Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in NHI ĐỒNG on 28 Tháng Năm, 2024

BÀI 5. GIÔ-SÉP VÀ CÁC ANH

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 37:1-35.

II. CÂU GỐC: “Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau thật tốt đẹp biết bao!” (Thi Thiên 133:1).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Giô-sép bị các anh ganh ghét, đối xử không tốt.

– Cảm nhận: Lòng ghen ghét phát sinh những điều xấu. Chúa muốn các em sống yêu thương, hòa thuận với mọi người.

– Hành động: Cầu xin Chúa giúp đỡ em sống yêu thương, hòa thuận với mọi người.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

     * Con Rối Cây.

  1. Mục đích: Giúp các em nhận biết Giô-sép và các anh em của Giô-sép.
  2. Vật liệu: Giấy bìa, viết chì, kéo, keo, viết màu.
  3. Thực hiện: Làm theo hướng dẫn ở phần phụ lục ”CON RỐI HÌNH CÂY” trong tập học viên.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH:

Chuẩn bị thị cụ các con rối dán trên thanh tre đã làm trong phần “Vui Mà Học”.

  1. Vào đề.

 (Vừa kể, vừa giơ con rối lên). Trong số các em, ai là con một trong gia đình? Có em nào chỉ có một anh chị em không? Ai có hai anh em? (Tiếp tục hỏi, số anh chị em cứ tăng dần lên cho đến khi không còn em nào). Có em rất ít anh em, nhưng cũng có em rất đông anh chị em. Hôm nay các em sẽ được biết một gia đình có rất đông anh em.

Gia-cốp là cha trong gia đình. Ông có mười hai con trai. Ông rất giàu, có nhiều chiên, dê, bò, lừa… Các con của ông cùng phụ giúp chăm sóc chúng. Họ sống hòa thuận, vui vẻ bên nhau. Nhưng rồi một việc đã xảy ra khiến họ sanh lòng ghen ghét.

Mười người anh không ưa Giô-sép, vì cha may cho Giô-sép một chiếc áo dài nhiều màu rất đẹp. Giô-sép mặc chiếc áo đó thì khỏi phải ra đồng làm việc. Các anh của Giô-sép hết sức tức giận vì chỉ có mình Giô-sép có chiếc áo như thế.

Một hôm, các anh của Giô-sép dắt bầy gia súc đến đồng cỏ ở Si-chem. Gia-cốp bảo Giô-sép: “Các anh con đang chăn bầy tại Si-chem phải không? Con đi thăm xem các anh con và bầy chiên ra sao rồi về cho ba biết”.

Giô-sép vâng lời cha, đi tìm các anh. Giô-sép mặc chiếc áo đẹp mà cha cho và đem theo thức ăn cho các anh. Vừa đi Giô-sép vừa nghĩ, chắc thấy mình đem nhiều thức ăn ngon như thế nầy các anh sẽ vui vẻ với mình lắm.

Khi đến Si-chem, Giô-sép tìm mãi nhưng không thấy các anh và bầy chiên đâu cả. Có một người gặp Giô-sép đi lạc nên hỏi: “Cậu tìm ai?” Giô-sép đáp rằng: “Tôi tìm các anh tôi. Họ chăn chiên ở đây mà sao không thấy. Ông có gặp họ không?” “À có, nhưng họ dẫn chiên đi nơi khác rồi, tôi nghe họ nói đi đến Đô-ta-in”.

Đô-ta-in! Như vậy Giô-sép còn phải đi rất xa mới đến đó. Khi đi đến gần sườn núi Đô-ta-in, Giô-sép thấy các anh và đàn chiên ở đằng xa. Các anh cũng nhận ra Giô-sép ngay vì chiếc áo dài nhiều màu cậu đang mặc. Một người trong các anh nói: “Cái thằng nằm mơ đến kìa! Nó đến xem chúng ta đang làm gì rồi về méc với cha đấy”. Các anh đều nhìn Giô-sép cách ghen ghét. Một người khác lại nói: “Chúng ta hãy giết nó đi, quăng xuống hố sâu, rồi nói với ba là nó bị thú dữ ăn thịt rồi”.

Nhưng Ru-bên can: “Đừng giết nó! Chỉ quăng xuống hố là nó không thể nào sống nổi”. Khi Giô-sép vừa đến nơi, các anh túm lấy Giô-sép, lột chiếc áo nhiều màu ra, rồi quăng Giô-sép xuống hố. Giô-sép kêu la, khóc lóc xin các anh cứu mình nhưng họ không thèm nghe và bỏ đi. Giô-sép rất sợ hãi, vì không biết sẽ còn những gì xảy đến với mình nữa?!! Giô-sép chỉ mong được bình an trở về với cha.

