Tác giả: Lee Vi

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 07.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 07.04.2024

in Thanh niên on 1 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 07.04.2024.

  1. Đề tài: CUỘC GẶP GỠ KHÔNG NGỜ.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế Ký 27:41; 28:22.
  3. Câu gốc: “Này, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó, và đem ngươi về xứ này, vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi” (Sáng thế Ký 28:15).
  4. Đố Kinh Thánh: Nê-hê-mi 10-13.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 21.01.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sách Giê-rê-mi có ghi một câu hết sức quan trọng “cái bình bị hư, người thợ gốm lấy nó (đất sét) mà nắn cái bình khác” (Giê-rê-mi 18:4). Cuộc đời mỗi người con Chúa được ví sánh như cục đất sét trong tay người thợ gốm. Người thợ gốm đây ám chỉ Đức Chúa Trời. Trước khi bị nắn, đất sét cần được “nện”, rồi “nhồi” cho dẽo; rồi được “nắn” để thành vật hữu dụng, rồi được “nung” để cháy mọi bản ngả.

Gia-cốp là cục đất sét bị hư, khi Chúa muốn ông thành cái bình quí. Đức Chúa Trời đã có ý chọn ông từ trong bụng mẹ để hoàn thành giao ước của Ngài. Đáng lẽ, Gia-cốp không nên đi trước Chúa, không thể thực hiện ý muốn tốt đẹp bằng một chương trình xấu, phương pháp xấu.

Đức Chúa Trời luôn hành động theo chương trình của Ngài, đường lối của Ngài, thời điểm của Ngài. Chúng ta đừng hấp tấp; phải kiên nhẫn để chờ đợi Chúa. Thư tín Hê-bơ-rơ có câu “Bởi đức tin và lòng nhịn nhục mà được hưởng lời hứa” (Hê-bơ-rơ 6:12). Nếu Gia-cốp biết áp dụng câu Kinh Thánh này thì cuộc đời ông đâu đến nổi “ba chìm, bảy nổi, tám lênh đênh”.

  1. TÌM ĐƯỜNG THOÁT THÂN (Sáng thế Ký 27:41).

Ê-sau là một dũng sĩ. Gia-cốp là mưu sĩ, văn nhân. Khi nghe tin Ê-sau định giết Gia-cốp, Rê-bê-ca – mẹ Gia-cốp cũng là Ê-sau, rất sợ. Bà biết chắc đứa con út của mình không phải là đối thủ của anh nó. Ê-sau nói, Ê-sau sẽ làm. Làm sao đây? Lý do Ê-sau muốn giết Gia-cốp là vì lòng oán hận sự lừa gạt của em mình. Lý do chính đáng hơn, Ê-sau muốn lấy lại quyền trưởng nam và sự chúc phước. Nếu Gia-cốp chết, thì các đặc quyền đó sẽ trở lại với Ê-sau. Ê-sau là mẫu người “lấy bụng mình làm Chúa mình”, Ê-sau không bao giờ nghĩ đến Đức Chúa Trời, Ê-sau chỉ nghĩ đến mình, ham thích những gì mình thấy, mình thích. Rê-bê-ca phải làm gì để cứu đứa con út yêu quí nhất của bà? “36 kế, chạy là kế hay nhất”. Việc kiếm vợ cho Gia-cốp chỉ là cái cớ. Cái chính của cuộc hành trình về Cha-ran là để cứu mạng Gia-cốp khỏi tay Ê-sau. Dù thế nào, Rê-bê-ca cũng không thể đi ra ngoài ý định của Đức Chúa Trời. Mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên sẽ được thành hình bởi chuyến đi này, Rê-bê-ca không còn dịp để gặp lại con yêu quí nhất đời mình và Gia-cốp cũng không còn cơ hội nhìn lại mặt mẹ mình, dù là lần cuối.

  1. GẶP ĐỨC CHÚA TRỜI (Sáng thế Ký 28:10-16).

Cuộc hội ngộ nhiều khi làm thay đổi đời sống một người. Sam-sôn gặp người đẹp Đa-li-la tại trũng Sô-réc đã chuyển đổi đời sống một người hùng thành tên thất bại nhục nhã. Gia-cốp là chiếc bình đất sét bị hư vì làm theo ý riêng và được mẹ cưng chiều nên không thể sống đẹp lòng Chúa. Gia-cốp cần được thay đổi. Cuộc hội ngộ tại Bê-tên đánh dấu một ngã rẽ quan trọng trong đời Gia-cốp. Tạ ơn Chúa, cuộc đời của tôi và của các bạn cũng không khác gì cuộc đời của Gia-cốp. Chúng ta chỉ là những chiếc bình “bị hư” và rất cần được Chúa tái tạo thành cái bình khác. Đây là cuộc gặp gỡ không ngờ. Gia-cốp “không biết Đức Giê-hô-va hiện có” (Sáng thế Ký 28:16). Đức Giê-hô-va không những chỉ hiện diện mà còn ban cho Gia-cốp một lời hứa tuyệt vời, vô cùng quí báu (Sáng thế Ký 28:15). Từ cuộc gặp gỡ này, đời sống Gia-cốp được Đức Chúa Trời chuyển hướng, Gia-cốp (kẻ chiếm quyền) sẽ được đổi tên là Y-sơ-ra-ên (nghĩa là chiến đấu với Chúa). Cầu xin Chúa tìm đến với mỗi người trong một khúc quanh nào đó của cuộc đời để chúng ta không những được đổi tên mà còn đổi cả con người, tâm hồn, ý chí, mục tiêu để trở nên người trọn vẹn.

III. HỨA NGUYỆN TRUNG THÀNH (Sáng thế Ký 28:18-22).

Cuộc gặp gỡ phước hạnh tại Bê-tên thật có nhiều ý nghĩa. Đức Chúa Trời hiện diện với Gia-cốp tại Bê-tên thật là một sự kiện hết sức cảm động. Bê-tên là nơi Chúa gặp Áp-ra-ham và cũng tại Bê-tên Chúa tái xác nhận lời hứa của Ngài với ông: “Ta đây là cái thuẫn đỡ cho ngươi, ngươi hãy ngó lên trời và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi… dòng dõi ngươi sẽ như vậy” (Sáng thế Ký 15:1,5). Bây giờ cũng tại đây, thời điểm cũng có đổi, nhưng lời Chúa hứa vẫn y nguyên. Gia-cốp là kẻ tị nạn, đào thoát khỏi cuộc chém giết dã man. Gia-cốp là cháu nội út của Áp-ra-ham, đang khốn khổ trong cuộc sống của kẻ vô gia cư, gối đầu trên hòn đá để ngủ trong một đêm tối đầy lo sợ. Làm sao Đức Chúa Trời không chạnh lòng khi nghĩ đến Áp-ra-ham, người đầy tớ trọn vẹn, trung thành đã dâng trọn đời mình theo tiếng gọi thiêng liêng. Gia-cốp đã nhận lời hứa, Gia-cốp đã gặp Chúa. Cuộc đời ông đã bước vào một lối rẽ quan trọng, một chuyển hướng từ khi gặp được Chúa. Từ bản chất ích kỷ, làm theo ý riêng, Gia-cốp đã trở thành kẻ thờ phượng chân thật, ông đã thiết lập sự thờ phượng (Sáng thế Ký 28:18) đặc biệt là lời cầu nguyện của ông: “Nếu Đức Chúa Trời ở cùng tôi, gìn giữ tôi trong lúc đi đường, cho bánh ăn, áo mặc, và nếu tôi trở về bình an đến nhà cha tôi thì Đức Giê-hô-va sẽ là Đức Chúa Trời tôi… tôi sẽ nộp lại cho Ngài một phần mười mọi của cải mà Ngài sẽ cho tôi” ( 28:20-22). Kể từ đây, Gia-cốp đã chết. Y-sơ-ra-ên là tên mới, là con người mới mà Đức Chúa Trời mong muốn ra sức tái tạo. Tiếc thay! Không mấy người có tấm lòng như Gia-cốp. Cầu xin mọi điều, và khi được Chúa ban cho mọi sự thì họ đã quên đi lời nguyện cầu, sống chẳng kể gì đến sự giúp đỡ của Chúa. Đáng thương thay!

* Bài học áp dụng.

  1. Biết chờ đợi Chúa là điều ưu tiên cho đời sống người theo Chúa, sự sai lầm của Gia-cốp là gì? Chúng ta học được kinh nghiệm gì từ sự sai lầm của Gia-cốp? (Sáng thế Ký 27:41).
  2. Bạn có ai là người đã gặp và người đó hoàn toàn thay đổi cuộc đời của bạn không? Người đó là ai (một người làm chứng) sự thay đổi thể hiện trên những điểm nào? (Sáng thế Ký 28:10-16).
  3. Bạn có cho là Gia-cốp đã quá đáng khi ông nói “Tôi sẽ dâng một phần mười mọi của cải mà Ngài sẽ cho tôi” không? Bạn hứa nguyện điều gì với Chúa khi học bài học này? (Sáng thế Ký 28:18:22).

4. Hê-bơ-rơ 6:12 đã dạy chúng ta là “đức tin”“lòng nhịn nhục” là hai yếu tố quan trọng để hưởng được lời hứa, chúng ta nên cẩn thận suy nghĩ đến điểm quan trọng này. Chúng ta phải theo đi theo chương trình, thời điểm của Chúa. Chúa sẽ chẳng bao giờ chiều theo kế hoạch, thời điểm của chúng ta.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 07.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 07.04.2024

in PHỤ NỮ on 1 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 07/4/2024.

  1. Đề tài: A-RÔN – THẦY TẾ LỄ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
  2. Kinh Thánh: Xuất 4:10-16; 28:1.
  3. Câu gốc: “Nhưng anh em là dòng giống được tuyển chọn, là chức tế lễ hoàng gia, là dân tộc thánh, là dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời” (1Phi 2:9a BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 19-21.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 14-01-2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. GIỚI THIỆU.

Trong cuộc đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, không thể quên A-rôn, phụ tá của Môi-se. A-rôn là con trai của A-ram và Giô-kê-bết, người Lê-vi. Trong gia đình có ba người con, Mi-ri-am là chị cả, A-rôn và Môi-se. A-rôn được Đức Chúa Trời kêu gọi vào công việc sau:

  1. Phát ngôn viên cho Môi-se (Xuất 4:10-16).

Môi-se viện cớ mình kém tài ăn nói để từ chối sứ mạng Chúa gọi, Đức Chúa Trời gọi A-rôn, người có tài ăn nói đi cùng Môi-se. Đức Chúa Trời đã dùng họ làm nhiều phép lạ bày tỏ quyền năng của Ngài trước Pha-ra-ôn, khiến vua phải để cho dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập.

