Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 10.10.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 10.10.2021

By Lee Vi in NAM GIỚI on 4 Tháng Mười, 2021

Chúa nhật 10.10.2021

  1. Đề tài: CHÚA NHẬT THANH THIẾU NIÊN TIN LÀNH.
  2. Kinh Thánh: Mác 10:35-45; 1Sa-mu-ên 3:1-10.
  3. Câu gốc: Vì, Chúa Giê-hô-va ôi, Chúa là sự trông đợi tôi, và là sự tin cậy tôi từ buổi thơ ấu” (Thi Thiên 71:5).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Các vua 16-18.
  5. Thể loại: Kịch 5’.

* CHỈ DẪN: Kịch 5’.

  1. Vì là ngày Chúa nhật Thanh Thiếu niên, Ban Nam giới mời ban Thanh niên và ban thiếu niên (nếu có) nhóm chung. Trong ngày này, các em Thanh thiếu niên sẽ được dự phần trong các tiết mục như tôn vinh Chúa, đọc thi ca, múa, kịch 5 phút v.v…
  2. Cách chia nhóm: Tùy theo số lượng của ban Thanh thiếu niên tham gia mà phân chia các em thành hai hoặc ba nhóm để chuẩn bị cho tiết mục kịch 5 phút.
  3. Ban hướng dẫn sẽ cung cấp cho mỗi nhóm những mẩu chuyện ngắn (đã chuẩn bị trước) có nội dung nói về “Đời sống Cơ Đốc nhân” đồng thời hướng dẫn các nhóm cách phân vai và tập kịch trong vòng 20 phút. Sau đó các nhóm lần lượt diễn kịch với thời gian không quá 5 phút.
  4. Mời một số người tham gia ban giám khảo (Ban giám khảo không được tham gia với bất cứ nhóm nào).
  5. Cách chấm điểm diễn kịch:

– Đúng thời gian (5 phút): 10 điểm, mỗi phút tăng thêm bị trừ 1 điểm.

– Tất cả các nhóm viên cùng tham gia: 10 điểm, mỗi người không tham gia bị trừ 0,5 điểm. 

–  Diễn xuất hay: 10 điểm.

    Sau khi diễn xong, người hướng dẫn sẽ đúc kết và rút ra bài học áp dụng, ban giám khảo công bố kết quả và phát thưởng cho các nhóm (mỗi nhóm nên có một phần thưởng để sau đó thông công với nhau), một phần thưởng cho “diễn viên xuất sắc nhất”.

  1. Cầu nguyện cho ban Thanh thiếu niên – Thông công – Sinh hoạt trò chơi.

* CÂU CHUYỆN KỊCH GỢI Ý:

TỪ BỎ CHÍNH MÌNH

Người dẫn chuyện: Trong sự sa ngã, thất bại của A-đam và Ê-va, cái tôi đã trở thành trọng điểm trong con người. Trong xã hội ngày nay, nhiều người luôn muốn đề cao cái tôi của mình, ham muốn danh vọng cho mình hơn là làm vinh hiển Danh Đức Chúa Trời. Nhưng đối với người tin Chúa Giê-xu thì sao? Đấng Christ phải được tôn cao, là trung tâm của đời sống. Vì thế, Chúa Giê-xu thách thức người theo Ngài phải trả giá: “Nếu ai muốn theo Ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Mác 8:34). Tại sao người hầu việc Chúa phải từ bỏ chính mình?

Khi Chúa Giê-xu thi hành chức vụ của Ngài trên thế gian, có hai môn đồ tên là Gia-cơ và Giăng đến thưa với Chúa rằng: (Gia-cơ từ trong đi ra).

– Gia-cơ: Thầy ơi, con xin Thầy làm cho con một điều.

– Giăng (từ trong chạy ra): Thầy ơi, con cũng vậy, xin thầy vui nhận và làm thành điều chúng con sẽ xin.

– Chúa Giê-xu: Các con muốn Ta làm điều chi?

– Gia-cơ: Khi Thầy được vinh hiển, xin cho con được ngồi bên phải ngai của Thầy.

– Giăng: Và con được ngồi bên trái ngai của Thầy trên thiên đàng.

– Chúa Giê-xu: Các con không hiểu điều mình cầu xin. Các con có uống được chén đắng Ta sắp uống, và chịu báp-têm đau đớn Ta phải chịu không?

– Gia-cơ và Giăng: Thưa Thầy được!

– Chúa Giê-xu: Các con sẽ uống chén Ta và chịu phép báp-têm Ta, nhưng về việc ngồi cạnh Ta, Ta không có quyền định đoạt, vì những chỗ ấy dành cho những người đã được Cha Ta chỉ định.

– Gia-cơ và Giăng: (buồn, mặt rầu rĩ).

