Chuyên mục: NAM GIỚI

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 05.05.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 05.05.2024

in NAM GIỚI on 1 Tháng Năm, 2024

Chúa nhật 05.05.2024

  1. Đề tài: KINH NGHIỆM ĐỨC CHÚA TRỜI QUA SỰ VÂNG LỜI.
  2. Kinh Thánh: Giăng 14:15, 24a; 1Giăng 2:3-6; Phục 28:15-68.
  3. Câu Gốc: “Ai có các điều răn của Ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến Ta; người nào yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu lại, Ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết Ta” (Giăng 14:21).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 52-54.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 18.02.2024.

* CÂU HỎI GỢI Ý:

Đọc Xuất 17:1-7 rồi trả lời những cụm câu hỏi sau:

(1.1) Câu hỏi phát hiện: Vì sao dân Y-sơ-ra-ên kiếm cớ gây với Môi-se tại Rêphiđim?

(1.2) Câu hỏi suy luận: Khi Môi-se thực hiện đúng theo sự dẫn dắt của Chúa, ông đã tạo được ảnh hưởng lớn nào cho dân Y-sơ-ra-ên?

(1.3) Câu hỏi ứng dụng: Bạn nhận được sự dạy dỗ gì qua gương của Môi-se trong phân đoạn Kinh Thánh này?

(2.1) Môi-se đã làm gì để giải quyết tình trạng thiếu nước uống của dân Y-sơ-ra-ên tại nơi đây?

(2.2) Phép lạ nước chảy ra từ hòn đá tại Hôrếp chứng tỏ điều gì?

(2.3) Bạn có tin Đức Chúa Trời luôn hành động trên đời sống bạn, trên Hội Thánh của bạn không? Dựa vào đâu bạn có đức tin đó?

(3.1) Những hành động nào của Môi-se trong phân đoạn Kinh Thánh này chứng tỏ ông luôn vâng theo Lời Chúa phán?

(3.2) Dấu hiệu nào cho thấy một người đã biết Chúa, kinh nghiệm Chúa trong đời sống?

(3.3) Môi-se đã liên tục kinh nghiệm Chúa trong sự vâng lời, bạn đã kinh nghiệm được Chúa trong sự vâng lời chưa?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. 1. Ý Nghĩa Của Sự Vâng Giữ Mạng Lệnh.

Đức Chúa Trời yêu thương bạn. Ngài muốn điều tốt nhất cho bạn. Đó là lý do vì sao Ngài ban những điều răn và những lời dạy, các mạng lệnh và chỉ dẫn. Các mạng lệnh của Ngài không để giới hạn hay kiềm chế bạn, mà để buông tha cho bạn tự do kinh nghiệm đời sống ý nghĩa nhất có thể có được.

Khi bạn vâng giữ mạng lệnh của Chúa, điều đó có nghĩa là mối tương giao của bạn ở trong sự vui mừng, không gián đoạn với Chúa. Một số người muốn Chúa giao một công tác để làm cho Ngài. Họ hứa nguyện sẽ làm bất cứ điều gì mà Ngài yêu cầu. Nhưng khi Chúa quan sát đời sống họ, Ngài thấy họ không vâng lời trong những điều Ngài đã bảo cho họ rồi.

Không phải những mạng lệnh của Chúa được ban cho, bạn lựa chọn những mạng lệnh nào mình muốn vâng theo rồi quên đi các mạng lệnh còn lại. Ngài muốn bạn vâng giữ toàn bộ các mạng lệnh của Ngài vì cớ mối quan hệ yêu thương của bạn với Ngài. Khi nhìn thấy bạn trung tín và vâng lời trong một việc nhỏ, Ngài mới có thể giao phó cho bạn nhiều hơn. Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt bạn hằng ngày vào những mạng lệnh cụ thể mà Đức Chúa Trời muốn bạn vâng giữ.

  1. 2. Không Vâng Lời Phải Trả Giá Đắt.

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không bao giờ xem nhẹ sự không vâng lời. Sự bất tuân của Giô-na gần như khiến ông phải trả giá bằng mạng sống của mình. Việc Môi-se giết người Ê-díp-tô kia buộc ông trả giá bốn mươi năm trong đồng vắng. Tội của Đa-vít phạm với Bát-sê-ba đã phải trả giá bằng sinh mạng đứa con trai của ông. Chức vụ ban đầu của Phao-lô đã bị ngăn trở rất nhiều bởi sự bất tuân của mình. Nhiều người sợ đến gần ông vì cớ tai tiếng của một người bắt bớ Cơ Đốc nhân.

Dầu Chúa tha thứ và thường ban những cơ hội để bạn ăn năn, nhưng bạn không được phép xem thường sự không vâng lời. Đôi khi, Ngài không ban cơ hội thứ nhì. Hai con trai của A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu, không vâng lời khi xông hương không thánh khiết cho Đức Giê-hô-va; và Đức Chúa Trời đã đánh chết họ (Lê-vi ký 10:1-20).

Môi-se cướp vinh hiển của Đức Chúa Trời trước mặt toàn Y-sơ-ra-ên, ông đánh hòn đá và nói: “Hỡi dân phản nghịch! Hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá này ra cho các ngươi được sao?” (Dân 20:10). Hãy để ý chữ “chúng ta”, Đức Chúa Trời mới là Đấng đem nước ra từ hòn đá. Môi-se đã cướp vinh hiển của Chúa, và Ngài không chịu cất bỏ những hậu quả của sự không vâng lời đó. Ngài không để cho Môi-se được cùng dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa.

  1. Kinh Nghiệm Chúa Qua Sự Vâng Lời.

Lu-ca ghi lại một từng trải đẹp đẽ của các môn đồ Chúa Giê-xu có cùng một mẫu mực này (Lu-ca 10:1-24). Chúa Giê-xu mời 70 môn đồ (bản NIV ghi 72 môn đồ) cùng dự phần với Ngài vào công việc của Đức Chúa Cha. Họ vâng lời và đã kinh nghiệm Chúa làm qua họ, những việc mà chỉ có Đức Chúa Trời mới làm được.

Chúa Giê-xu đã ban cho các môn đồ công việc cụ thể. Họ vâng lời Ngài và kinh nghiệm Đức Chúa Trời làm việc qua mình để chữa bệnh và đuổi ma quỷ. Ngài bảo họ rằng chính sự cứu rỗi của họ mới đáng đem lại niềm vui hơn là sự khuất phục các tà linh (Lu-ca 10:20). Chúa Giê-xu ca ngợi Đức Chúa Cha vì đã bày tỏ chính Ngài cho các môn đồ (Lu-ca 10:21-22). Sau đó, Chúa Giê-xu quay sang các môn đồ và phán: “Phước cho mắt nào được thấy điều các ngươi thấy! Vì Ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên tri và vua chúa ước ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng từng thấy, ước ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng từng nghe” (Lu-caLc 10:23-24).

Các môn đồ đã được Đức Chúa Trời chọn lựa cách đặc biệt để dự phần vào công việc Ngài. Những điều họ đã thấy, nghe và rồi tiến đến chỗ biết được Chúa chính là điều mà ngay cả các tiên tri và các vua muốn được từng trải nhưng không được. Các môn đồ này đã được phước Chúa ban!

