Tác giả: Lee Vi

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 16.06.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 16.06.2024

in NAM GIỚI on 15 Tháng Sáu, 2024

Chúa nhật 16.06.2024

  1. Đề tài: LỄ PHỤ THÂN.
  2. Kinh Thánh: Phục 5:16; Châm 23: 22, 24, 25.
  3. Câu Gốc: “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa.Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” (Cô-lô-se 3:20-21).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 1-3.
  5. Thể loại: Kịch.

* CHỈ DẪN: Kịch.

  1. Mời vài người trong ban chấp sự của Hội Thánh nhóm chung với ban Nam giới và làm giám khảo.
  2. Cách thực hiện chương trình:

* Cách 1: Từ nhiều tuần trước, mỗi nhóm của ban Nam giới họp lại để soạn và tập một vở kịch ngắn với đề tài «Lễ Phụ Thân». Tùy theo số nhóm mà định thời gian của vở kịch, nhưng không được quá 5 phút.

* Cách 2: Trước giờ nhóm, ban hướng dẫn chia ban Nam giới ra làm 3 nhóm và cho ngồi riêng ra từng nhóm. Đến tiết mục kịch 5 phút, ban hướng dẫn giao cho mỗi nhóm một câu chuyện ngắn với đề tài «Lễ Phụ Thân». Trong 20 phút, các nhóm phải biến câu chuyện thành vở kịch, phân vai và tập kịch.

– Các nhóm lần lượt diễn kịch.

 – Cách chấm điểm.

+ Thời gian: Đúng giờ (5’) 10 điểm. Mỗi phút dư bị trừ 1 điểm.

+ Tinh thần: Tất cả nhóm viên đều tham gia vào vở kịch: 10 điểm. Thiếu một người trừ 1 điểm.

+ Diễn xuất: 10 điểm.

+ Nội dung: 10 điểm (nếu là vở kịch tự chọn).

– Phát thưởng.

* Những câu chuyện gợi ý:

TÌNH YÊU VĨNH CỬU

Ngày qua ngày, một người cha đầy lòng yêu thương thường xuyên đến bệnh viện với một bó hoa trên tay. Ông ngồi bên giường của đứa con gái 6 tuổi đang hôn mê. Rồi ông kể cho cô bé nghe về mọi việc xảy ra chung quanh, kể một cách tha thiết, dịu dàng. Nhưng trong tình trạng vô thức ấy, cô bé chỉ đáp lại bằng những nhịp thở nặng nề.

Một hôm, cô y tá chăm sóc cô bé đánh bạo nói với người cha:

– “Cô bé đang trong tình trạng hôn mê như thế, thật là khó để bác cứ ngồi kể chuyện từ ngày nầy qua ngày khác. Biết rằng bác thương cháu bé, nhưng làm như thế chỉ nhọc công mà thôi”.

Người cha nhẹ nhàng trả lời:

– “Nhưng tôi sẽ tiếp tục đem những bó hoa đến cho con tôi và kể chuyện cho cháu nghe, cho dù cháu mê man không nhận thức được gì cả. Tôi yêu thương cháu, tôi muốn làm như thế cho dù cháu có hiểu biết hay không. Làm như thế, lòng tôi mới thấy được ấm áp và an ủi khi cháu ở trong tình trạng nầy”.

Thật là một hình ảnh ngọt ngào, tiêu biểu cho tình yêu thương của Đức Chúa Trời! Ngài đã yêu chúng ta và bày tỏ tình yêu ấy cho dù ta ý thức hay không. Cũng không phải vì tình trạng chúng ta như thế nào, thì Ngài mới yêu. Sự bền bỉ của tình yêu dường như không có giới hạn. Người cha kiên nhẫn và không mệt mỏi, kể những câu chuyện dài bên một thân thể bất động, là hình ảnh của Chúa Cứu Thế với những lời mời gọi thiết tha êm dịu: “Hãy mở cửa lòng…” Thế giới như đang trong cơn hôn mê thuộc linh. Người ta đóng chặt lỗ tai, đóng chặt đôi mắt. Họ không muốn thấy, cũng chẳng muốn nghe bất cứ điều gì về tình yêu của Đức Chúa Trời. Dẫu thế Ngài vẫn kêu gọi và đợi chờ, với hy vọng một ngày nào đó, những đứa con yêu dấu của Ngài sẽ tỉnh khỏi sự hôn mê trần thế.

MÓN QUÀ CỦA TÌNH THƯƠNG

Gần đến lễ Giáng sinh mà trong văn phòng ông Giám đốc một xí nghiệp lớn, vẫn còn chồng chất bao công việc phải thu xếp. Hầu như ngày nào, cô thư ký cũng phải làm thêm giờ phụ trội.

Thấy giám đốc luýnh quýnh nhìn đồng hồ rồi nhìn lịch treo trên tường, cô thư ký hỏi: “Thưa ông, còn phải làm việc gì nữa không?”

Ông ta đáp: “Chúng ta phải về thôi, muộn rồi nên cũng chẳng làm thêm được việc gì nữa”.

Cô thư ký mỉm cười nói: “Thật ra còn một việc cần phải làm sớm, đó là món quà cho con gái cưng của ông chủ nữa, ông đừng quên là chỉ còn hai hôm nữa là đến lễ Giáng sinh rồi đó”.

Ông giám đốc giơ hai tay ôm đầu nói: “Thật may là cô giúp tôi, chớ suýt nữa là tôi quên; ngày nào cũng bao nhiêu công việc dồn dập thế này, có lẽ con bé sẽ giận tôi lắm.

 Nhưng cô cũng có lý, tôi dành quá ít thời giờ cho gia đình tôi. Mỗi tối khi tôi về đến nhà, thì nó đã ngủ say rồi, ít khi tôi có giờ nói chuyện hoặc chơi với con gái tôi. Nhân dịp lễ Giáng sinh này, nhưng tôi cũng không có thời giờ đi mua cho nó. Hay là cô mua dùm tôi nhé. Cô đọc dùm lá thư nó gửi cho tôi xem nó muốn gì, tốn kém bao nhiêu cũng được, nó thích gì cô cứ mua cho nó”.

Cô thư ký mở tờ giấy hồng mà cô bé nguệch ngoạc mấy hàng chữ, cô đọc qua rồi mỉm cười lắc đầu nói với ông giám đốc: “Thưa ông, từ trước đến nay, tôi vẫn trung thành mau lẹ thực thi mọi điều ông bảo tôi làm, nhưng lần này thì tôi đành chịu thua”.Ông giám đốc ngạc nhiên hỏi: “Có điều gì khó khăn đến nỗi không thể làm vui lòng một đứa trẻ 8 tuổi chăng? Nó muốn gì vậy? Đâu cô đưa thư của nó cho tôi xem”.

Cô thư ký đến gần trao cho ông giám đốc tờ giấy hồng, có mấy hàng chữ như sau: “Ba yêu dấu, con chỉ xin ba cho con một món quà Giáng sinh này, là bắt đầu từ năm mới, mỗi ngày xin ba dành ra ít là nửa giờ để chơi với con, con không xin gì hơn nữa đâu. Con cưng của ba.

                                                       Ký tên: “Mến Thương”.

THÁNH KINH MÙA HÈ 2024 SÁCH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (3-5 TUỔI)

THÁNH KINH MÙA HÈ 2024 SÁCH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (3-5 TUỔI)

in ẤU NHI on 7 Tháng Sáu, 2024

TUỔI THƠ TRONG CHÚA

THÁNH KINH MÙA HÈ 2024

SÁCH DÀNH CHO GIÁO VIÊN

Lớp ẤU NHI (3-5 TUỔI)

 

MỤC LỤC.

BÀI 1. TUỔI THƠ TRONG CHÚA.

BÀI 2. TUỔI THƠ LẮNG NGHE LỜI CHÚA.

BÀI 3. TUỔI THƠ DÂNG HIẾN.

BÀI 4. TUỔI THƠ SỐNG VÂNG PHỤC.

BÀI 5. TUỔI THƠ SỐNG SÁNG DANH CHÚA.

 

BÀI 1. TUỔI THƠ TIN CẬY CHÚA

I. KINH THÁNH: 1Sa-mu-ên 17.

II. CÂU GỐC: “Tôi tin cậy nơi Ngài. Tôi nói Ngài là Đức Chúa Trời tôi” (Thi Thiên 31:14).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

   – Biết: Dù nhỏ bé, nhưng Đa-vít biết tin cậy Đức Chúa Trời, nên đã chiến thắng người khổng lồ Gô-li-át.

   – Cảm nhận: Đức Chúa Trời luôn giúp đỡ những người tin cậy Ngài.

   – Hành động: Em tin Đức Chúa Trời sẽ giúp em chiến thắng những người khổng lồ vô hình trong đời sống em.

IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.

   Người Phi-li-tin có nguồn gốc từ Ai-cập, bắt đầu từ Mích-ra-im. Mích-ra-im là con trai của Cham, Cham là con trai của Nô-ê. Trong thời Sau-lơ, người Phi-li-tin hay kéo quân sang xâm lược đất nước Y-sơ-ra-ên. Thời gian đầu, khi mới lên ngôi, Sau-lơ có thể khống chế được những cuộc xâm lăng của người Phi-li-tin (1Sa-mu-ên 14:47). Nhưng sau này, vì cớ không vâng phục mạng lệnh của Chúa, ông mất dần khả năng lãnh đạo. Do đó, người Phi-li-tin ngày càng hung bạo, tìm đủ mọi cách làm nhục Đức Chúa Trời mà người Y-sơ-ra-ên tin theo. Sự thách đấu diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Việc người Y-sơ-ra-ên phản bội Đức Chúa Trời và sự bất tuân của vua Sau-lơ đã làm tinh thần của người Y-sơ-ra-ên suy giảm rất nhiều. Đức Chúa Trời mà người Y-sơ-ra-ên tin cậy bị sỉ nhục lớn. Trong tình cảnh như vậy, Đa-vít – một thiếu niên chăn chiên, tự nguyện đứng ra nghinh chiến với mục đích làm vinh hiển Danh Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết, Sau-lơ lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên ngày càng bội nghịch cùng Đức Chúa Trời. Đầu tiên, ông tự dâng của lễ thiêu, trái với ý chỉ của Chúa. Tiếp theo, Sau-lơ không tiêu diệt hết người A-ma-léc, thậm chí còn giữ lại cho mình những chiến lợi phẩm, không vâng theo lời phán dặn của Chúa. Sau-lơ cứ sai phạm từng bước một, hết lần này đến lần khác. Hậu quả, càng ngày sự sợ hãi người Phi-li-tin của dân Y-sơ-ra-ên càng tăng, còn lòng kính sợ Chúa của họ giảm sút thấy rõ! Trong tình trạng đó, Chúa chọn Đa-vít làm vua thay cho Sau-lơ. Điều khác biệt giữa Đa-vít và mọi người, đó là lòng tin kính nơi Chúa chứ không sợ thế lực của con người. Đây chính là điều mà Chúa trọng dụng Đa-vít.

   Ba người anh trai khinh thường năng lực của Đa-vít, Gô-li-át khinh thường tuổi trẻ của Đa-vít. Con người chỉ nhìn bề ngoài, còn Đức Chúa Trời nhìn thấy trong lòng. Đức Chúa Trời tôn trọng Đa-vít vì ông luôn tin cậy, kính sợ Ngài, nên Ngài xức dầu cho ông.

   Khi Đức Chúa Trời trong lòng của Cơ Đốc nhân lớn hơn những người bên ngoài, thì họ có thể đắc thắng tất cả “người khổng lồ” mà họ gặp trong cuộc sống. Xin Chúa cho bạn luôn nhận biết Đức Chúa Trời mà chúng ta tin cậy là Đấng cực đại và đáng kính, Ngài lớn hơn mọi thế lực mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống.

   * Từ ngữ quan trọng trong đoạn Kinh Thánh:

  1. Sáu thước một gang (1Sa-mu-ên 17:4): Khoảng 3m.
  2. Nặng năm ngàn siếc-lơ (1Sa-mu-ên 17:5): Khoảng 60 kg.
  3. Một ê-pha (1Sa-mu-ên 17:17): Khoảng 22 lít.

    * Câu hỏi suy gẫm.

  1. Vì sao bạn có thể nhận biết tấm lòng của Đa-vít?
  2. Bạn có thể dùng một câu để nói ra điều mà Đa-vít làm đẹp lòng Chúa.

V. PHẦN CHUẨN BỊ.

  1. Bài hát: Đa-vít thắng Gô-li-át.
  2. Bài múa: Đa-vít tin cậy Chúa.
  3. Thị cụ:

   Hôm nay là ngày đầu tiên, giáo viên trang trí lớp học đẹp và vui mắt. Chuẩn bị bảng tên, tập điểm danh, giáo án, sách học viên, giấy thủ công và mọi thứ cần thiết cho lớp học của mình.

   Phim Môi-se phần “Đức Chúa Trời Rẽ Biển Đỏ”, những câu hỏi (phim chiếu trong giờ sinh hoạt chung), một chậu nước.

  Vật dụng thủ công.

   Đồ hóa trang cho Gô-li-át và Đa-vít. Lấy giấy màu vàng vo lại thành năm cục đá, túi vải, ná… gươm cho Gô-li-át.

   Chọn 5-6 em làm phóng viên, và cho các em học thuộc những câu hỏi để phỏng vấn (hóa trang cho Đa-vít, mời một người to lớn làm Gô-li-át).

VI. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. THỜ PHƯỢNG CHUNG.

  1. Ổn định: Sắp xếp chỗ ngồi của mỗi lớp, giáo viên ngồi chung với học viên lớp mình. Sau khi hiệu trưởng chào hoan nghênh mọi người, đàn dạo sẽ trổi lên để các em yên lặng lắng lòng với Chúa, rồi bắt đầu giờ thờ phượng.
  2. Hát: Đa-vít thắng Gô-li-át.
  3. Múa: Đa-vít tin cậy Chúa.
  4. Cầu nguyện.
  5. Đọc Kinh Thánh: Mời một học viên đọc “Xuất Ê-díp-tô ký 15:1-18).
  6. Chia sẻ: Bằng phương pháp chiếu phim hoặc câu hỏi.

  Chiếu phim Môi-se phần “Đức Chúa Trời Rẽ Biển Đỏ”.

   Nhắc học viên chú tâm xem đoạn phim, xem xong, đọc câu hỏi cho học viên, học viên nào trả lời đúng câu hỏi sẽ được phần thưởng (nếu nơi nào không có phim thì chỉ đưa ra câu hỏi).

   * Câu hỏi.

    a. Trên tay Môi-se cầm vật gì lúc làm phép lạ?

