Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 17.07.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 17.07.2022

By Lee Vi in Thanh niên on 15 Tháng Bảy, 2022

Chúa nhật 17.07.2022.

1.Đề tài: ĐỨC TIN CỦA ÁP-RA-HAM.

  1. Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 12,15,22.
  2. Câu gốc: “Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người” (Sáng Thế Ký 15:6).
  3. Đố Kinh Thánh: Giô-suê 21-24.
  4. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).

– Câu hỏi giải thích (giải thích việc xảy ra và tìm sự dạy dỗ của lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

Dưới đây là một số câu hỏi đề nghị, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo:

(1.1) Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham những gì? Áp-ra-ham đã tin vào lời Chúa phán hứa như thế nào? (12:1-3,7).

(1.2) Sự đáp ứng của Áp-ra-ham trước lời Chúa phán cho thấy ông là người thế nào? 

(1.3) Bạn có tin vào những lời Chúa hứa cho bạn trong Kinh Thánh không? Bạn đã thể hiện đức tin đó như thế nào?

(2.1) Đức Chúa Trời lại phán hứa với Áp-ra-ham một điều đặc biệt nữa là gì? (15:5; 17:16)

(2.2) Theo quan điểm của loài người thì lời hứa đó có thể xảy ra không? Vì sao?

(2.3) Xin cho biết, có những việc theo quan điểm của bạn thì không thể xảy ra nhưng Đức Chúa Trời đã làm thành một cách lạ lùng cho đời sống bạn.

(3.1) Đức Chúa Trời đã thử nghiệm đức tin của Áp-ra-ham và Áp-ra-ham đã thực hiện điều ấy như thế nào? (22:1-19).

(3.2) Vì sao Đức Chúa Trời ngăn cản Áp-ra-ham tra tay vào Y-sác và Ngài sắm sẵn cho Áp-ra-ham một của lễ gì khác?

(3.3) Bạn thường phản đối hay chấp nhận những điều Chúa cho phép xảy ra trong cuộc sống? Bạn kinh nghiệm kết quả của việc vâng theo lời Chúa như thế nào?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Qua suốt Tân ước, có một chữ được nhắc đi nhắc lại mãi cách đều đặn, đó là chữ “đức tin”. Chắc sẽ có nhiều người hỏi đức tin là gì? Có lẽ người ta bảo: “Đức tin là tin việc không thể có”. Nhưng đó không phải là điều Đức Chúa Trời phán.

Kinh Thánh mô tả đức tin trong Hê-bơ-rơ 11:1 rất rõ ràng. Câu nầy có nghĩa rằng đức tin là “hoàn toàn tin cậy vào những điều mà chúng ta hy vọng”. Đó là “tin quyết điều chúng ta không thấy được”. Đức tin là “biết chắc chắn một sự kiện mà giác quan của con người không tài nào từng trải, kinh nghiệm được”. Do đó, đức tin là nắm chặt lấy lời hứa của Đức Chúa Trời và tin chắc nơi Ngài. Thật ra các bạn không thể nào lấy mắt xác thịt để nhìn thấy điều Ngài đã hứa.

Đức tin ảnh hưởng đến cách sống của một người như thế nào? Chúng ta hãy nhìn vào đời sống của một người đã học biết được bí quyết của đức tin.

  1. KHAI TRIỂN BÀI HỌC.

Kinh Thánh ghi lại cuộc đời của Áp-ra-ham được bắt đầu tại một thành phố sung túc tên là U-rơ. Ông sinh sống tại đó với gia đình vào khoảng năm 2.100 T.C. Trong Giô-suê 24:2, chúng ta đọc thấy gia đình Áp-ram (Áp-ra-ham) thờ lạy các thần khác. Vị thần bá chủ của U-rơ là thần mặt trăng. Có lẽ đền thờ lớn nhất của thành phố ấy đã được xây lên là để thờ vị thần đó.

Các nhà khảo cổ đã khám phá ra rằng Áp-ram vốn xuất thân từ một gia đình văn minh tiến bộ và có một nền văn hóa cao. Nhà cửa thì đồ sộ, được xây cất chắc chắn, có những nét đẹp xa hoa.

