Ngày: Tháng Tám 19, 2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI.25.08.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI.25.08.2019

in NAM GIỚI on 19 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 25.08.2019.

  1. Đề tài: ÂN TỨ CỦA MỌI ÂN TỨ.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 12:28-13:3.
  3. Câu gốc: “Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi” (1Cô-rinh-tô 13:3).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Giăng 4-5.
  5. Thể loại: Thảo luận.

Read More

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN.25.08.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN.25.08.2019

in Thanh niên on 19 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 25.8.2019.

  1. Đề tài: ÂN ĐIỂN.
  2. Kinh Thánh: Ga-la-ti 5:2-4; Hê-bơ-rơ 12:15-17; 2Cô-rinh-tô 12:5-10.
  3. Câu gốc: “Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cô 12:9a).
  4. Đố Kinh Thánh: Đa-ni-ên 7-12.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

Read More

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 25.08.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 25.08.2019

in PHỤ NỮ on 19 Tháng Tám, 2019

  1. Đề tài: NGƯỜI NỮ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI SỬ DỤNG.
  2. Kinh Thánh: Công vụ 9:36-39.
  3. Câu gốc: “Tại thành Giốp-bê, trong đám môn đồ, có một người đàn bà tên là Ta-bi-tha, nghĩa là Đô-ca; người làm nhiều việc lành và hay bố thí” (Công vụ 9:36).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Họp bạn

* CHỈ DẪN: Họp bạn.

  1. Tham dự: Mời một hay nhiều ban phụ nữ của các Hội Thánh khác tham dự họp bạn.
  2. Chương trình: Nhiều tuần trước ngày họp bạn, mời đại diện các ban phụ nữ họp lại để cùng hoạch định chương trình và phân chia công tác:

– Thời gian, địa điểm, chủ đề, câu gốc, thể loại thực hiện…

– Phân chia trách nhiệm cho từng ban: Tập hát, làm chứng, đố Kinh Thánh, phần thưởng, sinh hoạt, hướng dẫn chương trình, ẩm thực… Mỗi ban chịu một số tiết mục.

  1. Tiết mục: Các tiết mục nên có trong ngày họp bạn là: Bài ca mới, ca ngợi và cảm tạ, đố vui, đố Kinh Thánh, kịch, trò chơi lớn…
  2. Bảng tên: Dự kiến số người tham dự và số người cho mỗi nhóm để chuẩn bị các màu giấy thích hợp cho việc chia nhóm, mỗi màu là một nhóm. Bảng tên phải ghi rõ tên và Hội Thánh, để mọi người dễ làm quen. Sau đó mỗi nhóm cử một trưởng nhóm, một thư ký nhóm điều khiển nhóm mình tham gia trò chơi và sinh hoạt.
  3. Phần thưởng: Phần thưởng cho sinh hoạt nhóm phải sử dụng phù hợp cho giờ thông công sau đó.

    A. ĐỐ KINH THÁNH.

+ Mỗi ban phụ nữ nên cử ra một đại diện tham gia ban giám khảo. Các giám khảo phải có đáp án trước để việc chấm điểm được chính xác và công bằng.

+ Mỗi câu trả lời đúng được 10 điểm, sai bị trừ 5 điểm. Sau đó tổng kết và phát thưởng.

+ Người đố Kinh Thánh nên soạn khoảng 5-10 câu đố theo chủ đề ngày họp bạn. Có thể soạn theo phương cách sau đây:

  1. Đố lật mau: Nêu tên sách, đoạn, câu Kinh Thánh. Ai đọc lên trước sẽ được điểm.
  2. Đố tìm: Nêu lên sự kiện hoặc đọc lên câu Kinh Thánh, rồi yêu cầu các bạn tìm địa chỉ (sách, đoạn, câu)
  3. Đố đối chiếu: Đọc lên câu Kinh Thánh trong các đoạn đang đố và yêu cầu tìm câu có ý tương tự trong một nơi khác của Kinh Thánh. Hoặc đọc một câu Kinh Thánh – ngoài các đoạn đang đố – và yêu cầu tìm câu có ý tương tự trong các đoạn đang đố.
  4. Đố cử điệu: Ra cử điệu (kịch câm) theo ý nghĩa của câu Kinh Thánh và yêu cầu các bạn tìm câu Kinh Thánh.
  5. Đố hình vẽ: Vẽ lên bảng ý nghĩa câu Kinh Thánh và yêu cầu các bạn tìm câu Kinh Thánh.
  6. Đố con số: Ghi lên bảng hay tờ giấy các con số muốn đố. Ví dụ: 5, 2, 5.000, 12 – Trả lời: Mác 6:38-40.
  7. Đố liên hệ: Ví dụ:

Tôi là vợ của Y-sác (Trả lời: Tôi tên là Rê-bê-ca).

