Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI, CHÚA NHẬT 16.08.2015

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI, CHÚA NHẬT 16.08.2015

By andynguyen in NAM GIỚI on 31 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 16.08.2015.

1. Đề tài: VẤN ĐỀ SANH SẢN.

2. Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 4:1; 20:1-2; 25:21; 1Sam 1:10-11.

3. Câu gốc: “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; bông trái của tử cung là phần thưởng” (Thi 127:3).

4. Đố Kinh Thánh: Gióp 29-32.

5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo  luận.

1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Phương pháp thụ tinh nhân tạo là cứu cánh.

Đề tài 2: Phương pháp thụ tinh nhân tạo là hiểm họa.

2. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.

3. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh và y học để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ  làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.

4. Giờ thảo luận.

a. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.

b. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.

c. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Năm 1987, thế giới hân hoan chào mừng đứa trẻ đầu tiên ra đời tại Anh quốc, với tên gọi rất đặc biệt là “Test tube Baby” (Em bé trong ống nghiệm). Một thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mà tờ thời báo London đăng tải tin tức đó với dòng tựa lớn “Our Miracle, Baby of Century!” (Thật là phép lạ của chúng ta, em bé của thế kỷ!)

Theo đà tiến bộ của kỹ thuật, các nhà khoa học hiện nay đang hoài bão là sẽ tìm ra những phương cách mang thai nhân tạo mới mẻ không cần tử cung của người mẹ, để các bà mẹ không còn mang nặng đẻ đau như hiện nay. Những bào thai có thể bắt đầu từ sự thụ tinh trong ống nghiệm, và nuôi dưỡng ngoài thân thể của người mẹ.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta nghĩ thế nào về sự sanh sản và có thái độ nào trước những phương pháp thụ tinh và mang thai nhân tạo?

I. DẪN GIẢI.

A. QUYỀN CHÚA TRÊN SỰ SANH SẢN CỦA LOÀI NGƯỜI.

Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, chúng ta ghi nhận những điểm sau đây:

Sáng Thế Ký 1:28: Sự sanh sản của loài người là do mạng lịnh của Đức Chúa Trời.

Sáng Thế Ký 4:1; 21:1-7; 29:21; 30:1-2,32; 1Sa-mu-ên 1:5,6; Thi Thiên 123:3: Theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời, luật sanh sản được đặt trong công lệ thiên nhiên và trong giới hạn thời gian. Nhưng người trong thời Cựu Ước vẫn nhìn biết con cái là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Sự sanh con hay không sanh con là quyền của Chúa, Đấng có quyền trên mọi công lệ thiên nhiên của sự sanh sản, như Ngài ban Sết cho Ê-va thay thế A-bên. Ngài đoái xem Lê-a, ban cho nàng con cái và đồng thời khiến Ra-chên, An-ne son sẻ; Ngài khiến Sa-ra sanh con trong tuổi không còn sanh sản.

Sáng Thế Ký 20:18: Vì cớ A-bi-mê-léc muốn chiếm đoạt Sa-ra, nên Đức Chúa Trời đã hình phạt cả người nhà vua đều son sẻ.

Phục Truyền 7:13: Sự sanh sản thêm nhiều là phước hạnh Đức Chúa Trời ban cho người vâng giữ luật pháp Chúa.

Dân Số Ký 1:1-2; 26:1-2: Sự kiểm tra dân số là do mạng lịnh của Đức Chúa Trời.

1Sử Ký 21:1-4,7-8: Sự kiểm tra dân số mà không có phép của Chúa là một sự đoán phạt.

Qua những điểm trên, chúng ta học biết những điều quan trọng về quyền phép Chúa trên sự sanh sản của loài người.

1. Là Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời có quyền tể trị tối cao trên loài thọ tạo.

2. Sự sanh sản là do mạng lịnh Chúa và mức độ sanh sản của loài người ở trong sự kiểm soát của Chúa, Đấng bảo tồn muôn vật.

3. Sự sanh sản được qui định trong công lệ thiên nhiên. Nhưng sự ban cho con cái hay không là do quyền Chúa, là Đấng có toàn quyền, thể hiện công việc của Ngài qua công lệ thiên nhiên và vượt qua công lệ thiên nhiên.

