Chuyên mục: NAM GIỚI

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 20.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 20.10.2024

in NAM GIỚI on 31 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 20.10.2024

  1. Đề tài: THA THỨ LẪN NHAU.
  2. Kinh Thánh: Ê-phê-sô 4:31-32; Ga-la-tiGl 6:1; Mat Mt 6:12.
  3. Câu Gốc: “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi” (Mat 6:14).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 49-50.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 22.09.2024.

– Đọc Ma-thi-ơ 18:21-35.

– Câu hỏi gợi ý:

(1.1) Vị Vua trong câu chuyện ẩn dụ này đã có thái độ gì và đối xử như thế nào khi người đầy tớ sấp mình cầu xin người tha nợ cho?

(1.2) Qua hình ảnh của vị vua trong câu chuyện này, Chúa    Giê-xu muốn dạy dỗ chúng ta điều gì?

(1.3) Bạn đã tha thứ cho anh em đã phạm lỗi với bạn như thế nào? Xin chia sẻ một vài trải nghiệm của bạn.

(2.1) Vì sao người đầy tớ trong câu chuyện này bị gọi là độc ác?

(2.2) Nếu chúng ta không thể tha thứ cho anh em mình, chúng ta có nhận được sự tha thứ của Chúa không? Vì sao?

(2.3) Theo bạn, làm thế nào chúng ta có thể tha thứ đến 70 lần 7 như Lời Chúa dạy?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Nếu một người làm tổn thương bạn, đã được bạn tha thứ nhưng vẫn tiếp tục tổn thương bạn thêm nữa. Bạn sẽ đối xử với người đó như thế nào? Liệu bạn có tiếp tục tha thứ lần nữa hay không? Dù biết rằng điều này không dễ gì thực hiện, nhưng chương trình hôm nay muốn khích lệ bạn hãy nương dựa nơi quyền năng của Chúa, xin Ngài giúp bạn có thể bày tỏ lòng thương xót và tha thứ với người tổn thương mình.

Phi-e-rơ cùng với 11 môn đồ còn lại đồng hành cùng Chúa Giê-xu qua nhiều chặng đường. Họ là những con người có cá tính khác nhau, thói quen khác nhau, và tâm trạng khác nhau. Có người khá dễ chịu, có người lại bốc đồng như Phi-e-rơ chẳng hạn, có người cứng nhắc, có người dè dặt… và tất nhiên xung đột là điều không thể tránh khỏi.

Chúa Giê-xu muốn các môn đồ của mình tha thứ, không phải 7 lần, cũng không phải 70 lần 7 là 490 lần, mà là tha thứ cách trọn vẹn, tha thứ không giới hạn vì con số 7 tượng trưng cho sự trọn vẹn. Chúa Giê-xu biết giá trị của sự tha thứ. Nhưng Ngài cũng hiểu rõ bản tính yếu đuối của con người. Trong Lu-ca 6:27-28, Chúa truyền dạy: “Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa sả mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình” (Lu-ca 6:27-28).

Yêu kẻ thù, chúc phước cho kẻ rủa sả mình sao? Phải, đó là điều không dễ. Vì vậy chúng ta phải cần đến lòng thương xót của Chúa. Trước hết phải nhận biết rằng tình yêu thương của Ngài đã khỏa lấp tội lỗi chúng ta. Ngài đã hy sinh trên thập tự giá để tội lỗi chúng ta được tha thứ, thì chúng ta cũng có thể bày tỏ sự tha thứ và thương xót người khác khi hy sinh cái tôi của bản thân. Ma-thi-ơ 5:45-48 bày tỏ phương cách mà con cái Đức Chúa Trời cần hành xử để mang vinh hiển cho Ngài, đó là phải bày tỏ lòng thương xót với những người đang gây lầm lỗi cho chúng ta. Hay nói cách khác, chúng ta phải bày tỏ lòng tha thứ với họ.

Tương tự như vậy, Lu-ca 6:35-36 chép,

“Nhưng các con hãy yêu kẻ thù mình, hãy làm ơn, và hãy cho mượn mà đừng mong trả lại. Như vậy, phần thưởng của các con sẽ lớn, và các con sẽ là con của Đấng Chí Cao, vì Ngài lấy lòng nhân từ đối đãi người vô ơn và kẻ độc ác. Hãy thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Đôi khi vợ, chồng hay con cái của chúng ta, chính là đối tượng mà Chúa dạy chúng ta phải tha thứ nhiều nhất. Bởi vì họ là những người gần gũi nhất, nên từng lời nói của họ có thể đâm sâu, gây tổn thương cho chúng ta hơn cả kẻ thù.

Tôi từng nghe một cô y tá chia sẻ trong nước mắt, “Con gái tôi làm tan vỡ tấm lòng tôi. Nó mới 14 tuổi nhưng đã đòi bỏ học, bỏ nhà ra đi và trước khi đi nó còn nói “con ghét mẹ”.

Không dễ gì để cảm thấy được yêu và bày tỏ tình yêu mỗi ngày, vì cảm xúc luôn thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh xung quanh. Không những thế, khi chúng ta muốn yêu thì cảm xúc ghét bỏ lại nổi lên. Khi chúng ta muốn chúc phước thì sự rủa sả lại xuất hiện. Chúng ta đang ở trong một trận chiến với kẻ thù mà chúng ta không thấy được.

Có câu nói như thế này, “bạn không thể đuổi con chim khỏi đầu mình, nhưng bạn có thể ngăn cản không cho nó làm tổ trên đầu bạn”. Có một thời gian tôi cầu nguyện liên tục cho những người bạn đồng nghiệp của mình, sau khi nghe những cay đắng mà họ tâm sự. Tôi xin Chúa giúp loại bỏ những “tổ chim” ra khỏi tâm trí và tấm lòng họ. Mới đây, một đồng nghiệp đã tâm sự là công việc thuận lợi hơn. “Tôi quyết định tha thứ cho sếp, đơn giản là vì tôi không muốn mang lấy sự buồn bực cho bản thân mình” – bạn ấy chia sẻ.

Hãy nhớ rằng Sa-tan, kẻ thù của chúng ta vẫn đang đứng sau hậu trường, tìm cách chia rẽ và khiến chúng ta đối địch lẫn nhau. Nếu chúng ta mở cửa cho sự ghen ghét, thù hận xen vào thì rất khó để chúng ta yêu thương và tha thứ. Chúng ta không thể sống xứng đáng với sự kêu gọi của Chúa. Đức Thánh Linh sẽ thêm sức để chúng ta có thể tha thứ nếu chúng ta biết gắn mình trong Chúa Giê-xu, nhận biết rằng chính Ngài đã treo thân trên thập tự giá để tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Chúa đã sống lại rồi và ngày hôm nay Ngài đang sống, tuôn đổ quyền năng của Ngài trên đời sống chúng ta. Ngoài Chúa ra chúng ta không thể làm gì cả. Nhưng khi ở trong Ngài, chúng ta có năng lực để lựa chọn sự tha thứ. Chỉ đơn giản là đến với Chúa Giê-xu, và xin Ngài giúp chúng ta làm điều đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật khó để con tha thứ cho những người làm tổn hại đến mình. Con cầu xin Chúa thêm sức cho con, giúp con nhìn họ theo cái nhìn của Chúa, để con có thể bày tỏ lòng thương xót và tha thứ. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Quý thính giả thân mến, nếu bạn đang giữ lòng cay đắng, buồn bực với một ai đó, giờ này Chúa muốn bạn đến với Ngài, nêu tên người đó ra và xin Chúa ban cho bạn năng lực để có thể tha thứ.

oneway.vn

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 13.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 13.10.2024

in NAM GIỚI on 31 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 13.10.2024 (Thanh Thiếu niên Tin lành)

  1. Đề tài: NGƯỜI TRẺ TUỔI VÀ LỜI CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên119:9-16.
  3. Câu Gốc: “Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận theo Lời Chúa” (Thi Thiên 119:9).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Họp bạn.

