Chuyên mục: NAM GIỚI

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI, CHÚA NHẬT 02.08.2015

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI, CHÚA NHẬT 02.08.2015

in NAM GIỚI on 31 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 02.08.2015.

1. Đề tài: SINH NHẬT QUÝ III.

2. Kinh Thánh: Thi Thiên 111.

3. Câu gốc: “Đức Giê-hô-va hay làm ơn và có lòng thương xót, ban vật thực cho kẻ kính sợ Ngài” (Thi 111:4b-5a).

4. Đố Kinh Thánh: Gióp 21-24.

5. Thể loại: Ca ngợi – Cảm tạ.

* CHỈ DẪN: Sinh nhật (Ca ngợi & Cảm tạ).

1. Thông báo danh sách những người có ngày sinh trong quý III (tháng 7,8,9) trước một tuần lễ; bổ sung những tên còn thiếu.

2. Thư ký trao danh sách cho thủ quỹ mua quà. Quà tặng sinh nhật nên mua nhiều hơn số cần, phòng khi có khách, thân hữu… đến dự và cũng có ngày sinh trong quý đó.

3. Những người không nhớ ngày sinh, có thể chọn ngày cưới, ngày tin nhận Chúa, ngày chịu báp-tem… để làm sinh nhật.

4. Chuẩn bị một chiếc bánh sinh nhật (nếu có thể), kích thước chiếc bánh tùy theo số người tham dự.

5. Mời những người có tên trong danh sách “sinh nhật” lên phía trên, số người còn lại hát chúc mừng. Tất cả cùng cầm dao cắt bánh. Mời người cầu nguyện đặc biệt cho họ.

6. Ban hướng dẫn tặng quà cho những người có sinh nhật.

7. Mời một số người làm chứng, ca ngợi Chúa, chia sẻ những kinh nghiệm thuộc linh… Khi làm chứng nên trình bày thành thật, đừng thổi phồng.

8. Chơi trò chơi, đố vui và ăn bánh sinh nhật…

* TRÒ CHƠI DÀNH CHO NGƯỜI CÓ SINH NHẬT.

THẮP NẾN SINH NHẬT.

– Chuẩn bị: Dùng giấy bìa cứng làm một số cây nến, ghi lời yêu cầu vui, ngắn gọn lên giấy, cuộn lại nhét vào cây nến, dùng băng keo dán cây nến lên bảng (số nến tương đương với số người có ngày sinh trong quí).

Nếu dùng nến thật thì cũng gắn lời yêu cầu vào như nến bằng giấy rồi bạn đốt nến và sắp lên bàn sao cho đẹp mắt.

Ví dụ về lời yêu cầu: “Chúc bạn sinh nhật vui vẻ! Mời bạn uống một lượt 5 ly nước”, hoặc “Mừng sinh nhật bạn! Bạn có thể mời người hát tặng bạn một bài”…

– Cách chơi: NHD mời từng người có ngày sinh trong quí lên và chọn cho mình một cây nến. Tìm xem cây nến có chứa điều gì bí ẩn và khi tìm ra được hãy đọc lớn điều bí ẩn đó lên và thực hiện.

* TRÒ CHƠI TẬP THỂ.

TRÒ CHƠI TÌM NGƯỜI.

Cắt từng miếng giấy trắng (hoặc màu) 10 cm x 10 cm, đánh số từ 1 đến số cuối bằng số người chơi. Phát cho mỗi người một tờ giấy có số, sau đó dùng băng keo hai mặt dán vào lưng hoặc vai. Mọi người đi lại lộn xộn, khi nghe tiếng còi thổi, các số bắt đầu tìm nhau. Số 2 tìm số 1; số 3 tìm số 2… số 1 tìm số cuối. Mỗi người nắm tay hoặc để hai tay lên vai người tìm được. Cuối cùng sẽ có một vòng tròn theo thứ tự, vừa đi vừa hát.

– Có thể thay số bằng câu gốc: G, I, Ă, N, G, Đ, O, Ạ, N, 1, C, Â, U, 1, 2. Cùng một câu gốc, viết trên giấy nhiều màu để các nhóm thi đua cùng một lúc (khoảng 3 nhóm). Dùng một bài hát ngắn quy định thời gian. Nhóm nào sắp xếp nhóm theo thứ tự nhanh nhất là thắng.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI, CHÚA NHẬT 26.07.2015

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI, CHÚA NHẬT 26.07.2015

in NAM GIỚI on 31 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 26.07.2015.

1. Đề tài: VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH KHÔNG CON.

2. Kinh Thánh: Sáng 1:27-28; 30:19-20; 22-24.

3. Câu gốc: “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng…” (Sáng 1:28a).

4. Đố Kinh Thánh: Gióp 17-20.

5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.

2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Vấn đề gia đình không con”.

3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.

4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.

5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong xã hội Đông phương ngày xưa, lời chúc mừng đám cưới thường nghe nhất là “đông con”, như một trong những câu chúc vui của người Việt chúng ta “Đầu năm sanh con trai, cuối năm sanh con gái”. Tuy nhiên, những lời chúc đông con không được hoan nghinh trong các xã hội văn minh ngày nay!

Gia đình không con nói đến trong bài học này không phải là lý do người mẹ son sẻ, nhưng vấn đề là gia đình vợ chồng không muốn sanh con.

Theo những cuộc thăm dò cho thấy, vì cớ nghề nghiệp của vợ chồng trở thành phương cách của cuộc sống, nên ngày càng nhiều đôi vợ chồng đã xao lãng bổn phận làm cha, làm mẹ. Con số người nữ không muốn có con gia tăng song song với phương pháp khoa học tiến bộ về cách ngừa thai.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta có quan niệm thế nào về con cái? Và có thái độ gì trước triết lý sống gia đình không con đang thịnh hành hiện nay?

I. DẪN GIẢI.

A. QUAN ĐIỂM CỦA KINH THÁNH VỀ CON CÁI.

Trong xã hội văn minh ngày nay, con cái thường bị xem như là gánh nặng. Nhưng Kinh Thánh nói gì về con cái.

Sáng Thế Ký 1:27-28: Sinh con cái là mạng lịnh của Đức Chúa Trời trong hôn nhân và sự ban phước của Ngài.

Sáng Thế Ký 24:60: Thường lời chúc cho cô dâu trong ngày cưới sẽ là “mẹ của ức triệu người” để dòng dõi trở nên đông đúc và hùng mạnh.

Sáng Thế Ký 30:19-20, 22-24: Trong ý nghĩa con cái “là vật quí báu” “Đức Chúa Trời ban cho”. Và mỗi khi sanh con, họ thường có lời cầu xin Chúa cho có thêm con nữa. Điều nầy có nghĩa con cái là quà tặng quí báu từ Đức Chúa Trời.

Thi Thiên 127:3: Con cái là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời ban cho, là phần thưởng của hôn nhân. Những chữ “bông trái của tử cung” diễn tả phước hạnh của người đàn bà sanh con cái. Là hình ảnh tương phản với người đàn bà tử cung bị đóng lại. Có nghĩa là người đàn bà không thể sanh con cái. Trong thời Cựu Ước, người đàn bà son sẻ cho đó là điều bất hạnh, như chúng ta thấy sự sầu thảm trong lòng bà An-ne (1Sa-mu-ên 1).

Thi Thiên 128:3: Sự thiếu vắng con cái là vắng bóng hạnh phúc của gia đình. Hay có thể nói con cái “trang điểm” cho hạnh phúc trọn vẹn của gia đình.

Ma-thi-ơ 11:25; 19:13-15: Con trẻ được Chúa Giê-xu quí trọng, tiếp nhận và ban phước.

Qua sự ghi nhận của Kinh Thánh, chúng ta học biết những điểm quan trọng về con cái như sau:

– Gia đình và con cái là ý chỉ của Đức Chúa Trời đối với hôn nhân.

– Con cái là quà tặng quí báu, là cơ nghiệp phước hạnh do sự ban cho của Đức Chúa Trời.

– Con cái là phần thưởng của hôn nhân, hạnh phúc của gia đình.

Như thế, theo quan điểm của Kinh Thánh, chúng ta biết chủ trương gia đình không con cái là điều sai trật, vì những lý do sau:

– Trái với mạng lịnh của Đức Chúa Trời về gia đình và con cái.

– Trái với mục đích của Đức Chúa Trời đối với hôn nhân là sinh sản con cái, xây dựng gia đình phục vụ Chúa, làm vinh danh Ngài.

– Từ chối sứ mạng của Đức Chúa Trời ủy thác cho người làm cha, làm mẹ trong công tác nuôi nấng dạy dỗ con cái nhận biết Chúa và đạo lý Ngài.

B. LÝ DO VÀ HẬU QUẢ CỦA GIA ĐÌNH KHÔNG CON.

Trong một cuộc điều nghiên về quan điểm gia đình không muốn có con trong xã hội Mỹ ngày nay, chúng ta thấy có những lý do sau:

– Vì “mốt” sống: “Không thể theo “mốt” chúng tôi đang sống, nếu chúng tôi có con cái”.

– Vì công việc, nghề nghiệp: “Làm nghề nầy thì cũng giống như có con rồi”.

– Vì tiền bạc, vật chất: “Tốt hơn là mua một nhà nghỉ mát còn hơn là dành lợi tức chúng tôi vào quỹ tiết kiệm cho con cái”. (Việc nuôi một đứa con từ khi sanh ra đến năm 18 tuổi, tính trung bình phải tốn khoảng 135.000 đô la).

– Vì muốn tự do: “Chúng tôi tự ý lựa chọn cho mình. Nuôi những con mèo, chúng có thể tự chăm sóc và chúng tôi được tự do”.

– Vì lợi ích cá nhân: “Chúng tôi không sẵn sàng để hi sinh thì giờ cho con cái!”

Phân tích những lý do trên, chúng ta nhận thấy tất cả đều đến từ một nguyên nhân chính là lòng tư kỷ, chỉ biết có mình! Đối với những người tôn sùng cá nhân chủ nghĩa, bị thu hút bởi triết lý sống hiện sinh, khoái lạc, những lý do biện minh cho gia đình không con nghe qua thật là “hữu lý”, thật là có lợi trước mắt! Nhưng đây là điều trái nghịch với đường lối và ý chỉ của Đức Chúa Trời.

Nếu nói rằng không con để được tự do, rãnh rỗi thì giờ, thì sự mưu cầu hạnh phúc cá nhân trong sự ích kỷ có giá trị gì so với thì giờ đầu tư trong sự gây dựng con cái cho mục đích phục vụ Chúa và tha nhân?

Nếu nói rằng không con vì cớ sự bận rộn của nghề nghiệp, thì người chồng đã đánh mất thiên chức cao đẹp của người làm cha, người vợ sẽ mất đặc tính đẹp đẽ của người làm mẹ! Mặc dầu nghề nghiệp cần cho cuộc sống, nhưng nếu đánh mất sứ mạng thiêng liêng của người làm cha, làm mẹ thì sẽ mất đi ý nghĩa của gia đình theo như mục đích của Chúa gọi.

Nếu nói rằng không con để khỏi bận tâm vào gánh nặng kinh tế, thà đầu tư vào sự nghiệp, thì sự nghiệp vật chất chóng tàn đó có phải là cứu cánh của hạnh phúc thật không, có so được với sự “gây dựng con cái” là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời ban cho không?

Tóm lại những điểm ưu, khuyết giữa gia đình không con vì ích kỷ và gia đình có con theo mục đích của Chúa, có thể được diễn tả trong bản so sánh dưới đây:

Gia đình không con.                 Gia đình có con.

– Không sanh con cái.        – Sanh con cái.

– Không có trách nhiệm     – Chồng, vợ trong sứ mạng của người cha, người mẹ.              người làm cha, làm mẹ.

– Không có niềm vui                   – Có niềm vui của người làm của người làm cha, làm mẹ.         cha, làm mẹ.

– Hạnh phúc cá nhân.        – Hạnh phúc gia đình con cái.

– Gia đình dễ đổ vỡ vì không – Gia đình bền vững với mối

có mối ràng buộc giữa            ràng buộc giữa cha mẹ và con

cha mẹ và con cái.                  cái.

– Cô đơn trong tuổi già.            – Tuổi già với con cái.

Theo bản so sánh trên, chúng ta nhận thấy hai điều nầy.

1. Gia đình theo chủ trương không con cái vì lý do tư kỷ là một “đơn vị đóng kín”, chỉ có hai cá nhân, bắt đầu và chấm dứt trong chính nó! Với cách sống ích kỷ chẳng những đánh mất mục đích của Chúa đối với gia đình, nhưng còn gây ảnh hưởng nguy hại đến xã hội. Trong khía cạnh nầy, bác sĩ Halfdan Mahler, nhận định như sau: “…Hiện tượng không muốn có con tại những xã hội kỹ nghệ hóa không phải là một hiện tượng tốt. Trẻ con trong những xã hội nầy cảm thấy chúng bị bỏ rơi hoặc là một gánh nặng cho cha mẹ. Mặc cảm nầy sẽ tác hại tâm lý của chúng và biến chúng thành phần tử bị thác loạn trong tương lai. Và xã hội với đa số người thác loạn tâm lý sẽ đi đến chỗ tự hủy diệt”.

