Chuyên mục: NAM GIỚI

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 01.12.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 01.12.2024

in NAM GIỚI on 26 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 01.12.2024

  1. Đề tài: TẠI SAO TÔI CẦN PHẢI THEO ĐẠO TIN LÀNH?
  2. Kinh Thánh: Châm 14:12, Công Vụ 4:12, Giăng 14:6.
  3. Câu Gốc: “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ 4:12).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 25.08.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

“Tôi đã có đạo rồi, tại sao tôi cần phải theo Đạo Tin Lành?”

Người Việt ta hay nói theo đạo là đi đạo. Điều nầy ngầm ý nói đến một con đường. Đạo là con đường. Nhưng con đường ta đang đi dẫn ta đến đâu, có đúng hay không là điều vô cùng quan trọng. Con đường nầy quyết định số phận đời đời của mỗi con người chúng ta. Giả sử như ta đang đi đường đến một nơi mà ta chưa hề đặt chân tới, khi có người địa phương biết ta đi lạc và bảo ta đi lại cho đúng hướng, thì ta sẽ làm gì? Dĩ nhiên ta cần điều chỉnh lại cho đúng hướng đi. Hoặc giả ta đang sắp chết đuối giữa biển khơi, nguy hiểm đến tính mạng, nếu có người đem tàu cấp cứu đến cứu giúp, ta lại từ chối hay sao? Hỏi tức là trả lời rồi vậy.

Các giáo chủ đời nầy thường chỉ hướng cho chúng sinh tự đi tìm chân lý hoặc bảo hãy tự thắp đuốc mà đi, nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu thì tuyên bố rõ “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Thử hỏi ai biết rõ đường lên Thiên đàng phước hạnh cho bằng Chúa Giê-xu, là Đấng đã chiến thắng sự chết và sống lại khải hoàn? Kính mong quí vị suy xét để chọn con đường theo Chúa Giê-xu, là con đường duy nhất trên thế gian nầy. Kinh Thánh chép “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì ở dưới trời nầy chẳng có Danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Công vụ 4:12). 

Có nhiều người Việt Nam muốn trở lại cùng Chúa nhưng còn ngại ngùng vì một vài mối lo sợ không chính đáng. Chẳng hạn, sợ thần linh hoặc ông bà trách phạt, sợ người ta nói mình không trung thành với tôn giáo cũ, sợ bạn bè cho là mình yếu đuối, sợ tội lỗi nhiều không biết Chúa có tha không, sợ theo Chúa thì đành bỏ hết những thú vui tạm bợ trần gian… Nhưng thưa bạn, chúng ta trở về với Đức Chúa Trời là Cha, là Đấng Tối Cao thì còn sợ ai?

Ngài sẽ tiếp đón, bảo vệ chúng ta và dìu dắt chúng ta đi. Còn gì phước hạnh hơn khi tội chúng ta được Chúa tha, linh hồn được Chúa cứu? Trái lại còn gì khủng khiếp hơn khi lìa đời kêu: “Trời ơi!” chỉ để nghe được Chúa phán: “Ta không hề biết ngươi” hoặc được Chúa phán: “Hãy quăng nó ra ngoài là nơi có khóc lóc và nghiến răng”. Chúa Giê-xu đã từng cảnh cáo, “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26).

Có nhiều người Việt Nam hiện không thiếu gì về phương diện vật chất, nhưng phần tâm linh thì khô khan, trống vắng. Đời sống gia đình và bản thân buồn bã, cô đơn, sống không thấy ý nghĩa. Xin hãy nghe Chúa Giê-xu mời gọi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng” (Ma-thi-ơ 11:28-30). 

Thánh Kinh cho biết, khi một người từ bỏ con đường lầm lạc và quay trở về cùng Chúa thì cả Thiên đàng sẽ hoan hỉ vui mừng. Chúa Giê-xu cho biết, “Ta nói cùng các ngươi, trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời cũng như vậy, sẽ mừng rỡ cho một kẻ có tội ăn năn” (Lu-ca 15:10). Cụ thể nhất là mọi người thật lòng trở về cùng Chúa, đều hưởng được bình an và vui mừng. Kinh Thánh chép về người thâu thuế thành Giê-ri-cô là Xa-chê, người cai ngục thành Phi-líp, người đội trưởng La-mã ở thành Sê-sa-rê…

Những người nầy đều đã cùng với cả gia đình mở tiệc ăn mừng vì được trở lại cùng Chúa. Kinh Thánh cũng chép người phụ nữ Sa-ma-ri đã hớn hở vui mừng giới thiệu Chúa cho đồng hương của mình sau khi được đích thân gặp Chúa. Kinh Thánh còn mô tả phước hạnh của người quay về cùng Chúa chẳng khác gì người tìm được kho báu, người con đi hoang trở về được cha tiếp đón, người mù được sáng, người nô lệ được tự do, người mắc nợ lớn được tha, và người chết sống lại.

Niềm vui này cũng rất thật và sâu sắc đối với hàng tỉ người đang theo Chúa trên khắp thế giới ngày nay. Rất mong chính bạn cũng từng trải được kinh nghiệm bình an vui thỏa này trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Mục sư Nguyễn Văn Huệ (Theo TinLanhHyvong.com)

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 24.11.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 24.11.2024

in NAM GIỚI on 19 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 24.11.2024 – Lễ Tạ Ơn

  1. Đề tài: TẠ ƠN CHÚA TRONG MỌI HOÀN CẢNH.
  2. Kinh Thánh: Phi-líp 4:4-7,19, 2Cô-rinh-tô 9:9,14.
  3. Câu Gốc: Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!” (2Cô-rinh-tô 9:15).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 1-3.
  5. Thể loại: Tâm tình.

* CHỈ DẪN: Tâm tình.

