Chuyên mục: Thanh niên

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 01.12.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 01.12.2024

in Thanh niên on 26 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 01.12.2024.

  1. Đề tài: CHÚA LÀM CHỦ.
  2. Kinh Thánh: Lê-vi ký 25.
  3. Câu gốc: “Đất không được đoạn mãi, vì đất thuộc về ta, các ngươi ở cùng ta như kẻ khách ngoại bang và kẻ kiu ngụ” (Lê-vi ký 25:23).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 111-120.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 18.08.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Dân tộc Do-thái giống hình ảnh một con diều giấy, họ phải đương đầu với nhiều trở lực và nghịch cảnh thì mới vươn lên được. Còn luật pháp của Đức Chúa Trời ban cho họ có nhiệm vụ như dây đối với con diều. Chúa dùng luật pháp ấy để chỉ dạy dân sự nhận biết chủ quyền của Ngài trên họ.

  1. CHÚA TRUYỀN NĂM HÂN HỈ (25:8-10).

Đủ “bảy tuần năm” tức là bốn mươi chín năm, họ có thêm một năm nghỉ. Năm thứ năm mươi đó gọi là năm hân hỉ. Chữ này ra từ tiếng Do-thái “Yobel” có nghĩa là còi làm bằng sừng dê mà các thầy tế lễ dùng để thổi báo hiệu năm hân hỉ trong toàn lãnh thổ Do-thái. Trong năm đó, một số việc sẽ được giải quyết giữa vòng người Do-thái với nhau. Năm đó sẽ tổ chức Lễ Chuộc Tội cho toàn dân vào ngày mùng mười tháng bảy.

Về mặt xã hội có hai việc nổi bật, thứ nhất là sự hoàn trả cho nguyên chủ phần đất nào bị mất vào tay người khác. Thứ hai là việc trả tự do cho người Do-thái nào làm nô lệ cho người khác.

Họ đã được Chúa hứa ban đất cho họ làm cơ nghiệp, và một lần nữa các mạng lệnh định rằng Chúa là sở hữu chủ của đất. Họ là những quản gia cho Chúa, có nhiệm vụ giữ gìn vật gì Chúa giao phó trong tay họ.

  1. ĐẤT THUỘC VỀ CHÚA (25:23-24).

Thi Thiên 24:1 có viết: “Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ trong đó đều thuộc về Đức Giê-hô-va”. Nếu vì một lý do nào mà người thừa hưởng đất không thể khai thác hoặc phải bán đất lại cho người khác, thì sau đó người ấy có quyền chuộc đất lại. Nếu không đủ khả năng chuộc thì một người bà con có tiền của phải chuộc đất về cho gia tộc. Nếu không thì phải đợi đến năm hân hỉ họ mới nhận lại đất mình được.

Người mua đất cũng không có quyền mua vĩnh viễn vì phải hoàn trả đất về nguyên chủ vào năm hân hỉ. Người ta tính số mùa màng thu hoạch kể từ ngày mua đất đến năm hân hỉ mà định giá đất. Theo cách này, người mua đất là người thực tế mua quyền khai thác đất hay thuê đất để canh tác.

Chúng ta phải sử dụng của cải mình đúng với mục đích Chúa muốn để làm ích lợi cho bản thân mình và cho người khác.

III. GIÚP ĐỠ NGƯỜI NGHÈO (25:25-28).

Hưởng được đất để làm cơ nghiệp và sinh sống là một phước hạnh của Chúa ban cho người dân Do-thái nào biết tuân theo luật lệ của Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12). Tác giả Thi thiên cũng xem người hưởng được phước Chúa là người công bình: “Người công bình sẽ nhận được đất và ở tại đó đời đời” (Thi 37:29). Người hưởng được đất sẽ không mất quyền lợi của mình nhưng phải canh tác phần đất được giao phó cho. Đất của họ không được để không ngoại trừ năm Sa-bát và năm hân hỉ. Chủ đất hoặc người mua đất phải canh tác nó. Người mua giúp đỡ tiền bạc, vật chất cho người nghèo mà bán đất, nhưng phải cho người nghèo đó có cơ hội chuộc đất lại.

Đối với chúng ta ngày nay, việc gì Chúa đã giao phó cho ta là việc Ngài muốn chính chúng ta thực hiện cho Ngài. Con cái Chúa không nên lợi dụng sự khó khăn của người khác để thu lợi riêng cho cá nhân mình, vì “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công vụ 20:35).

  1. XEM TRỌNG NGƯỜI NHƯ MÌNH (25:39-42).

Người nghèo khó bất hạnh được Đức Chúa Trời để ý và thương xót. Người dân Do-thái nào nghèo đến nỗi phải đi làm thuê cho người khác cũng được sự an ủi của Chúa. Chúa truyền lệnh cho chủ nhân không được đối với người đồng tộc Do-thái mình cùng cách với người nô lệ khác. Chủ nhân phải xem người Do-thái làm công cho mình khác nào người ở đậu nhà mình vậy.

Qua mệnh lệnh này, chúng ta thấy Chúa không xem thường người đi làm công cho kẻ khác để mưu sinh. Ngài đã phán với A-đam phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn (Sáng Thế Ký 3:3-19).

Nhưng người chủ đối đãi người làm công cho mình như những nô lệ bị bóc lột quá sức, quá khả năng và không được lương thì người chủ ấy cũng đang chống lại Chúa (Ê-phê-sô 6:5-9).

Về phần những người nghèo tuy phải chịu cảnh làm thuê nhưng vẫn có một hy vọng. Đó là mình sẽ được trả tự do vào năm hân hỉ. Vợ con mình cũng sẽ được tự do với mình. Người còn nhận được phần gia sản mình đã bị mất trước kia.

Năm hân hỉ làm hình bóng đời đời cho thời kỳ Đức Chúa Giê-xu trở lại trần gian, một ngàn năm thanh bình và thịnh trị tiếp theo sau đó. Lúc ấy mọi sự mua bán đổi chác, gian lao, khổ cực sẽ không còn nữa. Là lúc con người thuộc về Chúa vĩnh viễn thoát khỏi vòng kìm hãm của xác thịt và ma quỉ.

 

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 24.11.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 24.11.2024

in Thanh niên on 19 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 24.11.2024 – Lễ Tạ Ơn.

  1. Đề tài: SỐNG BIẾT ƠN CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Phục Truyền 6.
  3. Câu gốc: “Khá giữ lấy mình, kẻo ngươi quên Đức Giê-hô-va, là Đấng đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức là khỏi nhà nô lệ”(Phục Truyền 6:12).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Ca Ngợi – Cảm Tạ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 04.08.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Môi-se biết rằng vùng đất Ca-na-an sẽ là một xứ trù phú với những cơ sở vật chất kiên cố, nhưng đây cũng là nơi có nhiều cám dỗ mà dân Chúa cần phải cảnh giác. Có thể nói, hai trong số những cám dỗ lớn nhất mà dân Y-sơ-ra-ên có thể đối diện khi vào sống ở vùng Đất Hứa là: thứ nhất, cuộc sống dư dật có thể khiến họ dễ quên Chúa, và thứ hai, từ quên Chúa dẫn đến sự thỏa hiệp với các dân tộc thờ hình tượng quanh họ, không duy trì địa vị cao quý của mình là dân tộc được biệt riêng ra cho Chúa. Thế nên, dân Y-sơ-ra-ên cần được trang bị những kiến thức cần thiết cùng những lời giáo huấn, giúp họ sẵn sàng bước vào vùng đất ấy với tinh thần kính sợ Chúa.

