CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ 07.6.2015.
By andynguyen in PHỤ NỮ on 1 Tháng Bảy, 2015
Chúa nhật 07.06.2015.
1. Đề tài: MA-LA-CHI – NGƯỜI KÊU GỌI DÂN SỰ TRỞ LẠI CÙNG CHÚA (DÂNG 1/10).
2. Kinh Thánh: Ma-la-chi 3:1-18.
3. Câu gốc: “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, xem ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng!” (Ma-la-chi 3:10).
4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 142 – 147.
Thể loại: Học Kinh Thánh.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn trước.
1. Đọc Ma-la-chi 3:7-12 cho biết:
(1.1) Ma-la-chi kêu gọi dân sự Chúa làm điều gì?
(1.2) Tại sao họ phải trung tín dâng phần mười?
(1.3) Bạn và gia đình đã trung tín dâng phần mười chưa? Xin chia sẻ kinh nghiệm phước hạnh khi bạn trung tín dâng phần mười.
2. Đọc Ma-la-chi 3:16-18, cho biết:
(2.1) Người trở lại cùng Chúa được phước gì?
(2.2) Những phước nầy có giá trị gì đối với con dân Chúa?
(2.3) Những phước hạnh nầy khích lệ bạn thế nào trên bước đường đi theo Chúa?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
I. GIỚI THIỆU.
Ma-la-chi là tiên tri sau cùng của thời Cựu ước. Tên Ma-la-chi có nghĩa “sứ giả của Ta”. Ông được Đức Chúa Trời kêu gọi để đem mạng lịnh của Ngài cho Y-sơ-ra-ên vào khoảng năm 435-400 T.C.
Với sự khuyến khích của tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri, dân sự xây cất xong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Nhưng sau đó họ bắt đầu ngã lòng, nghi ngờ tình yêu thương của Đức Chúa Trời, xao lãng việc thờ phượng Chúa và lìa bỏ luật pháp Ngài. Trong tình trạng sa sút nguội lạnh của dân sự nhất là sự giả hình của các nhà lãnh đạo tôn giáo, Ma-la-chi đem sứ điệp của Chúa cảnh cáo tội lỗi Y-sơ-ra-ên. Đồng thời Xa-cha-ri cũng loan báo ngày của Chúa sắp đến và kêu gọi sự ăn năn. Trong lời khuyên dân sự trở về cùng Đức Chúa Trời, điểm đặc biệt nhất của Ma-la-chi là thách thức dân Chúa trung tín trong sự dâng phần mười. Điều đó nhắc nhở Cơ đốc nhân chúng ta hôm nay thế nào trong đời sống tin kính Chúa?
II. DẪN GIẢI.
1. Sự Bội Nghịch Của Dân Y-sơ-ra-ên.
– Trong Ma-la-chi 1-3 mô tả sự bại hoại của dân Y-sơ-ra-ên trong hình ảnh của người con ngổ nghịch, mất sự tôn kính cha, như chúng ta nghe qua những lời đối đáp ngược ngạo bất kính của họ đối với Đức Chúa Trời:
(1) 1:2: Đức Chúa Trời phán: “Ta yêu các ngươi…”, nhưng họ trả lời rằng: “Chúa yêu chúng tôi ở đâu?”.
(2) 1:6: Đức Chúa Trời quở trách: “…Nếu ta là chủ, nào sự kính sợ ta ở đâu?” Họ trả lời: “Chúng tôi có khinh dể danh Ngài ở đâu?”.
(3) 1:7: Đức Chúa Trời quở trách: “Các ngươi dâng bánh ô uế trên bàn thờ ta…” nhưng họ trả lời: “Chúng tôi có làm ô uế Ngài ở đâu?” nhưng thật ra họ đã làm ô danh Ngài bởi sự lừa dối, khinh lờn đem những con sinh tế tàn tật, những con vật bị cướp dâng trên bàn thờ cho Chúa! Cho nên Ngài phán rằng: “Đáng rủa sả thay là kẻ hay lừa dối, trong bầy nó có con đực, mà nó hứa nguyện và dâng con tàn tật làm của lễ cho Chúa! Đức Giê-hô-va vạn quân phán: Vì ta là Vua lớn, danh ta là đáng sợ giữa các dân ngoại” (1:14). Trong khi đó dân Chúa lại khinh dể danh Ngài!