* CHỈ DẪN: Họp bạn.

  1. Tham dự: Mời các ban Thanh niên và Thiếu nhi cùng ban Nam giới tham dự Chương trình họp bạn.
  2. Chương trình: Nhiều tuần trước ngày họp bạn, mời đại diện các ban họp lại để cùng hoạch định chương trình và phân chia công tác:

– Thời gian, địa điểm, chủ đề, câu gốc, thể loại thực hiện…

– Phân chia trách nhiệm cho từng ban: Tập hát, làm chứng, đố Kinh Thánh, phần thưởng, sinh hoạt, hướng dẫn chương trình, ẩm thực… Mỗi ban chịu một số tiết mục.

  1. Tiết mục: Các tiết mục nên có trong ngày họp bạn là: Bài ca mới, ca ngợi và cảm tạ, đố vui, đố Kinh Thánh, kịch, trò chơi lớn…
  2. Bảng tên: Dự kiến số người tham dự và số người cho mỗi nhóm để chuẩn bị các màu giấy thích hợp cho việc chia nhóm, mỗi màu là một nhóm. Bảng tên phải ghi rõ tên và Hội Thánh để mọi người dễ làm quen. Sau đó mỗi nhóm cử một trưởng nhóm, một thư ký, điều khiển nhóm mình tham gia trò chơi và sinh hoạt.
  3. Phần thưởng: Phần thưởng cho sinh hoạt nhóm phải sử dụng phù hợp cho giờ thông công sau đó.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO .

Tình trạng đạo đức của giới trẻ hiện nay thế nào? Trước giả Thi Thiên khuyên người trẻ tuổi phải làm gì? Làm thế nào để Thanh Thiếu niên Cơ Đốc có thể làm theo Lời Chúa? Hội Thánh và gia đình cần giúp gì cho giới trẻ?

Xã hội chúng ta đang sống cũng như xã hội trong thời đại Kinh Thánh đều đầy dẫy tình trạng đồi trụy, ô uế, đạo đức sa sút… và rất nhiều cám dỗ lôi cuốn giới trẻ rơi vào đời sống bất khiết, đắm chìm trong những thú vui của đời, tìm kiếm sự thành công, danh vọng và lạc thú theo trào lưu của xã hội. Họ không nhận ra giá trị đích thực của con người, nhưng bị hoa mắt với những hào nhoáng bên ngoài và chạy theo những gì mắt mình ưa thích. Vì thế, Lời Chúa trở nên xa vời đối với các bạn trẻ. Họ thờ ơ trước kho tàng quý báu trong tầm tay, và đánh mất cơ hội khám phá giá trị đời đời trong Lời Chúa. Do đó, rất nhiều Thanh Thiếu niên đã sa lầy và không giữ được đời sống trong sạch, liêm khiết ngay từ khi còn rất trẻ. Vậy làm sao để Thanh Thiếu niên Cơ Đốc có thể giữ cho đường lối mình được trong sạch trước mặt Chúa?

Trước giả Thi Thiên đã đưa ra một giải pháp tối hậu cho câu hỏi trên, đó là “phải cẩn thận theo Lời Chúa” (câu 9). Chỉ có Lời Chúa là Lời khôn ngoan và có năng quyền mới có thể giúp Thanh Thiếu niên giữ mình trong sạch và thánh khiết. Để giữ đường lối mình được trong sạch, người trẻ tuổi ngoài việc cẩn thận làm theo Lời Chúa, còn cần phải hết lòng tìm kiếm Ngài để không lạc lối (câu 10), giấu Lời Chúa trong lòng để không phạm tội (câu 11), thuật lại việc Chúa làm cho người khác (câu 13), ưa thích, trân quý và chú tâm suy ngẫm Lời Chúa luôn luôn (câu 14-16). Lời Chúa có tác dụng thanh tẩy và biến đổi đời sống, cho nên tuổi trẻ cần phải trang bị Lời Ngài như là hành trang không thể thiếu cho đường lối cuộc đời mình. Ngày trước, Đức Chúa Trời cũng đã phán dạy ông Giô-suê: “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước” (Giô-suê 1:8). Đó là những bí quyết rất quý báu dành cho thanh thiếu niên, là lứa tuổi đang bước vào đời và đang tìm hướng đi cho mình.

Hội Thánh phải quan tâm đến Thanh Thiếu niên, tìm mọi cách giúp giới trẻ học Lời Chúa và vâng giữ Lời Ngài, để có thể giữ đường lối trong sạch trước mặt Chúa và có hướng đi đúng cho cuộc đời. Gia đình cũng phải dạy dỗ Lời Chúa cho con cháu mình ngay từ thuở ấu thơ, duy trì gia đình lễ bái để giúp các bạn trẻ xây dựng cuộc sống trong sạch và phước hạnh theo Lời Chúa.

Hội Thánh của bạn quan tâm giúp cho giới trẻ sâu nhiệm trong Lời Chúa bằng những cách nào?

“Lạy Chúa, xin nhắc chính mình con, cũng như các bạn trẻ phải nhớ cẩn thận làm theo Lời Chúa, để giữ cho đường lối mình trong sạch giữa xã hội băng hoại và tội lỗi này.

Nguồn Internet

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 06.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 06.10.2024

in NAM GIỚI on 28 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 06.10.2024

  1. Đề tài: GIỮ SỰ THÔNG CÔNG TRONG HỘI THÁNH.
  2. Kinh Thánh: Giăng 13:34; Rô-ma 15:2,12:15; Công 2:42-47.
  3. Câu Gốc: “Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện” (Công 2:42).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 43-45.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 14.07.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có thể nói phân đoạn Kinh Thánh này là một khuôn mẫu sinh hoạt cho các Hội Thánh. Lu-ca đã mô tả lại những sinh hoạt thường xuyên của các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên thật tuyệt vời. Họ kính sợ Chúa, trung tín trong sự nhóm lại, yêu mến Lời Chúa, hết lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, làm sáng Danh Chúa và ảnh hưởng tốt đến nhiều người.

Một trong những điểm nổi bật của các tín hữu Hội Thánh đầu tiên là giữ mối thông công tốt đẹp trong Hội Thánh. Trong tình thông công đó, họ hiệp lại với nhau cùng chung dự Tiệc Thánh để nhắc nhau về sự hy sinh của Chúa Giê-xu, rồi cầu nguyện cho nhau. Mối thông công tốt đẹp thể hiện qua sự hiệp một trong Hội Thánh. Các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên đã “tâm đầu ý hợp”, một lòng quan tâm đến nhu cầu của nhau và thể hiện qua hành động “bán hết tài sản, của cải mình có mà phân phát cho nhau tùy theo nhu cầu của mỗi người. Ngày nào họ cũng chuyên tâm đến đền thờ; và từ nhà này đến nhà khác, họ bẻ bánh và dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ, chân thành, ca ngợi Đức Chúa Trời và được ơn trước mặt mọi người” (Công 2:45-47 – BHĐ). Thật đây là một bức tranh quá đẹp về mối thông công giữa những anh em cùng đức tin trong Hội Thánh!

Nhờ mối thông công và lòng trung tín của họ, mà mỗi ngày có thêm nhiều người được cứu vào trong Hội Thánh (câu 47). Nếu con cái Chúa trong các Hội Thánh ngày nay có thể giữ được sự thông công tốt đẹp như các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên, thì chắc chắn cũng sẽ thu hút và đem thêm được nhiều người vào Hội Thánh. Nhưng thật đáng buồn làm sao khi có nhiều Hội Thánh tan rã, do những mâu thuẫn giữa con dân Chúa với Mục sư hoặc ngược lại, hoặc giữa các tín hữu với nhau. Làm sao chúng ta có thể cứu người nếu mối thông công trong Hội Thánh không tốt đẹp?

