Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 17.07.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 17.07.2022

By H'Dên in NAM GIỚI on 15 Tháng Bảy, 2022

Chúa nhật 17.07.2022

  1. Đề tài: TIẾNG CHÚA GỌI.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 3:1-4:17.
  3. Câu gốc: “Vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng Ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân Ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (Xuất 3:10).
  4. Đố Kinh Thánh: Gióp 13-16.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

* Đề tài 1: Người được Chúa kêu gọi cần phải có đủ kiến thức thần học, có sự hiểu biết Chúa tường tận thì mới phục vụ Ngài được.

* Đề tài 2: Người được Chúa kêu gọi không cần đợi đến khi có đủ kiến thức thần học, có sự hiểu biết Chúa tường tận thì mới phục vụ Ngài được. Đức Chúa Trời là Đấng có quyền làm cho những kẻ đáp lời Ngài gọi thành ra công cụ hữu ích trong tay Ngài.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận:
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có một anh kia vừa lập gia đình sau khi tốt nghiệp Cử nhân về khoa Quản trị. Sau đó dịp may đã đến khi trường đại học tại thành phố mời anh làm việc cho họ. Đời sống vợ chồng anh rất ấm êm và được sự bảo đảm về tài chánh. Vợ chồng anh trung tín với Chúa, thờ phượng Ngài và tham gia các sinh hoạt của Hội Thánh hết sức thường xuyên và tốt đẹp.

Qua một bài giảng trong ngày lễ Phục sinh, anh nghe được tiếng gọi của Chúa cho chính đời sống mình. Anh mạnh dạn đứng lên tuyên bố công khai quyết định của mình trước mặt Hội Thánh và nhờ mục sư quản nhiệm tiếp tục cầu nguyện cho quyết định của anh. Và thời gian cứ trôi qua, một rồi hai năm sau, anh vẫn không làm trọn sự hứa nguyện của mình dấn thân phục vụ Chúa. Mục sư quản nhiệm tìm hiểu thêm và được biết lý do vì vợ anh không muốn mình trở nên một “vợ mục sư”. Chị cho biết vì xuất thân từ gia đình mục sư, ba của chị đã trải qua nhiều khó khăn trong đời sống. Ông cụ nhiều đêm phải thổn thức với Chúa trước những thăng trầm của Hội Thánh. Vì những lẽ đó, chị cương quyết giữ vững lập trường của mình cho dù phải lìa xa anh.

Là những con cái kính yêu Chúa, một khi nghe được tiếng gọi của Ngài, chúng ta phải làm gì để đáp lời Chúa? Hy vọng các bạn sẽ đáp lại tiếng gọi của Chúa như Môi-se. Môi-se đã đưa dân sự Chúa thoát ách nô lệ khổ đau và ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

  1. CHÚA KÊU GỌI ĐÍCH DANH (3:10-15a).

“Vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng Ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân Ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Môi-se bèn thưa rằng: Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn đặng dắt dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô? Đức Chúa Trời phán rằng: Ta sẽ ở cùng ngươi; nầy là điều làm dấu cho ngươi biết rằng Ta sẽ sai ngươi đi: Khi ngươi dắt dân sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô rồi, thì các ngươi sẽ phụng sự Đức Chúa Trời tại trên núi nầy” (Xuất 3:10-12).

Chúa chọn Môi-se đi giải cứu dân sự Ngài, trước khi ông được sinh ra khỏi lòng mẹ. Đang khi còn là hoàng tử Ai Cập, Môi-se nhìn thấy một người Ai Cập hà hiếp đồng bào Do Thái của mình. Ông lấy làm bất bình mà giết người đó, đem xác vùi xuống cát. Bởi vụ nầy về sau bại lộ, Môi-se phải chạy vào đồng vắng trú ngụ. Sau đó, ông lập gia đình với con gái của một thầy tế lễ Ma-đi-an. Đây là giai đoạn mà Môi-se làm quen với sự thờ kính Đức Chúa Trời của tổ phụ ông.