(4) Đức Chúa Trời quở trách họ làm phiền Ngài vì cớ đã nói những lời vô tín ấy là: “Ai làm điều dữ thì đẹp mắt Đức Giê-hô-va, và Ngài ưa thích những người như vậy; bằng chẳng vậy, thì nào Đức Chúa Trời của sự chánh trực ở đâu?” Nhưng họ trả lời: “Chúng tôi có làm phiền Ngài ở đâu?” (2:17).
(5) Đức Chúa Trời quở trách họ vì những lời nói nghịch cùng Ngài rằng: “Người ta hầu việc Đức Chúa Trời là vô ích; chúng ta giữ điều Ngài dạy phải giữ, và bước đi cách buồn rầu trước mặt Đức Giê-hô-va vạn quân, thì có lợi gì? Rày chúng ta kể kẻ kiêu ngạo là có phước, kẻ phạm sự hung ác là tấn tới: Họ đã thử Đức Chúa Trời, và đã được giải thoát!”. Nhưng họ trả lời: “Chúng tôi có nói gì nghịch cùng Ngài?” (3:13-15).
– Dân sự chẳng những chống nghịch Chúa, nhưng còn chối bỏ đường lối Ngài và sống cách buông lung theo tư dục. Họ làm điều gian dối, hoà mình với đời trong sự kết hôn với người ngoại đạo, và ly dị vợ là điều Đức Chúa Trời phán: “Ta ghét người nào bỏ vợ, và người nào lấy sự hung dữ che áo mình” (2:16). Cho nên tiên tri Ma-la-chi đem lời của Chúa quở trách tội lỗi dân sự, nhất là trách nặng người Lê-vi, là người được Chúa giao cho trách nhiệm dạy dỗ dân sự học biết luật pháp Ngài. Nhưng họ không làm tròn sứ mạng, trái lại chính họ lại xây bỏ đường lối Chúa và làm cho nhiều người vấp ngã trong luật pháp. Vì họ không kính sợ Chúa, nên Ngài phán: “Vậy nên ta cũng đã làm cho các ngươi ra khinh bỉ hèn hạ trước mặt cả dân…” (2:5-9). Trong sự bại hoại của dân Y-sơ-ra-ên chúng ta ghi nhận những điểm sau đây:
(1) Sự bội nghịch Chúa bắt đầu từ chỗ thiếu lòng kính sợ Chúa và nghi ngờ tình yêu thương của Ngài.
(2) Sự thiếu lòng kính sợ Chúa bắt đầu từ chỗ không học biết Chúa và Lời Ngài. Vì vậy sự dạy dỗ cho con cái luật pháp Chúa để chúng học tập kính sợ Đức Giê-hô-va là mạng lịnh của Đức Chúa Trời cho người làm cha mẹ, cũng như cho người hướng dẫn người khác (Phục 5:1; 6:4-9,13). Cho nên sự quở trách người Lê-vi trong sự bội đạo của Y-sơ-ra-ên là sự nhắc nhở chúng ta trách nhiệm quan trọng này.
2. Sự đoán xét của Chúa.
Đáp lại lời than phiền “nào Đức Chúa Trời của sự chánh trực ở đâu?” (2:17), Ma-la-chi rao báo cho dân sự đang bội nghịch Chúa về ngày đoán xét sắp đến. Trong 3:1-2, Ma-la-chi rao báo sự hiện đến của hai nhân vật:
(1) Sứ giả dọn đường: “Nầy, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta” (3:1a). Đối chiếu với sự kiện đã xảy ra trong Tân ước, thì sứ giả dọn đường mà đấng tiên tri Ê-sai và Ma-la-chi loan báo đó chính là Giăng Báp-tít, là người “lấy tâm thần quyền phép của Ê-li mà” đến (Ê-sai 40:3-5; Mác 1:2-3; Lu-ca 1:16-17). Và Chúa Giê-xu cũng đã xác nhận Giăng là sứ giả phải đến (Mat 11:10-14).
