạm, nhưng Ngài yêu thương các em và thực lòng mong muốn các em xưng tội và từ bỏ nó. Ngài sẵn lòng nguôi giận và tha tội cho các em. Ngài vui mừng khi các em quay trở về với Ngài.

   Các em thân mến! Khi các em tin nhận Chúa Jêsus là Chúa Cứu Thế, thì các em đã là con của Đức Chúa Trời. Kể từ đó, địa vị của các em đã được thay đổi bởi tình yêu thương của Ngài ban cho. Kinh Thánh cho các em biết điều đó. (Cho các em đọc câu gốc: “Anh em không còn là nô lệ nữa mà là con; và nếu là con, thì anh em cũng là người thừa kế”.

   Đức Chúa Trời giống như người cha trong ví dụ, trong Chúa Jêsus tất cả những gì của Đức Chúa Trời là của các em. Đối với Chúa Giê-xu, các em quan trọng cũng như người con đối với cha trong ví dụ vậy. Ví dụ nầy là do chính Chúa Jêsus kể ra, nên các em hoàn toàn có thể tin đó là sự thật.

  (Hướng dẫn các em kể ra tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với các em trong những ngày qua, sau đó cho các em viết lời tạ ơn Chúa vào Tập Học Viên, trang 8).

V. SINH HOẠT.

   Trò chơi: Tiệc mừng con trở về.

   Cách chơi: Đứng vòng tròn đếm số thứ tự và các em phải nhớ số của mình. Sau đó cho tập hợp hàng dọc lộn xộn, hoặc đảo lộn tất cả các vị trí vòng tròn. NHD công bố trò chơi: Tất cả các em giả làm gia súc của một gia đình, ngoại trừ một em (gọi em đó ra) là gia nhân. Hôm nay, người con út đã trở về, người cha mở tiệc ăn mừng. Những em nào mang từ số 1 đến số… là Bê, không được cho bạn chung quanh biết. Từ số… đến số… là Heo…Mỗi nhóm chịu tên một con vật.

   NHD nói với gia nhân: “Ta muốn con đi bắt cho ta một con bò (hoặc gà, vịt…) để làm tiệc đãi”.

  Gian hân phải đi đến một em nào đó dẫn lên trình diện cho ông chủ. Khi ông chủ đặt tay lên đầu con vật, em đó mới được kêu tiếng con vật đó ra. Nếu sai, gia nhân phải đi tìm con khác.

– Tiếng các loài kêu được ấn định.

+Heo: éc, éc; Bê: B…ê…ê; Gà: Ò ó o; Vịt: Cạp, cạp…

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

in THIẾU NHI on 13 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. TÌNH CHA CON

I. KINH THÁNH: Lu-ca15:11-32.

II. CÂU GỐC: “Anh em không còn là nô lệ nữa mà là con; và nếu là con, thì anh em cũng là người thừa kế.”(Ga-la-ti 4:7).

III. BÀI TẬP.

  1. Kịch nói.

   (Nếu em nhận một vai trong vở kịch nầy, em cần phải tập nhiều lần mới diễn tốt được).

  + Người dẫn chuyện: Sáng thứ bảy, Cường, Đạt và ông Trần đang ăn sáng với nhau.

   – Ông Trần: Trưa nay chúng ta sẽ đi xem bóng đá, ba biết các con rất phấn khởi, nhưng các con phải lau dọn nhà cửa, bàng hế và nhà bếp sạch sẽ trước khi đi.

   + Người dẫn chuyện: Cường, Đạt bắt đầu lau dọn, nhưng lau dọn được một lúc thì lại bỏ đó quay ra chơi đá dế.

   – Ông Trần: Nếu trưa nay các con chưa làm xong thì không được đi xem bóng đá.

   – Đạt (nói với Cường): Em nghĩ ra cách rồi! Bây giờ chúng ta chia nhau ra làm, mỗi người một việc sẽ nhanh hơn.

   – Cường: Hay đấy! Vậy anh lau nhà, em lau bàn và nhà bếp.

   + Người dẫn chuyện: Hai anh em bắt tay làm việc hăng say. Nhưng một lát sau, bạn của Đạt đến tìm. Đạt liền ra gặp bạn, còn Cường vẫn tiếp tục làm việc của mình.