  1. Phụ tá Môi-se (Xuất 17:8-13; 24:9-11).

A-rôn phụ giúp Môi-se trong cuộc dẫn dắt dân sự về đất hứa. Khi dân Y-sơ-ra-ên bị quân A-ma-léc tấn công, Giô-suê được sai đi đánh trận. Môi-se, A-rôn và Hu-rơ đi chiến đấu đem lại chiến thắng cho Y-sơ-ra-ên. A-rôn trổi hơn Môi-se về tài nói năng, nhưng không hơn Môi-se về lãnh đạo. Môi-se lên núi cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời bốn mươi ngày đêm, A-rôn đã để cho dân sự đúc tượng bò vàng (Xuất 32).

  1. Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm (Xuất 28:1; Hêb 7:11-28).

A-rôn và dòng dõi của ông được Đức Chúa Trời lựa chọn và biệt riêng làm chức tế lễ. A-rôn là thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên của Y-sơ-ra-ên. Công việc chính của A-rôn là dâng của lễ chuộc tội cho Đức Chúa Trời. Môi-se, A-rôn không được vào đất hứa vì cả hai đã không vâng theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời. A-rôn qua đời trên núi Hô-rơ (Dân 20:22-29; 33:38-39).

  1. SUY GẪM.
  2. A-rôn – người bên cạnh Môi-se.

Môi-se đóng vai trò làm Đức Chúa Trời cho Pha-ra-ôn, A-rôn làm tiên tri cho Môi-se (Xuất 7:2). Điều nầy có nghĩa Môi-se nhận lãnh mạng lịnh của Đức Chúa Trời và A-rôn là môi miệng của Môi-se, truyền mạng lịnh của Ngài cho Pha-ra-ôn. Môi-se có ơn trong sự tiếp nhận Lời Chúa, A-rôn có ơn trong sự truyền đạt Lời Ngài.

  1. A-rôn là Thầy Tế Lễ.

A-rôn trung tín trong công việc của người phụ tá, Đức Chúa Trời đã lựa chọn và biệt riêng A-rôn cùng cả dòng dõi người làm thầy tế lễ. A-rôn là người trung bảo thay thế dân sự, dâng của lễ chuộc tội cho hội chúng trước mặt Đức Chúa Trời. Chức vụ của A-rôn hình bóng chỉ về chức vụ của Chúa Giê-xu, Đấng dâng chính huyết Ngài, là huyết có linh nghiệm đời đời để chuộc tội cho chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời (Xuất 28:1; Dân 16:41-50; Hêb 7:23-28; 9:1-14). Người được cứu chuộc trong huyết Chúa Giê-xu, là người được Đức Chúa Trời lựa chọn làm chức tế lễ nhà vua, là dân thánh được kêu gọi dâng đời sống cho Chúa, để đem Tin Lành của Đấng Christ cho người đang sống trong tối tăm, tội lỗi (1Phi 2:8-10).

III. ỨNG DỤNG CHO ĐỜI SỐNG.

– Qua chức vụ phụ tá của A-rôn, trách nhiệm nâng đỡ đầy tớ Chúa trong công việc nhà Ngài bằng lời cầu nguyện, hay khích lệ tinh thần, để chức vụ đầy tớ Chúa có kết quả hơn hầu làm vinh hiển Danh Ngài.

– Qua chức vụ tế lễ của A-rôn, trách nhiệm của chúng ta là những người được Đức Chúa Trời kêu gọi dâng đời sống mình đem ơn lành cứu rỗi của Ngài đến cho những người còn trong quyền lực của tội lỗi, được trở nên con cái sáng láng của Đức Chúa Trời.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 07.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 07.04.2024

in NAM GIỚI on 1 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 07.04.2024

  1. Đề tài: MỐI QUAN HỆ YÊU THƯƠNG.
  2. Kinh Thánh: Sáng 3:9; Phục 6:4-5; Êph 2:10; Phi-líp 3:4-14; Mat 6:19-21, 33.
  3. Câu Gốc: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Phục 6:4-5).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 40-42.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 28.01.2024.

Câu hỏi gợi ý: Xem phân đoạn Kinh Thánh Phi-líp 3:4-14; chọn một trong các cụm câu hỏi sau:

(1.1) Câu hỏi phát hiện: Trong quá khứ, Phao-lô là một người như thế nào?

(1.2) Câu hỏi suy luận: Vì sao Phaolô xem thường quá khứ của mình như vậy?

(1.3) Câu hỏi áp dụng: Trong quá khứ, có những điều nào đã ảnh hưởng, hạn chế mạnh mẽ trên đời sống của bạn ngày nay không? Bạn nghĩ mình được định hướng chủ yếu bởi quá khứ hay bởi tương lai của mình? Vì sao?

(2.1) Phao-lô đã khao khát điều gì kể từ khi ông nhận biết Chúa là quý hơn hết trong đời sống mình?

(2.2) Theo bạn, làm thế nào để có thể biết Chúa, ở trong Chúa và trở nên giống như Chúa?

(2.3) Khao khát lớn nhất trong đời sống bạn là gì? Bạn làm gì để thực hiện khao khát đó?

(3.1) Phao-lô làm gì để chuẩn bị cho giải thưởng trong tương lai?

(3.2) Giựt giải về sự kêu gọi trên trời có nghĩa là gì?

(3.3) Bạn đang đầu tư đời sống, thời gian và những nguồn cung ứng của mình vào đâu?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. ĐƯỢC DỰNG NÊN CHO MỐI QUAN HỆ YÊU THƯƠNG.

Nếu đang đứng trước mặt Chúa, liệu bạn có thể mô tả mối quan hệ của mình với Ngài bằng cách nói: “Con hết lòng, hết linh hồn, hết trí và hết sức mà yêu mến Chúa” không? CÓ hay KHÔNG, vì sao? Có thể chúng ta từng vâng lời, hầu việc, thờ phượng, và kính sợ Chúa nhưng không thể nói rằng mình yêu Ngài. Chúa dựng nên chúng ta cho mối quan hệ yêu thương với Ngài. Nếu không thể mô tả mối quan hệ của mình với Chúa bằng cách nói “Con yêu Ngài trọn cả con người con”, thì bạn cần phải cầu xin Đức Thánh Linh đưa bạn vào mối quan hệ đó.

Nếu muốn tóm tắt toàn bộ Cựu ước, thì câu tóm tắt đó sẽ được diễn tả qua câu Kinh Thánh này: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Phục 6:4-5).

Lời kêu gọi tận đáy lòng này của Đức Chúa Trời được diễn tả qua suốt Cựu ước. Bản chất của Tân ước cũng giống như vậy. Chúa Giê-xu đã trích lời từ Phục Truyền để nói đến điều răn lớn hơn hết trong luật pháp là: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi (Mác 12:30). Mọi sự trong đời sống Cơ Đốc của bạn, về việc biết và kinh nghiệm ý muốn của Chúa, đều tùy thuộc vào phẩm chất mối quan hệ yêu thương giữa bạn với Ngài. Nếu mối quan hệ yêu thương đó không ổn, không một điều nào trong đời sống của bạn sẽ ổn được.

  1. II. ĐƯC DNG NÊN KHÔNG PHI CHO CÕI THI GIAN, NHƯNG CHO CÕI ĐI Đ

Đức Chúa Trời không dựng nên bạn cho cõi thời gian; Ngài dựng nên bạn cho cõi đời đời. Cõi thời gian (trọn quãng đời bạn sống trên đất) là cơ hội để làm quen với Ngài. Đây là cơ hội để Chúa phát triển tính cách bạn trở nên giống như hình ảnh của Ngài. Rồi cõi đời đời sẽ dành cho bạn những chiều kích đầy trọn nhất.

Nếu chỉ biết sống trong cõi thời gian (hiện trên đất này), bạn sẽ đánh mất ý nghĩa tối hậu của sự sáng thế. Nếu sống cho cõi thời gian, bạn sẽ để cho quá khứ hình thành và định hướng cuộc sống mình hôm nay. Cuộc sống bạn với tư cách con cái Chúa, đáng ra phải được định hướng bởi tương lai (những đặc điểm mà một ngày kia bạn sẽ có). Chúa dùng thời gian hiện tại để nắn đúc bạn và định hình sự hữu ích tương lai của bạn ngay trên đất này và trong cõi đời đời.

Phao-lô là một người Do Thái chính thống và trung thành ra từ chi phái hoàng tộc Bên-gia-min. Ông giữ luật pháp của người Pha-ri-si không chỗ trách được. Ông là người sốt sắng hầu việc Đức Chúa Trời. Phao-lô xem những điều lợi đó như rác và sự lỗ. Phao-lô muốn biết Đấng Christ, được ở trong Ngài, và trở nên giống như Ngài để được phước hạnh trong tương lai (sống lại từ trong kẻ chết). Ông quên lửng quá khứ mà bươn đến tương lai. Phao-lô nhắm vào mục đích trong tương lai là giải thưởng ở trên trời (Phi-líp 3:4-14).

Khát vọng thực sự của Phao-lô chính là biết Đấng Christ và trở nên giống như Ngài. Bạn cũng có thể đặt đời sống mình dưới sự dẫn dắt của Chúa để tiến đến chỗ biết Ngài, yêu mến chỉ một mình Ngài và trở nên giống như Đấng Christ. Hãy để hiện tại của bạn được nắn đúc và định hình bởi những điều bạn sẽ trở nên ở trong Đấng Christ. Bạn được tạo dựng cho cõi đời đời!

Bạn cần bắt đầu định hướng đời sống mình vào những mục đích của Đức Chúa Trời. Mục đích của Ngài vượt quá cõi thời gian để tiến vào cõi đời đời. Hãy bảo đảm bạn đang đầu tư đời sống, thì giờ và những nguồn cung ứng của bạn vào những điều còn lại đến đời đời chứ không vào những điều sẽ qua đi. Nếu không nhận thấy Chúa đã dựng nên bạn cho cõi đời đời, thì bạn đang đầu tư sai hướng. Bạn cần phải chất chứa của cải ở trên trời (Ma-thi-ơ 6:19-21, 33).

Đây là lý do vì sao quan hệ yêu thương với Đức Chúa Trời lại quan trọng đến như vậy. Chúa yêu thương bạn. Ngài biết điều tốt nhất cho bạn. Chỉ có Chúa mới có thể hướng dẫn bạn đầu tư đời sống cách có giá trị. Sự dẫn dắt này sẽ đến khi bạn “bước đi” với Chúa và lắng nghe tiếng Ngài.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. 1. Vì sao chúng ta phải “chứa của cải ở trên trời”?
  2. 2. Bạn đã nhận được điều gì trong mối yêu thương của bạn với Chúa?

3. Làm thế nào để gìn giữ và phát triển mối tương giao của bạn với Chúa mỗi ngày?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 31.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 31.03.2024

in NAM GIỚI on 25 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 31.03.2024

(Lễ Kỷ niệm Chúa Giê-xu Phục sinh).

  1. Đề tài: BA CÂU HỎI QUAN TRỌNG.
  2. Kinh Thánh: Châm 16:25; Công 4:12; Giăng 14:6.
  3. Câu Gốc: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN:  Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng tiền, đọc bài cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin Lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có ba câu hỏi vô cùng quan trọng, mà tất cả chúng ta cả dòng nhân loại, từ thế hệ này qua thế hệ kia luôn luôn thắc mắc, luôn luôn khao khát được trả lời thật rõ ràng và thỏa đáng. Ba câu hỏi này, sở dĩ vô cùng quan trọng là vì nó liên hệ đến nguồn gốc, ý nghĩa cuộc đời và tương lai của chúng ta. Ba câu hỏi đó là:

– “Có Đức Chúa Trời (ông Trời) hay Đấng Tạo Hóa không?”