Các anh ngồi lại ăn uống với nhau. Bỗng từ đằng xa, một đoàn lái buôn đi tới. Họ chở hàng hóa trên lưng các con lạc đà để đem đến Ai-cập bán. Khi các lái buôn gần đến, một người anh của Giô-sép đề nghị: “Ồ, sao chúng ta không bán Giô-sép cho đám lái buôn nầy? Họ sẽ đem nó đến Ai-cập bán làm nô lệ. Chúng ta sẽ khỏi nhìn thấy nó nữa”.

Các anh đều đồng ý, họ chạy đến kéo Giô-sép lên khỏi hố và bán với giá hai mươi nén bạc. Xong, đoàn lái buôn tiếp tục lên đường đem Giô-sép sang Ai-cập.

Các anh lấy chiếc áo nhiều màu của Giô-sép nhúng vào máu dê, đem về cho cha xem, và nói: “Chúng con vừa tìm thấy cái áo này. Ba xem có phải là cái áo mà ba đã may cho Giô-sép không?” Gia-cốp cầm chiếc áo khóc lóc thảm thiết: “Đúng là áo của con ta! Nó đã bị thú dữ cắn xé. Ôi! Giô-sép con trai của ta đã chết rồi!” Thấy cha đau buồn các anh xúm lại cố gắng an ủi. Gia-cốp khóc than và để tang cho Giô-sép lâu ngày. Các anh của Giô-sép không ai dám thú nhận với cha việc họ đã làm.

  1. Ứng dụng.

Giáo viên giúp các em ôn lại câu chuyện bằng các câu hỏi trong phần “Cùng suy nghĩ” của sách học viên.

Hướng dẫn các em học câu gốc. Sau đó hỏi: “Các anh của Giô-sép có vâng theo lời Kinh Thánh dạy không? Chúng ta có sống đúng theo câu gốc nầy không? Tại sao?” Khi các em trả lời, hãy viết ngắn gọn ý kiến của các em lên bảng. Nếu các em im lặng, gợi ý cho các em bằng câu hỏi sau đây: “Khi sống hòa thuận với người khác, chúng ta cảm thấy thế nào? Người khác nghĩ như thế nào về chúng ta?” Và kết luận: “Chúa Giê-xu dạy chúng ta phải sống yêu thương, đối xử tốt với người khác. Chúng ta phải yêu kính Chúa và vâng lời Ngài”.

Hướng dẫn các em viết hoặc vẽ hình các việc mà em có thể làm cho người thân, bạn bè, hàng xóm vào tập.

Nhắc nhở các em cầu nguyện cho các công việc mà các em định làm, xin Đức Chúa Trời giúp các em sống hòa thuận với mọi người.

Khuyến khích các em đem tập học viên về cho ba mẹ xem và tham khảo phần “Sinh hoạt gia đình”.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 3/2024

in ẤU NHI on 28 Tháng Năm, 2024

BÀI 5. ĐI ĐẾN NHÀ THỜ

I. KINH THÁNH: Lu-ca 2:21-40.

II. CÂU GỐC: “Chúng ta hãy đi đến nhà Đức Giê-hô-va.” (Thi thiên 122:1b).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Ma-ri, Giô-sép đem em bé Jêsus đến đền thờ để dâng cho Chúa.

– Cảm nhận: Trung tín đi nhà thờ là bày tỏ lòng yêu mến Đức Chúa Trời.

– Hành động: Đi nhà thờ, hát ca ngợi Chúa, cầu nguyện cảm tạ Đức Chúa Trời.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ: Sinh Hoạt Gia Đình.

* Chuẩn bị:

– Vài bộ quần áo trẻ em (nam, nữ).

– Một đôi giày đàn ông, một túi xách phụ nữ.

            * Cách thực hiện:

“Hôm nay cả nhà chúng ta sửa soạn đi nhà thờ nhé! Bộ quần áo này là của em Tân, còn bộ này là của chị Mai. Đôi giày này là của ba. Cái túi xách này là của mẹ. Ba bảo đã đến giờ cả nhà đi nhà thờ rồi đó. Em có cảm thấy vui vẻ không?” Giáo viên nên giúp cho các em hiểu được có cơ hội đi nhóm lại ở nhà thờ thì phải cảm tạ Chúa.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

            * Chuẩn bị:

– Thị trợ: Hình Ma-ri ẵm em bé ngồi trên lưng lừa, Giô-sép, cảnh đền thờ, Ma-ri (đứng, ẵm em bé), Si-mê-ôn, 2 con chim bồ câu.

– Hình một người mẹ nắm tay dắt một em bé đi nhà thờ.

  1. Vào đề.

(Giáo viên vừa kể chuyện vừa trình bày thị trợ).