   Đáp: Cây gậy.

    b. Ai thật sự là người thi hành quyền năng lớn?

   Đáp: Đức Chúa Trời.

    c.Giáo viên đặt một tờ giấy lên bàn tay, mời 5-7 em lên thổi bay tờ giấy trên tay, hỏi các em điều này có dễ làm không?

   Đáp: Chắc chắn rất dễ.

    d. Đặt một chậu nước trên mặt bàn, mời 5-7 học viên khác lên, thổi chậu nước này ra khỏi mặt bàn và hỏi:

Làm điều này có dễ không?

   Đáp: Không dễ.

Ai chắc chắn làm được điều này?

   Đáp: Đức Chúa Trời.

   Mời học viên nêu lên một điều con người không làm được mà Đức Chúa Trời làm được.

   Đáp: Câu trả lời có thể khác nhau.

Mời một học viên cầu nguyện kết thúc.

  1. Thông báo:

  – Giới thiệu các giáo viên, học viên và vị trí lớp học.

  – Mời học viên các lớp đứng dậy, vỗ tay hoan nghênh.

  – Thông báo giờ học.

  1. Chia lớp: Mời giáo viên và học viên trở về lớp học của mình.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

1. Vào đề.

   Các em thân mến! Có bao giờ các em thấy một người khổng lồ chưa? Ngoài đời hay trong tivi? Người khổng lồ ấy như thế nào? (Cho các em tự do trả lời và cho một, hai em đã thấy người khổng lồ có thể đứng lên diễn tả người khổng lồ như thế nào?)

   Trong Kinh Thánh kể về một người khổng lồ tên là Gô-li-át và cậu bé chăn chiên nhỏ bé tên là Đa-vít. Nhân dịp Thánh Kinh Hè năm nay, các em cùng trở về với thời của Kinh Thánh Cựu Ước, phỏng vấn hai nhân vật này, để biết về họ rõ hơn các em nhé!

   (Gô-li-át bước ra trong tiếng vỗ tay của các em).

2. Bài học.

   (Giáo viên nhắc các em đóng vai phóng viên).

   – Phóng viên 1: Thưa ông, tên ông là gì ạ?

   – Gô-li-át (với giọng thô lỗ, đi nghênh ngang, mặt vênh váo): Ta tên là Gô-li-át, ta mới từ chiến trường trở về!

   – Phóng viên 2: Dạ tình hình ở chiến trường thế nào vậy ông?

   – Gô-li-át (tỏ vẻ khinh bỉ): Người Y-sơ-ra-ên thật là hèn nhát, không ai dám ra chiến đấu với ta cả! Ta chỉ cần giơ tay ra, thì chúng nó chạy trốn. Ta bắt lấy họ như bắt gà con vậy. Hahaha…!

   – Phóng viên 3: Ông cao mấy thước và nặng bao nhiêu ký vậy ạ?

   – Gô-li-át (hai tay gồng lên, giọng ồ xuống kéo dài ra): Hừm! Ta cao khoảng 3m, và nặng khoảng 300 kg.

   – Phóng viên 4: Dân tộc của ông đều cao như vậy sao ạ?

   – Gô-li-át (lắc đầu): Chỉ có một mình ta thôi. Một mình ta là đủ đối phó với người Y-sơ-ra-ên rồi, dân Y-sơ-ra-ên lần này dù có Đức Chúa Trời cũng không cách gì đánh thắng được ta! Hahaha!

   – Phóng viên 5: Ông nghĩ người Y-sơ-ra-ên sẽ thua ông sao?

   – Gô-li-át: Đúng, nếu ngươi không tin, thì hãy bảo người Y-sơ-ra-ên chọn một người khỏe mạnh nhất ra đánh với ta! Nếu họ giết được ta, thì dân tộc ta (người Phi-li-tin) sẽ làm nô lệ cho người Y-sơ-ra-ên. Nếu ta thắng, người Y-sơ-ra-ên sẽ làm nô lệ cho người Phi-li-tin của ta! Hahaha! (Vừa nói, Gô-li-át khoát tay cười vừa bước vào trong).

   Giáo viên bước ra và nói: Các em có tin Gô-li-át sẽ thắng người Y-sơ-ra-ên không? Tại sao? (Cho các em tự do trả lời). Bây giờ cô (thầy) sẽ đi tìm xem trong những người Y-sơ-ra-ên có ai dám đánh nhau với Gô-li-át không nhé! (giáo viên đi một vòng, nhìn thấy Đa-vít).

   – Giáo viên: A, xin hỏi cậu bé có phải là người Y-sơ-ra-ên không? Tên cậu là gì?

   – Đa-vít (vừa cười vừa trả lời): Dạ, em tên là Đa-vít.

   – Giáo viên: Các em lớp ấu nhi muốn phỏng vấn cậu vài câu được không?

   – Đa-vít: Được chứ, em sẵn sàng.

   – Phóng viên 1: Xin chào Đa-vít, ở nhà cậu thường làm gì?

   – Đa-vít: À, tôi thường giúp cha chăn chiên.

   – Phóng viên 2: Gô-li-át rất cao to, vậy cậu có sợ không?

   – Đa-vít: Không, tôi chuẩn bị giao chiến với Gô-li-át đây.

   – Phóng viên 2: Tại sao cậu không nhịn Gô-li-át mà lại muốn đánh Gô-li-át?

   – Đa-vít: Bởi vì Gô-li-át xúc phạm đến Đức Chúa Trời của chúng tôi. Tôi không thể cho ông ta phạm thượng với Đức Chúa Trời được!

   – Phóng viên 3: Cậu còn nhỏ làm sao có thể giao chiến với Gô-li-át được?

   – Đa-vít: Các anh tôi cũng nói như vậy, họ cho rằng tôi còn nhỏ mà quá tự tin, quá kiêu ngạo, không biết lượng sức mình.

   – Phóng viên 4: Vậy vì sao cậu dám ra chiến đấu với Gô-li-át?

   – Đa-vít: Vì tôi tin rằng Đức Chúa Trời luôn ở với tôi và ban cho tôi sức mạnh của Ngài.

   – Phóng viên 5: Cậu nghĩ, cậu có thể chiến thắng Gô-li-át không?

   – Đa-vít: Tôi tin chắc khi nhờ cậy Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ cho tôi chiến thắng Gô-li-át.

   – Phóng viên 6: Cậu chuẩn bị vũ khí nào để chiến đấu với Gô-li-át?

   – Đa-vít: Tôi chỉ cần một cây gậy, năm viên đá và cái trành là đủ rồi. Thôi, đã tới giờ tôi phải đi chiến đấu với Gô-li-át rồi, xin chào các bạn.

   (Đa-vít bước vào trong, giáo viên bước ra).

   Các em thân mến! Các em có muốn được chứng kiến trận chiến giữa Đa-vít và Gô-li-át không? Gô-li-át cầm một cây lao đồng, mặc áo giáp đồng, đội mão đồng. Các em biết không, chỉ riêng cái áo giáp mà Gô-li-át mặc đã nặng khoảng năm mươi ký! Còn Đa-vít thì chỉ mặc bộ đồ chăn chiên, trong túi đeo bên hông có năm cục đá bóng láng vừa lượm dưới khe, tay cầm một cái trành ném đá. Đây thật là một trận chiến không cân sức. Bây giờ các em cùng theo dõi nhé!

   * Cảnh: Gô-li-át và Đa-vít đứng đối diện nhau cách xa khoảng 2m.

   – Gô-li-át (vỗ ngực cười to): Ô kìa! Thằng nhóc con, trong vòng người Y-sơ-ra-ên không có người nào dám ra chiến đấu với ta sao? Nhìn đây, ta sẽ xé xác mày cho chim trên trời và thú đồng ăn ngay bây giờ!

   – Đa-vít (tay chống nạnh, tay chỉ về phía Gô-li-át, mặt ngước lên nhìn thẳng vào Gô-li-át): Hôm nay tôi sẽ chặt đầu ông! Đức Chúa Trời đã phó ông vào tay của tôi rồi, Ngài sẽ giúp tôi chiến thắng ông mà không cần gươm giáo. (Gô-li-át và Đa-vít đều chạy, Đa-vít đặt hòn đá vào trành, quay tít, viên đá bay vút đi, trúng vào trán của Gô-li-át. Gô-li-át gục xuống, ngã lăn ra đất. Đa-vít dùng dao của Gô-li-át giết ông ta).

  1. Ứng dụng.

   Các em thân mến! Qua câu chuyện này, các em biết vì sao Đa-vít không sợ “người khổng lồ” Gô-li-át không?    (Cho các em trả lời). Đúng rồi, vì Đa-vít tin cậy Chúa. Đức Chúa Trời là Đấng lớn hơn Gô-li-át, Ngài có quyền và mạnh hơn Gô-li-át.

   Trong đời sống các em cũng có nhiều “người khổng lồ” khiến các em sợ hãi! Có thể đó là bóng tối, một người hàng xóm vừa mới qua đời, sự lười biếng… Vậy, làm thế nào để các em chiến thắng được “người khổng lồ” trong lòng các em? (Cho các em tự do trả lời). Khi các em tin cậy, cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ thì Ngài sẽ giúp các em chiến thắng “người khổng lồ” đó. Các em có tin Đức Chúa Trời không?

C. ÔN TẬP.

  1. Gô-li-át là người như thế nào?

   Đáp: Kiêu ngạo, ngang tàng, hỗn láo với Đức Chúa Trời.

  1. Cậu bé Đa-vít làm nghề gì?

   Đáp: Chăn chiên.

  1. Đa-vít là người như thế nào?

   Đáp: Khiêm nhường, kính sợ Đức Chúa Trời.

  1. Tại sao Đa-vít dám khiêu chiến với “người khổng lồ” Gô-li-át?

   Đáp: Vì Đa-vít tin Đức Chúa Trời giúp đỡ mình chiến thắng Gô-li-át.

  1. Các em có tin Đức Chúa Trời giúp các em chiến thắng “người khổng lồ” trong cuộc sống của các em không?

   * Giáo viên khích lệ các em tin cậy Đức Chúa Trời và chỉ nương cậy vào một mình Ngài, thì các em sẽ trở nên người can đảm như cậu bé chăn chiên Đa-vít.

D. HỌC CÂU GỐC.

  1. Chuẩn bị: Bong bóng, những mảnh giấy nhỏ ghi câu gốc, hai thùng giấy.
  2. Thực hiện: Chia câu gốc thành nhiều đoạn nhỏ viết lên giấy. Sau đó bỏ vào bong bóng và thổi lên, cũng thổi những quả bóng không chứa những mảnh giấy câu gốc nữa. Đựng tất cả những quả bóng này trong thùng giấy, đặt tại điểm xuất phát.

   Sau khi cho các em học thuộc lòng câu gốc, chia các em làm hai tổ để thi đua. Đặt hai thùng bong bóng tại điểm xuất phát. Khi có hiệu lệnh, mỗi em cầm một bong bóng trong thùng của tổ mình, kẹp vào giữa hai đùi rồi đi đến đích (nếu rơi thì phải quay lại cuối hàng). Khi đến đích, các em sẽ làm vỡ bong bóng bằng mông, lấy những mảnh giấy trong quả bong bóng ra, đưa cho giáo viên xếp lại thành câu gốc. Tổ nào hoàn thành trước thì được thưởng.

G. THỦ CÔNG: Tô màu hình vẽ.

E. SINH HOẠT: Đại lực sĩ.

  1. Chuẩn bị: Một cái bàn, hai cái ghế nhỏ dành cho các em nhỏ ngồi.
  2. Thực hiện: Cho hai em nhỏ thay phiên nhau chơi trò chơi vật tay, em nào thua thì ra, người thắng ngồi lại tiếp tục chơi với người khác. Cuối cùng xem em nào thắng thì được đăng quang làm “đại lực sĩ”. Cả lớp vỗ tay hoan nghênh.

 

 

BÀI 2. TUỔI THƠ LẮNG NGHE LỜI CHÚA.

I. KINH THÁNH: 1Sa-mu-ên 1; 2:11-16; 3.

II. CÂU GỐC: “Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa” (Thi Thiên 119:11).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

   – Biết: Dù ở chung với hai người con trai hư đốn của Ê-li, cậu bé Sa-mu-ên không bị ảnh hưởng, mà vẫn nghe tiếng Đức Chúa Trời gọi mình trong đêm khuya.

   – Cảm nhận: Dù trong hoàn cảnh nào thì Lời Chúa vẫn là nền tảng để biết ý muốn Ngài.

   – Hành động: Em học Lời Chúa mỗi ngày để biết ý muốn Chúa trên đời sống em.

IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.

   Có thể nói Sa-mu-ên cũng là người Na-xi-rê, vì được dâng cho Chúa từ khi còn trong lòng mẹ (1Sa-mu-ên 1:11). Mẹ của Sa-mu-ên là An-ne đã hứa nguyện rằng, nếu Chúa ban cho một con trai, bà sẽ dâng nó trọn đời cho Đức Chúa Trời và dao cạo sẽ chẳng đưa ngang qua đầu nó. Đức Chúa Trời ban cho An-ne một con trai như lời bà cầu xin, và An-ne cũng đã giữ đúng lời hứa nguyện. Khi đứa bé vừa dứt sữa, An-ne đem con đến đền thờ, dâng cho Đức Chúa Trời.

   Dù còn nhỏ tuổi, nhưng Sa-mu-ên đã bắt đầu phục vụ Chúa. Sa-mu-ên theo thầy tế lễ Hê-li học tập mọi việc. Có lẽ Sa-mu-ên làm những việc có liên quan đến các lễ nghi mà thầy tế lễ phải làm (Xuất 29:1-25), cũng như giữ cho đèn sáng luôn trong đền thờ (Xuất 24:20-21). Khi hành lễ, không thể thiếu một trong những lễ nghi này, cũng không thể sửa đổi một lễ nghi nào. Bởi đó là những nghi lễ thánh, do Đức Chúa Trời quy định. Ngay từ nhỏ, Sa-mu-ên đã là người đầy tớ trung tín, kính sợ Đức Chúa Trời, làm theo ý chỉ của Ngài.

   Ngược lại, hai con trai của Hê-li, vốn theo cha mình phục vụ Chúa trong đền thờ (Xuất Ê-díp tô ký 29:1), nhưng lại không coi trọng luật lệ của Ngài. Trong lúc hành lễ, họ làm theo ý riêng mình (1Sa-mu-ên 2:12-17). Người nào làm những việc như vậy, Kinh Thánh gọi là kẻ ác (1Sa-mu-ên 2:12). Kẻ ác là không tuân theo lời dạy của Chúa, có thái độ xem thường Chúa. Vì thế, kẻ ác phải gánh chịu hậu quả do mình gây ra, Đức Chúa Trời cũng khinh dễ họ.