Bạn cũng sẽ được phước khi Đức Chúa Trời làm qua bạn một công việc đặc biệt và mang tầm cỡ của Ngài. Bạn sẽ tiến đến chỗ biết Ngài đến nỗi đời sống bạn tràn đầy vui mừng. Khi người khác thấy bạn kinh nghiệm Chúa như vậy, họ cũng muốn làm sao để kinh nghiệm được Ngài, giống như bạn. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để chỉ họ đến với Đức Chúa Trời.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Bạn đã kinh nghiệm Đức Chúa Trời thế nào trong sự vâng lời Ngài?
  2.  Bạn đã kinh nghiệm Đức Chúa Trời thế nào khi bạnkhông vâng lời Ngài?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 28.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 28.04.2024

in NAM GIỚI on 23 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 28.04.2024

  1. Đề tài: BẠN CÓ ĐANG ĐỂ CHÚA LÀM CHỦ TẤM LÒNG?
  2. Kinh Thánh: Giăng 20:28, Ê-phê-sô 3:20, Khải 3:20.
  3. Câu Gốc: “Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho, thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với Ta” (Khải Huyền 3:20).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 49-51.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 07.01.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Khi quyết định tin nhận Chúa Giê-xu, chúng ta cầu nguyện mời Ngài bước vào cuộc đời và làm chủ tấm lòng. Nhưng thành thật mà nói, hãy suy xét lại những ngày tháng qua, bạn có thực sự để Chúa làm chủ tấm lòng cách trọn vẹn? Hay là bạn vẫn đang cố gắng giữ lại một số nơi trong tấm lòng mà không muốn Chúa bước vào?

Thật là một ngày dài đầy mỏi mệt. Tôi quyết định sẽ đi dạo một quãng bên cạnh dòng sông êm đềm. Gió thổi nhẹ qua những tán cây sồi cao. Đó là một ngày mùa thu vàng tuyệt đẹp. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất cô đơn. Có quá nhiều điều xảy ra trong cuộc sống làm tôi bối rối.

Tôi bắt đầu trò chuyện với Chúa Giê-xu, Đấng hiểu hết mọi suy nghĩ trong lòng tôi và yêu thương tôi vô điều kiện.

“Chúa ơi, con đã cầu nguyện xin Ngài ngự vào lòng con nhưng nhiều lúc con thấy lòng mình thật trống trải. Ngài có thật sự ở đó?”

Dường như trong lòng mình, tôi nhận thấy tiếng Chúa thỏ thẻ, “Con yêu dấu của Ta ơi, Ta đã chờ đợi con đến và hỏi Ta. Có những lý do khiến lòng con cảm thấy trống rỗng. Khi Ta đến với những căn phòng của tấm lòng con, thì nó lại đóng kín. Vì yêu thương con, Ta đã giao mọi chìa khóa vào trong tay con. Có những chỗ Ta không vào được vì con đã đóng kín. Con cầu xin Ta làm chủ cuộc đời con nhưng vẫn có những chỗ trong đời sống mình con không muốn mở cửa cho Ta vào. Ta biết là con đã dâng tấm lòng con cho Ta. Nhưng có những căn phòng đặc biệt trong đó con lại đóng chặt với biển báo ‘KHÔNG ĐƯỢC VÀO’. Vì vậy, con đã cảm thấy trống rỗng và lạnh lẽo”.

Tôi liền đáp lại với Chúa, “Nhưng Chúa ơi, những căn phòng đó chứa đầy thương tổn, buồn đau và bối rối. Chúng là những căn phòng duy nhất mà con chưa mở bởi vì khi mở ra nó sẽ rất đau. Chẳng lẽ không thể để nó đóng chặt được sao?”

“Không, con của Ta. Nếu con muốn Ta là Chúa của cuộc đời con thì Ta phải ngự trị và làm chủ tấm lòng con. Toàn bộ tấm lòng. Con cần phải mở căn phòng có tên ‘Không tha thứ’ ấy ra và con hãy tha thứ. Thật sự tha thứ và bỏ qua lỗi lầm. Rồi hãy tiếp tục đi đến căn phòng có tên là ‘Đau buồn’ và để Ta khỏa lấp căn phòng ấy với sự yên ủi và yêu thương. Rồi hãy đến với căn phòng có tên ‘Quá khứ’ và để Ta thanh tẩy nó bằng huyết báu của chính Ta. Ta sẽ lấy đi mọi thứ trong những căn phòng ấy và đổ đầy chúng với tình yêu, lòng thương xót và sự tha thứ. Ta sẽ cất hết những nỗi đau, sẽ lau sạch những thương tổn và con sẽ tìm thấy những điều quý giá giấu kín ở đó”.

Tôi nhớ lại việc Chúa Giê-xu đã sinh ra ở nơi chuồng chiên máng cỏ vì nhà trọ không còn phòng trống cho Ngài. Từ nhỏ, mỗi lần nghĩ đến việc không còn phòng cho Chúa Giê-xu, tôi lại cảm thấy rất buồn. Và chính lúc này, Chúa lại nhắc nhở tôi vì đang làm điều tương tự, khi đóng chặt những căn phòng trong tấm lòng mình không để Chúa bước vào. Chính tôi cũng đang làm giống như người chủ nhà trọ khi xưa, bảo rằng lòng tôi không còn chỗ trống cho Ngài. Chúa muốn tôi mở lòng mình ra và mời Ngài không chỉ bước vào mà còn có toàn quyền làm chủ mọi căn phòng, mọi lĩnh vực của tấm lòng, của đời sống tôi. Đã nhiều năm qua, tôi đóng chặt những căn phòng đó, không để Ngài bước vào. Tôi tự hỏi tại sao mình có thể xưng Ngài là Chúa, là chủ trong khi lại không thực sự để Ngài kiểm soát trọn vẹn tấm lòng mình?

Tôi quỳ xuống bên cạnh dòng sông và xin Chúa Giê-xu bước vào những căn phòng đó. Và Ngài đã bước vào. Tôi tin rằng Ngài cũng sẽ làm như vậy với chính bạn. Hãy để Ngài làm chủ toàn bộ tấm lòng bạn. Không phải là một phần nhưng là toàn bộ. Và bạn sẽ hoàn toàn được thay đổi cách đầy lạ lùng.

“Đức Chúa Trời là Đấng hành động trong chúng ta bằng quyền năng Ngài, có thể làm trổi hơn bội phần mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê-sô 3:20).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì vẫn đóng chặt những căn phòng trong tấm lòng mình. Hôm nay con xin giao phó trọn vẹn tấm lòng con cho Chúa, xin Ngài ngự trị, làm chủ và cai quản mọi lĩnh vực của đời sống con. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen. Quý thính giả thân mến, có lĩnh vực nào trong đời sống bạn vẫn chưa hoàn toàn đầu phục theo ý muốn Chúa, vẫn muốn giữ riêng cho mình, làm theo tiêu chuẩn và ý muốn mình? Hôm nay Chúa mời gọi bạn hãy tin cậy Ngài cách trọn vẹn, đầu phục Ngài trọn vẹn và kinh nghiệm quyền năng biến đổi lạ lùng của Chúa sẽ tỏ bày trên đời sống bạn.

Marsha Brickhouse (Oneway.vn)

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 21.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 21.04.2024

in NAM GIỚI on 15 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 21.04.2024 (CN Tương trợ).

  1. Đề tài: HÃY MANG LẤY GÁNH NẶNG CHO NHAU.
  2. Kinh Thánh: 1Giăng 3:17, Ga-la-ti 6:10, Hê-bơ-rơ 13:16.
  3. Câu Gốc: “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ” (Ga-la-ti 6:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 46-48.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 21.01.2024.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 14.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 14.04.2024

in NAM GIỚI on 9 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 14.04.2024

  1. Đề tài: MỐI QUAN HỆ THỰC HỮU, CÁ NHÂN, THỰC TIỄN.
  2. Kinh Thánh: Giê-rê-mi 31:3; Sáng 16:1-13; Giăng 15:16,19; Mác 6:7-13; Công 12:1-17.
  3. Câu Gốc: “Ta đã dùng dây nhân tình, dùng xích yêu thương kéo chúng nó đến. Ta đã như những kẻ cởi ách khỏi hàm chúng nó, và để đồ ăn trước mặt chúng nó” (Ô-sê 11:4).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 43-45.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 17.03.2024.

