Latest News From Our Blog

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 19.04.2015

Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 19.04.2015

By andynguyen in Thanh niên on 15 Tháng Tư, 2015

Chúa nhật 19.04.2015.

1. Đề tài: VẤN ĐỀ TỰ HỦY HOẠI THÂN THỂ.

  1. Kinh Thánh: Thi Thiên 139:13-16; 1Cô-rinh-tô 3:16-17.

3. Câu gốc: “…Chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa” (Rô 14:7-8a).

4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 39-43.

5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

1. Thông báo đề tài “Vấn đề tự hủy hoại thân thể” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ.

2. Ủy viên linh vụ nhờ người có kinh nghiệm thuộc linh và có kiến thức về xã hội tốt để giải đáp thắc mắc.

3. Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau mỗi câu trả lời, cần dành ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.

4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số câu hỏi mà họ không dám hỏi. Ngoài ra, ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Theo cuộc thăm dò của một tổ chức Y tế thế giới, ước lượng mỗi ngày trên thế giới có khoảng 1.000 người tự sát. Riêng tại Hoa Kỳ hằng năm có hơn 25.000 người tự sát. Con số này hiện nay đang gia tăng, nhất là trong vòng giới trẻ từ 15 đến 24 tuổi. Tỷ lệ tự sát vì cớ thất vọng ở lứa tuổi thanh thiếu niên mỗi ngày chiếm 13/5.000 người. Tỷ số người tự sát tăng lên gấp đôi nhiều hơn mười năm về trước và gấp ba so với hai mươi năm về trước.

Tại sao số người tự sát nhảy vọt giữa vòng tuổi thanh thiếu niên? Một chuyên viên y tế và tâm lý trả lời rằng: Vì chúng không tin vào tương lai.

Sự tự sát chẳng những xảy ra trong vòng người không tin Chúa, nhưng đôi lúc cũng có trong cộng đồng Hội Thánh Chúa. Vì vậy, chúng ta cần xem xét để tìm hiểu vấn đề thế nào theo sự soi dẫn của Lời Kinh Thánh?

I. DẪN GIẢI.

A. NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ TỰ SÁT.

Có nhiều lý thuyết giải thích nguyên nhân tự sát. Vì sự tự sát có những trường hợp khác nhau, nên nguyên nhân cũng cần được nhìn trong nhiều khía cạnh.

1. Khía cạnh xã hội: Vì bối cảnh văn hóa và xã hội.

Theo thuyết Durkheim cho rằng tỷ số người tự sát tùy thuộc vào bối cảnh của nền văn hóa và xã hội. Nhiều sự kiện cho thấy tỷ số người tự sát ở các nước không liên kết cao hơn ở các nước liên kết. Ở các nước như Hà Lan, Ái Nhĩ Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, mức độ người tự sát thấp hơn ở các nước Thụy Sĩ và Đan Mạch.

2. Khía cạnh tâm lý: Vì khủng hoảng tinh thần.

Theo các nhà tâm lý học và tâm bệnh học cho rằng, sự tự sát có thể xảy ra khi người ta cảm thấy bị cô thế, thất bại cá nhân, tự ái bị tổn thương, tự ti mặc cảm, mất tự tin, mất hy vọng, chán nản, ghét đời, ghét chính mình. Như A-bi-mê-léc tự sát vì sợ bị sỉ nhục (Các Quan Xét 9:50-54), vua Sau-lơ tự sát vì cô thế tuyệt vọng (1Sa 31:4-6), A-hi-tô-phe tự sát vì tự ái bị tổn thương (2Sa 17:23). Cũng có trường hợp tự sát để bày tỏ lòng thành, như người đầy tớ vua Sau-lơ tự sát vì thấy chủ của mình chết (1Sa 31:5).

3. Khía cạnh tâm linh: Vì mặc cảm tội lỗi.

Tự sát có thể xảy ra khi không tìm được sự tha thứ, khi lương tâm bị giày vò cắn rứt không có sự bình an. Như Xim-ri tự thiêu vì mặc cảm tội lỗi chống nghịch Chúa (1Các Vua 16:18-19). Giu-đa Ích-ca-ri-ốt treo cổ chết vì mặc cảm phản Chúa (Mat 27:3-5).

