Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ 31.5.2015.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ 31.5.2015.

By andynguyen in PHỤ NỮ on 1 Tháng Bảy, 2015

Chúa nhật 31.05.2015.

1. Đề tài: XA-CHA-RI – NGƯỜI RAO BÁO VỀ SỰ TRỊ VÌ CỦA VUA VINH HIỂN.

Kinh Thánh: Xa-cha-ri 8-14.
3. Câu gốc: “Đức Giê-hô-va sẽ làm vua khắp đất; trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ là có một, và danh Ngài cũng sẽ là có một” (Xa-cha-ri 14:9).

4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 139 – 141.

5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn thuyết trình.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

I. GIỚI THIỆU.

Xa-cha-ri là con trai của Ba-ra-chi, cháu Y-đô. Ông bắt đầu chức vụ tiên tri sau A-ghê hai tháng, để tiếp tục khuyến khích nhóm dân hồi hương ở Giê-ru-sa-lem hoàn tất việc xây lại đền thờ Chúa.

Tên Xa-cha-ri có nghĩa là “Chúa nhớ đến”. Sứ mạng Chúa gọi ông đúng với ý nghĩa tên của ông, chứng tỏ Chúa không bao giờ quên Y-sơ-ra-ên, tuyển dân của Ngài. Như tiên tri Ê-sai và Ê-xê-chi-ên, Xa-cha-ri có những dự ngôn rất rõ ràng về 2 lần hiện đến của Đấng Mê-si, với những sự hiện thấy đặc biệt có liên quan đến con người và công việc của Đấng Christ trong tương lai.

Điểm nổi bật trong các sứ điệp của Xa-cha-ri là rao báo sự vinh quang của Giê-ru-sa-lem trong thời trị vì của vị Vua trên muôn vua. Trong ngày phước hạnh ấy, Giê-ru-sa-lem sẽ đóng vai trò nào?

II. DẪN GIẢI.

1. Giê-ru-sa-lem, Thành Của Vua Lớn.

Giê-ru-sa-lem còn có tên gọi là “Sa-lem”, có nghĩa “bình an” (Sáng 14:18). Trước kia Giê-ru-sa-lem ở trong tay dân Giê-bu-sít, nhưng bị vua Đa-vít chinh phục và trở thành đế đô của vương quốc Y-sơ-ra-ên thống nhất (2Sa 5:6-9). Từ đó Giê-ru-sa-lem đã trải qua nhiều thăng trầm theo dòng lịch sử Y-sơ-ra-ên và thế giới. Giê-ru-sa-lem đã có lần nổi bật như vì sao sáng của các dân trong thời hoàng kim của Sa-lô-môn, vị vua khôn ngoan xuất chúng, nhưng rồi bị tàn phá bởi bàn tay tàn bạo của vua Nê-bu-cát-nết-sa, tiếp theo là sự phá huỷ của quân La Mã; rồi đến gót chân giày xéo của quân Hồi Giáo; kế đó các dân bản xứ thay nhau tranh giành trong khi dân Do Thái bị tản lạc khắp thế giới. Sau đệ nhị thế chiến, dân Do Thái bắt đầu được trở về lập quốc trên mảnh đất tổ tiên ngày xưa, mà phần lớn bị người Ả-rập chiếm cứ. Giê-ru-sa-lem ở trong tình trạng bị phân chia đông và tây Giê-ru-sa-lem, và đông Giê-ru-sa-lem nằm trong tay người Hồi Giáo. Trong cuộc chiến chớp nhoáng gọi là “6 ngày của tháng 6” năm 1967, dân Do Thái với quân số nhỏ bé nhưng đã đánh tan lực lượng khổng lồ của liên minh Ai-cập. Kết cuộc, biên giới Do Thái được mở rộng thêm một phần tư so với phần đất hiện có, tái chiếm và ở dưới quyền kiểm soát của chính quyền Y-sơ-ra-ên. Đến mùa hè năm 1980, quốc hội Do Thái đã bỏ phiếu dời thủ đô về Giê-ru-sa-lem, với lời tuyên bố của thủ tướng Begin như sau: “Giê-ru-sa-lem, thành của Đa-vít là thủ đô muôn đời của dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, và sẽ mãi mãi bất phân chia cho tất cả mọi thế hệ trong tương lai”. Mặc dầu đã có dự án tái thiết đền thờ Giê-ru-sa-lem, nhưng hiện nay đền thờ Hồi Giáo vẫn còn tọa lạc trên phần nền cũ của đền thờ Giê-ru-sa-lem vang bóng một thời mà vua Sa-lô-môn xây cất. Đây là một chướng ngại vật chẳng khác nào như cái gai trước mắt người Do Thái! Mặc dầu theo luật, người Do Thái phải tôn trọng tín ngưỡng của mọi tôn giáo và các nơi thánh, nhưng sự tranh chấp chủ quyền phần đất Giê-ru-sa-lem giữa người Do Thái và Hồi Giáo vẫn là vấn đề nóng bỏng và cứ âm ỷ cháy cho đến một ngày nào đó lời tiên tri trong Kinh Thánh được ứng nghiệm hoàn toàn cho thành phố lịch sử đặc thùnày. Trong lịch sử loài người, không có thành phố nào trải qua nhiều biến cố, tai ương như Giê-ru-sa-lem. Không có thành nào nhận được lời hứa phước hạnh và hoà bình trong tương lai như Giê-ru-sa-lem muôn thuở! Không có thành nào được vinh hạnh của lời hứa trở nên ngôi trị vì Vua trên muôn vua. Cũng như không có thành nào được gọi là “thành yêu dấu của Chúa” như Giê-ru-sa-lem! Ngay từ buổi ban đầu, Giê-ru-sa-lem là nơi ngự trị của Mên-chi-xê-đéc, vị vua hoà bình của Sa-lem. Và trong ngày sau cùng của thế giới, Đấng Christ, con vua Đa-vít cũng được gọi là Mên-chi-xê-đéc sẽ làm vua Giê-ru-sa-lem, đem hòa bình cho các dân trên đất.