Đó là nền văn minh của Áp-ram mà ông đã bỏ lại sau lưng, để cùng với vợ là Sa-rai, cháu là Lót, và cha ông là Tha-rê. Họ đến một nơi gọi là Cha-ran và tạm cư tại đó cho đến ngày Tha-rê qua đời.

Sau khi thân sinh Áp-ram mất, Áp-ram được Chúa truyền lệnh hãy đến một xứ mới. Do đó, ông với gia đình cùng ra đi cho đến khi tới Si-chem, tại Ca-na-an. Khoảng cách từ U-rơ đến Cha-ran khoảng 1.000 cây số, và từ Cha-ran đến Si-chem khoảng 700 cây số. Có lẽ ông phải mất ba tháng để tới Cha-ran, và hai tháng để từ Cha-ran đến xứ Ca-na-an. Các bạn hãy tưởng tượng một chuyến đi xa xôi như thế, mà ông lại không biết mình sẽ đi đến đâu! Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ram một vùng đất mới, và ông tin Đức Chúa Trời nên vâng lời Ngài (Sáng Thế Ký 12:1-5).

 Khi Áp-ram đến Ca-na-an, Đức Chúa Trời bảo rằng đó là đất Ngài đã hứa ban cho ông (Sáng Thế Ký 12:7). Ông liền dựng lên một bàn thờ tại đó để thờ lạy Đức Chúa Trời. Xin chú ý đến thứ tự các biến cố, Đức Chúa Trời phán. Áp-ram lắng nghe và làm theo. Rồi Áp-ram thờ phượng Đức Chúa Trời. Thật là một mẫu mực tốt cho tất cả những ai có phận sự đi theo Chúa.

  1. Đức Tin Để Nhận Lấy Lời Hứa.

Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ram bao nhiêu việc? Hãy lập một bảng liệt kê:

– Ngài hứa ban cho ông một quyền thế: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn”.

– Ngài hứa khiến ông trở thành hữu dụng: “Ngươi sẽ trở thành một nguồn phước”.

– Ngài hứa sẽ chăm sóc bảo vệ ông: “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi”.

Ngài hứa rằng Áp-ram sẽ trở thành một nguồn phước hạnh thuộc linh: “Các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”.

– Ngài hứa ban cho Áp-ram đất ấy: “Cả xứ nào ngươi thấy, ta sẽ ban cho ngươi”.

– Ngài hứa ban cho ông một con trai (Sáng Thế Ký 15:5; 17:16). Đức Chúa Trời đã giữ lời hứa của Ngài. Theo quan điểm của loài người, thì lời hứa ấy không thể nào thực hiện nổi. Bởi cả Áp-ram lẫn Sa-rai đều rất cao tuổi. Họ chưa hề có con, và theo luật tự nhiên, hai ông bà sẽ không thể nào có con được. Áp-ram biết mọi việc đó, nhưng Kinh Thánh chép rằng ông “tin Đức Chúa Trời”. Sáng Thế Ký 15:6 tóm tắt cuộc đời của Áp-ram. Câu ấy có đúng cho mỗi người trong chúng ta không?

Áp-ram không hề phân vân khi nghe lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng ông có đức tin thật vững vàng (Rô-ma 4:20,21). Các bạn phản ứng ra sao với những lời hứa của Đức Chúa Trời? Các bạn có tin chắc là Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài không? Thế thì các bạn không nên nghi ngờ hay phân vân mà hãy vâng lời Ngài.

  1. Đức Tin Để Chịu Sự Thử Nghiệm.