– “Có phải mọi tôn giáo đều giống nhau không?”

– “Cái gì ở đằng sau cái chết?”

  1. “Có Đức Chúa Trời hay Đấng Tạo Hóa không?”

Đây là một câu hỏi lớn nhất, mà nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu thời giờ, bút mực, tư duy, trí tuệ, năng lực để cùng chứng minh hai điều trái ngược nhau là Đức Chúa Trời hiện hữu và Đức Chúa Trời không hề hiện hữu. Sau khi trưng dẫn biết bao là bằng chứng, đưa ra biết bao nhiêu là lý luận, thì câu hỏi này vẫn hoài là một câu hỏi không có câu trả lời, bởi vì Đấng Tạo Hóa không phải là một đối tượng vật chất để các nhà khoa học có thể phân tích và chứng minh, và Ngài cũng không phải là một phạm trù tư duy để các triết gia suy diễn và lý luận.

Kinh Thánh là Lời của Đấng Tạo Hóa, không trưng dẫn bằng chứng, cũng không lý luận có hay không, nhưng Kinh Thánh hướng mọi người về một con người có thật trong lịch sử tên là Giê-xu. Là Đấng tự xưng mình đến từ Trời, là Đấng tự thừa nhận mình là Con Đức Chúa Trời trong thân xác con người.

Để biết Đấng Tạo Hóa là Đấng như thế nào, quý vị và tôi chỉ cần nhìn vào đời sống của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là Đấng thánh khiết tuyệt đối, không bao giờ phạm tội. Ngài là Đấng yêu thương vô điều kiện, bằng lòng giáng thế làm người để tìm kiếm và cứu vớt chúng ta, trong khi chúng ta còn ngoảnh mặt lại với Đấng tạo dựng ra mình. Ngài là Đấng công bình tuyệt đối, nên phải nhận lấy cơn thịnh nộ của Cha Ngài thế cho chúng ta. Ngài là Đấng tha thứ trọn vẹn, đến nỗi phải chịu hy sinh tính mạng của Ngài chuộc tội cho muôn người. Và cuối cùng, Ngài là Đấng quyền năng vô song, vì Ngài đã chết nhưng đã đắc thắng tử thần, sống lại hiển vinh. Sự giáng trần, đời sống trọn lành, sự giảng dạy, sự chết thế hy sinh và quan trọng nhất là sự phục sinh vinh hiển của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã trả lời cho mọi thắc mắc của con người về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, như chính Ngài có tuyên bố: “Ta là Đấng trước hết, và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ” (Khải Huyền 1:17,18).

  1. Có phải mọi tôn giáo đều giống nhau không? Có phải mọi con đường đều dẫn đến sự cứu rỗi không?

Trong khi mọi tôn giáo là nỗ lực riêng của con người để tìm về lại với Đấng Tạo Hóa, thì chỉ duy Chúa Giê-xu là Đấng Tạo Hóa đã giã từ thiên đàng để tìm đến với con người.

Trong khi mọi tôn giáo dùng bao mỹ từ cao trọng và đẹp đẽ để diễn tả về Đấng mình tôn thờ, nhưng chỉ duy những người tin nhận Chúa Giê-xu gọi Đấng Tạo Hóa là Cha thân yêu của mình.

Trong khi các giáo chủ tôn giáo giảng thuyết và chỉ cho con đường giải thoát, thì Chúa Giê-xu đã giáng trần, không chỉ giảng dạy, nhưng còn chịu chết thay để giải thoát cho con người khỏi món nợ tội. Trong khi các giáo chủ mọi tôn giáo đã chết và chết luôn, không hề sống lại, nhưng chỉ duy Chúa Giê-xu đã chết và phục sinh.

Chúa Cứu Thế Giê-xu không phải là một giáo chủ tôn giáo. Ngài đã chết, nhưng đã sống lại. Sự kiện phục sinh bày tỏ Ngài là duy nhất, là Đấng Tạo Hóa trong thân xác con người, là con đường cứu rỗi duy nhất cho chúng ta, có một không hai, như chính Ngài có khẳng định: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).

  1. “Cái gì ở đằng sau cái chết?”

Chết là nỗi sợ hãi to lớn nhất của con người, vì bí mật sâu thẳm và quyền lực to lớn của nó. Có ai mà không chết và có ai chết mà sống lại được, để kể về đằng sau sự chết là gì?

Nhưng sau khi Chúa Cứu Thế Giê-xu chết và đã sống lại, Ngài tuyên bố đã đắc thắng quyền lực của sự chết. Âm phủ kể từ đó, không còn quyền giam giữ những ai đã tin vào sự chết thế của Con Trời. Khi chúng ta tin vào sự chết thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì cái chết không còn đáng sợ nữa, nhưng chết là cửa ngõ để đi vào sự sống phước hạnh đời đời, như Kinh Thánh có tuyên bố: “Vả, nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rô-ma 6:8).

Sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu là nền tảng của niềm tin, là tất cả hy vọng của những ai tin nhận Ngài, như sứ đồ Phao-lô có đã nói: “Nếu Chúa Cứu Thế không sống lại, lời giảng dạy của chúng tôi hóa ra vô ích, và đức tin anh em cũng mất nền tảng. Nếu Chúa Cứu Thế đã chẳng sống lại, đức tin anh em hóa ra vô ích, anh em vẫn còn bị đày đọa trong tội lỗi, và nếu thế các tín hữu đã chết cũng vĩnh viễn hư vong” (1Cô-rinh-tô 15:14,17,18).

Các môn đệ của Chúa Giê-xu vẫn còn lo âu, sợ hãi cho đến khi họ được gặp lại Ngài sống lại, bằng xương bằng thịt.

Một người thanh niên tên Sau-lơ, học rộng, tài cao, là một người lãnh đạo Do-thái giáo, đã dẫn đầu trong việc bức bách phá hại những người theo Chúa Giê-xu. Cho đến khi người thanh niên này gặp gỡ Chúa Giê-xu phục sinh, để rồi trở nên sứ đồ Phao-lô cao trọng, chuyên rao giảng sự chết và sự sống lại của Ngài.

Hàng triệu triệu con người, nếu hỏi điều gì đã thay đổi cuộc đời của họ, thì câu trả lời là họ đã gặp được Chúa Giê-xu phục sinh, Đấng đã sống lại và đang sống trong lòng họ. Cuộc đời của chúng ta sẽ vẫn mãi vô nghĩa, vô mục đích và vô vọng, sẽ mãi lẩn quẩn trói buộc trong ba thắc mắc lớn nhất là “Đấng Tạo Hóa có hiện hữu hay không?”“Tôn giáo nào cũng tốt” và “Đằng sau sự chết là gì?”, cho đến khi nào chúng ta chịu mở cánh cửa lòng để gặp gỡ Chúa Giê-xu phục sinh vậy.

                                                                    Theo Internet

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 31.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 31.03.2024

in PHỤ NỮ on 25 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 31/03/2024 (Lễ Phục Sinh).

  1. Đề tài: NGÔI MỘ TRỐNG.
  2. Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 28:1-15.
  3. Câu gốc: “….Đừng sợ hãi; vì ta biết các ngươi tìm Đức Chúa Giê-xu, Đấng đã bị đóng đinh vào thập tự giá. Ngài không ở đây đâu; Ngài đã sống lại rồi, như lời Ngài đã phán. Hãy đến xem chỗ Ngài nằm” (Ma-thi-ơ 28:5-6 BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 16-18.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 07-01-2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. KHAI TRIỂN BÀI HỌC.

Trong lịch sử nhân loại, chỉ một mình Chúa Giê-xu là Đấng sống lại từ kẻ chết.

– Tin vui nhất về sự mất xác của Chúa Giê-xu: Những người đàn bà đi đến chỗ chôn Chúa, họ chỉ thấy được một thiên sứ và một ngôi mộ trống. Xác Chúa Giê-xu biến mất!

– Hai người có địa vị trong xã hội đã nhận xác Chúa Giê-xu (Mat 25:57-60; Giăng 19:38-42). Giô-sép ở A-ri-ma-thê và Ni-cô-đem đi đến cùng Phi-lát xin xác Chúa Giê-xu đem chôn.

Hai người này xức xác Chúa Giê-xu bằng thuốc thơm (Giăng 19:39), nhanh chóng vì mặt trời sắp lặn. Họ đã vội vàng đặt Chúa Giê-xu trong ngôi mộ gần đó do Giô-sép làm chủ (Mat 27:60).

  1. NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ TẠI NGÔI MỘ TRỐNG (Ma-thi-ơ 28:1).

Theo (Ma-thi-ơ 28:1), hai bà Ma-ri đến phần mộ để xem, truyền thống Do-thái đòi hỏi những người thân của người chết phải thăm viếng phần mộ trong vòng ba ngày sau khi chôn để biết chắc người ấy đã thật sự chết. (Mác 16:1) thuật lại rằng những người đàn bà hy vọng xức dầu cho xác Chúa Giê-xu. Vào lúc đó, một cơn động đất xảy ra. Một thiên sứ của Chúa đã giáng xuống, lăn hòn đá ra khỏi và “ngồi ở trên” (Ma-thi-ơ 28:2-3). Sự hiện diện của thiên sứ khiến cho bọn lính canh run rẩy và sợ hãi.

  1. LỜI CỦA THIÊN SỨ TẠI NGÔI MỘ TRỐNG (28:5-7).

Sự hiện diện của thiên sứ làm cho những người đàn bà hoảng sợ, thiên sứ bảo họ: “Đừng sợ hãi” (Mat 28:5). Thiên sứ báo tin Chúa Giê-xu đã sống lại từ kẻ chết đúng như Ngài đã phán trước (28:6; 16:21; 17:23; 20:19). Để họ có bằng chứng Chúa Giê-xu đã thật sự sống lại, thiên sứ yêu cầu những người đàn bà xem xét nơi thi thể của Chúa Giê-xu đã nằm.

Thiên sứ bảo họ loan báo sứ điệp rằng Chúa Giê-xu “đã từ kẻ chết sống lại” (28:7), đã đi trước các môn đệ qua Ga-li-lê. Họ có thể gặp Ngài ở đó, hầu cho ứng nghiệm lời hứa trước (26:32). Lời tuyên bố “ấy là điều ta đã báo cho các ngươi” (28:7).

Thiên sứ ra lệnh cho những người đàn bà nói với các môn đồ rằng họ phải gặp Ngài tại Ga-li-lê (Ma-thi-ơ 28: 7; Mác 16: 7). Giăng cũng nói đến một lần xuất hiện khác nữa của Chúa Giê-xu tại Ga-li-lê cho bảy môn đồ gần bờ biển (Giăng 21). Ga-li-lê là quê hương của Ngài (Ma-thi-ơ 21:11) Ngài ra lệnh cho hầu hết các môn đồ đến nơi đó.