Nhìn lại hành trình theo Chúa của chính mình, chúng ta chợt nhận ra rằng những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời thường là những lúc đức tin được thăng hoa. Bởi khi ấy chúng ta luôn khao khát được gần Chúa hơn, luôn tìm kiếm cách giải quyết những khó khăn từ sự khôn khoan và giúp đỡ của Chúa. Nhưng khi mọi sự tiến triển tốt đẹp, chúng ta lại có xu hướng lơ là những kỷ luật thuộc linh, không biết trân trọng những ơn phước Chúa ban cho mình. Xem mọi thứ tốt đẹp trong cuộc sống như điều hiển nhiên, và tưởng rằng chúng ta xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp đó. Đó là lý do Lời Chúa nhắc nhở dân Chúa ngày trước cũng như chúng ta bây giờ phải biết giữ mình, phải biết Chúa là ai trong cuộc đời mình; hầu cho chúng ta không trượt bước ngã dài trước cuộc sống vật chất dư dật.

Bạn đang sống với thái độ và tinh thần thế nào với Chúa?

Lạy Chúa, xin giúp con dù ở hoàn cảnh nào của cuộc sống, con cũng luôn sống trong sự kính sợ Chúa, biết ơn Ngài, vì Ngài là Chúa trên cuộc đời con.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 17.11.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 17.11.2024

in Thanh niên on 13 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 17.11.2024.

  1. Đề tài: CHÚA NGỰ CÙNG.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 25:1-9; 29:38-46; 40:16-38.
  3. Câu gốc: “Ta sẽ ở giữa dân Y-sơ-ra-ên, làm Đức Chúa Trời dân ấy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:45).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 100-110.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 07.07.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong cơn nguy nan, khốn khổ, đau buồn, hoặc vô vọng, mà có một người đến ở bên cạnh thì chắc chắn sẽ cảm thấy được yên ủi lắm. Đức Chúa Trời đã có cách cho dân sự Ngài được yên ủi khi họ mới tập bước theo Ngài. Chúa đích thân dẫn dắt bằng trụ mây lúc ban ngày và bằng trụ lửa khi ban đêm. Ngài còn ban cho họ hai tảng đá khắc ghi luật pháp của Ngài để họ biết và làm theo ý muốn của Ngài. Ngài truyền lệnh cho Môi-se dựng một Đền Tạm làm nơi hội ngộ giữa Ngài với dân sự.

I. NHỮNG NHU LIỆU CHO ĐỀN TẠM (25:1-8).

Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất, muôn vật trên đất. Ngài ở khắp mọi nơi thì chắc chắn không cần phải có một đền thánh nào để Ngài ngự. Vua Sa-lô-môn đã nói lời ấy trong lễ cung hiến đền thờ mà ông xây cất cho Chúa (1Các Vua 8:27). Đức Chúa Giê-xu phán rằng: “Đức Chúa Trời là thần, nếu ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:24).

Tuy nhiên, tuyển dân của Chúa cần Đền Tạm làm một nơi biệt riêng ra cho Chúa. Nơi đó làm chứng với dân sự về sự hiện diện của Ngài. Đó cũng là trung tâm sinh hoạt thuộc linh của họ, là nơi họ có thể cảm nhận được sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Chúa dạy rằng chính họ phải thành tâm mang lễ vật cho Ngài để dùng cho việc dựng Đền Tạm này. Dân sự có tự nguyện góp công, góp của vào và họ mới biết quý mến tài sản của mình. Tất cả những vật liệu dân sự phải dâng là những vật tốt và giá trị mà họ sẵn có. Chúa không đòi hỏi vật gì quá hiếm hoặc quá tầm thường cho Đền Tạm của Ngài.

Hai điều chúng ta học được trong lời dạy của Chúa ở đây là:

– Khi chúng ta dâng hiến cho Chúa thì dâng với tất cả lòng thành của chúng ta (Xuất Ê-díp-tô ký 25:2) không phải vì sự ép buộc, nhưng vì lòng yêu mến Chúa.

– Sự dâng hiến của chúng ta cũng đo lường mức độ tăng trưởng tâm linh của mình đối với Chúa.

II. NHỮNG ĐÒI HỎI VỀ CỦA LỄ DÂNG (29:42-44).

Đức Chúa Trời cũng chỉ dạy dân sự về việc dâng của lễ cho Ngài khi họ ra mắt Ngài. Mỗi ngày họ phải chọn hai con chiên một tuổi, một con dâng vào buổi sáng và một con dâng vào buổi chiều (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-39). Ngoài hai con chiên, họ còn phải dâng một ít bột mì mịn, nhồi với dầu và dâng một ít rượu nho. Ngài dạy họ dâng những của lễ này mỗi ngày khi đền thánh của Ngài còn ở giữa họ. Dân sự Do-thái tiếp tục dâng như vậy từ đó cho đến năm 70 sau Chúa, là năm quân La-mã phá hủy đền thờ Giê-ru-sa-lem.

Dân Do-thái đã phạm tội trước mặt Ngài nhiều lần và đã bị trừng phạt, có khi phải chết. Là một tội nhân thì không thể nào đến gần Đức Chúa Trời thánh khiết được. Cho nên của lễ dâng lên Chúa tượng trưng sự thế mạng cho tội nhân. Mặc dù của lễ thiêu không chuộc tội lỗi của họ được nhưng cũng đủ để nhắc cho họ nhớ rằng vì tội của họ mà có chiên con vô tội phải chịu chết. Họ cần phải ăn năn và từ bỏ tội mình.

Những của lễ chỉ là hình ảnh tượng trưng cho sự chuộc tội, nhưng chúng nó không có khả năng chuộc tội cho con người. Hê-bơ-rơ 10:11 chép: “Phàm thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc và năng dâng của lễ đồng một thức, là của lễ không bao giờ cất tội lỗi được”. Nhưng Đức Chúa Trời lấy con chiên làm của lễ để chỉ về chiên con của Ngài là “Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29). Bởi vậy như Hê-bơ-rơ có viết về sự hy sinh của Đức Chúa Giê-xu như vậy: “Nhưng hiện nay đến cuối cùng các thời đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi” (Hê-bơ-rơ 9:26b).

III. CHÚA HIỆN DIỆN GIỮA DÂN SỰ (29:45-46).

Đức Chúa Trời hứa với dân sự rằng Ngài sẽ ngự giữa họ. Ngài dạy rằng các chi phái của mỗi đại tộc Do-thái phải đóng trại xung quanh Đền Tạm theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, mỗi khi dân sự dừng lại trong sa mạc. Ngài sẽ ngự vào để ở giữa họ, họ sẽ làm dân Ngài và Ngài sẽ làm Đức Chúa Trời của họ.