Để giữ được sự thông công hiệp một, mỗi tín hữu phải học theo gương các tín hữu đầu tiên: chuyên tâm giữ Lời Chúa, hết lòng cầu nguyện, kính sợ Chúa, quan tâm đến nhu cầu của nhau và sẵn sàng chia sẻ. Từng con dân Chúa phải làm theo lời dạy của sứ đồ Phao-lô: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:3-4).

Bạn có đang hết sức giữ gìn sự thông công tốt đẹp với anh chị em mình trong Hội Thánh không?

“Lạy Chúa, xin nhắc nhở chính mình con phải biết gìn giữ mối thông công với anh chị em trong Hội Thánh, để từ đó có thể đem lại ảnh hưởng tốt cho người khác và giúp họ có cơ hội đến với Ngài”.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên sinh hoạt ra sao? Họ giữ mối thông công như thế nào?
  2. Kết quả từ sự trung tín của họ là gì?
  3. Trong Hội Thánh ở địa phương của bạn đã giữ mối thông công với nhau như thế nào?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 29.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 29.09.2024

in NAM GIỚI on 28 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 29.09.2024

  1. Đề tài: PHẢI ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 6:19-20; Lu-ca 11:13; Công Vụ 2:4; Giăng 7:37-39.
  3. Câu Gốc: “Đừng say rượu vì rượu xui cho luông tuồng, nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:18).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 40-42.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 07.07.2024.

Đề tài 1: Cơ Đốc nhân cần phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Đề tài 2: Cơ Đốc nhân chỉ cần có Đức Thánh Linh.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sứ đồ Phao-lô dùng hình ảnh “say rượu” để so sánh khi dạy các con cái Chúa “phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”. Ông nói: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”. Người ta thường mượn rượu để giải sầu hoặc để có thêm can đảm, vì men rượu làm cho hưng phấn. Nhưng những điều do rượu mang lại chỉ là tạm thời, sau đó là say sưa và “luông tuồng,” nghĩa là trụy lạc, phóng đãng. Thay vào đó, hãy tìm niềm vui bất tận và sức mạnh Thiên thượng trong Thánh Linh.

Rượu xui cho luông tuồng vì người say rượu sẽ mất tự chủ, rượu sẽ sai khiến người đó nói và làm những việc bậy bạ, sai trật mà họ không hề biết. Nhưng người đầy dẫy Đức Thánh Linh lại sinh ra những phẩm chất tốt đẹp của Trái Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22), trong đó có sự tiết độ, tức tự chủ. Câu 19-20 cho thấy cuộc đời của người đầy dẫy Đức Thánh Linh là những chuỗi ngày ca ngợi tôn vinh Chúa bằng cả môi miệng lẫn tấm lòng; người ấy sẽ không có lời than thở, nản lòng khi gặp nghịch cảnh nhưng luôn sống với tinh thần tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì biết rằng Chúa luôn tể trị mọi sự và luôn ban mọi điều tốt nhất cho con cái Ngài (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18).

Vậy làm thế nào để đầy dẫy Đức Thánh Linh? Khi một người tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa Cứu Thế, thì người ấy được Thánh Linh ngự vào lòng và được tái sinh làm con của Đức Chúa Trời. Cơ Đốc nhân tuy đã nhận được Thánh Linh ngay khi thật lòng tin Chúa, nhưng để đầy dẫy Thánh Linh thì phải đầu phục sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Có Đức Thánh Linh là được Chúa ngự vào lòng một lần đủ cả, nhưng đầy dẫy Thánh Linh là quyết định sống theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh mỗi ngày, mỗi phút giây, nghĩa là phải đầu phục Chúa liên tục và trọn vẹn.

“Phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” là một mệnh lệnh phải vâng lời, không phải muốn hay không muốn. Khi phạm tội hoặc khi cái tôi của chúng ta nổi lên làm chủ khiến chúng ta không vâng theo Lời Chúa dạy, chúng ta đang làm buồn Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 4:30), hoặc có thể chúng ta đang dập tắt Thánh Linh (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:19) bằng thái độ lạnh nhạt, không đáp ứng với ngọn lửa Thánh Linh đang bùng cháy trong lòng. Những lúc như vậy, dù Đức Thánh Linh vẫn ở trong chúng ta, nhưng chúng ta không còn đầy dẫy Đức Thánh Linh nữa. Khi ấy, cần phải xưng tội, ăn năn (1Giăng 1:9), quay trở lại sống trong sự vâng phục Chúa để được tiếp tục đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Bạn có nhận biết mình luôn được đầy dẫy Thánh Linh không?

“Lạy Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trị và dẫn dắt con theo Chúa mỗi ngày. Xin tha thứ cho con vì con đã làm buồn lòng Chúa; xin giúp con vâng phục Chúa từng ngày để con luôn được đầy dẫy Thánh Linh”.

Văn Phẩm Nguồn Sống.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 22.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 22.09.2024

in NAM GIỚI on 16 Tháng Chín, 2024

Chúa nhật 22.09.2024

  1. Đề tài: CẦU NGUYỆN RIÊNG VỚI CHA.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 88:1, Mác 6:46, Lu-ca 22:39-46.
  3. Câu Gốc: Sau khi từ biệt họ, Ngài đi lên núi để cầu nguyện (Mác 6:46 – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 37- 39.
  5. Thể loại: Hướng dẫn Học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

  1. Mời người hướng dẫn học Kinh Thánh.
  2. Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn một số câu hỏi học Kinh Thánh theo một phương pháp nào đó.
  3. Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để ban viên phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
  4. Người hướng dẫn chỉ nên dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp); hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
  5. Xin soạn 2-3 cụm câu hỏi, mỗi cụm có 3 câu: Sự kiện, suy luận và áp dụng.

* Đọc Kinh Thánh: Mác 6:46 và Lu-ca 22:45-46.

– Câu hỏi gợi ý:

(1.1) Chúa Giê-xu làm gì sau khi truyền cho dân chúng ra về?

(1.2) Vì sao Ngài cần thời gian ở riêng một mình?

(1.3) Bạn thường dành thì giờ ở riêng với Chúa như thế nào?

(2.1) Chúa Giê-xu nhắc nhở các môn đồ làm gì để khỏi sa vào sự cám dỗ? Họ có làm theo Lời phán của Chúa không?

(2.2) Hình ảnh “Các môn đồ ngủ mê” đã nhắc nhở điều gì cho đời sống tâm linh của Cơ Đốc nhân?

(2.3) Sự cầu nguyện đã giúp bạn vượt qua những thử thách, cám dỗ trong đời sống theo Chúa của bạn như thế nào, xin kể ra những trải nghiệm của bạn.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong những năm chức vụ của Chúa Giê-xu, Ngài luôn thể hiện một đời sống cầu nguyện. Có ít nhất 38 lần trong các sách Phúc Âm ghi lại việc Chúa Giê-xu cầu nguyện. Trong phân đoạn này, sứ đồ Ma-thi-ơ ghi lại việc Chúa dành thời gian cầu nguyện một mình ngay trước và sau phép lạ hóa bánh cho hơn năm ngàn người ăn (Ma-thi-ơ 14:13-23).

Điều này chứng tỏ mối liên hệ mật thiết của Ngài với Đức Chúa Cha, và chức vụ trên đất của Ngài luôn tùy thuộc vào ý muốn Cha. Mặc dù Chúa Giê-xu cũng là Đức Chúa Trời, nhưng khi làm người, Ngài vẫn dành thời gian cầu nguyện riêng với Cha. Cầu nguyện là việc làm thường xuyên của Chúa để tương giao với Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Người Do Thái rất coi trọng việc cầu nguyện, họ cầu nguyện nhiều lần trong ngày. Khi Chúa Giê-xu cầu nguyện, Ngài thể hiện mình là một con người như bao người nam Do Thái khác. Ngài cũng muốn để lại tấm gương đời sống cầu nguyện cho môn đồ và những người theo Ngài, đó là một đời sống luôn tìm kiếm ý muốn của Cha Thiên thượng qua thì giờ cầu nguyện riêng.