  1. SỰ XUẤT HIỆN CỦA CHÚA GIÊ-XU (28:8-10).

Khi đối diện với thiên sứ biết tin về sự sống lại của Chúa Giê-xu cả hai bà Ma-ri cảm thấy vừa sợ, vừa vui mừng. Họ sợ hãi, vì họ đứng trước sự hiện diện của Đấng siêu nhiên đến từ thiên đàng; nhưng ngôi mộ trống và những lời thiên sứ khiến họ hết sức vui mừng (28:8). Sự nhận biết Đấng mà họ nghĩ đã ra đi vĩnh viễn nay đã sống lại, khiến họ vội vã loan báo cho các môn đồ.

  1. SỰ LỪA DỐI CỦA THẦY TẾ LỄ CẢ VỀ NGÔI MỘ TRỐNG (28:11-15).

Những người đàn bà đến cùng các môn đồ khác thuật lại rằng họ đã gặp Chúa phục sinh. Trong lúc ấy một vài tên lính canh gác ngôi mộ trở về Giê-ru-sa-lem và thuật lại cho các thầy tế lễ cả “mọi việc đã xảy đến” (Ma-thi-ơ 28:11).

Người lãnh đạo tôn giáo Do-thái lúc bấy giờ mua chuộc những tên lính với một số tiền lớn, bảo họ tuyên bố rằng trong khi ngủ các môn đồ của Chúa Giê-xu lấy trộm xác của Ngài (c.13). Những thầy tế lễ cả và những trưởng lão hứa can thiệp dùm cho họ nếu cần để giúp họ khỏi bị trừng phạt vì sự xao lãng nhiệm vụ. Những tên lính này đã nhận tiền hối lộ và làm như họ đã được chỉ bảo.

  1. BÀI HỌC ÁP DỤNG.

Ngày nay, người ta không dễ tin vào sự sống lại của Chúa Giê-xu khi lần đầu họ được nghe về Tin Lành. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy, người đã chết không sống lại được. Vì vậy, con cái Chúa không nên ngạc nhiên khi bạn bè không tin Chúa, xem sứ điệp về sự sống lại là điều thú vị nhưng không có sức thuyết phục họ.

Là Cơ đốc nhân, chúng ta cần nhận ra tầm quan trọng khi xác nhận rằng sự sống lại của Chúa Giê-xu thật sự đã xảy ra; nhưng phải làm điều đó bằng cách nào? Những tín hữu lớn tuổi có thể liên hệ cá nhân với Chúa Phục Sinh trong đời sống hằng ngày của mình. Vì khi theo đuổi mối quan hệ cá nhân với Chúa, chúng ta sẽ nhận thấy Chúa đang sống và đã sống lại từ kẻ chết. Mặc dù nhiều người không nhìn thấy, nghe, hoặc rờ đụng Chúa Giê-xu về phương diện thể xác, nhưng họ có thể đến gần Chúa về phương diện thuộc linh và thờ phượng Ngài. Những người muốn biết Đấng Christ một cách thân mật, gần gũi; nên biệt riêng một thì giờ nhất định mỗi ngày để gặp Chúa Phục Sinh, lời của Ngài là một quyết định khôn ngoan.

 Khi chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu đã phục sinh về phương diện lịch sử và hằng ngày tương giao của chúng ta với Ngài, thì tự nhiên chúng ta muốn bày tỏ đức tin trong sự phục sinh của Ngài bằng cách chia sẻ với người khác. Tin Lành sẽ nung nóng lòng chúng ta, giúp chúng ta hăng hái chia sẻ tin mừng về sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Đó là một đặc ân đầy vui mừng đối với chúng ta.

 Kinh nghiệm Chúa Phục Sinh sẽ đi vào từng tấm lòng người được giao thác và đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Sứ điệp phục sinh tràn đầy hy vọng sẽ phản ánh nơi người đó.

Chúa Phục Sinh đắc thắng quyền lực của sự chết và ma quỉ, dù cho chúng đã tìm mọi cách để triệt hạ Ngài. Chúng hoàn toàn thất bại trước Đấng Cứu Thế Giê-xu. Tuy vậy, chúng sẽ tìm mọi cách để cám dỗ, bách hại, phá hoại người đặt niềm tin nơi Ngài. Tin quyết, giao thác trọn vẹn, nắm chặt lấy Chúa và lời Ngài từng giây phút là bí quyết đắc thắng.

Tin Chúa Phục Sinh sẽ giúp chúng ta không đầu hàng mọi cám dỗ của gian dối, lường gạt, lạm dụng người khác hoặc vì quyền lợi cá nhân. Vững tin Chúa Phục Sinh giúp chúng ta trung tín với Chúa, với người và với Hội Thánh Ngài.

III. CÂU HỎI SUY GẪM.

  1. Tại sao hai bà Ma-ri đi đến ngôi mộ nơi đặt xác Chúa Giê-xu?
  2. Tại sao thiên sứ lăn hòn đá ra khỏi ngôi mộ?
  3. Bọn lính canh phản ứng như thế nào khi nhìn thấy thiên sứ?
  4. Sứ điệp hy vọng mà thiên sứ đã ban cho những người đàn bà là gì?
  5. Những người đàn bà đã đáp ứng như thế nào với sự hướng dẫn của thiên sứ?
  6. Những người đàn bà phản ứng như thế nào khi họ đối diện với Chúa Phục Sinh?
  7. Những người lãnh đạo tôn giáo phản ứng như thế nào khi họ nghe lời tường thuật của bọn lính gác?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 31.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 31.03.2024

in Thanh niên on 25 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 31.03.2024 (Lễ Phục Sinh).

  1. Đề tài: CÓ LÚC TIN TƯỞNG.
  2. Kinh Thánh: Mác 15:33-39; 16:1-8.
  3. Câu gốc: “Đừng sợ chi, các ngươi tìm Đức Chúa Giê-xu Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài” (Mác 16:6).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề Lễ Phục Sinh.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Thanh niên. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chúa Giê-xu đã mang tất cả tội lỗi của nhân loại trên thân thể Ngài và lĩnh án phạt của Đức Chúa Trời, chịu chết trên thập tự giá cách đau đớn, nhục nhã. Ngài thực sự đã bước vào sự chết, được chôn trong mồ mả. Thân xác Ngài nằm an nghỉ trong ngày thứ bảy – Sa-bát. Qua ngày thứ nhất trong tuần, Ngài đã đắc thắng sự chết, sống lại cách vinh hiển, bước ra khỏi mộ cách khải hoàn. Kể từ đầu tuần lễ đó, chúng ta có ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, ngày thờ phượng Chúa. Chúa Giê-xu giáng sinh, chịu chết và sống lại là nền tảng đức tin về sự cứu chuộc trong Cơ đốc giáo.

  1. TRONG BÓNG SỰ CHẾT (Mác 15:33-38).

Từ tòa án Phi-lát, Chúa Giê-xu bị dẫn đến đồi Gô-gô-tha, chịu đóng đinh vào thập tự giá với hai tên trộm cướp. “Lúc đóng đinh Ngài là giờ thứ ba” (15:25), tức là chín giờ sáng theo giờ chúng ta ngày nay. “Đến giờ thứ sáu, khắp đất đều tối tăm mù mịt cho tới giờ thứ chín”, tức là từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Chúa Giê-xu đã giáng sinh vào giữa đêm khuya tăm tối mù mịt mà “sự vinh hiển của Chúa chói lòa” (Lu-ca 2:9) như giữa ban ngày. Chúa chết giữa ban ngày rực rỡ mà “khắp đất đều tối tăm mù mịt” như giữa đêm khuya. Có người cho rằng cảnh trạng “tối tăm mù mịt” đó bày tỏ cả vũ trụ để tang Con Đức Chúa Trời. Có người lại cho cảnh trạng đó là lúc “chủ quyền… thế lực… vua chúa của thế gian mờ tối này” (Ê-phê-sô 6:12) quyết liệt diệt Chúa Giê-xu. “Đến giờ thứ chín (3 giờ chiều), Đức Chúa Giê-xu kêu lớn tiếng rằng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni? Nghĩa là Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Đây là phút giây “tối tăm mù mịt” nhất trong tâm hồn Chúa Giê-xu. Trong cả đời Ngài trên đất, Ngài liên kết với Đức Chúa Trời từng giây phút. Thế mà vì mang tội lỗi của cả nhân loại nói chung và của chính tôi nói riêng trên thân thể Ngài, Chúa Giê-xu đã phải xa lìa Đức Chúa Trời chí thánh. Ngài đành chịu Đức Chúa Trời từ bỏ để chúng ta là những tội nhân nhờ Ngài mà được Đức Chúa Trời tiếp nhận. “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (2Cô-rinh-tô 5:21). Chúa Giê-xu là “sự sáng của thế gian” (Giăng 8:12), thế mà giây phút này, “tối tăm mù mịt” bao phủ ngoại cảnh và cả trong tâm hồn Ngài. Ôi lạ lùng thay là Cứu Chúa Giê-xu của chúng ta! Nhờ Ngài mà chúng ta “từ tối tăm mà qua sáng láng, từ quyền lực của Sa-tan mà đến Đức Chúa Trời” (Công vụ 26:18).

Trong cảnh “tối tăm mù mịt” ấy, “màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên chí dưới”. Bức màn ngăn giữa nơi thánh và nơi chí thánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 26:31-33). Nơi chí thánh chẳng có người nào được phép vào, ngoại trừ “mỗi năm một lần chỉ một mình thầy tế lễ thượng phẩm vào” (Hê-bơ-rơ 9:7) trong ngày đại lễ chuộc tội (Lê-vi ký 16:15-17,34). Ngay khi “Đức Chúa Giê-xu kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn” thì bức màn ngăn cách nơi thánh và nơi chí thánh bị “xé ra làm đôi từ trên chí dưới”, bởi Đức Chúa Trời chớ không phải bởi người ta. Ngày nay, “chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Giê-xu được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài” (Hê-bơ-rơ 10:19). Chúng ta được phép đến thẳng với Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng và cầu nguyện, không cần người trung gian.