Đền Tạm nằm ở trung tâm của trại quân Do-thái, gợi lại ý nghĩa của sự liên hệ giữa Chúa với dân sự Ngài. Chúa nhắc cho họ rằng Ngài đã giải cứu họ ra khỏi Ê-díp-tô bằng quyền năng Ngài. Điều đó chứng tỏ cho dân sự và con cháu của họ rằng Ngài luôn luôn chăm sóc họ. Nếu họ xây dựng đền thánh cho Chúa y như ý Ngài muốn thì Ngài sẽ ngự xuống ở giữa họ.

Về phần chúng ta ngày nay, nếu chúng ta dọn lòng mình, ăn năn tội, và mời Đức Chúa Giê-xu ngự vào thì Ngài sẽ biến thân thể hèn mọn chúng ta thành đền thờ của Ngài. (2Cô-rinh-tô 6:16; Giăng 14:23).

  1. VINH HIỂN CHÚA TRONG ĐỀN TẠM (40:33c-38).

Đoạn cuối cùng của sách Xuất Ê-díp-tô ký thuật rằng Môi-se vâng mạng Chúa làm đủ mọi điều Ngài chỉ thị cho ông. Môi-se chẳng dám chậm trễ trong công việc dựng đền thánh cho Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:16-17). Kinh Thánh nhắc đến việc Môi-se vâng mạng lệnh của Chúa tất cả chín lần, mà mỗi lần đều nói: “Môi-se làm y như mọi điều Đức Giê-hô-va đã phán dặn mình” (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:19-32). Sự vâng lời của Môi-se làm đẹp lòng Chúa và Ngài ngự xuống trong Đền Tạm ấy.

Đền thờ của Chúa là biểu tượng sự hiện diện của Ngài, Đức Chúa Giê-xu phán: “Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ” (Ma-thi-ơ 18:20). Một Hội Thánh sống là Hội Thánh có Chúa ngự cùng.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 10.11.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 10.11.2024

in Thanh niên on 5 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 10.11.2024 (CN Trung Tráng Niên).

  1. Đề tài: SỐNG PHỤC VỤ.
  2. Kinh Thánh: Giăng 13:1-20.
  3. Câu gốc: “Vì Ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như Ta đã làm cho các ngươi” (Giăng 13:15).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Tâm Tình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 15.09.2024.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 03.11.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 03.11.2024

in Thanh niên on 31 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 03.11.2024.

  1. Đề tài: CHÚA THA THỨ.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 32 và 34:1-10.
  3. Câu gốc: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! Là Đức Chúa Trời nhân từ thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 91-100
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 25.08.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Qua bài học hôm nay chúng ta sẽ thấy được tấm gương của Môi-se, ông đã dám liều mình để cầu xin Đức Chúa Trời tha mạng cho hàng trăm ngàn dân Do-thái.

I. MÔI-SE PHẪN NỘ DÂN SỰ (32:15-19).

Môi-se chỉ vắng mặt bốn mươi ngày để lên núi tìm cầu ý muốn Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:18). Đoàn dân Do-thái liền tỏ thái độ nghi ngờ ông. Họ đúc tượng con bò con, y như các thần Ê-díp-tô, rồi dâng lễ cùng hát xướng cho thần mới của họ. Đức Chúa Trời thấy việc phản nghịch của họ, lập tức sai Môi-se xuống núi. Ngài cũng cho Môi-se biết ý định của Ngài sẽ tiêu diệt cả dân này. Môi-se liền van xin Chúa tha thứ cho dân mà chính Ngài đã cứu ra khỏi Ê-díp-tô. Đức Chúa Trời nhận lời Môi-se lần này. Lúc xuống đến nơi, ông thấy sự thờ hình tượng của dân chúng nên đã nổi giận, đập bể hai bảng chứng Chúa trao cho ông.

II. MÔI-SE CẦU THAY CHO DÂN SỰ (32:30-32).

Khi Đức Chúa Trời báo cho Môi-se biết việc dân chúng đang thờ lạy tượng bò con bằng vàng, ông liền xin Chúa tha thứ cho họ. Tuy nhiên, lúc ông chứng kiến tận mắt cảnh reo hò nhảy múa của dân sự xung quanh tượng bò vàng, ông không còn nín giận được nữa. Sau khi đập bể hai bảng luật pháp, Môi-se thiêu đốt tượng bò vàng trong lửa và nghiền nát thành tro bụi, rồi ông rải trên mặt nước và cho họ uống. Việc làm đó có ý nghĩa thần học là dân sự phải nhận lấy sự hư mất giống như tượng thần của họ vậy.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người trong dân sự đều cùng một lòng phản nghịch lại Chúa. Môi-se kêu gọi sự thức tỉnh và ăn năn tội: Ai thuộc về Đức Giê-hô-va, hãy đến cùng ta! Hết hảy người Lê-vi đều nhóm lại bên người (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:26). Một số người tham dự đúc tượng và thờ lạy tượng bò vàng thì bị Đức Chúa Trời trừng phạt.

Sau lần đó, ông nói với dân chúng rằng ông sẽ lên gặp Đức Chúa Trời mà cầu thay cho họ. Trước mặt Chúa, Môi-se xin cho mình chịu chết thay cho dân sự. Nhưng Đức Chúa Trời không muốn vậy. Một mình Môi-se không thể nào gánh hết tội của mọi người nổi. Chỉ có mạng sống của chính Đức Chúa Trời mới đủ giá chuộc cho tội nhân nào nhờ cậy Ngài.

Việc Môi-se thế tội cho dân sự là biểu tượng hành động của Đức Chúa Trời đối với mọi tội nhân. Môi-se bằng lòng thế tội cho dân mình trước khi họ tỏ thái độ ăn năn. Đó cũng là hình bóng của Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng bằng lòng chết cho kẻ có tội. Rô-ma 5:8 viết: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”.

III. CHÚA HỨA SẼ TRỪNG PHẠT TỘI NHÂN (32:33-34).

Đức Chúa Trời hiểu lòng thương yêu của Môi-se đối với một dân cứng cổ là Do-thái. Ông đã từng gánh chịu sự oán trách nặng nề của họ mỗi khi xảy ra việc không vừa ý. Đã nhiều lần ông cầu xin Đức Chúa Trời nghĩ lại và tha thứ cho sự dại dột của họ, vì họ chỉ như những trẻ thơ theo Ngài. Họ tin Chúa nhưng chưa hết lòng làm theo sự dìu dắt của Ngài. Họ vẫn còn bị tiêm nhiễm sự thờ lạy hình tượng của người Ê-díp-tô và vẫn còn hướng lòng họ về nước này nhiều hơn là trông cậy Chúa.