Gia-cốp là chồng của chúng tôi (Chúng tôi là Lê-A, Ra-chên, Bi-la và Xinh-ba).

Gô-li-át đã chết bởi tay tôi (Tôi là Đa-vít).

  1. Đố ca dao, tục ngữ: Ví dụ: “Thương cho roi cho vọt” – (Hê-bơ-rơ 12:6).
  2. Đố mẫu tự: Ví dụ: A. Trả lời: A-đam – B. Trả lời: Bê-tên.
  3. Đố Thánh ca: Nêu lên địa chỉ câu Kinh Thánh (Thi-thiên 119:105) và yêu cầu tìm ý nghĩa đó trong một bài Thánh ca (TC 432). Người tìm được phải hát một câu trong bài Thánh ca đó.

Hoặc đàn một bài Thánh ca (TC 362) và yêu cầu các bạn tìm ra câu Kinh Thánh có ý tương tự (Ê-sai 6:8).

  1. Đố chữ: Viết câu Kinh Thánh lên bảng, nhưng không theo thứ tự hoặc bỏ sót nhiều chữ.
  2. Đố trí nhớ: Nêu lên sự kiện hoặc đọc lên địa chỉ câu Kinh Thánh. Yêu cầu các bạn trả lời (không được lật Kinh Thánh).
  3. Đố vui (đố mẹo): Để tạo không khí vui tươi ở cuối giờ đố Kinh Thánh.

Vd 1: Trong Kinh Thánh ông nào nhiều thẹo nhất? – Đa-vít.

Vd 2: Tiên tri nào làm bột ngọt? – A-mốt (Bột ngọt A- One).

Vd 3: Ai hát dở nhất trong Kinh Thánh? – Ca-lép.


B. SINH HOẠT.

TAM SAO THẤT BẢN.

– Cách chơi: NHD cho các bạn chơi ngồi thành vòng tròn. NHD trao cho một trong các bạn một câu Kinh Thánh nào đó để truyền thông với nhau. Khoảng 3 phút sau, NHD thổi một tiếng còi kết thúc. Người nào vẫn còn đang nói cho bạn mình thì người đó phải bị loại; trường hợp đã nói xong, thì người vừa mới được nghe phải trình bày lại câu Kinh Thánh đó thật đúng. Nếu sai thì người đó phải bị loại. Trò chơi được lặp lại nhiều lần sau đó.

* Lưu ý: NHD nên chọn câu Kinh Thánh đơn giản, không quá dài.

HÃY NHÌN XEM!

– Cách chơi: Cho các bạn tham gia đứng thành vòng tròn. NHD chọn một người ra trước vòng tròn để quan sát vị trí các bạn thật kỹ, sau đó bịt mắt người này lại khoảng 1 – 2 phút. Sau đó mở khăn bịt mắt cho người này và yêu cầu tìm xem bạn nào đã thay đổi vị trí đứng trong vòng tròn. Nếu bạn nào bị phát hiện, phải ra thay thế làm người quan sát.  

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Để trái cây không bị thâm đen sau khi gọt vỏ: Trước khi gọt, cần chuẩn bị một tô nước muối nhạt, sau khi gọt xong cho trái cây vào trong nước muối, ngâm vài phút rồi vớt ra để ráo, xếp ra đĩa. Trái cây sẽ giữ độ trắng như ban đầu.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 18.08.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 18.08.2019