– Chúa Giê-xu: Hễ ai muốn làm lớn thì phải làm tôi tớ cho người khác. Còn ai trong vòng các con muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ cho mọi người. Các con nên theo gương Ta, vì Ta đến trần gian không phải để cho con người phục vụ nhưng để phục vụ con người, và hy sinh tính mạng cứu chuộc nhiều người.

(Gia-cơ và Giăng đi vào).

 Người dẫn chuyện: Lời cầu xin của Gia-cơ và Giăng không được Chúa nhận vì họ không hiểu nguyên tắc: Muốn được dự phần trong sự vinh hiển với Chúa thì cũng phải dự phần trong sự thương khó của Ngài nhưng họ muốn có địa vị trổi hơn các bạn cùng hầu việc Chúa với mình. Muốn tránh được lỗi lầm nầy, chúng ta phải trả giá bằng sự từ bỏ chính mình, mà Chúa Giê-xu là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo: “Vì Con Người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mác 10:45). Sự từ bỏ chính mình của Chúa Giê-xu đến mức độ xả thân vì tha nhân. Còn sự tự từ bỏ của chúng ta đến mức độ nào? Đáp lại tiếng Chúa gọi, các môn đồ bỏ nghề nghiệp, bỏ mọi sự theo Chúa, nhưng sự từ bỏ chính mình là một thách thức lớn cho người phục vụ Chúa.

SA-MU-ÊN LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA

Người dẫn chuyện: Trong Kinh Thánh có kể một chuyện tích về cậu bé Sa-mu-ên được mẹ là bà An-ne dâng cho Đức Chúa Trời để phục vụ trong đền thờ khi còn ở tuổi thiếu nhi. Hằng ngày, thầy tế lễ Hê-li dạy Sa-mu-ên phải làm những việc như: Chuẩn bị nước, lau chùi, quét dọn đền thờ cho sạch sẽ…. Sa-mu-ên rất ngoan và làm việc vô cùng chăm chỉ.

Một đêm nọ, Sa-mu-ên đang ngủ, bỗng nhiên cậu bé nghe như có tiếng ai đó đang gọi mình.

– Đức Chúa Trời: Hỡi Sa-mu-ên! Sa-mu-ên!

– Sa-mu-ên: (Cậu chạy đến bên Hê-li và thưa…) Có con đây! Ông đã gọi con!

– Hê-li: Ta không gọi, hãy ngủ lại đi!

– Sa-mu-ên: (Cậu đi ngủ lại).

– Đức Chúa Trời: Hỡi Sa-mu-ên! Sa-mu-ên!

– Sa-mu-ên: (Lần thứ hai, Sa-mu-ên choàng dậy, chạy đến bên Hê-li và thưa…) Có con đây! Ông đã gọi con!

– Hê-li: Con ơi, ta không gọi, hãy ngủ lại đi!

Người dẫn chuyện: Lúc bấy giờ Sa-mu-ên chưa biết Đức Chúa Trời và Lời của Ngài bày tỏ cho mình.

– Đức Chúa Trời: Hỡi Sa-mu-ên! Sa-mu-ên! (Chúa gọi lần thứ ba).

– Sa-mu-ên: (Sa-mu-ên choàng dậy, chạy đến bên Hê-li và thưa…) Có con đây! Ông đã gọi con!

– Hê-li: (Ra vẻ suy nghĩ và thầm nói: Ồ! Đức Chúa Trời đã gọi Sa-mu-ên đó!) nên bảo rằng: “Hãy về ngủ đi, nếu có ai gọi con thì con hãy nói: “Lạy Chúa, con xin nghe!”

– Sa-mu-ên: (Về lại chỗ nằm của mình. Một lát sau, Sa-mu-ên nghe có tiếng gọi).

– Đức Chúa Trời: Hỡi Sa-mu-ên! Sa-mu-ên!

– Sa-mu-ên: “Lạy Chúa, con xin nghe!”

Người dẫn chuyện: Sáng hôm sau, Sa-mu-ên thức dậy và nói cho Hê-li nghe những điều Đức Chúa Trời đã phán tối qua. Đức Chúa Trời báo trước cho Sa-mu-ên biết gia đình của thầy tế lễ Hê-li sẽ gặp nạn, vì hai người con trai của ông không kính sợ Chúa.

Từ đó, Đức Chúa Trời thường cho Sa-mu-ên biết ý muốn của Ngài, để Sa-mu-ên truyền đạt lại cho dân sự. Dân Y-sơ-ra-ên khắp nơi đều biết đời sống của Sa-mu-ên đẹp lòng Đức Chúa Trời và được Ngài trọng dụng để phụng sự Chúa.

Post CommentLeave a reply