Theo quyển “Theory of Suicide”, tác giả Farber cố gắng dung hòa sự tương quan giữa yếu tố cá nhân và xã hội. Ông cho rằng hoạt động cá nhân có tương quan đến hy vọng. Hy vọng có thể định nghĩa như là một ước mơ, tin tưởng điều ta mong mỏi sẽ trở thành sự thật. Bác sĩ Calvin Frederick cũng nhận rằng nguyên nhân chính khiến giới trẻ tự sát hiện nay tại Hoa Kỳ có thể gồm trong ba chữ KHÔNG: Không may mắn, không được giúp đỡ, không hy vọng. Người trẻ tuổi không tin tưởng ở tương lai. Đây là tình trạng của người sống trong quyền lực của tối tăm, không có Đức Chúa Trời hằng sống (Êph 2:1-12).

B. TỰ SÁT VÀ DẠY DỖ CỦA KINH THÁNH.

Chúng ta phân biệt ý nghĩa của chữ tự sát và hiến thân. Tự sát có nghĩa tự hủy hoại thân mình vì mục đích ích kỷ cá nhân. Còn hiến thân nghĩa là tự nguyện hy sinh mạng sống của mình cho một lý tưởng, một chính nghĩa hay một mục đích cao thượng vô kỷ.

Theo ý nghĩa trên và theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, tự sát là điều không hợp lẽ đối với niềm tin của Cơ Đốc nhân, vì những lý do sau đây:

1. Sự sống, sự chết của con người thuộc quyền tể trị của Đức Chúa Trời.

Con người ra đời với số ngày đã được Đức Chúa Trời định. Và Chúa có thời điểm cho mỗi đời sống con người theo chương trình tốt lành của Ngài (Gióp 14:5; Thi 139:13-16).

2. Xúc phạm sự sống con người là xúc phạm đến Đức Chúa Trời.

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13, Đức Chúa Trời ban điều răn cho dân Y-sơ-ra-ên ngăn cấm sự giết người, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời (Sáng 9:6). Song song với điều răn, Đức Chúa Trời cũng có mạng lịnh cho dân sự hãy yêu thương người lân cận, cũng như lời khuyên hãy chăm sóc chính thân mình (Lê-vi Ký 19:18; Êph 5:23-29,33). Như vậy, có nghĩa chúng ta không được phép cất mạng sống kẻ khác, cũng như không nên hủy hoại chính thân mình.

3. Sự sống con người là quà tặng quý báu từ Đức Chúa Trời.

Chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và sống vì cớ danh Ngài (Rô 14:6-7).

4. Thân thể chúng ta là đền thờ của Đức Thánh Linh ngự trị.

Sự phá hủy thân thể là phá hủy đền thờ của Chúa. Thân thể chúng ta cần được gìn giữ khỏi sự ô uế của thế gian, cần được chăm sóc để trở thành đồ dùng của sự công bình, làm sáng danh Đức Chúa Trời (1Côr 3:16-17; 6:19-20).

5. Đức Chúa Trời chăm sóc và nâng đỡ kẻ ngã lòng.

Khi Môi-se ngã lòng vì mệt mỏi với gánh nặng chăn dắt dân Y-sơ-ra-ên, ông cầu xin Chúa cất mạng sống mình, nhưng Đức Chúa Trời chuẩn bị có những người giúp đỡ Môi-se. Khi tiên tri Ê-li bị hoàng hậu Giê-sa-bên hăm dọa và sợ hãi chạy trốn trong đồng vắng, ông cầu xin Chúa cất mạng sống mình, nhưng Đức Chúa Trời sai thiên sứ đem bánh và nước bổ sức lại cho Ê-li, và cho ông một sứ mạng mới (1Các Vua 19:1-8). Khi tiên tri Giô-na bất mãn ngã lòng vì thấy Đức Chúa Trời không hình phạt dân thành Ni-ni-ve, ông cầu xin Chúa cất lấy mạng sống của mình, nhưng Đức Chúa Trời khiến dây dưa mọc lên che chở cho Giô-na khỏi bị nắng nóng và dạy cho ông bài học về lòng thương xót của Ngài (Giô-na 4:1-6).

