Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 21.08.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 21.08.2022

By Lee Vi in NAM GIỚI on 15 Tháng Tám, 2022

Chúa nhật 21.08.2022

  1. Đề tài: CHÚA LÀ NGUỒN TIẾP TRỢ.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 16.
  3. Câu gốc: “Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Này, Ta sẽ từ trên trời cao làm mưa bánh xuống cho các ngươi. Dân sự sẽ đi ra, mỗi ngày nào thâu bánh đủ cho ngày ấy, đặng Ta thử dân coi có đi theo luật lệ của Ta hay chăng” (Xuất 16:4).
  4. Đố Kinh Thánh: Gióp 33-36.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 24.07.2022.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Người ta thuật lại câu chuyện xảy ra trên một chuyến xe lửa đêm. Mọi hành khách trong toa đều tìm cách dỗ giấc ngủ của mình, chỉ trừ một bà hành khách nọ cứ ngồi than thở lớn tiếng như vầy: “Tôi khát nước quá! Tôi thật khát nước quá!”. Vì không thể chịu nổi lời than thở của bà, một người đàn ông bèn đứng dậy đi lấy nước mang đến cho bà uống. Đoạn ông trở về chỗ của mình nằm xuống khoan khoái trong lòng tin rằng nhờ uống ly nước, bà ta sẽ thỏa lòng mà không còn than vãn nữa. Không ngờ rằng chỉ vài phút sau, ông phải giật bắn người dậy vì tiếng than của bà kia lại vang lên: “Hồi nãy tôi khát nước quá, hồi nãy tôi khát nước quá”.

Dân Do Thái cũng đã nhiều lần lên tiếng oán trách Môi-se. Họ quy mọi trách nhiệm cho ông, xem như ông là người chủ trương đem họ rời khỏi nước Ê-díp-tô đặng đưa họ vào chỗ chết mòn vì đói khát. Qua bài học hôm nay, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời nhận lấy trách nhiệm nuôi dưỡng và cung cấp mọi thứ cần dùng cho đời sống hằng ngày của dân sự.

  1. ĐOÀN DÂN THAN THỞ (16:2-3).

Dân Do Thái tuy được Đức Chúa Trời dùng quyền năng đưa dắt họ rời vùng đất nô lệ vào miền đất hứa, nhưng lòng của nhiều người trong số họ vẫn còn mãi quyến luyến với Ê-díp-tô. Vì chưa có lập trường dứt khoát với nước này, nên sự ra đi của họ giống như một cuộc tản cư bắt buộc. Họ than thở rằng thà trở lại làm nô lệ tại Ê-díp-tô để còn có cái ăn tạm bợ, còn hơn là sống thiếu thốn trong đồng vắng. Chúng ta thấy được họ than thở mỗi khi phải đương đầu với cái đói và cái khát.

Trong đồng vắng, tuy được tự do nhưng thiếu thốn đủ thứ cần thiết cho cuộc sống hằng ngày như thức ăn, nước uống. Còn tại Ê-díp-tô họ chẳng có tự do thờ phượng Chúa nhưng họ có dư thừa đồ ăn “Khi họ ngồi kề nồi thịt và ăn bánh chán chê!”. Đi trong đồng vắng được 16 ngày thì đoàn dân di tản hết lương thực. Lúc ấy, cả hội chúng Y-sơ-ra-ên oán trách Môi-se và A-rôn tại nơi đồng vắng: “hai người dẫn dắt chúng tôi vào nơi đồng vắng nầy đặng làm cho cả đoàn dân đông nầy đều bị chết đói” (câu 3b). Đây là lần thứ ba họ oán trách hai nhà lãnh đạo của mình. Dân này tuy thấy phép lạ của Đức Chúa Trời nhưng chưa đặt lòng tin vào lời hứa của Ngài về miền đất hứa tương lai.

Thái độ oán trách nơi đồng vắng Sin là kết quả của lòng bất mãn khi mọi việc không xảy ra đúng theo đường lối riêng của mình. Đức Chúa Trời muốn dân sự của Ngài phải thật dứt khoát với nếp sống nô lệ cũ, bước đi với Ngài trong đức tin và dám trả giá khi họ chọn bước đi theo Chúa.

  1. LỜI HỨA CỦA CHÚA (16:4-5).

Dân Do Thái phải đương đầu với nhiều khó khăn về vật chất lẫn tinh thần trên đoạn đường sa mạc. Có người lại cho rằng Đức Chúa Trời không lo chu đáo cho họ. Xét lại từng giai đoạn một của cuộc hành trình, chúng ta nhận thấy mỗi sự khó khăn đã xảy đến là một bài học về đức tin của họ, và mỗi lần gặp khó khăn là thêm một sự tỏ bày về quyền năng của Đức Chúa Trời. Như Phao-lô diễn giải: “Họ ăn một thức ăn thiêng liêng và uống một thứ nước uống thiêng liêng” (1Cô-rinh-tô 10:3-4).

Ngài biết tư tưởng của họ hãy còn vấn vương với Ê-díp-tô, lòng họ cứ hướng về nơi đây và nhiều người sẽ thối lui để trở về với đất cũ. Vì vậy Chúa đã đưa họ xuyên qua Biển Đỏ để không còn trở lại nơi chốn cũ được nữa. Dân này đã từng ăn thức ăn của Ê-díp-tô, uống thức uống của Ê-díp-tô, trông cậy vào sự cung cấp do nước này cho cuộc sống hằng ngày của họ, và họ đã trở nên nô lệ cho người Ê-díp-tô. Bây giờ họ phải học cách trông cậy vào sự cung cấp của Chúa hơn, khi họ đã bước đi với Ngài.