Đề tài 1: Mối quan hệ giữa con người với Đức Chúa Trời là không thực hữu.

Đề tài 2: Mối quan hệ giữa con người với Đức Chúa Trời là thực tế và cá nhân.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Diễn giải.

Đức Chúa Trời luôn luôn khởi xướng trước trong mối quan hệ yêu thương này. Chúa phải khởi xướng và đến với chúng ta, thì chúng ta mới kinh nghiệm được Ngài. Đây là lời chứng của toàn Kinh Thánh. Chúa đã đến với A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen. Ngài đã thông công với họ và họ với Chúa trong tình yêu thương. Chúa đến với Nô-ê, Áp-ra-ham, Môi-se, và các tiên tri. Điều này cũng đúng trong Tân ước nữa. Chúa Giê-xu đã đến với các môn đồ, chọn họ ở với Ngài và kinh nghiệm tình yêu của Ngài. Ngài đến với Phao-lô trên con đường Đa-mách. Trong tình trạng con người tự nhiên của chúng ta, chúng ta không tự mình chủ động tìm kiếm Ngài trước.

  1. ĐỨC CHÚA TRỜI KHỞI XƯỚNG.

Tội lỗi ảnh hưởng trên chúng ta đến nỗi không ai tự chủ động tìm kiếm Chúa (Rô-ma 3:10-12). Do đó, Chúa đã khởi xướng mối quan hệ yêu thương của Ngài với chúng ta trước. Đây chính là điều Ngài đã làm: “Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến” (Giê-rê-mi 31:3; Ô-sê 11:4).

Tình yêu mà Chúa tập trung vào đời sống bạn là tình yêu đời đời. Bởi tình yêu đó mà Chúa đã kéo bạn đến với chính Ngài, dù bạn vẫn chưa tiếp nhận tình yêu đó. Khi bạn vẫn còn thù nghịch với Chúa, thì Đức Chúa Trời đã ban Con Ngài chết thay bạn. Muốn neo chắc kinh nghiệm và biết ý muốn Chúa, bạn phải tin tuyệt đối nơi tình yêu Chúa dành cho bạn.

Chúa đã đến với Sau-lơ, về sau gọi là Phao-lô (Công vụ 9:1-19). Trong lúc Sau-lơ đang thực sự chống Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, nhưng Ngàiđã đến với Sau-lơ (Phao-lô) và bày tỏ những ý định đầy tình yêu của Đức Chúa Cha dành cho ông. Chúa Giê-xu phán với những môn đồ Ngài: “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn Ta, bèn là Ta đã chọn và lập các ngươi…. các ngươi không thuộc về thế gian và Ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian” (Giăng 15:16,19). Điều này cũng đúng trong đời sống chúng ta. Chúng ta không chọn Chúa. Chúa chọn chúng ta, yêu chúng ta, và bày tỏ những ý định đời đời của Ngài cho đời sống chúng ta.

Nếu Đức Chúa Trời không chủ động trước, chúng ta sẽ không bao giờ kinh nghiệm được tình yêu của Ngài, ở trong Ngài và biết Ngài.

  1. MỐI QUAN HỆ THỰC HỮU, CÁ NHÂN, THỰC TIỄN.
  2. Mối quan hệ Chúa muốn có với bạn sẽ là mối quan hệ thực tế và cá nhân.

Có người hỏi: “Liệu người ta có thể thực sự có một mối quan hệ thực tế, cá nhân và thực tiễn với Đức Chúa Trời không?” Họ dường như nghĩ Chúa ở rất xa và không quan tâm đến nếp sống hằng ngày của họ. Đó không phải là Đức Chúa Trời chúng ta thấy trong Kinh Thánh đâu.

Từ Sáng Thế ký đến Khải Huyền, chúng ta thấy Đức Chúa Trời quan hệ với dân sự bằng những cách cá nhân, mật thiết và thực tế. Chúa đã tương giao mật thiết với A-đam và Ê-va, đồng đi với họ trong vườn vào buổi xế chiều. Đức Chúa Trời đã đi theo họ để khôi phục mối quan hệ yêu thương. Ngài đã đáp ứng nhu cầu rất thực tiễn bằng cách ban áo che phủ sự lõa lồ của họ (Sáng 3:10-11, 21).

A-ga đã bị Sa-rai lợi dụng, ngược đãi, và xử tệ. A-ga chạy trốn để cứu mạng. Khi cạn kiệt mọi nguồn cung ứngkhông còn biết trông mong vào đâu, khi mọi hy vọng đã tàn thì Đức Chúa Trời đến với nàng. Trong mối quan hệ với Chúa, nàng biết Ngài nhìn thấy mình, biết nhu cầu và trìu mến chu cấp cho nàng (Sáng 16:1-13). Chúa quan tâm đến mỗi cá nhân.

Các môn đồ cũng có mối quan hệ thực tế, cá nhân, và thực tiễn với Chúa Giê-xu – tức Con Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã chọn họ để họ được ở với Ngài. Có được mối quan hệ mật thiết như thế với Chúa Giê-xu quả sung sướng biết bao! Khi họ được giao một công tác rất khó khăn, Ngài không sai họ mà không giúp đỡ. Chúa đã ban cho họ uy quyền trên các tà linh mà trước đó họ chưa hề biết (Mác 6:7-13).

Tình yêu thương phải thực tế và cá nhân. Người ta không thể yêu nếu không có “ai đó” để yêu. Mối quan hệ yêu thương với Đức Chúa Trời xảy ra giữa hai hữu thể thực tế. Đấy luôn luôn là khao khát của Ngài. Ngài là Thân Vị tuôn đổ sự sống Ngài vào đời sống bạn. Nếu vì lý do nào đó không nhận ra mối quan hệ giữa bạn với Chúa cách thực tế, cá nhân, và thực tiễn, bạn cần dành thì giờ đánh giá lại mối quan hệ giữa mình với Ngài. Hãy ra mắt Chúa trong sự cầu nguyện xin Ngài bày tỏ bản chất thật của mối quan hệ giữa bạn với Ngài. Hãy cầu xin Ngài đưa bạn vào mối quan hệ ấy.

  1. Sự hiện diện và công việc của Chúa trong đời sống bạn rất thực tiễn.

Đức Chúa Trời chúng ta là một Đức Chúa Trời rất thực tiễn. Ngài đã thực hữu trong Kinh Thánh. Hôm nay Ngài vẫn thực hữu y nguyên như vậy. Lúc ban ma-na, chim cút và nước cho con cái Y-sơ-ra-ên, cũng như khi Chúa Giê-xu hóa bánh nuôi 5000 người, Ngài đã rất thực tiễn với con người chúng ta.

Sự hiện diện liên tục của Chúa là phần thực tiễn nhất trong đời sống và chức vụ của bạn. Buồn thay, chúng ta thường giao cho Chúa một chỗ rất hạn hẹp trong đời sống mình. Sau đó chúng ta kêu cầu Ngài mỗi khi cần được giúp. Điều đó hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta tìm được trong Lời Chúa. Ngài chính là Đấng đang hành động trong thế giới chúng ta. Toàn bộ kế hoạch để Ngài mở mang Nước Trời tùy thuộc vào việc Ngài hành động bằng những cách thực tế và thực tiễn qua mối quan hệ với dân sự Ngài.