B. HIỂM HỌA CỦA NHỮNG PHƯƠNG PHÁP THỤ TINH NHÂN TẠO.

Từ ban đầu, Đức Chúa Trời ban mạng lịnh sanh sản, thì Ngài cũng đặt luật sanh sản cho loài người. Luật sanh sản được đặt trong những nguyên tắc căn bản sau:

– Tử cung của người mẹ là nơi thai dựng đứa trẻ.

– Từ tử cung người mẹ, đứa trẻ được sanh ra.

Và từ khi sanh ra, đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi vú người mẹ (Sáng 3:16; Thi 22:9-10).

Đây là sự sanh sản theo công lệ thiên nhiên. Theo lẽ thường, người nữ có chồng thì có con. Nhưng trường hợp người son sẻ, tức người nữ có chồng mà không thể sanh sản thì sao? Theo thói tục trong xã hội Đông phương xưa, người nữ son sẻ muốn có con là sử dụng nàng hầu của mình. Cách này cũng gần giống cách ngày nay mượn tử cung người khác để sanh con. Tuy nhiên cách “mượn” vẫn luôn đem lại những chuyện rắc rối trong gia đình (Sáng 16:1-2,4-5; 30:3; 21:8-11). Nhưng đối với người tin kính Chúa, cách tốt nhất để được sanh con cái là tìm cầu Đức Chúa Trời. Như Y-sác cầu nguyện cho vợ mình, vì nàng son sẻ, An-ne cầu xin Chúa một con trai và được Ngài đoái nhậm (Sáng 25:11; 1Sam 10:11,20).

Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, sự kiện son sẻ được giải thích bằng nhiều nguyên nhân khác nhau. Hoặc đó là vì một chứng bệnh, hay vì sự không bình thường trong bộ phận sinh dục của người vợ hoặc người chồng. Vì vậy có những phương pháp thụ tinh nhân tạo đã được khám phá để đáp ứng nhu cầu sanh sản. Hơn thế nữa, khoa kỹ thuật sanh sản còn đang tìm kiếm những phương cách để thay thế sự sanh sản theo công lệ thiên nhiên.

Như vậy có thể câu hỏi được đặt ra là: Phương pháp thụ tinh nhân tạo có giá trị gì? Đem lại phúc lợi hay hiểm họa cho nhân loại? Có thể xem đó là cứu cánh để con người tự giải quyết vấn đề sanh sản và hạn chế sanh sản không?

Với những câu hỏi trên, theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, chúng ta có những nhận xét sau đây.

1. Phương pháp thụ tinh nhân tạo không thể thay quyền Chúa. Mặc dầu sự thụ tinh ngoài tử cung người mẹ, nhưng trứng và tinh trùng vẫn là tạo vật của Chúa.

2. Phương pháp thụ tinh nhân tạo làm giảm mất đi tánh chất huyền nhiệm của sự thai dựng con người. Trong Thi Thiên 139, Đa-vít mô tả một cách thật kỳ diệu về sự thai dựng ông trong lòng mẹ, là cả một phép lạ tuyệt tác do bàn tay Chúa dựng nên!

3. Phương pháp sanh sản nhân tạo làm vơi đi tình mẫu tử. Trong tâm lý chung, khi người mẹ biết mình mang thai, thì lòng rung động vui mừng và tình mẫu tử cũng đã chớm nở. Chờ đợi một, hai… chín tháng, người mẹ nghĩ đến đứa con, cảm giác được những chuyển động trong bụng, với những nỗi niềm mong ước tốt lành đặt vào đứa bé sắp chào đời. Khi đến ngày sanh nở, sau cơn đau đớn, vui mừng đầu tiên của người mẹ là nhìn thấy mặt con và tình thương dâng tràn kết chặt với đứa con vừa mới lọt lòng. Người mẹ bồng ẵm âu yếm, cho bú trên lồng ngực mình, nuôi nấng cho đến khi khôn lớn. Tình mẫu tử càng thêm đậm đà biết bao! (Thi 131:2; Ê-sai 49:15).