   Đức Chúa Trời không trọng dụng Hê-li, bởi vì Hê-li coi trọng con trai của mình hơn là Lời Chúa (1Sa-mu-ên 2:29). Trong thời gian Hê-li phục vụ Chúa, các tiên tri ít được Đức Chúa Trời khải thị để hướng dẫn con dân của Ngài đi trong sự sáng. Qua đó chúng ta thấy rằng, thầy tế lễ là người đứng giữa Đức Chúa Trời và con người. nếu thầy tế lễ nào không xem trọng Lời Chúa, mà coi trọng ý muốn của con người, thì gây hệ lụy đến nhiều người và cuối cùng, gia đình người đó phải gánh chịu hậu quả (1Sa-mu-ên 2:31-34). Còn đối với những ai trung tín, Đức Chúa Trời sẽ tôn trọng họ (1Sa-mu-ên 2:35).

   Đức Chúa Trời bày tỏ sứ điệp của Ngài cho Sa-mu-ên, bởi vì ông trung tín, vâng phục Chúa, và điều đó khiến Ngài tiếp tục trọng dụng ông (Sa-mu-ên là thầy tế lễ, tiên tri, người cầm quân đánh giặc, quan xét, người lãnh đạo của quốc gia).

   Đức Chúa Trời “chẳng để một lời nào của người ra hư” (1Sa-mu-ên 3:19). Đức Chúa Trời luôn ở cùng người vâng phục Ngài. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, phục vụ Chúa không phân biệt tuổi tác và kinh nghiệm. Người giàu kinh nghiệm, chưa chắc là người được Chúa trọng dụng. Đức Chúa Trời chỉ coi trọng những đầy tớ trung tín, vâng phục Lời Chúa, không khiếp sợ con người, nhưng hết lòng kính sợ Đức Chúa Trời.

   Phục vụ và thờ phượng là một khối có hai mặt, thiếu một là không được. Kinh Thánh Ê-sai 6:2-3 cho biết, các Sê-ra-phin đứng hầu việc Chúa cũng có hai cánh che mặt (thể hiện sự khiêm nhường), hai cánh che thân (thể hiện sự vâng phục quyền bính), và hai cánh dùng để bay (thể hiện sự phục vụ truyền đạt sứ điệp). Thiên sứ đều phải lấy sự vâng phục, khiêm nhường phục vụ Đức Chúa Trời, huống chi là chúng ta vốn là con người tầm thường. Chúng ta há lưu ý rằng mình có luôn giữ thái độ khiêm tốn, vâng phục để phục vụ Ngài sao? Hay là chúng ta cho rằng có khả năng phục vụ thì coi như là trung tín?

   Bài học căn bản nhất của Cơ Đốc nhân là “vâng phục”. Nếu không có tấm lòng vâng phục Chúa thì tất cả những “công lao” mà con người thấy được, dưới mắt của Chúa đều là luống công. “Sự vâng lời tốt hơn là của lễ” (1Sa-mu-ên 15:22). “Vâng phục” có nghĩa là “đứng dưới mà nghe”. Điều đó có nghĩa người vâng phục ở dưới quyền tể trị của một Đấng nào đó. Vậy, Đấng đó là ai? Chính là Đức Chúa Trời. Vậy “nghe điều chi”? Nghe theo Lời Ngài. Lời của Chúa là không thêm bớt, đối với những người thật sự vâng lời Chúa. Chúng ta biết rằng người vâng phục Chúa là người được phước (Giê-rê-mi 7:23).

   * Từ ngữ quan trọng trong đoạn Kinh Thánh:

  1. Hứa nguyện (1Sa-mu-ên 1:11): Trong Cựu Ước “hứa nguyện” là một lời nói hết sức thiêng liêng, có một sự ràng buộc đặc biệt (Phục 23:22-23, Dân 30:1-3).
  2. “Dao cạo sẽ chẳng đưa ngang qua đầu nó” (1Sa-mu-ên 1:11): Đây là một trong những lời hứa nguyện của người Na-xi-rê. Người được biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va (Dân 6:5).
  3. “Ê-phót” (1Sa-mu-ên 2:28): Áo lễ thầy tế lễ mặc khi phục vụ trong đền thờ (Xuất 39:2-7). Sa-mu-ên mặc Ê-phót bằng vải gai mịn, thể hiện Sa-mu-ên đã học tập chức vụ của thầy tế lễ.
  4. “Khôn lớn trước mặt Đức Giê-hô-va” (1Sa-mu-ên 2:21): Một đứa trẻ khôn lớn trước mặt Đức Chúa Trời, chắc chắn được Ngài ở cùng và ban phước (Các Quan Xét 13:24). Sa-mu-ên cứ lớn lên, đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta (1Sa-mu-ên 2:26).
  5. “Chưa biết Đức Giê-hô-va, lời Đức Giê-hô-va chưa được bày tỏ ra” (1Sa-mu-ên 3:7): Điều này cho thấy lúc bấy giờ mối quan hệ giữa Sa-mu-ên và Chúa chưa rõ là mối quan hệ tiên tri. Do vậy, Sa-mu-ên không hiểu là Chúa đang khải thị cho ông, cho đến khi Hê-li là người có kinh nghiệm nói cho ông hay (1Sa-mu-ên 3:9). Điều này bày tỏ Đức Chúa Trời lập Sa-mu-ên làm tiên tri bắt đầu từ đó.

    * Câu hỏi suy gẫm.

  1. Vì cớ gì mà An-ne đến đền thờ cầu nguyện? Thái độ của An-ne thế nào?
  2. Trong lúc cầu nguyện An-ne hứa với Chúa điều gì? Và An-ne đã thực hiện lời hứa nguyện như thế nào?
  3. Sau khi dứt sữa, Sa-mu-ên sống với ai? Ở đâu?
  4. Sa-mu-ên bắt đầu học tập phục vụ Chúa khi nào? Sa-mu-ên phục vụ Chúa như thế nào?
  5. Tại sao Đức Chúa Trời lại khải thị cho nhi đồng Sa-mu-ên mà khôn khải thị cho thầy tế lễ Hê-li?
  6. Sa-mu-ên và hai con trai của Hê-li khác nhau như thế nào?
  7. Sa-mu-ên đối với Lời Chúa như thế nào? Sa-mu-ên để lại cho chúng ta tấm gương gì?

V. PHẦN CHUẨN BỊ.

  1. Bài hát: Nghe lời Chúa.
  2. Bài múa: Chăm học mãi.
  3. Thị cụ:

   – Giáo viên trang trí lớp học tập, nhiều màu sắc để các em cảm thấy vui khi bước vào lớp.

   – Chuẩn bị bảng tên, tập điểm danh, giáo án, sách học viên, vật dụng thủ công, và mọi thứ cần thiết cho lớp học của mình.

   – Những câu hỏi trong giờ sinh hoạt chung.

   – Đồ hóa trang cho An-ne, thầy tế lễ Hê-li, Sa-mu-ên và người lính.

VI. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. THỜ PHƯỢNG CHUNG.

  1. Bài hát: Nghe lời Chúa.
  2. Bài múa: Chăm học mãi.
  3. Cầu nguyện.
  4. Đọc Kinh Thánh: Giáo viên đọc chậm một lần Thi Thiên 119:97-104 và yêu cầu học viên lớp Nhi đồng, Thiếu nhi mở Kinh Thánh của mình ra vừa nghe vừa nhìn vào Kinh Thánh.
  5. Chia sẻ: Bằng phương pháp câu hỏi để giải thích đoạn Kinh Thánh này.

     a. Người khôn ngoan và người ngu muội khác nhau ở điểm nào?

   Đáp: Người khôn ngoan: yên lặng, ít nói, lắng nghe người khác, nếu có thiệt thòi thì cũng nhịn. Người ngu muội: Nói nhiều, thích gây gổ, không thích nghe người khác, tưởng mình là người khôn ngoan.

    b. Người khôn ngoan và người ngu muội, người nào kính sợ Chúa hơn? Người nào dễ phạm tội hơn? Tại sao?

   Đáp: Người khôn ngoan kính sợ Chúa, vì họ biết Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng ra họ và vũ trụ này.

   Người ngu muội dễ phạm tội hơn, vì họ cứ tưởng mình khôn ngoan, không chịu lắng nghe, học hỏi.

    c. Người nào sau đây vừa khôn ngoan, vừa thông thiểu lẽ thật hơn?

   – Người già không thích đọc Kinh Thánh.

   – Người thầy giáo thích đọc tiểu thuyết.

   – Kẻ thù thích bạo lực.

   – Người lãnh đạo chỉ nói mà không làm.

   – Người lắng nghe Lời Chúa và làm theo Lời Ngài.

    d. Làm thế nào để làm một thiếu nhi vừa khôn ngoan vừa thông hiểu lẽ thật?

   Đáp: Nghe, đọc, suy gẫm Lời Chúa và làm theo Lời Ngài.

    e. Các em có lắng nghe và làm theo Lời Chúa không?

   (Cho các em tự do trả lời). Em nào bằng lòng đứng dậy. Mời một giáo viên cầu nguyện cho các em.

  1. Chia lớp: Mời giáo viên và học viên trở về lớp học của mình.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

1. Vào đề.

   * Trò chơi “Lắng nghe tin bí mật”.

   – Chuẩn bị thị cụ: Làm điện thoại.

    a. Vật liệu: 2 cái ly giấy, 5 cây ống hút, băng keo trong.

    b. Cách làm: Bấm mỗi ly một cái lỗ, dùng 5 ống hút nối hai cái ly lại. Chỗ nối, rạch dọc trên đầu ống hút một chút rồi vòng ống hút đã rạch vào đầu ống hút không rạch, rồi dùng băng keo trong dán chỗ nối lại thành một đường dây điện thoại có hai ống nghe.

    c. Cách chơi: Giáo viên bắt thăm, trúng tên em nào thì em đó lên nghe “tin bí mật” mà giáo viên truyền qua điện thoại. Giáo viên lặp lại 3 lần câu “Em lắng nghe Lời Chúa”. Mỗi lần nói, đệm theo những âm thanh khác nhau. Ví dụ: lần 1 “Vỗ tay”, lần 2 “mở nhạc to”, lần 3 “không mở nhạc, không vỗ tay, yêu cầu mọi người giữ yên lặng”. Sau đó giáo viên hỏi: “Trong ba lần gọi, lần nào dễ nghe nhất?” (Cho các em trả lời). Các em có biết tại sao lần thứ ba dễ nghe hơn so với hai lần trước không? (Vì không có tiếng ồn).

   Các em thân mến! Kinh Thánh kể, có một bạn nhỏ đã nghe tiếng Đức Chúa Trời gọi mình trong đêm khuya, dù tiếng nói rất là êm dịu, và nhỏ nhẹ. Các em cùng theo dõi bài học này để biết người bạn nhỏ đó là ai nhé!

  1. Bài học.a

    a. An-ne.

   Chào các cháu, bà tên là An-ne, bà có một người con trai lớn tên là Sa-mu-ên. Lúc đó, bà không có con, nên người ta thường hay chê cười bà. Một hôm, trong lúc thờ phượng Đức Chúa Trời tại đền thờ, bà khóc với Ngài rằng: “Nếu Chúa ban cho con một đứa con trai. Con sẽ dâng đứa con đó cho Chúa”. Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của bà, một năm sau, bà sanh được một đứa con trai, bà đặt tên nó là Sa-mu-ên.

   Khi Sa-mu-ên bằng tuổi các cháu, bà đem Sa-mu-ên đến đền thờ dâng cho Đức Chúa Trời, từ đó Sa-mu-ên ở với thầy tế lễ Hê-li và phục vụ Chúa trong đền thờ.

    b. Sa-mu-ên.

   Chào các bạn nhỏ, ta là Sa-mu-ên. Khi mẹ dẫn ta đến đền thờ dâng ta cho Chúa. Ta ở với thầy tế lễ Hê-li, thầy dạy ta thắp đèn đền thờ, lau chùi, quét dọn và làm những việc trong đền thờ. Sau khi xong việc ta lắng nghe Lời Chúa. Khi lớn lên, ta thích đọc sách luật pháp Môi-se.

   Một đêm nọ, lúc ta đang ngủ say, ta nghe có người gọi tên ta “Sa-mu-ên, Sa-mu-ên, Sa-mu-ên”. Ta tưởng là thầy tế lễ Hê-li gọi, nên đã chạy đến bên ông. Nhưng ông bảo không phải. Lần thứ hai, sau khi nghe tiếng gọi, ta chạy lại bên ông, ông bảo ta, con ngủ đi và nếu tiếng gọi lại thì hãy nói: “Thưa Chúa, con đang nghe”. Đến lần thứ ba, tiếng gọi lại “Sa-mu-ên, Sa-mu-ên, Sa-mu-ên”. Ta liền quỳ xuống, và thưa: “Lạy Chúa, xin phán, con đang nghe”. Đức Chúa Trời phán cùng ta, Ngài sẽ hình phạt gia đình thầy tế lễ Hê-li vì tội lỗi của hai người con Hê-li gây ra. Đó cũng là lần đầu tiên Đức Chúa Trời phán dạy ta. Từ đó về sau, Chúa luôn phán với ta, ta biết, Đấng mà ta đang phục vụ là Đấng sống, những điều Ngài phán, thì chắc chắn Ngài sẽ thực hiện.

    c. Hê-li (nét mặt tỏ ra rất là ân hận).

   Chào các cháu, ông là Hê-li, làm thầy tế lễ trong đền thờ. Cảm ơn Chúa, cậu bé Sa-mu-ên giúp đỡ ông rất nhiều. Sa-mu-ên thật là một đầy tớ trung tín. Còn ông là một thầy tế lễ thất bại, ông không để thời gian dạy dỗ con cái, và luôn cưng chiều hai con trai của mình, nên chúng hư đốn, không kính sợ Đức Chúa Trời. Mỗi lần dâng tế lễ thay cho dân chúng, thì hai đứa nó luôn lấy thức ăn đó ăn trước. Ta đã quở trách chúng nhiều lần, nhưng chúng không chịu nghe lời ta. Hiện giờ thì hai đứa nó đang ở chiến trường. (Đang nói, thì một người với trang phục lính chiến, chạy vội đến trước mặt Hê-li).

   Người lính: Dạ thưa cụ…

   Hê-li: Việc gì vậy? Hai con trai của ta thế nào?