Chúng ta thấy Chúa Giê-xu dành thời gian cầu nguyện riêng vào mọi lúc. Giữa những bận rộn trong chức vụ, Ngài vẫn ưu tiên dành thời gian cầu nguyện. Chúa cầu nguyện vào sáng sớm (Mác 1:35). Ngài cầu nguyện lúc chiều tối (Ma-thi-ơ 14:23). Ngài thức cầu nguyện thâu đêm (Lu-ca 6:12). Chúa cũng cầu nguyện cho người khác (Lu-ca 23:34; Giăng 17:7, 20-21).

Trước khi bị bắt, Chúa Giê-xu cũng chiến đấu trong sự cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-nê (Lu-ca 22:39-46). Chúa Giê-xu đã bày tỏ một đời sống cầu nguyện từ khi bắt đầu chức vụ cho đến khi chịu chết trên thập tự giá. Cả bốn trước giả Phúc Âm đều ký thuật nhiều lần Chúa Giê-xu tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện. Ngài thuận phục ý muốn và mục đích của Đức Chúa Trời qua việc dành thời gian ở riêng với Cha.

Thì giờ ở riêng với Chúa rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi Cơ Đốc nhân. Đó chính là lúc chúng ta tương giao, trò chuyện và lắng nghe tiếng Chúa. Chúng ta cũng sẽ nhận được năng lực Thiên thượng để đối diện với bao khó khăn của cuộc sống. Đây cũng là thì giờ nuôi dưỡng mối liên hệ với Cha, để nhận biết và sống làm theo ý muốn Cha chúng ta trên trời. Con dân Chúa có thể hiệp chung với tín hữu khác trong những thì giờ cầu nguyện tại nhà thờ, trong nhóm nhỏ, tại gia đình v.v…

Nhưng chúng ta không thể bỏ qua thì giờ cầu nguyện riêng với Chúa qua thì giờ tĩnh nguyện. Phát triển đời sống cầu nguyện và dành thì giờ ở riêng với Chúa, sẽ giúp con dân Chúa giữ vững đức tin và sống kết quả cho Chúa. Bạn có ưu tiên dành thời gian cầu nguyện riêng với Chúa không?

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban cho con đặc ân được tương giao với Ngài. Xin giúp con biết kỷ luật, giữ thì giờ cầu nguyện riêng với Chúa mỗi ngày để nuôi dưỡng mối liên hệ mật thiết với Cha và biết sống đẹp ý Ngài”.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 15.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 15.09.2024

in NAM GIỚI on 10 Tháng Chín, 2024

Chúa nhật 15.09.2024

  1. Đề tài: KHẮC PHỤC CHÍNH MÌNH.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 9:24-27.
  3. Câu gốc: “Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (1Cô-rinh-tô 9:27).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 34-36.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

– Chủ đề: KHẮC PHỤC CHÍNH MÌNH.

– Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ.

– Thời gian: 1h30’.

I. CHUẨN BỊ.

Ban tổ chức cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu đố Kinh Thánh và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và dựa vào điều đó để tìm đến trạm. Sau khi thực hiện xong các yêu cầu của ban tổ chức, cả nhóm theo chỉ dẫn của mật thư thứ hai để đến trạm kế tiếp…

– Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.

                         Ôn chữ.                        Các dấu.

     Â = AA                    Ê = EE                          – Sắc = S

     Ă = AW                   Ư = UW = W                – Huyền = F

     Ô = OO                    Đ = DD                         – Hỏi = R

     Ơ = OW                   ƯƠ = UOW                  – Ngã = X

                                                                            – Nặng = J

– Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… mà ban viên đã quen thuộc, đồng thời phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật thư được giấu tại điểm đặt trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.

– Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường tùy theo địa điểm mỗi nơi.

– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.

– Kinh Thánh: Thông báo cho ban viên học thuộc lòng câu gốc tuần nầy và đọc trước 1Cô-rinh-tô 9:24-27; Hê-bơ-rơ 12.

II. THỰC HIỆN.

  1. Thể lệ cuộc thi và cách chấm điểm.
  1. Thể lệ cuộc thi.

– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.

– Đến trạm, phải xếp hàng ngay ngắn và báo cáo kết quả của trạm trước.

– Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.

     b. Cách chấm điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ………….. 10 điểm.

– Giải chính xác mật thư………………………………….. 10 điểm.

– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm……………………….. 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất……………………………………….. 10 điểm.

– Nội dung thảo luận thực hiện tốt…………………….. 10 điểm.

     2. Diễn tiến trò chơi.

  1. Mở đầu.

Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người, xếp hàng dọc theo mỗi nhóm, cử nhóm trưởng và thư ký nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: “Khắc Phục Chính Mình”.

Thưa các bạn! Trong xã hội hiện đại, làm việc gì cũng phải thật nhanh và hiệu quả, chậm một chút thì trở nên thua kém, đó là cuộc chạy đua của thế giới bên ngoài. Còn ở trong Chúa thì sao? Cuộc chạy đua ở trong Chúa quan trọng hơn nhiều vì đến cuối cùng chúng ta nhận được phần thưởng Chúa ban cho. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải chạy thật nhanh và có kết quả cho công việc nhà Chúa. Nhưng trong cuộc chạy đua nầy, chúng ta cần khắc phục chính mình như Phao-lô đã nói: “E rằng sau khi tôi giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng”. Hôm nay chúng ta cùng tham gia chương trình sinh hoạt này, để thấy được sự “khắc phục chính mình” là cần thiết trong cuộc chạy đua là thế nào!

    b. Xuất phát.

Tất cả các nhóm phải tập trung tại điểm xuất phát. Ban tổ chức phổ biến thể lệ cuộc thi và mỗi nhóm cử ra một người, đại diện nhóm để “Vượt chướng ngại vật”.

(“Chướng ngại vật” có thể là những câu hỏi hoặc những động tác do ban tổ chức đưa ra như: Vì sao sự khắc phục chính mình là cần thiết? Bạn có thái độ nào đối với chính mình?… Tuỳ chỗ chúng ta chơi hoặc có thể yêu cầu các bạn tìm cho 10 con kiến vàng cột thành xâu, có thể yêu cầu lột một trái dừa còn nguyên vỏ cho BTC…).

Đại diện nhóm nào vượt qua được “chướng ngại vật” mới được nhận mật thư.

* Mật thư 1: 20 9 13 6  14 7 21 15 23 9 6  20 23 6  

2 15 18  17 21 25 5 5 14 6  12 15 23 9 10  18 9 55 14 7.

A-đam là người Chúa tạo dựng đầu tiên.

(Dùng mật mã thế chữ bằng số: A=1; B=2; C=3; D=4...).

Trạm 1.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

  1. Khi khuyến khích cuộc sống tự chế ngự, Phao-lô ví sánh Cơ Đốc nhân với hình ảnh nào?
  2. Tại sao cần có sự tự chế ngự trong đời sống người Cơ Đốc? (c.24-25).
  3. Muốn thắng cuộc chạy đua thuộc linh, người Cơ Đốc cần kiêng cữ điều gì? Và đặt mình trong lề lối nào? (1Giăng 2:15-17).

* Mật thư 2: BIS CUAR TUWJ CHEES SUWJ QUYEETS TIMF.

Rắn ăn đuôi ăn đầu.

Trạm 2.

Yêu cầu

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát trò chơi: Ai là Đa-vít?

Nhóm trưởng nhận các lá thăm đã được viết sẵn và phát lá thăm cho các bạn trong nhóm. Trong số lá thăm có 2 hoặc 3 lá mang chữ “Đa-vít”, 2 hoặc 3 lá mang chữ “Gô-li-át”, số còn lại để trống.