Mối tình mẫu tử diệu hiền nầy là nhịp cầu thật khắng khít để người mẹ đem lời Chúa vào đời sống của đứa con từ khi còn tấm bé. Nhưng với phương pháp thụ tinh nhân tạo và nuôi dưỡng bào thai ngoài cơ thể của người mẹ sẽ vơi đi tình mẫu tử thiêng liêng ấy. Người mẹ sẽ nhìn đứa con (phôi thai) mình trong phòng thí nghiệm với đôi mắt xa lạ và không có cảm giác gần gũi như với đứa con (phôi thai) mình mang trong người.

4. Coi chừng phương pháp thụ tinh nhân tạo là một hiểm họa! Sự khám phá những phương pháp nầy có nên dùng hay không? Có trái với tinh thần đạo đức con người không? Có lợi ích gì? Và trong giới hạn nào? Đây là vấn đề nan giải đối với con người trước người điều mình khám phá!

Nếu nói rằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giúp cho đàn bà son sẻ có con. Nhưng chi phí quá đắt để trả cho phương pháp đó thì có mấy ai được hưởng? Có chăng chỉ cho những người nhà giàu! Và người nghèo son sẻ vẫn là son sẻ! Thật là bất công!

Nếu nói rằng phương pháp sanh sản ngoài tử cung giúp cho người mẹ khỏi mang nặng đẻ đau, thì tử cung của người mẹ sẽ trở thành vô dụng. Mặc dầu người đàn bà tránh khỏi cơn đau đớn sanh nở, nhưng có thể rơi vào cơn khủng hoảng tinh thần vì cảm thấy thiếu vắng đứa con của tử cung mình và mất đi niềm vui khi nhìn thấy đứa con mình sau cơn quặn thắt sanh nở (Giăng 16:21).

Nếu một ngày nào những đứa con được hình thành trong tử cung được thay thế bằng những đứa con được hình thành trong ống nghiệm, rồi một “thế hệ con trẻ ống nghiệm”, tức là những đứa con không có mối liên hệ mật thiết với cha mẹ chúng từ trong tử cung, được “cưu mang” ngoài thân thể của người mẹ, không được liên kết chặt chẽ với gia đình, thì thật là một hiểm họa lớn cho nhân loại biết bao!

Tóm lại, với kỹ thuật thụ tinh nhân tạo thì điểm lợi cho con người không được xác định, nhưng thảm họa đe dọa nhân loại có thể thấy trước. Như vậy giá trị của phương pháp nầy là gì?

C. THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA.

Đối với vấn đề sanh sản, trong niềm tin của Cơ Đốc nhân, chúng ta nghĩ thế nào trước những câu hỏi sau đây:

1. Sự hạn chế sanh sản vì lý do nhân mãn có phải là điều trái với mạng lịnh của Chúa về sự sanh sản không?

Trong khía cạnh nhân loại, hiện nay dân số thế giới có khoảng hơn 6 tỉ người. Và người ta đang lo sợ nạn nhân mãn, mà điểm chính là gánh nặng kinh tế “thêm người thêm miệng ăn”! Vì vậy tại một số quốc gia, dân chúng được khuyến khích hạn chế hay bị bắt buộc hạn chế sanh sản. Có thể đây là cách giải quyết nhất thời để thích ứng cho hoàn cảnh nào đó, chớ không phải là giải pháp toàn diện cho vấn đề trên.

Theo sự nghiên cứu của các nhà kinh tế và xã hội học tại các nước phát triển, đã có nhận xét sau: Sự bớt sinh con để bớt gánh nặng kinh tế thật ra chỉ là một giải pháp tạm thời. Sự giới hạn sanh đẻ với kế hoạch lâu dài sẽ đưa xã hội trong tương lai đến hậu quả là số người già tăng, số người trẻ giảm. Nghĩa là số người trẻ đi làm sẽ ít hơn, đồng thời họ phải lo chăm sóc người già càng ngày nhiều hơn! Như tại Hoa Kỳ, thế kỷ trước tính trung bình cứ 9 người trẻ đi làm, để lo cho một người (về hưu). Nhưng hiện nay, tỉ số giảm xuống đến 6/1. Và theo chiều hướng nầy, người ta tính khoảng 50 năm nữa sẽ chỉ còn 3 người trẻ đi làm để đóng thuế cho một người già về hưu! Đó còn chưa nói đến hậu quả tai nạn trong xã hội do ảnh hưởng tâm lý bất bình thường của những đứa trẻ bị “cô đơn” từ những gia đình ít con!