  1. TRONG ÁNH SÁNG NIỀM TIN (Mác 15:39).

“Thầy đội đứng đối ngang Ngài, thấy Ngài trút linh hồn như vậy, thì nói rằng: Người nầy quả thật là Con Đức Chúa Trời”. “Thầy đội” chỉ huy toán lính lo việc xử tử những tên tội phạm bằng cách đóng đinh vào thập tự giá, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu tử tội quằn quại trong cơn đau đớn khủng khiếp trước khi lìa đời. Thầy đội đã phải nghe bao lời chửi rủa, bao lời rên siết ai oán của tử tội. Nhưng từ phía Chúa Giê-xu thì không. Thầy đã nghe bao lời sỉ vả, chế nhạo Chúa Giê-xu từ đám người Do-thái và thầy nghe lời cầu nguyện yêu thương phát ra từ môi miệng Chúa Giê-xu: “Lạy cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì”. Lời Ngài ôn tồn phán hứa với tên trộm cướp bị đóng đinh bên hữu Ngài: “Hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43). Và lời cuối cùng Ngài tuyên bố “Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn” (Giăng 19:30). Thầy đội chứng kiến, lắng nghe, nhận định và thốt lên lời: “Người nầy quả thật là Con Đức Chúa Trời”. Ngài bày tỏ mình là “Con Đức Chúa Trời” khi dùng quyền năng làm phép lạ, giảng dạy và khi Ngài chết cách nhục nhã, đau đớn, Ngài vẫn bày tỏ ra là “Con Đức Chúa Trời”. Nhìn xem Chúa, lắng nghe Chúa thì đức tin nảy sinh. Dân sự Chúa trong vô tín đã không nhận ra Ngài là “Con Đức Chúa Trời” nên đã loại bỏ Ngài, xin đóng đinh Ngài. Thầy đội La-mã, dù là dân ngoại thi hành phận sự đóng đinh Chúa Giê-xu, trong cảnh “tối tăm mù mịt” đã nhận được ánh sáng đức tin, tuyên xưng Ngài là “Con Đức Chúa Trời”. Chúng ta là con cái Chúa, trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải sống, chịu đựng và cả việc chết thế nào để cho mọi người nhận định chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Chúng ta là sự sáng của thế gian “tăm tối mù mịt” này, mong rằng qua đời sống chúng ta cho nhân thế ánh sáng niềm tin trong Chúa Giê-xu, Cứu Chúa chúng ta.

III. TRONG ÁNH SÁNG HY VỌNG (Mác 16:1-8).

Mặt trời chưa ló dạng, nhưng ánh sáng mặt trời đã xua đuổi màn đêm. Chúa Giê-xu đã từ trong vòng kẻ chết sống lại cách khải hoàn. Tử thần không có quyền trên Ngài. Ngài sống lại như vầng dương xuất hiện nơi chân trời đông đem ánh sáng hy vọng cho nhân thế đang bị sự chết chế ngự.

Sáng sớm tinh sương, “Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ Gia-cơ, cùng Sa-lô-mê mua thuốc thơm đặng đi xức xác Đức Chúa Giê-xu”. Các bà tới mộ trong bóng tối của sự chết, lòng kính mến đối với Chúa giờ còn lại trong nghi thức “xức xác Chúa”. Nhưng mọi lo lắng, toan tính của các bà biến mất khi thấy “hòn đá” lấp cửa mộ “đã lăn ra rồi”. Các bà đã gặp thiên sứ trấn an: “Đừng sợ chi, các ngươi tìm Đức Chúa Giê-xu Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài”. Sứ điệp về phục sinh của Chúa Giê-xu rất ngắn, nhưng rất trọng đại, đem ánh sáng hy vọng cho cả nhân loại. Khởi đầu sứ điệp là “đừng sợ chi”. Lời này trấn an các bà vì các bà “thất kinh” về sự chết. Kể từ khi Chúa Giê-xu từ kẻ chết sống lại, chúng ta là con dân Chúa không còn “sợ chi” về sự chết cả. Sự chết đối với con dân Chúa chỉ là cái cửa bước qua “đi ở với Đấng Christ, là điều tốt hơn” (Phi-líp 1:23). “Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi”. Ngài “sống lại” cùng một thể xác “đã chịu đóng đinh”. Ngài đã đắc thắng sự chết trong thân thể Ngài. “Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng” (1Cô-rinh-tô 15:54). Kết thúc sứ điệp là “hãy đi nói”. Chúng ta cũng hãy rao truyền sự sống lại của Chúa, đem ánh sáng hy vọng đến mọi người. Chúng ta thờ phượng Chúa ngày Chúa Nhật cũng là một cách nói về sự sống lại của Chúa. “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi cũng chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi” (Thi thiên 23:4). Chúa sống lại là ánh sáng niềm tin và hy vọng cho tôi. Chúng ta hãy đặt niềm tin trọn vẹn vào sự phục sinh của Chúa, và đi ra truyền rao tin mừng này cho thế giới.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 24.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 24.03.2024

in Thanh niên on 20 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 24.03.2024 (KN Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem)

  1. Đề tài: CÓ LÚC TỰ XÉT MÌNH.
  2. Kinh Thánh: Mác 14:12-25.
  3. Câu gốc: “Đức Chúa Giê-xu lấy bánh, tạ ơn, đoạn bẻ ra trao cho các môn đồ, mà phán rằng: Hãy lấy, nầy là thân thể ta. Ngài lại cầm chén, tạ ơn, rồi trao cho các môn đồ, và… Ngài phán rằng: Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đổ ra cho nhiều người” (Mác 14:22-24).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề KN Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn ba người: Một người đóng vai Phi-e-rơ và một người đóng vai Giăng, một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và trả lời đều ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Trong phần đúc kết, NHD sẽ tóm tắt nội dung bài học và đưa ra lời khuyên ban viên áp dụng sự dạy dỗ của lời Chúa vào đời sống mỗi ngày. Sau đó mời tất cả đứng lên và mời nhân vật được phỏng vấn cầu nguyện cho ban Thanh niên.

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

(Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới đi lên Phi-e-rơ và Giăng từ ngoài đi vào. Sau đó Phi-e-rơ và Giăng lần lượt thay nhau trả lời cho những câu hỏi của phóng viên).

– Phóng viên: Dạ, cháu xin kính chào cụ Phi-e-rơ và cụ Giăng ạ!

– Phi-e-rơ và Giăng: Chào các cháu trong ban Thanh niên! 

– Pv: Chúng cháu rất vui vì được hai cụ đến thăm hôm nay. Thay cho ban Thanh niên Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh hai cụ. Nhân buổi gặp gỡ này, hai cụ có thể trò chuyện với chúng cháu về đề tài “Tự xét mình”, được không ạ?

– Phi-e-rơ và Giăng: Được, các cháu cứ cứ hỏi!

– Pv: Trước tiên, xin hai cụ cho biết câu chuyện Chúa Giê-xu dự lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đồ?

 – Phi-e-rơ hoặc Giăng: Việc này xảy ra vào ngày lễ Vượt Qua, chúng tôi thưa cùng Chúa Giê-xu rằng: Thầy muốn chúng tôi đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua tại đâu?

     – Pv: Sao các cụ không dọn lễ Vượt Qua cho Chúa Giê-xu như những năm trước mà các cụ lại hỏi Chúa như vậy?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Các cháu biết không, ăn lễ Vượt Qua phải ăn phía trong thành Giê-ru-sa-lem nhưng vào thành Giê-ru-sa-lem trong thời điểm đó rất nguy hiểm vì “các thầy tế lễ cùng các thầy thông giáo tìm mưu đặng bắt Đức Chúa Giê-xu và giết đi”. Trước tình hình đó, chúng tôi không biết làm sao đành phải hỏi Chúa. Có nhiều việc chúng ta không biết cách giải quyết thì phải tìm kiếm ý muốn Chúa.

– Pv: Cám ơn hai cụ đã nhắc nhở chúng cháu về việc tìm biết ý muốn Chúa trong những lúc gặp khó khăn. Và sau câu hỏi đó, Chúa Giê-xu đã trả lời thế nào cho các cụ?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúa Giê-xu bí mật sai hai ta đi, và dặn rằng: “Hãy vào thành, sẽ gặp một người đàn ông xách vò nước; cứ theo sau, hễ người vào nhà nào, các người sẽ nói cùng chủ nhà ấy rằng: Thầy phán: Cái phòng ta sẽ dùng ăn lễ Vượt Qua ở đâu? Chính người đó sẽ chỉ cho các ngươi một cái phòng lớn trên lầu có đồ đạc sẵn sàng, hãy dọn tại đó cho chúng ta”.

– Pv: Xin cụ cho biết vì sao Chúa Giê-xu lại bí mật sắp đặt mọi việc cho lễ Vượt Qua như vậy?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúa không giữ bí mật việc Ngài “phải chịu khốn khổ nhiều, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo loại ra, phải chịu chết, sau ba ngày phải sống lại”; nhưng Chúa bí mật bàn thảo việc tổ chức lễ Vượt Qua cho thấy Ngài giữ bí mật việc này không phải vì vấn đề an nguy tính mạng Ngài, mà là Ngài không muốn bị bắt trước thời điểm quy định. Ngài giữ bí mật vì có một sứ đồ phản Ngài.

– Pv: Thật là nguy hiểm khi trong nội bộ có một người phản Chúa. Các cụ có biết và đề phòng như Chúa không vậy?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúng ta không hề hay biết trong nội bộ có người phản Chúa. Khi Chúa Giê-xu nói: “Trong vòng các ngươi có một kẻ ngồi ăn cùng ta, sẽ phản ta” thì chúng ta “bèn buồn rầu lắm”. Vừa buồn cho Chúa, vừa buồn cho một người trong bọn ta có tâm phản trắc.

– Pv: Thưa hai cụ, tại sao các môn đồ không hỏi thẳng Chúa Giê-xu người đó là ai để xử lý mà phải buồn rầu như thế?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúng tôi không dám nghi ai hết, chỉ dám nghi mình vì đã có lần tất cả chúng tôi đều bị Chúa hỏi: “Còn các ngươi cũng muốn lui chăng?” (Lu-ca 6:67) nên chúng tôi “lần lượt thưa cùng Ngài rằng: Có phải tôi không?” “Lạy Chúa, có phải tôi không?” (Lu-ca 26:22,25).

– Pv: Ước gì chúng cháu cũng có tấm lòng tự cảnh tỉnh đời sống như các cụ. Thưa cụ, tại sao Chúa không nói ra đích danh Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là người phản Chúa?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Có lẽ Chúa muốn Giu-đa ăn năn. Lời Chúa phán ra, không một người nào nghi ngờ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Điều này chứng tỏ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt quả là một tên kín đáo, khôn ngoan, cũng là một tên giả hình điêu luyện. Dù vậy Giu-đa vẫn không qua mặt được Chúa.

– Pv: Chúa muốn Giu-đa ăn năn nhưng Giu-đa vẫn không ăn năn. Người cứng lòng như Giu-đa thì số phận sẽ thế nào thưa cụ?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúa dành cho Giu-đa cơ hội nhưng Giu-đa đã khước từ. Nhiều phần Kinh Thánh cho thấy Giu-đa chưa bao giờ gọi Chúa là Chúa (Lord), Giu-đa chỉ xưng Chúa là thầy (Rabi). Ngài chưa bao giờ là Chúa của Giu-đa. Giu-đa chưa nhận Chúa là Cứu Chúa cho đời sống mình nên Giu-đa sẽ không nhận được sự cứu rỗi.

– Pv: Thật là đáng tiếc cho đời sống Giu-đa. Và sau khi Chúa nói với Giu-đa thì cụ đã làm gì sau đó?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Giu-đa đã bỏ ra ngoài sau khi Chúa tỏ cho Giu-đa biết Ngài biết âm mưu phản bội của ông. Chúa lập lễ Tiệc Thánh vào cuối bữa ăn lễ Vượt Qua. Lúc nầy Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã lìa khỏi bàn ăn. Giu-đa không bao giờ liên kết một thân với Chúa qua Tiệc Thánh. Điều này minh chứng rõ hơn Giu-đa không thể được cứu.