   – Cường (lẩm bẩm): Chắc Đạt không được đi xem bóng đá rồi, mình cố gắng làm nhanh lên để ba thấy mình siêng năng hơn nó (nhanh tay hơn).

   + Người dẫn chuyện: Đến trưa, Cường đã làm xong phần việc của mình.

   – Cường (nhìn Đạt): A! Đến giờ cơm rồi mà em vẫn chưa làm xong, chắc em không được đi xem bóng đá đâu, còn anh thì xong hết rồi!

    – Đạt (khẩn khoản): Anh giúp em một tay với, em sẽ…

   – Ông Trần: Các con mau ra ăn cơm, đến giờ rồi!

   – Cường: (Lẩm bẩm) Ba thấy mình làm xong mà chẳng khen một tiếng nào, chán thật! Còn nữa, ba biết Đạt làm chưa xong mà…Thật là không công bằng.

   – Ông Trần: Để đi xem bóng đá về rồi lau dọn tiếp.

  1. Đức Chúa Trời yêu em.

     a. Em đọc ví dụ về “Tình cha con” (Lu-ca 15:11-32), tìm và ghi ra những ý chính nói về lòng yêu thương của Đức Chúa Trời. Chú ý là trong câu chuyện trên, Đức Chúa Trời giống như người cha.

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

     b. Phải nhớ rằng Đức Chúa Trời lúc nào cũng yêu các em. Em viết vào khung dưới đây.

   Trong tuần nầy, Đức Chúa Trời yêu em như thế nào? Em viết những lời tạ ơn Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời luôn ở bên cạnh em cho dù trời mưa hay nắng, lúc em buồn hay vui, tốt hay xấu.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

in NHI ĐỒNG on 13 Tháng Năm, 2024

BÀI 3.   DÂN Y-SƠ-RA-ÊN KHÔNG TUÂN GIỮ ĐIỀU  RĂN

 CỦA CHÚA

I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô ký 24; 32.

II. CÂU GỐC: “Vậy, anh em phải cẩn thận thực hành mọi việc đúng như Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em đã truyền dạy; anh em không được xây qua bên phải hoặc bên trái.”(Phục truyền 5:32).

III. BÀI TẬP.

A. XEM PHIM VÀ TRẢ LỜI.

Em xem phim và những câu Kinh Thánh trong hình rồi chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống của mỗi câu trong khung.

B. NÊN HOẶC KHÔNG NÊN LÀM.

Đôi khi em cũng bị người ta dụ dỗ làm những việc sai trái.

Em hãy xem sự đòi hỏi của nhân vật trong những hình vẽ sau đây, rồi viết ra câu trả lời của em.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 1/2024

in NHI ĐỒNG on 13 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN KHÔNG TUÂN GIỮ ĐIỀU RĂN

 CỦA CHÚA.

I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô ký 24; 32.

II. CÂU GỐC: “Vậy, anh em phải cẩn thận thực hành mọi việc đúng như Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em đã truyền dạy; anh em không được xây qua bên phải hoặc bên trái.”(Phục truyền 5:32).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Dân Y-sơ-ra-ên không vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời, thờ lạy hình tượng khiến Đức Chúa Trời trừng phạt họ.

– Cảm nhận: Vâng theo Lời Chúa giúp em không phạm tội với Ngài.

– Hành động: Xin Chúa giúp em luôn làm theo Lời Chúa.

IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.

Dù đã nghe về luật pháp của Đức Chúa Trời, đã nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, đã hứa vâng giữ luật pháp ấy rồi, nhưng dân Y-sơ-ra-ên lại phạm một tội trọng – thờ lạy con bò vàng! Họ phạm tội sau khi đã kinh nghiệm quyền năng và sự thương xót của Đức Chúa Trời! (Được giải cứu khỏi Biển Đỏ, được chu cấp thức ăn và nước uống, được Đức Chúa Trời dẫn dắt ra khỏi Ai-cập). Dân Y-sơ-ra-ên đã từ bỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời chân thật, hằng sống mà đi thờ một con vật! Bởi vì không vâng lời Đức Chúa Trời, làm theo ý riêng nên dân Y-sơ-ra-ên phạm tội. Nếu cứ vững lòng tin cậy, vâng lời Chúa, thì dân Y-sơ-ra-ên sẽ không lo sợ cho dù Môi-se ở trên núi lâu không xuống. Và họ cũng không yêu cầu A-rôn đúc con bò vàng! Dân Y-sơ-ra-ên đã phải gánh lấy hậu quả cho việc tội lỗi mà họ làm.