Như lời tiên tri Xa-cha-ri đã rao báo, Giê-ru-sa-lem hay là Si-ôn, tên một ngọn đồi phía đông nam Giê-ru-sa-lem sẽ được xây lại. Thành này sẽ được gọi là thành chân thật, là núi thánh của Đức Giê-hô-va, để làm nơi ngự trị cho vị Vua Lớn sắp đến (Xa-cha 8:1-3). Trong sự trị vì của Đấng Mê-si, Giê-ru-sa-lem chẳng những là thủ đô của quốc gia Y-sơ-ra-ên phục hồi, nhưng còn là thủ đô của thế giới. Phước hạnh sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem, các dân tộc, các thứ tiếng khắp nơi sẽ đổ về Giê-ru-sa-lem để tìm kiếm Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên và ơn thương xót của Ngài: “…có nhiều dân và nhiều nước mạnh sẽ đến tìm kiếm Đức Giê-hô-va vạn quân tại Giê-ru-sa-lem, và ở đó nài xin ơn Đức Giê-hô-va” (Xa-cha 8:22). Trong thời vua Sa-lô-môn, có nhiều nước chạy đến nghe sự khôn ngoan của vua. Nhưng trong tương lai, Giê-ru-sa-lem sẽ có Đấng tôn trọng hơn vua Sa-lô-môn (Mat 12:42). Ngài sẽ ngồi trên ngôi Đa-vít, sẽ dẫn Y-sơ-ra-ên vào tuyệt điểm của vinh quang hơn cả thời hoàng kim xa xưa của vua Sa-lô-môn. Ngài sẽ khiến mọi dân tộc trên thế giới đến Giê-ru-sa-lem để biết luật pháp và sự công nghĩa của Đức Giê-hô-va (Xa 8:23; 14:8).

2. Đấng Trị Vì Giê-ru-sa-lem.

Sự kiện Chúa Giê-xu cỡi lừa (dấu hiệu của vua hoà bình) vào thành Giê-ru-sa-lem là điều ứng nghiệm lời tiên tri của Xa-cha-ri đã loan báo: “Hãy nói với con gái thành Si-ôn rằng: Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, nhu mì, cỡi lừa và lừa con là con của lừa cái mang ách” (Xa 9:9; Mat 21:1-5). Như vậy, danh hiệu Đức Giê-hô-va là Vua Công Bình nhu mì cỡi lừa được mô tả trong Xa-cha-ri 9:9; 14:9 chỉ về Đấng Mê-si, tức là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài đã vào thành Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất để chịu giết làm nên sự cứu rỗi cho loài người. Ngài cũng sẽ cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem lần thứ hai để làm Vua trên muôn vua. Trong sự trị vì của Đấng Christ, Ngài sẽ giải cứu Y-sơ-ra-ên, đoán xét các nước nghịch cùng dân Chúa, dạy cho mọi người biết sự công nghĩa, chánh trực của Đức Giê-hô-va, và đem lại sự hoà bình cho khắp đất (Xa 2:10-12; 14:9-12; Mi 4:2-3).

Trong Xa-cha-ri 8:4-19; Xa-cha-ri cho chúng ta nhìn thấy viễn cảnh vô cùng phước hạnh của Giê-ru-sa-lem trong thời trị vì của Vua Hoà Bình, một quang cảnh thanh bình tràn đầy phước lạc, với dân cư đông đúc và trường thọ, với những ông bà cụ già cầm gậy thong thả đi trong các đường phố, với sự trở về vui mừng của người dân xa xứ lâu ngày, với sự công bằng xã hội và sự giàu mạnh, bình an của xứ sở. Trái hẳn với quang cảnh ảm đạm của Giê-ru-sa-lem trong thời Xa-cha-ri lúc ấy, với sự hoang vu, dân số ít ỏi và đầy chết chóc; với sự tản lạc lưu đày của dân sự; với sự bất công và đầy dẫy tội lỗi; với sự bất an, rủa sả và buồn bã.