2. Biết rằng gia đình không con không gặp những khó khăn, thách thức như trong gia đình có con cái, phải trả giá đắt với sự hi sinh thì giờ tiền bạc, công sức và hạnh phúc cá nhân. Tuy nhiên nếu mưu tìm hạnh phúc gia đình trong sự ích kỷ không con cái, thì đó không phải là hạnh phúc thật! Hạnh phúc thật là khi ta học tập biết chia sẻ, biết hi sinh; là khi ta vượt thắng những khó khăn để đạt đến mục đích Chúa gọi, để hoàn thành sứ mạng Ngài trao thác. Lời bình luận của một nhà tâm lý xã hội học như sau: “Người ta sợ có con vì cho rằng phá hoại hạnh phúc cá nhân của mình. Nhưng hạnh phúc thật là gì? Nếu không phải là đương đầu với những khó khăn và chinh phục những khó khăn nầy? Đời sống gia đình cung cấp cho chúng ta những giờ phút thách thức và chính những giờ phút thách thức nầy đem lại cho chúng ta hạnh phúc thật khi chúng ta chinh phục được thách thức”.

C. THÁI ĐỘ CHÚNG TA TRƯỚC VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH KHÔNG CON.

Chúng ta học biết chủ trương gia đình không con cái vì lý do tư kỷ là điều trái với đường lối của Đức Chúa Trời đối với hôn nhân. Vậy chúng ta có đáp ứng thế nào trước vấn đề nầy?

Giữ vững mục đích của Đức Chúa Trời đối với gia đình: Đón nhận con cái như quà tặng quí báu từ Chúa và sẵn sàng trong sứ mạng làm cha, làm mẹ.

Hướng dẫn người sắp kết hôn học biết sự cao đẹp của sứ mạng làm cha, làm mẹ và tìm đến lý tưởng hạnh phúc gia đình với sự gây dựng con cái trong sự phục vụ Chúa.

Trong niềm tin, chúng ta không thể chấp nhận chủ trương gia đình không con vì ích kỷ. Chúng ta nghĩ thế với những lý cớ sau đây:

– Vì môi trường sống hiện tại đầy ảnh hưởng xấu, thật không thuận lợi cho sự gây dựng con cái!

Dầu môi trường không thuận lợi, nhưng đây là một thách thức cho người cha, người mẹ nhờ ơn Chúa để vượt thắng; hầu chu toàn sứ mạng Ngài gọi trong gia đình.

– Không con cái để thuận lợi cho việc hầu việc Chúa. Lý do như rất hợp lẽ và lý tưởng. Tuy nhiên, hãy suy xét và tìm cầu ý Chúa. Có thể chúng ta bị lầm lẫn trong cách hầu việc Chúa. Không phải không có con cái mới hầu việc Chúa tốt. Sự chu toàn trách nhiệm nuôi dạy con cái trở thành người phục vụ Chúa cũng là sự hầu việc Chúa quan trọng. Điều cần là chúng ta nên học biết ý chỉ của Chúa và hầu việc Chúa ngay trong chỗ Chúa gọi.

Tóm lược.

1. Chủ trương gia đình không con cái vì tư kỷ là trái nghịch với ý chỉ của Đức Chúa Trời.

– Sai trật đường lối Chúa đối với gia đình và con cái.

– Đánh mất mục đích Chúa đối với hôn nhân là xây dựng gia đình và hướng dẫn con cái phục vụ Chúa.

– Phủ nhận sứ mạng làm cha, làm mẹ được Chúa ủy thác.

2. Gia đình mưu tìm hạnh phúc ích kỷ cá nhân mất sự ban phước của Chúa.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. Sáng Thế Ký 1:27-28: Trong sự ban phước cho hôn nhân A-đam và Ê-va, Đức Chúa Trời có mạng lịnh gì cho họ?

b. Sáng Thế Ký 24:60: Ngày xưa người ta hay chúc gì cho cô dâu trong ngày cưới? Tại sao?

c. Sáng Thế Ký 30:19-20;22-24: Thường mỗi khi sanh con, người Do-thái hay nói gì? Và những lời ấy có nghĩa gì?

d. Ngày nay con cái bị xem như là “gánh nặng”, nhưng trong Thi Thiên 127:3, nói gì về con cái?

e. Ma-thi-ơ 11:25; 19:13-15: Chúa Giê-xu có thái độ nào với con trẻ? Tại sao?

2. Chúng ta hiểu thế nào về con cái theo quan điểm của Kinh Thánh?

3. Theo quan điểm của Kinh Thánh, chủ trương gia đình không con là đúng hay sai? Tại sao?

4. Cho biết những lý do gia đình không muốn con cái. Những lý do đó có hợp lẽ với sự dạy dỗ của Kinh Thánh không? Xin cắt nghĩa.

5. Xin phân tích những điểm ưu, khuyết của gia đình không con và gia đình có con.

6. Theo sự phân tích trên, chúng ta có nhận xét gì về hậu quả của gia đình không con?

7. Xin tóm lược những điều quan trọng về con cái theo quan điểm của Kinh Thánh. Cắt nghĩa tại sao gia đình không con là sự sai trật đường lối Chúa.

8. Bạn có quan điểm gì về con cái?

– Con cái là gánh nặng hay là ơn phước Chúa ban cho?

– Xin cho biết gia đình bạn được xây dựng theo đường lối Chúa hay theo ý muốn riêng của mình?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI, CHÚA NHẬT 19.07.2015

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI, CHÚA NHẬT 19.07.2015

in NAM GIỚI on 31 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 19.07.2015.

1. Đề tài: VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH CHỈ CÓ CHA HOẶC MẸ.

2. Kinh Thánh: Sáng 3:16-20; Thi 128:1-4; Châm 31:10-13,27.

3. Câu gốc: “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường lối Ngài!” (Thi 128:1).

4. Đố Kinh Thánh: Gióp 13-16.

5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.

1. Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.

a. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.

b. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).

– Câu hỏi giải nghĩa (tìm sự dạy dỗ của lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo.

(1.1) Câu hỏi quan sát: Đọc Sáng Thế Ký 3:16-20, cho biết vai trò và trách nhiệm của người làm chồng.

(1.2) Câu hỏi suy luận: Vì sao Chúa đặt gánh nặng đó cho người chồng?

(1.3) Câu hỏi ứng dụng: Bạn ước muốn làm một người chồng như thế nào?

(2.1) Đọc Thi Thiên 128:1-4, một gia đình được phước là gia đình như thế nào?

(2.2) Vì sao gia đình như vậy được gọi là gia đình hạnh phúc?

(2.3) Gia đình bạn có được không khí đầm ấm của gia đình như trong Thi Thiên 128 chưa? Bạn sẽ làm gì cho gia đình mình được như vậy?

(3.1) Đọc Châm Ngôn 21:10-13,27 cho biết vai trò và trách nhiệm của người vợ trong gia đình?

(3.2) Vì sao Chúa đặt vai trò và trách nhiệm này trên người vợ?

(3.3) Bạn ước muốn có một người vợ như thế nào?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Một trong những thảm cảnh bi đát nhất của gia đình đông con là sự qua đời của người cha hoặc người mẹ. Chúng ta rất cảm thương và cảm phục người trong cảnh “Gà trống nuôi con”, hoặc “Gà mái nuôi con”.

Tuy nhiên, vấn đề gia đình chỉ có cha hoặc mẹ nói đến ở đây không thuộc vào trường hợp trên, nhưng là một sự sai trật, một sự chống lại đường lối Đức Chúa Trời cho loài người trong gia đình.

Đó là hậu quả của những gia đình ly dị. Đó là hậu quả của đôi nam nữ sống chung mà không có sự cam kết gia đình. Đó là “mốt sống” của đôi nữ hay đôi nam đồng tính nuôi con!

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta hiểu vấn đề nầy thế nào và có đáp ứng gì?

I. DẪN GIẢI.

A. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CHA, MẸ TRONG GIA ĐÌNH.

Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, trong hôn nhân vị trí chồng là đầu và vợ là thân (Êph 5:22-30). Cũng theo vị trí ấy, trong gia đình người chồng giữ vai trò của người cha, người chủ và người vợ giữ vai trò người mẹ, người nội trợ.

1. Vai trò của người cha: Là chủ gia đình, người cha có những trách nhiệm sau.

– Cung cấp nhu cầu cho cuộc sống gia đình (Sáng 3:16-19).

– Dạy dỗ, sửa trị con cái, uốn nắn chúng trong đường lối Chúa (Êph 6:4).

2. Vai trò của người vợ: Là mẹ, người nội trợ, trách nhiệm của người mẹ bao gồm những công việc sau.

– Sanh sản con cái (Sáng 3:16-20): Trong xã hội Đông phương ngày xưa, người nữ bị khinh bạc, xem như cái “máy đẻ”, nhưng thật ra, sự sanh sản con cái là một thiên chức thiêng liêng của người làm mẹ. Vì vậy A-đam đã gọi vợ là “Ê-va”, có nghĩa là “Sự sống”. Đem vào đời sự sống là công việc vô cùng cao quý của người làm mẹ.

– Chăm sóc, nuôi nấng con cái, quán xuyến mọi việc trong nhà (Châm 31:10-12,27).

– Khuyên dạy con cái trong đời sống tin kính Chúa (Châm 6:20; 2Tim 1:15).

3. Sự tương quan giữa vai trò người cha và mẹ.

Hai vai trò nói trên, nếu phân tích tường tận, chúng ta nhận thấy không có vai trò nào là kém hơn. Cả hai vai trò đều quan trọng, có nét đặc thù nhưng có sự tương quan và bổ túc cho nhau, mà không thể thiếu vai trò nào, vì những lý do sau đây:

– Người cha làm việc bên ngoài, đảm trách nền kinh tế gia đình, còn người mẹ quán xuyến công việc bên trong. Trong Châm Ngôn 31 đã mô tả một hình ảnh thật đẹp về người mẹ chăm lo công việc nội trợ: “Nàng coi sóc đường lối của nhà mình, không hề ăn bánh của sự biếng nhác. Con cái nàng chỗi dậy, chúc nàng được phước; chồng nàng cũng chỗi dậy và khen ngợi nàng…” (c.27-28).

– Trong sự dạy dỗ con cái, cần có sự cứng rắn, kỷ luật của người cha và cũng cần tình yêu thương dịu dàng, kiên nhẫn khuyên dỗ của người mẹ.

4. Sự cần thiết của người cha và người mẹ.

– Qua vai trò của người cha và người mẹ (cha mẹ tin Chúa), nhu cầu toàn diện của đứa trẻ được đáp ứng. Về phần thể chất, chúng được nuôi nấng, chăm sóc. Về phần tâm lý, chúng cảm nhận sự an ninh bảo bọc che chở. Về phần tâm linh, chúng được dạy dỗ để học biết Chúa và được sự cứu rỗi cho linh hồn.

– Qua vai trò và trách nhiệm của người cha, người mẹ (cha mẹ tin Chúa), mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời đối với gia đình được thành tựu. Nghĩa là con cái được dạy dỗ, được đào tạo để trở thành người phục vụ Chúa, làm vinh danh Ngài (Sáng 1:27; 18:19).

Xã hội văn minh ngày nay là một thách thức lớn cho người làm cha và nhất là cho người làm mẹ. Vì cần phụ giúp kinh tế gia đình, người mẹ vừa lo nội trợ, vừa phải đi làm. Tại Hoa Kỳ theo thống kê 1994 cho biết gần 70% các bà mẹ trong gia đình làm trong các công sở.Cho nên, mặc dầu có sự phân định trách nhiệm của người cha, người mẹ trong gia đình, nhưng tưởng rằng, trong môi trường mới, người cha cũng nên linh động chia sẻ với người mẹ công việc nội trợ, chăm sóc gia đình con cái.

B. HẬU QUẢ CỦA GIA ĐÌNH CHỈ CÓ CHA HOẶC MẸ.

Theo sự nghiên cứu của nhà xã hội học Popenoe trong quyển “Life Without Father”, chúng ta thấy vài sự kiện sau đây:

– Trong tình trạng gia đình chỉ có cha hoặc mẹ thì gia đình chỉ có cha, là tình trạng đau khổ hơn so với gia đình chỉ có mẹ.

– Tỷ số trẻ em từ gia đình chỉ có cha hoặc mẹ bỏ học cao đến hai, ba lần so với số trẻ em trong các gia đình có đầy đủ cha mẹ hay gia đình nghèo.

– Gia đình đầy đủ cha mẹ có lợi tức kinh tế cao hơn gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.

– Trong số các bé gái trong gia đình có sự chăm sóc thân thiết của người cha, thì sau nầy chỉ có số ít bị rơi vào cảnh sanh con mà không có cưới hỏi, so sánh với số các bé gái trong gia đình không có sự chăm sóc của người cha.

– Trong gia đình đầy đủ cha mẹ, trẻ em được nhiều phúc lợi hơn.

Trong quyển “Finding our Father”, tác giả Samuel Osherson viết: “Sự thiếu vắng về phương diện tâm lý hay không có mặt của người cha trong gia đình là một trong những bi thảm lớn trong thời đại chúng ta”.

Những hậu quả của gia đình chỉ có cha hoặc mẹ có thể tóm tắt trong những điểm sau đây:

1. Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ không tạo được môi trường hữu hiệu trong sự nuôi dạy con cái.

Trong phần thảo luận vai trò của người cha, người mẹ, ta thấy mỗi người có vai trò riêng biệt, nhưng có sự tương quan với nhau. Sự riêng biệt nầy phù hợp với bản tánh của mỗi phái. Như người cha, với bản tánh lãnh đạo, mạnh mẽ, cứng rắn, thích hợp trong việc kỷ luật, sửa dạy con cái. Trong khi người mẹ, với tánh mềm dẽo, thích hợp cho việc khuyên dạy, vỗ về con cái. Vì vậy vai trò người cha không thể thay thế cho vai trò của người mẹ hay ngược lại, nhưng nếu cả hai hợp lại sẽ tạo thành môi trường hữu hiệu trong sự dạy dỗ con cái nên người. Nếu thiếu một trong hai người hoặc cha hay mẹ, thì gia đình chắc sẽ mất đi hiệu lực trong sự đào tạo con cái theo như mục đích Chúa gọi.