Tóm lại, chúng ta học biết, Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo, cũng là Đấng bảo tồn muôn vật. Khi ban lịnh sanh sản, Ngài biết sức chứa của trái đất và Ngài sắm sẵn đầy đủ vật thực cho loài người trên đất. Kinh Thánh cho thấy rõ ràng con số dân cư trên đất, hạn chế hay gia tăng thuộc quyền tể trị của Ngài. Phần của con người là “làm cho đầy dẫy đất” với mục đích để chu toàn công việc quản trị muôn vật, làm vinh danh Chúa. Cho nên nếu có niềm tin nơi quyền tể trị của Chúa, thì vấn đề nhân mãn không phải là mối đe dọa cho thế giới. Tuy nhiên con người với quyền tự do có thể lựa chọn đầu phục hay bất phục mạng lịnh của Chúa, tin cậy Chúa hay tự giải quyết vấn đề dân số theo đường lối riêng và phải trả giá cho sự lựa chọn của mình.

2. Về khía cạnh cá nhân: Hạn chế sự sanh sản, sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo có phải là điều hợp lẽ đối với Cơ Đốc nhân không?

Ý hướng muốn có ít con hiện nay thấy hầu hết khắp nơi trên thế giới, nhất là các nước văn minh. Vì áp lực kinh tế gia đình, người nữ dần dần muốn có ít con hơn. Tại Hoa Kỳ, trước kia gia đình người Mỹ có 4 con, nay giảm xuống 2 hoặc 1 con mà thôi. Trong niềm tin của người Cơ Đốc, chúng ta hiểu vấn đề nầy như thế nào?

a. Với mạng lịnh về sự sanh sản trong khía cạnh tự do của con người, không có nghĩa Đức Chúa Trời bắt buộc người ta phải sanh sản cách vô ý thức, vô trách nhiệm, nhưng đòi hỏi con người một sự đáp ứng với trách nhiệm. Nghĩa là trong sự sanh con cái cha mẹ phải được chuẩn bị sẵn sàng trong trách nhiệm, tự lập về tài chánh cùng mọi mặt về tinh thần và đạo đức.

b. Sự chuẩn bị trách nhiệm trong sự sanh con cần đi đôi với đức tin, đừng vì thấy trách nhiệm khó mà từ chối sự ban cho của Chúa. Hãy biết rằng Chúa không bao giờ đặt trên chúng ta điều gì quá sức, ngoài khả năng chúng ta. Hãy cầu nguyện tìm cầu ý Chúa về sự sanh con cái trong cuộc hôn nhân của bạn. Hãy thưa với Chúa về nhu cầu của bạn về con cái.

c. Về mặt thực tế, bạn phải đương đầu với vấn đề kinh tế gia đình khi sanh con cái, nhưng đây là một thách thức đức tin của bạn nơi Đấng chăm sóc thành tín.

d. Sự dự định của bạn về con cái không có gì sai, nhưng điều bạn dự định phải song song với ý định của Chúa. Vì sự ban cho con cái là thuộc quyền Chúa, nên sự tự giới hạn con cái cho mình vì lý do ích kỷ là điều chẳng phù hợp với niềm tin chúng ta. Vì vậy, người Cơ Đốc nên suy xét cẩn thận và theo sự dẫn dắt của Chúa khi đương đầu với những trường hợp “thấy cần” hạn chế sanh sản hoặc ngăn ngừa sanh sản trong thời gian ngắn hạn hay dài hạn. Mỗi trường hợp cần được phân tích lý do, chủ đích, xem có thích hợp với tinh thần dạy dỗ của Kinh Thánh không. Nếu lý do không có gì trái với đạo đức, bạn cũng cần nghĩ đến phương pháp ngăn ngừa sanh sản gần với phương cách thiên nhiên. Nên biết có những phương pháp nhân tạo làm thay đổi tánh tình, hay ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

e. Về vấn đề thụ tinh nhân tạo, bạn nên biết những điều nầy:

(a) Có con cái hay không con cái đều là thuộc quyền của Chúa và do ý chỉ của Ngài.