Các em có nhớ lần đầu tiên mình đi nhà thờ là do ba mẹ hay người khác dẫn đi? Trong số các em cũng có em giống như em bé trong hình này, được mẹ dẫn đi nhà thờ (giáo viên đưa hình cho các em xem). Có thể lúc đó các em còn quá nhỏ nên không nhớ được, phải không? Kinh Thánh cũng có kể về một em bé nhỏ xíu được cha mẹ đem đến nhà thờ. Đó là em bé Jêsus.

  1. Bài học.

Hôm đó là một ngày nắng đẹp, Ma-ri dùng khăn bọc con trai mình lại, vì Ma-ri và Giô-sép sẽ đưa con mình đến đền thờ để dâng cho Chúa.

Ma-ri và Giô-sép cỡi lừa, vượt qua núi đồi, đi một đoạn đường xa để đến nhà thờ. Họ nhóm thờ phượng Chúa và dâng em bé Jêsus. Khi các em còn nhỏ xíu, ba mẹ cũng dâng các em cho Chúa giống như vậy đó. Trong đền thờ có một ông cụ tên là Si-mê-ôn. Ông cụ nhìn thấy em bé Jêsus thì nhận biết đó chính là Cứu Chúa mà Đức Chúa Trời đã hứa ban.

Ma-ri trao Jêsus cho cụ Si-mê-ôn. Ông cụ nhẹ nhàng bồng lấy và cầu nguyện: “Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài cho con được nhìn thấy Cứu Chúa mà Ngài sai đến. Con cảm tạ Ngài”.

Nhóm xong, họ vui vẻ đưa con trẻ trở về. Đây là lần đầu tiên em bé Jêsus đến nhà thờ.

Các em cũng được ba mẹ đưa đến nhà thờ để thờ phượng Chúa. Các em hãy vui mừng và cảm tạ Chúa nhé.

  1. Ứng dụng.

Hỏi lại các em: Ông Giô-sép và bà Ma-ri đem Chúa Jêsus đi đâu? Cụ Si-mê-ôn nhận biết em bé Jêsus là ai? Mỗi lần được đến nhà thờ để thờ phượng Chúa, các em phải thế nào?

Giáo viên hướng dẫn các em đọc câu gốc nhiều lần.

C. GIỜ THỦ CÔNG.

* Chuẩn bị:

– Bài tập số 5, cắt hình bé trai, bé gái, quyển Kinh Thánh (của tập học viên).

– Hồ dán.

* Cách thực hiện:

 Giáo viên cho các em xem bài tập số 5 của tập học viên và hướng dẫn các em dán những hình đã cắt vào những chỗ thích hợp. Gấp theo những đường thẳng đứt đoạn, từ lề phải gấp vào một lần, và tiếp tục một lần nữa. Khi làm xong, giáo viên bắt đầu mở cửa và gợi ý cho các em nói lên ý nghĩa của mỗi hình vẽ.

* Dặn dò: Tuần sau em nào có (hoặc chỉ định vài em) hình chụp chung cả gia đình thì mang theo.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in THIẾU NHI on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 5. SỐNG CHÂN THẬT.

I. KINH THÁNH: Sáng thế ký 25:27-34, 27:1-45.

II. CÂU GỐC: “Tình yêu thương… chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật” (I Côrinhtô 13:5-6).

III. BÀI TẬP. 

  1. Lời ai đã nói?

Em đọc những lời sau đây rồi lựa chọn tên người đã nói những lời đó từ thùng tên và điền vào chỗ trống sao cho thích hợp.

 

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in THIẾU NHI on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 5. SỐNG CHÂN THẬT

I. KINH THÁNH: Sáng thế ký 25:27-34, 27:1-45.

II. CÂU GỐC: “không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật.” (1Cô-rinh-tô 13:5-6).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Bằng sự lừa dối, Gia-cốp đã đoạt quyền trưởng nam và lời chúc phước dành cho anh mình.

– Cảm nhận: Trong tình yêu thương không có sự lừa dối.

– Hành động: Sống chân thật và đối xử công bằng với mọi người trong gia đình.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

1. Sinh hoạt thứ nhất: Quyền lợi đặc biệt.

    a. Mục đích: Giúp các em nhận biết bối cảnh của câu chuyện Kinh Thánh này.

    b. Tài liệu: Trang tư liệu C sách học viên.

    c. Thực hiện: Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay có đề cập đến quyền trưởng nam và giá trị của lời chúc phước. Cho các em mở sách học viên trang tư liệu C, và theo chỉ dẫn hoàn thành bài tập.