Ngày nay vai trò của người cha, người mẹ trong xã hội văn minh, với sự lan rộng của phong trào nam nữ bình quyền, một câu hỏi được nêu lên: Người mẹ có thể đảm trách vai trò của người cha không?

Vâng, người nữ có thể đảm trách vai trò của người cha trong gia đình. Tuy nhiên sự thành công trong vai trò của người cha không phải là chuyện dễ dàng nhưng với nhiều nỗi cam go, và sự thành công đó là điều hiếm thấy! Nhìn chung, nếu người cha, người mẹ ở trong vai trò của mình theo vị trí Chúa đặt, thì dễ thành công và có kết quả tốt đẹp hơn.

2. Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ không đáp ứng được nhu cầu toàn diện của đứa trẻ.

Trong nhu cầu tâm lý, đứa trẻ cần tình yêu thương, cả tình phụ tử, lẫn tình mẫu tử. Đứa trẻ cần có người cha sửa dạy, cũng cần có người mẹ âu yếm, an ủi. Đức Chúa Trời từng bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên trong khía cạnh người cha và người mẹ (Ê-sai 49:15; 64:8). Vì vậy trong gia đình không có người cha, đứa trẻ sẽ thiếu kỷ luật và trở thành hư hỏng. Trong gia đình thiếu người mẹ, đứa trẻ sẽ cảm thấy cô đơn, dễ nản lòng. Đây là một trong những lý cớ khiến chúng bỏ nhà ra đi… để rồi dấn thân vào con đường tội lỗi.

3. Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ không nếm trải được hạnh phúc trọn vẹn.

Trong Thi Thiên 128:1-4, bày tỏ hai yếu tố cho gia đình hạnh phúc là:

– Gia đình kính sợ Chúa đi trong đường lối Ngài.

– Gia đình có sự sum họp đầy đủ của người cha, mẹ và con cái.

“Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va… Vợ ngươi ở trong nhà ngươi sẽ như cây nho thạnh mậu; con cái ngươi ở chung quanh bàn ngươi, khác nào những chồi ô-li-ve…”.

C. SỰ ĐÁP ỨNG CỦA CHÚNG TA.

Qua những cuộc điều nghiên cứu cho thấy, gia đình chỉ có cha hoặc mẹ hầu như đều đến từ hai hậu quả là gia đình ly dị và cuộc sống chung không có cam kết của hôn nhân. Nói chung, hai hậu quả nầy đến từ một nguyên nhân gần là sự ích kỷ, mưu cầu hạnh phúc cá nhân cho mình hơn là nghĩ đến phúc lợi cho con cái, và nguyên nhân xa là bất phục đường lối của Đức Chúa Trời đối với gia đình.

Trong niềm tin, chúng ta có đáp ứng gì trước vấn đề này?

– Trong gia đình, con cái Chúa cần được hướng dẫn để học biết đường lối Chúa, hầu tránh tình trạng đổ vỡ có thể xảy ra, cũng như khuyên giải những gia đình đang ở trong tình trạng sắp đổ vỡ.

– Với những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, vì lý do ly dị, hay không cưới hỏi trước đó, nay đã tin Chúa và ở trong Hội Thánh, chúng ta cần hướng dẫn cho họ biết ăn năn lỗi lầm trong quá khứ và nhờ cậy Chúa để chăm sóc dạy dỗ con cái trong tình trạng “đơn chiếc” nầy. Hội Thánh cũng phải lưu ý đến những đứa con trong các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ và chăm sóc chúng trong những khía cạnh nhu cầu về tâm lý, tâm linh mà chúng không được đáp ứng trong gia đình thiếu cha, hoặc thiếu mẹ.

– Sống trong xã hội hiện nay, với tình trạng gia đình chỉ có cha hoặc mẹ càng gia tăng, nếu có những cơ hội nói lên giá trị của gia đình Cơ Đốc, chúng ta đừng bỏ mất!

Tóm lược.

Trong gia đình vai trò của người cha là: Cung cấp nhu cầu về thể chất, dạy dỗ sửa trị con cái trong đường lối Chúa.

Vai trò của người mẹ là: Sanh sản, chăm sóc, nuôi dạy con cái trong đường lối Chúa. Cả hai vai trò của người cha và người mẹ đều quan trọng như nhau, có tương quan và bổ túc nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc thật.

Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ (không phải do cha hay mẹ qua đời) là sự sai trật đường lối của Chúa, đánh mất mục đích cao đẹp của Ngài đối với gia đình.

Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đem lại hậu quả chẳng những đau buồn cho con cái, cho người cha, người mẹ, mà còn có ảnh hưởng đến tình trạng không tốt trong xã hội.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Xin đọc Sáng Thế Ký 3:16-20; Châm Ngôn 31:10-13,27; 6:20; Ê-phê-sô 6:4 và tìm hiểu:

a. Vai trò và trách nhiệm của người cha trong gia đình.

b. Vai trò và trách nhiệm của người mẹ trong gia đình.

c. Có vai trò nào quan trọng hơn không? Xin giải thích.

d. Sự qui định vai trò của cha mẹ trong gia đình nhằm mục đích tối hậu nào? (Sáng 1:27-28; 18:19).

2. Trong vai trò và trách nhiệm của người cha và người mẹ, con cái được đáp ứng những nhu cầu nào? Và sự đáp ứng nầy có cần thiết không? Tại sao?

3. Thi Thiên 128:1-4. Theo sự diễn tả của Thi Thiên nầy, một gia đình lý tưởng cần được hội đủ hai yếu tố quan trọng nào? Tại sao?

4. Xin kể những điểm ưu, khuyết giữa gia đình có cả cha mẹ và gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.

5. Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đem lại hậu quả gì cho những cá nhân trong gia đình? Có ảnh hưởng gì đến an ninh xã hội?

6. Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ phát xuất từ nguyên nhân nào? Nên có thái độ và đáp ứng gì đối với vấn đề nầy?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI, CHÚA NHẬT 12.07.2015

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI, CHÚA NHẬT 12.07.2015

in NAM GIỚI on 31 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 12.07.2015.

1. Đề tài: CHÚA NHẬT KINH THÁNH.

2. Kinh Thánh: Thi Thiên 119:97-112.

3. Câu gốc: “Tôi không xây bỏ mạng lịnh Chúa; vì Chúa đã dạy dỗ tôi” (Thi 119:102).

4. Đố Kinh Thánh: Gióp 9-12.

5. Thể loại: Kịch 5’.

* CHỈ DẪN: Kịch 5 phút.

1. Mời vài người trong ban chấp sự của Hội Thánh nhóm chung với ban Nam giới và làm giám khảo.

2. Cách thực hiện chương trình.

* Cách 1: Từ nhiều tuần trước, mỗi nhóm của ban Nam giới họp lại để soạn và tập một vở kịch ngắn với đề tài về “Kinh Thánh”. Tùy theo số nhóm mà định thời gian của vở kịch, nhưng không được quá 15 phút.

* Cách 2: Trước giờ nhóm, ban hướng dẫn chia ban Nam giới ra làm 3 nhóm và cho ngồi riêng ra từng nhóm. Đến tiết mục kịch 5 phút, ban hướng dẫn giao cho mỗi nhóm một câu chuyện ngắn với đề tài về “Kinh Thánh”. Trong 20 phút, các nhóm phải biến câu chuyện thành vở kịch, phân vai và tập kịch.

– Các nhóm lần lượt diễn kịch.

– Cách chấm điểm.

+ Thời gian: Đúng giờ (5’ hoặc 15’) 10 điểm. Mỗi phút dư bị trừ một điểm.

+ Tinh thần: Tất cả nhóm viên đều tham gia vào vở kịch: 10 điểm. Thiếu một người trừ 1 điểm.

+ Diễn xuất: 10 điểm.

+ Nội dung: 10 điểm (nếu là vở kịch tự chọn).

– Phát thưởng.

* NHỮNG CÂU CHUYỆN THAM KHẢO.

LUẬT LỆ CHÚA QUÝ HƠN VÀNG VÀ BẠC.

Một ngày kia có một người nhà giàu ở Luân Đôn, nhân ngày sinh nhật của mình, ông gọi những người giúp việc vào nhà để tặng quà. Ông hỏi người giữ chuồng ngựa rằng: “Đây là quyển Kinh Thánh, và đây là tờ giấy bạc 5 bảng Anh. Vậy, anh muốn lấy thứ nào?”

Người ấy đáp: “Tôi muốn lấy Kinh Thánh, nhưng tôi không biết đọc. Tôi tưởng lấy giấy bạc thì ích lợi cho tôi hơn”.

Người nhà giàu xây hỏi người làm vườn: “Còn anh thì thế nào?”

Anh đáp: “Vợ tôi bệnh nên tôi cần phải lấy tiền”.

Người nhà giàu xây qua hỏi người bếp: “Còn Mary, chị biết đọc, chị lấy quyển Kinh Thánh không?”

Chị trả lời: “Tôi biết đọc, nhưng không bao giờ có thì giờ đọc sách. Vì vậy tôi cần tiền để mua một bộ y phục đẹp”.

Sau hết có một cậu bé được người nhà giàu nuôi để sai vặt. Ông hỏi cậu: “Em lấy năm bảng Anh để mua áo mới chớ?”

Cậu bé đáp: “Cám ơn ông, nhưng mẹ của con bảo con: “Luật lệ Chúa quý hơn vàng và bạc”. Vậy con xin lấy quyển Kinh Thánh”.

Người nhà giàu đáp: “Con ơi, xin Chúa ban phước cho con! Nguyện sự lựa chọn của con đem sự giàu có, vinh hiển và sống lâu cho con!”

Liền khi cậu bé nhận quyển Kinh Thánh và mở bìa ra, thì một đồng tiền vàng sáng chói rơi xuống nền nhà. Cậu lật đật giở những trang sau, thấy có những giấy bạc mà ông chủ đã để ở trong.

Thấy vậy, mấy người kia biết mình sai lầm, vội bước ra khỏi phòng.

CÂU KINH THÁNH KHÔNG HỀ THAY ĐỔI.

Trong một buổi ông Whitle giảng đạo tại thành phố Glasgow, có một người đàn bà nhờ câu Kinh Thánh sau đây mà tìm được ánh sáng Tin Lành: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời Ta mà tin Đấng đã sai Ta, thì có sự sống đời đời, không đến sự định tội, song vượt khỏi sự chết mà vào sự sống” (Giăng 5:24).

Nhà truyền đạo chép câu ấy ra trên một tấm thiếp nhỏ, biếu cho bà, rồi bà vui vẻ trở về với đứa con trai nhỏ của mình. Đêm ấy, hai mẹ con đi ngủ, lòng vui vẻ, tươi sáng như những vị thiên thần. Nhưng qua sáng hôm sau, khi ngồi vào bàn điểm tâm thì mặt bà đượm vẻ ưu sầu, lòng bà vô cùng tuyệt vọng. Bà đã phải trải qua một cơn chiến đấu, nghi ngờ và sợ hãi.

Khi cậu bé hỏi mẹ mình vì sao mà lại buồn như thế, bà nức nở khóc nói: “Thôi rồi con ơi! Đêm qua mẹ tưởng mình đã được cứu, nhưng bây giờ mẹ cảm thấy mình vẫn xấu xa như mọi khi”.

Cậu bé lộ vẻ ngơ ngác hỏi mẹ: “Ủa, mẹ ơi! Câu Kinh Thánh của mẹ đã thay đổi rồi sao? Con phải đi tìm coi thử mới được!”

Cậu chạy đi tìm tấm thiệp nhỏ ở trong. Cậu lấy ra và đọc lớn: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời Ta mà tin Đấng đã sai Ta, thì có sự sống đời đời, không đến sự định tội, song vượt khỏi sự chết mà vào sự sống” (Giăng 5:24).

Cậu quay lại hỏi mẹ mình: “Ủa, thưa mẹ! Câu Kinh Thánh nầy có thay đổi chữ nào đâu. Nó vẫn y nguyên như hôm qua kia mà!”

Bà mẹ âu yếm mỉm cười nhìn nhà truyền đạo tí hon của mình. Thật, Đức Chúa Trời đã dùng đức tin đơn sơ của cậu bé để cứu mẹ mình. Bà ôm cậu vào lòng và vui vẻ cảm tạ Đức Chúa Trời vì câu Kinh Thánh quý báu vẫn nguyên vẹn, lời đời đời của Đức Chúa Trời không hề thay đổi.

* Nguyện Chúa giúp chúng ta vững bước trong sức mạnh của sự bình an, đừng bao giờ để một áng mây nghi ngờ thoáng qua trên bầu trời thuộc linh xáng lạng của chúng ta.

QUYỂN KINH THÁNH BỊ VỨT BỎ.