– Pv: Hai cụ có thể nói rõ hơn về việc Chúa Giê-xu lập lễ Tiệc thánh cho chúng cháu biết với?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúa Giê-xu lập Tiệc Thánh với bánh không men và nước nho. Ngài “lấy bánh” – Ngài là “bánh của sự sống”; Ngài “tạ ơn” – Ngài dâng Ngài như là một “của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời”. Ngài “trao cho các môn đồ” -Ngài “ban cho nó sự sống, nó chẳng chết mất bao giờ”. Ngài trao trọn vẹn chính Ngài cho người thuộc về Ngài. Mỗi con cái Chúa đều có Ngài trọn vẹn. Ngài phán: “Ta sẽ ở trong các ngươi” .

– Pv: Còn việc Chúa cầm chén phán: “Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đổ ra cho nhiều người”. Điều nầy có nghĩa gì thưa cụ?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Đức Chúa Trời đã lập giao ước hay sự thỏa thuận giữa Ngài và người. Ngài lập giao ước với Nô-ê, với
Áp-ra-ham… nhưng giao ước quan trọng nhất mà Ngài lập với dân Y-sơ-ra-ên khi Ngài ban cho họ luật pháp. Chúa Giê-xu kể giao ước nầy là giao ước cũ. Giao ước cũ đặt căn bản trên luật pháp và vâng giữ luật pháp. Không một người nào có thể giữ trọn luật pháp, nên hết thảy đều phạm giao ước của Chúa.

– Pv: Vậy thì giao ước Chúa Giê-xu nói trong lễ Tiệc Thánh có phải là giao ước cũ đó không thưa cụ?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Không! Chúa Giê-xu đã lập giao ước mới. Chúa Giê-xu là giao ước mới cho loài người, một mối tương giao bền vững với Đức Chúa Trời. Giao ước mới đặt căn bản trên ân điển và tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

– Pv: Hai cụ có thể nói rõ hơn về mục đích Chúa lập lễ Tiệc Thánh cho chúng cháu biết với?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúa lập Tiệc Thánh với mục đích là để người tin Chúa “nhớ đến” Chúa và rao ra sự cứu rỗi của Ngài cho mọi người trong thế gian cho đến ngày Chúa trở lại. Vì vậy, khi dự Tiệc Thánh, các cháu phải tự xét mình và làm công tác Chúa giao.

– Pv: Cám ơn cụ đã giúp chúng cháu hiểu biết rõ hơn về ý nghĩa và mục đích của lễ Tiệc Thánh. Chúng cháu biết mình phải nhớ đến Chúa, xét mình ăn năn tội và rao truyền sự cứu rỗi của Chúa đến cho nhiều người chưa biết Chúa.

– NHD: Thưa các bạn, chúng ta vừa được hai cụ Phi-e-rơ và Giăng giúp chúng ta hiểu về đề tài “Tự xét mình”. Qua bài học nầy, ước mong mỗi người chúng ta tự xét mình và ăn năn với Chúa khi mắc sai phạm và sống rao truyền danh Chúa đến cho nhiều người.  

Mời các bạn đứng lên, mời cụ Phi-e-rơ hoặc cụ Giăng cầu nguyện cho ban Thanh niên.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chúa Giê-xu có 12 môn đồ là những người công khai sống chung và làm việc chung với Chúa Giê-xu, ai cũng biết. Chúa Giê-xu cũng có những người bạn mà ít người biết tới như gia đình ba chị em Ma-thê, Ma-ri và La-xa-rơ ở làng Bê-tha-ni. Chúa lại có những người bạn mà ngay cả các sứ đồ cũng không biết như Ni-cô-đem, người đã gặp Chúa trong ban đêm cách kín giấu (Giăng 3); người chủ có lừa cái và lừa con sẵn lòng để Chúa dùng cỡi vào thành Giê-ru-sa-lem (Mác 11:3); người như “Giô-sép người A-ri-ma-thê, làm môn đồ của Chúa Giê-xu cách kín giấu” (Giăng 19:38), và chủ nhà có “cái phòng lớn trên lầu” dành cho Chúa dự lễ Vượt Qua, người bạn này chúng ta cũng không biết tên. Dù vậy, Kinh Thánh đã ghi lại việc làm của người này đối với Chúa trong đêm cuối cùng. Bài học này giúp chúng ta xét mình về các công việc mà Chúa phán dạy.

  1. CHUẨN BỊ TIỆC THÁNH (Mác 14:12-16).

Đến ngày lễ Vượt Qua, “các môn đồ thưa cùng Chúa Giê-xu rằng: Thầy muốn chúng tôi đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua tại đâu?” Lúc nầy có lẽ Chúa và các môn đồ đang ở nhà của Ma-ri, người đã xức dầu thơm cho Chúa. Ăn lễ Vượt Qua phải ăn tại thành Giê-ru-sa-lem, ăn bất cứ nơi nào cũng được miễn là phía trong tường thành. Vào thành Giê-ru-sa-lem rất nguy hiểm trong lúc nầy vì “các thầy tế lễ cùng các thầy thông giáo tìm mưu đặng bắt Đức Chúa Giê-xu và giết đi” (c.1). Các môn đồ không biết làm sao đành phải hỏi Chúa. Nhiều điều, nhiều việc chúng ta lưu tâm nhưng không biết làm sao thì phải cầu nguyện để biết ý muốn Chúa.

Để đáp lại câu hỏi của các môn đồ, Ngài lặng lẽ, bí mật “sai hai môn đồ đi, và dặn rằng: Hãy vào thành, sẽ gặp một người đàn ông xách vò nước; cứ theo sau, hễ người vào nhà nào, các người sẽ nói cùng chủ nhà ấy rằng: Thầy phán: Cái phòng ta sẽ dùng ăn lễ Vượt Qua ở đâu? Chính người đó sẽ chỉ cho các ngươi một cái phòng lớn trên lầu có đồ đạc sẵn sàng, hãy dọn tại đó cho chúng ta”. Đây chứng tỏ Ngài đã bí mật bàn thảo và đặt kế hoạch với bạn Ngài. Chúa không giữ bí mật việc Ngài “phải chịu khốn khổ nhiều, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo loại ra, phải chịu chết, sau ba ngày phải sống lại” (8:31). Như vậy, Ngài giữ bí mật việc nầy không phải vì vấn đề an nguy tính mạng Ngài, mà là Ngài không muốn bị bắt trước thời điểm quy định. Ngài giữ bí mật vì có một sứ đồ phản Ngài.

Nhà Y-sơ-ra-ên nóc bằng, trông như cái hộp. Phòng cao trông như cái hộp nhỏ chồng lên cái hộp lớn, có cầu thang ở ngoài để đi lên phòng cao. Phòng cao thường được dùng làm nhà kho. Có phòng cao được dùng làm nơi nghỉ ngơi, đọc sách và suy gẫm. Nhà giàu có, phòng cao là “một cái phòng lớn trên lầu có đồ đạt sẵn sàng” dùng làm phòng khách. Chúa nghèo, “con cáo có hang, chim trời có ổ, song Con Người không có chỗ gối đầu” (Ma-thi-ơ 8:20), thế mà bạn Ngài lại là những người giàu có. Trong Hội Thánh cũng có nhiều người giàu có và được Chúa sử dụng sự giàu có của họ.

Hai sứ đồ được Chúa sai đi là Phi-e-rơ và Giăng (Lu-ca 22:9). Hai sứ đồ theo đúng kế hoạch của Chúa và đã sửa soạn lễ Vượt Qua trên một phòng cao.

  1. TỰ XÉT MÌNH (Mác 14:17-21).

“Buổi chiều Ngài đến với mười sứ đồ”. Có lẽ Phi-e-rơ và Giăng sau khi sửa soạn xong lễ Vượt Qua bèn trở về nhà của Ma-ri tại làng Bê-tha-ni, rồi cùng Ngài và các môn đồ đi đến phòng cao.

“Đang ngồi ăn”, Đức Chúa Giê-xu ngưng ăn, nhìn khắp lượt các sứ đồ. Ánh mắt Ngài soi rọi đến tâm can mỗi người. Mọi người đều ngưng ăn, nhìn Chúa. Vẻ sầu khổ hiện rõ trên nét mặt Ngài. Trong bầu không khí yên lặng, có lẽ Chúa cầm một ngọn “rau đắng” (Xuất Ê-díp-tô ký 12:8) và nói chậm rãi: “Quả thật, ta nói cùng các người, trong vòng các ngươi có một kẻ ngồi ăn cùng ta, sẽ phản ta”. Tại sao Chúa không nói đích danh Giu-đa Ích-ca-ri-ốt? Có lẽ Chúa muốn Giu-đa ăn năn. Lời Chúa phán ra, không một người nào nghi ngờ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Điều nầy chứng tỏ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt quả là một tay kín đáo, khôn ngoan, cũng là một tay giả hình điêu luyện. Dầu vậy vẫn không qua mặt được Chúa.

Lời Chúa ngắn gọn, thiếu chi tiết nhưng “các môn đồ bèn buồn rầu lắm”. Vừa buồn cho Chúa, vừa buồn cho một người trong bọn có tâm phản trắc. Tôi không hiểu tại sao Phi-e-rơ không đập bàn hỏi thẳng Chúa người có dã tâm đó là ai để ông xử lý. Hoặc các môn đồ gườm nhau, nhìn nhau với cặp mắt soi mói. Họ không dám nghi ai hết, chỉ dám nghi mình vì tất cả đã có lần bị Chúa hỏi: “Còn các ngươi cũng muốn lui chăng?” (Lu-ca 6:67). Các môn đồ “lần lượt mà thưa cùng Ngài rằng: Có phải tôi không?” Ước gì chúng ta có tấm lòng tự cảnh tỉnh như các sứ đồ. Đừng nghe lời Chúa khiển trách tội lỗi thì nghĩ ngay đến người khác, thay vì nghĩ chính mình. Mười một sứ đồ hỏi Chúa: “Lạy Chúa, có phải tôi không?” (Lu-ca 26:22,25). Giu-đa chưa bao gọi Chúa là Chúa (Lord) như mười một sứ đồ kia. Giu-đa chỉ xưng Chúa là Thầy (Rabi). Ngài chưa bao giờ là Chúa của Giu-đa. Giu-đa chưa được cứu.