Môi-se thông cảm sự lầm lạc của họ và thấy cần làm điều gì để chuộc tội cho họ. Nhờ sự cầu xin của Môi-se, Đức Chúa Trời phán cùng Môi-se rằng: “Kẻ nào phạm tội cùng ta, ta sẽ xóa nó khỏi sách ta… ngày nào ta hành phạt thì sẽ phạt tội chúng nó” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:33-34). Chúa nói “kẻ nào phạm tội” là muốn nói lên trách nhiệm của mỗi cá nhân trước mặt Chúa. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn còn muốn cho họ thêm một cơ hội nữa để làm hòa lại với Ngài.

IV. CHÚA HAY THƯƠNG XÓT (34:4-6).

Đức Chúa Trời hay tha thứ vì bản chất đầy “nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng và tội lỗi…”.

Dân Do-thái quá cứng cổ, không chịu tìm kiếm ý Ngài, không hết lòng tin cậy Ngài. Dù như thế Ngài vẫn bày tỏ tình thương và dạy họ nhiều lần, nhiều cách. Hai bảng đá chép các điều răn của Chúa đã bị Môi-se đập bể không thay đổi ý định của Ngài đối với dân Chúa được. Đức Chúa Trời dạy Môi-se mang hai bảng đá khác do tay ông đục ra đem lên núi để chép lại luật pháp của Đức Chúa Trời. Điều này nhắc nhở cho dân sự biết rằng Ngài muốn họ phải đến với Ngài để nhận lãnh luật pháp của Ngài. Ngày nay, thay vì Chúa viết luật Ngài lên bảng đá như xưa, Chúa muốn chép luật pháp ấy vào lòng bằng thịt của dân Ngài. Không có ai trên đời có đủ tài đức hay khả năng dâng mạng mình lên Chúa để chuộc tội cho người khác được. Nhưng Chúa Giê-xu đã chịu đền tội thay cho cả nhân loại để thỏa mãn luật công bình của Ngài. Người có tội biết ăn năn và tin nhận ý nghĩa sự chết của Ngài trên thập tự giá thì sẽ hưởng được sự tha thứ của Đức Chúa Trời.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 27.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 27.10.2024

in Thanh niên on 31 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 27.10.2024

  1. Đề tài: CHÚA KHÔNG HỀ THAY ĐỔI.
  2. Kinh Thánh: Giăng 13:1; Giê 31:3; Ê-sai 46:3-4; 49:15.
  3. Câu gốc: “Đức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Câu gốc, bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng tiền, đọc bài cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Mọi sự trên thế giới đang thay đổi từng giờ, từng phút, nhưng Kinh Thánh tuyên bố: “Đức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi”. Lẽ thật này bày tỏ Đức Chúa Giê-xu là Đấng bất biến và còn đến đời đời.

I. DANH HIỆU NGÀI KHÔNG HỀ THAY ĐỔI.

Chúa Giê-xu chỉ có một tên duy nhất mà Đức Chúa Trời đã đặt cho Ngài từ khi còn trong lòng mẹ: “Nàng sẽ sanh một trai, ngươi hãy đặt tên là Giê-xu, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21). Cho đến khi Ngài thi hành chức vụ, gặp bắt bớ cũng không hề từ chối danh cao quí ấy, khi bị nộp, Ngài hỏi rằng: “Các ngươi tìm ai?” Chúng trả lời rằng: “Tìm Giê-xu…” Ngài phán: “Chính Ta đây!” (Giăng 18:2-5). Khi bị đóng đinh trên cây thập tự, tên cướp cầu xin Ngài: “Lạy Giê-xu, khi Ngài vào vương quốc mình rồi, xin nhớ đến con” (Lu-ca 23:42). Khi Ngài sống lại, thiên sứ phán với môn đồ: “Đừng sợ hãi, vì ta biết các ngươi tìm Đức Chúa Giê-xu, Đấng đã bị đóng đinh vào thập tự giá. Ngài không ở đây đâu; Ngài đã sống lại rồi” (Ma-thi-ơ 28:5-6). Khi Ngài thăng thiên, thiên sứ truyền: “Hỡi người Ga-li-lê, sao các ông cứ đứng nhìn lên trời như thế? Đức Chúa Giê-xu này đã được cất lên trời khỏi các ông, cũng sẽ trở lại như cách các ông đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công vụ 1:11).

II. PHẨM TƯỚC NGÀI KHÔNG HỀ THAY ĐỔI.

Ngài có ba chức: Tiên tri, Thầy tế lễ và Vua.

  1. Ngài là Tiên tri: “Ngài biết rõ mọi người, Ngài không cần ai làm chứng về người nào cả, vì chính Ngài biết rõ mọi điều trong lòng người” (Giăng 2:24-25).
  2. Ngài là Thầy tế lễ: “Ngài đã bước vào nơi Chí thánh một lần đủ cả, không dùng máu dê đực và bò con, nhưng dùng chính huyết mình, để đem sự cứu chuộc đời đời cho chúng ta (Hêb 9:12).
  3. Ngài là Vua. Quan Tổng đốc Phi-lát hỏi Ngài: “Thế thì ngươi là vua sao? Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Chính ngươi nói Ta là Vua” (Giăng 18:37).

III. QUYỀN NĂNG NGÀI KHÔNG HỀ THAY ĐỔI.

Ngài là Đấng siêu nhiên, không có việc gì Ngài không làm được.

  1. Ngài có quyền trên cõi thiên nhiên: Đương lúc bão tố, Ngài phán một lời thì yên lặng ngay.
  2. Ngài có quyền trên tà ma. Có người đã bị tà ma ám, Đức Chúa Giê-xu chỉ phán một lời, tức thì tà ma ra khỏi người ấy (Mác 5:1-10).
  3. Ngài có quyền trên bệnh tật: Người bị bại nằm liệt trên giường, có bốn người khiêng đến cho Ngài. Hãy đứng dậy, vác giường đi về nhà! Người bại liệt đứng dậy, lập tức vác giường đi ra trước mặt mọi người” (Mác 2:11-12).
  4. Ngài có quyền trên sự chết. Chúa gọi La-xa-rơ từ kẻ chết sống lại: “Hỡi La-xa-rơ hãy ra!” Người chết đi ra, chân tay buộc vải liệm, mặt phủ một tấm khăn. Đức Chúa Giê-xu bảo họ: “Hãy mở cho anh ấy, và để anh đi” (Giăng 11).

IV. LÒNG YÊU THƯƠNG NGÀI KHÔNG HỀ THAY ĐỔI.

Chúa yêu tất cả mọi người trong thế gian này: “Ngài kiên nhẫn đối với anh em, không muốn một người nào chết mất, mà muốn mọi người đều ăn năn” (2Phi-e-rơ 3:9). Hễ ai đầu phục Ngài, tuân theo sự dạy dỗ của Ngài, và bước đi trong sự dẫn dắt Ngài, thì chẳng bao giờ Ngài từ bỏ người đó. “Ngài đã yêu những người thuộc về mình trong thế gian thì cứ yêu thương cho đến cuối cùng” (Giăng 13:1).

V. ƠN CỨU RỖI CỦA NGÀI KHÔNG HỀ THAY ĐỔI.

Sau khi loài người phạm tội, Đức Chúa Trời hứa ban một Đấng Cứu Thế để cứu vớt họ. Khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự, Ngài tuyên bố: “Mọi việc đã hoàn tất” (Giăng 19:30). Từ đó, nếu ai tin cậy vào sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu, sẽ được cứu rỗi.