2. Sinh hoạt thứ hai: Em sẽ nói gì?

    a. Mục đích: Qua các tình huống, giúp các em tập luyện cách cư xử với những người thân trong gia đình.

    b. Chuẩn bị: Ghi các câu hỏi tình huống vào giấy, gấp lại.

    c. Thực hiện: Giáo viên bỏ các tờ giấy ghi tình huống vào một cái hộp. Chia hai em một tổ, mỗi tổ bóc một tình huống và dựa theo tình huống đó mà trả lời (có thể thực hiện theo phương pháp đóng kịch, nên giới hạn thời gian).

* Các tình huống gợi ý như sau.

– Mẹ đã bảo con cất sách vở gọn gàng, nhưng tại sao con vẫn chứng nào tật nấy vậy hả?

– Em xin lỗi! Em đã làm hư bút máy của chị rồi!

– Ba ơi! Anh Hai đánh con!

– Con đã nói dối mẹ để đi chơi phải không?

– Mẹ ơi! Các chị đang cãi nhau kìa!

– Hu…hu…hu… Sao anh bẻ gãy tay con búp bê của em!

– Chị ơi! Cái áo em dơ rồi nè!

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

(Giáo viên chuẩn bị một ít kẹo và bánh).

Các em thân mến! Cô có một ít kẹo và bánh ở đây. Có em nào đồng ý đổi cho cô vật gì mà em yêu thích nhất để lấy chúng không? Tại sao các em có quyết định như vậy? (Cho các em tự do trả lời). 

Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay nói về một cuộc trao đổi giữa hai anh em. Chúng ta cùng xem đây có phải là một cuộc trao đổi công bằng không nhé!

  1. Bài học.

Y-sác và vợ là Rê-bê-ca có hai con trai sinh đôi. Các em thấy thông thường những người sinh đôi thì như thế nào? (Giống nhau, thậm chí có người giống nhau về sở thích, tính tình). Nhưng hai con trai sinh đôi của Rê-bê-ca thì không giống nhau. Người anh sinh ra trước, thân thể đỏ hồng và toàn thân đầy lông, nên cha mẹ đặt tên là Ê-sau, có nghĩa là nhiều lông. Người em sinh ra liền sau đó, tay nắm gót chân người anh nên cha mẹ đặt tên là Gia-cốp, có nghĩa là nắm gót.

Thời gian trôi qua, Ê-sau và Gia-cốp đều đã trưởng thành. Chúng ta không biết hai anh em đã trải qua tuổi thơ như thế nào, nhưng Ê-sau thì năng động, suốt ngày chỉ thích dong ruổi ngoài đồng săn bắn. Trong khi đó, Gia-cốp thì thích ở yên tĩnh trong nhà, phụ giúp mẹ. Vì vậy, bà Rê-bê-ca yêu thương Gia-cốp hơn, còn ông Y-sác thì yêu thương Ê-sau hơn.

Ê-sau không quan tâm đến việc gì hơn là săn bắn, ngay cả quyền trưởng nam, chàng cũng xem nhẹ. Địa vị trưởng nam đối với người Do-thái có quyền lợi rất lớn (Cho các em đã thực hiện phần sinh hoạt thứ nhất chia sẻ).

Một hôm, Gia-cốp ở nhà đang nấu canh đậu đỏ, thì Ê-sau đi săn về mồ hôi nhễ nhại. Chàng vừa mệt vừa đói. Mùi thơm của canh đậu đỏ bốc lên khiến Ê-sau càng đói cồn cào. Ê-sau liền nói với Gia-cốp: “Anh đói quá! Cho anh một chén canh gì đỏ đỏ đó được không?” Các em đọc Sáng thế ký 25:30-33 xem Gia-cốp có cho Ê-sau ăn không? (Mời hai em nam đọc đối thoại phần nầy).

Các em thấy cuộc trao đổi này có công bằng không? Tất cả chúng ta đều thấy không công bằng, nhưng Ê-sau thì không quan tâm, miễn sao giải quyết cơn đói là được. Các em nghĩ như thế nào về hành động của Ê-sau và Gia-cốp? (Cho các em tự do phát biểu).

Việc này rồi cũng trôi qua. Một thời gian khá lâu sau đó, cha của Ê-sau và Gia-cốp đã già. Ông cảm thấy mình sắp qua đời nên muốn chúc phước cho Ê-sau, con trai trưởng nam của ông. Chúc phước có nghĩa là gì? (Cho các em đã hoàn thành phần sinh hoạt thứ nhất trả lời).

Trước khi chúc phước cho con, Y-sác muốn ăn một món ngon được chế biến từ thịt thú rừng mà Ê-sau săn được. Ê-sau liền vội vã cầm cung tên ra đồng.