Tóm lại, những điểm trên cho chúng ta thấy rõ ý chỉ của Đức Chúa Trời là Ngài muốn chúng ta sống gìn giữ và quý trọng sự sống Ngài ban cho, theo thời điểm Ngài đã định để tôn vinh Đấng tạo hóa, làm thành mục đích tốt đẹp của Ngài đối với đời sống chúng ta. Trái lại, ma quỉ thường xui khiến con người hủy hoại thân mình (Mác 5:1-5).

C. ĐỀ PHÒNG SỰ TỰ SÁT.

Sự tự sát có những trường hợp khác nhau, tuy nhiên nhìn qua các nguyên nhân của sự tự sát, có thể nói điểm chính khiến con người tự sát là vì không có hy vọng, họ tuyệt vọng đến mức tột cùng. Ngoại trừ người cố ý tự sát, thì khó có cách hữu hiệu để đề phòng. Nhưng nói chung người tự sát trong giờ phút cuối cùng vẫn còn muốn được giúp đỡ. Vì vậy trong sự đề phòng tự sát, chúng ta cần nói đến hai khía cạnh: Chủ quan (về phía người tự sát) và khách quan (về phía người giúp đỡ).

1. Chủ quan (về phía người tự sát): Làm thế nào tránh khỏi sự cám dỗ tự sát. Trước sự cám dỗ tự sát, chúng ta cần nhận biết những điều gì? Và có hành động gì?

a. Tự sát không phải là cách khôn ngoan để giải quyết vấn đề. Đó chỉ là sự thất bại, một quyết định dại dột (Gióp 2:8-10).

b. Tự sát là sự xúi giục của ma quỉ, chớ không phải là ý chỉ của Đức Chúa Trời. Vậy hãy nhờ Chúa xua đuổi ý nghĩ tự sát khỏi tâm trí chúng ta.

c. Vẫn còn hy vọng, vẫn còn có lối thoát: Đức Chúa Trời chúng ta là Đức Chúa Trời của hy vọng (Rô 15:13). Hy vọng của Cơ đốc nhân khác hơn “hy vọng chết” của người mượn cái chết làm lối thoát như sự diễn tả của Nietzsche: “Ý nghĩ tự sát đôi lúc là sự an ủi lớn và bởi cách ấy, ta có thể vượt qua nhiều giày vò của một đêm ác mộng!” Nhưng hy vọng của người Cơ Đốc là hy vọng sống, vì được đặt trong Chúa Giê-xu Christ, Đấng Sống bất biến. Niềm hy vọng vững chắc này sẽ đưa chúng ta đến chân trời tươi mới, đến lối thoát vượt qua những khủng hoảng đen tối của cuộc đời.

d. Vẫn còn có lời hứa thành tín: Đức Chúa Trời hứa ở cùng nâng đỡ người trong cơn nguy biến, ban cho họ sự bình an, vui mừng và giải cứu họ (Ê-sai 43:1-2; Giăng 14:18-27). Vậy chúng ta hãy để thì giờ đọc Kinh Thánh, tìm kiếm Chúa và nương cậy sự thành tín của Ngài.

e. Vẫn còn có nơi nương tựa: Hãy biết rằng Chúa Giê-xu Christ là nơi an nghỉ của chúng ta. Chúa kêu gọi kẻ mệt mỏi đến cùng Ngài, trao mọi gánh nặng cho Ngài, vì Ngài chăm sóc chúng ta (Mat 11:28; 1Phi 5:8). Vậy chúng ta hãy đặt hết lòng tin cậy Chúa, cầu nguyện tìm kiếm sự giải cứu của Ngài trong giờ phút nguy nan đường cùng của đời sống.

2. Khách quan (phía người giúp đỡ).

Có một số dấu hiệu để nhận biết người nào thực sự có ý định tự sát như: (1) Người đó nói cho người bạn thân về ý định tự sát, không muốn sống nữa. (2) Người đó ở trong tình trạng khủng hoảng tinh thần ở mức độ trầm trọng. (3) Người đó chuẩn bị viết di chúc, soạn giấy tờ bảo hiểm… và bắt đầu cách ly với bạn bè.