Nhưng ở đây chúng ta cũng thấy lỗi lầm của A-rôn. Là người lãnh đạo, nhưng ông lại không có lập trường! Ông đã làm theo yêu cầu của dân sự, khiến họ phạm một tội trọng với Đức Chúa Trời.

Bạn là người hướng dẫn các em về phần thuộc linh, bạn cần phải có lòng tin quyết nơi Chúa, luôn làm theo ý muốn tốt lành của Ngài để các em noi theo. Xin Chúa giúp bạn làm trọn trọng trách mà Ngài giao phó. Amen.   

V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Đi theo ai?

  1. Mục đích: Cho các em lấy thí dụ tiêu biểu để suy nghĩ tầm quan trọng của việc vâng theo chỉ thị.
  2. Thực hiện: Kể cho các em nghe một ví dụ như: Giả sử em phải tìm một địa điểm ở ngoại ô để du lịch. Vừa lúc đó em gặp A và B. A nói với em: “Đi theo tôi, tôi đã từng đến chỗ đó, chúng ta sẽ không bị lạc đường”. B nói với em: “Tốt nhất bạn hãy đi với tôi, bởi vì tôi có tấm bản đồ của khu vực nầy, chúng ta có thể dựa theo sự chỉ dẫn trên bản đồ tìm ra chỗ đó”. Như vậy, em sẽ đi theo ai? Vì sao? Nếu em đi theo A, em nghĩ có thể xảy ra chuyện gì? (Cho các em nói ra cách nghĩ của mình).

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Photo lớn hình trong phần phụ lục rồi tô màu cho đẹp).

  1. Vào đề.

Tuần trước các em đã biết Đức Chúa Trời phán cùng dân Y-sơ-ra-ên từ trong đám mây mịt mù phủ khắp núi Si-nai. Các em có nhớ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời ban cho dân sự không? Trong số Mười Điều Răn, có những điều dạy dân sự cách tôn thờ Chúa và những điều dạy dân sự cách đối xử với nhau. Khi Môi-se thuật lại những luật lệ của Đức Chúa Trời, dân sự chú tâm nghe Lời Chúa phán dặn, và đồng thanh hứa rằng sẽ vâng giữ luật lệ của Ngài. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó họ lại thất hứa. Bài học nầy sẽ giúp các em biết rõ hơn về điều đó.     

  1. Bài học.

Đức Chúa Trời lại bảo Môi-se lên núi, Ngài sẽ giao cho hai bảng đá ghi Mười Điều Răn để dạy dân sự làm theo. Rồi Môi-se sắp xếp cho A-rôn và Hu-rơ thay ông lo cho dân sự, còn ông dẫn người trợ giúp mình là Giô-suê lên núi. Môi-se đi khuất vào đám mây. Dân chúng đứng dưới núi nhìn lên thấy đám mây trên đỉnh núi rực sáng chói lòa. Nhưng nhiều ngày trôi qua, Môi-se vẫn chưa trở lại. Dân chúng nói với A-rôn: “Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với Môi-se. Ông hãy làm nên một thần để dẫn dắt chúng tôi thay cho Môi-se”.

Trong các Điều Răn mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên, có một điều cấm họ không được làm hoặc thờ bất cứ hình tượng nào. Mọi người đều hứa sẽ vâng giữ luật lệ của Đức Chúa Trời, thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn họ đã quên mất lời hứa của mình.

A-rôn bảo: “Các ngươi hãy cởi những bông tai bằng vàng đem đến cho ta”. Dân chúng phấn khởi vâng theo, họ tháo đồ trang sức ra giao cho A-rôn. A-rôn nấu chảy tất cả vàng thu được, rồi làm thành một con bò vàng. Dân chúng sung sướng reo hò: “Đây là thần của chúng ta”. Thấy dân sự vui mừng như vậy, A-rôn liền lập một bàn thờ trước tượng con bò đó và nói rằng: “Ngày mai chúng ta sẽ có một lễ hội tôn vinh thần nầy”.