Trước khi Ê-sau trở về, thì ở nhà đã xảy ra một việc. Bà Rê-bê-ca  nghe được cuộc nói chuyện giữa hai cha con, nên cùng Gia-cốp lập mưu để người cha chúc phước cho Gia-cốp, chứ không phải cho Ê-sau. Các em đọc Sáng thế ký 27:9-10 xem Rê-bê-ca bày mưu cho Gia-cốp như thế nào?

Chờ mẹ nấu xong, Gia-cốp lấy áo của anh mình mặc vào, lấy da dê bọc hai tay và choàng quanh cổ để giả làm Ê-sau (vì Ê-sau có nhiều lông), rồi bưng thức ăn đến mời cha.

Lúc bấy giờ, đôi mắt của Y-sác đã mờ, nên Gia-cốp nói dối mình là Ê-sau. Cha chàng cảm thấy là lạ nên bảo con đến gần, và lấy tay rờ xem có đúng là Ê-sau không. Y-sác không thể hiểu được vì ông nghe giọng nói thì giống con trai út, còn đôi tay thì giống con trai trưởng. Để cho chắc chắn, Y-sác hỏi một lần nữa: “Con có phải là Ê-sau không?” Gia-cốp thưa: “Thưa cha! Phải, con là Ê-sau đây”. Y-sác liền ăn và sau đó chúc phước cho Gia-cốp, mà cứ tưởng là chúc phước cho con trưởng nam của mình. Các em đọc Sáng thế ký 27:27-29 xem Gia-cốp được phước gì? (Được Đức Chúa Trời ban mọi thứ tốt nhất, được quyền trên các anh em mình).

Sau đó, Ê-sau trở về nhà và vội vàng làm thức ăn dâng lên cho cha. Lúc này, Y-sác mới biết mình bị con trai út lừa, còn Ê-sau thì biết mình đã bị cướp mất lời chúc phước dành cho con trưởng nam. Các em nghĩ Ê-sau cảm thấy thế nào? (Căm giận). Ê-sau định bụng chờ cha qua đời sẽ giết Gia-cốp để trả thù. Vì thế, Gia-cốp phải chạy đến nhà cậu mình để trốn khỏi cơn tức giận của Ê-sau. Tình cảm gia đình rạn nứt. Anh em thù ghét nhau, và bà Rê-bê-ca phải xa cách đứa con trai yêu dấu của mình. Sự lừa dối đã đem đến nỗi buồn cho gia đình của Y-sác.

  1. Ứng dụng.

     a. Ôn lại câu chuyện.

Cho các em mở sách học viên bài số 5, và theo gợi ý hoàn thành bài tập “Lời ai đã nói”. Sau đó hỏi các em: “Mỗi lời nói có gì sai, hoặc hành động nào không công bằng?” Gia-cốp đã làm hai việc gì không công bằng với Ê-sau? Điều đó mang lại hậu quả gì?

     b. Học câu gốc.

Cho các em đọc câu gốc, sau đó thảo luận: “Một người sống chân thật thì sẽ có những biểu hiện như thế nào trong đời sống?” (…không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật). “Điều gì giúp chúng ta có thể sống chân thật với mọi người?” (Tình yêu thương).

     c. Áp dụng vào đời sống.

Trong gia đình đôi khi cũng có những xích mích xảy ra. Cho các em theo gợi ý làm bài tập “Đừng mắc câu”, sau đó chia sẻ: “Làm thế nào để có thể tránh những sai lầm đó?” (Cho các em chia sẻ những gì đã viết).  

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in NHI ĐỒNG on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 5. CA NGỢI CHÚA

I. KINH THÁNH: Lu-ca 19:29-40; Ma-thi-ơ 21:1-11.

II. CÂU GỐC: “Hãy hát cho Đức Giê-hô-va một bài ca mới, vì Ngài đã làm các phép mầu.”(Thi Thiên 98:1a).

III. BÀI HỌC.

   Chúa Jêsus cỡi lừa đi vào thành Giê-ru-sa-lem trongtiếng tung hô, ca ngợi của dân chúng. Họ trải áo xuống đường và phất những nhành cây để chào đón Ngài. Dân chúng mừng rỡ hô to: “Chào mừng Vua của chúng ta! Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một Vị Vua! Ngài mang đến bình an và vinh hiển!”

  1. CÙNG SUY NGHĨ.

   Xem hình và trả lời các câu hỏi:

  1. Đám đông biểu lộ sự mừng rỡ như thế nào?

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

  1. Đám đông chào đón Chúa Jêsus ra sao?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

  1. Nếu lúc đó emcó mặt trong số người chào đón Chúa Jêsus, em sẽ nghe những gì? Ngửi thấy điều gì? Nhìn thấy gì? Nói những gì?

………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………….