Áp-ram đã chờ đợi rất lâu để Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài. Lúc Đức Chúa Trời phán hứa ban cho ông một con trai lần đầu tiên, Áp-ram được khoảng 85 tuổi. Sau đó, đến năm ông 99 tuổi, Đức Chúa Trời mới lặp lại lời hứa ấy (Sáng Thế Ký 17:5,6). Lúc đó Ngài đổi tên ông thành Áp-ra-ham. Áp-ra-ham có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”. Các bạn thử tưởng tượng xem Áp-ra-ham phải chịu đựng sự thử nghiệm như thế nào mỗi khi có người hỏi tên ông không? Ông phải trả lời: “Tôi tên Áp-ra-ham”. Có lẽ người hỏi ông sẽ reo lên: “Ồ, cha của nhiều dân tộc! Thật là kỳ diệu! Thế ông có được mấy người con rồi?” Và Áp-ra-ham bị bắt buộc phải trả lời: “Không có đứa nào cả!” Dù vậy, Áp-ra-ham vẫn tin Đức Chúa Trời. Cuối cùng, lúc ông được 100 tuổi và Sa-ra được 90, thì Y-sác ra đời.

Chắc chắn là Áp-ra-ham đã hết sức vui mừng vì Chúa đã làm ứng nghiệm lời Ngài đã hứa. Sau đó, đức tin của Áp-ra-ham lại phải trải qua cuộc thử nghiệm lớn lao nhất (Sáng Thế Ký 22:1,2). Đây là đứa con trai mà ông chờ đợi từ lâu. Nhưng Đức Chúa Trời truyền lịnh ông phải bắt con trai đó giết đi.

Có lẽ phần đông chúng ta sẽ lý luận hoặc phản đối hay trì hoãn với Đức Chúa Trời. Có lẽ chúng ta sẽ hỏi nếu đứa con một của mình bị giết đi, thì làm sao mình có thể trở thành “cha của vô số người” được? Nhưng Áp-ra-ham thì không! Ông không trì hoãn, cũng không nghĩ đến một câu chất vấn nào. Ông chỉ biết vâng phục (Sáng Thế Ký 22:3). Ngay từ sáng sớm, ông cùng con mình đi lên núi mà Đức Chúa Trời đã chỉ trước đó.

Ba ngày sau, Áp-ra-ham thấy địa điểm Chúa chỉ. Ông để người đầy tớ ở lại đó, còn ông với Y-sác tiếp tục đi. Xin chú ý đặc biệt đến câu 5 và Hê-bơ-rơ 11:19. Dầu sao, Áp-ra-ham biết rằng ông với Y-sác sẽ trở về và Y-sác đã trở về thật. Lúc Áp-ra-ham sắp ra tay giết Y-sác, thì Đức Chúa Trời đã ngăn ông lại. Ngài dành sẵn cho ông một con chiên đực để thay chỗ cho Y-sác. Trải qua mọi hoàn cảnh, Áp-ra-ham đều tin Đức Chúa Trời nên ông được gọi là “bạn Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 2:23).

  1. BÀI HỌC ÁP DỤNG.

Đức tin của các bạn làm thế nào để đứng vững khi bị thử nghiệm? Nếu Đức Chúa Trời truyền cho các bạn phải lìa bỏ những người thân yêu, bạn bè và mọi tiện nghi tại nhà mình để đi giảng Tin Lành, vậy các bạn có tin cậy Ngài đầy đủ để tuân theo không? Khi dường như ý chỉ của Đức Chúa Trời với các bạn không được ứng nghiệm ngay, chẳng hạn như các bạn gặp khó khăn, đau ốm, nghèo thiếu hay bị giới hạn thế này thế nọ, các bạn sẽ tiếp tục tin Đức Chúa Trời và lấy đức tin mà hành động không? Nếu các bạn tin Chúa trong các vấn đề nhỏ của đời sống, thì các bạn sẽ thật sự tin cậy Ngài khi gặp những thử nghiệm lớn. Hãy nhớ lại câu gốc của bài học hôm nay.

III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.

  1. Làm thế nào chúng ta có thể sống bởi đức tin trong sinh hoạt hằng ngày?
  2. Làm thế nào để đức tin của chúng ta được tăng trưởng?
  3. Đức tin của chúng ta bị thử nghiệm như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để chắc chắn là sẽ đắc thắng được thử thách?

Post CommentLeave a reply