Đức Chúa Trời có thể tạo ra sự khác biệt thực tiễn trong những mối quan hệ của bạn giữa gia đình, Hội Thánh, và với người khác. Bạn có thể gặp gỡ Đức Chúa Trời cách thực tiễn đến nỗi bạn biết mình đang kinh nghiệm Ngài.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Đọc Rô-ma 3:10-12 rồi trả lời các câu hỏi sau:
  2. Có bao nhiêu người tự có sự công nghĩa?
  3. Có bao nhiêu người tự hiểu được những vấn đề thuộc linh?
  4. Có bao nhiêu người tự tìm kiếm Đức Chúa Trời?
  5. Có bao nhiêu người tự làm lành?
  6. 2. Bạn có hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời rất thực tế, cá nhân và thực tiễn trong thời nay không? Vì sao bạn tin như thế?
  7. 3. Khi nói Đức Chúa Trời rất thực tế và cá nhân, bạn đã trải nghiệm điều này như thế nào trong mối quan hệ của bạn với Ngài?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 07.04.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 07.04.2024

in NAM GIỚI on 1 Tháng Tư, 2024

Chúa nhật 07.04.2024

  1. Đề tài: MỐI QUAN HỆ YÊU THƯƠNG.
  2. Kinh Thánh: Sáng 3:9; Phục 6:4-5; Êph 2:10; Phi-líp 3:4-14; Mat 6:19-21, 33.
  3. Câu Gốc: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Phục 6:4-5).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 40-42.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 28.01.2024.

Câu hỏi gợi ý: Xem phân đoạn Kinh Thánh Phi-líp 3:4-14; chọn một trong các cụm câu hỏi sau:

(1.1) Câu hỏi phát hiện: Trong quá khứ, Phao-lô là một người như thế nào?

(1.2) Câu hỏi suy luận: Vì sao Phaolô xem thường quá khứ của mình như vậy?

(1.3) Câu hỏi áp dụng: Trong quá khứ, có những điều nào đã ảnh hưởng, hạn chế mạnh mẽ trên đời sống của bạn ngày nay không? Bạn nghĩ mình được định hướng chủ yếu bởi quá khứ hay bởi tương lai của mình? Vì sao?

(2.1) Phao-lô đã khao khát điều gì kể từ khi ông nhận biết Chúa là quý hơn hết trong đời sống mình?

(2.2) Theo bạn, làm thế nào để có thể biết Chúa, ở trong Chúa và trở nên giống như Chúa?

(2.3) Khao khát lớn nhất trong đời sống bạn là gì? Bạn làm gì để thực hiện khao khát đó?

(3.1) Phao-lô làm gì để chuẩn bị cho giải thưởng trong tương lai?

(3.2) Giựt giải về sự kêu gọi trên trời có nghĩa là gì?

(3.3) Bạn đang đầu tư đời sống, thời gian và những nguồn cung ứng của mình vào đâu?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. ĐƯỢC DỰNG NÊN CHO MỐI QUAN HỆ YÊU THƯƠNG.

Nếu đang đứng trước mặt Chúa, liệu bạn có thể mô tả mối quan hệ của mình với Ngài bằng cách nói: “Con hết lòng, hết linh hồn, hết trí và hết sức mà yêu mến Chúa” không? CÓ hay KHÔNG, vì sao? Có thể chúng ta từng vâng lời, hầu việc, thờ phượng, và kính sợ Chúa nhưng không thể nói rằng mình yêu Ngài. Chúa dựng nên chúng ta cho mối quan hệ yêu thương với Ngài. Nếu không thể mô tả mối quan hệ của mình với Chúa bằng cách nói “Con yêu Ngài trọn cả con người con”, thì bạn cần phải cầu xin Đức Thánh Linh đưa bạn vào mối quan hệ đó.

Nếu muốn tóm tắt toàn bộ Cựu ước, thì câu tóm tắt đó sẽ được diễn tả qua câu Kinh Thánh này: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Phục 6:4-5).

Lời kêu gọi tận đáy lòng này của Đức Chúa Trời được diễn tả qua suốt Cựu ước. Bản chất của Tân ước cũng giống như vậy. Chúa Giê-xu đã trích lời từ Phục Truyền để nói đến điều răn lớn hơn hết trong luật pháp là: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi (Mác 12:30). Mọi sự trong đời sống Cơ Đốc của bạn, về việc biết và kinh nghiệm ý muốn của Chúa, đều tùy thuộc vào phẩm chất mối quan hệ yêu thương giữa bạn với Ngài. Nếu mối quan hệ yêu thương đó không ổn, không một điều nào trong đời sống của bạn sẽ ổn được.

  1. II. ĐƯC DNG NÊN KHÔNG PHI CHO CÕI THI GIAN, NHƯNG CHO CÕI ĐI Đ

Đức Chúa Trời không dựng nên bạn cho cõi thời gian; Ngài dựng nên bạn cho cõi đời đời. Cõi thời gian (trọn quãng đời bạn sống trên đất) là cơ hội để làm quen với Ngài. Đây là cơ hội để Chúa phát triển tính cách bạn trở nên giống như hình ảnh của Ngài. Rồi cõi đời đời sẽ dành cho bạn những chiều kích đầy trọn nhất.

Nếu chỉ biết sống trong cõi thời gian (hiện trên đất này), bạn sẽ đánh mất ý nghĩa tối hậu của sự sáng thế. Nếu sống cho cõi thời gian, bạn sẽ để cho quá khứ hình thành và định hướng cuộc sống mình hôm nay. Cuộc sống bạn với tư cách con cái Chúa, đáng ra phải được định hướng bởi tương lai (những đặc điểm mà một ngày kia bạn sẽ có). Chúa dùng thời gian hiện tại để nắn đúc bạn và định hình sự hữu ích tương lai của bạn ngay trên đất này và trong cõi đời đời.

Phao-lô là một người Do Thái chính thống và trung thành ra từ chi phái hoàng tộc Bên-gia-min. Ông giữ luật pháp của người Pha-ri-si không chỗ trách được. Ông là người sốt sắng hầu việc Đức Chúa Trời. Phao-lô xem những điều lợi đó như rác và sự lỗ. Phao-lô muốn biết Đấng Christ, được ở trong Ngài, và trở nên giống như Ngài để được phước hạnh trong tương lai (sống lại từ trong kẻ chết). Ông quên lửng quá khứ mà bươn đến tương lai. Phao-lô nhắm vào mục đích trong tương lai là giải thưởng ở trên trời (Phi-líp 3:4-14).

Khát vọng thực sự của Phao-lô chính là biết Đấng Christ và trở nên giống như Ngài. Bạn cũng có thể đặt đời sống mình dưới sự dẫn dắt của Chúa để tiến đến chỗ biết Ngài, yêu mến chỉ một mình Ngài và trở nên giống như Đấng Christ. Hãy để hiện tại của bạn được nắn đúc và định hình bởi những điều bạn sẽ trở nên ở trong Đấng Christ. Bạn được tạo dựng cho cõi đời đời!

Bạn cần bắt đầu định hướng đời sống mình vào những mục đích của Đức Chúa Trời. Mục đích của Ngài vượt quá cõi thời gian để tiến vào cõi đời đời. Hãy bảo đảm bạn đang đầu tư đời sống, thì giờ và những nguồn cung ứng của bạn vào những điều còn lại đến đời đời chứ không vào những điều sẽ qua đi. Nếu không nhận thấy Chúa đã dựng nên bạn cho cõi đời đời, thì bạn đang đầu tư sai hướng. Bạn cần phải chất chứa của cải ở trên trời (Ma-thi-ơ 6:19-21, 33).