VI. LỜI HỨA CỦA NGÀI KHÔNG HỀ THAY ĐỔI.

Chúa là Đấng Thành tín. Ngài phán: “Ta là bánh của sự sống; ai đến với Ta chẳng hề đói, ai tin Ta chẳng hề khát”. “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo Ta sẽ không đi trong bóng tối”. “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ” (Giăng 6:35; 8:12; Ma-thi-ơ 11:28). Từ xưa đến nay, vô số người đã nắm lấy lời hứa của Ngài mà nhận được biết bao điều phước hạnh.

Trước khi thăng thiên, Chúa hứa: “Ta đi chuẩn bị cho các con một chỗ? Khi Ta đi và đã chuẩn bị chỗ cho các con rồi, Ta sẽ trở lại đem các con đi với Ta, để Ta ở đâu thì các con cũng ở đó” (Giăng 14:2-3). Phước hạnh thay là lời hứa của Chúa, vinh hiển thay là kẻ trông đợi Ngài!

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 20.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 20.10.2024

in Thanh niên on 31 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 20.10.2024

  1. Đề tài: CHÚA MUỐN LÒNG TIN CẬY.
  2. Kinh Thánh: Châm ngôn 3.
  3. Câu gốc: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con. Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con” (Châm ngôn 3:5-6).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 81-90.
  5. Thể loại: Kịch 5 phút.

* CHỈ DẪN: Xin xem chỉ dẫn Chúa Nhật 14.07.2024.

* CÂU CHUYỆN THAM KHẢO.

CÔ CÓ PHẢI LÀ THƯỢNG ĐẾ KHÔNG?

Vào một buổi tối trong một kỳ nghỉ đông lạnh lẽo, một đứa bé trai khoảng sáu bảy tuổi đang đứng phía ngoài cửa sổ của một nhà kho. Cậu bé không có giày để mang, quần áo của cậu thì rách rưới.

Một cô gái trẻ đi ngang qua, cô nhìn thấy cậu bé và cô đọc được nỗi khao khát trong đôi mắt xanh của cậu bé. Cô nắm lấy tay cậu bé và dẫn cậu vào trong cửa tiệm rồi cô mua cho cậu một đôi giầy mới và một bộ quần áo ấm.

Sau đó cô dắt cậu trở ra và nói với cậu: “Bây giờ cháu có thể trở về nhà và có một kỳ nghỉ đông thật hạnh phúc”.

Cậu bé chăm chú nhìn cô rồi hỏi: “Cô có phải là Thượng đế không?”.

Cô gái trẻ nhìn cậu bé, mỉm cười và trả lời: “Không cháu à, cô chỉ là một trong số đứa con của Thượng đế”. Đứa bé đáp lại: “Cháu biết rồi, cô phải là Thượng đế thôi!”.

VIẾT TRÊN CÁT.

Một đôi bạn thân cùng nhau đi du lịch. Trong một lần tranh luận, họ cãi nhau, một người đã tát người kia. Người bị tát cảm thấy bị xúc phạm, không nói gì mà chỉ viết lên cát: “Hôm nay người bạn thân của tôi đã tát tôi”.

Họ tiếp tục chuyến du lịch đến một vùng hoang vu, người bị tát suýt bị cát vùi, may mắn được bạn cứu. Tỉnh lại, người đó lại khắc lên đá: “Hôm nay người bạn tốt của tôi đã cứu tôi”. Đứng bên cạnh, người bạn hiếu kỳ hỏi: “Tại sao lúc mình tát cậu, cậu lại viết lên cát, bây giờ lại khắc lên đá?” Người bạn này trả lời: “Khi bị bạn làm tổn thương nên viết vào nơi dễ quên, gió sẽ thổi lấp đi. Ngược lại, nếu được giúp đỡ hãy nên khắc sâu trong đáy lòng, ở nơi đó, bất cứ ngọn gió nào cũng không thể xoá lấp được”. Bạn bè nếu xảy ra va chạm là nhất thời vô tâm, giúp đỡ mới là thật lòng. Hãy quên đi những gì bạn bè đã gây ra, ghi nhớ sự giúp đỡ của họ, chúng ta sẽ thấy trên thế giới này toàn là bạn tốt.

TRÊN TUYẾT.

Một bà cụ nặng nhọc lê bước trên phố. Bà cụ đi chân đất trên tuyết. Một đôi trẻ, tay xách lỉnh kỉnh những túi to vừa nói chuyện vừa cười đến nỗi không để ý thấy bà cụ.

Một người mẹ dẫn hai đứa con nhỏ tới nhà bà ngoại. Họ quá vội nên cũng không để ý.

Một viên chức ôm một chồng sách đi qua. Mãi suy nghĩ nên cũng không để ý.

Bà cụ dùng cả hai tay để khép vạt áo đứt hết khuy. Dừng lại, nép vào một góc ở bến xe buýt. Một quý ông ăn mặc lịch lãm cũng đứng đợi xe buýt. Ông cố đứng tránh xa bà cụ một chút. Tất nhiên là bà già rồi, chẳng làm hại được ai, nhưng nhỡ bà ấy bị bệnh lây nhiễm thì sao…

Một cô gái cũng đứng đợi xe buýt. Cô liên tục liếc xuống chân bà cụ, nhưng cũng không nói gì.

Xe buýt tới và bà cụ nặng nhọc bước lên xe. Bà ngồi trên chiếc ghế ngay sau người lái xe. Quý ông và cô gái vội vã chạy xuống cuối xe ngồi. Người lái xe liếc nhìn bà cụ và nghĩ: “Mình không thích phải nhìn thấy cảnh nghèo khổ này chút nào!”. Một cậu bé chỉ vào bà cụ và kêu lên với mẹ:

– “Mẹ ơi, bà ấy đi chân đất! Mẹ bảo những ai hư mới đi chân đất, đúng không mẹ?”

Người mẹ hơi ngượng ngập kéo tay con xuống:

– “Andrew, không được chỉ vào người khác!” Rồi bà mẹ nhìn ra cửa sổ.

– “Bà cụ này chắc phải có con cái trưởng thành rồi chứ!” – Một phụ nữ mặc áo choàng lông thì thầm – “Con cái của bà ấy nên cảm thấy xấu hổ mới phải!” Người phụ nữ này bỗng cảm thấy mình quả là người tốt, vì mình luôn quan tâm đầy đủ đến mẹ mình.

– “Đấy, ai cũng phải học cách tiết kiệm tiền” – Một chàng trai ăn mặc bảnh bao thêm vào – “Nếu bà ấy biết tiết kiệm từ khi còn trẻ thì bà ấy chẳng nghèo như bây giờ!” Một doanh nhân hào phóng bỗng cảm thấy ái ngại. Ông lấy trong ví ra một tờ 10 đôla, ấn vào bàn tay nhăn nheo của bà cụ, nói giọng hãnh diện:

– “Đây, biếu bà! Bà nhớ mua đôi giày mà đi!” Rồi ông ta quay về chỗ ngồi, cảm thấy hài lòng và tự hào về mình.