 

EM CA NGỢI CHÚA (vẽ hoặc viết ra)

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in NHI ĐỒNG on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 5. CA NGỢI CHÚA

I. KINH THÁNH: Lu-ca 19:29-40; Ma-thi-ơ 21:1-11.

II. CÂU GỐC: “Hãy hát cho Đức Giê-hô-va một bài ca mới, vì Ngài đã làm các phép mầu.”(Thi Thiên 98:1a).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Chúa Jêsus được mọi người cangợi.

– Cảm nhận: Dân chúng vui mừng can gợi Chúa Jêsus vì Ngài làm nhiều việc kỳ diệu cho họ.

– Hành động: Ca ngợi Chúa Jêsus bằng Thánh ca, làm chứng về những điều kỳ diệu Ngài đã làm và cầu nguyện cảm tạ Ngài.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

*Vui cắt dán.

  1. Mục đích: Giúp các em bày tỏ sự vui mừng vì những điều Chúa Jêsus đã làm cho em.
  2. Vật liệu: Một tờ giấy bìa cứng lớn, những hình ảnh có nét mặt vui vẻ (cắt từ những tạp chí), keo dán, kéo, giấy màu, giấy trắng, viết chì màu.

   Viết giữa tờ giấy bìa dòng chữ lớn: “Chúa Jêsus làm cho các em vui mừng”.

   Khi lên lớp, cho các em đọc to những chữ trên tờ giấy bìa, rồi mỗi em lần lượt chọn một tấm hình vui (hoặc lấy một tờ giấy trắng và vẽ một khuôn mặt vui), dán lên giấy cứng. Sau đó các em cùng nhau dán giấy màu trang trí lên bốn góc tờ giấy cứng tạo thành một khung hình “Vui cắt dán” nhiều màu đẹp mắt.

   Sau khi các em làm xong, mỗi em phải kể ít nhất một việc Chúa Jêsus đã làm cho các em. Giáo viên cùng chia sẻ niềm vui của mình với các em.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị lá kè hoặc các lá cây to bản).

  1. Vào đề.

   Hôm ấy là ngày lễ của người Do Thái, các con đường vào thành Giê-ru-sa-lem đầy ắp những khách từ phương xa đến đền thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời. Mọi người đều lộ vẻ hân hoan.

  1. Bài học.

   Bỗng con đường từ Giê-ri-cô đến Giê-ru-sa-lem náo nhiệt hẳn lên. Đám đông vây quanh một nhóm người đang đi, nhóm người đó chính là Chúa Jêsus và môn đồ trên đường đến dự lễ. Đoàn dân đông liền đi theo Ngài.

   Khi họ đến một ngôi làng gần thành Giê-ru-sa-lem, Chúa Jêsus dừng bước, Ngài bảo hai môn đồ: “Bây giờ các con đi vào làng, sẽ thấy một con lừa con chưa từng có ai cỡi, hãy dắt về đây cho Ta. Nếu có người hỏi: “Các anh làm gì vậy? ”thì trả lời rằng: “Chúa cần dùng con lừa nầy”.

   Hai môn đồ liền vâng theo lời Chúa, dù họ không hiểu tại sao Chúa lại cần dùng đến lừa khi họ đã đi gần đến thành Giê-ru-sa-lem.

   Đúng như Lời Chúa phán, họ thấy một con lừa con buộc trước cửa một ngôi nhà bên đường. Họ liền đến mở dây cột lừa. Bỗng có người la lớn: “Các ông làm gì vậy?” Tiếng la tiếp tục: “Tại sao các ông lại mở dây buộc lừa?” Chủ của con lừa ấy đã nhìn thấy họ. Môn đồ đáp: “Chúa cần dùng nó”. Người chủ cho họ dẫn lừa đi. Chắc ông ấy rất vui khi biết Chúa Jêsus sử dụng con lừa của mình.

   Hai môn đồ dắt lừa đến nơi Chúa Jêsus và đoàn dân đông đang đợi. Họ trải áo lên lưng lừa cho Chúa Jêsus ngồi. Khi vào thành Giê-ru-sa-lem, dân chúng trải áo và lá kè cho lừa đi qua, nhiều người phất các nhánh cây đón mừng. Mọi người đều muốn dành vinh dự cao nhất cho Chúa Jêsus vì Ngài đã làm nhiều phép lạ. Họ hy vọng Ngài sẽ làm vua của họ.

   Đoàn dân theo Chúa Jêsus vừa tiến vào thành Giê-ru-sa-lem vừa hoan hô, ca ngợi: “Hoan nghinh vua của chúng ta! Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một vị vua! (Cho các em xem hình rồi cầm lá kè hoặc các nhánh cây hát hoặc hô to: “Hô-sa-na! Hô- sa-na!”