(2) Đấng đoán xét là Chúa: “…và Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, tức là thiên sứ của sự giao ước mà các ngươi trông mong” (3:1). Chúa còn có danh hiệu là thiên sứ của sự giao ước, đó chính là Đấng Christ, mà Giăng đã giới thiệu Ngài với dân Y-sơ-ra-ên (Mat 3:3,10-12; Giăng 1:26-29). Như vậy sự loan báo của Ma-la-chi về sự hiện đến của sứ giả và Chúa đã ứng nghiệm trong Giăng và Chúa Giê-xu. Ngài là Cứu Chúa cũng là Đấng đoán xét Y-sơ-ra-ên như sự bày tỏ trong 3:2-6: “Nhưng ai sẽ đương nổi ngày Ngài đến, và ai đứng được khi Ngài hiện ra? Vì Ngài giống như lửa của thợ luyện, như tro của thợ giặt. Ngài sẽ ngồi như kẻ luyện bạc và làm cho sạch; Ngài sẽ chùi các con trai Lê-vi, làm cho chúng nó sạch như vàng và bạc, chúng nó sẽ dâng của lễ cho Đức Giê-hô-va trong sự công bình”. Trong sự hiện đến lần thứ nhất với ân điển, Chúa dùng nước của báp têm kêu gọi sự ăn năn và tin nhận Ngài để được tha tội, và dùng lửa của Thánh Linh để thánh hoá đời sống dân Chúa (Mat 3:7-11). Nhưng lần hiện đến thứ hai với sự đoán xét, Ngài sẽ chọn lọc kẻ thuộc về Ngài, như trong lời cảnh cáo của Giăng: “Ngài sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt” (Mat 3:12).
3. Lời kêu gọi ăn năn.
Vì sự đoán xét lớn dường ấy, nên Ma-la-chi kêu gọi dân sự hãy trở lại cùng Đức Chúa Trời để không bị hư mất: “Vì Ta là Đức Giê-hô-va, Ta không hề thay đổi; bởi cớ đó, các ngươi là con trai Gia-cốp, chẳng bị diệt vong. Từ những ngày tổ phụ các ngươi, các ngươi đã xây bỏ luật lệ ta và không vâng giữ. Hãy trở lại cùng Ta, thì Ta sẽ trở lại cùng các ngươi” (3:6-7). Đức Chúa Trời thành tín với giao ước Ngài, nên dầu dân sự xây bỏ Chúa, nhưng nếu biết ăn năn xây bỏ điều ác, Ngài sẽ sẵn sàng tiếp nhận trở lại. Điểm bắt đầu của sự thật lòng trở lại là trả cho Chúa số phần mười mà từ lâu nay họ đã trộm của Ngài. Đối với người Y-sơ-ra-ên, sự dâng phần mười là một bổn phận bắt buộc theo quy định trong luật pháp Môi-se. Đây là mạng lịnh của Đức Chúa Trời truyền dạy Y-sơ-ra-ên phải dâng lại phần mười về số hoa lợi họ có trong xứ mà Ngài ban phước cho để dùng cho người Lê-vi là người thay mặt dân sự hầu việc Chúa trong đền thờ (Phục 14:22-29; 26:12). Cho nên người trốn tránh hay thiếu sót bổn phận này bị kể là kẻ ăn trộm Chúa, vì số phần mười đó thuộc về Ngài. Chúa phán: “Các ngươi nói rằng; chúng tôi ăn trộm Chúa ở đâu? Các ngươi đã ăn trộm trong các phần mười và trong các của dâng” (3:8). Đó là nguyên nhân khiến họ bị mất phước trước mặt Chúa. “Các ngươi bị rủa sả, vì các ngươi, thảy cả nước, đều ăn trộm Ta” (c.9).
Bởi cớ đó Ma-la-chi kêu gọi dân sự trở lại cùng Đức Chúa Trời trước hết với sự dâng phần mười. Bằng sự thách thức họ hãy thử Chúa xem Ngài có “mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng!” (c.10). Thật ra không phải Đức Chúa Trời ban phước vì của dâng, nhưng vì tấm lòng trung tín vâng theo mạng lịnh Ngài. Đức Chúa Trời luôn thành tín, nên người trung thành với Chúa chắc sẽ hưởng phước hạnh của lời Ngài hứa vậy. Có thể ngày nay một số người viện cớ không có sự bắt buộc dâng phần mười trong thời ân điển, để rồi bỏ qua sự dâng hiến hay xao lãng trong sự dâng hiến cho Chúa. Nhưng thật ra với sự tự nguyện dâng và với lòng biết ơn cứu rỗi của Chúa sự dâng hiến đó hẳn phải trội hơn cả phần mười nữa (2Côr 8:1-6; 9:7,15). Từ xưa nay đã có rất nhiều con cái Chúa được phước trong sự trung tín dâng phần mười. Có nhiều đời sống nêu gương sáng cho chúng ta như sự trung tín của ông Le Tourneau, người làm chủ nhiều cơ sở kỹ nghệ danh tiếng. Trước kia ông là người bán hàng tầm thường, nhưng không quên dâng cho Chúa phần mười. Về sau được trở thành người giàu có, ông không chỉ dâng một phần mười nhưng dâng cho đến chín phần mười lợi tức của mình. Ông John Wesley người sống trong thế kỷ 18, lúc thiếu thời làm việc năm đầu được 150 mỹ kim, ông dâng cho Chúa 10 mỹ kim. Qua năm sau lương ông tăng gấp đôi, nhưng vẫn tiêu dùng 140 mỹ kim và dâng Chúa 160 mỹ kim. Sang năm thứ ba ông lãnh 600 mỹ kim, nhưng vẫn cứ sống với 140 mỹ kim còn 460 mỹ kim ông dâng cho Chúa. Còn chúng ta thì sao?