Xe buýt dừng lại khi tới bến và một vài người khách bước lên. Trong số đó có một cậu bé khoảng 16-17 tuổi. Cậu ta mặc chiếc áo khoác to màu xanh và đeo balô cũng to, đang nghe headphone. Cậu trả tiền xe buýt và ngồi ngay vào ghế ngang hàng với bà cụ. Rồi cậu nhìn thấy bà cụ đi chân đất.

Cậu tắt nhạc. Cảm thấy lạnh người. Cậu nhìn từ chân bà cụ sang chân mình. Cậu đang đi một đôi giày cổ lông dành cho trời tuyết. Đôi giày mới tinh và ấm áp. Cậu phải tiết kiệm tiền tiêu vặt khá lâu mới mua được. Bạn bè đứa nào cũng khen!

Nhưng cậu cúi xuống và bắt đầu cởi giày, cởi tất, rồi ngồi xuống sàn xe, bên cạnh bà cụ.

– “Bà, cháu có giày đây này!” – Cậu nói.

Một cách cẩn thận, cậu ta nhấc bàn chân lạnh cóng, co quắp của bà cụ lên, đi tất và đi giày vào chân bà. Bà cụ sững người, chỉ khe khẽ gật đầu và nói lời cảm ơn rất nhỏ. Lúc đó, xe buýt dừng. Cậu thanh niên chào bà cụ và xuống xe. Đi chân đất trên tuyết. Những người khách trên xe thò đầu ra cửa sổ, nhìn đôi chân cậu thanh niên, xôn xao bình phẩm.

– “Cậu ta làm sao thế nhỉ?” – Một người hỏi.

– “Một thiên thần chăng?”

– “Hay là con trai của Chúa!”

Nhưng cậu bé, người ban nãy chỉ vào bà cụ, quay sang nói với mẹ: – “Không phải đâu mẹ ạ! Con đã nhìn rõ rồi mà! Anh ấy là người bình thường thôi!”.

Và việc làm đó, thật sự, cũng chỉ cần một người bình thường.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 13.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 13.10.2024

in Thanh niên on 31 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 13.10.2024

  1. Đề tài: CHÚA NHẬT THANH NIÊN TIN LÀNH.
  2. Kinh Thánh: Truyền 11; Ê-phê-sô 5:8-10; 1Tê 5:16-23
  3. Câu gốc: “Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét” (Truyền đạo 11:9).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Họp bạn.

* CHỈ DẪN: Họp bạn.

  1. Tham dự: Chương trình họp bạn kỳ này vào ngày “Chúa Nhật Thanh Thiếu Niên Tin Lành”, Ban Thanh niên mời ban Thanh Thiếu niên trong Hội Thánh, các Thanh niên Hội Thánh bạn cùng tham dự và các bạn.
  2. Chương trình: Nhiều tuần trước ngày họp bạn, mời đại diện các ban họp lại để cùng hoạch định chương trình và phân chia công tác:

– Thời gian, địa điểm, chủ đề, câu gốc, thể loại thực hiện…

– Phân chia trách nhiệm cho từng ban: Tập hát, làm chứng, đố Kinh Thánh, phần thưởng, sinh hoạt, hướng dẫn chương trình, ẩm thực… Mỗi ban chịu một số tiết mục.

  1. Tiết mục: Các tiết mục nên có trong ngày họp bạn là: Bài ca mới, ca ngợi và cảm tạ, đố vui, đố Kinh Thánh, kịch, trò chơi lớn…
  2. Bảng tên: Dự kiến số người tham dự và số người cho mỗi nhóm để chuẩn bị các màu giấy thích hợp cho việc chia nhóm, mỗi màu là một nhóm. Bảng tên phải ghi rõ tên và Hội Thánh để mọi người dễ làm quen. Sau đó mỗi nhóm cử một trưởng nhóm, một thư ký nhóm điều khiển nhóm mình tham gia trò chơi và sinh hoạt.
  3. Phần thưởng: Phần thưởng cho sinh hoạt nhóm phải sử dụng phù hợp cho giờ thông công sau đó.
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 06.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 06.10.2024

in Thanh niên on 28 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 06.10.2024.

  1. Đề tài: CHÚA MUỐN SỰ VÂNG PHỤC.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 19:1 – 20:17
  3. Câu gốc: “Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế gian đều thuộc về ta” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 1-5.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 21.07.2024.

Đề tài 1: Ngày hôm nay chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu là đủ, không cần giữ giao ước Ngài.

Đề tài 2: Tiếp nhận Chúa Giê-xu thì được cứu rỗi. Còn nếu chúng ta làm theo điều răn và luật lệ của Chúa, giữ giao ước của Đức Chúa Trời thì nhận được phước hạnh.

 * TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Luật pháp của Đức Chúa Trời đã ban cho dân Do-thái là một giao ước giữa Ngài và dân sự Ngài. Trong giao ước ấy, một số điều dân sự không được phép làm và nếu bất tuân thì sẽ chịu hình phạt. Trái lại người nào tuân theo lời dạy của Ngài sẽ được ban phước đến nhiều đời.

I. CHÚA LẬP GIAO ƯỚC VỚI DÂN DO-THÁI (19:4-6a).

Dân Do-thái được Đức Chúa Trời đem ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Họ cần phải có những luật lệ chỉ đạo cho đời sống. Ông gia của Môi-se đã khuyên rằng: “Hãy lấy mạng lệnh và luật pháp mà dạy họ, chỉ cho biết con đường nào phải đi và điều chi phải làm” (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:20).

Đức Chúa Trời nhắc cho Môi-se và dân sự Ngài những hình phạt nặng nề Ngài đã giáng trên dân Ê-díp-tô khi họ không tuân theo mạng lệnh Chúa. Vậy dân Do-thái cũng không được quên rằng Ngài có thẩm quyền buộc họ phải tôn trọng những luật lệ của Ngài. Trước kia họ chưa quen tuân phục Chúa và cũng chẳng có Chúa làm chủ họ, vì vậy họ cần phải tập ghép mình vào một khuôn khổ kỷ luật của Chúa.

Trong thiên nhiên, chim ưng là loài biết huấn luyện và che chở chim con của mình. Chúng ta có thể so sánh việc Đức Chúa Trời dạy dỗ dân Do-thái với chim ưng dạy con. Chim ưng là loài trên cao, xây tổ trên ngọn cây, nơi đỉnh núi chứ không xây tổ nơi đồng bằng như các loài chim khác. Khi chim con đến tuổi phải tập bay và tự săn mồi. Chim cha và mẹ mang con ra khỏi tổ, khuyến khích chúng đập cánh tập bay. Cha mẹ chúng biết là chim con sẽ không bay lâu được nên lượn mình phía dưới chim con để con đáp lên và chở chúng về tổ. Cứ thế mà tập mãi đến khi chúng bay thật giỏi mới thôi.