Lúc Môi-se đang chăn chiên cho ông gia mình, Đức Chúa Trời hiện ra trong bụi gai cháy nhưng không tàn. Ngài kêu gọi đích danh Môi-se để sai đi giải cứu dân Do Thái. Chẳng những Chúa biết tên và thân thế của Môi-se, Ngài còn biết rất rõ lòng của ông đối với hoàn cảnh thống khổ mà dân sự ông đang gánh chịu. Chúa phán với Môi-se rằng Ngài đã đoái đến Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp thể nào thì Ngài cũng đoái đến con cháu họ thể ấy.

Ba vị tổ phụ nầy được nhắc đến là vì các lý do: Áp-ra-ham được nhắc đến vì khi ông được Chúa kêu gọi rời quê hương và vòng bà con đi đến một nơi ông chưa từng biết đến. Áp-ra-ham không chút lưỡng lự (Sáng 12:1-4). Y-sác không phản đối việc bị cha trói lại để làm của lễ thiêu dâng cho Đức Chúa Trời (Sáng 22:1-14). Gia-cốp được Đức Chúa Trời truyền lệnh đem hết vợ con về đất Ca-na-an thì lập tức vâng lời Ngài phán dạy (Sáng 31:13-18).

Đức Chúa Trời phán với Môi-se rằng: “Vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng Ta sai ngươi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân Ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô”. Những lời phán nầy bày tỏ sự chờ mong Môi-se sẽ đáp lời kêu gọi của Ngài khác nào Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp từng làm khi xưa vậy.

Tuy Đức Chúa Trời đã tỏ ý định của Ngài cho Môi-se biết, nhưng ông hãy còn vài trở ngại, ông thấy mình không đủ khả năng vượt qua nổi các trách nhiệm Chúa giao phó vì các lý do sau:

Thứ nhất, đối với Pha-ra-ôn, Môi-se tin chắc rằng vị vua mới nầy sẽ không bỏ qua bản án giết người của ông. “Tôi là ai mà dám đi đến Pha-ra-ôn…”. Dường như Môi-se mong Đức Chúa Trời thông cảm hoàn cảnh của ông mà ngưng kêu gọi ông. Trái lại, Đức Chúa Trời giải quyết vấn đề của ông bằng lời hứa về sự hiện diện của Ngài với ông.

Nhiều người được Chúa kêu gọi phục sự Ngài cũng từng tự thắc mắc như vậy. Đây không phải là lãng tránh, cũng không phải vì lười biếng hay có tính thụ động, nhưng là vì một thứ tự ti mặc cảm nào đó mà thôi.

Thứ hai, đối với Đức Chúa Trời, Môi-se thấy rằng mình chưa đủ hiểu biết về Chúa, thì làm sao ông dám bày tỏ Ngài và chương trình của Ngài cho dân Do Thái cách minh bạch được. Ông thấy mình cần phải biết tên Chúa, vì ở Ê-díp-tô người ta thờ rất nhiều thần, mà thần nào cũng có tên. Tên của thần nào nói lên bản chất và đặc tính của thần đó. Môi-se hỏi Chúa: “Tên Ngài là gì?” Đức Chúa Trời không ngần ngại đáp rằng Ngài là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”, nghĩa là tự có và còn có mãi mãi. Chúa không trách Môi-se hỏi Ngài, nhưng Ngài không kêu gọi ông để ông chất vấn Ngài, mà để vâng lời Ngài ra đi thực hiện điều Ngài muốn.

Người được Chúa kêu gọi không cần đợi đến khi có đủ kiến thức thần học, có sự hiểu biết Chúa tường tận thì mới phục vụ Ngài được. Đức Chúa Trời Hằng Sống là Đấng có quyền làm cho những kẻ đáp lời Ngài gọi thành ra công cụ hữu ích trong tay Ngài.