  1. Vì là ngày Lễ Tạ ơn, ban Nam giới cần chuẩn bị các bài Thánh ca để tôn vinh Chúa.
  2. Các ban viên có lời tâm tình, chia sẻ những ơn phước Chúa ban để khích lệ nhau.
  3. Sinh hoạt trò chơi – Thông công.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Ông Gióp được Đức Chúa Trời chứng nhận là một người trọn vẹn, ngay thẳng, kính sợ Chúa và lánh mọi điều ác. Dù vậy, ông cũng trải qua sự thử thách vô cùng lớn lao: Tất cả con của ông đều chết cách đau đớn, tài sản bị cướp mất và bản thân ông bị bệnh tật hành hạ khổ sở. Trong cơn thử thách nặng nề đó, ông không hề oán trách Chúa; trái lại, ông đã thốt lên: “Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng chúc tụng Danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1:21).

Thông thường, chúng ta rất dễ tạ ơn Chúa trong thuận cảnh. Về phần thể xác, khi chúng ta được Chúa ban phước, có cuộc sống thịnh vượng, khỏe mạnh, giàu có. Về phần tinh thần, khi chúng ta được khôn ngoan, được tôn trọng, được yêu mến, vị nể v.v… Nếu gặp thử thách giống như ông Gióp, chắc chúng ta cũng không khác vợ của ông: Rủa sả và mong chết đi cho thoát khỏi sự đau đớn. Dù rất khó tôn ngợi, cảm tạ Chúa trong đau buồn, nhưng từ những đau thương của đời sống, vẫn có nhiều thánh đồ để lại những bài ca an ủi, nâng đỡ biết bao người, một trong những người đó là thi sĩ khiếm thị Fanny J. Crosby, một trong nhiều bài Thánh ca của bà mà đa số chúng ta đều biết: “Chỗ Kẽ Đá Vững An”.

Bất cứ lúc nào và dù thế nào chúng ta vẫn tôn ngợi, cảm tạ Chúa vì biết đường lối và chương trình của Ngài luôn kỳ diệu, khôn ngoan và tốt nhất cho cuộc đời của những người thuộc về Ngài. Khi biết tin cậy, đầu phục Chúa, chúng ta sẽ luôn tôn ngợi và cảm tạ ơn Chúa trong mọi cơn giông bão của cuộc đời.

Người yếu đuối thuộc linh dù sống trong hoàn cảnh nào cũng không thấy thỏa lòng. Trái lại, người có đời sống tâm linh mạnh mẽ thì luôn thỏa lòng và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Người đó sẽ nói: Chúa ban cho, tôi cảm tạ ơn Ngài. Chúa cất hết mọi thứ tôi đang có, tôi cũng tạ ơn Chúa vì tôi tin rằng Ngài có chương trình tốt hơn cho cuộc đời tôi. Tôi ngợi ca Chúa không thôi.

Làm sao để có thể tạ ơn và tôn ngợi Chúa trong nghịch cảnh? Chúng ta phải học Lời Chúa để biết ý định, đường lối và chương trình của Chúa, luôn học tin cậy nơi tình yêu, đường lối khôn ngoan của Chúa thì chúng ta mới kinh nghiệm được điều nầy.

Nhìn lại những ngày theo Chúa, bạn tạ ơn Ngài trong nghịch cảnh nhiều hơn hay than vãn nhiều hơn? Bạn có quyết định gì sau khi học bài nầy?

“Lạy Chúa, xin mở mắt con để con thấy sự lạ lùng trong chương trình và đường lối của Ngài. Con tin cậy nơi Ngài và biết rằng chương trình, ý muốn và đường lối của Ngài là tốt lành nhất cho con.   

Văn Phẩm Nguồn Sống

  • Câu hỏi suy ngẫm: 

Khi gặp nghịch cảnh, bạn có thái độ nào? Làm sao để chúng ta có thể nói được như ông Gióp? “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, tôi cũng sẽ trần truồng trở về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng chúc tụng Danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1: 21).

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 17.11.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 17.11.2024

in NAM GIỚI on 12 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 17.11.2024 

  1. Đề tài: THỰC HIỆN MẠNG LỆNH “MÔN ĐỒ HÓA MUÔN DÂN”.
  2. Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 28:20, Công vụ 14:21, 2Tê-sa-lô-ni-ca 2:13-15.
  3. Câu gốc: “Vậy, thưa anh chị em, hãy đứng vững và vâng giữ những điều dạy dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh chị em, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng thư từ” (2Tê-sa-lô-ni-ca 2:15 BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ca Thương 4-5.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN:

  1. Chia số người tham dự ra làm hai hay ba nhóm, mỗi nhóm cử thư ký ghi chép và người đại diện nhóm, trình bày ý kiến thảo luận của nhóm mình.
  2. Sau khi các nhóm đã trình bày xong các câu hỏi thảo luận, mời Ủy viên Linh vụ hay nhóm trưởng chịu trách nhiệm phần đúc kết cho buổi học.
  3. Xin xem thêm phần chỉ dẫn Học Kinh Thánh nhóm vào ngày 11.08.2024.

* Đọc Kinh Thánh: 2Tê-sa-lô-ni-ca 2:13-17 và thảo luận các câu hỏi sau:

(1.1) Sứ đồ Phao-lô đã khuyên giục các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca điều gì?

(1.2) Truyền giáo là quan trọng nhưng việc môn đồ hóa còn quan trọng hơn, vì sao?

(1.3) Bạn học được những gì qua cách môn đồ hóa của sứ đồ Phao-lô?

(2.1) Môn đồ hóa có nghĩa là gì?

(2.2) Để có thể môn đồ hóa người khác, chúng ta cần trang bị những gì?