4. Lời Hứa Ban Phước.
Trong sự sa sút, dân sự ngã lòng trước sự hưng thịnh của kẻ ác. Nhưng Ma-la-chi đã tỏ cho biết người kính sợ Chúa nhận được lời hứa nầy: “Bấy giờ những kẻ kính sợ Đức Giê-hô-va nói cùng nhau, thì Đức Giê-hô-va để ý mà nghe; và một sách để ghi nhớ được chép trước mặt Ngài cho kẻ kính sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài” (3:16). Lời nói của kẻ dấy nghịch Chúa chỉ là lời hư không và bị Chúa đoán phạt, nhưng lời nói của người công bình được Chúa ghi nhớ! Thật là phước hạnh biết bao! Thật là an ủi biết bao! Đôi lúc chúng ta bi quan tưởng như Chúa không nghe mình. Nhưng hãy nhớ Đức Chúa Trời đang lắng nghe từng lời nói, chú ý từng việc làm của người kính sợ Chúa và ghi nhận trong sách của Ngài. Trong 3:17-18, Ma-la-chi cho thấy sự khác biệt giữa người công bình và kẻ kiêu ngạo trong ngày cuối cùng: Kẻ ác bị Chúa xét đoán và bị hủy diệt. Trái lại người công bình được Chúa ban thưởng và nhận làm cơ nghiệp của Ngài. Vì thế, Ma-la-chi kêu gọi dân sự hãy trở lại cùng Đức Chúa Trời, sống trong sự kính sợ Chúa và trung thành hầu việc Ngài. Vì công việc của chúng ta trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu (1Côr 15:58).
5. Đời Sống Và Sứ Mạng.
Qua việc rao giảng các sứ điệp, chúng ta tìm thấy trong Ma-la-chi hai đức tính đáng nêu gương cho người hầu việc Chúa, đó là ngay thẳng và can đảm. Ông nhận lời Chúa như thế nào thì ban phát lại cho dân sự thể ấy. Với lòng ngay thẳng và can đảm chỉ thẳng tội của người lãnh đạo, của dân sự thảy đều là kẻ trộm tiền phần mười của Chúa! Đây không phải là điều dễ nói, nhưng ông không chút ngần ngại nói điều đáng phải nói!
Tóm lại ba điểm chính trong sứ mạng Ma-la-chi là: Cảnh cáo tội lỗi của Y-sơ-ra-ên, rao báo sự hiện đến của sứ giả dọn đường và sự hiện đến của Đấng Mê-si, kêu gọi dân sự trở lại cùng Đức Chúa Trời và trung thành hầu việc Ngài. Điểm nổi bật là thách thức dân sự dâng phần mười cho Chúa, đây cũng là sự thách thức cho chúng ta hôm nay. Qua các sứ điệp của Ma-la-chi nhắc nhở chúng ta kiểm điểm lại chính mình về tấm lòng kính sợ Chúa. Cũng khuyến khích anh em chúng ta trong đời sống tin kính Chúa và trung tín phục sự Ngài.
TỔNG KẾT.