Năm 1988, khi các Hội Thánh ở Liên Xô kỷ niệm 1.000 năm Phúc Âm được đến nước Nga, một Mục sư ở Tbilisi, thuộc cộng hòa Georgia, đã thuật lại một kinh nghiệm của ông về quyền năng của Lời Chúa như sau:

Một hôm, Mục sư đang đi trên xe lửa. Chuyến xe hôm ấy ít hành khách, toa Mục sư ngồi chỉ có một hành khách nữa mà thôi. Hai người bắt đầu trò chuyện, nhưng cũng chẳng có đề tài gì đặc biệt cả. Khi nói đến công việc làm ăn, để thỏa mãn sự tò mò của người bạn đồng hành, Mục sư cho biết ông đang chăm sóc một số tín hữu Tin Lành. Thế là hai người xoay qua thảo luận về tôn giáo. Người bạn đồng hành của Mục sư trình bày về chủ nghĩa vô thần của mình và ca tụng cái hay, cái đẹp, cái hợp lý của chủ nghĩa ấy, rồi đả kích tôn giáo cách thậm tệ.

Vị Mục sư kiên nhẫn lắng nghe rồi cũng trình bày quan điểm của mình và giới thiệu Phúc âm của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ông cũng mở quyển Kinh Thánh ra đọc vài câu nữa.

Nhưng người bạn đồng hành vẫn giữ vững lập trường. Cuộc thảo luận càng lâu càng sôi nổi, có lúc làm cho họ nổi nóng, nhưng không bên nào thuyết phục được người đối thoại của mình.

Thảo luận mỏi miệng rồi hai bên cùng yên lặng, Mục sư ra khỏi chỗ ngồi đi lại một lát, nhưng khi quay về chỗ cũ, Mục sư không thấy quyển Kinh Thánh của mình đâu cả.

Nhìn người bạn đồng hành, thấy ông ta vừa đóng cửa sổ lại. Sau đó Mục sư biết ông ta vừa mở cửa sổ vứt quyển Kinh Thánh của Mục sư ra ngoài. Ông ta còn bảo rằng ông vứt quyển Kinh Thánh đi để khỏi có ai đọc những lời nhảm nhí trong quyển sách đó nữa, kể cả Mục sư. Mục sư chẳng biết làm gì hơn, chỉ im lặng chờ xe lửa đến ga thì xuống.

Vài tháng sau, một người khách lạ thình lình đến nhà Mục sư và yêu cầu Mục sư làm lễ báp-tem.

Mục sư ngạc nhiên hỏi: “Ông thuộc giáo hội nào?”

Người ấy đáp: “Tôi không thuộc giáo hội nào cả. Tôi chỉ đọc Thánh Kinh mà biết được Đức Chúa Trời. Tôi biết Chúa Cứu Thế Giê-xu là Chúa tể vũ trụ và tôi xin chịu báp-tem để làm tín đồ theo Chúa”.

Lúc ấy ở Liên Xô Kinh Thánh rất hiếm, nên Mục sư hỏi tiếp: “Ông tìm được Kinh Thánh ở đâu mà đọc?”

Người khách lạ đáp: “Thật là một điều kỳ lạ. Tôi cũng biết là câu chuyện này khó tin, nhưng xin Mục sư tin tôi đi. Tôi chỉ xin nói sự thật. Tôi là một người thợ nề. Vài tháng trước đây tôi đang xây nhà ở một khu đất gần đường xe lửa. Khi một chiếc xe lửa chạy ngang qua, có một quyển sách từ một cửa sổ bay ra, và rơi xuống dưới đất, cách chỗ tôi một ít. Tôi đến lượm lên và thấy đó là một quyển Kinh Thánh”.

Mục sư hỏi kỹ lại thì thấy đúng ngày giờ và địa điểm mà người bạn đồng hành liệng quyển Kinh Thánh của mình ra cửa sổ.

Mục sư hỏi tiếp: “Ông có đem theo quyển Kinh Thánh đó không?”

Người ấy đáp: “Dạ có!”

Thấy người ấy đưa quyển Kinh Thánh ra, Mục sư biết ngay là quyển Kinh Thánh của mình. Khi biết rõ câu chuyện, người khách lạ xin hoàn trả quyển Kinh Thánh cho Mục sư, nhưng Mục sư đáp: “Không, ông cứ giữ quyền Kinh Thánh vì quyển Kinh Thánh đó đã làm những việc kỳ diệu cho ông. Tôi cầu nguyện cho quyển Kinh Thánh này cũng thực hiện những việc diệu kỳ cho nhiều người khác nữa”.

Sau khi chịu lễ báp-tem để công khai chứng tỏ mình đã ăn năn tiếp nhận Chúa Cứu Thế vào lòng và gia nhập Hội Thánh, người khách lạ về cộng đồng của mình, chia sẻ Kinh Thánh cho người trong làng và họ đều tin nhận Chúa.

Đức Chúa Trời có thể dùng mọi sự để phục vụ ý chỉ tốt đẹp của Ngài. Một quyển Kinh Thánh mà một người vô tín muốn liệng đi cho khuất mắt đã giúp hàng trăm người biết đến Chúa. Thật “Lời Chúa gieo ra chẳng bao giờ về luống công”.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI, CHÚA NHẬT 05.07.2015

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI, CHÚA NHẬT 05.07.2015

in NAM GIỚI on 31 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 05.07.2015.

1. Đề tài: GIA ĐÌNH TRONG ĐƯỜNG LỐI CHÚA.

2. Kinh Thánh: Sáng 1:27-28; Phục 6:5-9; Êph 6:1-4.

3. Câu gốc: “Ta đã chọn người đặng người khiến dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công bình và ngay thẳng” (Sáng 18:19a).

4. Đố Kinh Thánh: Gióp 5-8.

5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

1. Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước.

2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Nam giới. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong chương trình của Đức Chúa Trời, hôn nhân không có nghĩa chấm dứt tại đó, nhưng viễn ảnh của hôn nhân là gia đình và con cái. Đó là cuộc hôn nhân được Đức Chúa Trời ban phước.

Cho dù có chủ trương “vô gia đình”, nhưng ở bất cứ thời đại nào, gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng, được xem như phần nòng cốt của xã hội loài người. Có thể nói rằng sự suy thịnh của quốc gia, sự an ninh hay xáo trộn trong xã hội, đều bắt nguồn từ gia đình. Hình ảnh gia đình vẫn luôn mang lại ý nghĩ ấm áp trong lòng người. Cả người Á đông và người Tây phương đều có câu tục ngữ “Không đâu bằng chốn gia đình”. Nhưng trong mái gia đình êm ấm ấy cũng có thể xảy ra nhiều thảm kịch bi đát vì cớ sự sai trật nào đó đối với nguyên tắc gia đình mà Đức Chúa Trời đã thiết lập cho loài người.

Như vậy trong sự xây dựng gia đình hạnh phúc và có ý nghĩa, điểm trước nhất người Cơ Đốc cần học biết là đường lối và mục đích của Chúa như thế nào.

I. DẪN GIẢI.

A. MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA CỦA GIA ĐÌNH.

1. Trong Sáng Thế Ký 1:27-28: Khi thiết lập hôn nhân cho A-đam và Ê-va, Đức Chúa Trời cũng có mạng lịnh cho họ là: “Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất”. Điều nầy có nghĩa, mục đích của hôn nhân và gia đình với sự sanh sản con cái là để phục vụ Đức Chúa Trời trong công việc quản trị muôn vật, làm vinh danh Đấng Tạo Hóa.

2. Sáng Thế Ký 18:19: Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời lựa chọn và kêu gọi với mục đích dạy cả gia đình ông học biết đạo lý Đức Giê-hô-va và sống theo đường lối công nghĩa của Ngài.

3. Phục Truyền 6:5-9: Đức Chúa Trời truyền mạng lịnh cho cha mẹ trong trách nhiệm dạy con cái mình học biết và vâng giữ điều răn, luật pháp Chúa.

4. Giô-suê 4:19-24: Đức Chúa Trời truyền lịnh cho các bậc cha mẹ Y-sơ-ra-ên thuật lại các công việc quyền năng của Ngài đã làm giữa họ, để con cháu họ học biết kính sợ Đức Giê-hô-va và bày tỏ cho dân ngoại biết Ngài là Đấng Vĩ Đại vô cùng.

5. Giô-suê 24:15b: Giô-suê có mục đích rõ rệt cho gia đình ông là phục sự Đức Giê-hô-va.

Qua phần Kinh Thánh trên, chúng ta nhận thấy mục đích của Đức Chúa Trời đối với gia đình là sanh sản con cái, dạy dỗ chúng học biết đường lối Chúa, để trở thành người tôn thờ và phục vụ Chúa, làm vinh danh Ngài trong thế gian. Theo mục đích nầy, gia đình mang ý nghĩa rất đặc biệt, có thể diễn tả trong ba khía cạnh sau:

a. Gia đình là học đường thu hẹp.

Vì gia đình là nơi con cái được giáo huấn để học biết Chúa và lời Ngài, nên có thể nói gia đình là học đường thu hẹp, mà giáo sư là cha và mẹ, là những người được Đức Chúa Trời ủy thác trách nhiệm.

Thật vậy, không có môi trường giáo dục nào bằng chốn gia đình; không có phương pháp giáo dục nào linh động và hữu hiệu cho bằng giáo dục gia đình. Qua những câu chuyện nho nhỏ xảy ra trong đời sống hằng ngày, qua những lời đàm thoại đầy tình thương, qua những nghĩa cử cao đẹp của cha mẹ làm gương sáng, con cái sẽ có một sự tác động sâu xa trong đời sống, đức tin chúng lớn lên trong sự nhận biết Đấng Christ để được chuẩn bị trở thành người sẵn sàng phục vụ Chúa trong tương lai.

Thật kỳ diệu biết bao, xưa nay có những sứ giả phục hưng nổi danh như Wesley, Moody, những anh hùng thuộc linh chinh phục tội nhân mở rộng nước Đức Chúa Trời, là những người xuất thân từ “học đường gia đình”, nơi có cha mẹ yêu mến Chúa trung tín, tận tụy, hết lòng dạy dỗ con cái mình học biết Lời Ngài từ lúc còn bé thơ!

b. Gia đình là Hội Thánh thu hẹp.

Gia đình là nơi thờ phượng rất linh động, nơi có cha mẹ và con cái mỗi ngày cùng ra mắt Chúa, tương giao với Ngài là Đấng làm Chủ tối cao của gia đình và tương giao với nhau trong giờ thờ phượng gia đình.

Xuất 20:8-11: Đức Chúa Trời truyền dạy dân Y-sơ-ra-ên, những bậc cha mẹ trong gia đình, có trách nhiệm nhóm họp con cái trong nhà để thờ phượng Chúa trong ngày nghỉ. Gióp cũng thường nhóm họp con cái mình dâng của lễ cho Đức Chúa Trời, thờ phượng Ngài, để giữ chúng trong sự tin kính Chúa, tránh xa con đường tội lỗi (Gióp 1:1-5).

Ngày nay, Cơ Đốc nhân nên định giờ thờ phượng vào một thì giờ thuận tiện trong ngày, để gia đình cùng thờ phượng Chúa. Đây là thì giờ quý báu giúp con cái gần gũi Chúa, lập mối tương giao thân mật với Ngài, để con cái học biết tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sớm mở lòng tiếp nhận Chúa Giêxu làm Cứu Chúa của đời sống.

c. Gia đình là một trung tâm truyền giáo thu hẹp.

Trong mục đích của Đức Chúa Trời, gia đình chẳng những là học đường dạy dỗ con cái học biết Chúa, nhưng còn là chứng nhân cho Chúa giữa thế gian (Giô 4:19-24). Qua nếp sống tin kính Chúa, qua sự yêu thương chăm sóc và vâng phục lẫn nhau, người chung quanh sẽ nhìn biết Chúa và tìm đến sự cứu rỗi của Ngài (Giăng 13:35).

Tóm lại, khi gia đình đạt đến mục đích của Chúa như đã diễn tả ở trên, thì đó là gia đình lý tưởng, gia đình hạnh phúc thật. Muốn vậy, gia đình phải được xây dựng theo đường lối Chúa.

B. NHỮNG NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC.

Căn cứ trên những câu Kinh Thánh liên quan đến gia đình, chúng ta tìm thấy những nguyên tắc quan trọng sau đây:

(1) Đức Chúa Trời là Vị Chủ Tối Cao của gia đình (Sáng 1:27; Mat 19:4-5).

(2) Đức Chúa Giê-xu là đối tượng niềm tin của gia đình (Hêb 12:2).

(3) Đức Thánh Linh là vị Giáo sư tối cao của gia đình (Giăng 16:12-13).

(4) Kinh Thánh là sách học, là kim chỉ nam của gia đình (2Tim 3:14-17; Thi 119:105).

(5) Trách nhiệm cha mẹ trong gia đình là nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ, sửa trị con cái trong đường lối Chúa (Êph 6:4; Châm 22:6).

(6) Con cái có bổn phận hiếu kính cha mẹ mình (Êph 6:1-3).

(7) Gia đình giữ sự kính sợ Chúa, yêu thương, vâng phục và tha thứ lẫn nhau (Êph 4:32; 5:21).

(8) Trọng tâm của mọi sinh hoạt trong gia đình phải là vì vinh hiển Danh Đức Chúa Trời (1Côr 10:31).

Gia đình được xây dựng theo những nguyên tắc trên là gia đình có sự hiện diện của Đức Chúa Trời Ba Ngôi, có cùng niềm tin nơi Chúa, được ràng buộc trong tình yêu thương, trong trách nhiệm của cha mẹ nuôi dạy con cái và bổn phận con cái hiếu kính cha mẹ. Đây là những yếu tố rất cần thiết cho gia đình bền vững và hạnh phúc.