(2.3) Bạn đã thực hiện việc môn đồ hóa cho những người xung quanh như thế nào?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Đối với sứ đồ Phao-lô, truyền giáo là việc quan trọng, nhưng môn đồ hóa còn quan trọng hơn nữa. Qua những bức thư ông gửi cho các Hội Thánh, cho thấy ông cầu thay, hướng dẫn, nhắc nhở, khích lệ, đôi khi khiển trách với mục đích giúp họ lớn lên trong đức tin. Trong phần Kinh Thánh hôm nay, trước khi khuyên giục họ đứng vững, ông nhắc sự kêu gọi Đức Chúa Trời dành cho họ, để họ được hưởng sự vinh hiển của Ngài. Muốn đứng vững hãy vâng giữ những điều họ đã được dạy dỗ bằng lời nói hay thư từ.

Trước khi Chúa Giê-xu về trời, Ngài truyền dạy cho các môn đồ: “Đi dạy dỗ muôn dân, dạy họ giữ mọi điều Chúa truyền dạy” (Ma-thi-ơ 28:20). Vì vậy, môn đồ hóa người khác là một kỷ luật thuộc linh mang tính phục vụ, và cũng là trọng trách cho mỗi con dân Chúa. Môn đồ hóa một người là trang bị, huấn luyện, và giúp đỡ họ lớn lên trong Chúa. Môn đồ hóa là đồng hành với họ để giúp họ biết Chúa và trở nên giống Ngài nhiều hơn. Trong Kinh Thánh, Đa-vít có bạn là Giô-na-than, Giăng Mác có Ba-na-ba, Phao-lô có Ba-na-ba, Ti-mô-thê có Phao-lô, và các sứ đồ có Chúa Giê-xu; những người này được môn đồ hóa bởi một người đã đi trước mình.

Môn đồ hóa cũng có nghĩa là chúng ta giúp họ học biết và thực hành các kỷ luật thuộc linh trong đời sống hằng ngày. Có nhiều cách để môn đồ hóa một người hay một nhóm người. Họp lại học Kinh Thánh với nhau, cầu nguyện và khích lệ nhau; dạy họ biết cách học và dạy Kinh Thánh; làm gương trong nếp sống, qua hành vi, lời nói; cùng bước với họ trong lúc họ gặp khó khăn, nản lòng, yếu đuối… Môn đồ hóa là sử dụng các ân tứ Chúa ban (thì giờ, tài năng, tiền bạc) để góp phần đào tạo thế hệ tiếp theo tiếp nối công việc Chúa. Phần lớn chúng ta ít để ý đến công tác môn đồ hóa người khác; hoặc chúng ta nghĩ mình không có khả năng, hoặc cho đó là công việc của Mục sư. Chúng ta không làm được vì không chịu học để biết cách môn đồ hóa người khác. Ngay trong gia đình, chúng ta vẫn có trách nhiệm môn đồ hóa con cháu của mình. Nếu không làm trọn trọng trách này, làm sao chúng ta có thể môn đồ hóa người khác được?

“Xin Chúa giúp con quyết tâm học biết Chúa nhiều hơn, và học biết cách môn đệ hóa con cháu và gia đình của con, và xin Chúa cho con cơ hội để môn đệ hóa người khác. Con biết kỷ luật thuộc linh này giúp con có trách nhiệm với công việc Chúa chung nhiều hơn”.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 10.11.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 10.11.2024

in NAM GIỚI on 5 Tháng Mười Một, 2024

Chúa nhật 10.11.2024 

  1. Đề tài: CHÚA NHẬT TRUNG TRÁNG NIÊN.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 23.
  3. Câu gốc: “Đức Giê-hô-va sẽ cứ dắt đưa ngươi; làm cho ngươi no lòng giữa nơi khô hạn lớn; làm cho cứng mạnh các xương ngươi, ngươi sẽ như vườn năng tưới, như nước suối chẳng hề khô vậy” (Ê-sai 58:11)
  4. Đố Kinh Thánh: Ca Thương 1-3.
  5. Thể loại: Ca ngợi – Cảm tạ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 04.08.2024.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 03.11.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 03.11.2024

in NAM GIỚI on 31 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 03.11.2024

  1. Đề tài: CÁ NHÂN CHỨNG ĐẠO.
  2. Kinh Thánh: Mác 1:29-31; Lu-ca 10:25-37.
  3. Câu Gốc: “Ngài bèn lại gần, cầm tay người đỡ dậy; bịnh rét dứt đi, và người bắt tay hầu hạ” (Mác 1:31).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 51-52.
  5. Thể loại: Kịch.

* Chỉ dẫn: Kịch.

  1. Mời vài người trong ban chấp sự của Hội Thánh nhóm chung với ban Nam giới và làm giám khảo.
  2. Cách thực hiện chương trình:

* Cách 1: Từ nhiều tuần trước, mỗi nhóm của ban Nam giới họp lại để soạn và tập một vở kịch ngắn với đề tài «Cá Nhân Chứng Đạo» . Tùy theo số nhóm mà định thời gian của vở kịch, nhưng không được quá 5 phút.

* Cách 2: Trước giờ nhóm, ban hướng dẫn chia ban Nam giới ra làm 3 nhóm và cho ngồi riêng ra từng nhóm. Đến tiết mục kịch 5 phút, ban hướng dẫn giao cho mỗi nhóm một câu chuyện ngắn với đề tài «Cá Nhân Chứng Đạo». Trong 20 phút, các nhóm phải biến câu chuyện thành vở kịch, phân vai và tập kịch.

– Các nhóm lần lượt diễn kịch.

 – Cách chấm điểm.

+ Thời gian: Đúng giờ (5’) 10 điểm. Mỗi phút dư bị trừ 1 điểm.

+ Tinh thần: Tất cả nhóm viên đều tham gia vào vở kịch: 10 điểm. Thiếu một người trừ 1 điểm.