Đây là lý do vì sao quan hệ yêu thương với Đức Chúa Trời lại quan trọng đến như vậy. Chúa yêu thương bạn. Ngài biết điều tốt nhất cho bạn. Chỉ có Chúa mới có thể hướng dẫn bạn đầu tư đời sống cách có giá trị. Sự dẫn dắt này sẽ đến khi bạn “bước đi” với Chúa và lắng nghe tiếng Ngài.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. 1. Vì sao chúng ta phải “chứa của cải ở trên trời”?
  2. 2. Bạn đã nhận được điều gì trong mối yêu thương của bạn với Chúa?

3. Làm thế nào để gìn giữ và phát triển mối tương giao của bạn với Chúa mỗi ngày?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 31.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 31.03.2024

in NAM GIỚI on 25 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 31.03.2024

(Lễ Kỷ niệm Chúa Giê-xu Phục sinh).

  1. Đề tài: BA CÂU HỎI QUAN TRỌNG.
  2. Kinh Thánh: Châm 16:25; Công 4:12; Giăng 14:6.
  3. Câu Gốc: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN:  Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng tiền, đọc bài cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin Lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có ba câu hỏi vô cùng quan trọng, mà tất cả chúng ta cả dòng nhân loại, từ thế hệ này qua thế hệ kia luôn luôn thắc mắc, luôn luôn khao khát được trả lời thật rõ ràng và thỏa đáng. Ba câu hỏi này, sở dĩ vô cùng quan trọng là vì nó liên hệ đến nguồn gốc, ý nghĩa cuộc đời và tương lai của chúng ta. Ba câu hỏi đó là:

– “Có Đức Chúa Trời (ông Trời) hay Đấng Tạo Hóa không?”

– “Có phải mọi tôn giáo đều giống nhau không?”

– “Cái gì ở đằng sau cái chết?”

  1. “Có Đức Chúa Trời hay Đấng Tạo Hóa không?”

Đây là một câu hỏi lớn nhất, mà nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu thời giờ, bút mực, tư duy, trí tuệ, năng lực để cùng chứng minh hai điều trái ngược nhau là Đức Chúa Trời hiện hữu và Đức Chúa Trời không hề hiện hữu. Sau khi trưng dẫn biết bao là bằng chứng, đưa ra biết bao nhiêu là lý luận, thì câu hỏi này vẫn hoài là một câu hỏi không có câu trả lời, bởi vì Đấng Tạo Hóa không phải là một đối tượng vật chất để các nhà khoa học có thể phân tích và chứng minh, và Ngài cũng không phải là một phạm trù tư duy để các triết gia suy diễn và lý luận.

Kinh Thánh là Lời của Đấng Tạo Hóa, không trưng dẫn bằng chứng, cũng không lý luận có hay không, nhưng Kinh Thánh hướng mọi người về một con người có thật trong lịch sử tên là Giê-xu. Là Đấng tự xưng mình đến từ Trời, là Đấng tự thừa nhận mình là Con Đức Chúa Trời trong thân xác con người.

Để biết Đấng Tạo Hóa là Đấng như thế nào, quý vị và tôi chỉ cần nhìn vào đời sống của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là Đấng thánh khiết tuyệt đối, không bao giờ phạm tội. Ngài là Đấng yêu thương vô điều kiện, bằng lòng giáng thế làm người để tìm kiếm và cứu vớt chúng ta, trong khi chúng ta còn ngoảnh mặt lại với Đấng tạo dựng ra mình. Ngài là Đấng công bình tuyệt đối, nên phải nhận lấy cơn thịnh nộ của Cha Ngài thế cho chúng ta. Ngài là Đấng tha thứ trọn vẹn, đến nỗi phải chịu hy sinh tính mạng của Ngài chuộc tội cho muôn người. Và cuối cùng, Ngài là Đấng quyền năng vô song, vì Ngài đã chết nhưng đã đắc thắng tử thần, sống lại hiển vinh. Sự giáng trần, đời sống trọn lành, sự giảng dạy, sự chết thế hy sinh và quan trọng nhất là sự phục sinh vinh hiển của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã trả lời cho mọi thắc mắc của con người về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, như chính Ngài có tuyên bố: “Ta là Đấng trước hết, và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ” (Khải Huyền 1:17,18).

  1. Có phải mọi tôn giáo đều giống nhau không? Có phải mọi con đường đều dẫn đến sự cứu rỗi không?

Trong khi mọi tôn giáo là nỗ lực riêng của con người để tìm về lại với Đấng Tạo Hóa, thì chỉ duy Chúa Giê-xu là Đấng Tạo Hóa đã giã từ thiên đàng để tìm đến với con người.

Trong khi mọi tôn giáo dùng bao mỹ từ cao trọng và đẹp đẽ để diễn tả về Đấng mình tôn thờ, nhưng chỉ duy những người tin nhận Chúa Giê-xu gọi Đấng Tạo Hóa là Cha thân yêu của mình.

Trong khi các giáo chủ tôn giáo giảng thuyết và chỉ cho con đường giải thoát, thì Chúa Giê-xu đã giáng trần, không chỉ giảng dạy, nhưng còn chịu chết thay để giải thoát cho con người khỏi món nợ tội. Trong khi các giáo chủ mọi tôn giáo đã chết và chết luôn, không hề sống lại, nhưng chỉ duy Chúa Giê-xu đã chết và phục sinh.

Chúa Cứu Thế Giê-xu không phải là một giáo chủ tôn giáo. Ngài đã chết, nhưng đã sống lại. Sự kiện phục sinh bày tỏ Ngài là duy nhất, là Đấng Tạo Hóa trong thân xác con người, là con đường cứu rỗi duy nhất cho chúng ta, có một không hai, như chính Ngài có khẳng định: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).

  1. “Cái gì ở đằng sau cái chết?”

Chết là nỗi sợ hãi to lớn nhất của con người, vì bí mật sâu thẳm và quyền lực to lớn của nó. Có ai mà không chết và có ai chết mà sống lại được, để kể về đằng sau sự chết là gì?

Nhưng sau khi Chúa Cứu Thế Giê-xu chết và đã sống lại, Ngài tuyên bố đã đắc thắng quyền lực của sự chết. Âm phủ kể từ đó, không còn quyền giam giữ những ai đã tin vào sự chết thế của Con Trời. Khi chúng ta tin vào sự chết thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì cái chết không còn đáng sợ nữa, nhưng chết là cửa ngõ để đi vào sự sống phước hạnh đời đời, như Kinh Thánh có tuyên bố: “Vả, nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rô-ma 6:8).

Sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu là nền tảng của niềm tin, là tất cả hy vọng của những ai tin nhận Ngài, như sứ đồ Phao-lô có đã nói: “Nếu Chúa Cứu Thế không sống lại, lời giảng dạy của chúng tôi hóa ra vô ích, và đức tin anh em cũng mất nền tảng. Nếu Chúa Cứu Thế đã chẳng sống lại, đức tin anh em hóa ra vô ích, anh em vẫn còn bị đày đọa trong tội lỗi, và nếu thế các tín hữu đã chết cũng vĩnh viễn hư vong” (1Cô-rinh-tô 15:14,17,18).

Các môn đệ của Chúa Giê-xu vẫn còn lo âu, sợ hãi cho đến khi họ được gặp lại Ngài sống lại, bằng xương bằng thịt.

Một người thanh niên tên Sau-lơ, học rộng, tài cao, là một người lãnh đạo Do-thái giáo, đã dẫn đầu trong việc bức bách phá hại những người theo Chúa Giê-xu. Cho đến khi người thanh niên này gặp gỡ Chúa Giê-xu phục sinh, để rồi trở nên sứ đồ Phao-lô cao trọng, chuyên rao giảng sự chết và sự sống lại của Ngài.