   Người lính: Dạ, thưa hai con trai của cụ…Hai con trai của cụ đều bị giết rồi… Hòm giao ước của Chúa bị chúng cướp đi…

   Hê-li: Ôi! (Lùi ra phía sau vài bước, ngã xuống và chết).

   Kéo màn lại. Giáo viên bước ra.

   Các em thân mến! Bây giờ các em đã biết người bạn nhỏ mà Đức Chúa Trời gọi lúc đêm khuya là ai chưa? (Cho các em tự do trả lời).

  1. Ứng dụng.

   Các em thân mến! Sa-mu-ên là cậu bé siêng năng phục vụ Chúa trong đền thờ, và đặc biệt là dù ở với hai người con trai hư đốn của Hê-li, nhưng cậu bé Sa-mu-ên vẫn không bị ảnh hưởng mà luôn lắng nghe và học hỏi lời của Đức Chúa Trời. Sa-mu-ên có phải là tấm gương cho các em học theo không? Các em cố gắng lắng nghe Lời Chúa để sống đẹp lòng Ngài các em nhé!

   Chúa luôn kêu gọi các em dâng đời sống của mình cho Ngài. Còn em nào chưa tin Chúa, qua kỳ Thánh Kinh Hè này, các em có nghe tiếng Chúa kêu gọi mình trở về làm con cái của Ngài không? Ngài cũng đang kêu gọi các em như Ngài đã kêu gọi Sa-mu-ên. Các em có mở cửa lòng tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình không?

C. ÔN TẬP.

  1. Bà An-ne đến đền thờ để làm gì?

   Đáp: Thờ phượng Chúa.

  1. Tại sao bà vừa khóc vừa cầu nguyện với Chúa?

   Đáp: Vì bà không có con.

  1. Bà cầu xin Chúa điều gì?

   Đáp: Bà xin Chúa cho bà một con trai.

  1. Trong lúc cầu nguyện An-ne hứa với Chúa điều gì?

   Đáp: Bà hứa khi bà có con bà sẽ dâng nó cho Chúa.

  1. Bà An-ne đã thực hiện lời hứa nguyện như thế nào?

   Đáp: Bà đã dâng Sa-mu-ên cho Chúa.

  1. Khi Sa-mu-ên bằng các em, Sa-mu-ên sống với ai? Ở đâu?

   Đáp: Sống ở đền thờ với Hê-li.

  1. Sa-mu-ên làm gì trong đền thờ?

   Đáp: Phục vụ Chúa (dọn dẹp bàn thờ, lau nhà thờ…)

  1. Đức Chúa Trời gọi Sa-mu-ên mấy lần?

   Đáp: 3 lần.

  1. Sa-mu-ên và hai con trai của Hê-li khác nhau như thế nào?

   Đáp: Sa-mu-ên yêu mến Chúa, hai người con của Hê-li hư đốn.

D. HỌC CÂU GỐC.

   Giáo viên giải thích ý nghĩa câu gốc, và cho các em đọc câu gốc nhiều lần. Chia các em làm hai tổ, tổ 1 đọc nửa câu gốc đầu, tổ 2 đọc nửa câu gốc sau. Sau đó đổi lại, tổ 1 đọc nửa câu gốc sau, tổ 2 đọc nửa câu gốc đầu. Cứ thế cho các em đọc đi, đọc lại câu gốc cho thuộc. Cho các em đọc chung với nhau. Em nào tình nguyện đọc thuộc câu gốc một mình sẽ được thưởng.

E. THỦ CÔNG. Cho các em tô màu hình vẽ.

G. SINH HOẠT: Nghe theo hiệu lệnh.

  1. Mục đích: Huấn luyện các em chú tâm lắng nghe những gì giáo viên nói, và giúp các em có đầu óc quan sát.
  2. Cách chơi: Tất cả ngồi theo vòng tròn, hai tay đặt trên đầu gối, chờ giáo viên ra hiệu lệnh. Khi giáo viên ra hiệu lệnh: “Sừng con nai”, thì tất cả học viên đưa ngón tay trỏ để lên trên trán. Khi giáo viên ra hiệu lệnh: “Sừng con vịt”, tất cả học viên đưa tay trở lại vị trí ban đầu” (Vì con vịt không có sừng).

   Giáo viên tiếp tục ra hiệu lệnh: “Sừng con trâu”, tất cả học viên đưa ngón tay trỏ để lên trên trán, và cứ như thế giáo viên cứ ra hiệu lệnh cho các em làm theo. Con vật nào có sừng mà các em không đưa tay lên trán là bị phạt, con vật nào không có sừng mà đưa lên trán cũng bị phạt.

 

 

 

BÀI 3. TUỔI THƠ DÂNG HIẾN

I. KINH THÁNH: Giăng 6:1-14.

II. CÂU GỐC: “Hãy dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:1a).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em.

   – Biết: Em bé trai dâng phần ăn của mình cho Chúa Giê-xu.

   – Cảm nhận: Những gì em có đều có thể dâng cho Chúa.

   – Hành động: Em dâng đời sống em cho Chúa.

IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.

   Trọng điểm chính của phân đoạn Kinh Thánh này là Chúa Giê-xu làm phép lạ hóa bánh cho năm ngàn người ăn, để các môn đồ nhận biết Ngài chính là Bánh Sự Sống (Giăng 6:35), hơn hẳn ma-na trong thời của Môi-se. “Lương thực của sự sống” bao gồm lương thực cho cơ thể và lương thực cho tâm linh. Tuy nhiên, đa số dân chúng tìm đến với Chúa Giê-xu với mục đích đơn thuần là “ăn bánh và được no” (Giăng 6:26).

   Tại sao Chúa Giê-xu không trực tiếp làm phép lạ hóa bánh, từ chỗ không có một cái bánh nào giống như bánh ma-na từ trời rơi xuống trong thời Cựu Ước vậy? Chúa Giê-xu vẫn có thể làm thế, nhưng Ngài dùng năm cái bánh và hai con cá của một cậu bé là có mục đích. Câu chìa khóa là Giăng 6:5-6, Chúa Giê-xu muốn thử đức tin của Phi-líp. Đồng thời qua việc này, Ngài muốn các môn đồ và dân Do-thái biết Ngài chính là Đấng tiên tri mà sách Phục Truyền 18:15,18 nói đến, và cũng là Đấng Mê-si-a mà họ mong đợi.

   Có thể nói trong câu chuyện này, cậu bé dâng năm cái bánh và hai con cá cho Chúa là người được phước nhất, vì chính bản thân em kinh nghiệm quyền năng lớn của Chúa Giê-xu. Hành động tự nguyện dâng cho Chúa năm cái bánh và hai con cá cho thấy cách nhìn của em khác với những người xung quanh, thậm chí có thể nói em này có đức tin mạnh hơn Phi-líp và Anh-rê (Giăng 6:7,9). Em tin rằng dù năm cái bánh và hai con cá của mình chẳng thấm vào đâu, nhưng Chúa Giê-xu sẽ làm một cái gì đó cho năm ngàn người đang đói này. Cậu bé bày tỏ đức tin của mình đối với Chúa Giê-xu trước khi phép lạ xảy ra. Tiếp theo, Chúa Giê-xu “lấy bánh tạ ơn…”, lấy bánh có nghĩa là “giơ bánh cao lên”, mọi người có thể nhìn thấy bánh và cá, nhưng họ không biết Chúa Giê-xu sẽ phân phát bánh cho năm ngàn người ăn chỉ từ năm cái bánh và hai con cá nhỏ đó. Đám đông ngồi xuống một cách trật tự trên đám cỏ, họ biết sẽ nhận bánh và cá. Sau khi Chúa Giê-xu tạ ơn Đức Chúa Trời và bẻ bánh ra, thì phép lạ xảy ra ngay lập tức, bánh và cá không ngừng tăng số lượng, đến nỗi 5.000 người không kể phụ nữ và trẻ em ăn no nê, lại còn dư 12 giỏ đầy nữa.

   Bạn thân mến, em bé vô danh này đã cộng tác với Chúa Giê-xu khiến phép lạ xảy ra, và Danh Chúa được vinh hiển. Đây cũng chính là mục tiêu suốt cuộc đời của một người theo Chúa, và cũng là tâm tình của Giăng Báp-tít “Ngài phải được tôn lên, còn tôi phải hạ xuống” (Giăng 3:30).

   * Từ ngữ quan trọng trong đoạn Kinh Thánh.

  1. “Biển Ga-li-lê” (Giăng 6:1): Còn gọi là Biển Ti-bê-ri-át. Hai danh từ này đều chỉ về một cái hồ. Những thành phố chung quanh hồ này là những công trường truyền giảng Tin lành của Chúa Giê-xu. Hồ Ga-li-lê được bao quanh bằng núi, và sông Giô-đanh chảy ngang qua biển hồ này từ Bắc xuống Nam, nên nước trong hồ rất ngọt, chứ không mặn như nước Biển Chết. Tuy nhiên, do vị trí của biển hồ này nằm sâu dưới lòng kẻ nứt của sông Giô-đanh, và được bao bọc bởi các ngọn đồi, nên hồ dễ bị tác động bởi những luồng gió từ trên thổi xuống, tạo nên những cơn bão bất ngờ.
  2. “Lễ vượt qua… gần tới” (Giăng 6:4): Phép lạ này xảy ra gần ngày Lễ Vượt qua. Điều này cho chúng ta vài suy nghĩ. Lễ Vượt qua gần tới, đáng lẽ mọi người nên ở nhà để chuẩn bị cho lễ, nhưng tại sao họ lại chạy đến bờ hồ? Có thể những người này đa số là người nghèo. Giăng 6:26, Chúa Giê-xu phán với họ rằng vì muốn được ăn bánh mà họ chạy đến với Ngài. Hơn nữa, Lễ Vượt qua nhắc cho người Do-thái nhớ đến Đức Giê-hô-va đã giải cứu họ ra khỏi Ai-cập, nơi mà tổ phụ họ đã làm nô lệ. Cách để dân Y-sơ-ra-ên không bị hủy diệt là bôi huyết chiên con không tì vít trên cửa. Nay, Chiên Con vô tội thật sự đã đến, nhưng tiếc thay những người này vẫn không tin nhận Ngài.

   * Câu hỏi suy gẫm.

  1. Mục đích Chúa Giê-xu làm phép lạ hóa bánh là gì?
  2. Bạn theo Chúa bao lâu rồi? Bạn nhận biết thế nào về quyền năng của Ngài?
  3. Khi gặp nan đề trong cuộc sống hoặc là trong công tác phục vụ Chúa, bạn suy nghĩ thế nào? Và cách ứng xử của bạn ra sao?
  4. Bạn có bằng lòng dâng trọn đời sống của bạn cho Chúa để Ngài sử dụng không?
  5. Bạn đã hưởng được sự vui mừng và no nê của Bánh Hằng sống chưa?

   * Đề nghị.

  1. Mục đích của bài này là khích lệ các em đừng nghĩ rằng bản thân mình nhỏ bé, hoặc những gì mình có là tầm thường. Những cái có vẻ như tầm thường được dâng cho Chúa thì trở nên vĩ đại. Em dù nhỏ nhưng cũng có thể làm những việc lớn cho Chúa. Giống như cậu bé vô danh dâng phần ăn nhỏ bé của mình cho Chúa, và Chúa đã làm việc vĩ đại.
  2. Khi kể câu chuyện này, bạn có thể vừa kể vừa vẽ hình, cũng có thể dùng những thị cụ như: Giỏ mây, bánh mì, cá khô… để gây ấn tượng cho các em.

V. PHẦN CHUẨN BỊ.

  1. Bài hát: Dâng cho Giê-xu.
  2. Bài múa: Quà em dâng Chúa.
  3. Thị cụ:

   – Giáo viên trang trí lớp học đẹp và vui mắt.

   – Chuẩn bị bảng tên, tập điểm danh, giáo án, sách học viên, vật dụng thủ công, và mọi thứ cần thiết cho lớp học của mình.

   – Phim và những câu hỏi trong giờ sinh hoạt chung.

   – Kịch ngắn “hai mẹ con” cho giờ vào đề.

VI. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. THỜ PHƯỢNG CHUNG.

  1. Bài hát: Dâng cho Giê-xu.
  2. Bài múa: Quà em dâng Chúa.
  3. Cầu nguyện.
  4. Đọc Kinh Thánh: Mời học viên đọc Thi Thiên 105:26-39.
  5. Chia sẻ: Bằng phương pháp xem phim hoặc câu hỏi.

   * Cho xem đoạn phim Môi-se, phần “Mười tai vạ”. Bảo các em để ý những chi tiết trong phim, để trả lời những câu hỏi của giáo viên phía dưới. Nếu nơi nào không có phim thì chỉ đọc Kinh Thánh và đưa ra câu hỏi.

   * Câu hỏi:

    a. Cây gậy trên tay Môi-se có liên quan gì với mười tai vạ?

   Đáp: Đức Chúa Trời làm phép lạ qua cây gậy trong tay của Môi-se, Xuất 7:20, 8:5, 9:22, 10:12,21 không phải là Môi-se làm được phép lạ, mà là do chính Chúa làm phép lạ.

    b. Những tai vạ đó là gì?

   Đáp: Sự tối tăm, nước thành máu, ếch nhái, muỗi, ruồi, mưa đá, châu chấu, cào cào, giết những con đầu lòng.

    c. Đức Chúa Trời làm phép lạ qua cây gậy trong tay của Môi-se, điều đó còn liên quan đến việc gì nữa?

   Đáp: Liên quan đến Lời Chúa phán, Ngài nói và Ngài làm thành.

    d. Ngày nay, Chúa còn làm phép lạ không?

   Đáp: Vẫn còn. (Cho các em tự do trả lời và thảo luận).

    e. Mời một em tình nguyện cầu nguyện kết thúc.

6. Chia lớp: Mời giáo viên và học viên trở về lớp học của mình.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   (Bắt đầu câu chuyện hai mẹ con).

    – Con: Mẹ ơi! Con nghe nói sẽ có một người đến đây!

   – Mẹ: Ai vậy con?

   – Con: Ông ta là thầy thuốc, người biết trị mọi thứ bệnh. Ông cứu người chết sống lại và ông giúp đỡ rất nhiều người đó mẹ. Con muốn đi đến đó để nghe ông giảng và thấy ông chữa bệnh như thế nào, mẹ cho con đi nhé!

   – Mẹ: Không được đâu, con còn nhỏ quá, đi một mình nguy hiểm lắm!

   – Con: Thưa mẹ, không sao đâu! Có nhiều người hàng xóm cùng đi, con sẽ đi theo họ!

   – Mẹ: Để mẹ xem đã…

   – Con: Mẹ ơi! Com muốn đi lắm! Mẹ cho phép con đi đi.