Sau khi nhận lá thăm, mỗi người sẽ im lặng không để cho ai biết vai trò của mình được ghi trong lá thăm. Mỗi người sẽ lặng lẽ quan sát nhau và người mang thăm “Gô-li-át” sẽ nhìn một người nào bất kỳ và nheo mắt cho người đó, nếu người đó mang thăm trắng sẽ “Á” lên một tiếng và thế là chết. Còn nếu người mang thăm Gô-li-át nheo mắt nhằm người mang thăm “Đa-vít” thì “Đa-vít” sẽ giơ tay ra và bắn “Gô-li-át” lúc đó người mang thăm “Gô-li-át” sẽ chết.

Người nào đã xuất hiện rồi thì không được tham gia nữa. Trò chơi sẽ kết thúc khi Đa-vít và Gô-li-át đều đã xuất hiện.

Nhóm nào sau khi Đa-vít đã tiêu diệt Gô-li-át rồi thì được nhận mật thư trước.

* Mật thư 3:

AB CD EF
GH IJ KL
MN OP QR

 

Trạm 3.

Yêu cầu

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời:

  1. Sự Phao-lô “đãi thân thể mình cách nghiêm khắc” có nghĩa gì? (c.27).
  2. Tại sao Cơ Đốc nhân phải có thái độ nghiêm khắc đối với chính mình?
  3. Qua đời sống tự chế ngự của Phao-lô, cho chúng ta tìm thấy bí quyết nào trong sự khắc phục chính mình? (c.26-27).

     3. Kết thúc.

Thưa các bạn! Khắc phục được chính mình là một điều rất khó. Xin Chúa cho chúng ta biết nương nhờ sức Chúa để khắc phục chính mình, hầu cho đến ngày gặp Chúa chúng ta không hổ thẹn mà vui mừng nhận lãnh mão triều thiên không hay hư nát.

– Cầu nguyện theo sự dạy dỗ.

– Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong cuộc sống con người thường có những trái ngược nhau. Có người thành công bên ngoài, nhưng thất bại bên trong. Có những bậc vua chúa quyền hành lớn chinh phục cả thiên hạ, nhưng lại không thắng được chính mình!

Trong đoạn 9, Phao-lô đã nêu cao ba gương sáng qua đời sống của mình trước mặt tín hữu Cô-rinh-tô:

– 9:1-18: Gương sáng về sự từ bỏ quyền lợi riêng.

– 9:19-23: Gương sáng về sự từ bỏ tự do cá nhân.

– 9:24-27: Gương sáng về sự tự tiết chế.

Tại sao Phao-lô rất quan tâm đến sự tự chế, và thách thức Cơ Đốc nhân một đời sống tự chế?

I. DẪN GIẢI.

  1. Sự tự chế cần thiết.

Tự chế là sự tự giữ mình khỏi những ham muốn của tư dục. Với vấn đề tự do, điều Phao-lô lo ngại là nếu người Cơ Đốc không biết tự chế thì sẽ rơi vào ách nô lệ tội lỗi! Cho nên sau khi nêu lên gương sáng về sự từ bỏ quyền lợi và tự do của mình vì Tin Lành, Phao-lô thách thức tín hữu Cô-rinh-tô một đời sống tự chế.

Trong bối cảnh của một thành phố mà dân chúng Hy-lạp ưa chuộng thể thao, với những cuộc tranh tài của những lực sĩ trong vận động trường to lớn, nổi tiếng, Phao-lô ví sánh người Cơ Đốc trong hình ảnh của người chạy đua để làm sáng tỏ lẽ cần của sự tự chế.

Như lực sĩ muốn thắng cách vinh dự thì phải chịu kiêng cử, chịu khó nhọc luyện tập thân mình. Cũng vậy, trong cuộc chạy đua thuộc linh, người Cơ Đốc cần kiêng cử. Đó là sự khắc phục bản ngã, tự chế đối với những ham muốn của xác thịt (Rô-ma 13:13-14). Vì:

– Để đạt đến mục đích Chúa gọi.

– Để nhận được mão triều thiên không hay hư nát.

  1. Bí quyết tự chế (c.26-27).

Phao-lô chẳng những kêu gọi tín hữu tự chế, nhưng chính đời sống Phao-lô cũng là gương mẫu của sự tự chế. Qua gương tự chế của Phao-lô cho chúng ta học biết thế nào tự chế chính mình.

  1. Nhắm mục đích: “Tôi chạy, chẳng phải chạy bá vơ…” như lực sĩ nhắm vào lằn mức cuối cùng của cuộc chạy đua để thắng cuộc, người Cơ Đốc cần hướng về mục đích của Chúa gọi, không để cho sự ham muốn của tư dục chi phối đôi mắt, chi phối tấm lòng của mình.
  2. Ý thức mình đang ở trong cuộc chạy đua cam go: “…Tôi đánh, chẳng phải là đánh gió…” Phao-lô nói trong ý nghĩa của người đấu võ, mỗi cú đánh phải trúng địch thủ. Cũng vậy, người Cơ Đốc phải biết tính chất quan trọng trong cuộc chạy đua của mình, từ chối mọi cám dỗ của tư dục, hầu chạy cách nào để được thưởng.
  3. Đãi thân thể nghiêm khắc: “…Tôi đãi thân thể cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục…”

Những chữ “đãi thân thể nghiêm khắc” không có nghĩa Phao-lô kêu gọi người tín hữu phải ép xác, khổ tu để diệt dục như một số tôn giáo loài người chủ trương. Nhưng chỉ thái độ cứng rắn, nghiêm chỉnh trước sự luông tuồng của tư dục, với ý chí quyết định đặt mình dưới qui luật của Đấng Christ. Như người võ sĩ quyền anh phải luyện tập thân mình cứng rắn, để đối phó với địch thủ mang găng tay sắt nhọn theo cách đấu võ thời đó.

  1. Bài học cho đời sống.

Sau lời kêu gọi tự chế, Phao-lô kết thúc với lời cảnh cáo chính mình “…e rằng tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng?”

Chữ “bị bỏ” không có nghĩa bị mất sự cứu rỗi nhưng chỉ về sự thất bại trong công tác Chúa gọi. Như người không đủ tiêu chuẩn, bị loại ra khỏi cuộc chạy, mất phần thưởng của mình. Thật là bi thảm cho người không tự chế được chính mình, tự chế được tham dục.

Alexander đại đế, người có lần chinh phục gần cả thế giới, nhưng lại không thắng được chính mình, không thắng được ma lực của rượu. Theo sử sách ghi lại, Alexander đã kết thúc cuộc đời cách buồn thảm trong buổi ăn sáng với gần lít rượu, và ngã chết với tuổi mới vừa 33, để lại sự nghiệp dở dang với dòng chữ lịch sử ghi lại vua chết vì rượu!

Hãy trở về với chính mình. Có thể chúng ta lạc quan với những thành công nào đó, nhưng có những câu hỏi giúp chúng ta tự kiểm điểm: Tôi đang sống chìu theo tư dục hay khắc phục tư dục?

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.