+ Diễn xuất: 10 điểm.

+ Nội dung: 10 điểm (nếu là vở kịch tự chọn).

– Phát thưởng.

  1. Phân vai & Diễn.

Chọn ba thành viên trong nhóm để tham gia vào vở kịch:

  1. Người dẫn chuyện.
  2. Người nghèo bệnh.
  3. Tín hữu chứng đạo.

* Lời giới thiệu của người dẫn chuyện: 

(Đôi khi Cơ Đốc nhân có cái mà chúng ta gọi là “Quan điểm hạn hẹp về Phúc Âm”. Họ hiểu rằng việc tiếp nhận Chúa Giê-xu là quyết định sống còn. Nhưng họ không hiểu những điều khác. Khi họ không nhìn thấy những nhu cầu khác của người lân cận, sứ điệp của họ trở nên vô nghĩaHôm nay chúng ta sẽ đến thăm ngôi nhà của một người rất nghèo).

(NNB – Người Nghèo Bệnh). Người duy nhất sống trong ngôi nhà đó bị bệnh khá nặng và đang nằm trên giường. Người khách là một tín hữu (TH) đang có chương trình đi thăm viếng từng nhà, vừa mới đến.

TH: Xin chào, xin chào! Có ai ở nhà không? Tôi có thể vào được không? (Bước vào)

NNB: (Giọng yếu ớt). Vào đi…

TH: Xin chào. Tôi là… ở Hội Thánh… Hôm nay tôi đến thăm để mời mọi người đến Hội Thánh của chúng tôi. Chúa đang ban ân phước cho chúng tôi qua cơn phục hưng mạnh mẽ. Anh sẽ không bỏ lỡ cơ hội nầy chứ?

NNB: (Rên rỉ, nói đứt quãng), tôi không thể đến… tôi không thể ngồi dậy được… tôi bệnh quá đi không nổi…

– Thời gian qua, tôi đang mất việc làm… nên không có tiền mua thuốc… thức ăn… thiếu tiền thuê nhà trọ mấy tháng rồi….

TH: Đây là những nan đề lớn, nhưng tôi biết có một Người có lời giải đáp cho mọi nan đề của cuộc sống. Anh đã tiếp nhận Đức Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa hay chưa?

NNB: (Giọng yếu ớt) Gia đình và bạn bè đã lìa bỏ tôi khi tôi ngã bệnh và mất việc làm… Có người nào đó trong Hội Thánh của ông có thể giúp tôi không? Xin làm ơn mà…

TH: Sự giúp đỡ tốt nhất mà chính anh có thể nhận được nằm ngay trong quyển sách nhỏ nầy. Nó giải bày kế hoạch của Đức Chúa Trời cho cuộc đời của anh. Anh biết đấy, ý định của Ngài là không phải để anh nằm ở đây! Anh hãy cầm lấy, đọc đi, rồi cầu nguyện theo lời cầu nguyện của một tội nhân ăn năn và hãy tin cậy.

NNB: (Giọng yếu ớt hơn). Tôi…. Tôi… (không nói nữa, nằm bất động).

TH: (Bắt mạch). Vẫn còn sống! Ngợi ca Đức Chúa Trời, con đã đến đây đúng lúc để làm chứng cho người nầy! Con sẽ để lại quyển sách nhỏ nầy. Tốt hơn hết là con sẽ đi để cứu giúp cho những linh hồn hư mất khác. (Nói lớn vào tai NNB) Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho anh. Hãy nhớ, Đức Chúa Giê-xu là câu giải đáp, rồi TH bỏ đi).

NNB: Rên Hừ, hừ, hừ… và nhìn theo bóng của nhà truyền đạo đã bỏ đi.

  1. Thảo luận & Áp dụng.

Sau khi xem xong vở kịch; người hướng dẫn cho nhóm cùng thảo luận những câu hỏi sau:

  1. Vở kịch này nói về điều gì?
  2. Bạn có bao giờ thấy hoặc biết ai chia sẻ Phúc Âm như thế nầy chưa?
  3. Làm chứng theo cách nầy, thì có kết quả không? Và nếu có thì được lâu dài không?
  4. Trong phân đoạn Kinh Thánh Mác 1:29-31, hãy xem cách Chúa Giê-xu đến với bà gia Phi-e-rơ như thế nào so với người tín hữu trong vở kịch này?

Sau đó, nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, có kinh nghiệm trong đời sống theo Chúa để đúc kết giờ thảo luận, rút ra bài học dạy dỗ cho nhóm.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 27.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 27.10.2024

in NAM GIỚI on 31 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 27.10.2024

  1. Đề tài: CUỘC CẢI CHÁNH CỦA MARTIN LUTHER.
  2. Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 16:18, Công vụ 2:40,47.
  3. Câu Gốc: “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hằng Sống, rường và cột của chân lý” (1Ti-mô-thê 3:15b).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 46-48.
  5. Thể loại: Tìm hiểu.

* CHỈ DẪN: Tìm hiểu.

  1. Mời một người chịu trách nhiệm hướng dẫn thể loại Tìm hiểu (mời trước 1-2 tuần). Gửi đề tài “Cuộc Cải Chánh Của Martin Luther” để người hướng dẫn nghiên cứu và soạn các câu hỏi thảo luận xoay quanh đề tài.
  2. Người hướng dẫn sẽ đặt ra câu hỏi và các ban viên cùng thảo luận với nhau.
  3. Đúc kết & Cầu nguyện.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO .

Ngày 31.10.1517, một tu sĩ người Đức tên Martin Luther đã đến gõ cửa nhà thờ Công Giáo La-mã ở Wittenberg. Ông đóng đinh lên cánh cửa đó tấm giấy da có chứa 95 Luận Đề nêu lên những sai phạm của nhà thờ đương thời. Đó là tia sét đầu tiên khởi phát cơn bão Cải Chánh sắp sửa ập đến trên Nhà thờ Công Giáo La-mã thời bấy giờ.