C. GIÁ TRỊ CỦA GIA ĐÌNH TRONG ĐƯỜNG LỐI CHÚA.

1. Định nghĩa gia đình Cơ Đốc.

Nhìn qua mục đích của gia đình và những nguyên tắc xây dựng gia đình, một định nghĩa có thể được diễn tả theo quan điểm của người Cơ Đốc như sau:

“Gia đình là sự nẩy nở của hôn nhân, trong bổn phận, trong trách nhiệm liên đới, để đùm bọc nhau, chăm sóc nhau, giúp đỡ nhau, tạo một môi trường hữu hiệu trong sự học hỏi Lời Chúa, trong sự thờ phượng Chúa và cùng hướng về mục đích chung là làm chứng nhân cho Chúa trong thế gian, làm vinh Danh Ngài”.

Theo định nghĩa trên, chúng ta nhận thấy có những giá trị rất cao đẹp trong gia đình của người Cơ Đốc, với biểu hiện của đức tinh yêu thương, chăm sóc, tha thứ, tôn trọng lẫn nhau, vâng lời, hiếu kính cha mẹ, và điểm đặc biệt là đào tạo những nhân tài phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân, là những công dân tốt trong xã hội. Như Sa-mu-ên, nhà tiên tri lớn của Y-sơ-ra-ên, Ti-mô-thê, Mục sư trẻ tuổi gương mẫu, là những người được nuôi dạy từ trong gia đình tin kính Chúa (1Sam 1:27-28; 3:19-21; 2Tim 1:4-5). Những vị tổng thống Mỹ như Washington, Lincoln đều là những người xuất thân từ gia đình Cơ Đốc. Vì vậy, qua mọi thời đại thăng trầm trong lịch sử nhân loại, gia đình Cơ Đốc luôn đóng vai trò quan trọng là “muối của đất”, là “sự sáng của thế gian” (Mat 5:13-15).

2. Gia đình và Hội Thánh.

Vì gia đình là Hội Thánh thu hẹp, vì gia đình là đơn vị nòng cốt của Hội Thánh, nên giữa gia đình và Hội Thánh có mối tương quan khắng khít với nhau. Mối tương quan hai chiều nầy là yếu tố hữu hiệu cho việc giáo huấn đứa trẻ trong sự tin kính Chúa, nếu gia đình và Hội Thánh có sự cộng tác chặt chẽ với nhau. Biết rằng sự dạy dỗ Lời Chúa cho trẻ thơ là trách nhiệm của cha mẹ, tuy nhiên, về phần chuyên môn cần có sự hỗ trợ của Hội Thánh. Cha mẹ vun trồng hạt giống đạo trong tâm hồn đứa trẻ qua đời sống hằng ngày, Hội Thánh giúp đứa trẻ về tri thức Kinh Thánh và trong quyền năng của Thánh Linh, hạt giống đạo sẽ được nẩy nở, lớn lên và có kết quả. Đứa trẻ trở thành người hữu dụng trong Chúa.

Tóm lược.

(1) Sự dạy dỗ con cái học biết đạo lý Chúa và phục vụ Ngài là mục đích của Chúa cho gia đình.

(2) Sự dạy dỗ con cái nhận biết Chúa là sứ mạng Đức Chúa Trời ủy thác cho cha mẹ trong gia đình.

(3) Gia đình hạnh phúc cần được xây dựng trong đường lối Chúa.

(4) Giá trị đặc biệt của gia đình Cơ Đốc là đào tạo những người sẵn sàng phục vụ tha nhân.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. Sáng Thế Ký 1:27-28: Đức Chúa Trời có mạng lịnh gì cho hôn nhân của A-đam và Ê-va? Tại sao?

b. Sáng Thế Ký 18:19: Đức Chúa Trời có mục đích gì cho người làm cha mẹ trong gia đình?

c. Phục Truyền 6:5-9: Đức Chúa Trời có mạng lịnh gì cho người làm cha mẹ trong gia đình?

d. Giô-suê 4:19-24: Tại sao Đức Chúa Trời truyền cho dân Y-sơ-ra-ên dạy con cháu biết các công việc quyền năng của Ngài?

e. Giô-suê 24:15: Giô-suê đã có quyết định gì cho gia đình ông?

2. Qua sự ghi nhận trên xin tìm hiểu:

a. Trong chương trình của Đức Chúa Trời, gia đình được thiết lập nhằm mục đích nào?

b. Theo mục đích ấy, gia đình có ý nghĩa gì?

3. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. Sáng Thế Ký 1:27; Ma-thi-ơ 19:4-5; Hê-bơ-rơ 12:2; Giăng 16:12-13? Ai là Chủ Tối Cao của gia đình? Ai là đối tượng niềm tin của gia đình? Và ai là Vị Giáo Sư Tối Cao của gia đình?

b. 2Ti-mô-thê 3:14-17; Thi Thiên 119:105: Đâu là sách học và kim chỉ nam của gia đình?

c. Ê-phê-sô 6:4: Trách nhiệm và vai trò của người cha và người mẹ trong gia đình là gì?

d. Êph 6:1-3: Con cái có bổn phận gì đối với cha mẹ?

e. Ê-phê-sô 4:32; 5:21: Các thành viên trong gia đình phải đối xử với nhau như thế nào?

4. Qua những điểm trên, chúng ta tìm thấy những nguyên tắc nào của Chúa cho gia đình? Tại sao những nguyên tắc nầy quan trọng?

5. Xin viết vài dòng vắn tắt định nghĩa gia đình Cơ Đốc.

6. Gia đình Cơ Đốc có những giá trị đặc biệt gì? (1Sam 1:27-18; 3:19-21; 2Tim 1:4-5; Châm 22:6).

7. Những giá trị của gia đình Cơ Đốc có ảnh hưởng thế nào đến xã hội loài người? (Mat 5:13-14).

8. Xin tóm lược những điểm quan trọng của bài học:

a. Mục đích và ý nghĩa của gia đình.

b. Những nguyên tắc xây dựng gia đình.

c. Giá trị của gia đình Cơ Đốc.

9. Xin cho biết:

a. Gia đình bạn có được lập vững trên nguyên tắc của Chúa chưa? Nếu chưa, bạn phải làm gì?

b. Là cha, mẹ trong gia đình, bạn có làm gương tốt hướng dẫn con cái trong sự tin kính Chúa chưa? Nếu chưa, bạn phải làm gì?

c. Gia đình bạn có những giá trị tốt lành nào ảnh hưởng đến người xung quanh và làm vinh danh Chúa, xin kể ra.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI 28.06.2015

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI 28.06.2015

in NAM GIỚI on 1 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 28.06.2015.

1. Đề tài: LỄ KỶ NIỆM 104 NĂM TIN LÀNH ĐẾN VIỆT NAM.

2. Kinh Thánh: Ê-phê-sô 1:3-14.

3. Câu gốc: “Hãy nhớ những người dắt dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy nghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thể nào, và học đòi đức tin họ” (Hêb 13:7).

4. Đố Kinh Thánh: Gióp 1-4.

5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 25.01.2015.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sơ lược tiểu sử Mục sư A.B. Simpson, sáng lập viên Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp.

Tấn sĩ Albert Benjamin Simpson là một mục sư Gia Nã Đại, sinh ngày 18 tháng 12 năm 1843 tại tỉnh Prince Edward, Island. Ông tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình năm 14 tuổi. Ông vâng theo tiếng Chúa gọi dâng mình cho chức vụ thánh nên đã vào trường cao đẳng Thần học Toronto để học Lời Chúa và tốt nghiệp năm 1865. Dầu chỉ mới 21 tuổi, ông đã được phong chức Mục sư và chăn bầy chiên của Chúa tại chi hội Hamilton (Ontario) là một Hội Thánh lớn nhất thời bấy giờ ở Gia Nã Đại.

Trong thời gian 9 năm phục vụ Chúa ở chi hội này dầu không có dịp tổ chức một chiến dịch truyền giảng nào cả, nhưng Hội Thánh ông tăng thêm 750 tín hữu. Sau đó chi hội Louisville ở Kentucky mời ông. Sau khi đã hầu việc Chúa ở đây một thời gian đem lại nhiều thành tích vẻ vang cho nhà Chúa, có một chi hội lớn hơn nữa ở Nữu Ước mời ông và ông nhận lời đến phục vụ Chúa tại Hội Thánh ấy năm 1879. Dầu hầu việc Chúa giữa một Hội Thánh sang trọng, giàu có và cũng thâu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp nhưng lòng ông chưa thỏa mãn. Chúa đã đặt khải tượng truyền giáo trong tâm hồn ông. Trong một khải tượng, Chúa đã cho ông thấy vô số người đang đau khổ, thất vọng, nửa sống, nửa chết. Họ rên siết kêu ông mau mau đến cứu giúp họ. Ông đã quỳ gối bên giường và đã hứa nguyện với Chúa sẽ vâng theo sứ mạng Ngài.

Ông luôn nghĩ cách đem Tin Lành cho các quốc gia, các dân tộc xa xôi trên thế giới. Vì vậy, sau hai năm hầu việc Chúa ở Nữu Ước, vào tháng 11 năm 1881, ông từ chức Mục sư chi hội này và ra khỏi Hội Thánh Trưởng Lão để bắt đầu một chức vụ hoàn toàn theo sự điều khiển của Đức Chúa Trời.

Từ bỏ một phụ cấp thường niên 5.000 mỹ kim để bắt đầu một chức vụ hoàn toàn bởi đức tin với một gia đình bảy miệng ăn giữa một đô thị rộng lớn như Nữu Ước, không nơi trú ngụ, không một xu dính túi thì không phải là dễ. Sau buổi giảng đầu tiên tại một phòng diễn thuyết đã có bảy người tin Chúa và gia nhập phong trào của ông. Kể từ 7 người nhảy lên 32 người và với số 32 tín đồ, ông tổ chức một Hội Thánh trong năm 1882. Nhưng không bao lâu, Hội Thánh của ông phải thay đổi chỗ nhóm nhiều lần như dân Do Thái lưu lạc trong đồng vắng khi xưa. Vào năm 1889, Hội Thánh ông tìm được một địa điểm xứng hiệp nên đã xây một Nhà Thờ mang tên “The New York Gospel Tabernacle”. Nhà thờ ấy được khánh thành vào năm 1890 và được Chúa bảo quản dùng làm trung tâm truyền giáo cho đến ngày nay. Cũng trong năm ấy, Hội Thánh hoàn thành một bệnh xá để cứu giúp bệnh nhân. Ông cũng rất quan tâm đến công tác truyền giảng Tin Lành cho những người bình dân. Năm 1885, ông đã tổ chức nhiều ban chứng đạo đem Tin Lành cứu vớt những phần tử bần cùng trụy lạc, bị xã hội ruồng bỏ. Ông nhận thức được địa vị quan trọng của phụ nữ Tin Lành trong xã hội và trong Hội Thánh. Bởi vậy ông tổ chức các ban thanh niên, thiếu nhi và phụ nữ Tin Lành. Ông cũng rất cảm thương số phận bơ vơ của các cô nhi nên đã mở một cô nhi viện. Là một Mục sư năng động, ông thường đi nhiều nơi để phân phát Lời Đức Chúa Trời và cổ động cho công cuộc truyền giáo. Ông sốt sắng tổ chức nhiều hội đồng và các chiến dịch giảng Tin Lành. Chúa luôn luôn đổ phước lớn, và ban cho ông nhiều kết quả lạ lùng. Ông nhận biết rằng, muốn công việc nhà Chúa mở mang và tiến triển thì phải huấn luyện cho thật nhiều “tay đánh lưới người”. Quả thật, Mục sư A. B. Simpson là một nhà giáo dục Tin Lành đầy kinh nghiệm. Theo sáng kiến của ông, vào năm 1883, một trường Cao đẳng huấn luyện giáo sĩ được thiết lập ở Nyack cách thành phố Nữu Ước 25 dặm. Khoá thứ nhất của trường chỉ có 12 sinh viên và 2 giáo sư. Nhưng nay trường này là một trường Cao đẳng Thần học rất lớn.

Tấn sĩ A. B. Simpson cũng là một nhà văn Tin Lành có biệt tài, một thi sĩ nổi tiếng. Ông đã xuất bản nhiều sách giải nghĩa Kinh Thánh, sách bồi linh, bài giảng rất linh động. Nhiều bài thi ca, thánh ca được tuôn ra từ ngòi bút của ông làm rung động nhiều tâm hồn. Ông đã sáng lập tờ tuần báo “The Alliance Weekly”. Trải qua nhiều năm, tờ báo này là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Truyền Giáo Phước âm Liên hiệp với nhiệm vụ thông tin và giãi bày Lời Chúa rất linh động.

Tấn sĩ A. B. Simpson là người đã lập ước với Chúa, người có một sứ mạng và đầy ân tứ như chúng ta đã biết, nhưng ông cũng là một người có khải tượng. Phải, ông là người có một khải tượng truyền giáo.