(b) Đức Chúa Trời vẫn còn làm phép lạ ban con cái cho người cầu xin theo ý muốn Ngài.

(c) Đối với sự không con, xin có vài gợi ý, hoặc bạn tự chọn:

– Cầu nguyện xin Chúa một phép lạ.

– Tìm hiểu ý chỉ của Chúa, đôi lúc Ngài có mục đích nào đó đối với sự không con của bạn.

– Dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo: Đây là vấn đề tùy ở mức độ đức tin và sự lựa chọn của bạn. Trường hợp dùng phương pháp nhân tạo, bạn cần cầu nguyện Chúa hướng dẫn tìm người chuyên môn, người khải đạo tốt về thuộc linh và tâm lý để chọn phương pháp nào thích hợp với tinh thần dạy dỗ của Kinh Thánh và không trái với đạo đức luân lý của con người.

Tóm lược.

Sự sanh sản của loài người, con số dân cư trên đất, sự ban cho con cái là thuộc quyền tể trị của Đức Chúa Trời, là Đấng Sáng Tạo và Bảo Tồn muôn vật.

Những phương pháp nhân tạo chỉ là bổ túc cho sự sanh sản chớ không phải là cứu cánh để loài người tự quyết định sự sanh sản của mình.

Sự hoàn toàn thay thế phương cách sanh sản theo công lệ thiên nhiên bằng những kỹ thuật thụ tinh nhân tạo là điều đem lại hậu quả tai hại cho tâm lý con người và sự hủy diệt của xã hội loài người.

* BÀI ĐỌC THÊM.

CON NGƯỜI KIỂU MẪU.

Thường thì các họa sĩ vẫn thuê một số người làm mẫu để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Những người ấy có khi được gọi là người mẫu, tuy nhiên người mẫu không phải là người lý tưởng mà chỉ là một vật cụ thể để họa sĩ mô phỏng. Trong thời đại khoa học ngày nay, người ta đang nghĩ đến việc tạo ra một giống người mẫu, nghĩa là lý tưởng về nhiều phương diện trong sinh hoạt xã hội. Đã có người nói rằng con người đang tự vẽ mẫu người lý tưởng của mình.

Năm 1962 hai nhà bác học Waston và Crick đã được giải Nobel về công trình mô tả phân tử DNA (DNA là viết tắt của chữ Deoxyribonucleic Acdi). DNA là cơ cấu trong nhiểm sắc thể của tế bào làm sinh hóa ra nhiễm thể đồng dạng mang theo tất cả những đặc tinh di truyền qua tế bào con khi nào mà cuộc phân hóa xảy ra. Như thế có nghĩa là DNA định màu mắt, làm khuôn cho thân thể, cho nhân cách và hằng triệu điều khác với một con vật hay là với một người nào đó. Kể từ năm 1962, các tiến bộ về nghiên cứu chủng loại đã tiến rất nhanh. Người ta có thể biết rằng loài người hiện nay có khả năng chế tạo ra những con người giống hệt như mình. Qua một tiến trình gọi là truyền giống nhân tạo, người ta có thể do từ một nhân tế bào đã trưởng thành mà phát triển một cơ quan mới có cùng những đặc tính chủng loại của con người cho nhân tế bào đó. Truyền giống như vậy khiến cho người ta có thể thấy chính con người của mình sinh ra lần thứ hai và trên đời nầy có vô số những người sanh đôi. Trên lý thuyết, công việc đó có thể giúp con người giải quyết cụ thể những vấn đề về bản chất, dinh dưỡng di truyền và môi trường, nhưng truyền giống như thế cũng tạo nên những phức tạp trong dòng giống mà không ai có thể lường được. Có lẽ ai cũng muốn thấy một người anh hùng áo vải như Lê Lợi tái xuất hiện trên đời, nhưng nếu người ta có thể tái sinh một Hitler thì sao? Rồi có luật lệ nào ấn định việc truyền giống như thế hay không? Nhà bác học Joshua Lederberg là người rất quan tâm đến trách nhiệm xã hội cho biết rằng, những người muốn có một người giống hệt như mình tái xuất hiện là những người có óc tự tôn. Trong việc truyền giống như trên, con người được tái sinh, sẽ giống y hệt người gốc, nghĩa là cũng tự tôn, tự kiêu như vậy.