Ngày kỷ niệm Cuộc Cải Chánh Tin Lành là một ngày đáng để chúng ta cùng nhau hân hoan vui mừng. Vui mừng vì lẽ gì?

Vui mừng vì từ đó hàng trăm triệu tín hữu đã quay lại với niềm xác tín rằng chỉ duy Lời Chúa có thẩm quyền tối cao trên đời sống họ (Sola Scriptura), và sự cứu rỗi là món quà được ban cho chỉ duy bởi ân điển Chúa (Sola Gratia) thông qua phương tiện duy nhất là đức tin (Sola Fide) nơi sự chết và sự sống lại của một Đấng Trung Bảo và Cứu Thế duy nhất là Jesus Christ (Sola Christus). Vì thể mọi vinh hiển phải được quy về một mình Chúa Ba Ngôi mà thôi (Sola Deo Gloria).

Vui mừng vì chúng ta nhận ra rằng mình được xưng công bình chỉ nhờ ân điển bởi đức tin mà thôi. Không phải bởi việc làm. Càng không phải bởi dùng tiền để mua bùa xá tội.

Vui mừng vì Kinh Thánh cuối cùng cũng được dịch ra nhiều ngôn ngữ, và được tự do đến với con người mọi giai cấp tầng lớp mọi dân tộc. Nếu bạn biết nhà thờ thời  Trung cổ ra sức ngăn cấm dịch thuật Kinh Thánh ra tiếng Anh để người bình dân cũng có thể đọc được, nếu bạn biết tội đọc Kinh Thánh tiếng Anh những năm 1400 là tội tử hình ở Anh quốc, thì mới thấy mỗi ngày được nuôi dưỡng tâm linh bằng Lời Chúa trong tiếng mẹ đẻ của mình là điều đáng quý biết dường nào.

Vui mừng vì chúng ta, những tín đồ bình thường nhất cũng có thể đến diện kiến và trò chuyện trực tiếp cách thân mật với Cha Thiên Thượng mà không phải thông qua một ai khác nữa.

Cảm tạ Chúa vì tất cả những sự kiện này đều nằm trong kế hoạch vĩ đại và tốt lành của Ngài cho chúng con.

John Piper (Nguồn: Desiring God)

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 20.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 20.10.2024

in NAM GIỚI on 31 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 20.10.2024

  1. Đề tài: THA THỨ LẪN NHAU.
  2. Kinh Thánh: Ê-phê-sô 4:31-32; Ga-la-tiGl 6:1; Mat Mt 6:12.
  3. Câu Gốc: “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi” (Mat 6:14).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 49-50.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 22.09.2024.

– Đọc Ma-thi-ơ 18:21-35.

– Câu hỏi gợi ý:

(1.1) Vị Vua trong câu chuyện ẩn dụ này đã có thái độ gì và đối xử như thế nào khi người đầy tớ sấp mình cầu xin người tha nợ cho?

(1.2) Qua hình ảnh của vị vua trong câu chuyện này, Chúa    Giê-xu muốn dạy dỗ chúng ta điều gì?

(1.3) Bạn đã tha thứ cho anh em đã phạm lỗi với bạn như thế nào? Xin chia sẻ một vài trải nghiệm của bạn.

(2.1) Vì sao người đầy tớ trong câu chuyện này bị gọi là độc ác?

(2.2) Nếu chúng ta không thể tha thứ cho anh em mình, chúng ta có nhận được sự tha thứ của Chúa không? Vì sao?

(2.3) Theo bạn, làm thế nào chúng ta có thể tha thứ đến 70 lần 7 như Lời Chúa dạy?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Nếu một người làm tổn thương bạn, đã được bạn tha thứ nhưng vẫn tiếp tục tổn thương bạn thêm nữa. Bạn sẽ đối xử với người đó như thế nào? Liệu bạn có tiếp tục tha thứ lần nữa hay không? Dù biết rằng điều này không dễ gì thực hiện, nhưng chương trình hôm nay muốn khích lệ bạn hãy nương dựa nơi quyền năng của Chúa, xin Ngài giúp bạn có thể bày tỏ lòng thương xót và tha thứ với người tổn thương mình.

Phi-e-rơ cùng với 11 môn đồ còn lại đồng hành cùng Chúa Giê-xu qua nhiều chặng đường. Họ là những con người có cá tính khác nhau, thói quen khác nhau, và tâm trạng khác nhau. Có người khá dễ chịu, có người lại bốc đồng như Phi-e-rơ chẳng hạn, có người cứng nhắc, có người dè dặt… và tất nhiên xung đột là điều không thể tránh khỏi.

Chúa Giê-xu muốn các môn đồ của mình tha thứ, không phải 7 lần, cũng không phải 70 lần 7 là 490 lần, mà là tha thứ cách trọn vẹn, tha thứ không giới hạn vì con số 7 tượng trưng cho sự trọn vẹn. Chúa Giê-xu biết giá trị của sự tha thứ. Nhưng Ngài cũng hiểu rõ bản tính yếu đuối của con người. Trong Lu-ca 6:27-28, Chúa truyền dạy: “Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa sả mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình” (Lu-ca 6:27-28).

Yêu kẻ thù, chúc phước cho kẻ rủa sả mình sao? Phải, đó là điều không dễ. Vì vậy chúng ta phải cần đến lòng thương xót của Chúa. Trước hết phải nhận biết rằng tình yêu thương của Ngài đã khỏa lấp tội lỗi chúng ta. Ngài đã hy sinh trên thập tự giá để tội lỗi chúng ta được tha thứ, thì chúng ta cũng có thể bày tỏ sự tha thứ và thương xót người khác khi hy sinh cái tôi của bản thân. Ma-thi-ơ 5:45-48 bày tỏ phương cách mà con cái Đức Chúa Trời cần hành xử để mang vinh hiển cho Ngài, đó là phải bày tỏ lòng thương xót với những người đang gây lầm lỗi cho chúng ta. Hay nói cách khác, chúng ta phải bày tỏ lòng tha thứ với họ.