Gánh nặng truyền giáo đè trĩu hai vai ông. Ông cầu nguyện, dâng tiền cho công cuộc truyền giáo để gởi giáo sĩ đi truyền giáo ở các miền xa xăm. Đó là mục tiêu của chức vụ ông. Đó là sứ mạng của chức vụ ông. Ông từ bỏ Hội Thánh giàu sang, từ bỏ phụ cấp đầy đủ, từ bỏ mọi sự chỉ vì sứ mạng ấy. Tâm hồn ông ca khúc khải hoàn khi Chúa là Đức Chúa Trời thành tín đã vùa giúp ông thực hiện được điều Ngài đã truyền phán với ông, cho ông lập được Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp vào năm 1897. Hội được thành lập theo ý Chúa và được Chúa đại dụng đem Tin Lành chiếu rọi nhiều quốc gia và nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ngày 28 tháng 10 năm 1919 Tấn sĩ ngồi dưới hiên nhà mình và tiếp chuyện giáo sĩ Jude Clark ở Jamaica mới về. Tấn sĩ chuyện trò rất thân mật với giáo sĩ và tha thiết hiệp nguyện với ông. Sau khi giáo sĩ Clark từ giã, Tấn sĩ thình lình ngã ra bất tỉnh. Sáng hôm sau, đẹp ý Chúa, linh hồn Tấn sĩ đi về nước sáng láng.

Sau bốn lễ truy niệm Tấn sĩ, Hội Thánh quàn tạm quan tài ông trong một nhà mồ ở nghĩa địa Woodlawn Cemetery. Đến ngày 21 tháng 5 năm 1920, khi Hội đồng thường niên của Hội bế mạc, các đại biểu chở quan tài của Tấn sĩ về cử hành lễ an táng tại khuôn viên của giáo hội.

Mục sư Tấn sĩ A. B. Simpson, người nhận được khải tượng truyền giáo từ Chúa, người đã triệt để vâng theo tiếng Chúa gọi, đó là người Đức Chúa Trời đã dùng đem Tin Lành truyền sang Việt Nam, và chẳng những Việt Nam thôi mà cả mấy chục nước trên thế giới nữa.

Quả thật Đức Chúa Trời đã dùng một người. Hôm nay Đức Chúa Trời vẫn cần một người. Ngài đang kiếm người ấy. Người ấy là ai? Đó có thể là các bạn và tôi, miễn là chúng ta hoàn toàn phó dâng đời sống mình cho Ngài.

 

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI 21.06.2015

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI 21.06.2015

in NAM GIỚI on 1 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 21.06.2015.

1. Đề tài: NHỮNG THẮC MẮC TRONG ĐỜI SỐNG.

2. Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 28.

3. Câu gốc: “Mây tan ra và đi mất thể nào, người xuống âm phủ không hề trở lên cũng thể ấy. Họ không hề trở về nhà mình nữa, và xứ sở người chẳng còn biết người” (Gióp 7:9-10).

4. Đố Kinh Thánh: Ê-xơ-tê 5-10.

5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

1. Mời người giải đáp thắc mắc.

2. Thông báo đề tài cho các ban viên trước hai tuần.

3. Ban hướng dẫn tìm hiểu các ban viên, thảo luận và đưa ra những câu hỏi thiết thực vì có nhiều người e ngại không dám hỏi.

4. Người đặc trách sẽ đọc lên từng câu hỏi và trả lời. Sau đó cho ban viên được góp ý hoặc hỏi thêm.

Sau đây là một đề tài về giáo lý để quý vị có thể tham khảo hoặc sử dụng nếu thích hợp cho Hội Thánh.

– Hỏi: Xin giải thích thế nào về việc Sa-mu-ên hiện hồn về gặp Sau-lơ? (1Sam 28:11-12).

– Đáp: Việc Sa-mu-ên hiện hồn về có ba quan điểm giải thích khác nhau:

– Ý kiến thứ nhất cho rằng, Đức Chúa Trời thật sự cho phép Sa-mu-ên về nói chuyện với Sau-lơ. Đức Chúa Trời có quyền cho tiên tri Sa-mu-ên trở về dương thế, nhưng trong câu chuyện trên chúng ta không nghĩ Đức Chúa Trời làm như vậy; vì việc làm nầy đã qua sự trung gian của một bà bóng. Đồng bóng, tà thuật, bói khoa là những việc gớm ghiếc và Ngài ra lịnh phải tiêu diệt. Nếu chúng ta nghĩ rằng Đức Chúa Trời cho phép tiên tri Samuên trở về qua trung gian của bà bóng là vô tình chúng ta cho rằng Chúa hợp tác với ma quỉ và Đức Chúa Trời đã tự mâu thuẫn với chính Ngài. Quan điểm trên không phù hợp với bản tính và quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, Đức Chúa Trời đã không trả lời với Saulơ qua các tiên tri, qua các chiêm bao (1Sa 28:6) thì chắc chắn không thể nào chỉ vì bùa phép hay yêu cầu của bà bóng mà Ngài phải cho Sa-mu-ên về nói chuyện với Saulơ. Do đó ý kiến trên thật sự không đứng vững.

– Ý kiến thứ hai là ma quỉ giả Sa-mu-ên hiện hình lên nói với Sau-lơ. Ma quỉ có thể giả dạng làm thiên sứ sáng láng (2Côr 11:14) và trong ngày sau rốt sai người giả dạng Chúa Giê-xu (Mat 24:23) để gạt con cái Chúa thì việc ma quỉ giả dạng Samuên để gạt Sau-lơ là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Ma quỉ biết Sau-lơ không vâng lời Chúa và ma quỉ cũng biết Đức Chúa Trời tuyên bố hủy diệt Sau-lơ nên đã mượn phương tiện nầy để tiếp xúc với Sau-lơ.

Mặc dầu những lời nói của ma quỉ xảy ra đúng sự thật, nhưng chúng ta phải thận trọng vì “những sự thật” này không hoàn toàn trung thực về bản chất. Sự thật mà ma quỉ dùng báo trước ở đây cũng giống như những cách mà ma quỉ đã nói với bà Ê-va rằng bà sẽ không chết. Ê-va đã không ngã lăn ra chết khi ăn trái cấm nhưng sự thật kể từ đó cả dòng dõi loài người đã chết vì xa cách Chúa.

“Ngày mai ngươi và các con trai ngươi sẽ ở một nơi với ta” (1Sam 28:19).Nếu ma quỉ nói câu này, thì đây là một lời châm biếm chua cay dành cho Sau-lơ. Sau-lơ và một số con trai ông sau khi chết không về Thiên đàng với Samuên nhưng về địa ngục với sa-tan.

Thánh Kinh Tân Ước cho chúng ta biết một người thật lòng tin nhận Chúa thì Thánh Linh của Chúa ấn chứng trong lòng người đó rằng người ấy thật là con cái Đức Chúa Trời (Rô 8:16). Sự xác nhận của Thánh Linh chính là ấn chứng có hiệu lực để một người tin Chúa thật sự vào nước Thiên đàng. Chúng ta biết khi Sau-lơ còn sống, ông làm buồn lòng Chúa nên Thánh Linh Ngài đã lìa khỏi ông (1Sam 16:14) và nhiều lần ác thần nhập vào đời sống của ông (1Sam 16:23). Vì Sau-lơ cứ lún sâu vào con đường tội lỗi, nên khi còn sống, tiên tri Sa-mu-ên cũng đã không muốn nhìn mặt Sau-lơ (1Sam 15:35). Sau-lơ đã bị Chúa từ bỏ và phó cho ma quỉ rồi (1Sam 16:23) cho nên ma quỉ nói Sau-lơ khi chết về cùng nó thì đó không phải là điều ngạc nhiên.

Tuy nhiên, chúng ta tin rằng trong số những người con cùng đi với Sau-lơ chắc không có Giô-na-than. Dầu thiếu Giô-na-than thì ma quỉ vẫn đúng vì nó không nói tất cả các con trai của Sau-lơ mà chỉ nói “các con trai”. Bản tính xảo quyệt của ma quỉ là như thế.

Bằng cách giả Sa-mu-ên hiện hồn về, ma quỉ đã thực hiện được nhiều việc khác nhau. Sau sự việc nầy, ma quỉ làm cho nhiều người trong dân Y-sơ-ra-ên tiếp tục tin vào đồng bóng vì thấy có linh nghiệm. Đây là một phương kế thâm độc của ma quỉ muốn tìm cách khôi phục lại sự thờ hình tượng và mê tín trong dân Y-sơ-ra-ên khi ấy gần như bị tuyệt diệt. Sau-lơ trong những năm tháng theo Chúa đã sốt sắng tận diệt sự thờ hình tượng (1Sam 28:9), nhưng rất tiếc, Sau-lơ trên đường sa ngã đã vô tình làm công cụ cho ma quỉ lợi dụng khôi phục lại những gì mà ông đã đánh đổ đi. Đây là một bài học đau thương cho mỗi đời sống chúng ta.

– Ý kiến thứ ba, không có ma quỉ giả dạng, tiên tri Sa-mu-ên không có hiện hồn về nhưng bà bóng dựng toàn bộ câu chuyện. Khả năng nầy có thể xảy ra.

Như bao nhiêu thầy bói, đồng bóng “tài giỏi” khác, bà bóng tại Ên-đô-rơ là một nhà tâm lý xuất sắc. Khi biết vị khách muốn gặp Sa-mu-ên bà biết ngay người đi coi đồng bóng đó không ai khác là Sau-lơ.

Sa-mu-ên là một người thánh của Đức Chúa Trời. Chắc chắn vào thời đó ai cũng biết không thể tìm cầu người thánh của Chúa qua phương tiện bói toán, cầu vong. Nhưng người nào tìm Sa-mu-ên qua phương tiện này, thì người đó phải từng được tiếp xúc gần gũi với
Sa-mu-ên trước kia, và bây giờ phải ở trong tâm trạng rất tuyệt vọng muốn gặp người thánh của Chúa nên mới mê muội đến với bà. Dựa vào những dữ kiện trên bà bóng biết người đối diện không ai khác là Sau-lơ, người đang bị Chúa từ bỏ mà cả Y-sơ-ra-ên đều biết.

Khi được Sau-lơ xác nhận, bà bóng đã dựng lên một sứ điệp dựa vào những dữ kiện trong quá khứ và khả năng của sự việc có thể xảy ra. Ngày mai phải đối diện với quân thù thật hùng mạnh mà trong đêm nay vị chủ tướng lại trong tình trạng kiệt sức cả tinh thần lẫn thể chất thì bà bóng đoán cho Sau-lơ một cái chết là một việc hoàn toàn hữu lý. Khi Sau-lơ, vị vua và là vị dõng tướng của Y-sơ-ra-ên chết, dân Y-sơ-ra-ên cũng thất trận và một vài người con của ông có thể tử trận là một việc hoàn toàn có thể xảy ra. Giả dụ các con Sau-lơ không chết thì cũng chẳng sao vì ngoài bà và Sau-lơ không ai biết lời tiên đoán đó. Kết cuộc diễn biến đã xảy ra đúng như lời bà bóng “tài giỏi” nầy.

Tóm lại, chúng ta tin Lời Chúa dạy rằng linh hồn người chết không quay trở lại cõi sống (Gióp 7:9-10; 2Sa 12:23). Người tin Chúa, khi qua đời linh hồn họ trở về ngay với Chúa; còn người chưa tin Chúa, linh hồn họ được về ở một nơi do Chúa sắp đặt để chờ ngày phán xét (Lu-ca 16:19-31).

Là con cái Chúa, chúng ta phải suy xét theo lời Chúa dạy để hiểu được những công việc lừa dối của ma quỉ. Nếu nhận ra được vấn đề, chúng ta sẽ không mắc vào bẫy dò ma quỉ giăng ra. Hơn thế nữa chúng ta cần hiểu rõ để có thể giúp đỡ được nhiều người chung quanh chúng ta đang bị ma quỉ lừa gạt.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI 14.06.2015

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI 14.06.2015

in NAM GIỚI on 1 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 14.06.2015.

1. Đề tài: SINH NHẬT – CẢM TẠ CHÚA.

2. Kinh Thánh: Thi Thiên 66.

3. Câu gốc: “Hỡi hết thảy người kính sợ Đức Chúa Trời, hãy đến nghe, thì tôi sẽ thuật điều Ngài đã làm cho linh hồn tôi” (Thi 66:16).

4. Đố Kinh Thánh: Ê-xơ-tê 1-5.

5. Thể loại: Sinh nhật – Sinh hoạt.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 29.03.2015.

* TRÒ CHƠI DÀNH CHO NGƯỜI CÓ SINH NHẬT.

BÔNG HOA SINH NHẬT.

– Chuẩn bị: Cắt một số hoa bằng giấy màu và viết lời yêu cầu thật vui cuộn tròn lại dán vào nhụy hoa. Dùng băng keo hai mặt dán bông hoa lên bảng (số hoa tương đương với số người có ngày sinh trong quí).

– Cách chơi: NHD sẽ mời từng người có ngày sinh trong quí lên chọn và hái cho mình một bông hoa. Quan sát kỹ trong bông hoa sinh nhật có gì đặc biệt, xem và đọc lớn rồi thực hiện lời yêu cầu.

* TRÒ CHƠI TẬP THỂ.

LỌT BÓNG.

– Cách chơi: NHD cho các bạn tham gia đứng thành vòng tròn, người này cách người kia khoảng 0,5m. NHD chọn một người vào trong vòng tròn với một quả bóng. Sau đó NHD công bố cuộc chơi như sau: Bạn này dùng tay ném bóng ra khỏi vòng tròn nhưng không được ném cao hơn đầu gối các bạn; còn các bạn chỉ được dùng một chân (phải hoặc trái do NHD quy định) để cản bóng, sao cho bóng đừng ra khỏi. Khi NHD thổi còi, tất cả phải đồng loạt đổi chân nhanh chóng. Nếu bóng lọt ra ngoài, thì người để lọt bóng phải ra thay thế (ví dụ: Quy định dùng chân trái để chặng bóng, nếu bóng lọt qua bên trái của người nào thì người đó làm người ném bóng).