in PHỤ NỮ on 19 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 18.08.2019

  1. Đề tài: ĐIỀU LÀM THỎA LÒNG.
  2. Kinh Thánh: Ê-sai 55:1,3,6-11.
  3. Câu gốc “Sao các ngươi trả tiền mua đồ không phải là bánh? Sao các ngươi đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no?” (Ê-sai 55:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Câu gốc, bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng hiến, cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Tư tưởng gia Oscar Wilde có lần đã nói “Người sống trong thế gian phải đối diện với hai thảm kịch: Một là không có được điều mình muốn có, và điều còn lại là muốn có được điều mình muốn có”. Chúng ta nghĩ như thế nào về câu nói có tính cách nghịch lý nầy? Riêng tôi, tôi thấy Oscar Wilde đã nói hoàn toàn đúng. Nhận xét của ông là một từng trải khi ông quan sát kỹ đời sống con người. Lão Tử cũng có lần nói: “Con người đau khổ vì bắt cái hữu hạn chứa đựng cái vô hạn”. Người Việt của mình cũng có nhiều câu rất hay, đơn giản, nhưng ý rất thâm sâu. Thí dụ như câu: “đứng núi nầy trông núi nọ”, hoặc câu: “được đó quên đăng, được trăng quên đèn”. Những câu nói nầy nói lên điều gì? Phải chăng là ám chỉ việc không thỏa lòng trong đời sống con người. Tệ hại hơn là câu “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Tình bạn là mối liên hệ thâm tình, thế mà khi giàu họ cũng đổi để cho thích hợp với địa vị, cuộc sống phú quý của họ. Vợ chồng là tình sâu, nghĩa nặng mà cũng vì giàu sang nhiều người bỏ chồng, đổi vợ để thỏa mãn sự khát khao phát xuất từ lòng ích kỷ của mình. Từ đó, tranh chấp, hận thù, đổ vỡ, chia ly xảy ra, làm tan nát không biết bao nhiêu gia đình. Đức Chúa Trời từ trên cao, nhìn thấy suốt sự đau khổ đầy tính chất phi lý nên Ngài đã đặt câu hỏi nầy: “Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh? Sao đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no?” (Ê-sai 55:2). Một số người làm việc đầu tắt mặt tối mà quên cả bổn phận trong gia đình. Lời Chúa trong phần Kinh Thánh hôm nay thật là quý báu cho mỗi chúng ta. Đó là lời mời gọi vô cùng quý báu xuất phát từ tình yêu vô bờ bến của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy suy gẫm đoạn Kinh Thánh nầy để rút ra những bài học hữu ích cho đời sống tâm linh của chúng ta.


I. HÃY MUA ĐIỀU TỐT NHẤT (Ê-sai 55:1).

Thế nào là điều tốt nhất? Để trả lời câu hỏi nầy chúng ta cần biết một điều: Đó là sự khác biệt giữa điều mình muốn và điều mình cần. Có nhiều người đã điên cuồng tìm mọi cách, kể cả bất chính để thỏa mãn điều mình muốn. Than ôi! “Túi tham không đáy”, ai có thể làm cho nó đầy được? Bởi đó mà có câu chuyện “Ăn Khế Trả Vàng”. Qua câu 1, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đến với Ngài; đến với nguồn nước sống để được thỏa mãn điều mình cần. Thật sự cần, mãi mãi cần. Tiên tri đã diễn đạt lời mời ân cần của Chúa qua cách dùng ngôn ngữ trong giới thương mại để giúp người nghe hiểu rõ được sứ điệp vô cùng quan trọng nầy. Chữ “mua” phản nghĩa với chữ “bán”, như vậy thế nào là “Mua mà không cần tiền?” Đây là điều khó cho người mua hiểu được. Nhưng nếu ai hiểu được thì đó là một phước hạnh vô cùng cho họ, vì họ sẽ nhận thức ra rằng Đức Chúa Trời đã yêu thương họ, thương xót họ khi Ngài đã ban Con Một của Ngài là Cứu Chúa Giê-xu, Đấng đã trở nên nguồn nước sống, đời đời, sung mãn cho những ai tìm đến với Ngài (Giăng 7:37-38). Tại sao? Vì tiền không thể nào mua được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Thế tại sao không dùng chữ “cho” để thế chữ “mua”? Ê-sai đã không dùng chữ “cho” để thế chữ “mua” vì một lý do hết sức là thâm thúy. Con người có thể đến với Đức Chúa Trời để nhận được sự cứu rỗi. Bởi vì chính Chúa Giê-xu đã trả giá cho linh hồn của chúng ta bằng huyết của Ngài rồi, nên chúng ta không cần phải trả cho Đức Chúa Trời điều gì cả. Chỉ cần lấy đức tin để tiếp nhận. Giăng 3:16 chép rằng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài; hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.


II. ĐỂ CÓ SỰ BẢO ĐẢM ĐỜI ĐỜI (Ê-sai 55:3).

Để con người có được một đời sống sung mãn, tràn đầy hạnh phúc, hy vọng và niềm vui, con người phải từ bỏ những điều ham muốn quá đáng và phi lý của mắt mình, của tai mình. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta ba điều:

(1) Hãy nghe bằng tai thuộc linh.

(2) Hãy nghe bằng thái độ ân cần, chăm chú (nghiêng tai).

(3) Hãy đến thật gần Đức Chúa Trời để nghe (vì Ngài không nói với mọi người nhưng nói với mỗi tấm lòng, với từng cá nhân).