Đức Chúa Trời sai Môi-se truyền cho dân sự lời Ngài hứa sẽ cung cấp cho họ lương thực hằng ngày suốt 40 năm di hành trong sa mạc. Tuy nhiên có vài điều Ngài muốn họ phải làm. Thứ nhất, họ phải sẵn sàng chấp nhận sự cung cấp của Ngài. Thứ nhì, họ phải đích thân đi ra ngoài đồng để thu nhặt vật thực Ngài ban cho ngày nào đủ cho ngày ấy. Thứ ba, họ phải biệt riêng ngày thứ bảy để nghỉ ngơi, vì Đức Chúa Trời không làm việc nên họ cũng không thu nhặt gì trong ngày đó. Đức Chúa Trời dùng cơ hội này mà thử thách họ, như Ngài đã thử thách A-đam và Ê-va và nhiều người khác nữa. Không phải vì Ngài chưa biết lòng dạ của họ, nhưng Ngài cho họ dịp bày tỏ sự vâng phục, sự trung tín, sự trông cậy của họ từng ngày một.

Chúa Giê-xu cũng đã từng dạy môn đồ Ngài phải cầu xin Chúa Cha cho mình có thức ăn đủ dùng cho mỗi ngày như vậy. Chúa muốn nhắc nhở mọi chúng ta phải sống vâng phục và trông cậy vào Chúa trong mỗi ngày của cuộc sống mình.

III. PHÚC TRÌNH CỦA MÔI-SE VÀ A-RÔN (16:6-7).

Dân Do Thái xem Môi-se và A-rôn như hai thủ phạm gây ra tình trạng đói kém cho cả hội chúng. Họ chẳng dám oán trách Chúa mà chỉ mong rằng các lãnh đạo phải có trách nhiệm nuôi nấng họ. Trên thực tế, tuy Môi-se là lãnh đạo của dân Do Thái, nhưng ông chỉ là tôi tớ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Đức Chúa Trời. Nếu không nhờ quyền năng của Ngài thì Môi-se sẽ không thể làm gì cả.

Dân chúng không biết rằng khi được Đức Chúa Trời chọn kêu gọi Môi-se đi giải cứu họ, Môi-se không bắt đầu bằng nhiệt tâm và lòng hăng hái của mình đâu. Ông có nói với Chúa rằng: “Ôi! Lạy Chúa, Chúa muốn sai ai đi thì sai” (Xuất 4:13). Nhưng vì Chúa đã hứa ở cùng ông Môi-se trong công tác Ngài giao phó nên Môi-se hết lòng phục vụ Ngài. Nhờ đó Môi-se đã chứng kiến được sự vinh hiển của Ngài giữa triều đình vua Ê-díp-tô, tại Biển Đỏ, và tại Ma-ra. Khi Đức Chúa Trời truyền cho ông phải báo lại cho dân sự Chúa rằng họ sẽ thấy sự vinh hiển của Ngài, thì ông đã nhắc lại cho họ nhớ những điều lớn lao mà Ngài đã từng thực hiện cho họ. Môi-se và A-rôn khuyên họ chớ nên phàn nàn kêu rêu nữa, mà phải ôn lại những gì Chúa đã ban cho họ trong suốt thời gian qua, và mở mắt thuộc linh của họ để chiêm ngưỡng được sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Lời phân minh của Môi-se với dân sự rằng “Chúng ta là ai mà các ngươi oán trách chúng ta”, nhắc cho chúng ta nhớ rằng người lãnh đạo Hội Thánh của Chúa chỉ là tôi tớ phục vụ chủ mình. Nếu người lãnh đạo có làm sai ý Chúa, thì Chúa sẽ khiển trách người. Nhưng nếu người làm theo ý muốn Chúa thì Ngài là Đấng chịu trách nhiệm về điều chi xảy đến mà không như ý muốn mọi người.

  1. CHÚA LÀ NGUỒN TIẾP TRỢ (16:13-18).

Nhiều người khi đói khát thường hay cau có và phàn nàn. Đức Chúa Trời không muốn thấy dân sự Do Thái đổ sự oán trách lên Môi-se và A-rôn nữa. Đức Chúa Trời dùng vật có sẵn trong thiên nhiên và những gì chưa hề có trong thiên nhiên mà cung cấp cho dân sự. Cụ thể Ngài ban cho họ chim cút thay thịt và bánh ma-na từ trời là vật mắt họ chưa từng trông thấy. Họ lấy làm ngạc nhiên mà hỏi nhau “Cái chi vậy”. Môi-se giải thích cho họ rằng đó là bánh Đức Chúa Trời ban cho họ đặng làm thức ăn hằng ngày. Chúa có ra lệnh cho họ chỉ lượm vừa đủ cho sức của mỗi người ăn chớ lo thiếu mà tranh giành hay tích lũy.

Chúng ta học được phép lạ của Chúa rất phi thường, vượt xa hơn những định luật thiên nhiên. Đức Chúa Giê-xu cũng đã từng dùng năm cái bánh và hai con cá mà cho năm ngàn người ăn no nê (Lu-ca 9:10-15). Những gì chúng ta nhận lãnh được hằng ngày để nuôi sống bản thân mình cũng chính là những phép lạ do sự cung cấp của Chúa cho ta vậy.

Post CommentLeave a reply