  1. Khi khuyến khích về sự tự chế, Phao-lô khuyến khích Cơ Đốc nhân trong hình ảnh nào?
  2. Tại sao cần có sự tự chế trong đời sống Cơ Đốc nhân? (c.24-25).
  3. Muốn thắng cuộc đua, người lực sĩ phải kiêng cữ những gì? Muốn thắng cuộc chạy đua thuộc linh, người Cơ Đốc cần kiêng cữ điều gì? Và đặt mình trong lề lối nào? (1Giăng 2:15-17).
  4. Sự Phao-lô “đãi thân thể mình cách nghiêm khắc” có nghĩa gì? (c.27).
  5. Tại sao có thái độ nghiêm khắc ấy đối với chính mình?
  6. Qua đời sống tự chế của Phao-lô cho chúng ta tìm thấy bí quyết nào trong sự khắc phục chính mình? (c.26-27).
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 08.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 08.09.2024

in NAM GIỚI on 6 Tháng Chín, 2024

Chúa nhật 08.09.2024

  1. Đề tài: CẦU XIN SỰ ĐỔI MỚI.
  2. Kinh Thánh: Phi-líp 2:12-13, 2Cô-rinh-tô 5:17, 3:18.
  3. Câu Gốc: “Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng” (Thi Thiên 51:10).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 31-33.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 21.07.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong bài cầu nguyện chung chúng ta học biết rằng ba lời khẩn cầu trong Ma-thi-ơ 6:9-10 liên quan đến những yếu tính đời đời và vương quốc của Đức Chúa Trời. Ba lời cầu xin tiếp theo đó liên quan đến chúng ta (Ma-thi-ơ 6:11-13) và phản ánh điều răn thứ hai là yêu thương người lân cận chúng ta. Ngoài ra có rất nhiều điều mà chúng ta có thể cầu xin nơi Đức Chúa Trời, và Ngài sẵn lòng đáp lại lời cầu xin của chúng ta. Một trong những lời cầu xin đó là cầu xin sự đổi mới tâm trí. Sự đổi mới trong tâm trí sẽ dẫn đến những kinh nghiệm sống động cho những người luôn tin cậy và tìm cầu Chúa.

Trong câu ghi nhớ của ngày hôm nay, Phao-lô khuyên các tín hữu “hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí”. Trong Tân ước, từ Hy Lạp “metamorphosis” xuất hiện bốn lần. Hai lần mô tả sự hóa hình của Đấng Christ, hai lần mô tả sự biến đổi của Cơ Đốc nhân. Biến đổi tâm trí hay tấm lòng là công việc của Đức Thánh Linh (Tít 3:5). Bởi sự đổi mới của Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ trở nên giống như Chúa Giê-xu trong cách suy nghĩ và hành động. Sự đổi mới tâm trí dẫn đến sự đổi mới trong lối sống, trong lối ứng xử. Lối sống cũng như lối tư duy của chúng ta, là những người được Ngài biến đổi, sẽ phản ánh bản chất yêu thương của Ngài. Bởi sự đổi mới trong lòng và trí, chúng ta sẽ có cái nhìn tươi mới và độ lượng đối với con người và thế giới quanh ta.

Khi tâm trí được đổi mới, chúng ta có cái nhìn tích cực về bản thân mình. Sự đổi mới trong tâm trí giúp chúng ta khám phá ra rằng, bản thân ta còn quá nhiều khuyết điểm lẫn những tật xấu cần được thay đổi, cho dù chúng ta đã dâng thân thể này như một của lễ sống và thánh cho Đức Chúa Trời. Quá trình thay đổi này xảy ra liên tục trong cuộc đời của người theo Chúa. Dù sự đổi mới này là công việc đôi lúc rất thầm lặng của Đức Thánh Linh, nhưng sự đổi mới này sẽ trì trệ nếu như không có sự cầu nguyện hết lòng, và sự hợp tác tích cực của chúng ta qua những việc làm thực tiễn.

Để bày tỏ khát vọng luôn được đổi mới trong tâm trí và hành động, nếu có thể được, bạn và tôi hãy cùng bắt đầu từ những việc nhỏ, bằng cách thử dò xem trong trí rằng ai là người mà tôi không yêu thích và thường có những suy nghĩ hay có cái nhìn hằn học về họ, để rồi cầu nguyện cho người này trong sự yêu thương và cảm thông. Rồi sau đó tùy theo sự cảm động của Đức Thánh Linh, hãy nói hoặc làm một điều gì đó thiện lành đối với người này.

Đó là đối với tha nhân, còn đối với bản thân, có tật xấu nào dù là nhỏ mà bạn và tôi chưa thay đổi được, chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu với quyết tâm từ bỏ ngay trong ngày hôm nay.

Tuy nhiên đây chỉ là sự gợi ý, có thể bạn có những ý hay hơn và làm được nhiều việc tốt lành hơn, khi lòng và trí của bạn là nơi ngự của Chúa Giê-xu.

Lạy Chúa, cầu xin Ngài tiếp tục hướng dẫn và điều khiển cuộc đời con. Xin tiếp tục biến đổi con bởi Thánh Linh Ngài.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Hiện giờ, có tội lỗi nào đã khiến cho bạn vi phạm nhiều lần với Chúa, bạn đã ăn năn, hứa nguyện nhưng vẫn thất bại? Bạn sẽ làm gì để có thể thắng được tội lỗi đó không?
  2. Bạn đã được Chúa biến đổi hoàn toàn đời sống tâm linh của mình hay chưa? Vì sao bạn nhận biết điều đó?
  3. Sự đổi mới đó giúp bạn sống cho Chúa thế nào?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 01.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 01.09.2024

in NAM GIỚI on 28 Tháng Tám, 2024

Chúa nhật 01.09.2024

  1. Đề tài: SINH NHẬT QUÝ III.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 92.
  3. Câu Gốc: “Những người được trồng trong nhà Đức Giê-hô-va, sẽ trổ hoa trong hành lang của Đức Chúa Trời chúng ta. Dầu đến tuổi già cả, họ sẽ còn sinh bông trái, thịnh vượng và xanh tươi” (Thi Thiên 92:13-14).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 28-30.
  5. Thể loại: Sinh nhật.

* CHỈ DẪN: Sinh nhật.

  1. Thông báo danh sách những người có ngày sinh trong Quý III (tháng 7,8,9) trước một tuần lễ; bổ sung tên những người còn thiếu.
  2. Thư ký trao danh sách cho thủ quỹ mua quà. Quà tặng sinh nhật nên mua nhiều hơn số cần, phòng khi có khách, thân hữu… đến dự và cũng có ngày sinh trong quý đó.
  3. Những người không nhớ ngày sinh, có thể chọn ngày cưới, ngày tin nhận Chúa, ngày chịu báp-têm… để làm sinh nhật.
  4. Chuẩn bị một chiếc bánh sinh nhật (nếu có thể), kích thước chiếc bánh tùy theo số người tham dự.
  5. Mời những người có tên trong danh sách “sinh nhật” lên phía trên, số người còn lại hát chúc mừng. Tất cả cùng cầm dao cắt bánh. Mời người cầu nguyện đặc biệt cho họ.
  6. Ban hướng dẫn tặng quà cho những người có sinh nhật.
  7. Mời một số người có sinh nhật làm chứng, ca ngợi Chúa, chia sẻ những kinh nghiệm thuộc linh để khích lệ các ban viên.
  8. Chơi trò chơi, đố vui và ăn bánh sinh nhật…

* SINH HOẠT TRÒ CHƠI.

– Trò Chơi Dành Cho Người Có Sinh Nhật: Chuẩn bị một số lời yêu cầu vui, mời những người có sinh nhật lên bốc thăm và thực hiện theo lời yêu cầu đó.

– Trò Chơi Tập Thể.

THƯỞNG – PHẠT

Cách chơi: Không được làm theo động tác NHD.

* NHD hô: “Công” – tất cả đưa thẳng hai tay lên.

* NHD hô: “Thưởng” – tất cả dang ngang hai tay.

* NHD hô: “Tội” – Tất cả khom lưng cúi đầu.

* NHD hô: “Phạt” – tất cả quỳ gối chân.

– NHD có thể làm động tác này mà hô câu kia.