Đức Chúa Trời cũng nâng đỡ, che chở và huấn luyện dân sự Ngài như vậy. Sự vâng theo luật pháp của Chúa có lợi cho dân sự nhiều vì họ sẽ biết rõ ý muốn của Chúa để làm đẹp lòng Ngài. Dân Do-thái tuân hành luật pháp của Chúa là dấu hiệu xác nhận họ được thuộc riêng về Chúa. Chúng ta ngày nay không phải nhờ tuân giữ luật pháp của Cựu Ước mà được cứu rỗi, nhưng nhờ tin Đức Chúa Giê-xu. Bởi đó, chúng ta được làm con cái Đức Chúa Trời, và thuộc riêng về Ngài. Nói tóm lại, đức tin đem đến sự cứu rỗi, còn làm theo luật pháp thì nhận được phước hạnh.

II. ĐIỀU RĂN GIỮA CON NGƯỜI VỚI CHÚA (20:2-4,7-11).

Đức Giê-hô-va vốn có từ trước khi sáng thế và còn đến đời đời. Ngài lập giao ước với tổ phụ của dân Do-thái, nay Ngài lập giao ước với tuyển dân Do-thái vừa ra khỏi Ê-díp-tô – nhà nô lệ. Khi truyền cho họ các điều răn của Ngài, Ngài tái xác nhận với họ những điều kiện trừng phạt hay khen thưởng trong giao ước và những yêu cầu rõ ràng của Ngài nữa. Dân sự của Chúa cứ chiếu theo đó mà nhận biết những điều Ngài ưa thích và những điều Ngài gớm ghiếc. Những điều răn của Chúa cho họ giống như những bản chỉ đường với mục đích bảo vệ và xây dựng dân Ngài.

Bốn điều đầu tiên trong Mười Điều Răn quy định mối liên hệ giữa con người với Đức Chúa Trời.

– Điều thứ nhất, nói đến thứ tự ưu tiên của Chúa trong lòng dân sự. Ngài phải được họ đặt trên hết mọi sự khác.

– Điều thứ hai, nói đến lòng tôn trọng sự cao cả của Chúa trên muôn loài vạn vật. Họ không thể nắn được Ngài.

– Điều thứ ba, nói đến lòng kính mến và thái độ của người tin danh Chúa.

– Điều thứ tư, nói đến sự thánh thiện khi dân sự dành riêng thì giờ thông công cùng Chúa.

Chúa Giê-xu cho biết căn bản của bốn điều răn trên đây là lòng yêu mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự. “Người hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma-thi-ơ 22:37). Ngài cũng tóm gọn sáu điều còn lại trong tình yêu tha nhân.

III. ĐIỀU RĂN GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI (20:12-17).

Sáu điều răn sau còn lại trong luật pháp – Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời ban cho dân Do-thái nói lên mối liên hệ giữa người với người trong cộng đồng con dân của Chúa.

– Điều thứ năm dạy cho con cái biết rằng cha mẹ đáng được yêu mến và hiếu kính vì là những bậc sinh thành ra mình. Đây là một trong hai điều răn có kèm theo lời khen thưởng mang tính cách tích cực.

– Điều thứ sáu dạy chúng ta trách nhiệm tôn trọng sinh mạng của người khác giống như sinh mạng của chính mình. Chúng ta không ban được cho ai sự sống, bởi thế chúng ta cũng không có quyền cất lấy sự sống của mình hay của người khác.

– Điều thứ bảy dạy chúng ta phải kính trọng sự thánh khiết trong hôn nhân. Vợ chồng yêu thương nhau thì phải chung thủy với nhau, không làm hoen ố hôn nhân của mình và của người lân cận mình.

– Điều thứ tám dạy ta sự thành thật trong đời sống hằng ngày. Hễ yêu thương người thì không tìm cách để sang đoạt của người đem về cho mình. Vì “Ban cho thì có phước hơn là nhạn lãnh” (Công vụ 20:35).

– Điều thứ chín dạy sự ngay thẳng trong lời nói giao tiếp với nhau. Lời nói của chúng ta sẽ đánh giá con người chúng ta. Nói dối hay làm chứng dối biểu lộ bản chất tội lỗi tiềm ẩn bên trong con người mình.

– Điều thứ mười dạy về thái độ của chúng ta hơn là hành động. Lòng tham nói lên trong điều răn này ngăn cản một sự tham muốn ích kỷ, là căn nguyên của những hành động gian ác xấu xa.

Người tín hữu Cơ Đốc tôn trọng và vâng theo luật pháp của Chúa vì yêu mến Ngài. Đức Chúa Giê-xu dạy rằng: “Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người” (Giăng 14:23). Lời Chúa là luật pháp cho chúng ta vâng theo.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 29.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 29.09.2024

in Thanh niên on 28 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 29.09.2024.

  1. Đề tài: CHÚA CHỈ DẠY.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 18.
  3. Câu gốc: “Nhưng hãy chọn lấy trong vòng dân sự mấy người tài năng, kính sợ Đức Chúa Trời, chơn thật, ghét sự tham lợi, mà lập lên trên dân sự… đặng họ chia gánh cùng con” (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:21a-22b).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 61-70.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

  1. Mời người hướng dẫn học Kinh Thánh.
  2. Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn một số câu hỏi học Kinh Thánh theo một phương pháp nào đó.
  3. Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để ban viên phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
  4. Người hướng dẫn chỉ nên dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp) hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
  5. Xin soạn 2-3 cụm câu hỏi, mỗi cụm có 3 câu: Sự kiện, ý nghĩa và áp dụng.

* Câu hỏi học Kinh Thánh tham khảo.

I. Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 18:13-16 cho biết:

  1. Môi-se ngồi xét đoán dân sự từ sáng đến chiều về vấn đề gì?
  2. Vì sao Môi-se phải chỉ dạy luật pháp và mạng lịnh của Đức Chúa Trời cho dân sự?
  3. Ngày nay, bạn là người hiểu biết luật pháp và mạng lịnh của Chúa thì bạn phải làm gì cho người chưa biết về lời Ngài?

II. Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 18:17-20 cho biết:

  1. Giê-trô đã chỉ cho Môi-se cách nào tốt nhất để có thể giúp đỡ cho dân sự?
  2. Môi-se có nghe theo lời ông gia mình không? Tại sao?
  3. Xin cho biết kinh nghiệm của bạn khi làm việc chung với nhiều người? Theo bạn, muốn hoàn thành công việc Đức Chúa Trời giao phó thì phải làm thế nào?

III. Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 18:20-24 cho biết:

  1. Giê-trô đưa ra tiêu chuẩn người được chọn để cùng làm việc với Môi-se phải có phẩm hạnh nào?
  2. Tại sao những người được chọn phải có phẩm hạnh trên?
  3. Là người của Đức Chúa Trời, bạn phải có phẩm hạnh nào để xứng đáng là người phục vụ Đức Chúa Trời?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong Hội Thánh đầu tiên, chức vụ chấp sự do Hội Thánh lập nên dựa theo những tiêu chuẩn như: Có danh tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và trí khôn, có đức tin (Công vụ 6:3-6 và 1Ti-mô-thê 3:8). Những chấp sự chỉ lo giúp thực hiện những công tác Hội Thánh để các nhà lãnh đạo có thì giờ lo các việc tâm linh. Sự kiện các sứ đồ chọn người giữ chức vụ chấp sự phản ánh phần nào điều Đức Chúa Trời đã chỉ giáo cho Môi-se qua những lời khuyên dạy của Giê-trô.