   – Mẹ: Nếu như con ngoan, và đi theo những người hàng xóm cho đến khi về thì mẹ sẽ cho con đi.

   – Con: Dạ, con sẽ làm theo lời mẹ, mẹ cho con đi nhé!

   – Mẹ: Thôi được! Để mẹ chuẩn bị một phần thức ăn cho con mang theo!

   – Con: Con cảm ơn mẹ! (Và cả hai vào trong).

  1. Bài học.

   (Giáo viên bước ra). Vậy là em bé trai đem thức ăn mẹ cho, cùng đi với những người hàng xóm để tìm thầy thuốc đó. Các em biết thầy thuốc đó là ai không? (Cho các em tự do trả lời). Thầy thuốc đó là Chúa Giê-xu. Đến nơi, em trai thấy đoàn dân đông thật đông, em cố len vào gần Chúa Giê-xu để xem Ngài như thế nào và nghe Ngài rõ hơn.

   Khi thấy đoàn dân đông chung quanh mình, thay vì nghỉ ngơi, Chúa Giê-xu tiếp tục giảng về những việc lạ lùng mà Đức Chúa Trời đã làm, và về Thiên đàng cho mọi người nghe.

   Chiều đến, mọi người ai cũng đói bụng, nhưng họ vẫn nghe Đức Chúa Trời giảng một cách say sưa. Lúc đó, một môn đồ của Chúa tỏ ra lo lắng, vì hơn năm ngàn người mà giữa đồng vắng, không có chợ, thì tìm đâu ra thức ăn cho họ? Các em có cách gì giúp họ không? (Cho các em tự do trả lời).

   Một môn đồ đến nói với Chúa Giê-xu: “Thưa thầy, đã tối mà người đông quá, xin thầy để cho họ về nhà ăn tối”.    Chúa Giê-xu trả lời: “Các ngươi hãy cho họ ăn, hãy tìm thử có thức ăn nào không?”

   Lúc đó, cậu bé có thức ăn đứng bên cạnh các môn đồ, đưa phần thức ăn của mình cho họ và nói: “Đây là phần bánh của con, xin dâng cho Chúa Giê-xu”. Môn đồ đem thức ăn cho Chúa Giê-xu và nói: “Thưa thầy, có một em bé nhỏ dâng phần ăn của mình cho thầy”. Đố các em thức ăn của cậu bé là gì? (Cho các em suy đoán và tự do trả lời). Chúa Giê-xu lấy năm cái bánh và hai con cá ra. Nhưng, chừng đó chỉ đủ cho một em nhỏ thôi, làm sau đủ cho năm ngàn người ăn đây? Các em chờ xem Chúa Giê-xu sẽ làm gì với phần ăn nhỏ tí như vậy nhé!

   Chúa Giê-xu bảo các môn đồ nói mọi người ngồi theo từng hàng trên bãi cỏ xanh. Ngài lấy bánh và cá, ngước mắt lên trời, cảm tạ Đức Chúa Trời rồi bẻ ra chia cho các môn đồ. Môn đồ phân phát cho đám đông. Điều lạ lùng, với năm bánh và hai cá, môn đồ chia cho hơn 5.000 người ăn no nê, mà bánh và cá vẫn còn thừa. Sau khi người ta đã ăn rồi, môn đồ đi lượm những miếng ăn thừa chứa đầy 12 giỏ.

  1. Ứng dụng.

   Các em thân mến! Cậu bé đã dâng hết thức ăn của mình cho Chúa Giê-xu, còn các em có gì để dâng cho Ngài không? (giáo viên gợi ý cho các em tự do trả lời). Các em có thể dâng tiền bạc, thì giờ và đời sống của các em cho Chúa. Các em có làm được điều đó không? Còn các em chưa tin Chúa, các em muốn trở thành con cái của Chúa Giê-xu không? Nếu muốn, các em hãy dâng đời sống của mình ngay hôm nay cho Ngài các em nhé!

   Giáo viên khích lệ các em phải biết chia sẻ những gì mình có với người khác, đó cũng là một sự dâng hiến.

C. ÔN TẬP.

  1. Những gì em bé trai dâng cho Chúa Giê-xu có phải là những thứ dư thừa không?

   Đáp: Không, đó là thức ăn của cậu bé.

  1. Thức ăn của em bé trai là gì?

   Đáp: Năm cái bánh và hai con cá.

  1. Năm cái bánh và hai con cá của cậu bé nuôi được bao nhiêu người?

   Đáp: Năm ngàn người.

  1. Bánh và cá còn dư bao nhiêu giỏ?

   Đáp: 12 giỏ đầy.

  1. Nếu như bạn của em cần một món gì đó, em có thể cho bạn ấy không? Tại sao?
  2. Em có gì để dâng cho Chúa Giê-xu?

   Đáp: Thời gian, tiền bạc, tài năng… Hãy để cho học viên suy nghĩ thêm, còn có điều gì có thể dâng lên cho Ngài?)

D. HỌC CÂU GỐC.

  1. Chuẩn bị: Một quả bóng nhựa.
  2. Thực hiện:

   – Giáo viên giải thích ý nghĩa câu gốc và yêu cầu các em đọc đi đọc lại nhiều lần.

   – Cho các em đứng vòng tròn, sau đó giáo viên thảy quả bóng cho một em.

   – Em nhận được quả bóng của giáo viên lập tức đọc hai chữ đầu tiên của câu gốc, rồi thảy quả bóng cho em khác. Em đó lại đọc hai chữ tiếp theo rồi lại thảy bóng cho em khác. Trò chơi cứ thế cho đến khi hết câu gốc.

   – Chơi lại vài lần, cho đến khi đọc thuộc câu gốc.

E. THỦ CÔNG: Cho các em tô màu hình vẽ.

G. SINH HOẠT:

* Giống nhau.

  1. Mục đích: Giúp các em nhớ bài.
  2. Chuẩn bị: Dùng giấy bìa cứng tự chế một bộ hình giống nhau. Vd: 2 hình Chúa Giê-xu, 2 hình năm bánh, 2 hình hai cá, 2 hình đám đông, 2 hình một em bé trai, 2 hình mười hai sứ đồ, 2 hình mấy giỏ cá bánh còn thừa.
  3. Cách chơi: Chia các em làm hai tổ. Úp tất cả các hình xuống bàn. Cho từng tổ lật hình lên, mỗi lần lật hai hình, nếu hai hình giống nhau thì sẽ được tính 10 điểm. Tổ nào nhiều điểm sẽ thắng.

 

BÀI 4. TUỔI THƠ VÂNG PHỤC

I. KINH THÁNH: Lu-ca 2:40-52.

II. CÂU GỐC: “Đức Chúa Giê-xu khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu-ca 2:52).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

   – Biết: Chúa Giê-xu biết vâng lời ba mẹ.

   – Cảm nhận: Sống vâng lời ba mẹ là đẹp lòng Đức Chúa Trời.

   – Hành động: Em vâng lời ba mẹ, thầy cô.

IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.

   Lu-ca 2:40-52 là một trong số những phân đoạn nói về nhân tánh của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là một con người trọn vẹn, và cũng là Đức Chúa Trời trọn vẹn. Ngài là con người trọn vẹn nghĩa là cũng trải qua những giai đoạn trong cuộc đời của một người giống như tất cả mọi người trên thế gian này. Lu-ca 2:40 chép: “…dần dần khôn lớn…” (Bản Kinh Thánh phổ thông), có nghĩa là lớn lên từng ngày, tích lũy từng ngày. Ngài mang thân xác con người, tuy nhiên sự giáng sinh của Ngài là một huyền nhiệm, là quyền phép của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời đã dùng một trinh nữ như là công cụ để Chúa Giê-xu nhập thể (Lu-ca 1:35). Vì thế, Ma-ri và Giô-sép chỉ là cha mẹ phần xác của Chúa Giê-xu. Ngài phô bày những đặc điểm của một con người như: Đói (Ma-thi-ơ 4;2), khát (Giăng 19:28), mệt mỏi (Giăng 4:6), khóc (Giăng 11:45)… Dầu vậy, Ngài cũng là Đức Chúa Trời trọn vẹn. Ngài có những thuộc tánh mà chỉ Đức Chúa Trời mới có như: Vĩnh hằng (Giăng 8:58, 17:5), toàn tri (Ma-thi-ơ 18:20, 28:20), toàn năng (Ma-thi-ơ 28:18, Mác 5:11-15, Giăng 11:38-44). Ngài làm những việc chỉ có Đức Chúa Trời mới làm được như: Tha tội (Mác 2:1-12), ban sự sống đời đời cho những ai tin Ngài (Giăng 5:21)…

   Trong thời niên thiếu, “Đức Chúa Giê-xu khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu-ca 2:52). Nguyên nhân khiến Chúa Giê-xu sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và mọi người chính là sự vâng phục của Ngài.

  1. Ngài có “đầy dẫy sự khôn ngoan” (Lu-ca 2:40a). Sự khôn ngoan của Ngài khiến các giáo sư tinh thông về kinh luật Cựu Ước cũng phải ngạc nhiên. Sự khôn ngoan của Ngài đến từ sự kính sợ Đức Giê-hô-va (Châm ngôn 1:7).
  2. “Ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài” (Lu-ca 2:40b). Trong thời Cựu Ước, người Y-sơ-ra-ên biết nếu muốn được ơn của Đức Chúa Trời, chỉ có một con đường duy nhất là tuân giữ điều răn của Ngài (Ê-xê-chi-ên 36:27-28, 37:24-28). Đức Chúa Trời luôn phán qua tiên tri của Ngài để khuyên họ ăn năn, trở về với Đức Chúa Trời và tuân giữ điều răn của Ngài, thì Ngài sẽ ở cùng họ. Ơn Đức Chúa Trời ở cùng Chúa Giê-xu thể hiện Ngài là con người vâng phục.
  3. Chúa Giê-xu là người con vâng phục. Ngài vâng phục cha mẹ phần xác của Ngài là Giô-sép và Ma-ri. Ngài đã sống 30 năm với cha mẹ trước khi bước vào chức vụ. Trong suốt 30 năm đó, Ngài đã thực hiện tất cả mọi bổn phận của một người con, và dĩ nhiên sự vâng phục là không thể thiếu trong đời sống của Ngài.
  4. Thời niên thiếu, Ngài sống giữa mọi người và được yêu mến. Ngài có sự khôn ngoan, Ngài biết lúc nào cần nói, lúc nào nên giữ im lặng. Trong lòng Ngài ngay thẳng, hành động của Ngài công bình.

   Bạn thân mến, Chúa Giê-xu đã để lại cho chúng ta một gương, hầu cho chúng ta noi dấu chân Ngài (1Phi-e-rơ 2:21). Bài học Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta một vài suy nghĩ:

  1. “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan” (Châm ngôn 9:10): Người kính sợ Chúa nhận được sự khôn ngoan, mà sự khôn ngoan của Chúa ở trong Lời của Ngài. Vì thế, người kính sợ Chúa chắc chắn làm theo Lời Ngài.
  2. Vâng phục Chúa. Chúa Giê-xu là gương mẫu về sự vâng phục, thậm chí vâng phục cho đến chết (Phi-líp 2:8). Nếu Chúa Giê-xu không vâng phục Đức Chúa Cha, thì Ngài không thể đi trên con đường thập tự. Nếu điều đó xảy ra, thì sự cứu rỗi đối với chúng ta thật xa vời. Vâng phục có thể khiến chúng ta bị thiệt thòi, chịu hy sinh. Ý nghĩa thật sự của từ vâng phục là: “Đứng ở dưới để nghe”, nghĩa là người ở dưới phải nghe và làm theo mệnh lệnh của người ở trên. Những người đó có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị, mục sư, chính quyền… Vợ cũng phải vâng phục chồng mọi điều. Tuy nhiên, vâng phục Chúa phải là trên hết (Công vụ 5:29).
  3. Sống trong ân điển của Chúa. Cơ Đốc nhân sống trong ân điển của Đức Chúa Trời bởi sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Bởi đức tin, chúng ta bước đi trong ân điển của Ngài (Rô-ma 5:1-2, Ê-phê-sô 1:6, 2:8). Vậy thì, chúng ta còn cần ân điển gì trên đời sống của chúng ta nữa không? Đối với Cơ Đốc nhân, việc tìm kiếm ân điển của Chúa tức là vâng phục Lời Ngài (Châm Ngôn 8:32-37).

   * Từ ngữ quan trọng trong đoạn Kinh Thánh:

  1. “Cậu bé dần dần khôn lớn” (Lu-ca 2:40) (Bản dịch phổ thông): “Dần dần” mô tả về một quá trình tiến triển không ngừng. Điều này bày tỏ thân thể và sự khôn ngoan của Chúa Giê-xu không ngừng tăng trưởng một cách đồng đều, đồng nghĩa với việc Chúa Giê-xu mỗi ngày không ngừng vâng phục Chúa và cha mẹ.
  2. “Sau ba ngày, họ tìm thấy Ngài lúc ấy đang ở trong đền thờ” (Lu-ca 2:46): Rõ ràng trong ba ngày này, Chúa Giê-xu không đi đâu hết, liên tục ở trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, học hỏi về Lời của Đức Chúa Trời. Điều này chứng tỏ Chúa Giê-xu rất yêu mến Lời Chúa.
  3. “Thân hình càng lớn” (Lu-ca 2:52): Chúa Giê-xu cũng có một thân thể bình thường như tất cả mọi người và từng bước trưởng thành. Điều này một lần nữa cho thấy đặc tính con người của Chúa Giê-xu.
  4. “…Càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu-ca 1:52): Câu này cho thấy mối quan hệ của Chúa Giê-xu với Đức Chúa Trời và con người rất tốt đẹp, đồng thời trí lực và thể lực của Ngài đều được tăng trưởng. Có được sự tăng trưởng đồng đều như vậy là nhờ vào sự kính sợ và vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời của Chúa Giê-xu.

   * Câu hỏi suy gẫm.

  1. Mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời và với người khác như thế nào?
  2. Đời sống thuộc linh của bạn có đang tăng trưởng không?
  3. Bạn có phát triển một cách cân bằng giữa thể xác và tâm linh không?

   Bài học hôm nay học về sự vâng phục của Chúa Giê-xu. Giáo viên kêu gọi các em tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình. Mong rằng bạn cầu nguyện đặc biệt cho sự giảng dạy ngày hôm nay, cầu xin Đức Thánh Linh tác động vào lòng các em, để các em có thể tiếp nhận sự cứu rỗi mà Chúa Giê-xu ban cho.