CHÚA CHỌN

Cách chơi: Mỗi người tự chọn cho mình một tên thánh trong Thánh Kinh, chẳng hạn như: Đa-vít, Sa-lô-môn, Đa-ni-ên Phi-e-rơ… Sau đó NHD hô: Chúa chọn, Chúa chọn; tất cả đều hô to: Chọn ai, Chọn ai? NHD hô: Chọn Sa-lô-môn (hoặc Đa-vít hay Phi-e-rơ…); thì những người có tên thánh đó chạy nhanh đến chạm vào NHD, ai chậm trễ sẽ bị phạt bằng cách kể một sự kiện đặc biệt, hoặc làm một điệu bộ có liên quan đến nhân vật đó.

ĐOÁN NHÂN VẬT KINH THÁNH

Cách chơi: Chia thành 4 hoặc 5 nhóm. Mỗi nhóm cử một người đại diện lên phía trước. NHD đưa ra 4 hoặc 5 nhân vật Kinh Thánh, đại diện của từng nhóm nhận một nhân vật. Sau đó, các người này lần lượt thông đạt lại cho nhóm của mình nhân vật Kinh Thánh đó chỉ bằng điệu bộ (không được nói). Nếu trong vòng vài phút, nhóm của mình không đoán ra được, thì các nhóm khác được quyền trả lời. Nhóm nào đoán ra được, sẽ được cộng điểm.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 25.08.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 25.08.2024

in NAM GIỚI on 20 Tháng Tám, 2024

Chúa nhật 25.08.2024

  1. Đề tài: SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI.
  2. Kinh Thánh: Rô 3:23, 6:23; 2Cô 5:2; Giăng 6:39-40, 17:13.
  3. Câu Gốc: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng hiến, cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin Lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chúa Giê-xu giải thích sự sống đời đời trong lời cầu nguyện của Ngài với Đức Chúa Cha: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-xu Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).

Nhìn biết Cha có nghĩa là mối liên hệ giữa Đấng Tạo Hóa và chúng ta được nối kết trở lại. Tội lỗi đã ngăn cách chúng ta khỏi Đức Chúa Trời, nghĩa là đưa chúng ta vào sự chết đời đời – cũng gọi là hỏa ngục. Là con người bất lực và giới hạn, chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để đạt được sự sống đời đời. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương, chính Ngài đã ban Con Một của Ngài là Chúa Giê-xu chịu chết thay cho tội lỗi của chúng ta, nhờ Ngài mà bức tường ngăn cách chúng ta khỏi Đức Chúa Trời đã bị triệt hạ, và chúng ta có thể hưởng được phước hạnh của mối tương giao sâu thẳm với Đức Chúa Trời đến đời đời khi chúng ta tin và tiếp nhận Chúa Giê-xu. Do đó, sự sống đời đời là sự sống sung mãn, nghĩa là mối tương quan với Chúa đầy đủ, trọn vẹn, bắt đầu ngay lúc chúng ta tiếp nhận Đấng Christ làm Chúa, làm Chủ đời sống mình và sẽ kéo dài đến đời đời. Hơn thế nữa, bản tính của Đức Chúa Trời là không hề thay đổi. Vì vậy, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng rằng vận mệnh đời đời của chúng ta được bảo đảm vô cùng.

Như với bất kỳ mối liên hệ nào, mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời cũng có thể ngày càng sâu đậm và trưởng thành. Kinh nghiệm sống đời đời của chúng ta có thể phát triển và trở thành phong phú. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta không bao giờ thay đổi, nhưng mức độ sâu nhiệm mà chúng ta có thể tận hưởng cõi đời đời tùy thuộc mối liên hệ của chúng ta với Chúa mỗi ngày. Như vậy, không phải chỉ tin Chúa là đủ, nhưng chúng ta cần phải suy ngẫm Lời Chúa và tương giao với Chúa mỗi ngày để mối liên hệ với Chúa ngày càng sâu đậm và khắng khít.

Thật là một phước hạnh, cả bây giờ lẫn trong cõi vĩnh hằng cho những ai có mối liên hệ với Đức Chúa Trời yêu thương và Chúa Cứu Thế đầy ân sủng. Bạn có thật vững an trong mối liên hệ vĩnh hằng với Chúa quyền năng chưa?

“Xin Chúa giúp con dành thì giờ suy ngẫm Lời Chúa và tương giao với Ngài hằng ngày, để mối liên hệ với Ngài thắm thiết, hầu con trải nghiệm sự sống vĩnh hằng ngay hôm nay”.

VietChristian.com.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 18.08.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 18.08.2024

in NAM GIỚI on 17 Tháng Tám, 2024

Chúa nhật 18.08.2024

  1. Đề tài: CƠ ĐỐC NHÂN VỚI SỰ THỬ THÁCH.
  2. Kinh Thánh: Lu-ca 22:28-30; 1Phi 1:6-7; Gia-cơ 1:12.
  3. Câu Gốc: “Hỡi anh em, hãy coi thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra sự nhịn nhục” (Gia 1:2-3).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 25-27.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN:

  1. Mời người đặc trách giải đáp thắc mắc.
  2. Thông báo đề tài “Cơ Đốc Nhân Với Sự Thử Thách” cho các ban viên trước hai tuần và yêu cầu họ viết câu hỏi.
  3. Trao câu hỏi trước cho người đặc trách để nghiên cứu.
  4. Người đặc trách sẽ đọc lên từng câu và trả lời. Sau cùng có thể cho các ban viên góp ý hoặc hỏi thêm.
  5. Nếu người đặc trách đồng ý, có thể cho các ban viên hỏi trực tiếp.
  6. 6. Ban hướng dẫn tìm hiểu ban viên của mình, thảo luận và đưa thêm những câu hỏi thiết thực vì có nhiều người e ngại không dám hỏi.
  7. 7. Trong trường hợp không mời được diễn giả, ban hướng dẫn cũng không thể trả lời đầy đủ các thắc mắc của ban viên, thì ban hướng dẫn cần đem các câu hỏi đến nhờ người giải đáp trước, ghi chép đầy đủ rồi trở về trả lời cho các ban viên thay cho diễn giả.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sống mỗi ngày, không ai trong chúng ta lại không phải đối diện với thử thách khó khăn. Thử thách khó khăn đó đến với chúng ta dưới nhiều hình thức, có thể là bệnh tật, tai nạn xe cộ, vấn đề tình cảm, hoặc mối quan hệ với người thân yêu bị đổ vỡ…

Có người có con cái hư hỏng hay có vấn đề với pháp luật, người thì gặp chuyện không may trong việc làm, có khi bị mất việc hay bị người khác hiểu lầm. Chúng ta làm gì hay xử sự ra sao mỗi khi phải đối diện với những khó khăn trong đời sống? Thánh Kinh là Lời của Chúa có lời giải đáp cho chúng ta trong những vấn đề nầy, và giúp chúng ta đối diện với đời sống dễ dàng hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải có lòng tin, phải có đức tin nơi Chúa. Có đức tin nơi Chúa không có nghĩa là phó mặc cho số mệnh, nhưng chỉ có nghĩa là nhìn thấy vấn đề như Chúa thấy, và tin Kinh Thánh là Lời Chúa hướng dẫn cho đời sống để theo đó xử sự.

Không ai trong chúng ta tránh được khỏi hoạn nạn, thử thách ở đời. Người tin Chúa cũng như người không tin đều phải đối diện với hoạn nạn, thử thách khó khăn như nhau. Điểm khác biệt là phản ứng của chúng ta trước hoàn cảnh. Không phải khi tin Chúa chúng ta được miễn trừ khỏi khó khăn, nhưng khi sống với niềm tin nơi Chúa, chúng ta sẽ biết xử sự hay đối diện với hoàn cảnh như thế nào cho thích hợp.