Tương tự như vậy, Lu-ca 6:35-36 chép,

“Nhưng các con hãy yêu kẻ thù mình, hãy làm ơn, và hãy cho mượn mà đừng mong trả lại. Như vậy, phần thưởng của các con sẽ lớn, và các con sẽ là con của Đấng Chí Cao, vì Ngài lấy lòng nhân từ đối đãi người vô ơn và kẻ độc ác. Hãy thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Đôi khi vợ, chồng hay con cái của chúng ta, chính là đối tượng mà Chúa dạy chúng ta phải tha thứ nhiều nhất. Bởi vì họ là những người gần gũi nhất, nên từng lời nói của họ có thể đâm sâu, gây tổn thương cho chúng ta hơn cả kẻ thù.

Tôi từng nghe một cô y tá chia sẻ trong nước mắt, “Con gái tôi làm tan vỡ tấm lòng tôi. Nó mới 14 tuổi nhưng đã đòi bỏ học, bỏ nhà ra đi và trước khi đi nó còn nói “con ghét mẹ”.

Không dễ gì để cảm thấy được yêu và bày tỏ tình yêu mỗi ngày, vì cảm xúc luôn thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh xung quanh. Không những thế, khi chúng ta muốn yêu thì cảm xúc ghét bỏ lại nổi lên. Khi chúng ta muốn chúc phước thì sự rủa sả lại xuất hiện. Chúng ta đang ở trong một trận chiến với kẻ thù mà chúng ta không thấy được.

Có câu nói như thế này, “bạn không thể đuổi con chim khỏi đầu mình, nhưng bạn có thể ngăn cản không cho nó làm tổ trên đầu bạn”. Có một thời gian tôi cầu nguyện liên tục cho những người bạn đồng nghiệp của mình, sau khi nghe những cay đắng mà họ tâm sự. Tôi xin Chúa giúp loại bỏ những “tổ chim” ra khỏi tâm trí và tấm lòng họ. Mới đây, một đồng nghiệp đã tâm sự là công việc thuận lợi hơn. “Tôi quyết định tha thứ cho sếp, đơn giản là vì tôi không muốn mang lấy sự buồn bực cho bản thân mình” – bạn ấy chia sẻ.

Hãy nhớ rằng Sa-tan, kẻ thù của chúng ta vẫn đang đứng sau hậu trường, tìm cách chia rẽ và khiến chúng ta đối địch lẫn nhau. Nếu chúng ta mở cửa cho sự ghen ghét, thù hận xen vào thì rất khó để chúng ta yêu thương và tha thứ. Chúng ta không thể sống xứng đáng với sự kêu gọi của Chúa. Đức Thánh Linh sẽ thêm sức để chúng ta có thể tha thứ nếu chúng ta biết gắn mình trong Chúa Giê-xu, nhận biết rằng chính Ngài đã treo thân trên thập tự giá để tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Chúa đã sống lại rồi và ngày hôm nay Ngài đang sống, tuôn đổ quyền năng của Ngài trên đời sống chúng ta. Ngoài Chúa ra chúng ta không thể làm gì cả. Nhưng khi ở trong Ngài, chúng ta có năng lực để lựa chọn sự tha thứ. Chỉ đơn giản là đến với Chúa Giê-xu, và xin Ngài giúp chúng ta làm điều đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật khó để con tha thứ cho những người làm tổn hại đến mình. Con cầu xin Chúa thêm sức cho con, giúp con nhìn họ theo cái nhìn của Chúa, để con có thể bày tỏ lòng thương xót và tha thứ. Con cầu nguyện, trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Quý thính giả thân mến, nếu bạn đang giữ lòng cay đắng, buồn bực với một ai đó, giờ này Chúa muốn bạn đến với Ngài, nêu tên người đó ra và xin Chúa ban cho bạn năng lực để có thể tha thứ.

oneway.vn

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 13.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 13.10.2024

in NAM GIỚI on 31 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 13.10.2024 (Thanh Thiếu niên Tin lành)

  1. Đề tài: NGƯỜI TRẺ TUỔI VÀ LỜI CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên119:9-16.
  3. Câu Gốc: “Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận theo Lời Chúa” (Thi Thiên 119:9).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Họp bạn.

* CHỈ DẪN: Họp bạn.

  1. Tham dự: Mời các ban Thanh niên và Thiếu nhi cùng ban Nam giới tham dự Chương trình họp bạn.
  2. Chương trình: Nhiều tuần trước ngày họp bạn, mời đại diện các ban họp lại để cùng hoạch định chương trình và phân chia công tác:

– Thời gian, địa điểm, chủ đề, câu gốc, thể loại thực hiện…

– Phân chia trách nhiệm cho từng ban: Tập hát, làm chứng, đố Kinh Thánh, phần thưởng, sinh hoạt, hướng dẫn chương trình, ẩm thực… Mỗi ban chịu một số tiết mục.

  1. Tiết mục: Các tiết mục nên có trong ngày họp bạn là: Bài ca mới, ca ngợi và cảm tạ, đố vui, đố Kinh Thánh, kịch, trò chơi lớn…
  2. Bảng tên: Dự kiến số người tham dự và số người cho mỗi nhóm để chuẩn bị các màu giấy thích hợp cho việc chia nhóm, mỗi màu là một nhóm. Bảng tên phải ghi rõ tên và Hội Thánh để mọi người dễ làm quen. Sau đó mỗi nhóm cử một trưởng nhóm, một thư ký, điều khiển nhóm mình tham gia trò chơi và sinh hoạt.
  3. Phần thưởng: Phần thưởng cho sinh hoạt nhóm phải sử dụng phù hợp cho giờ thông công sau đó.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO .

Tình trạng đạo đức của giới trẻ hiện nay thế nào? Trước giả Thi Thiên khuyên người trẻ tuổi phải làm gì? Làm thế nào để Thanh Thiếu niên Cơ Đốc có thể làm theo Lời Chúa? Hội Thánh và gia đình cần giúp gì cho giới trẻ?

Xã hội chúng ta đang sống cũng như xã hội trong thời đại Kinh Thánh đều đầy dẫy tình trạng đồi trụy, ô uế, đạo đức sa sút… và rất nhiều cám dỗ lôi cuốn giới trẻ rơi vào đời sống bất khiết, đắm chìm trong những thú vui của đời, tìm kiếm sự thành công, danh vọng và lạc thú theo trào lưu của xã hội. Họ không nhận ra giá trị đích thực của con người, nhưng bị hoa mắt với những hào nhoáng bên ngoài và chạy theo những gì mắt mình ưa thích. Vì thế, Lời Chúa trở nên xa vời đối với các bạn trẻ. Họ thờ ơ trước kho tàng quý báu trong tầm tay, và đánh mất cơ hội khám phá giá trị đời đời trong Lời Chúa. Do đó, rất nhiều Thanh Thiếu niên đã sa lầy và không giữ được đời sống trong sạch, liêm khiết ngay từ khi còn rất trẻ. Vậy làm sao để Thanh Thiếu niên Cơ Đốc có thể giữ cho đường lối mình được trong sạch trước mặt Chúa?

Trước giả Thi Thiên đã đưa ra một giải pháp tối hậu cho câu hỏi trên, đó là “phải cẩn thận theo Lời Chúa” (câu 9). Chỉ có Lời Chúa là Lời khôn ngoan và có năng quyền mới có thể giúp Thanh Thiếu niên giữ mình trong sạch và thánh khiết. Để giữ đường lối mình được trong sạch, người trẻ tuổi ngoài việc cẩn thận làm theo Lời Chúa, còn cần phải hết lòng tìm kiếm Ngài để không lạc lối (câu 10), giấu Lời Chúa trong lòng để không phạm tội (câu 11), thuật lại việc Chúa làm cho người khác (câu 13), ưa thích, trân quý và chú tâm suy ngẫm Lời Chúa luôn luôn (câu 14-16). Lời Chúa có tác dụng thanh tẩy và biến đổi đời sống, cho nên tuổi trẻ cần phải trang bị Lời Ngài như là hành trang không thể thiếu cho đường lối cuộc đời mình. Ngày trước, Đức Chúa Trời cũng đã phán dạy ông Giô-suê: “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước” (Giô-suê 1:8). Đó là những bí quyết rất quý báu dành cho thanh thiếu niên, là lứa tuổi đang bước vào đời và đang tìm hướng đi cho mình.

Hội Thánh phải quan tâm đến Thanh Thiếu niên, tìm mọi cách giúp giới trẻ học Lời Chúa và vâng giữ Lời Ngài, để có thể giữ đường lối trong sạch trước mặt Chúa và có hướng đi đúng cho cuộc đời. Gia đình cũng phải dạy dỗ Lời Chúa cho con cháu mình ngay từ thuở ấu thơ, duy trì gia đình lễ bái để giúp các bạn trẻ xây dựng cuộc sống trong sạch và phước hạnh theo Lời Chúa.

Hội Thánh của bạn quan tâm giúp cho giới trẻ sâu nhiệm trong Lời Chúa bằng những cách nào?

“Lạy Chúa, xin nhắc chính mình con, cũng như các bạn trẻ phải nhớ cẩn thận làm theo Lời Chúa, để giữ cho đường lối mình trong sạch giữa xã hội băng hoại và tội lỗi này.

Nguồn Internet

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 06.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 06.10.2024

in NAM GIỚI on 28 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 06.10.2024

  1. Đề tài: GIỮ SỰ THÔNG CÔNG TRONG HỘI THÁNH.
  2. Kinh Thánh: Giăng 13:34; Rô-ma 15:2,12:15; Công 2:42-47.
  3. Câu Gốc: “Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện” (Công 2:42).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 43-45.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 14.07.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có thể nói phân đoạn Kinh Thánh này là một khuôn mẫu sinh hoạt cho các Hội Thánh. Lu-ca đã mô tả lại những sinh hoạt thường xuyên của các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên thật tuyệt vời. Họ kính sợ Chúa, trung tín trong sự nhóm lại, yêu mến Lời Chúa, hết lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, làm sáng Danh Chúa và ảnh hưởng tốt đến nhiều người.

Một trong những điểm nổi bật của các tín hữu Hội Thánh đầu tiên là giữ mối thông công tốt đẹp trong Hội Thánh. Trong tình thông công đó, họ hiệp lại với nhau cùng chung dự Tiệc Thánh để nhắc nhau về sự hy sinh của Chúa Giê-xu, rồi cầu nguyện cho nhau. Mối thông công tốt đẹp thể hiện qua sự hiệp một trong Hội Thánh. Các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên đã “tâm đầu ý hợp”, một lòng quan tâm đến nhu cầu của nhau và thể hiện qua hành động “bán hết tài sản, của cải mình có mà phân phát cho nhau tùy theo nhu cầu của mỗi người. Ngày nào họ cũng chuyên tâm đến đền thờ; và từ nhà này đến nhà khác, họ bẻ bánh và dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ, chân thành, ca ngợi Đức Chúa Trời và được ơn trước mặt mọi người” (Công 2:45-47 – BHĐ). Thật đây là một bức tranh quá đẹp về mối thông công giữa những anh em cùng đức tin trong Hội Thánh!