V. PHẦN CHUẨN BỊ.

  1. Bài hát: Chúa Giê-xu vâng lời cha mẹ.
  2. Bài múa: Điều cần học.
  3. Thị cụ:

   – Giáo viên trang trí lớp học đẹp và vui mắt.

   – Chuẩn bị bảng tên, tập điểm danh, giáo án, sách học viên, vật dụng thủ công, giấy màu cắt hình chữ nhật làm thẻ đo chiều cao, ký của các em, thước đo, chiếc giày của bé sơ sinh và mọi thứ cần thiết cho lớp học của mình.

   – Những câu hỏi trong giờ sinh hoạt chung.

VI. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. THỜ PHƯỢNG CHUNG.

  1. Bài hát: Chúa Giê-xu vâng lời cha mẹ.
  2. Bài múa: Điều cần học.
  3. Cầu nguyện.
  4. Đọc Kinh Thánh: Mời các em đọc Lu-ca 1:30-35.
  5. Chia sẻ: Bằng phương pháp hỏi đáp.

    * Thực hiện: Chia các em làm hai tổ. Mỗi tổ một em đại diện tổ lên trả lời câu hỏi của giáo viên. Vd: Hôm nay là ngày thứ mấy của Thánh Kinh Hè? Hay “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian…” trong sách nào, đoạn, câu mấy? (Giăng 3:16)… Nếu em nào trả lời đúng, thì tổ đó sẽ được quyền ưu tiên trả lời một câu hỏi phía dưới.

   a. Mẹ phần xác của Chúa Giê-xu tên là gì?

   Đáp: Ma-ri.

    b.  Ai đến báo tin cho Ma-ri biết bà sẽ sanh một trai?

   Đáp: Thiên sứ (những câu hỏi đơn giản này dành cho các em ấu nhi).

    c. Con người sống thì hằng ngày phải làm gì?

   Đáp: Ăn, uống, hít thở không khí, ngủ, nghỉ, đi học, làm việc, tập thể dục…

     d. Tuổi ấu thơ của Chúa Giê-xu có nếp sống bình thường như các em, nhưng có những điều gì Ngài khác các em?

   Đáp: Ngài không đánh nhau, nói bậy, lười biếng…

    e. Tại sao Chúa Giê-xu luôn làm những điều tốt?

   Đáp: Vì Ngài yêu mến và vâng phục Đức Chúa Trời.

    g. Con người có thể trở thành Đức Chúa Trời không?

   Đáp: Tuyệt đối không thể.

    h. Nếu Đức Chúa Trời muốn, Ngài có thể dùng cách của con người bày tỏ cho người khác nhận biết về Ngài được không?

   Đáp: Chắc chắn được.

   (Mỗi câu hỏi được tính 10 điểm, cuối cùng cộng lại, tổ nào nhiều điểm hơn thì sẽ được thưởng).

   * Kết luận: Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài qua Chúa Giê-xu để con người nhận biết Ngài.

   – Mời một em cầu nguyện kết thúc.

  1. Chia lớp: Mời giáo viên và học viên trở về lớp học của mình.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   Gây hứng thú cho các em.

   – Giáo viên đo chiều cao của từng em và ghi số đo đó vào sổ tay của các em, rồi hỏi:

   – Lúc mới sinh, em cao bao nhiêu?

   – Nặng bao nhiêu kg?

   – Từ nhỏ đến ngày hôm nay, em ăn gì để lớn?

   – Ai nuôi các em lớn?

   (Để cho học viên phát biểu tự do, và ghi vào sổ tay học viên). Sau đó lấy chiếc giày của bé sơ sinh so sánh với chiếc giày của mỗi một học viên, để các em thấy mình lớn hơn trẻ sơ sinh là bao nhiêu, rồi đọc những gì em đã trả lời cho các bạn cùng nghe.

   Các em được ba mẹ nuôi lớn khôn, vậy các em có phải vâng lời ba mẹ không? (Cho các em tự do trả lời).

   Đúng rồi, các em phải vâng lời ba mẹ. Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay sẽ kể về Chúa Giê-xu luôn vâng lời ba mẹ. Các em cùng theo dõi câu chuyện để biết Chúa Giê-xu vâng lời ba mẹ Ngài như thế nào nhé!

  1. Bài học.

   Lúc đó Chúa Giê-xu chỉ là cậu bé 12 tuổi. Ngài cùng ba mẹ lên đền thờ, thờ phượng Đức Chúa Trời. Trên đường về, đang trò chuyện vui vẻ với mọi người, ba mẹ Chúa Giê-xu phát hiện Chúa Giê-xu không có đi bên cạnh mình nữa. Họ hỏi mọi người: “Có ai thấy Chúa Giê-xu đâu không?”

   Cha mẹ của Chúa Giê-xu đều biết rõ con trai mình không mê chơi, giờ này chắc là còn ở trong đền thờ. Hai người chạy trở lại đền thờ.

    Khi đến đền thờ, họ thấy Chúa Giê-xu đang ngồi giữa các thầy dạy luật, giải thích cho họ về Đức Chúa Trời, những người ấy vừa nghe vừa hỏi Chúa Giê-xu và Ngài trả lời cho họ. Họ rất ngạc nhiên về sự hiểu biết của Ngài.

   Ba của Chúa Giê-xu vừa lau mồ hôi trên trán vừa nói: “Hóa ra con đang ở đây! Ba mẹ rất lo cho con và tìm kiếm con khắp nơi! Thôi chúng ta cùng về nhà”.

   Chúa Giê-xu xin lỗi ba mẹ, và theo ba mẹ về nhà. Mẹ là Ma-ri ghi nhớ việc này trong lòng, bà hiểu Giê-xu là đứa trẻ siêu phàm.

  1. Ứng dụng.

   Các em thân mến! Chúa Giê-xu là đứa con ngoan, biết vâng lời cha mẹ. Còn các em, các em có vâng lời ba mẹ mình không? Đức Chúa Trời muốn các em vâng lời ba mẹ vì điều đó đẹp lòng Ngài. Các em có làm được không?

C. ÔN TẬP.

  1. Chúa Giê-xu làm gì trong đền thờ?

   Đáp: Nói về Đức Chúa Trời cho các thầy dạy luật.

  1. Chúa Giê-xu bày tỏ thái độ như thế nào khi gặp lại ba mẹ tại đền thờ?

   Đáp: Xin lỗi và vâng lời ba mẹ trở về nhà.

  1. Qua đời sống Chúa Giê-xu, các em học được điều gì?

   Đáp: Nghe theo lời Đức Chúa Trời, ba mẹ, mục sư, thầy cô dạy Trường Chúa nhật, thầy cô giáo trong trường học…

D. HỌC CÂU GỐC.

   * Trò chơi: Dây nho bắt bóng.

   – Cho các em nắm tay nhau đứng vòng tròn giống như dây nho vậy.

   – Giáo viên ném quả bóng cho một em thì em đó phải chụp lấy. Sau khi em đó chụp được thì đọc một vài chữ trong câu gốc (giáo viên có thể quy định). Tiếp theo, em đó tung quả bóng đến chỗ một bạn khác. Bạn đó chụp lấy và đọc vài chữ tiếp theo trong câu gốc. Trò chơi cứ thế tiếp tục cho đến khi tất cả các em đều được chụp bóng và đọc câu gốc.

E. THỦ CÔNG: Cho các em tô màu hình vẽ.

G. SINH HOẠT.

   * Theo Chúa.

   Vì bài học hôm nay là vâng phục, nên các em phải vâng theo lời hướng dẫn của Chúa và cô giáo.

   – Cách chơi: Giáo viên cho các em đứng thành vòng tròn và đếm từ số 1 cho đến hết. Sau đó giáo viên đi chung quanh vòng tròn và hô lên: “Theo Chúa! Theo Chúa!” Các em đáp lại: “Ai theo? Ai theo?” Giáo viên hô bất kỳ số nào, vd “số 4” thì em số 4 phải lập tức chạy nhanh về phía giáo viên, và cứ như thế các em sẽ chạy theo cô giáo. Nếu em nào không nhớ số của mình sẽ bị phạt.

 

BÀI 5. TUỔI THƠ SỐNG SÁNG DANH CHÚA

I. KINH THÁNH: Lu-ca 1:8-25, 57-80.

II. CÂU GỐC: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (1Cô-rinh-tô 10:31).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

   – Biết: Giăng Báp-tít được sinh ra và có lối sống khác mọi người.

   – Cảm nhận: Một người được Chúa kêu gọi thì phải sống khác biệt với người đời, chỉ sống theo ý Chúa.

   – Hành động: Em sống đẹp lòng Chúa để làm sáng danh Ngài.

IV. PHẦN SUY GẪM CỦA GIÁO VIÊN.

   Giăng Báp-tít sinh ra khi cha mẹ đã già. Nếu nghĩ theo trí tưởng tượng của chúng ta thì Giăng Báp-tít được cha mẹ nuông chiều lắm. Bởi vì những người hiếm muộn thường cưng chiều con cái đến nỗi làm cho con mình hư hỏng. Nhưng cha mẹ của Giăng Báp-tít thì khác, họ kính sợ Chúa, luôn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời chứ không theo ý riêng mình (Lu-ca 1;13, 59-63).

   Trong Kinh Thánh Cựu Ước, các tiên tri cho biết rằng, Giăng Báp-tít được Đức Chúa Trời chuẩn bị để dự phần trong chương trình cứu rỗi của Chúa Giê-xu (Ê-sai 4:3-5, Ma-la-chi 3:1-10). Giăng Báp-tít là người Na-xi-rê (Lu-ca 1:15), “không uống rượu hay giống gì làm cho say”. Đây là một trong những tiêu chuẩn của một người Na-xi-rê trong thời Cựu Ước (Dân 6:1-21). Sở dĩ có quy định như vậy là để biệt riêng họ ra thánh, cho họ được gần gũi Chúa và thuộc riêng về Ngài.

   Thật vậy, Giăng Báp-tít là người thuộc về Chúa hoàn toàn, cuộc sống của ông tôn cao Danh Chúa. Ông hết lòng kính sợ Đức Chúa Trời chứ không sợ con người. Chúng ta có thể thấy điều này qua thái độ của Giăng Báp-tít đối với những người có quyền thế thời đó, khi ông tuyên bố rằng: “Cái búa đã để kề gốc cây” (Ma-thi-ơ 3:7-10, Lu-ca 3:9). Ông can đảm khiển trách người Pha-ri-si (lãnh đạo tôn giáo) là dòng dõi rắn lục. Ông cho biết rằng, mặc dù về phần xác họ là con cháu của Áp-ra-ham, nhưng họ sẽ bị đốn xuống vì không kết quả.

   Dù Giăng Báp-tít sanh trước Chúa Giê-xu, là tiên tri lớn nhất (Lu-ca 7:24-28), có thể so sánh với Ê-li (Lu-ca 1:17, Ma-thi-ơ 11:14), nhưng ông luôn khiêm nhường, tìm mọi cách để tôn cao Chúa Giê-xu (Lu-ca 3:15-17). Giăng Báp-tít là người dọn đường cho chức vụ của Chúa Giê-xu. Ông luôn nhắc nhở người ta ăn năn để hưởng được Nước Đức Chúa Trời.

   Cách sống của Giăng Báp-tít khác với mọi người. Đó cũng là ý chỉ của Chúa, và Đức Chúa Trời luôn ở cùng với ông. Giăng Báp-tít lấy Chúa làm trung tâm của đời sống mình, dù là việc nhỏ cũng trung tín vâng theo lời dặn của Chúa và tôn cao danh Ngài.

   Cuộc sống của Giăng Báp-tít bày tỏ cho chúng ta thấy rằng, chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời, chúng ta đang phục vụ Ngài (dạy Lời Chúa cho các em). Do đó, bạn phải tự hỏi mình những câu hỏi sau đây:

  1. Lời nói và việc làm của tôi có khác với người thế gian không, có cùng quan điểm với Chúa Giê-xu không? (vd: Tham lam, nói xấu người khác, nói dối, nịnh bợ, không phân biệt đúng sai…).
  2. Những điều tôi suy nghĩ là gì? Có phải một tay tôi nắm lấy Kinh Thánh, còn một tay nắm lấy thế gian, mà nói rằng “Lạy Chúa, con yêu Ngài”, rồi lại nói “Thế gian ơi, thật dễ thương” không?
  3. Hướng đi của cuộc đời tôi là dọn đường cho Chúa hay bắt Chúa dọn đường cho tôi?

   Nguyện Thánh Linh đánh động lòng bạn, để từ hôm nay quyết tâm theo gương Giăng Báp-tít, chỉ thuộc về Chúa, sống cho Chúa và làm sáng Danh Ngài.

   * Từ ngữ quan trọng trong đoạn Kinh Thánh.

  1. “Vì người sẽ nên tôn trọng trước mặt Chúa” (Lu-ca 1:15): Trong Cựu Ước, những người làm tiên tri là rất cao trọng. Đối với dân Y-sơ-ra-ên, Ê-li là một tiên tri rất vĩ đại, đến nỗi chính Đức Chúa Trời rước ông về (2Các Vua 2:10-12), Chúa Giê-xu ví sánh Giăng Báp-tít với Ê-li (Ma-thi-ơ 11:14).
  2. “Không uống rượu hay là giống gì làm cho say” (Lu-ca 1:15): Đó là quy định của Đức Chúa Trời đối với người Na-xi-rê, là người biệt riêng ra để hầu việc Ngài.
  3. “Tay Chúa ở cùng con trẻ ấy” (Lu-ca 1:66): Quan niệm trong Cựu Ước cho rằng, “Có Chúa ở cùng” là dấu hiệu của sự ban phước. Người có Chúa ở cùng sẽ có sự khôn ngoan, năng quyền của Chúa (Sáng 39:2,3,21; 26:24; 28:15, 1Sa-mu-ên 18:12). Trong Tân Ước, “Có Chúa ở cùng” trong công tác rao truyền Phúc Âm, thì sẽ đưa dẫn nhiều người ăn năn tin nhận Chúa (Công 11:21).
  4. “Con sẽ đi trước mặt Chúa, dọn đường Ngài. Để cho dân Ngài bởi sự tha tội họ mà biết sự rỗi” (Lu-ca 1:76-77). Giăng Báp-tít được Đức Chúa Trời sai đi trước Chúa Giê-xu, để dọn đường cho Ngài. Công tác này được tiên tri Ê-sai nhắc đến trong sách Ê-sai 40:3-5. Nhiệm vụ của Giăng Báp-tít là san bằng những nơi gồ ghề, đồi núi… Điều này chỉ về tất cả những sự gì ngăn cản người ta đến với Chúa. Đó là tội lỗi, Giăng Báp-tít kêu gọi người ta ăn năn tội lỗi, chuẩn bị tấm lòng trong sạch để gặp Cứu Chúa.
  5. “Con trẻ lớn lên” (Lu-ca 1:80). Đây chỉ về một quá trình liên tục và kéo dài. Giăng Báp-tít có Chúa ở cùng, làm theo Lời Ngài khiến cho tâm linh Giăng Báp-tít không ngừng tăng trưởng. Điều đó cũng có nghĩa là, linh trình theo Chúa của chúng ta cũng phải tiến triển như vậy, cứ ở trong Chúa, tôn cao Danh Ngài và không ngừng phục vụ Chúa.