Hàng triệu triệu con người, nếu hỏi điều gì đã thay đổi cuộc đời của họ, thì câu trả lời là họ đã gặp được Chúa Giê-xu phục sinh, Đấng đã sống lại và đang sống trong lòng họ. Cuộc đời của chúng ta sẽ vẫn mãi vô nghĩa, vô mục đích và vô vọng, sẽ mãi lẩn quẩn trói buộc trong ba thắc mắc lớn nhất là “Đấng Tạo Hóa có hiện hữu hay không?”“Tôn giáo nào cũng tốt” và “Đằng sau sự chết là gì?”, cho đến khi nào chúng ta chịu mở cánh cửa lòng để gặp gỡ Chúa Giê-xu phục sinh vậy.

                                                                    Theo Internet

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 24.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 24.03.2024

in NAM GIỚI on 20 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 24.03.2024 (Chúa Giê-xu vào Giê-ru-sa-lem).

  1. Đề tài: Ý NGHĨA VỀ HÔ-SA-NA.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 118:25-26, Ma-thi-ơ 21:9,15; Mác 11:9-10; Giăng 12:13.
  3. Câu gốc: “Người đi trước kẻ theo sau đều la lên rằng: Hô-sa-na! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!(y) 10 Phước cho nước đến, là nước vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!” (Mác 11:9-10).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 37-39.
  5. Thể loại: Ca ngợi – Cảm tạ.  

* CHỈ DẪN: Ca ngợi – Cảm tạ.  

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Tiếng “Hô-sa-na” có gốc từ Tiếng Hy-bá-lai có nghĩa là “Xin hãy cứu” hay “Xin ban ơn cứu rỗi” và được lấy từ Thi Thiên 118:25 “Đức Giê-hô-va ôi! xin giải cứu chúng con; Đức Giê-hô-va ôi, xin cho chúng con được thịnh vượng”.

Trong hội đường, lời kêu cầu này trở thành lời tung hô, tôn vinh và chúc tụng Đức Chúa Trời hãy cứu giúp. Vào ngày lễ Đền Tạm, dân chúng làm thành đoàn cầm lá, họ vừa đi vừa hát Hô-sa-na. “Đáng ca ngợi Đấng nhân danh Đức Giê-hô-va mà đến! Từ nơi nhà Đức Giê-hô-va, chúng con chúc tụng Ngài” (Thi Thiên 118:26).

Câu Thi Thiên 118:26 này, ban đầu chỉ với ý định xin Chúa ban phước cho những người hành hương tiến vào đền thờ. Nhưng rồi “Hô-sa-na” đã mất đi ý nghĩa nguyên thủy ban đầu là “Xin hãy cứu”, thay vào đó truyền thông sau này đã dần sử dụng Hô-sa-na với ý nghĩa thành lời tung hô vui mừng chiến thắng, là lời tôn vinh dành cho Chúa Giê-xu.

Khi Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem, công chúng hoan nghênh và kêu lớn tiếng: “Hô-sa-na”, tức là có ý cầu xin Chúa ban cho Đấng Mê-si cùng phước lành của Ngài (Ma-thi-ơ 21:9,15; Mác 11:9-10; Giăng 12:13). Trong Thi Thiên 118:25, thì có ý là cầu Chúa cứu giúp. Khi giữ lễ Lều tạm ở đền thờ, đến ngày thứ bảy cuối cùng gọi là “Ngày Hô-sa-na Lớn”, các thầy tế lễ đọc Thi Thiên 113:1; 118:1, mọi người trong lòng vui mừng, thường đồng thanh kêu lớn tiếng “Hô-sa-na”, giữa các tiếng hô thường cách nhau một khoảng thời gian ngắn.

Hội Thánh đời sau dầu quên mất ý nghĩa nguyên gốc, nhưng trong các bài thi ca vẫn còn dùng chữ Hô-sa-na. Cũng có nghĩa là vui mừng, nhảy nhót và ca ngợi.

Khi Hê-bơ-rơ 9:28 và Khải 7:9-10 được ứng nghiệm ngày Chúa tái lâm, thì Y-sơ-ra-ên sẽ dự phần về tiếng kêu Hô-sa-na đó và reo lên “Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!” (Lu 13:35; Thi 118:25-26; Ê-sai 12:1-3).

Mục Vụ Do Thái – Lời Sự Sống Việt Nam.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 17.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 17.03.2024

in NAM GIỚI on 12 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 17.03.2024

  1. Đề tài: ĐẦY TỚ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
  2. Kinh Thánh: Giê-rê-mi 18:1-6; Thi 119:73; Mat 20:26-28; Phi-líp 2:5-8; 1Cô 1:26-31.
  3. Câu Gốc: “Nếu ai hầu việc Ta, thì phải theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ hầu việc Ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc Ta, thì Cha Ta ắt tôn quí người” (Giăng 12:26).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 34-36.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, Ủy viên Linh vụ giao hai đề tài cho hai nhóm.

Đề tài 1: Là người đầy tớ của Đức Chúa Trời, tôi nhận mệnh lệnh từ Ngài và tự tôi sẽ cố gắng thực hiện.

Đề tài 2: Là người đầy tớ của Đức Chúa Trời, tôi luôn vâng lời theo sự dẫn dắt của Chúa và để Ngài hành động qua tôi.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Bạn có muốn trở thành đầy tớ của Đức Chúa Trời không? Hãy tìm xem Chủ ở nơi đâu, rồi bạn cần có mặt ở đó. Tìm xem Chủ đang làm gì, rồi bạn cần làm ngay việc đó. Chúa Giê-xu phán: “Nếu ai hầu việc Ta, thì phải theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ hầu việc Ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc Ta, thì Cha ta ắt tôn quí người” (Giăng 12:26).

Chúng ta thường hành động như thể Chúa nói cho chúng ta biết Ngài muốn chúng ta làm gì rồi sai đi cho chúng ta tự mình cố gắng làm. Sau đó, bất cứ khi nào cần, thì chúng ta có thể kêu cầu và Chúa sẽ giúp. Đó không hề là hình ảnh của Kinh Thánh. Khi Chúa sắp làm điều gì, Ngài bày tỏ điều ấy cho dân sự Ngài hoặc qua đầy tớ của Ngài (A-mốt 3:7).

Khi Đức Chúa Trời sắp làm điều gì qua bạn, Ngài phải đem bạn ra khỏi nơi của bạn để đến nơi của Ngài. Chính lúc biết Chúa đang hành động tại chỗ của bạn, đời sống bạn sẽ lâm vào chỗ tương phản với Ngài. Bạn không thể vừa cứ đi theo con đường riêng của mình vừa đồng đi với Đức Chúa Trời được.

  1. I. Là một người đầy tớ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải:

(1) Chịu nhào nặn (2) Ở lại trong tay người chủ (Giê-rê-mi 18:1-6). Sau đó chỉ một mình người chủ mới có thể sử dụng vật dụng mà chủ chọn. Đầy tớ không thể tự mình làm được điều gì cả. Chúa Giê-xu phán: “Con chẳng tự mình làm việc gì được” (Giăng 5:19) và “Vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5). Khi Đức Chúa Trời làm việc qua đầy tớ đó, người đó có thể làm bất cứ đIều gì Đức Chúa Trời làm.

  1. II. Làm đầy tớ đòi hỏi phải vâng lời:

Đầy tớ phải làm những gì được truyền bảo, nhưng buộc phải nhớ ai là người đang hoàn tất công việc – đó là Đức Chúa Trời.

Nếu bạn đang hầu việc Chúa theo định nghĩa này của thế gian về đầy tớ, khái niệm này phải thay đổi cách bạn tiếp cận sự hầu việc Chúa. Bạn không nhận những mệnh lệnh để sau đó đi ra thực hiện. Bạn liên hệ và đáp ứng với Chúa, điều chỉnh đời sống bạn cho đúng, để Chúa có thể làm mọi điều Ngài muốn qua đời sống bạn.