   Tin Chúa Jêsus vào thành phố nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Dân chúng đều hô to: “Vua của chúng ta đã vàothành! Ngài đem cho chúng ta sự bình an và vinh hiển!” Nhưng có một số người bực tức vì những tiếng tung hô nầy. Họ không tin Chúa Jêsus là Chúa Cứu Thế mà Đức Chúa Trời sai đến. Thế là họ chen đến gần Chúa Jêsus và nói với Ngài rằng: “Xin thầy la rầy các môn đồ và bảo họ im đi”.

   Chúa Jêsus trả lời: “Nếu họ im lặng thì đá cũng sẽ lên tiếng hô to”. Chúa Jêsus là Chúa Cứu Thế do Đức Chúa Trời sai đến, nên Ngài biết những lời tung hô của dân chúng là sự thật.

   Chúa Jêsus cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem trong tiếng reo hò ca ngợi của dân chúng. Một số người trong thành lấy làm lạ, họ hỏi: “Người đó là ai? Vì sao được mọi người tung hô như vậy?” Có người trả lời: “Ngài là Jêsus ở Na-xa-rét, là Đấng mà Đức Chúa Trời sai đến!”

   Các em thân mến, Chúa Jêsus thật là Đấng đáng cho chúng ta ca ngợi. Ngày nay các em cũng có thể ca ngợi Ngài bằng cách thuật lại sự vĩ đại, kỳ diệu của Chúa, hát Thánh ca và cảm tạ Ngài.

  1. Ứng dụng.

  Cho các em đọc bài học và sử dụng các câu hỏi trong phần “Cùng suy nghĩ” để giúp các em hiểu nội dung câu chuyện.

  Cho các em làm phần “Em ca ngợi Chúa”. Các em có thể vẽ hình hoặc viết chữ lên phần để trống để bày tỏ các em sẽ ca ngợi Chúa như thế nào (xem hình).

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 5. NGƯỜI ĐÁNH CÁ VUI MỪNG

I. KINH THÁNH: Giăng 21:3-11.

II. CÂU GỐC: “Lạy Đức Giê-hô-va, con sẽ rửa tay trong sự vô tội, và đi vòng quanh bàn thờ của Ngài” (Thi thiên 21:6).

III. BÀI HỌC.

Phi-e-rơ và các bạn ông vui mừng vì Chúa Jêsus thật đã sống lại và hiện ra, giúp đỡ họ.

* Chúa Jêsus giúp đỡ ai? Việc gì? Em cho biết và tô màu hình vẽ.

* Em giúp bạn việc gì? Em tô màu lên vật dụng mà em giúp bạn nhé.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

in ẤU NHI on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 5. NGƯỜI ĐÁNH CÁ VUI MỪNG

I. KINH THÁNH: Giăng 21:3-11.

II. CÂU GỐC: “Lạy Đức Giê-hô-va, con sẽ rửa tay trong sự vô tội, và đi vòng quanh bàn thờ của Ngài” (Thi thiên 21:6).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Phi-e-rơ rất vui khi biết Chúa thật đã sống lại.

– Cảm nhận: Chúa luôn muốn làm cho chúng ta vui mừng.

– Hành động: Tin và trông cậy nơi Chúa luôn luôn.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Chuẩn bị:

– Vài con cá, một lưới bắt cá, một cái thau nhựa lớn.

* Thực hiện:

– Bỏ cá vào trong thau nước, cho các em biết về lưới bắt cá. Dùng lưới để bắt cá trong thau cho các em thấy để các em hiểu là bắt được cá không phải dễ dàng. Cá chúng ta ăn là do công người đánh cá rất khó nhọc mới có được. (Có thể cho các em dùng lưới bắt thử cá, nhưng phải giữ trật tự và phải cẩn thận, nếu không lớp học sẽ bị ướt).

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

* Chuẩn bị: Một nắm cát, hình những bãi biển.

  1. Vào bài.

Các em thân mến, các em thấy dùng lưới bắt cá có dễ không? (Cho các em trả lời). Các em có biết đây là cái gì không? (Cho các em nhìn cát và sờ tay vào, rồi trả lời). Đúng rồi, đây là cát. Cát thì có ở đâu, các em? Đúng, có ngoài bờ biển (cho xem hình bãi biển). Em nào đã từng đi tắm ở biển rồi? (Để các em trả lời). Biển rất là lớn, rộng, phải không? Bắt cá ở trong thau đã khó rồi mà ở ngoài biển rộng, còn khó hơn nhiều. Chúng ta thử làm quen với những người đánh cá xem nhé!