  1. CHÚA NÂNG ĐỠ NGƯỜI NGÀI GỌI (4:1-5).

Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se và trao cho ông một sứ mạng thật trọng đại. Trước đó, Môi-se không dám tin tưởng dân mình nữa, bởi vì đã có lần ông tỏ thiện chí với họ trong vụ can hai người Do Thái đang đánh nhau, nhưng họ tỏ vẻ không cần ông. Thái độ bi quan nầy của Môi-se xuất phát từ kinh nghiệm bản thân. Thái độ bi quan có thể làm cho người ta thấy thất bại trước khi bắt tay vào việc.

Đừng quên rằng Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phục vụ trong chương trình của Ngài, cho nên thành công hay thất bại đều thuộc phạm vi lo liệu của Chúa. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải là người có thành tích tốt trước khi được Ngài kêu gọi.

Đức Chúa Trời biết trước rằng vua Ê-díp-tô không thể bị Môi-se thuyết phục dễ dàng. Chúa cũng biết dân Do Thái sẽ nghi ngờ và chống đối ông. Hai việc đó cũng là những khó khăn gặp phải trong cuộc đời người hầu việc Chúa. Dầu vậy, Đức Chúa Trời nâng đỡ chúng ta trong tay Ngài và ban thêm sức lực để chúng ta có thể vượt qua được. Việc nầy giống như Chúa ban cho Môi-se các phép lạ trên cánh tay và nơi cây gậy của ông nhằm mục đích thuyết phục Pha-ra-ôn, vua Ê-díp-tô, và để dân Do Thái tin rằng ông được Đức Chúa Trời kêu gọi.

III. CHÚA TRANG BỊ CHO NGƯỜI NGÀI GỌI (4:10-12).

Môi-se viện dẫn hết cớ nầy đến cớ khác để tránh né công tác Chúa. Mỗi lần ông đưa ra lý do thì Chúa có ngay giải pháp để nâng đỡ chức vụ của ông. Bây giờ, đến lần thứ ba, ông hy vọng một duyên cớ sau cùng nữa sẽ thay đổi được ý định Chúa. Môi-se nói rằng: “Tôi chẳng phải là một tay nói giỏi, vì miệng và lưỡi tôi hay ngập ngừng”. Đây là một nhận xét về sự bất toàn của mình vốn có từ trước, có lẽ không thích hợp trong vấn đề ngoại giao. Từ lúc Chúa phán dạy ông, Môi-se vẫn thấy mình chưa phải là một nhà hùng biện. Chúa sẽ đặt những lời đầy quyền năng nơi môi miệng ông. Chúa cũng sẽ cho (sai) anh của Môi-se là A-rôn đến (cộng tác) để ông nầy nói thế cho Môi-se. Nếu Môi-se còn ngại vấn đề tuổi tác, vì bấy giờ ông đã tám mươi tuổi. Ông nói với Chúa rằng: “Ôi lạy Chúa, Chúa muốn sai ai đi thì sai”, Chúa chỉ cho ông thấy rằng A-rôn, người anh lớn hơn ông ba tuổi sẽ cùng đi với ông.

Sau khi đã nghe tất cả lý do Môi-se trình bày và những trở ngại mà ông phỏng đoán, Đức Chúa Trời ra lệnh cho ông làm nhiều phép lạ bằng cây gậy nơi tay mình.

“Môi-se thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ôi! Lạy Chúa, từ hôm qua, hôm kia, hay là từ lúc Chúa phán dạy kẻ tôi tớ Chúa, tôi vẫn chẳng là một tay nói giỏi, vì miệng và lưỡi tôi hay ngập ngừng. Đức Giê-hô-va bèn phán rằng: Ai tạo miệng loài người ra? Hay là ai đã làm câm, làm điếc, làm sáng, làm mờ? Có phải Ta là Đức Giê-hô-va chăng? Vậy bây giờ, hãy đi; Ta sẽ ở cùng miệng ngươi và dạy ngươi những lời phải nói” (Xuất 4:10-12).

Chúa không để cho chúng ta phục vụ Ngài bằng sức riêng của mình. Ngài trang bị, yểm trợ, và ban cho đủ mọi điều cần thiết để chúng ta có thể thực hiện công tác Ngài giao.

 

 

Post CommentLeave a reply