I. GIÊ-TRÔ HỎI MÔI-SE (18:13-16).

Môi-se chịu nhiều ảnh hưởng đạo đức và đức tin của Giê-trô trong suốt 40 năm làm rể. Chúa tiếp tục dùng Giê-trô để khuyên dạy Môi-se nhiều điều rất hữu ích cho việc điều hành những sinh hoạt của dân sự Do-thái.

Lúc biết tin Môi-se dẫn dân Do-thái ra khỏi xứ Ê-díp-tô, ông gia của Môi-se là Giê-trô đến thăm viếng Môi-se. Ông Giê-trô có dịp quan sát cách làm việc của con rể mình. Ông thấy Môi-se ngồi xét xử dân chúng cả ngày. Dân chúng hàng trăm người cũng đứng đó chờ được xét xử,  đôi bên đều mệt mỏi.

Giê-trô hỏi Môi-se hai câu này: “Con làm chi cùng dân sự đó? Sao con chỉ ngồi một mình, còn cả dân sự đứng chực trước mặt từ sớm mai đến chiều như vậy?” Môi-se thành thật trình bày cho ông gia mình ý muốn của dân sự và ý muốn của ông. Môi-se muốn giải quyết những nan đề của dân sự, muốn truyền cho họ mạng lịnh và luật pháp của Đức Chúa Trời. Câu hỏi đầu tiên của Giê-trô là câu hỏi mà người được Chúa kêu gọi vào chức vụ chăn dắt dân Chúa phải tự hỏi lấy mình: Chúa muốn mình làm điều gì cho Hội Thánh Ngài? Hội Thánh Chúa muốn ta làm điều gì? Môi-se, xem việc xét xử dân chúng, tìm ý Chúa cho họ, và rao giảng lời Chúa là những nhiệm vụ chính của ông. Đó cũng là nhiệm vụ chính của người lãnh đạo Hội Thánh ngày nay.

Nguồn khôn ngoan duy nhất để Môi-se giải quyết mọi nan đề của dân sự là Đức Chúa Trời. Ông không cậy sự khôn ngoan cá nhân mình mà giải quyết mọi sự.

II. GIÊ-TRÔ KHUYẾN CÁO MÔI-SE (18:17-20).

Nghe qua sự trình bày của con rể mình, Giê-trô nhận thấy Môi-se có ý tốt nhưng không có phương pháp để đạt mục tiêu Đức Chúa Trời giao phó cho ông. Tuy Môi-se đã 80 tuổi, đã từng ở trong cung điện vua Ê-díp-tô, quen biết với thủ tục hành chính, nhưng Môi-se vẫn còn cần đến sự cố vấn của Giê-trô. Giê-trô không phải là một chính trị gia, hay là một nhà lãnh đạo. Ông chỉ là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, có sự thông sáng của Ngài để giúp ý kiến xây dựng cho Môi-se. Lời lẽ của ông nói ra với sự quan tâm và yêu thương của cha đối với con nên được Môi-se sẵn sàng đón nhận.

Giê-trô thấy rằng Môi-se sẽ bị đuối sức vì gánh lấy công tác xét đoán dân sự một mình. Môi-se cần nhận định rõ hơn công tác nào chính và công tác nào phụ để chức vụ lãnh đạo của ông được thực hiện cách hiệu quả hơn. Công tác làm trung gian giữa Đức Chúa Trời với dân sự và sự rao giảng mạng lệnh cùng luật pháp của Ngài đều quan trọng như nhau. Nhưng việc xét xử không quan trọng như vậy. Môi-se có thể chọn nhiều người, huấn luyện họ và phân nhiệm vụ để họ có thể phụ giúp ông trong công việc Chúa giao. Đức Chúa Trời dùng nhiều cách trực tiếp hay gián tiếp để huấn luyện chức vụ lãnh đạo cho dân sự Ngài. Người được Chúa dùng để huấn luyện Môi-se là Giê-trô, một tôi tớ của Ngài, vì không phải bất cứ ai cũng có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

III. GIÊ-TRÔ CỐ VẤN CHO MÔI-SE (18:21-23).

Một gánh nặng được nhiều người ghé vai chung gánh sẽ trở nên nhẹ. Thay vì gánh một mình, Môi-se có thể chia sẻ gánh nặng đó cho nhiều người khác. Giê-trô khuyên Môi-se nên chọn những người có năm điều kiện sau đây cùng hợp tác với ông:

(1) Phải là người “Trong vòng dân sự”. Công việc nhà Chúa không nên giao cho người không biết Chúa đảm trách.

(2) Phải là người có khả năng. Người ấy cần phải có khả năng thích hợp với công tác chuyên môn.

(3) Phải biết kính sợ Chúa. Ảnh hưởng tốt hay xấu cho hội chúng tùy thuộc mối liên hệ của người đó với Chúa.

(4) Phải là người đáng tin. Người sống cho lẽ thật của Chúa sẽ dìu dắt hội chúng vào lẽ thật và sẽ không xê dịch khỏi đường lối Chúa.

(5) Phải là người không tham lợi. Người ấy sẽ không lạm dụng địa vị, quyền thế của mình mà hà hiếp dân chúng, làm thối nát guồng máy trị dân.

Môi-se được Giê-trô khuyên nên chọn những người như vậy để ban cho thẩm quyền cần thiết trong việc thi hành công tác. Họ phải trung tín trong chức vụ và công tác đã nhận lãnh.

IV. MÔI-SE HƯỞNG ỨNG LỜI KHUYÊN (18:24-26).

Qua đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy Đức Chúa Trời dùng người có thẩm quyền của Chúa như thầy tế lễ Giê-trô để dạy thêm cho Môi-se tôi tớ Ngài, còn Giê-trô đã hướng dẫn Môi-se theo cách hiệu quả hơn.

Môi-se lắng nghe lời khuyên của ông gia mình và làm y như vậy. Ông đã chọn được nhiều người có đủ những tư cách nêu trên, cho họ những chức vụ “cấp trưởng” của cả dân sự, tùy theo nhóm ngàn người hay trăm người, hay năm mươi người. Vậy ông Môi-se đã phân nhiệm vụ cho một số người có đủ tiêu chuẩn tốt để phục vụ và đem lợi ích đến dân sự Chúa và làm vinh hiển danh Ngài. Đức tính quan trọng nhất của người được chọn để dự phần vào công việc nhà Chúa là tình yêu thương. Nếu không bởi tình yêu thương thúc đẩy công việc, người lãnh đạo trong Hội Thánh của Chúa sẽ trở nên lạm quyền và lên mình kiêu ngạo. Sứ đồ Phao-lô đã dạy: “Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương vì là dây liên lạc của sự trọn lành” (Cô-lô-se 3:14).