Nhà bác học Lederberg cho biết rằng người ta đã thí nghiệm thành công đối với loài ếch nhái và sẽ có người thành công trong thí nghiệm đối với loài có vú. Ông tin rằng trong vòng vài chục năm tới người ta có thể thí nghiệm ở loài người. Trong mấy chục năm đó các nhà khoa học sẽ biết rõ hơn cách phát triển của các cơ quan trong con người chúng ta và họ sẽ mở nhiều cuộc thí nghiệm để điều kiện hóa các cơ quan đó.

Nhà bác học Lederberg đã nói rằng: Những chuyện như là cỡ của bộ óc và phẩm tính của óc rồi sẽ được con người kiểm soát. Tuy nói như thế, nhưng nhà bác học nầy cũng rất lo ngại về những tiến bộ đó. Các vấn đề liên quan đến đạo đức, luân lý và chính trị do môn sinh học mới mẻ nầy tạo ra đã làm cho người ta phải e ngại. Ai sẽ sống và ai sẽ chết? Con người lúc ấy sẽ là gì? Là bộ phận máy hay vẫn là con người thường? Ai sẽ là người kiểm soát được sự nghiên cứu trong các địa hạt đó? Những phát minh mới sẽ áp dụng ra sao? Phải chăng người ta sắp buông thả những điều khủng khiếp mà con người chưa chuẩn bị đối phó? Nhiều nhà khoa học dẫn đầu trên thế giới ngày nay đang lo ngại một vụ Hiroshima sinh học sắp bùng nổ để tàn phá cả nhân loại.

Ta thử tưởng tượng khoa sinh học sẽ giúp ngành kỹ thuật sinh sản. Giáo sư Hafez, một nhà sinh học lỗi lạc trên thế giới đã tuyên bố rằng trong vòng 10 đến 15 năm nữa, một người đàn bà khi muốn có con, có thể đi mua cái phôi đông lạnh, rồi đem đến một bác sĩ để đặt phôi ấy vào tử cung. Sau 9 tháng bà sinh ra một hài nhi chẳng khác gì trường hợp thụ thai thường. Cái phôi kia còn bảo đảm rằng đứa trẻ sinh ra sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì về chủng loại của người mẹ. Người mua phôi còn có thể biết trước con mình sẽ có tóc màu gì, mắt màu gì, con trai hay con gái, cao lớn hay thấp bé và có thể cả mức độ thông minh của nó nữa.

Rồi tiến bộ hơn nữa, người ta có thể không cần tử cung của bà mẹ. Những hài nhi có thể thụ thai và lớn lên bên ngoài thân thể của con người. Một nhà bác học còn nghĩ đến việc đưa con người lên chiếm ngự các hành tinh bằng cách dùng những cái phôi như thế. Thay vì đưa những người lớn lên hỏa tinh, sau nầy người ta chỉ cần đưa lên trên đó một cái hộp đầy những tế bào và rồi khiến chúng phát triển thành nguyên một thành phố đông người như dưới đất chúng ta. Nhà bác học ấy còn nói rằng việc phóng đôi ba người lên Sao Hỏa đã tốn kém kinh khủng, tại sao không phóng lên những cái phôi nhỏ bé kia, vừa nhẹ lại vừa hữu dụng hơn nhiều.

Tuy nhiên trước khi những tiến bộ ấy ảnh hưởng đến ngoại tầng không gian, thì ngành gọi là kỹ thuật sinh sản kia đã đụng đến cơ sở gia đình trên đất này, làm tan vỡ những ý niệm cổ truyền về tính dục, về tình mẫu tử, về tình yêu, dạy dỗ con cái và giáo dục. Những cuộc bàn luận gia đình rồi sẽ thực hiện trong các phòng thí nghiệm.