Qua các bài học, chúng ta đã học khoảng bốn mươi danh nhân trong Kinh Thánh. Đó là những anh hùng đức tin của thời Cựu Ước. Họ là những người nam, người nữ sống trong những thời đại, những hoàn cảnh khác nhau. Hoặc giàu có như Gióp, hay đơn sơ nghèo nàn như A-mốt, hoặc có địa vị như Giô-sép, Môi-se, Đa-vít, Đa-ni-ên… họ đều là những người sống trong thế gian, nhưng dám phân rẽ với thế gian để sống theo tiếng gọi của Chúa. Như Nô-ê, không đồng hóa trong nếp sống bại hoại của loài người lúc bấy giờ, nhưng đã đồng đi cùng Đức Chúa Trời và vâng lịnh Ngài đóng tàu để cứu gia đình khỏi nước lụt. Như Áp-ra-ham vâng lời Chúa, lìa bỏ quê hương mình đến xứ Chúa hứa ban và trở nên nguồn phước cho muôn dân. Như Môi-se không sợ vua giận, nhất định từ bỏ danh hiệu là con công chúa Pha-ra-ôn, để theo phục sự Đức Giê-hô-va. Như Ê-xơ-tê sẵn sàng bỏ địa vị hoàng hậu và mạng sống của mình cho sứ mạng Chúa gọi giải nguy dân tộc mình. Đặc biệt với Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên, Ô-sê, Giô-ên, A-mốt, Áp-đia, Giô-na, Mi-chê, Na-hum, Ha-ba-cúc, Sô-phô-ni, A-ghê, Xa-cha-ri, Ma-la-chi là những người đã mang sứ điệp của Chúa cảnh cáo tội lỗi của dân sự, rao sự đoán xét của Chúa cho thế gian và loan báo về sự hiện đến của Đấng Cứu Thế Mê-si. Họ đã trung thành với sứ mạng cho dù bị bắt bớ, bị bỏ ngục tù, và bị đe dọa tánh mạng.
Những vị đó đã đi qua, nhưng để lại cho chúng ta những gương sáng chói về đời sống kính sợ, trung thành phục sự Chúa.
Hôm nay chúng ta có nghe tiếng Chúa gọi và mạnh dạn dấn thân bước theo những vị anh hùng đức tin ấy không?
III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
1. Lời rao báo về sự đoán xét của Chúa:
a. Xin đọc Ma-la-chi 1:2-3,6-7,13-14; 2:5-17; 3:5-8 và tìm hiểu tình trạng sa sút thuộc linh của dân Y-sơ-ra-ên đến mức độ nào?
b. Với sự bất kính của Y-sơ-ra-ên, Ma-la-chi cảnh cáo họ thế nào? (1:14).
c. Trong sự đoán xét dân Chúa, Ma-la-chi nói đến “sứ giả ta” và Chúa (3:1-4). Hai nhân vật này chỉ về ai? Và với sứ mạng nào? (Mat 3:10-12; 1:26-27; Công 2:36).
2. Lời kêu gọi ăn năn:
a. Trong 3:10, Ma-la-chi kêu gọi dân Chúa làm điều gì?
b. Tại sao dân Chúa phải trung tín trong sự dâng phần mười? (3:7-12).
3. Lời hứa ban phước:
a. Người trở lại cùng Chúa được phước gì? (3:16-18).
b. Từ 3:18-4:4: So sánh sự khác nhau giữa người công bình và người gian ác. Sự khác nhau này đem đến cho người kính sợ Chúa sự an ủi nào? (3:13-15).
4. Ma-la-chi với sứ mạng Chúa gọi:
a. Qua sự thi hành sứ mạng Chúa gọi, chúng ta tìm thấy trong Ma-la-chi có những đặt tính nào nêu gương cho người hầu việc Chúa?
b. Các sứ điệp của Ma-la-chi đem lại chúng ta sự cảnh tỉnh nào? Và khuyến khích chúng ta trong sứ mạng nào?
5. Xin ghi nhận những điểm quan trọng trong sứ điệp của Ma-la-chi.
6. Nhìn lại chính mình, xin cho biết:
a. Trong nếp sống đạo, bạn bày tỏ sự kính sợ Chúa như thế nào?
b. Bạn là người trung tín dâng hiến cho Chúa hay là kẻ ăn trộm của Ngài?
c. Đối với người sai lạc đường lối Chúa, bạn có can đảm cảnh cáo, kêu gọi họ trở về cùng Chúa không? Xin cho biết cách bạn làm?
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
CÁCH CHỌN TRÁI CÂY (tt).
– Măng cụt ngon không phải là trái to. Chọn trái có đường kính chừng 4-5cm. Quả nhỏ hơn là măng mọc ở cuối cành, không ngon. Cuống phải tươi, vỏ bóng vừa phải. Đó là trái chín cây. Trái có bụi phấn bám quanh vỏ là trái ngon, ít mủ.
– Chọn trái bơ chín có thể ăn ngay bằng cách lấy ngón tay ấn vào chỗ cuống. Nếu mềm thì đó là trái đã chín.