III. DỰ TIỆC THÁNH (Mác 14:22-25).

“Khi đang ăn, Đức Chúa Giê-xu lấy bánh, tạ ơn, đoạn bẻ ra trao cho các môn đồ, mà phán rằng; hãy lấy, nầy là thân thể ta”. Chúa lập Tiệc Thánh vào cuối bữa ăn lễ Vượt Qua. Lúc này Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã lìa khỏi bàn ăn. Giu-đa không bao giờ liên kết một thân với Chúa qua Tiệc Thánh. Giu-đa không được cứu. Chúa Giê-xu lập Tiệc Thánh với bánh không men và nước nho. Ngài “lấy bánh” – Ngài là “bánh của sự sống” (Giăng 6:35); Ngài “tạ ơn” – Ngài dâng Ngài như là một “của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:21). Ngài “trao cho các môn đồ” – Ngài “ban cho nó sự sống, nó chẳng chết mất bao giờ” (Giăng 10:28). Chúa phán “nầy là thân thể ta” – Ngài “bẻ ra” trao cho mỗi môn đồ một phần bánh, nhưng Ngài không nói: “Nầy là (một phần) thân thể ta”. Ngài trao trọn vẹn chính Ngài cho người thuộc về Ngài. Mỗi con cái Chúa đều có Ngài trọn vẹn. Chúa phán: “Ta sẽ ở trong các ngươi” (Giăng 15:4).

Chúa Giê-xu cầm chén và phán: “Nầy là huyết ta, huyết của giao ước đổ ra cho nhiều người”. “Giao ước” là từ ngữ tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đã lập giao ước hay sự thỏa thuận giữa Ngài và người. Ngài lập giao ước với Nô-ê, với loài người; Ngài lập giao ước với Áp-ra-ham (Sáng thế Ký 6:18; 9:8-17; 15:8). Nhưng giao ước quan trọng nhất mà Ngài lập với dân Y-sơ-ra-ên khi Ngài ban cho họ luật pháp (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:7,8). Đức Chúa Giê-xu kể giao ước nầy là giao ước cũ. Giao ước cũ đặt căn bản trên luật pháp và vâng giữ luật pháp. Không một người nào có thể giữ trọn luật pháp, nên tất cả đều phạm giao ước của Chúa. Ngài lập giao ước mới. Chúa Giê-xu là giao ước mới cho loài người, một mối tương giao bền vững với Đức Chúa Trời. Giao ước mới đặt căn bản trên ân điển và tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúa lập Tiệc Thánh với mục đích để “nhớ đến” Chúa và rao ra sự cứu rỗi của Ngài cho mọi người trong thế gian cho đến ngày Chúa trở lại. Mọi người đến lúc tự xét mình để dự Tiệc Thánh và thuận phục công tác Chúa giao.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 24.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 24.03.2024

in PHỤ NỮ on 20 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 24/03/2024

(Kỷ niệm Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem)

  1. Đề tài: CHÚA VÀO THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM
  2. Kinh Thánh: Lu-ca 19:29-44.
  3. Câu gốc: “Chúc tụng Vua nhân danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh quang trên nơi chí cao!” (Lu-ca 19:38 BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 13-15.
  5. Thể loại: Thi kể chuyện.

* CHỈ DẪN.

  1. Ban hướng dẫn chuẩn bị.
  2. Mời người trong ban chấp sự Hội Thánh làm giám khảo.
  3. Thông báo thể lệ thi cho các nhóm. Yêu cầu mỗi nhóm xem kỹ phân đoạn Kinh Thánh, sau đó dùng lời văn của mình để kể lại câu chuyện một cách diễn cảm.
  4. Thi kể chuyện.
  5. Trưởng ban thông báo thể lệ cuộc thi.

– Các nhóm có thời gian thảo luận với nhau về nội dung của câu chuyện. Sau đó, trình tự mỗi nhóm cử 1 đại diện lên kể lại câu chuyện một cách diễn cảm.

– Ban giám khảo sẽ chấm điểm:

     4Cả nhóm cùng thảo luận: 10 điểm.

     4Câu chuyện diễn cảm: 10 điểm.

     4Tinh thần làm việc hăng say, vui vẻ và đoàn kết: 10 điểm.

  1. Phát thưởng và thông công.

     – Ban tổ chức tuyên bố điểm và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Đây là tuần lễ cuối cùng Chúa thi hành chức vụ trên đất. Ngày thứ Nhất: Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem; Ngày thứ Năm: Chúa bị bắt tại vườn Ghết-sê-ma-nê; Ngày thứ Sáu: Chúa bị giải đến Phi-lát, Phi-lát truyền lịnh đóng đinh Chúa trên thập tự giá.

  1. GIẢI NGHĨA.

Ngày kỷ niệm Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem được Giáo hội Công giáo La-mã gọi là Lễ Lá. Chúa vào thành một cách khải hoàn. Sự kiện này khởi đầu tuần lễ thánh, là tuần lễ kỷ niệm Chúa chịu thương khó, đóng đinh trên cây thập tự và sau đó Ngài phục sinh. Chúa nhật kỷ niệm Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem được tổ chức một tuần trước Lễ Phục sinh.

  1. Ý NGHĨA.
  2. Con lừa.

Sự kiện Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem được bốn sách Phúc Âm ghi lại. Các sách Phúc Âm đã tường thuật: “Đức Chúa Giê-xu gần đến thành Bê-pha-giê và Bê-tha-ni, ngang núi gọi là Ô-li-ve, sai hai môn đồ đi, và dặn rằng: Hãy đi đến làng trước mặt các ngươi; khi vào làng, sẽ thấy một lừa con buộc đó, chưa hề có ai cỡi; hãy mở và dắt về cho ta. Hoặc có ai hỏi sao các ngươi mở nó ra, hãy trả lời rằng: Chúa cần dùng lừa nầy…  Đang mở lừa con, các chủ lừa hỏi rằng: Sao mở lừa con nầy ra? Hai người trả lời rằng: Chúa cần dùng nó” (Lu-ca 19:29-31; 33-34).

Việc nầy ứng nghiệm lời tiên tri đã nói trước: “Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ cả thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái” (Xa-cha-ri 9:9). Mọi điều sau đó đã xảy ra đúng như lời Chúa Giê-xu đã phán: Hai người được sai ra đi, quả gặp mọi điều y như Đức Chúa Giê-xu đã phán. Đang mở lừa con, các chủ lừa hỏi rằng: Sao mở lừa con nầy ra? Hai người trả lời rằng: Chúa cần dùng nó. Hai người bèn dắt lừa về cho Đức Chúa Giê-xu; rồi lấy áo mình trải trên con lừa, nâng Ngài lên cỡi” (Lu-ca 19:32-35).

Các sách Phúc Âm tường thuật Chúa Giê-xu cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem. Trong văn hóa vùng Trung đông, lừa biểu tượng cho hòa bình và ngựa biểu tượng cho chiến tranh. Khi thắng trận, các vua thường cỡi ngựa vào thành để bày tỏ uy quyền. Trong khi đó, việc Chúa Giê-xu cỡi lừa vào thành thể hiện một hình ảnh tương phản: Chúa không phải là kẻ chinh phục bằng bạo lực, nhưng Ngài là một Đấng Yêu Thương, là Đấng mang lại hòa bình. Chúa Giê-xu không chỉ dùng biểu tượng cỡi lừa bày tỏ mục đích Ngài đem bình an cho Giê-ru-sa-lem.

  1. Trải thảm.

Chúa Giê-xu đi đến đâu, người ta trải áo choàng của mình ra trên đường đến đó. Khi Ngài đến gần và sắp sửa xuống núi Ô-li-ve, cả đoàn môn đồ của Ngài bắt đầu lớn tiếng ca ngợi Ðức Chúa Trời cách vui mừng về những việc quyền năng mà họ đã chứng kiến. Họ tung hô rằng: “Đáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao!” (Lu-ca 19:38).

Khi tiếp rước một nhân vật quan trọng, để bày tỏ lòng tôn kính, lối đi thường được trải thảm. Khi Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem, dân chúng trong lúc vội vàng đã trải áo lót đường cho Chúa đi qua: “Khi Đức Chúa Giê-xu đang đi tới, có nhiều kẻ trải áo trên đường” (Lu-ca 19:36).

  1. Nhánh chà là.

Chúa Giê-xu trên đường vào thành Giê-ru-sa-lem, đám đông lấy nhánh chà là đi ra đón Ngài và tung hô: “Hô-sa-na! Chúc phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, là Vua của Y-sơ-ra-ên!” (Giăng 12:13).

Trong văn hóa Hy-lạp và La-mã, lá cọ là biểu tượng của chiến thắng. Chiến thắng là khởi đầu cho hòa bình, nên lá cọ cũng là biểu tượng của hòa bình. Dân Giê-ru-sa-lem dùng lá cọ tung hô Chúa, tiếp đón Chúa như một Đấng khải hoàn, Đấng đem lại hòa bình. Dân chúng vui mừng nghĩ rằng đây là lúc Chúa sẽ tuyên bố làm vua, nên họ tôn vinh Ngài: “Ðáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến!” (Lu-ca 19:38).

  1. Chúa khóc.

Khi đến gần và nhìn thấy thành phố, Chúa khóc về thành rằng: “Ước gì, ít nữa là ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an! Song hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt mầy.  Vì sẽ có ngày xảy đến cho mầy, khi quân nghịch đào hố xung quanh mầy, vây mầy chặt bốn bề. Họ sẽ hủy hết thảy, mầy và con cái ở giữa mầy nữa. Không để cho mầy hòn đá nầy trên hòn đá kia, vì mầy không biết lúc mình đã được thăm viếng” (Lu-ca 19:42-44). Lúc đầu các môn đồ Ngài không hiểu những điều đó; nhưng sau khi Chúa Giê-xu đã được vinh hiển, lúc ấy họ nhớ ra rằng những điều đó đã được chép về Ngài, và được ứng nghiệm cho Ngài. Chúa Giê-xu vào Giê-ru-sa-lem và đi vào đền thờ. Ngài đưa mắt nhìn quanh rồi cùng mười hai môn đồ trở ra Bê-tha-ni, vì lúc ấy trời đã gần tối.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 24.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 24.03.2024

in NAM GIỚI on 20 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 24.03.2024 (Chúa Giê-xu vào Giê-ru-sa-lem).

  1. Đề tài: Ý NGHĨA VỀ HÔ-SA-NA.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 118:25-26, Ma-thi-ơ 21:9,15; Mác 11:9-10; Giăng 12:13.
  3. Câu gốc: “Người đi trước kẻ theo sau đều la lên rằng: Hô-sa-na! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!(y) 10 Phước cho nước đến, là nước vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!” (Mác 11:9-10).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 37-39.
  5. Thể loại: Ca ngợi – Cảm tạ.  

* CHỈ DẪN: Ca ngợi – Cảm tạ.  

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Tiếng “Hô-sa-na” có gốc từ Tiếng Hy-bá-lai có nghĩa là “Xin hãy cứu” hay “Xin ban ơn cứu rỗi” và được lấy từ Thi Thiên 118:25 “Đức Giê-hô-va ôi! xin giải cứu chúng con; Đức Giê-hô-va ôi, xin cho chúng con được thịnh vượng”.

Trong hội đường, lời kêu cầu này trở thành lời tung hô, tôn vinh và chúc tụng Đức Chúa Trời hãy cứu giúp. Vào ngày lễ Đền Tạm, dân chúng làm thành đoàn cầm lá, họ vừa đi vừa hát Hô-sa-na. “Đáng ca ngợi Đấng nhân danh Đức Giê-hô-va mà đến! Từ nơi nhà Đức Giê-hô-va, chúng con chúc tụng Ngài” (Thi Thiên 118:26).