  1. Bài học.

Một hôm, những người bạn của Chúa Jêsus ra biển đánh cá (cho xem hình những người buông lưới), nhưng lâu thật lâu, suốt cả đêm hôm đó, cũng chẳng được một con cá nào. Họ rất buồn. Ngay lúc đó, Chúa Jêsus ở trên bờ biển gọi họ (đổi giọng): “Các bạn có đánh được cá không?” Những người bạn đánh cá không biết đó là Chúa Jêsus, họ trả lời (giọng buồn bã): “Chúng tôi đánh từ đêm đến giờ mà không được gì cả!” Chúa Jêsus bảo họ: “Hãy chèo ra xa và thả lưới bên phải chiếc thuyền!” Họ rất mệt mỏi vì đã qua một đêm đánh cá bận rộn và nản lòng vì không được gì cả. Nghe người nầy bảo vậy, họ không biết sẽ thế nào, nhưng cứ thử xem! Họ lại chèo thuyền ra xa, buông lưới bên phải thuyền và chờ đợi. Ồ, chiếc lưới động đậy dưới nước. Họ thử nắm chiếc lưới, kéo nhẹ. Không được! Chiếc lưới nặng lắm! Một người kéo, hai người kéo, rồi ba người, bốn người… vẫn không nổi! Phải kêu thêm người phụ giúp kéo lưới lên và họ thấy cá trong lưới thật là nhiều! Họ vui mừng quá, chèo thuyền trở vào bờ, gặp Chúa và cảm ơn Ngài. Chúa Jêsus bảo họ: “Các anh đem cá đến đây, tôi sẽ nướng và chúng ta cùng ăn”. Tuy nhiên Chúa Giê xu đã chuẩn bị sẵn cá và bánh rồi. Lúc ấy có vài người trong họ đã đoán biết ra là Chúa Jêsus, vì khi Chúa còn sống với họ, Ngài đã từng làm nhiều phép lạ như thế, nhưng họ không dám hỏi Chúa.

Chúa Jêsus và những người đánh cá cùng ngồi ăn uống vui vẻ trên bãi biển (cho xem hình). Ngài biết họ đã thả lưới rất lâu rồi nhưng không được con cá nào, nên Ngài đến giúp đỡ họ. Chúa Jêsus cũng biết rằng họ sẽ đói bụng sau khi đánh cá xong, nên Ngài đã chuẩn bị sẵn thức ăn cho họ. Chúa Jêsus yêu thương những người bạn của mình quá, phải không các em? Về phần những người nầy, họ vui vì Chúa giúp họ đánh được nhiều cá, nhưng vui hơn nữa là vì biết Chúa của họ thật sự đã sống lại và họ không còn buồn bã nữa.

  1. Ứng dụng.

Các em thân mến, chúng ta có phải là bạn của Chúa Jêsus không? Chúa Jêsusrất thích chúng ta làm bạn của Ngài. Ngài sẽ yêu thương và giúp đỡ chúng ta giống như đã yêu thương những người đánh cá đó vậy. Chúa thật đã sống lại và hiện ra, giúp đỡ họ. Chúa cũng luôn ở cùng và giúp đỡ các em trong mọi sự, các em có vui mừng và nhờ cậy nơi Chúa không?

C. BÀI TẬP.

– Hướng dẫn các em làm bài tập “Chúa Jêsus giúp đỡ ai? Việc gì?”: Để các em nói lên Chúa Jêsus đã giúp đỡ ai, giúp việc gì rồi tô màu hình vẽ.

– Làm bài “Em giúp bạn việc gì?”: Tô màu vải lau là vật dụng mà em giúp đỡ bạn.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp NHI ĐỒNG (6-8 TUỔI) –QUÝ 1/2024

in NHI ĐỒNG on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 5. CON RẮN LỬA VÀ CON RẮN ĐỒNG.

I. KINH THÁNH: Dân số ký 20:1-21; 21:4-9.

II. CÂU GỐC: Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy. (Giăng 3:36).

III. BÀI TẬP.

A. MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH GIAN NAN.

Em hãy chọn những từ đúng, và gạch bỏ những từ sai trong câu chuyện dưới đây.

Khi đi trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên thường oán trách/vui sướng.  Để dạy họ một bài học, Đức Chúa Trời sai con rắn lửa/rắn lục đến cắn họ. Có rất nhiều người bị rắn cắn chết! Dân Y-sơ-ra-ên xin Môi-se lấy thuốc/cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời bảo Môi-se làm một con rắn đồng rồi treo lên một cây sào/ngọn cây. Bất cứ ai bị rắn cắn, nhìn vào/ sờ vào thì được chữa lành.

Vì sao Đức Chúa Trời bảo dân Y-sơ-ra-ên nhìn vào con rắn đồng mới được chữa khỏi?

B. NÊN LÀM THẾ NÀO?

Khi những khó khăn xảy đến, em có oán trách không? Em xem các hình vẽ dưới đây, rồi viết ra lời “oán trách” hay “tin cậy” nơi Đức Chúa Trời.