III. Những tấm gương của người đy tớ vâng phục Chúa.

  1. 1. Tiên Tri Ê

Tiên tri Ê-li đã thách thức những tiên tri Ba-anh (vị thần phồn thực của Ca-na-an), để chứng minh một lần đủ cả rằng Đức Chúa Trời là thần, ông đã hết sức mạo hiểm trong cương vị đầy tớ của Chúa.

Ê-li ít hơn tiên tri Ba-anh và tiên tri Át-tạt-tê theo tỉ lệ một trên 850. Nếu Đức Chúa Trời không bày tỏ công việc của chính Ngài bằng cách giáng lửa và thiêu hóa của lễ (và bàn thờ) như Ê-li đề xướng, thì ông sẽ hoàn toàn thất bại. Ê-li ắt hẳn mất mạng. Ông sửa lại bàn thờ của Chúa. Ê-li đã phải cứ ở lại và làm mọi điều Chúa ra lệnh cho ông. Ê-li vâng theo mạng lệnh Chúa chứ không dựa trên sáng kiến của cá nhân ông. Ông đi đến nơi Chúa sai, và làm mọi điều Chúa bảo. Sau đó Đức Chúa Trời hoàn tất mục đích Ngài qua ông. Ê-li muốn mọi người xác nhận Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Đó chính là cách mọi người đã đáp ứng.

Ê-li hay Chúa đã giáng lửa từ trời xuống? Đức Chúa Trời làm. Ê-li làm gì? Chỉ vâng lời. Ê-li không có khả năng làm điều Chúa làm. Và Chúa đã hành động qua sự vâng lời của đầy tớ Ngài, để mọi người nhận biết Chúa là Đức Chúa Trời Chân Thật, bởi việc làm mà chỉ mình Ngài mới có thể làm được (1Các vua 18:1-46).

  1. 2. Chúa Giê-xu.

Nhiều đoạn Kinh Thánh mô tả Chúa Giê-xu là đầy tớ của Đức Chúa Trời. Ngài trở thành một đầy tớ đã hoàn tất ý muốn của Đức Chúa Trời trong chương trình cứu chuộc loài người. Đây là những điều mà sứ đồ Phao-lô nói về Ngài:

“Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự!” (Phi-líp 2:5-8).

Trong lời chỉ dẫn của Chúa Giê-xu cho các môn đồ về tinh thần làm đầy tớ, Ngài mô tả vai trò phục vụ của chính Ngài:“Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:26-28). Chúa Giê-xu cũng dạy chúng ta về mối quan hệ giữa chúng ta với Ngài: “Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các ngươi thể ấy” (Giăng 20:21).

 

 

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. 1. Bạn đang làm việc nào trong đời sống cá nhân và trong Hội Thánh, mà bạn biết mình không thể hoàn tất nếu Chúa không can thiệp vào?
  2. 2. Khi Chúa làm việc thì chất lượng phục vụ và số lượng những kết quả lâu bền, có khác biệt so với khi bạn làm việc không?

3. Bạn có muốn trở thành người đầy tớ của Đức Chúa Trời không? Bạn có tin rằng Ngài sẽ làm những việc phi thường qua đời sống bạn không? Tại sao?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 10.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 10.03.2024

in NAM GIỚI on 5 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 10.03.2024 (CN Phụ Nữ Tin Lành)

  1. Đề tài: NGƯỜI NỮ TRONG NHÀ CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Châm ngôn 31:10-31.
  3. Câu gốc: “Duyên là giả dối, sắc lại hư không; nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen ngợi” (Châm 31:30).
  4. Đố Kinh Thánh: Theo chủ đề.
  5. Thể loại: Thi nấu ăn.

* CHỈ DẪN: Thi nấu ăn.

  1. Mục đích: Tạo điều kiện cho các người nam có cơ hội trổ tài nội trợ, để giúp đỡ những người nữ trong gia đình (mẹ, vợ….) trong việc chăm lo các bữa ăn mỗi ngày.
  2. Ban hướng dẫn chuẩn bị.
  3. Mời người trong ban chấp sự Hội Thánh làm giám khảo.
  4. Thông báo thể lệ thi cho các nhóm. Yêu cầu họ chuẩn bị các vật dụng nấu ăn (bếp củi, nồi, dao, thớt…) và vật dụng ăn uống (tô, chén, dĩa, đũa…) cho nhóm của mình.
  5. Chuẩn bị nhiều phần thức ăn bằng nhau (gạo, thịt, cá, tôm, rau cải, bột nêm, dầu ăn…). Số phần thức ăn tương ứng với số nhóm của ban Nam giới.
  6. Thi nấu ăn.
  7. Một người chia sẻ ngắn (10 phút) về ý nghĩa của phân đoạn Kinh Thánh làm nền và câu gốc.
  8. Trưởng ban thông báo thể lệ cuộc thi.

– Các nhóm tập trung hàng dọc trước ban hướng dẫn và sẽ được phân phát thức ăn giống nhau.

– Sau hiệu lệnh, các nhóm sẽ nấu ăn trong vòng 30 phút (cơm và 2-3 món ăn) và dọn ra trên dĩa hoặc tô.

– Đúng giờ, ban giám khảo sẽ chấm điểm:

     4Tổ chức qui củ: 10 điểm.

     4Sạch sẽ và ngăn nắp: 10 điểm.

     4Tinh thần làm việc hăng say, vui vẻ và đoàn kết: 10 điểm.

     4Thức ăn ngon, mỗi món (cả cơm): 10 điểm.

     4Trình bày thức ăn đẹp: 10 điểm.

  1. Phát thưởng và thông công.

     – Tuyên bố điểm và phát thưởng.

     – Dọn và ăn chung với nhau.

  1. Chỉ dẫn nấu ăn.

Sau đó, những người nấu ăn ngon sẽ lần lượt chỉ dẫn người khác cách nấu ăn, để các ông trở thành những người biết giúp đỡ, chia sẻ việc nội trợ trong gia đình.

* Món Ăn Gợi Ý.

CÁNH GÀ CHIÊN NƯỚC MẮM.

  • Nguyên liệu:

– 400g cánh gà.

– Đường: 2 muỗng.

– Nước mắm: 2 muỗng.

– Tỏi: 2 củ.

  • Cách làm:

– Bước 1: (sơ chế nguyên liệu): Cánh gà rửa nước sạch, sau đó rửa lại với nước muối pha loãng cho hết mùi hôi rồi các bạn đem thấm khô, cho vào lò vi sóng quay ít phút (hoặc có thể luộc qua). Làm như vậy bạn cánh gà khi rán sẽ mau chín, tiết kiệm được thời gian rán. Tỏi băm nhỏ.

– Bước 2: Cho cánh gà vào rán ngập dầu với mức lửa to, đến khi lớp da gà có độ giòn và chuyển màu vàng ruộm thì vớt ra. Lót giấy thấm dầu cho bớt độ béo.

– Bước 3:  Đem phi thơm tỏi với 1 chút dầu ăn. Khi tỏi thơm hạ lửa nhỏ, cho vào chảo đường và nước mắm theo tỉ lệ: 1:1 (cứ 1 thìa nước mắm kèm một thìa đường). Sau khi ước lượng nước mắm và đường vừa đủ, bật lửa to trở lại rồi thả cánh gà vào, cầm cán chảo lắc qua lắc lại cho hỗn hợp tỏi-mắm-đường ngấm đều. Khi thấy món ăn chuyển màu vàng sánh thì tắt bếp, gắp cánh gà ra đĩa trình bày.

