Chuyên mục: LỊCH SỬ THÁNH CA

NGUYỆN TỤNG MỸ CHÚA LINH NĂNG

in LỊCH SỬ THÁNH CA on 19 Tháng Ba, 2015

NGUYỆN TỤNG MỸ CHÚA LINH NĂNG
(Thánh ca TLVN -02)
Joachim Neander (1680).
Martin Luther là vị lãnh đạo tinh thần cuộc cải chánh tại nước Đức, sau đó John Calvin lãnh đạo tại Pháp. Vì bị Công giáo La Mã bách hại nên những người thuộc phái Calvin phải trốn sang Đức, mang theo niềm tin chân chính và ao ước được hát tôn vinh Chúa trong thờ phượng. Lúc đó nhiều thanh niên Đức ảnh hưởng phong trào đi du học, một số về nước mang theo cuốn Geneval Psalter và sách giáo lý của Calvin. Từ đó, các Hội Thánh thuộc giáo phái Calvin phát triển nhanh chóng.
Một cuộc phục hưng đã làm nóng lại các trái tim đã nguội lạnh vì chiến tranh. Ảnh hưởng nầy nhanh chóng lan tràn giữa các Hội Thánh Cải chánh. Tuy nhiên, một số người trong phái Calvin không đồng tình cho toàn thể Hội Thánh hát tôn vinh. Khi đó, thi sĩ Joachim Neander đã sáng tác bản Thánh ca bất hủ “Nguyện Tụng Mỹ Chúa Linh Năng”.
Joachim Neander sinh năm 1650 tại Premen, trong một gia đình yêu mến Chúa đã nhiều đời. Năm 16 tuổi, Neander gia nhập Hội Mỹ Thuật Premen, bắt đầu sống đời sống nghệ sĩ phóng đãng cho đến năm 20 tuổi.
Một hôm, ông và người bạn đang nghe giảng tại nhà thờ. Những lời giảng mãnh liệt của diễn giả đã đốt cháy cái vỏ hoài nghi, phỉ báng mà ông vẫn khoác cho mình. Sau giờ thờ phượng, ông xưng nhận đức tin với Mục sư Under Eyck. Ông tái sinh thành một người mới và giao phó hết đời mình cho Giê-xu Christ.
Hai biến cố khác đã ảnh hưởng lớn trên đời sống thuộc linh của ông. Biến cố thứ nhất xảy ra trong một cuộc đi săn trong một vùng đồi cây cối rậm rạp và nhiều đá. Sinh mạng đang lâm nguy, ông bèn cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và đã dâng trọn đời mình cho Ngài. Biến cố thứ hai xảy ra ở Frankfurt, khi ông quen biết với Jakob Spencer, người sáng lập Tân Phái, chủ trương thánh hóa đời sống tín đồ. Phái nầy có vẻ cực đoan nhưng rất có ích khi đời sống thuộc linh nguội lạnh.
Năm 1674, Joachim Neander làm Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm tại Pusseldorf. Tại đây ông bị chính quyền làm khó dễ vì chủ trương cực đoan trong tôn giáo. Sau đó ông bị cách chức và bị xúc phạm nặng nề. Học sinh an ủi ông rất nhiều. Ít lâu sau, ông được phục chức, nhưng chức vụ nhỏ hơn.
Năm 1679, ông được gọi về Premen để làm phụ tá cho Mục sư Theodore Under Eyck tại Hội Thánh Martin, là nơi ông tin Chúa. Ông hầu việc Chúa tại đó rồi qua đời vì bệnh lao phổi.
Catherine Winkworth là người đã dịch bài Thánh ca của Joachim Neander. Bà là một phụ nữ người Anh, sinh năm 1827, có biệt tài dồi dào về việc phiên dịch Thánh ca Cơ Đốc. Bà phiên dịch nhiều Bài Thánh ca, trong đó có bài “Nguyện Tụng Mỹ Chúa Linh Năng”.