THẢY VÒNG VÀO CỔ CHAI.

– Cách chơi: NHD chia các bạn tham gia thành nhiều đội xếp thành hàng dọc, mỗi đội 5 người. NHD phát cho mỗi đội 5 vòng tròn bằng dây lát hoặc tre (đường kính khoảng 20cm). Sau đó, đặt trước mỗi đội một cái chai (nước khoáng hoặc chai thủy tinh) cách khoảng từ 2 đến 3m. NHD cho các bạn thi đấu bằng cách dùng vòng thảy vào cổ chai. Đội nào có số vòng tròng vào cổ chai nhiều nhất là thắng cuộc.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI 07.06.2015

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI 07.06.2015

in NAM GIỚI on 1 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 07.06.2015.

1. Đề tài: CÁC GIÁO LÝ CĂN BẢN.

2. Kinh Thánh: Sáng 1-3; Rô 5:12, 6:23; 8; 11:36, Giăng 14:16-17, 16:7; Êph 1:14, 2:7-8, Khải 20:14.

3. Câu gốc: “Sự thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta” (1Giăng 5:4b).

4. Đố Kinh Thánh: Nê-hê-mi 9-13.

5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 04.01.2015.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sau đây chúng ta lần lượt ôn lại những giáo lý đã học và tìm bài học áp dụng từ những chân lý đó vào nếp sống đạo hằng ngày của chúng ta.

I. DẪN GIẢI.

A. TỔNG QUÁT VỀ CÁC GIÁO LÝ CĂN BẢN.

1. Giáo lý về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

a. Đức Chúa Trời là Chân Thần duy nhất, là Thần Linh tối cao chủ tể của trời đất muôn vật, thiêng liêng, vô hình, nhưng có vị cách và cá tánh riêng biệt. Thần tánh Ngài được bày tỏ trong bản tánh thánh khiết, công nghĩa, yêu thương và thuộc tánh của Ngài là toàn năng, toàn tri, toàn tại, toàn thiện, toàn mỹ, chân thật, nhân từ, thành tín, tự hữu hằng hữu, đời đời, bất biến, vô thủy vô chung.

b. Một trong những lẽ đạo huyền nhiệm về Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Nghĩa là một Đức Chúa Trời bày tỏ trong ba ngôi vị với danh xưng riêng là Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Ba ngôi riêng biệt, nhưng tương quan với nhau, có cùng thể yếu, thần tánh như nhau, bình đẳng, bình quyền với nhau, và hiệp một với nhau trong Đức Chúa Trời duy nhất.

2. Giáo lý về sự tạo thành trời đất muôn vật.

a. Sự hiện hữu của vũ trụ, muôn vật và loài người là do sự sáng tạo của Đức Chúa Trời Ba Ngôi chớ không phải do sự ngẫu nhiên tiến hóa mà thành (Sáng 1-2).

b. Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật cho chính Ngài và với mục đích làm vinh hiển danh Ngài (Rô 11:36).

c. Mọi vật Chúa dựng nên đều tốt lành, có công dụng hữu ích, và có theo mục đích cao cả của Ngài.

d. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa muôn vật, cũng là Đấng Bảo tồn, và Đấng Quan phòng, phù hộ chăm sóc muôn vật.

3. Giáo lý về thiên sứ và ma quỉ.

a. Thiên sứ là loài thần linh được Đức Chúa Trời dựng nên trong sự thánh thiện. Thiên sứ có trước loài người, có sự hiểu biết và quyền lực trổi hơn loài người. Tuy nhiên thiên sứ chỉ là những thiên thần thọ tạo và hữu hạn.

b. Trong vòng thiên sứ, có số thiên sứ bất phục Đức Chúa Trời gọi là những thiên sứ ác hay ma quỉ. Thiên sứ đứng đầu cuộc dấy nghịch Đức Chúa Trời thường được gọi là Satan. Còn những thiên sứ vâng phục Đức Chúa Trời được gọi là thiên sứ thiện.

c. Là thiên sứ sa ngã, bản chất của sa-tan từ thiện trở nên ác, được biểu lộ trong bản tánh lừa dối, độc ác, kiêu ngạo và phạm thượng.

d. Thiên sứ là thần hầu việc Đức Chúa Trời được sai xuống thế gian để giúp việc con cái Chúa theo mạng lịnh Ngài. Trái lại thiên sứ ác tức là ma quỉ do sa-tan cầm đầu với công việc của chúng là lừa dối loài người, xui khiến thế gian chống nghịch Đức Chúa Trời, cám dỗ con cái Chúa phạm tội, gây họa trên người tin kính Chúa, phá hại công việc nhà Chúa. Nhưng quyền lực của chúng chỉ có giới hạn với sự cho phép của Đức Chúa Trời, Đấng Chủ Tể cầm quyền tối cao trên muôn loài vạn vật thọ tạo. Cuối cùng của Satan là sự đoán phạt trong hồ lửa đời đời.

4. Giáo lý về loài người và tội lỗi.

a. Người được nên giống như hình Đức Chúa Trời, được gọi là loài sanh linh, có thể xác bằng bụi đất hay hư nát, và có linh hồn đến từ Đức Chúa Trời là phần bất diệt.

b. Trong hình ảnh Đức Chúa Trời, loài người giống Ngài về cá tánh và bản tánh đạo đức thánh thiện. Có nghĩa người là một cá thể tự do, có ý thức về tinh thần tự quyết, có sự nhận biết điều phải trái, có năng lực lựa chọn điều thiện, có khả năng giao thông với Đấng Tạo Hóa và với tha nhân, và khả năng tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

c. Tội lỗi bắt đầu lan tràn trong loài người từ sự sa ngã của
A-đam, người đầu tiên, vì sự cám dỗ của sa-tan. Trong dòng dõi
A-đam, loài người mắc vào hai thứ tội. Nguyên tội là từ nguyên tổ A-đam, và kỷ tội là tội cá nhân và bị đặt dưới hình án của Đức Chúa Trời. Hậu quả và án phạt của tội lỗi là sự chết. Có ba sự chết, chết thể xác, chết tâm linh và chết đời đời (Sáng 3; Rô 5:12; 6:23; Khải 20:14).

5. Đấng Cứu Thế và sự cứu rỗi.

a. Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cứu Thế duy nhất của thế gian. Ngài là Đấng thần nhân duy nhất, có cả thần tánh toàn năng và nhân tánh toàn thiện, có đủ tư cách trở thành Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, và làm nên sự cứu rỗi linh nghiệm cho cả thế gian.

b. Sự cứu rỗi loài người được lập nền trên sự chết và sống lại của Đấng Christ (1Côr 15:3-4). Bởi sự đổ huyết của Ngài, tội nhân được tha thứ, bởi sự sống lại của Ngài, tội nhân được giải phóng khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết.

c. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là hoàn toàn trọn vẹn, được ban cho loài người bởi ân điển Ngài. Đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ là điều kiện duy nhất nhận được sự cứu rỗi, không có sự thêm vào công đức riêng tư của con người (Êph 2:7-8).

d. Sự cứu rỗi trong Đấng Christ là sự cứu rỗi toàn diện, bao gồm sự giải cứu về phần tâm linh và sự cứu chuộc thân thể. Nghĩa là trong hiện tại tội nhân được giải cứu khỏi sự đoán phạt của tội lỗi, tức là được xưng nghĩa trước luật pháp Đức Chúa Trời, được ban cho tấm lòng mới, tức là sự tái sanh, và được giải cứu khỏi quyền lực của tội lỗi, tức là sự thánh hóa. Trong tương lai, thân thể sẽ được giải cứu khỏi sự chết để được sự sống đời đời với Chúa.

6. Giáo lý về Đức Thánh Linh và Hội Thánh.

a. Sự cứu rỗi loài người là công việc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Theo đó Đức Cha hoạch định chương trình, Đức Con thực hiện sự cứu rỗi, và Đức Thánh Linh hoàn thành sự cứu rỗi trong người tin.

b. Đức Thánh Linh còn có danh hiệu là Đấng Yên ủi hay Thần Lẽ Thật. Công việc của Đức Thánh Linh đã được thấy trong công cuộc sáng tạo muôn vật, và trong thời Cựu Ước. Đặc biệt trong thời Tân Ước, với biến động giáng lâm trong ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh được ban xuống để thành lập Hội Thánh Đấng Christ (Công 2).

c. Công việc của Đức Thánh Linh bao gồm nhiều lãnh vực: Trong con người, Đức Thánh Linh thuyết phục tội nhân tin nhận Chúa Giê-xu, ban quyền năng cho người giảng Tin Lành. Trong Hội Thánh, Đức Thánh Linh liên hiệp người tin với Đấng Christ để được thuộc vào Hội Thánh Ngài; ban cho tín hữu ân tứ để gây dựng, phát triển Hội Thánh, gìn giữ Hội Thánh khỏi sự sai lạc, hướng dẫn Hội Thánh trong sứ mạng giảng Tin Lành. Trong người tin, Đức Thánh Linh tái sanh, thánh hóa, dạy dỗ, soi sáng, dẫn dắt, yên ủi, cầu thay, và đời đời ở trong lòng làm ấn chứng cho người tin là con cái của Đức Chúa Trời (Rô 8:14-16,26-27; Êph 1:14; Giăng 14:16-17;16:7).

d. Hội Thánh được Kinh Thánh nói đến trong hai phương diện: Hội Thánh vô hình và Hội Thánh hữu hình.

e. Hội Thánh vô hình chỉ về thân thể thuộc linh của Đấng Christ, là Hội Thánh mắt không thấy được, bao quát, gồm tất cả người tin Chúa Giê-xu ở khắp mọi nơi, và trải qua mọi thế đại được liên hiệp với Đấng Christ bởi Đức Thánh Linh (1Côr 12:13; Êph 3:21). Hội Thánh hữu hình là một Hội Thánh có thể trông thấy, chỉ về một tập thể gồm tất cả những người tin Chúa Giê-xu, chịu báptem, nhóm lại thường xuyên tại một nơi thích hợp để duy trì sự thờ phượng Đức Chúa Trời, thực hành các giáo lý và giáo nghi Chúa dạy và thông công với nhau giữa các chi thể trong cùng một thân thể của Đấng Christ.

g. Hội Thánh hữu hình có thể được tổ chức trong nhiều hình thức khác nhau. Nhưng Đấng Christ phải là Đầu, và là nền tảng của Hội Thánh. Trong sự tổ chức của Hội Thánh cần có kỷ luật, nhưng kỷ luật phải được lập trên nền tảng là tình yêu thương của Chúa và thẩm quyền tối cao của kỷ luật là bởi Đức Thánh Linh.

h. Phép báp-tem và lễ tiệc thánh là hai giáo nghi Hội Thánh tuân hành. Đó là mạng lịnh của Đấng Christ để giữ Hội Thánh trong mối thông công với Chúa và với nhau càng hơn.

i. Hội Thánh Đấng Christ không thuộc thế gian, nhưng ở trong thế gian, Hội Thánh có sứ mạng là “muối của đất”, “sự sáng của thế gian” (Mat 5:13-16). Chức vụ của Hội Thánh là rao giảng Tin Lành và gây dựng thân thể Đấng Christ.

k. Hiện tại Hội Thánh bị thế gian bắt bớ vì danh Chúa, nhưng địa vị tương lai của Hội Thánh là “Vợ” của Đấng Christ trong nước vinh hiển đời đời.

7. Giáo lý về thế giới tương lai.

a. Sau sự chết có đời sau. Đời sau của người tin Chúa sẽ là phước hạnh mãi mãi với Chúa. Đời sau của người chẳng tin sẽ là đau khổ đời đời trong địa ngục.

b. Có sự sống lại của người chết. Khi Đấng Christ trở lại, người tin Chúa sẽ được sống lại trước hết, được biến hóa thân thể, và được tiếp vào nơi vinh hiển với Chúa trên thiên đàng. Sau cùng người chẳng tin cũng sẽ sống lại để chịu sự phán xét, cùng với Satan và ma quỉ bị bỏ vào hồ lửa đời đời.

c. Thế giới nầy bị hủy diệt khi Đấng Christ tái lâm thi hành sự phán xét cuối cùng. Trời mới đất mới sẽ được dựng nên làm nơi ở của người công bình (2Phi 3:13).

B. PHẦN ỨNG DỤNG.

1. Sự quan trọng của các giáo lý căn bản.

Các giáo lý căn bản tóm lược trên rất quan trọng vì:

a. Chúng ta được biết rõ những giáo lý có liên quan đến sự cứu rỗi chúng ta, về nguồn gốc vũ trụ, loài người và tội lỗi, về công việc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, công cuộc sáng tạo và cứu chuộc loài người. Nhờ đó chúng ta có thể nhận biết đâu là chân lý, đâu là tà thuyết.

b. Qua những giáo lý căn bản, chúng ta biết rõ sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi chắc chắn bảo đảm giải cứu chúng ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhờ đó, đức tin chúng ta được vững vàng và có thể sống đắc thắng cho Chúa trong thế gian, nhất là trong ngày sau rốt với sự dấy lên của những tiên tri giả lung lạc niềm tin của Cơ Đốc nhân nơi sự cứu rỗi trong Chúa Giêxu Christ.

2. Các giáo lý căn bản trong niềm tin chúng ta.

Hầu hết những giáo lý căn bản được thấy trong bài “Tín điều các sứ đồ”. Bài Tín Điều phản chiếu niềm tin của Cơ Đốc nhân về Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong công cuộc sáng tạo và cứu chuộc loài người. Nếu chỉ thừa nhận Đức Chúa Cha là Đấng tạo hóa vũ trụ, và bỏ đi những giáo lý về Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh, thì chúng ta vẫn còn là một tội nhân hư mất, sống không có ý nghĩa trong đời nầy, và tuyệt vọng trong đời sau.