Một điều quan trọng khác nữa chúng ta cũng cần ghi nhớ, đó là đừng nghĩ rằng hoạn nạn thử thách khó khăn xảy ra trong đời sống là vì tội lỗi. Có nhiều hoàn cảnh khó khăn xảy ra là vì tội của chúng ta thật, chẳng hạn như say rượu mà lái xe để xảy ra tai nạn; say mê cờ bạc để mất hết của cải, tài sản hoặc chơi bời trác táng để sinh ra bệnh tật… những khó khăn đó xảy ra là vì chúng ta, là vì hậu quả tất nhiên của tội lỗi. Cũng có những hoàn cảnh khó khăn khác xảy ra là kết quả tất nhiên của những hành động của chúng ta. Có những người có con cái hư hỏng vì đã không dành thì giờ cho con, đã không hướng dẫn, dạy dỗ con. Có những gia đình đổ vỡ vì vợ chồng mỗi người lo một việc, không dành thì giờ cho nhau. Trước những hoàn cảnh đó, chúng ta phải nhìn lại vấn đề, truy nguyên để biết rõ nguyên nhân, lúc đó chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề.

Tội của chúng ta thật ra là không tôn thờ Chúa, không làm theo lời dạy của Ngài. Thiên Chúa đã cho phép những hoàn cảnh khó khăn xảy ra để chúng ta được thức tỉnh. Nhưng dù là bệnh tật đau yếu, mất mát tiền bạc hay đổ vỡ tình cảm, chúng ta đối diện với những thử thách ở đời như thế nào?

Thánh Kinh là Lời Chúa dạy:

“Hỡi anh em, hãy coi thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra sự nhịn nhục” (Gia-cơ 1:2-3).

Theo Lời Chúa dạy và là người có đức tin nơi Chúa, chúng ta phải coi hoạn nạn thử thách xảy đến cho chúng ta là điều vui mừng. Gặp thử thách thì buồn khổ, than thở. Gặp thử thách mà coi đó như niềm vui điều thật khó, thật ra là không thể làm được. Nhưng đó là Lời Chúa dạy. Chúng ta để ý thấy rằng Chúa không bảo chúng ta khi gặp thử thách thì vui, Chúa không bảo như vậy. Nhưng Chúa bảo chúng ta “Hãy coi sự thử thách như là điều vui”. Coi thử thách như là điều vui nghĩa là chẳng có gì vui sướng trong thử thách cả, nhưng chúng ta hãy coi đó như là điều đáng vui hơn đáng buồn, vì biết kết quả của thử thách là lòng nhịn nhục hay đức nhẫn nhục.

Vấn đề của chúng ta là cái nhìn. Cái nhìn gần hay xa, cái nhìn thiển cận hay bao quát, và nhìn thấy toàn thể vấn đề. Khi bị kẹt xe trên đường, phản ứng thông thường của chúng ta như thế nào? Chúng ta bực mình cau có, khó chịu. Chúng ta chỉ thấy một rừng xe trước mắt. Cùng trong cảnh kẹt xe đó nếu có một trực thăng bay ở trên, người trên chiếc trực thăng đó thấy rõ trước mặt có gì, tại sao xe bị kẹt. Cùng một cảnh kẹt xe, nhưng có hai cái nhìn khác nhau: một cái nhìn từ trên cao, thấy rõ vấn đề và cái nhìn dưới đất, chỉ thấy những gì ngay trước mắt. Và vì cái nhìn khác nhau, chúng ta có những phản ứng khác nhau.

Hoàn cảnh và thử thách ở đời cũng vậy, tùy cái nhìn vào hoàn cảnh mà chúng ta vui hay buồn, phấn khởi hay thất vọng. Thánh Kinh là Lời của Chúa cho chúng ta thấy kết quả của thử thách, là giúp ta nên người. Trước đó, Lời Chúa cũng dạy thử thách là sự thử thách đức tin. Nói như vậy nghĩa là niềm tin của con người cần được thử nghiệm. Con người chúng ta cần đi qua lửa thử nghiệm mới nên người.

Trong các xưởng chế tạo xe hơi, người ta có những hầm gió (wind tunnel). Có những điều kiện thời tiết khắc nghiệt để thử xem chiếc xe hay máy xe có chịu được không, từ kết quả của những thử nghiệm nầy mà chiếc xe hay sản phẩm ngày càng hoàn hảo hơn. Ai trong chúng ta cũng biết đối với kim loại, đặc biệt đối với những kim loại quý như vàng thì lửa là điều cần thiết để tinh luyện. Càng được thử nghiệm, vàng càng ròng, càng tinh khiết. Con người chúng ta cũng vậy, cần được lửa thử thách tinh luyện để trở nên người tốt đẹp hơn. Theo Lời Kinh Thánh dạy, kết quả của hoạn nạn thử thách là sự nhịn nhục hay nhẫn nhục, kiên nhẫn hay nhẫn nại. Đây là một đức tính cần thiết để sống ở đời, mà thường chúng ta không thể học được ở một nơi nào khác ngoài hoạn nạn, thử thách. Có một câu hài hước như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con tính nhẫn nại và xin ban cho con ngay bây giờ!” Muốn kiên nhẫn mà muốn có ngay thì không được. Và nhiều khi cách tốt nhất để học tính kiên nhẫn là phải chịu hoạn nạn, thử thách, khó khăn.

Thánh Kinh ghi lại câu chuyện một người tên là Gióp. Ông là một người đạo đức, công chính nhưng hết tai họa nầy đến tai họa kia cứ dồn dập xảy đến cho ông. Nhà cửa tài sản bị mất sạch, con cái bị tử nạn. Bản thân ông thì mắc một chứng nan y đến nỗi người vợ cũng xa lánh và xúi ông tự tử. Còn bạn bè thay vì an ủi nhưng đã lên án và buộc tội ông. Một người ở trong hoàn cảnh như vậy thật không sống nổi. Tuy nhiên ông Gióp đã nhẫn nhục chịu đựng và cuối cùng ông đã để lại gương nhẫn nại mà Thánh Kinh đã nói như sau: “Anh em đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp, và thấy cái kết cuộc mà Chúa ban cho người, vì Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ”.

Bạn và tôi, chúng ta đang bước đi trên đường đời, mỗi ngày đều có những gian nan, thử thách. Niềm tin nơi Chúa và lời dạy của Ngài, sẽ hướng dẫn chúng ta đến những quyết định đúng và có cái nhìn đúng vào vấn đề. Theo lời dạy của Chúa, chúng ta có kết luận sau:

  1. Thử thách khó khăn là thử nghiệm cho đời sống để chúng ta trưởng thành và nên người.
  2. Kết quả của thử thách là sự nhẫn nhục, một đức tính cần thiết trong mọi mối quan hệ ở đời, đặc biệt là trong gia đình. Ở đời nầy người ta nói nhiều đến tình yêu, và đặc tính đầu tiên của tình yêu thật theo lời dạy của Thánh Kinh là sự nhịn nhục. Hãy xem những hoạn nạn, thử thách, khó khăn xảy ra trong đời sống là phương tiện giúp chúng ta đạt đến điều đó.

Vì hai lý do trên, thử thách là thử nghiệm và thử thách đưa đến tính nhẫn nại, nên mỗi khi phải đối diện với thử thách khó khăn, Lời Chúa bảo chúng ta hãy coi đó là điều đáng vui hơn đáng buồn. Tự sức mình, không ai trong chúng ta có thể vui khi gặp hoạn nạn thử thách, nhưng với đức tin nơi Thiên Chúa, với lòng tin nơi Ngài, chúng ta có thể sống vui trong khó khăn và trở nên người hữu dụng và mang ích lợi đến cho người khác. Bước quan trọng đầu tiên chúng ta phải làm là ý thức tình trạng tội lỗi và bất lực của mình. Khi chúng ta thừa nhận điều đó, và tiếp nhận ơn cứu rỗi Chúa Giê-xu đã hoàn thành qua cái chết của Ngài trên thập giá, chúng ta sẽ nhận được sự sống mới từ Thiên Chúa, giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn trong đời sống.

Mục sư Nguyễn ThỉChương Trình Phát Thanh Tin Lành