Lời hứa phước hạnh của Giê-ru-sa-lem trong tương lai đã đem lại cho dân sự Chúa đang tản lạc niềm an ủi và hy vọng với lòng trông đợi sự hiện đến của Chúa Cứu Thế. Trong niềm mong chờ nầy, tiên tri Xa-cha-ri cũng đã có lời kêu gọi dân Chúa hãy tiến đến đời sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời với sự lánh xa điều ác và làm điều chân thật, công bình theo sự dạy dỗ của luật pháp Đức Chúa Trời (8:16-17) để có đời sống xứng đáng với người làm công dân của một thủ đô tiêu biểu cho sự công bình của thế giới, và để trở thành người đi rao giảng luật pháp Chúa cho muôn dân. Điều này nhắc nhở chúng ta: Muốn trở thành người dạy đạo cho kẻ khác, thì trước hết chính mình phải sống theo đạo ấy.

Tóm lại qua các dự ngôn của Xa-cha-ri, chúng ta có thể nhìn thấy Đấng Christ trong hình ảnh của Vua Hoà Bình sắp đến! Giê-ru-sa-lem là nơi trị vì của Ngài trong nước ngàn năm bình an. Nhìn vào các biến chuyển của thế giới hiện nay, cho thấy lời tiên tri của Xa-cha-ri đang và sẽ ứng nghiệm. Là người sẽ được dự phần trong Nước Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cho Giê-ru-sa-lem hòa bình (Thi 122:6), và cầu nguyện cho ngày Chúa mau đến, cũng như làm trọn sứ mạng của người đem ơn cứu rỗi của Chúa Giê-xu cho mọi người, và loan tin cho thế gian biết rằng Vua Hoà Bình của nhân loại sắp đến, Đấng mà chẳng những Cơ đốc nhân trông đợi, nhưng cả thế giới cũng đang mong chờ, để chấm dứt mọi bất công xã hội, trừ diệt chiến tranh, và đem lại bình an thực sự cho tất cả mọi người trên đất. Là điều khát khao nhất của con người mà trong đời này không ai có thể thỏa đáp ước mơ ấy.

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Thành Giê-ru-sa-lem trong tương lai:

a. Giê-ru-sa-lem được đặt trong vị thế nào? (Xa-cha-ri 8:1-3).

b. Giê-ru-sa-lem đóng vai trò gì? (Xa-cha-ri 8:20-23; 14:8).

2. Đấng trị vì Giê-ru-sa-lem:

a. Đấng trị vì Giê-ru-sa-lem là ai? (Xa 9:9; 14:9; Mat 21:1-9).

b. Trong sự trị vì của Chúa, Ngài sẽ làm gì cho Giê-ru-sa-lem và các dân trên đất? (Xa 2:10-12; 8:4-19; 14:9-12).

c. Xin đọc Xa-cha-ri 8:4-20: Mô tả quang cảnh của Giê-ru-sa-lem trong thời Xa-cha-ri và Giê-ru-sa-lem trong thời trị vì của Đấng Mê-si.

3. Trong sự rao báo lời hứa phước hạnh, Xa-cha-ri khuyến cáo dân sự điều gì? Tại sao? (Xa 8:16-19).

4. Qua sứ điệp, Xa-cha-ri rao báo Đấng Mê-si trong hình ảnh nào? Và khuyến khích Cơ Đốc nhân chúng ta hôm nay trong sứ mạng nào?

5. Ghi nhận những điểm quan trọng trong sứ điệp của Xa-cha-ri.

6. Nhìn lại chính mình, xin cho biết:

a. Đời sống bạn có sự chuẩn bị gì cho Nước hầu đến?

b. Lòng bạn trông đợi Vua Hoà Bình và sốt sắng rao báo sự hiện đến của Ngài như thế nào?

c. Bạn có thái độ nào đối với Giê-ru-sa-lem, thành của Vua Thánh?

 

 

 

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

CÁCH CHỌN TRÁI CÂY (tt)

– Chôm chôm, vải, nhãn ngon, nhiều nước là thứ vỏ mỏng, nặng. Nhãn nên lựa thứ to, màu sậm và nặng.

– Mít tố nữ có cuống chỉ chừng 0,5 cm. Đừng nhầm với mít tây có cuống dài hơn (1-1,5cm). Mít tây ăn chua hơn mít tố nữ.

Post CommentLeave a reply