   * Câu hỏi suy gẫm.

  1. Giăng Báp-tít là người như thế nào?
  2. Theo bạn Giăng Báp-tít có xứng đáng là người Na-xi-rê của Đức Chúa Trời không? Tại sao?
  3. Bạn thử suy nghĩ: Bạn cần phải ăn năn điều gì? Bạn muốn thực hiện điều này không?
  4. Lời nói hành động hằng ngày của bạn có làm chứng tốt cho Chúa không?
  5. Bạn làm thế nào để giúp đỡ các em tin và tiếp nhận điều dạy dỗ của bạn?

V. PHẦN CHUẨN BỊ.

  1. Bài hát: Người khác phải nhìn thấy Chúa trong em.
  2. Bài múa: Ngài đã gọi con.
  3. Thị cụ:

   – Giáo viên trang trí lớp học đẹp và vui mắt.

   – Chuẩn bị bảng tên, tập điểm danh, giáo án, sách học viên, vật dụng thủ công, và mọi thứ cần thiết cho lớp học của mình. Hình thành thị và nông thôn cho bài học Kinh Thánh.

   – Túi kẹo, túi đựng giấy và những câu hỏi trong giờ sinh hoạt chung.

   – Đồ hóa trang, tìm người tham gia đóng những nhân vật trong bài học Kinh Thánh.

VI. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. THỜ PHƯỢNG CHUNG.

  1. Bài hát: Người khác phải nhìn thấy Chúa trong em.
  2. Bài múa: Ngài đã gọi con.
  3. Cầu nguyện.
  4. Đọc Kinh Thánh: Mời các em đọc Rô-ma 9:14-16.
  5. Chia sẻ: Theo phương pháp trò chơi.

     a. Chuẩn bị: Một túi đựng kẹo, một túi đựng giấy (mỗi em một tờ), trong túi giấy có 12 tờ có dấu thập tự.

     b. Cách chơi: Phát cho mỗi em một tờ giấy, sau đó bảo các em mở ra xem, nếu tờ giấy em nào có hình thập tự thì được phát một cây kẹo.

   – Hỏi các em như vậy có công bằng không?

   – Số kẹo còn lại đưa hết cho một em, như vậy có công bằng không? (Cho các em tự do trả lời).

– Không công bằng.

   Đúng, chỉ có Đức Chúa Trời mới công bằng. Nhờ ân điển của Ngài mà các em được làm con cái của Chúa. Điều đó không phải do các em tốt hay xấu, mà bởi tình yêu của Chúa Giê-xu. Vì thế, nếu em nào thật sự tin nhận Chúa, mà chưa có hình thập tự giá trong tờ giấy của mình thì vẽ vào (Sau đó phát cho mỗi em một cây kẹo).

  1. Cầu nguyện kết thúc: Giáo viên hướng dẫn các em cầu nguyện cảm tạ sự yêu thương của Chúa vì Ngài đã chọn các em làm con cái của Ngài.
  2. Chia lớp: Mời giáo viên và học viên trở về lớp học của mình.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   – Gây hứng thú cho các em.

   Giáo viên tìm vài hình ảnh về cảnh thành phố phồn thịnh. Nói cho học viên biết thành phố có đặc điểm gì.

   – Đông người.

   – Nhiều nhà cao tầng.

   – Ùn tắt giao thông.

   – Khu vui chơi, nhà hàng, tiếng ồn ào.

   – Rất ít cây cối.

   – Không khí ô nhiễm.

   – Nguồn nước ô nhiễm.

   – Mọi người ít chào hỏi nhau.

   Sau đó giáo viên cho các em xem vài hình ảnh về cảnh làng quê. Nói cho học viên biết làng quê có đặc điểm gì.

   – Rất nhiều cây cối xanh tươi, đồng ruộng và đồng cỏ xanh tươi.

   – Nước sạch trong veo.

   – Chim và bươm bướm tung bay tự do.

   – Bầu trời trong xanh.

   – Không khí trong lành.

   – Dân cư thưa thớt.

   – Mọi người thân thiện, chào hỏi nhau.

   Các em thân mến! Hai nếp sống của thành thị và nông thôn có gì khác nhau? (Cho các em nhắc lại những gì mình đã nghe). Có một người đã sống tại nông thôn, cách xa thành phố, sự ra đời của ông cũng khác với mọi người, các em cùng theo dõi những màn kịch sau đây để biết ông là ai nhé!

Cảnh 1.

   Nhân vật: Xa-cha-ri, Thiên sứ, Ê-li-sa-bét.

   Bối cảnh: Xa-cha-ri đang cầu nguyện, thiên sứ hiện ra.

   – Xa-cha-ri (lúc thì ngước đầu lên, lúc thì cúi đầu xuống).

Lạy Chúa…

   – Thiên sứ (Thiên sứ mặc áo trắng đi từ từ đến trước mặt Xa-cha-ri): Xa-cha-ri!

   – Xa-cha-ri (Xa-cha-ri hoảng hốt té xuống đất): Ông là ai?

   – Thiên sứ: Xa-cha-ri, đừng sợ! Ta là thiên sứ của Đức Chúa Trời. Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của người. Vợ ngươi sẽ sanh một con trai và ngươi nhớ đặt tên con trai ấy là Giăng.

   – Xa-cha-ri (Với vẻ mặt nghi ngờ): Thật hả? Tôi và vợ tôi đã quá già, làm sao có thể sanh con được?

   – Thiên sứ: Ngươi đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban cho ngươi một đứa con trai mà giờ đây ngươi lại không tin Ngài sao?

   – Xa-cha-ri: Dạ…

   – Thiên sứ: Sự chào đời của con trai ngươi sẽ khiến cho nhiều người vui mừng. Con trai ngươi không được phép uống rượu. Nhưng được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Nó phải làm nhiều việc đẹp lòng Chúa.

   – Xa-cha-ri: Thật sao? Tôi không thể tin…

   – Thiên sứ: Vì ngươi không tin, nên từ đây ngươi sẽ bị câm.

   – Xa-cha-ri: (mở miệng muốn nói mà không phát ra âm thanh): Ư…!

   – Thiên sứ: Chào Xa-cha-ri! (Rồi biến mất).

   Tiếng vọng: Xa-cha-ri cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban cho ông một đứa con trai, nhưng vì ông không tin vào phép lạ của Đức Chúa Trời nên ông đã bị câm. Sau khi ra khỏi đền thờ, Xa-cha-ri chỉ có thể dùng tay ra dấu để bày tỏ điều mình muốn mói.

   * Nhân vật Ê-li-sa-bét mang bầu bước ra, nhân vật Xa-cha-ri vui mừng sờ vào bụng bầu của Ê-li-sa-bét, hai vợ chồng nói chuyện bằng cách dùng tay ra dấu.

Cảnh 2.

   – Nhân vật: Xa-cha-ri, Ê-li-sa-bét, và những người bà con.

   – Bối cảnh: Ê-li-sa-bét đang ngồi bồng con, Xa-cha-ri đứng gần đó và những người bà con đứng chung quanh.

   Tiếng vọng: Nhiều ngày trôi qua…

   – Bà con A: Con trai ông bà đã sanh được tám ngày rồi, ông bà nên đặt tên cho nó chứ?

   – Bà con B: Đúng rồi, tôi nghĩ đặt tên theo cha là Xa-cha-ri.

   – Bà con A: Tốt quá. Người trong gia đình đều đặt tên như vậy.

   – Ê-li-sa-bét (bồng đứa con trai trong tay): Không nên, phải đặt tên nó là Giăng.

   – Bà con A (tỏ vẻ không vui): Gia đình bà đâu có ai đặt tên Giăng?

   – Bà con B: Hay là mình hỏi bố của cháu bé (bà đi đến trước mặt Xa-cha-ri, rồi chỉ vào đứa bé và ra dấu hỏi tên đứa bé là gì?).

   – Xa-cha-ri (ra dấu cho họ lấy một tấm bảng và cây bút ra, Xa-cha-ri viết lên bảng chữ “Giăng”).

   – Bà con A (tỏ vẻ ngạc nhiên): Cái gì? Lạ quá! Đặt tên là “Giăng” sao?

   – Xa-cha-ri: Đúng vậy, đặt tên cho con trai tôi là Giăng. Đây là tên Đức Chúa Trời đặt cho nó.

   – Mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên, họ đồng thanh la lên: Ô! Xa-cha-ri, ông nói được rồi! Đức Chúa Trời thật là Đấng lạ lùng! (Bà con hàng xóm đều ra chúc mừng cho vợ chồng Xa-cha-ri).

   Tiếng vọng: Đúng như thiên sứ đã nói, sau khi đặt tên cho con là “Giăng”, Xa-cha-ri đã nói được, ông ca ngợi Chúa. Tin này loan đi khắp nơi. Mọi người ai cũng ngạc nhiên và họ cảm thấy đứa trẻ mới sanh sẽ là một đứa trẻ đặc biệt.

Cảnh 3.

   – Nhân vật: Giăng Báp-tít, ba, bốn người làm đám đông.

   – Bối cảnh: Giăng Báp-tít đang nói chuyện, đám đông đang đi đường tò mò, dừng lại nghe.

   Tiếng vọng: Giăng là một đứa bé rất đặc biệt. Các em có biết cậu bé Giăng Báp-tít đặc biệt, khác với người ta như thế nào không? Giăng sống trong hang đá tại đồng vắng, ăn châu chấu và mật ong rừng. Giăng lớn dần, mặc áo làm bằng lông lạc đà, nịt lưng bằng sợi nịt lớn. Giăng làm theo Lời của Chúa, đi khắp nơi giảng Tin lành.

   – Giăng Báp-tít (cất lớn tiếng nói với đám đông. Chúa Giê-xu sắp đến! Mọi người hãy xin Ngài tha thứ những lỗi lầm đã làm, đừng làm những việc xấu nữa, mà hãy làm những việc đẹp lòng Đức Chúa Trời.

   – Ông A: Chúng ta phải làm điều gì cho đẹp lòng Đức Chúa Trời?

   – Giăng Báp-tít: Nếu như bạn có rất nhiều tiền, thì chia bớt một số cho người nghèo.

   – Ông B: Nhưng tôi không có nhiều tiền, tôi chỉ là một người buôn bán nhỏ thôi.

   – Giăng Báp-tít: Vậy thì ông phải thành thật trong việc buôn bán. Không được gian lận khi buôn bán.

   – Ông C: Tôi không có tiền, tôi cũng không phải là người buôn bán. Thế thì tôi phải làm thế nào đây?

   – Giăng Báp-tít: Vậy ông phải sống thành thật và giúp đỡ mọi người. Nếu các ông đã làm những việc sai trái trước đây, bây giờ hãy xin Đức Chúa Trời tha thứ.

   Tiếng vọng: Nhiều người cầu nguyện xin Chúa tha thứ và Giăng làm báp-têm cho họ. Từ đó, mọi người gọi Giăng là Giăng Báp-tít.

   Bây giờ các em đã biết người đó là ai chưa? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, đó là Giăng Báp-tít.

  1. Ứng dụng.

   Các em thân mến! Giăng Báp-tít đã sống nơi thôn quê, ăn châu chấu và mật ong để rao giảng Lời Chúa và làm sáng Danh Ngài. Vậy, các em cũng noi theo gương ông sống đẹp lòng Chúa để làm sáng Danh Ngài các em nhé!

C. ÔN TẬP.

  1. Xa-cha-ri được ai báo tin là Giăng Báp-tít sẽ sanh ra đời?

   Đáp: Thiên sứ.

  1. Cha của Giăng Báp-tít tên gì?

   Đáp: Xa-cha-ri.

  1. Mẹ của Giăng Báp-tít tên gì?

   Đáp: Ê-li-sa-bét.

  1. Ê-li-sa-bét sinh Giăng Báp-tít khi bà còn trẻ hay già?

   Đáp: Già.

  1. Cha của Giăng Báp-tít làm nghề gì?

   Đáp: Thầy tế lễ.

  1. Thức ăn của Giăng Báp-tít là gì?

   Đáp: Mật ong và châu chấu.

  1. Giăng Báp-tít sống ở đâu?

   Đáp: Đồng vắng.

  1. Giăng Báp-tít làm gì cho Chúa?

   Đáp: Giăng Báp-tít sống đẹp lòng Chúa và sáng Danh  Ngài.

   * Giáo viên giải thích cho các em hiểu:

   Chúa Giê-xu chọn Giăng Báp-tít làm người dọn đường cho Ngài, trước khi Ngài sanh ra. Cho nên, từ nhỏ đến lớn Giăng sống trong môi trường đặc biệt của Chúa, ăn châu chấu và mật ông, ở nơi đồng vắng. Nhiệm vụ duy nhất trong cuộc đời của Giăng là rao truyền lẽ đạo xưng tội để sửa soạn cho Chúa Giê-xu đến.

D. HỌC CÂU GỐC.

   – Giáo viên chia các em thành ba tổ. Một giáo viên phụ trách một tổ.

   – Giáo viên đọc câu gốc trước cho các em đọc theo.

   – Chia câu gốc thành nhiều phần nhỏ (2 hoặc 3 chữ) và viết lên những miếng giấy màu khác nhau. Sau đó đem giấu trong phòng học.

   – Quy định trong 4 phút, các em trong tổ phải đi tìm những mảnh giấy có màu đúng với màu của nhóm mình. Sau đó đưa cho giáo viên phụ trách của tổ mình nhanh chóng xếp theo thứ tự thành một câu gốc hoàn chỉnh, rồi cả tổ cùng đọc câu gốc đó. Tổ nào thắng thì được phần thưởng nho nhỏ.

E.  THỦ CÔNG.

   Các em vẽ bức tranh thành thị hay thôn quê mà các em thích và tô màu.

G. SINH HOẠT: “Ai là Giăng Báp-tít?”.

  1. Mục đích: Cho các em nhớ bài đã học.
  2. Chuẩn bị: Những câu hỏi gợi ý:

   – Giăng Báp-tít được ai báo tin sẽ sanh ra đời? (Thiên sứ).