Như thế với những giáo lý căn bản đã học, là những giáo lý căn cứ trên lời Kinh Thánh, chúng ta cần giữ vững và ứng dụng thế nào trong niềm tin chúng ta?

a. Với giáo lý về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời Ba Ngôi: Chúng ta tôn kính và thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi là Chân Thần duy nhất. Chúng ta phủ nhận những lý thuyết sai lạc cho rằng Đức Chúa Giê-xu chỉ là một linh hay thiên sứ trưởng, và Đức Thánh Linh là một quyền lực.

b. Với giáo lý về sự sáng tạo trời đất muôn vật. Chúng ta nhận biết mình là loài thọ tạo, và Đức Chúa Trời là Đấng tạo hóa. Chúng ta phủ nhận lý thuyết ngẫu nhiên và tiến hóa.

c. Với giáo lý về thiên sứ và ma quỉ. Chúng ta nhận biết có sự giúp đỡ của thiên sứ và sự gây họa của ma quỉ. Chúng ta không thờ lạy thiên sứ, vì thiên sứ chỉ là thần thọ tạo của Chúa. Chúng ta không sợ ma quỉ vì Chúa cầm quyền trên chúng. Nhưng chúng ta phải cảnh tĩnh về sự cám dỗ của chúng. Chúng ta không chấp nhận bất cứ hình thức đồng bóng, tà thuật vì đến từ ma quỉ. Đó là điều Chúa nghiêm cấm.

d. Với giáo lý về loài người và tội lỗi: Chúng ta là người thọ tạo được dựng nên giống hình Đức Chúa Trời, có sự tự do, có linh hồn bất diệt. Nhưng chúng ta là con người sa ngã, bại hoại trong tội lỗi và cần sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Chúng ta phủ nhận những triết thuyết định mệnh, vô thần và vật chất chủ nghĩa.

e. Với giáo lý về Đấng Cứu Thế và sự cứu rỗi: Chúng ta tin nhận Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cứu Thế duy nhất của thế gian và với đức tin chúng ta nhận sự cứu rỗi ban cho bởi ân điển Ngài. Chúng ta phủ nhận niềm tin về sự cứu rỗi do công đức riêng của con người.

g. Với giáo lý về Đức Thánh Linh và Hội Thánh. Hãy vâng phục Đức Thánh Linh, nhìn biết Đấng Christ là Đầu Hội Thánh, biết chắc chúng ta thuộc vào Hội Thánh Ngài, trung tín trong công việc gây dựng Hội Thánh Chúa bởi quyền năng Thánh Linh. Chúng ta phủ nhận sự cầu nguyện với bà Ma-ri và các thánh, cũng không công nhận giáo hoàng là đầu Hội Thánh.

h. Với giáo lý về thế giới tương lai. Chúng ta tin có đời sau, chúng ta hy vọng về sự sống lại vinh hiển của người tin. Chúng ta trông đợi Chúa tái lâm. Chúng ta phủ nhận sự tiên đoán ngày giờ Chúa tái lâm, và lý thuyết chủ trương không có tận thế, không có sự bất diệt của linh hồn.

Giữa thế giới băng hoại trong tội lỗi, với sự lan tràn của những tà thuyết. Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày đều đặt niềm tin nơi các lẽ thật Kinh Thánh qua các giáo lý căn bản đã được học.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Hãy kể vài danh hiệu của Đức Chúa Trời và nói ý nghĩa của những danh hiệu ấy?

2. Thần tánh của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong những đặc tánh và thuộc tánh nào?

3. Đức Chúa Trời duy nhất nhưng được bày tỏ trong Ba Ngôi vị nào? Và có đặc tánh gì?

4. Xin tóm lược những giáo lý về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

5. Trời đất và muôn vật được dựng nên bởi ai? Và như thế nào?

6. Đặc tính và mục đích của công cuộc sáng tạo?

7. Ngoài sự sáng tạo, Đức Chúa Trời còn có những công việc nào đối với vật Ngài dựng nên?

8. Xin tóm lược những giáo lý về sự tạo thành muôn vật. Với những giáo lý nầy, trong niềm tin, chúng ta phủ nhận những lý thuyết nào về sự hình thành của vũ trụ và loài người?

9. Thiên sứ và ma quỉ bắt nguồn từ đâu?

10. Công việc của thiên sứ và công việc của ma quỉ khác nhau thế nào? Và trong giới hạn nào?

11. Tại sao chúng ta không nên thờ lạy thiên sứ, cũng như không nên run sợ trước quyền lực ma quỉ?

12. Xin tóm lược những giáo lý về thiên sứ và ma quỉ. Chúng ta có thái độ thế nào trước công việc tà thuật của ma quỉ đang hoạt động trong thế giới loài người hiện nay?

13. Loài người được dựng nên theo hình ảnh nào? Với bản chất gì?

14. Khi được dựng nên, con người được đặt trong vị thế nào?

15. Tại sao con người sa ngã? Và hậu quả của sự sa ngã như thế nào?

16. Xin tóm lược những giáo lý quan trọng về loài người và tội lỗi. Trong niềm tin nầy, chúng ta phải phủ nhận những tà thuyết nào về loài người và tội lỗi?

17. Đấng Cứu Thế là ai? Tại sao chỉ có Ngài mới là Đấng Cứu Thế duy nhất của loài người?

18. Sự cứu rỗi của Ngài đáp ứng nhu cầu của con người trong những khía cạnh nào?

19. Điều kiện được cứu là gì? Tại sao?

20. Xin tóm lược những giáo lý quan trọng về Đấng Cứu Thế và sự cứu rỗi. Trong niềm tin nầy, chúng ta phải phủ nhận những tà thuyết sai lạc nào về Đấng Cứu Thế và sự cứu rỗi?

21. Đức Thánh Linh là ai? Ngài được gọi trong những danh hiệu nào?

22. Công việc của Đức Thánh Linh xuyên qua các thời đại và trong những phạm vi nào?

23. Hội Thánh là gì? Ai là đầu của Hội Thánh?

24. Hội Thánh được thành lập với mục đích gì? Điều kiện nào để được thuộc vào Hội Thánh của Chúa?

25. Hội Thánh được tổ chức trong hình thức nào? Và thực hành những giáo nghi nào? Tại sao?

26. Hội Thánh có sứ mạng gì trong thế gian? Và địa vị tương lai của Hội Thánh trong Nước Chúa là gì?

27. Xin tóm lược những giáo lý quan trọng về Đức Thánh Linh và Hội Thánh. Trong niềm tin nầy, chúng ta phải phủ nhận những tà thuyết nào về Đức Thánh Linh và Hội Thánh?

28. Sau sự chết là gì? Có sự khác nhau thế nào giữa sự chết của người tin và người chẳng tin?

29. Có sự sống lại của người chết không? Khi nào? Và như thế nào?

30. Có sự phán xét cuối cùng không? Đâu là nơi ở đời đời của người tin và người chẳng tin?

31. Có sự tận cùng của thế giới nầy không? Sau sự tận cùng của thế giới là gì?

32. Xin tóm lược những giáo lý quan trọng về thế giới tương lai. Trong niềm tin nầy, chúng ta phủ nhận những tà thuyết nào về giáo lý nầy?

33. Xin cắt nghĩa tại sao những giáo lý trên là quan trọng? Và ứng dụng thế nào trong nếp sống đạo hằng ngày của Cơ Đốc nhân?

 

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI 24.05.2015

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI 24.05.2015

in NAM GIỚI on 1 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 24.05.2015.

1. Đề tài: HÃY TƯỞNG NHỚ ĐẤNG TẠO HOÁ.

2. Kinh Thánh: Truyền Đạo 12:1-7.

3. Câu gốc: “Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi” (Truyền 12:1a).

4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.

5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 01.03.2015.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

HÃY TƯỞNG NHỚ ĐẤNG TẠO HOÁ.

Tục ngữ ta có câu “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng”, câu ấy dạy ta đừng vong ân bội nghĩa. Song ngoài công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục như núi như sông ra, thì còn có ơn cao sâu dài rộng hơn cả; đó là ơn của Đấng Tạo Hoá mà mỗi chúng ta cần phải tưởng nhớ.

I. ĐẤNG TẠO HOÁ LÀ AI?

Kinh Thánh minh chứng Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời (Sáng 1:1; 5:1-2 và Giăng 1:3). Ngài là Đức Chúa Trời:

– Tự Hữu Hằng Hữu, trước mặt Ngài chỉ có hiện tại vì cả cõi đời đời bày ra ở trước mặt Ngài.

– Toàn Năng, Toàn Tri, Toàn Tại, Toàn Ái, Thánh Sạch và Công Bình. Ngài là Đấng vô đối, dựng nên muôn vật một cách huyền diệu và lớn lao. Muôn vật được Ngài bảo tồn, cai trị cho đến đời đời. Đấng ấy rất đáng cho chúng ta tưởng nhớ và tôn thờ là dường nào!

II. TƯỞNG NHỚ ĐẤNG TẠO HOÁ LÚC NÀO?

Kinh Thánh cho biết tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa khi còn thơ ấu. Trong đời con người có rất nhiều việc nhưng việc trước nhất là tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hoá. Đời người chia ra nhiều giai đoạn như: Thời thơ ấu, niên thiếu, trưởng thành, lão thành; thì ngay giai đoạn thứ nhất, phải nghĩ đến Đấng Tạo Hóa mình bằng cách dâng tuổi thanh xuân của mình lên cho Chúa. Nếu ai chưa tưởng nhớ Đấng Tạo Hoá như vậy thì nên bắt đầu ngay từ bây giờ.

Tại sao phải bắt đầu từ thời thơ ấu? Kinh Thánh chép: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm 22:6). Tấm lòng trẻ thơ mềm mại, trong sạch, chưa hoen ố tội trần như người lớn. Tuổi thơ còn có nhiều thì giờ hơn để hầu việc Chúa, còn sức lực đầy đủ hơn để phục vụ Ngài.

Hễ chúng ta kính mến ai thì muốn dâng tặng cho người ấy món quà quý nhất, tốt đẹp nhất. Vì vậy, ta cũng nên dâng cho Đức Chúa Trời một của lễ dường ấy để tỏ lòng kính mến Ngài như dân Do Thái xưa kia dâng cho Chúa con vật đầu lòng trong bầy chiên, bò, lừa, lạc đà… của mình. Các con chiên họ dâng làm của lễ cũng phải lựa con toàn vẹn, tốt nhất, được chứng nhận của thầy tế lễ.

Một lý do nữa là không phải ai cũng đến tuổi già mới chết mà tuổi nào cũng có thể chết được cả. “Lại hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hoá trước khi dây bạc đứt, và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra bên giếng, và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” (Truyền 12:6-7). Vì vậy, nếu như trong tuổi thơ ấu không tìm kiếm Đấng Tạo Hoá của mình thì khi qua đời sẽ mất cơ hội được vào trong nước vinh hiển của Ngài, mất cơ hội được sống đời đời trong cõi phước hạnh!

III. TƯỞNG NHỚ ĐẤNG TẠO HOÁ CÁCH NÀO?

Có rất nhiều cách tưởng nhớ không đẹp ý Chúa như trường hợp trong Mác 7:6-7 và 1Tim 4:1-3.

Chúa Giê-xu dạy: “Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy” (Giăng 4:23-24). Vậy, cách tưởng nhớ đẹp lòng Chúa là:

1. Tưởng nhớ bằng tâm thần.

Trong con người có 3 phần, phần tâm thần là phần cao trọng hơn cả. Bởi phần tâm thần giao thông với Đức Chúa Trời, thờ phượng Ngài, tôn vinh Ngài, nhận được từ nơi Ngài sự sống, sự vinh hiển. Hiện nay tâm thần người ta đã chết vì cớ tội lỗi, nên phải tin Chúa Giê-xu mới được tha tội hầu cho tâm thần được cứu mà thờ phượng Chúa. “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình… Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ – ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu” (Êph 2:1,4,5).

2. Tưởng nhớ bằng lẽ thật.

Lẽ thật là điều con người quan tâm như trường hợp quan tổng trấn Phi-lát đã hỏi Chúa Giê-xu khi nghe Ngài nói đến lẽ thật (Giăng 18:38). Lẽ thật là gì? Lẽ thật là chân lý. Không có gì qua được chân lý, mà chân lý là gì trong khi “lòng người ta là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa”? (Giê 17:9).

Kinh Thánh cho biết, Chúa Giê-xu đã tự xưng Ngài là lẽ thật, tức Ngài là chân lý. “Vậy, Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).

Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là lẽ thật, là chân lý (Giăng 17:17).

Ta phải tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa bằng lẽ thật nghĩa là phải thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách sống theo gương Chúa Giê-xu, sống làm theo lẽ thật trong Kinh Thánh.

* Kết luận: Thưa quý vị! Quý vị đã tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa chưa? Nếu quý vị chưa tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa khi còn thơ ấu thì ngay giờ phút nầy quý vị có thể mở lòng mình ra tiếp nhận Ngài, bằng cách dâng cho Ngài trọn cuộc đời mình. Ngài sẽ làm Chủ cuộc đời quý vị và hướng dẫn quý vị cách thờ phượng Ngài bằng tâm thần và lẽ thật. Đó là cách quý vị tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa mà Chúa đẹp lòng