Tóm lại, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải có ý thức để nhận biết mình sai lầm, từ đó sẽ dẫn đến sự ăn năn, hối cải, cuối cùng lấy đức tin tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Đó là phương cách duy nhất và không có một cách nào khác để con người có sự đảm bảo đời đời.

III. ĐƯỢC SỰ CHỈ DẪN TRỌN VẸN (Ê-sai 55:6-7).

Đã nêu lên ví dụ để chúng ta biết muốn thay đổi đời sống, tín ngưỡng để có sự cứu rỗi đời đời là một điều khó. Đó là thí dụ về yến tiệc lớn (Lu-ca 14:17-18). Ê-sai đã đưa ra những sự chỉ dẫn hết sức thiết thực nhằm giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Thứ nhất người đó phải “tìm kiếm”. Vì sao? Vì “Nước Thiên đàng giống như của báu chôn trong đám ruộng kia” (Mat 13:44). Không thấy giá trị nước trời, con người sẽ không hết lòng tìm kiếm. Thứ hai, người đó phải “kêu cầu”. Vì sao? Vì “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ cửa sẽ mở cho” (Mat 7:7). Lý do là Chúa không ép buộc một ai nhận ơn cứu rỗi, mà Ngài chỉ cho những ai hết lòng cầu xin mà thôi.


1. BIẾT MỘT KẾ HOẠCH TỐT HƠN (Ê-sai 55:8-9).

Có nhiều người do dự không chịu đến với Chúa một cách mạnh dạn, dứt khoát là vì họ không am tường chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Và họ không biết chắc hiệu năng của sự cứu rỗi mà Chúa đã hứa ban cho họ. Theo quan niệm thông thường thì cái gì càng quý thì phải mua càng đắt. Không có cái gì quý mà người ta cho không cả. Vì vậy họ tìm mọi cách, hy sinh, chịu khổ, tu hành, làm công đức, lần chuỗi, tụng niệm với hy vọng rằng mình sẽ đạt được điều mình muốn để bước vào Thiên đàng hoặc Niết bàn hoặc Bồng lai tiên cảnh khi mình lìa bỏ cuộc sống phàm tục. Hiểu rõ những cố gắng vô vọng của con người, Đức Chúa Trời khuyên họ nên nhận thức rằng nếu họ không thể đo lường sự cao xa của đất trời, sự rộng lớn của vũ trụ thì cũng đừng đoán định đường lối Chúa, chỉ nên lấy đức tin chấp nhận mà thôi.

2. MỘT SỰ BẢO ĐẢM THỎA LÒNG (Ê-sai 55:10-11).

Dùng hai thí dụ rất tượng hình, Ê-sai cho chúng ta thấy giá trị sự tin quyết trong Lời của Chúa, “mưa” và “tuyết” mà Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại để bảo tồn thiên nhiên, và Lời Chúa cũng sẽ được ban cho để bảo tồn đời sống tâm linh con người. Lời Chúa sẽ đem đến những hiệu năng siêu việt, những thành quả muôn đời.

a. Đức Chúa Trời đã ban cho ta nhu cầu tâm linh quý báu và chân thật. Hãy khuyến khích người chưa tin tìm đến Ngài để được một đời sống thỏa lòng (Ê-sai 55:1).

b. Lời hứa về một đời sống thiêng liêng trong Chúa Cứu Thế sẽ giúp mỗi người hết lòng tìm kiếm Ngài.

c. Lời hướng dẫn tường tận về chương trình (Ê-sai 55:3) cứu rỗi sẽ nâng đỡ người chưa tiếp nhận Chúa thêm mạnh dạn tin nhận Ngài.

d. Sự nhận thức về sự khôn ngoan kỳ diệu của Đức Chúa Trời giúp người nghe biết hạ mình để nghe lời chỉ dạy của Chúa hầu cho họ có được đời sống sung mãn.

e. Nhận thức giá trị quyền năng của lời chia sẻ Tin lành cho mọi người, đặc biệt là những linh hồn chưa có sự cứu rỗi.


* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Bảo quản thịt: Nếu bạn không có tủ lạnh, muốn giữ thịt tươi
3-4 ngày. Khi mua thịt về, bạn ngâm thịt vào nước phèn chua (10g phèn/1 lít nước chín để nguội). Sau một giờ lấy ra xát muối rang, tán nhỏ vào khắp miếng thịt, đem treo chỗ thoáng. Hoặc gói thịt vào khăn vải nhúng giấm, để qua đêm thịt vẫn tươi ngon.