   – Cha của Giăng Báp-tít tên gì? (Xa-cha-ri).

   – Mẹ của Giăng Báp-tít tên gì? (Ê-li-sa-bét).

   – Ê-li-sa-bét sinh Giăng Báp-tít khi bà còn trẻ hay già? (Già).

   – Cha của Giăng Báp-tít làm nghề gì? (Thầy tế lễ).

   – Giăng Báp-tít có thể uống rượu, đúng hay sai? (Sai).

   – Giăng Báp-tít lớn lên trong thành phố đúng hay sai? (Sai).

   – Giăng Báp-tít đã sống và làm gì cho Chúa? (Ông sống đẹp lòng Chúa và sáng Danh Ngài).

  1. Cách chơi:

   – Cắt hình tròn lớn theo số lượng học viên, mỗi em hai hình tròn. Viết lên mỗi một hình tròn một con số từ 1 đến 10, tùy theo số lượng của các em.

   – Dán một nửa số hình tròn trên mặt đất, xếp sao cho thành một vòng tròn lớn.

   – Cho mỗi học viên đứng vào một hình tròn. Sau đó mở nhạc, khi nhạc ngưng, giáo viên rút một thể ra. Nếu thẻ rút ra là số 6 thì em học viên đứng ở vị trí hình tròn mang số 6 phải trả lời một câu hỏi của giáo viên. Nếu em nào trả lời đúng thì trở về chỗ, còn em nào trả lời không đúng sẽ đứng sang một bên. Các em còn lại tiếp tục chơi cho đến khi tìm ra em cuối cùng, em đó sẽ là “Giăng Báp-tít”.

 

ĐA-VÍT TÍN CẬY CHÚA

THÔNG ĐIỆP HẰNG TUẦN 06/06/2024

THÔNG ĐIỆP HẰNG TUẦN 06/06/2024

in THÔNG ĐIỆP on 6 Tháng Sáu, 2024

THÔNG ĐIỆP HẰNG TUẦN 06/06/2024 Chủ đề: Hãy Chúc Phước Cho Kẻ Thù. Kinh Thánh: Lu-ca 6:27-28. Thông điệp: Ở trong các bài giảng trên núi, Chúa Giê-xu đã dạy chúng ta phải yêu thương kẻ thù của mình và đối xử tử tế với họ. Cả hai sách Ma-thi-ơ và Lu-ca đều khẳng định rằng khi Chúa Giê-xu nói đến điều này, Ngài đã dùng từ “agape” trong tiếng Hy Lạp, để nói về tình yêu vô điều kiện. Tình yêu vô điều kiện không phải là một loại tình cảm hời hợt hay đơn giản là bày tỏ sự thiện chí, và nó cũng không phụ thuộc vào bản chất hay vẻ ngoài của người đón nhận. Tình yêu vô điều kiện là một loại tình yêu sâu sắc nhất mà con người có thể bày tỏ. Việc bày tỏ tình yêu với kẻ thù nghe có vẻ trái ngược với lẽ thường, nhưng thật ra đó là sự hồi đáp hoàn hảo: tình yêu vô điều kiện xuất phát từ ý muốn rồi đến hành động. Khi ta quyết định bày tỏ tình yêu, cảm xúc sẽ xuôi theo quyết định của lý trí. Khi một người cầu nguyện cho những kẻ thù nghịch mình, sẽ có sự chuyển biến trong tấm lòng người đó, không phải ngay tức thì nhưng sẽ dầm thấm theo thời gian. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời để giúp ta bày tỏ tình yêu thương tựa như Đấng Christ với kẻ thù, rồi những lời nguyện cầu đó cũng sẽ uốn nắn chính bản thân chúng ta. Đó chính là những lời cầu nguyện mà Chúa vui lòng đáp lời. Một sự phản hồi gay gắt dành cho kẻ thù chỉ gặt hái những điều tiêu cực, nhưng một lời phản hồi tử tế sẽ mang lại kết quả sâu sắc. Đức Chúa Trời luôn có chương trình cứu rỗi dành cho từng người, và chúng ta đều có thể góp phần vào chương trình đó khi ta cầu nguyện chúc phước và bày tỏ tình yêu vô điều kiện của Đấng Christ. Nguồn: In Touch Ministries ___________________ HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM Kính CHÚA – Yêu Người – Truyền Giảng Phúc Âm – Xây Dựng Hội Thánh Địa chỉ: 68 Nguyễn Công Hoan, P7, Phú Nhuận, TP.HCM Email: hoithanhphucam2007@gmail.com Facebook: https://www.facebook.com/httgpa2007 Youtube: www.youtube.com/@HoiThanhTruyenGiangPhucAm Web: http://maiamviet.org Web: http://hoithanhphucam.org #hoithanhtruyengiangphucam #httgpa

HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM

HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM

in DƯỠNG LINH on 5 Tháng Sáu, 2024

Xã hội ngày nay thường khiến con người dễ dàng bị cuốn vào việc đề cao cái tôi của bản thân, cố gắng khẳng định mình và tìm kiếm sự công nhận từ người khác. Tuy nhiên, qua lời Chúa, chúng ta hiểu rằng điều quan trọng hơn cả là tôn cao uy quyền và tình yêu của Ngài. Khi chúng ta đặt Chúa lên trên hết, ta sẽ nhận ra rằng cuộc sống của mình có một mục đích cao cả hơn. Nhờ vậy, chúng ta sẽ được dẫn dắt bởi sự khôn ngoan và ân điển của Ngài.

Hãy để cuộc sống của mỗi chúng ta đều nói lên tình yêu và sự vĩ đại của Chúa. Hãy tôn vinh Ngài trong mọi việc chúng ta làm, để ánh sáng của Chúa chiếu rọi qua từng hành động và lời nói của chúng ta. Nguyện Chúa giúp chúng ta luôn biết hạ mình và tôn cao Ngài trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Xin Ngài ban cho chúng ta trái tim khiêm nhường và lòng biết ơn để có thể sống đẹp lòng Ngài.
_____________________________
HỘI THÁNH TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM
Kính CHÚA – Yêu Người – Truyền Giảng Phúc Âm – Xây Dựng Hội Thánh
Địa chỉ: 68 Nguyễn Công Hoan, P7, Phú Nhuận, TP.HCM
Email: hoithanhphucam2007@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/httgpa2007
Youtube: www.youtube.com/@HoiThanhTruyenGiangPhucAm
Web: http://maiamviet.org
Web: http://hoithanhphucam.org
#hoithanhtruyengiangphucam #httgpa

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 09.06.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 09.06.2024

in Thanh niên on 3 Tháng Sáu, 2024

Chúa nhật 09.06.2024

  1. Đề tài: CHÚA NHẬT ÂM NHẠC & TRUYỀN THÔNG.
  2. Kinh Thánh: Công vụ 2:42-47.
  3. Câu gốc:Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh.” (Công vụ 2:46-47).
  4. Đố Kinh Thánh: Theo chủ đề.
  5. Thể loại: Họp bạn.

* CHỈ DẪN: Chúa Nhật 11.02.2024.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 09.06.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 09.06.2024

in PHỤ NỮ on 3 Tháng Sáu, 2024

Chúa nhật 09/6/2024.

  1. Đề tài: Chúa nhật Âm nhạc – Truyền thông.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 100.
  3. Câu gốc: Hỡi cả trái đất, hãy cất tiếng reo mừng cho Đức Giê-hô-va! Hãy vui vẻ phục vụ Đức Giê-hô-va, hãy ca hát mà đến trước mặt Ngài! (Thi Thiên 100:1-2).
  4. Đố Kinh Thánh: Nhã Ca 1-4.
  5. Thể loại: Ca ngợi, cảm tạ.

* CHỈ DẪN:

* Tìm Hiểu Tiểu Sử Thánh Ca.

Lớn Bấy Duy Ngài (“How Great Thou Art”)

Lớn Bấy Duy Ngài là một trong những bài thánh ca được nhiều người ưu thích nhất trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, vào năm 1974 Lớn Bấy Duy Ngài đứng đầu danh sách những bài thánh ca được ưu chuộng. Vào năm 2001, một cuộc thăm dò trong cộng đồng Tin Lành nói tiếng Anh khắp thế giới, Lớn Bấy Duy Ngài được sắp hạng thứ hai trong những bài thánh ca được yêu thích nhất từ xưa đến nay. Tác giả của bài thánh ca Lớn Bấy Duy Ngài là Karl Gustav Boberg (1859-1940), thường được viết trong tiếng Anh là Carl Boberg. Carl Boberg là một nhà thơ, nhà văn, là thượng nghị sĩ và cũng là Mục sư người Thụy Điển.

Carl Boberg sinh ngày 16/8/1855 tại thị trấn Monsteras, quận Kalmar, tỉnh Smaland, Thụy Điển. Carl Boberg là con trai của ông bà Olaf và Bittner Boberg. Cụ Olaf Boberg cha của Carl Boberg, là một người thợ mộc. Từ thời trẻ, Carl Boberg làm thủy thủ một thời gian ngắn. Năm 19 tuổi, Carl Boberg theo học thần học tại Kristinehamm. Sau khi tốt nghiệp, mặc dù dòng họ Boberg là tín hữu Lutheran nhưng Carl Boberg đã nhận lời làm Mục sư cho Hội Thánh Mission Covenant tại Monsteras từ năm 1881 đến 1889. Bên cạnh chức vụ hầu việc Chúa, Mục sư Carl Boberg cũng viết văn và làm thơ. Mục sư Carl Boberg làm chủ tờ Sanningsvittnet (Chứng Nhân Chân Lý), một tuần báo Tin Lành, từ năm 1890 đến 1916. Từ năm 1912 đến 1931 Mục sư Carl Boberg đắc cử và trở thành thượng nghị sĩ của Quốc Hội Thụy Điển. Ông về với Chúa năm 1940, để lại hơn 60 thi ca và thánh ca.

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 09.06.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 09.06.2024

in NAM GIỚI on 3 Tháng Sáu, 2024

Chúa nhật 09.06.2024 (CN Âm nhạc & Truyền thông).

  1. Đề tài: CHUẨN BỊ CHU ĐÁO CHO THỜ PHƯỢNG.
  2. Kinh Thánh: 1Sử 15:16; Thi Thiên 150.
  3. Câu gốc: Thật là tốt đẹp khi ca hát cho Đức Chúa Trời chúng ta, thật là vui thỏa và xứng hợp khi chúc tụng Ngài!(Thi 147:1- BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 64-66.
  5. Thể loại: Ca ngợi – Cảm tạ.  

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 24.03.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

“Đa-vít truyền cho các trưởng tộc người Lê-vi; hãy cắt trong anh em họ những người hát xướng, cầm các thứ nhạc khí, ống quyển, đàn cầm, chập chỏa để cất tiếng vui mừng vang rền lên” (1Sử 15:16).

Tuy phân đoạn Kinh Thánh này liệt kê rất nhiều tên giống như một đoạn gia phả, nhưng khi xem kỹ chúng ta sẽ thấy qua việc ghi chép tỉ mỉ những tên này, trước giả muốn cho thấy sự chuẩn bị rất chu đáo của vua Đa-vít cho sự thờ phượng và ca ngợi Chúa khi rước Hòm Giao uớc về Giê-ru-sa-lem. Ông ra lệnh cho các trưởng tộc người Lê-vi chọn những người hát và đàn trong vòng anh em của họ. Người Lê-vi chọn những người chịu trách nhiệm cụ thể về từng loại nhạc khí như chập chỏa, đàn lia, đàn thụ cầm, phân chia người nào chơi theo điệu A-la-mốt, người nào chơi theo điệu Sê-mi-nít. Người giỏi âm nhạc được chọn để chỉ huy ban hát (câu 22). Họ cũng phân công bảy người thổi kèn trước Hòm Giao ước của Chúa khi di chuyển, bốn người canh gác hòm để không cho ai được chạm tay vào hòm dọc đường đi hay khi hòm đã được đặt trong lều tại Giê-ru-sa-lem.

Vua Đa-vít hiểu rằng, mọi sự phải được chuẩn bị tốt nhất đến từng chi tiết cho sự thờ phượng Chúa. Người hát, người đàn đều phải tập luyện nghiêm túc hòa hợp với nhau, không phải để trình diễn thật hay nhưng để “cất tiếng vui mừng vang rền lên” (câu 16) trước sự hiện diện của Chúa. Khi chuẩn bị mọi sự bằng tất cả tấm lòng yêu mến Chúa, thì người phục vụ và thờ phượng Chúa sẽ kinh nghiệm và thể hiện được sự vui mừng khi được ở trong sự hiện diện của Ngài.

Là người được giao trách nhiệm trong giờ thờ phượng, chúng ta cũng phải cầu nguyện nhiều để chuẩn bị tấm lòng, xin sự dẫn dắt của Chúa, và chuẩn bị chu đáo mọi sự để dâng lên Chúa điều tốt nhất. Như vậy chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự vui mừng và thỏa lòng của người hết lòng yêu mến Chúa, và muốn dâng lên Ngài điều tốt nhất. Chúng ta cũng sẽ giúp cho những người khác kinh nghiệm được sự vui mừng và thỏa lòng này trong giờ thờ phượng. Là người dự nhóm, chúng ta cũng cần chuẩn bị mọi sự cách chu đáo để bước vào sự thờ phượng Chúa cách hết lòng. Chúng ta cần chuẩn bị chu đáo cho sự thờ phượng Chúa trong ngày Chúa nhật ngay từ thứ bảy. Chuẩn bị quần áo sẵn sàng, không thức khuya để có thể dậy sớm đi thờ phượng, cầu nguyện cho sự nhóm họp ngày mai v.v… Trước giờ thờ phượng, nhóm nhau trong một nhóm nhỏ hoặc ngồi yên lặng một mình cầu nguyện, chuẩn bị tấm lòng, để ra mắt Chúa và dâng lên Chúa điều tốt nhất.

Bạn chuẩn bị ra sao cho thì giờ thờ phượng, khi sắp bước vào sự hiện diện thánh của Chúa?

“Lạy Chúa, trước sự hiện diện thánh của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, xin cho con bước vào sự thờ phượng Chúa với tấm lòng và mọi sự được chuẩn bị chu đáo nhất, để con có thể dâng lên Ngài những gì tốt đẹp nhất”.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Vua Đa-vít truyền cho người Lê-vi làm gì?
  2. Người Lê-vi chuẩn bị những gì để rước Hòm Giao Ước về Giê-ru-sa-lem?
  3. Bạn học được gì về cách chuẩn bị cho thờ phượng Chúa của Vua Đa-vít và người Lê-vi?