Vị mặn thơm của nước mắm, quyện với tỏi băm và bám đều vào miếng cánh gà khiến cho bất cứ ai khi nhìn thấy món ăn này cũng khó có thể cầm lòng.

Chúc các bạn thành công với món cánh gà chiên nước mắm này nhé!

CANH RAU ĐAY NẤU VỚI CUA ĐỒNG.

  • Nguyên liệu:

– 1 mớ rau đay (300 – 500g tùy thành viên trong gia đình).

– 1 mớ rau mồng tơi (300 – 500g tùy thành viên trong gia đình)

– 1kg cua đồng.

– 1 quả mướp.

– Hành tím, ớt, tỏi.

– Gia vị: muối, bột ngọt, 1 muỗng nhỏ mắm tôm.

  • Cách làm:

Cách nấu canh cua rau đay mặc dù đơn giản nhưng phải làm sao để có được bát canh ngon, đậm đà, không ngán khi ăn nhưng vẫn giữ được độ béo ngậy vừa đủ của bát canh, để cả nhà ăn thấy ngon miệng.

– Bước 1: Làm cua.

Cách nấu canh cua rau đay phải chú ý ngay từ bước đầu của việc chọn cua, cua được chọn phải còn sống, không gãy chân, gãy càng. Cua được mua về đem ngâm với nước sạch trong 30 phút để bùn bẩn được ra ngoài. Sau đó mới thực hiện làm cua.

Cua đã được ngâm rửa sạch, bóc yếm và mai cua, lấy phần gạch cua cho vào bát. Tiếp đến ta cho phần thân cua đã được loại bỏ yếm và mai cho vào cối giã nát hoặc có thể xay nhuyễn trong máy xay sinh tố.

Bạn cho vào cua xay nửa thìa muối trắng, một tô nước, dùng tay bóp nhẹ nhàng cua xay, lọc cẩn thận lấy phần nước cua và bỏ đi phần xác cua. Hãy sử dụng dụng cụ lọc thật cẩn thận.

– Bước 2: Sơ chế rau và mướp.

Rau đay, mồng tơi được nhặt sạch cuống, sau đó rửa sạch và ngâm trong chậu nước muối pha loãng. Ngâm rau trong nước muối là cách tốt nhất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau 20 phút ngâm với nước muối, bạn rửa rau lại một lần nữa và thái nhỏ rau.

Cách nấu canh cua rau đay thơm ngon là không thể thiếu một quả mướp, nhưng nếu gia đình bạn không thích ăn mướp thì có thể thay thế bằng quả bầu. Mướp gọt hết vỏ, rửa sạch và thái thành miếng vừa miệng ăn.

– Bước 3: Nấu canh cua.

Bạn cho hết nước cua vào nồi, đun sôi với lửa nhỏ.  Để có được cách nấu canh cua rau đay thơm ngon, bạn nên chú ý cẩn thận ở bước này. Nếu nấu ở lửa to, khi canh sôi mạnh thịt cua có thể trào ra ngoài mất đi dinh dưỡng. Vì vậy, nên để lửa nhỏ, canh cua sôi, thịt cua bắt đầu kết lại thành tảng thì bạn cho mướp, sau 3 phút có thể cho rau đay và rau mồng tơi vào. Cuối cùng là thả phần gạch được lấy trong mai cua cho vào nồi canh.

Cách nấu canh cua rau đay để không bị nồng và rau có được màu xanh mát nhẹ nhàng, là khi nấu bạn không đậy nắp. Sau khi những nguyên liệu cho vào nồi canh sôi, sau 1 phút bạn có thể tắt bếp.

– Bước 4: Phi tỏi, hành cho vào canh.

Một nồi canh cua rau đay ngon không thể thiếu được hương vị thơm của hành tỏi phi vàng. Vì vậy, bạn có thể đập hoặc băm nhuyễn hành tỏi và vài lát ớt, sau đó đặt chảo lên bếp cho dầu nóng và phi vàng hành tỏi. Cuối cùng là cho vào nồi canh cua khi thấy hành, tỏi đã được vàng thơm.

Cách nấu canh cua rau đay không hề khó chút nào, hãy thể hiện tài năng nội trợ của mình trong bữa cơm của gia đình. Ăn canh cua rau đay với món nào là ngon? Với món canh này ngày hè thì bạn có thể ăn kèm với bát cà muối, thịt kho tàu thì ngon hết ý.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 03.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 03.03.2024

in NAM GIỚI on 26 Tháng Hai, 2024

Chúa nhật 03.03.2024

  1. Đề tài: SINH NHẬT QUÝ I.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 146.
  3. Câu Gốc: “Con sẽ ca ngợi Đức Giê-hô-va suốt đời, nếu con còn sống bao lâu, con sẽ ca hát cho Đức Chúa Trời của con bấy lâu” (Thi Thiên 146:2 – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 31-33.
  5. Thể loại: Sinh nhật.

* CHỈ DẪN: Sinh nhật.

  1. Thông báo danh sách những người có ngày sinh trong Quý 1 (tháng 1,2,3) trước một tuần lễ; bổ sung tên những người còn thiếu.
  2. Thư ký trao danh sách cho thủ quỹ mua quà. Quà tặng sinh nhật nên mua nhiều hơn số cần, phòng khi có khách, thân hữu… đến dự và cũng có ngày sinh trong quý đó.
  3. Những người không nhớ ngày sinh, có thể chọn ngày cưới, ngày tin nhận Chúa, ngày chịu báp-têm… để làm sinh nhật.
  4. Chuẩn bị một chiếc bánh sinh nhật (nếu có thể), kích thước chiếc bánh tùy theo số người tham dự.
  5. Mời những người có tên trong danh sách “sinh nhật” lên phía trên, số người còn lại hát chúc mừng. Tất cả cùng cầm dao cắt bánh. Mời người cầu nguyện đặc biệt cho họ.
  6. Ban hướng dẫn tặng quà cho những người có sinh nhật.
  7. Mời một số người có sinh nhật làm chứng, ca ngợi Chúa, chia sẻ những kinh nghiệm thuộc linh để khích lệ các ban viên.
  8. Chơi trò chơi, đố vui và ăn bánh sinh nhật…

* Trò Chơi Dành Cho Người Có Sinh Nhật:

Chuẩn bị một số lời yêu cầu vui, mời những người có sinh nhật lên bốc thăm và thực hiện theo lời yêu cầu đó.

* Trò Chơi Tập Thể:

CHỐNG LẠI ĐIỀU XẤU

J Cách chơi: NHD đứng trước một người nào đó nói điều gì thì người đối diện phải nói điều ngược lại. Ví dụ: NHD nói “Địa ngục” thì người đối diện đáp lại “Thiên đàng”. NHD nói “Biếng nhác” thì người đối diện đáp lại “Siêng năng”. NHD nói “Ghen ghét” thì đối diện đáp lại “Yêu thương”… (Người nào không ứng xử nhanh xem như thua và bị phạt).

HỎI – TRẢ LỜI

K Chuẩn bị:

– Giấy, viết, 2 chiếc nón.

– Chia làm hai nhóm: Nhóm Nam và nhóm Nữ.

J Cách chơi:

Trên miếng giấy các bạn bên Nữ ghi 1 câu hỏi bất kỳ – còn bên Nam tưởng tượng ra 1 câu trả lời bất kỳ. Sau đó gom tất cả vào chiếc nón của nhóm mình – 2 nhóm cử ra 2 người lần lượt lên bốc câu hỏi – câu trả lời đọc lên cho mọi người nghe. Nếu câu hỏi và trả lời có ý nghĩa sẽ được thưởng (lần sau có thể làm ngược lại: Nam hỏi – Nữ trả lời).