Sáng sớm hôm sau, họ dâng của lễ thiêu, nhảy múa chung quanh tượng con bò đó. Họ ăn uống, vui chơi thỏa thích. Đức Chúa Trời biết tất cả mọi sự đang xảy ra, Ngài phán với Môi-se: “Con hãy xuống núi, dân Y-sơ-ra-ên đang làm trái điều răn của Ta”. Đức Chúa Trời buồn giận vì việc làm của dân Y-sơ-ra-ên, Ngài định hủy diệt họ. Nhưng Môi-se khẩn xin Đức Chúa Trời tha thứ cho dân sự, vì cớ Ngài đã từng hứa sẽ cho Y-sơ-ra-ên trở nên một nước lớn. Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của Môi-se, không trừng phạt họ nữa.

Môi-se vội vàng xuống núi, cầm theo hai bảng đá có khắc Mười Điều Răn. Khi đến gần nơi dân Y-sơ-ra-ên đóng trại, Môi-se và Giô-suê nghe thấy tiếng ồn ào, la hét. Giô-suê nói: “Nghe như một trận chiến đang diễn ra nơi đó”. Môi-se đáp: “Đó không phải là tiếng reo hò chiến đấu, mà là tiếng ca hát cuồng nhiệt”.

Khi đến gần, Môi-se thấy dân sự đang nhảy múa quanh tượng con bò vàng. Quá tức giận, Môi-se liệng hai bảng đá bể ra từng mảnh dưới chân núi. Ông lấy tượng con bò vàng đốt trong lửa rồi đem nghiền ra thành bột, rắc trên nước, bắt dân Y-sơ-ra-ên uống. Môi-se hỏi A-rôn: “Tại sao anh lại khiến dân sự phạm tội nặng như thế?” A-rôn phân bua: “Em đừng giận anh! Em biết rằng những người nầy độc ác và bướng bỉnh. Họ bảo anh làm cho họ một thần tượng, nên anh bảo họ đem vàng đến và làm thành con bò vàng nầy”.

Môi-se đứng nơi cửa trại, kêu gọi: “Ai thuộc về Đức Chúa Trời đến đây với ta”. Lập tức có một số người đứng về phía Môi-se. Còn những người không chịu nhận tội, từ chối vâng phục thì bị chết hết.

Qua hôm sau, Môi-se nói cùng dân sự rằng: “Các ngươi đã phạm một tội rất nặng. Nhưng bây giờ ta sẽ lên núi cầu xin Đức Chúa Trời tha tội cho các ngươi”.

Vì yêu thương dân sự, Môi-se nài xin Đức Chúa Trời tha thứ cho dân Y-sơ-ra-ên, nếu không, ông sẵn lòng gánh lấy hình phạt thay họ. Nhưng Đức Chúa Trời phán rằng: “Ta phải trừng phạt họ vì những tội họ đã phạm”. Rồi Đức Chúa Trời giáng xuống cho dân Y-sơ-ra-ên một bệnh dịch đáng sợ vô cùng.

  1. Ứng dụng.

Cho các em mở bài 3 trong sách học viên ra, dựa theo gợi ý làm bài tập trong phần A để ôn lại câu chuyện. Giáo viên nói với các em: Đôi khi chúng ta cũng giống như A-rôn vậy, chiều theo sự cám dỗ mà phản nghịch Đức Chúa Trời. Em thử nghĩ xem, có người nào hoặc điều gì làm cho em không vâng theo Lời Chúa không? (Cho các em tự do chia sẻ). Sau đó, để các em dựa theo gợi ý làm bài tập “Nên hoặc không nên làm”.    

  1. PHỤ LỤC.

Hình 1 và 2.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 1/2024

in ẤU NHI on 13 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. BỮA ĂN SÁNG TẠI BÃI BIỂN 

I. KINH THÁNH: Giăng 21:1-13.

II. CÂU GỐC: Đức Chúa Trời là sự tiếp trợ tôi” (Thi thiên 54:4a).

III. BÀI HỌC:

            Chúa Jêsus yêu thương và chăm sóc các môn đồ, Ngài chuẩn bị thức ăn sáng cho họ.  

            * Tô màu và cắt dán hình.