Rồi đây vấn đề bàn cãi sẽ là nên sinh sản loài người như thế nào? Và như thế nào là tiêu chuẩn tốt nhất? Ai sẽ định đoạt việc đó? Những câu hỏi nầy không còn mới mẻ gì nữa. Ta có thể tưởng tượng là muốn làm một lớp nhân loại mới sẽ không như nhà nông khổ công chăm sóc đàn lợn đàn gà, nhưng phải là nhà nghệ sĩ biết chọn lựa những màu sắc lạ, những hình thể và vóc dáng…

Một nhà khoa học khác đã nói ước gì chúng ta có thể tạo ra những con người bình đẳng về mọi phương diện. Và đã đến lúc chúng ta có khả năng đào tạo nguyên một thế hệ nhân loại khôn ngoan, kiêu hùng, toàn là những nhà toán học đại tài hay toàn là những thứ tôi mọi.

Người ta còn có khả năng tạo nên những hài nhi có đôi mắt siêu nhiên, có đôi tai đặc biệt, có khả năng biết mọi mùi vị, có sức mạnh bắp thịt kinh khủng, hoặc là có tài năng âm nhạc tuyệt vời. Thật ra vấn đề không còn phụ thuộc khoa học hay kỹ thuật, nhưng là đạo đức và chính trị. Nếu cần cho ý kiến thì những nhà cầm quyền sẽ đòi cha mẹ sinh sản những hài nhi thích hợp với nhu cầu xã hội. Các nhà dự tính tương lai sẽ đòi hỏi có những đứa trẻ đủ khả năng phát triển đến mức tuyệt hảo. Các nhà theo phái lãng mạn sẽ đòi mỗi đứa trẻ phải được phú cho một số năng khiếu đặc biệt về nghệ thuật, và những nhà thiên nhiên học sẽ đòi sản xuất ra những con người hoàn hảo v.v… Thế rồi các nhà khoa học vũ trụ sẽ đòi tạo nên những con người thích hợp với các cuộc du hành. Có thể nói mỗi người trên thế gian đều muốn có một người mẫu theo ý mình, và vấn đề sẽ rắc rối ở chỗ ai là người quyết định giống người cho thế giới mai sau. Tôi là người Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ muốn người trên thế giới đều là người da vàng, kiêu hùng, khôn ngoan, tóc đen mắt nâu và có tầm vóc trung bình. Người ở Angola lại muốn toàn thế giới là da đen. Trong khi ấy người Pháp muốn có những anh hùng da trắng như Napoleon. Rồi người Mỹ, người Nhật, người Ba Lan, người Nga nữa, mỗi người muốn một mẫu riêng cho hợp với ý mình. Nếu thỏa mãn tất cả, nhân loại sau này lại cũng có đủ thứ mọi tầng lớp và màu da như hiện nay. Vấn đề sẽ trở thành lẩn quẩn vì không có lối thoát. Điều đáng để ý là con người đang tiến đến chỗ thực hiện, vì giai đoạn nghiên cứu vừa xong. Nhân loại có lẽ sẽ không giết lẫn nhau để tranh giành đất, mà để tranh giành lựa chọn giống người trên đất!