Câu Thi Thiên 118:26 này, ban đầu chỉ với ý định xin Chúa ban phước cho những người hành hương tiến vào đền thờ. Nhưng rồi “Hô-sa-na” đã mất đi ý nghĩa nguyên thủy ban đầu là “Xin hãy cứu”, thay vào đó truyền thông sau này đã dần sử dụng Hô-sa-na với ý nghĩa thành lời tung hô vui mừng chiến thắng, là lời tôn vinh dành cho Chúa Giê-xu.

Khi Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem, công chúng hoan nghênh và kêu lớn tiếng: “Hô-sa-na”, tức là có ý cầu xin Chúa ban cho Đấng Mê-si cùng phước lành của Ngài (Ma-thi-ơ 21:9,15; Mác 11:9-10; Giăng 12:13). Trong Thi Thiên 118:25, thì có ý là cầu Chúa cứu giúp. Khi giữ lễ Lều tạm ở đền thờ, đến ngày thứ bảy cuối cùng gọi là “Ngày Hô-sa-na Lớn”, các thầy tế lễ đọc Thi Thiên 113:1; 118:1, mọi người trong lòng vui mừng, thường đồng thanh kêu lớn tiếng “Hô-sa-na”, giữa các tiếng hô thường cách nhau một khoảng thời gian ngắn.

Hội Thánh đời sau dầu quên mất ý nghĩa nguyên gốc, nhưng trong các bài thi ca vẫn còn dùng chữ Hô-sa-na. Cũng có nghĩa là vui mừng, nhảy nhót và ca ngợi.

Khi Hê-bơ-rơ 9:28 và Khải 7:9-10 được ứng nghiệm ngày Chúa tái lâm, thì Y-sơ-ra-ên sẽ dự phần về tiếng kêu Hô-sa-na đó và reo lên “Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!” (Lu 13:35; Thi 118:25-26; Ê-sai 12:1-3).

Mục Vụ Do Thái – Lời Sự Sống Việt Nam.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 17.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 17.03.2024

in Thanh niên on 12 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 17.03.2024.

  1. Đề tài: GÂY CHUYỆN RẮC RỐI.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế Ký 25:19-34; 27:1-40.
  3. Câu gốc: “Ê-sau liền nói rằng: Có phải vì người ta gọi nó là Gia-cốp mà nó hai lần chiếm lấy vị tôi rồi chăng? Nó đã chiếm quyền trưởng nam tôi, và lại bây giờ còn chiếm sự phước lành của tôi nữa” (Sáng thế Ký 27:36).
  4. Đố Kinh Thánh: Nê-hê-mi 5-9.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, Ủy viên Linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Đức Chúa Trời đã chọn Gia-cốp từ trong bụng mẹ nên Gia-cốp đi trước Chúa để hoàn thành ý nguyện và chương trình của Ngài. 

Đề tài 2: Đức Chúa Trời đã chọn Gia-cốp từ trong bụng mẹ nhưng Gia-cốp không nên đi trước Chúa để hoàn thành ý muốn tốt đẹp bằng một chương trình xấu, một phương pháp xấu.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Bài học hôm nay là một bài học rất có giá trị về phương diện đạo đức. Những điều trong bài học cảnh tỉnh chúng ta, mỗi người cần ghi nhận và áp dụng trong cuộc sống gia đình mỗi ngày. Gia-cốp là biểu tượng của sự thủ đoạn, lấy sự khôn ngoan của mình lừa gạt người cùng gia đình. Kết quả ông gánh chịu nhiều hậu quả trong đời. Tuy nhiên, trên phương diện tâm linh thì Gia-cốp lại là người được Chúa chọn lựa, yêu mến. Vì thế, xin các bạn nhờ Chúa theo sát kỹ bài học để không có sự hiểu lầm về chương trình và hành động của Đức Chúa Trời chúng ta.

  1. LỢI DỤNG CƠ HỘI (Sáng thế Ký 25:29-34).

Thông thường anh em sinh đôi rất giống nhau. Giống nhau về vóc dáng, vẻ mặt và luôn cả tính nết nữa. Trường hợp của 2 anh em con Y-sác là một ngoại lệ. Ê-sau đầy lông (Ê-sau có nghĩa là “nhiều lông”) còn Gia-cốp (có nghĩa là nắm gót). Từ bé cả hai đã khác biệt nhau. Sáng thế Ký 25:27-28 cho chúng ta biết sự khác biệt đó. Ê-sau là biểu tượng của người “hữu dũng, vô mưu” thích săn bắn. Gia-cốp là người trầm mặc, sống nhiều về nội tâm, ở trong lều trại với mẹ. Phân đoạn Kinh Thánh được chia thành hai phần rõ rệt.

  1. Lỗi Lầm Của Ê-sau.

Câu nói “này anh gần thác” để làm lý do cho việc bán quyền trưởng nam của Ê-sau là một lỗi lầm khó có thể bào chữa được. Khi con người thèm khát một điều gì, thường hay tìm cách để thỏa mãn cơn thèm mà quên đi hậu quả của việc mình làm sẽ đưa mình đến đâu. Ở lứa tuổi ngoài 30, với một sức mạnh mẽ, còn sống độc thân, khi lập gia đình Ê-sau mới 40 tuổi (Sáng thế Ký 26:34) thì sao lại nói câu “anh gần thác” được? Câu nói của Ê-sau chắc chắn đã bị Gia-cốp đánh giá và chính Đức Chúa Trời cũng đánh giá ông nữa. Cuối phân đoạn Kinh Thánh ghi “Vậy Ê-sau khinh quyền trưởng nam”. Thế nào là khinh quyền trưởng nam? Ông vì một tô canh (dù đang đói lắm) mà quên đi giá trị lớn lao của người trưởng nam (được hưởng gấp đôi gia tài so với con thứ và được chúc phước). Ông là người được coi là kẻ thừa kế về vật chất, lẫn tâm linh. Vậy mà, chỉ một cơn đói, ông đã bán nó đi. Ôi! Ngày nay cũng có nhiều người làm như vậy. Chỉ vì… những cơn thèm khát… mà bán đứng địa vị làm con Đức Chúa Trời.

  1. Lỗi Lầm của Gia-cốp.

Trên phương diện đạo đức, Gia-cốp là người gây họa cho gia đình. Biết tính anh tham ăn, Gia-cốp đã tạo cơ hội để anh bán quyền trưởng nam. Lấy sự khôn ngoan của mình để làm lợi riêng, đặc biệt là đối với người cùng chung ruột thịt là một lỗi lầm lớn. Chính lỗi lầm này đã đưa đến việc lừa cha để được chúc phước và hậu quả Gia-cốp phải gánh chịu nặng nề. Trốn khỏi gia đình, mất mẹ vĩnh viễn (Sáng thế Ký 27:42). Bị cảnh “gậy ông đập lưng ông” với cậu là La-ban (Sáng thế Ký 29:14-30). Sống trong sợ hãi (Sáng thế Ký 27:41; 32:3-8). Bị con gạt (Sáng thế Ký 37).

  1. SỰ DỐI TRÁ (Sáng thế Ký 27:30-33).

Đức Chúa Trời chắc chắn không bằng lòng sự gian trá của Gia-cốp dù Gia-cốp đã được Chúa chọn từ trong bụng mẹ (Sáng thế Ký 25:23). Vì Chúa biết người như Ê-sau sẽ chẳng làm nên tích sự gì. Dù Chúa chọn ông, Gia-cốp không nên dùng sự gian trá để được chúc phước. Gia-cơ đã trách những kẻ “Ăn gian tiền công con gặt” là họ sẽ bị Chúa trừng phạt (Gia-cơ 5:4). Đáng lý, Gia-cốp phải sống thật lương thiện thì ông cũng làm tròn ý nguyện của Chúa được như thường. Sự lương thiện trên đời sống mỗi người là điều kiện căn bản để nhận phước hạnh, vui mừng, bình an từ nơi Chúa. Ý thức giá trị sự lương thiện, nhà văn John Ruskin có nói: “Tạo con cái mình có khả năng sống lương thiện là đầu mối của sự giáo dục”. Tạ ơn Chúa, Gia-cốp đã ăn năn việc làm sai trái của mình (Sáng thế Ký 32:9-12) và thay đổi cách đối xử với anh mình. Đây là điều tốt vì có nhiều người không bao giờ ăn năn dù mình đã làm những điều dối trá, sai trái.

III. KẾT QUẢ CAY ĐẮNG (Sáng thế Ký 27:34-37).

 Đa-vít, trước giả Thi thiên 64 đã kinh nghiệm điều cay đắng khi ông viết “nhắm mũi tên mình, tức là lời cay đắng… bắn vào kẻ trọn vẹn” và kết quả là “thình lình chúng nó bị tên, thương tích”, vì “Đức Chúa Trời sẽ bắn chúng nó”. Ít có người hiểu rằng bất cứ ý tưởng nào, hành động nào cũng sẽ có hậu quả. Mọi người nên ghi nhớ điều đó để tìm điều thiện và điều gì tựa như điều ác thì phải tránh xa đi (1Ti-mô-thê 6:11-12). Gia-cốp là người thành công trong đời sống thiêng liêng. Được chọn là kẻ kế tự cho Y-sác, sống gần gũi và hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhưng vì sự nôn nóng thực hiện khải tượng, Gia-cốp đã có hành động dối trá gạt cha và gạt anh.

Hậu quả là Gia-cốp phải trả giá cho điều sai trái mình đã làm. Ông giương cung bắn tên và mũi tên đã quay ngược về ông. Cuộc đời ông đã phải bị kẻ khác phỉnh gạt và kẻ phỉnh gạt ông lại cũng là người trong gia đình.

* Bài học áp dụng.

  1. Chúng ta học điều gì từ đời sống Gia-cốp? Chúng ta học hỏi điều gì từ sự khinh quyền trưởng nam của Ê-sau? Từ kinh nghiệm rút ra, chúng ta nên có một phong cách xử thế như thế nào? (Sáng thế Ký 25:29-34).
  2. Thực hành đời sống dối trá đã đem Gia-cốp đến hành động gì? Gia-cơ đã khuyên kẻ “lừa gạt” nên sống như thế nào? Sự giáo dục con cái nên nhấn mạnh đến điều gì? (Sáng thế Ký 27:30-33).
  3. Trước giả Thi thiên cho biết hậu quả của người tạo điều cay đắng sẽ nhận bông trái gì? Bạn có tin câu “ác lai, ác báo” là định luật Đức Chúa Trời luôn áp dụng không? (Sáng thế Ký 27:34-37).
  4. Bài học hôm nay nhắc nhở chúng ta cẩn trọng trong sự tương giao giữa mình và người khác, đặc biệt là anh em trong gia đình. Đừng vì quyền lợi riêng tư, ý muốn thấp hèn mà làm đau lòng nhau. Gia-cốp đã hành động kém quang minh, chính đại và ông phải gánh chịu hậu quả đắng cay. Hãy sống và làm những điều đẹp lòng Chúa.