HỠI THÁNH VƯƠNG, KÍP NGỰ LAI

in LỊCH SỬ THÁNH CA on 19 Tháng Ba, 2015

1. HỠI THÁNH VƯƠNG, KÍP NGỰ LAI
(Thánh ca TLVN -01)
Charles Wesley sinh ngày 18 tháng 12 năm 1707 tại Epworth, Lincolnshire, Anh quốc. Charles Wesley là một trong ba người đã sáng lập Phong Trào Giám Lý. Hai người còn lại là John Wesley, anh ruột của Charles, và George Whitefield một nhà truyền giảng khác. Mặc dầu hai anh em rất thân nhau và có cùng một chí hướng, nhưng John Wesley và Charles Wesley có vài khác biệt. John Wesley trình bày niềm tin Cơ Đốc giáo qua những bài giảng và sách báo. Charles Wesley thực hiện những điều đó qua âm nhạc và Thánh ca. John Wesley, dầu trái với ý muốn, đã tách ra khỏi Anh giáo. Charles Wesley, ngược lại, vẫn trung thành phục vụ trong Giáo hội Anh cho đến cuối đời.
Tiểu sử.
Charles Wesley là con trai của bà Susanna Wesley và Mục sư Samuel Wesley. Giống anh mình, Charles Wesley ra đời tại Epworth Lincolnshire, Anh quốc khi Samuel Wesley quản nhiệm nhà thờ tại đó. Charles Wesley theo học tại Westminster School, rồi nối gót anh mình vào Christ Church College, một trường thuộc Đại Học Oxford danh tiếng của nước Anh.
Tại Đại học, nhận thấy đời sống thiếu đạo đức trong xã hội thời đó, Charles Wesley thành lập một nhóm học Kinh Thánh và cầu nguyện (1727). Một số bạn cùng học hưởng ứng và tham gia. John Wesley tham gia nhóm này vào năm 1729 và sau đó trở thành người lãnh đạo. George Whitefield sau đó cũng tham gia. Ngoài giờ học, các sinh viên này dành thì giờ học Kinh Thánh, cầu nguyện, làm việc, giúp đỡ những người nghèo, thăm viếng những người bị tù do thiếu nợ của những quý tộc thời đó. Vì thì giờ eo hẹp, để có thể làm được tất cả những điều này, John và Charles Wesley cùng những người bạn phải đặt thời khóa biểu chính xác: giờ nào tương giao với Chúa, giờ nào dành cho chính mình và giờ nào dành cho tha nhân. Những sinh viên khác trong trường chế giễu những người này, gọi họ là “Câu lạc bộ Thánh” (Holy Club) và những “người làm việc theo phương pháp” (Methodist). Phong Trào Giám Lý khởi đầu từ đó. Về sau, những từ ngữ chọc ghẹo này đã trở thành tên chính thức của Giáo Hội Giám Lý. Thuật từ Methodist khi dịch sang tiếng Việt gồm hai chữ: “Giám” nghĩa là soi xét, so sánh, đối chiếu; và “Lý” là đạo lý, nguyên lý, lý luận và chỉnh lý. Thuật từ này thể hiện quan điểm của tín hữu Giám Lý: so sánh những điều xảy ra trong cuộc sống với những nguyên tắc được dạy dỗ trong Thánh Kinh, phân tích để tìm hiểu và sửa lại cho đúng với căn nguyên.
Sau khi tốt nghiệp tại Đại học Oxford, Charles Wesley được phong chức Mục sư vào năm 1735. Sau đó, ông cùng anh mình là John Wesley dâng mình làm truyền giáo tại Georgia, Hoa Kỳ trong một năm. Lúc đó, Hoa Kỳ vẫn còn là thuộc địa của Anh. Sau đó, hai anh em quay lại nước Anh và khởi xướng Phong trào Giám lý. Phong trào bộc phát từ năm 1739. Phong trào bị bách hại rất nhiều bởi giới lãnh đạo Anh giáo, nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1785 đã có hơn 150.000 tín hữu.
Trong khi John Wesley dùng bài giảng và ngòi viết của mình để chia sẻ niềm tin, Charles Wesley dùng âm nhạc và Thánh ca. Ông viết gần năm ngàn năm trăm bài Thánh ca về đức tin và sinh hoạt của tín hữu Cơ Đốc. Những bài Thánh ca này thể hiện những quan điểm thần học sâu sắc, ảnh hưởng sâu đậm trên Phong trào Giám Lý vào lúc đó. Một số nhà nghiên cứu nhận định rằng những bài giảng của John Wesley được lắng nghe bởi một số người vào thời đó, nhưng những Thánh ca của Charles Wesley khích lệ hàng triệu người khắp thế giới cho đến bây giờ. Trong suốt gần ba trăm năm qua, những Thánh ca của Charles Wesley được hát khắp nơi; không phải chỉ trong cộng đồng 75 triệu tín hữu Giám Lý khắp thế giới nhưng trong nhiều giáo phái Tin lành Cải cách và trong các nhà thờ Công giáo. Bên cạnh đó, Charles Wesley cũng viết lời cho hơn hai ngàn ca khúc khác.
Năm 1749, Charles Wesley thành hôn với Sarah Gwynne, một thiếu nữ trẻ, con gái của Marmaduke Gwynne, một người giàu có tại xứ Welsh. Khác với vợ của John Wesley, vợ của Charles Wesley ủng hộ ông rất nhiều trong chức vụ Mục sư. Bà theo và ủng hộ chồng trong nhiều chương trình truyền giảng khắp Anh quốc.
Charles and Sarah có 8 người con, nhưng chỉ có 3 người sống sót. Một người mang tên cha là Charles Wesley (1757-1834), một người mang tên mẹ là Sarah Wesley và một người mang tên ông nội là Samuel Wesley (1766-1837). Cả hai người con trai Samuel và Charles, thừa hưởng tài năng âm nhạc của cha. Họ là những nhà phong cầm và soạn nhạc xuất sắc. Tuy nhiên, chỉ có con của Samuel Wesley là Samuel Sebastian Wesley, về sau đã trở thành một nhà soạn nhạc danh tiếng của Anh quốc vào thế kỷ 19.
Charles Wesley từ trần ngày 29 tháng 3 năm 1788.
Những bài Thánh ca nổi tiếng.
Rất nhiều bài Thánh ca của Charles Wesley vẫn còn phổ biến hiện nay. Một số bài đã được dịch sang tiếng Việt và in trong các Thánh ca Tin Lành như sau:
Bài Hát Trong Đêm.
Chúa Yêu Thương Tôi.
Đây Phận Sự Tôi Đảm Đương.
Điều Này Thật Sao!
Giê-xu Đấng Hằng Yêu Thương Tôi.
Hỡi Thánh Vương Kíp Ngự Lai.
Kìa Thiên Binh Cùng Nhau Trổi Hát.
Ngày Nay Chúa Phục Sinh.
Nguyền Tình Yêu Giáng Lâm.
Tâm Linh Ơi Hãy Vùng Lên.
Thiên Thần Hòa Ca.
Tôi Phải Đưa Đến Thiên Tòa Chăng?
Tôn Vinh Chúa Linh Năng.