Tôi nghĩ đến câu hỏi của loài người xưa nay là: Tại sao trên đời có nhiều giống người như vậy và tại sao mỗi người khác nhau? Câu trả lời là: Đức Chúa Trời tạo nên dị biệt trong cái đồng nhất. Nghĩa là trong tạo vật gọi là người đó, không ai giống ai cả và đó chính là điểm khôn ngoan đáng kính phục của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, tiêu chuẩn mà con người đưa ra để tạo người mẫu là gì? Đó là những tiêu chuẩn hoàn toàn vị kỷ, vụ lợi cho cá nhân, cho một giống người nào đó mà thôi. Con người mẫu đó sẽ không tiêu biểu cho cái gì cả và cũng sẽ lại phục vụ cho những tham vọng của con người mà thôi. Loài người không bao giờ thỏa mãn những gì mình đã đạt được. Đó là một điều không thay đổi từ khi có loài người. Tuy nhiên con người cũng biết những giới hạn của mình nên mới cố vượt ra ngoài giới hạn. Tôi quan niệm rằng tất cả những giới hạn của con người là điều mà Đấng Tạo Hóa đã tạo ra và những định luật dành cho con người là bất di dịch. Nếu cố tâm ra khỏi giới hạn, cố tình phạm luật Chúa thì tất nhiên hậu quả sẽ tai hại vô cùng. Định luật hiện đang ảnh hưởng trên loài người là dị biệt trong cái đồng nhất. Khi nào ta hiểu được định luật đó chính là lúc ta không còn tham vọng thay đổi trật tự của loài người nữa. Thật ra loài người đã tự làm hỏng những gì Đức Chúa Trời đã tạo ra và đó là lý tưởng nhất. Loài người đã phá cả mối liên hệ quý báu giữa trời và người, nên đang mò mẫm tìm tòi các phương cách giải quyết những rắc rối trong đời sống. Trong khi đó con đường ngắn nhất để chấm dứt mọi tranh đấu giành giựt của loài người và cả những đau khổ là quỳ gối thuận phục Đức Chúa Trời. Bạn không cần phải chờ cho đến nhiều năm sau mới thấy một lớp người lý tưởng do nhân loại tạo ra, bạn có thể là con người lý tưởng đó nếu bạn bằng lòng để Đức Chúa Trời tái tạo bạn ngay bây giờ.

Nguyễn sinh (Trích báo Thông Công số 39).

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau và tìm hiểu:

a. Sáng Thế Ký 1:28: Sự sanh sản của loài người là do mạng lịnh của ai?

b. Sáng Thế Ký 4:1; 21:1-7; 29:21; 30:1-3,32; 1Sa-mu-ên 1:5,6; Thi Thiên 127:3: Trong thời Cựu Ước, người ta hiểu thế nào về Đức Chúa Trời và sự sanh con cái? Điều nầy có nghĩa gì?

c. Sáng Thế Ký 20:18: Vì cớ Sa-ra, người nhà của A-bi-mê-léc chịu sự hình phạt nào của Chúa?

d. Phục Truyền 7:13: Một trong phước hạnh Đức Chúa Trời hứa ban cho kẻ vâng giữ điều răn Ngài là gì?

e. Dân Số 1:1-2; 26:1-2: Sự tu bộ dân số Y-sơ-ra-ên là do mạng lịnh của ai?

g. 1Sử Ký 21:1-4,7-8: Ai đã ra lịnh tu bộ dân số Y-sơ-ra-ên và chuốc lấy hậu quả nào? Điều nầy có nghĩa gì?

2. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau và tìm hiểu:

a. Sáng Thế Ký 3:16; Thi Thiên 22:9-10: Từ ban đầu, sự sanh sản và nuôi dưỡng được qui định theo phương cách nào?

b. Ê-sai 49:15; Thi Thiên 131:2: Sự sanh sản và nuôi dưỡng theo phương cách thiên nhiên có tác dụng gì đến mối liên hệ giữa con cái và người mẹ?

c. Sáng Thế Ký 16:1-2, 4-5; 25:21; 30:3; 21:8-11; 1Sa-mu-ên 1:10-11,20: Ngày xưa, người đàn bà son sẻ muốn có con có thể chọn một trong hai cách nào? Chúng ta nghĩ cách nào là tốt hơn? Tại sao?

3. Xin cho biết:

a. Những phương pháp sanh sản nhân tạo ngày nay.

b. Những điểm ưu, khuyết của phương pháp sanh sản nhân tạo so với sự sanh sản theo phương cách thiên nhiên.

c. Nếu mai sau, phương pháp sanh sản nhân tạo, sự sanh sản ngoài tử cung của người mẹ, được áp dụng để thay thế cho sự sanh sản theo cách thiên nhiên, thì hậu quả sẽ như thế nào?

4. Bạn đáp ứng thế nào trước vấn đề sanh sản theo phương pháp nhân tạo?

5. Theo bạn, có nên dùng phương pháp hạn chế sanh sản không? Có nên dùng phương pháp sanh sản nhân tạo không? Vì sao?

6. Học biết quyền tể trị của Đức Chúa Trời đối với sự sanh sản của loài người, lòng bạn kính phục Chúa như thế nào?

Post CommentLeave a reply