Nhờ mối thông công và lòng trung tín của họ, mà mỗi ngày có thêm nhiều người được cứu vào trong Hội Thánh (câu 47). Nếu con cái Chúa trong các Hội Thánh ngày nay có thể giữ được sự thông công tốt đẹp như các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên, thì chắc chắn cũng sẽ thu hút và đem thêm được nhiều người vào Hội Thánh. Nhưng thật đáng buồn làm sao khi có nhiều Hội Thánh tan rã, do những mâu thuẫn giữa con dân Chúa với Mục sư hoặc ngược lại, hoặc giữa các tín hữu với nhau. Làm sao chúng ta có thể cứu người nếu mối thông công trong Hội Thánh không tốt đẹp?

Để giữ được sự thông công hiệp một, mỗi tín hữu phải học theo gương các tín hữu đầu tiên: chuyên tâm giữ Lời Chúa, hết lòng cầu nguyện, kính sợ Chúa, quan tâm đến nhu cầu của nhau và sẵn sàng chia sẻ. Từng con dân Chúa phải làm theo lời dạy của sứ đồ Phao-lô: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:3-4).

Bạn có đang hết sức giữ gìn sự thông công tốt đẹp với anh chị em mình trong Hội Thánh không?

“Lạy Chúa, xin nhắc nhở chính mình con phải biết gìn giữ mối thông công với anh chị em trong Hội Thánh, để từ đó có thể đem lại ảnh hưởng tốt cho người khác và giúp họ có cơ hội đến với Ngài”.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên sinh hoạt ra sao? Họ giữ mối thông công như thế nào?
  2. Kết quả từ sự trung tín của họ là gì?
  3. Trong Hội Thánh ở địa phương của bạn đã giữ mối thông công với nhau như thế nào?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 29.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 29.09.2024

in NAM GIỚI on 28 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 29.09.2024

  1. Đề tài: PHẢI ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 6:19-20; Lu-ca 11:13; Công Vụ 2:4; Giăng 7:37-39.
  3. Câu Gốc: “Đừng say rượu vì rượu xui cho luông tuồng, nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:18).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 40-42.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 07.07.2024.

Đề tài 1: Cơ Đốc nhân cần phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Đề tài 2: Cơ Đốc nhân chỉ cần có Đức Thánh Linh.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sứ đồ Phao-lô dùng hình ảnh “say rượu” để so sánh khi dạy các con cái Chúa “phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”. Ông nói: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”. Người ta thường mượn rượu để giải sầu hoặc để có thêm can đảm, vì men rượu làm cho hưng phấn. Nhưng những điều do rượu mang lại chỉ là tạm thời, sau đó là say sưa và “luông tuồng,” nghĩa là trụy lạc, phóng đãng. Thay vào đó, hãy tìm niềm vui bất tận và sức mạnh Thiên thượng trong Thánh Linh.

Rượu xui cho luông tuồng vì người say rượu sẽ mất tự chủ, rượu sẽ sai khiến người đó nói và làm những việc bậy bạ, sai trật mà họ không hề biết. Nhưng người đầy dẫy Đức Thánh Linh lại sinh ra những phẩm chất tốt đẹp của Trái Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22), trong đó có sự tiết độ, tức tự chủ. Câu 19-20 cho thấy cuộc đời của người đầy dẫy Đức Thánh Linh là những chuỗi ngày ca ngợi tôn vinh Chúa bằng cả môi miệng lẫn tấm lòng; người ấy sẽ không có lời than thở, nản lòng khi gặp nghịch cảnh nhưng luôn sống với tinh thần tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì biết rằng Chúa luôn tể trị mọi sự và luôn ban mọi điều tốt nhất cho con cái Ngài (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18).

Vậy làm thế nào để đầy dẫy Đức Thánh Linh? Khi một người tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa Cứu Thế, thì người ấy được Thánh Linh ngự vào lòng và được tái sinh làm con của Đức Chúa Trời. Cơ Đốc nhân tuy đã nhận được Thánh Linh ngay khi thật lòng tin Chúa, nhưng để đầy dẫy Thánh Linh thì phải đầu phục sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Có Đức Thánh Linh là được Chúa ngự vào lòng một lần đủ cả, nhưng đầy dẫy Thánh Linh là quyết định sống theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh mỗi ngày, mỗi phút giây, nghĩa là phải đầu phục Chúa liên tục và trọn vẹn.

“Phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” là một mệnh lệnh phải vâng lời, không phải muốn hay không muốn. Khi phạm tội hoặc khi cái tôi của chúng ta nổi lên làm chủ khiến chúng ta không vâng theo Lời Chúa dạy, chúng ta đang làm buồn Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 4:30), hoặc có thể chúng ta đang dập tắt Thánh Linh (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:19) bằng thái độ lạnh nhạt, không đáp ứng với ngọn lửa Thánh Linh đang bùng cháy trong lòng. Những lúc như vậy, dù Đức Thánh Linh vẫn ở trong chúng ta, nhưng chúng ta không còn đầy dẫy Đức Thánh Linh nữa. Khi ấy, cần phải xưng tội, ăn năn (1Giăng 1:9), quay trở lại sống trong sự vâng phục Chúa để được tiếp tục đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Bạn có nhận biết mình luôn được đầy dẫy Thánh Linh không?

“Lạy Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trị và dẫn dắt con theo Chúa mỗi ngày. Xin tha thứ cho con vì con đã làm buồn lòng Chúa; xin giúp con vâng phục Chúa từng ngày để con luôn được đầy dẫy Thánh Linh”.

Văn Phẩm Nguồn Sống.