Cho nên chúng ta cần có sự nhạy cảm theo dõi từng bước, để có thể nhờ ơn Chúa khuyên giải, hoặc nhờ người có chuyên môn, hoặc có những hành động giúp đỡ kịp thời lúc khẩn cấp.

Với vấn đề tự sát, người Cơ đốc có đáp ứng thế nào?

Năm 1906 có một tổ chức đầu tiên mang tên “Save a Life League” (Liên Đoàn Cứu Sự Sống) tại thành phố Nữu Ước do Harry Warren, một Mục sư của hội Báp-tít thành lập, với mục đích giúp đỡ người trong tình trạng tuyệt vọng, tránh khỏi tự sát. Sau đó có những tổ chức tương tự như tổ chức mang tên “The Samaritans” (Người Sa-ma-ri) vào năm 1953, do Chad Urah, linh mục người Anh, có chương trình cũng giống tổ chức trên. Đến năm 1966, tổ chức này có 75 chi nhánh ở khắp nước Anh. Hiện nay, với tỷ số người tự sát càng gia tăng, chúng ta có đáp ứng gì? Chẳng những chúng ta có trách nhiệm chăm sóc người anh em trong Chúa lúc ngã lòng, nhưng chúng ta cũng nên lưu tâm đến những người tuyệt vọng bên ngoài Hội Thánh, nhạy cảm với nhu cầu của họ, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh đến với họ kịp lúc, hầu giúp họ tìm được niềm hy vọng và sự giải cứu trong Đấng Christ.

3. Vài câu hỏi về sự tự sát.

a. Người tin Chúa tự sát, đi Thiên đàng hay địa ngục? Đây là câu hỏi khó có câu trả lời xác định, vì những lý do sau đây:

– Kinh Thánh có ghi nhận một số sự kiện tự sát nhưng không có lời trực tiếp lên án sự tự sát. Tuy nhiên Kinh Thánh cũng bày tỏ tự sát là điều trái với ý chỉ của Đức Chúa Trời đối với con người thọ tạo.

– Đức Chúa Trời là Đấng thương xót người trong lúc ngã lòng. Ngài thấu rõ lòng người trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta không lạ gì người tự sát vì mặc cảm tội lỗi như Giu-đa. Nhưng chúng ta cũng thắc mắc khó hiểu đôi lúc thấy có người rất tin kính Chúa lại tự chấm dứt cuộc đời cách bi thảm như W. Cowper, nhà sáng tác nhạc truyền giảng Tin Lành với nhiều bài hát thật rung cảm bày tỏ tình yêu thương và ơn tha thứ của Chúa. Chúng ta tin rằng Chúa biết rõ mọi suy nghĩ và hành động của mỗi người, và Ngài đoán xét theo sự công bình, hoặc theo lòng yêu thương tha thứ của Ngài. Đây là điều thuộc thẩm quyền của Chúa. Vì vậy chúng ta chẳng nên định tội hay lên án kẻ tự sát, nhưng cầu nguyện giao phó họ trong bàn tay thương xót của Chúa. Phần của chúng ta là làm thế nào để giúp người tránh khỏi sự tự sát.

b. Sự tự sát vì bệnh tật đau đớn kéo dài là điều hợp lẽ không?

Chúng ta cảm thông nỗi đau khổ của bệnh tật. Chúng ta biết Đức Chúa Trời yêu thương con người trong đau khổ. Ngài không những ban Con Ngài đến thế gian để mang lấy tội lỗi và bệnh tật của con người, nhưng Ngài cũng dự bị cho con người những phương thuốc làm giảm cơn đau và những người thân chăm sóc, giúp đỡ lúc cần. Vậy trong hoàn cảnh đau đớn bệnh tật, tốt hơn chúng ta nên kiên nhẫn, chờ đợi đến thời điểm của Chúa, để mục đích tốt lành của Ngài được hoàn thành trên đời sống chúng ta.

Tóm lược.

1. Sự tự sát có thể đến từ những nguyên nhân như áp lực của xã hội, sự khủng hoảng trong tinh thần và mặc cảm tội lỗi trong tâm linh. Và điểm chính là không còn có hy vọng.

2. Sự tự sát là điều trái với ý chỉ của Đức Chúa Trời, xúc phạm đến Đức Chúa Trời và quyền tể trị của Ngài, vì không quý trọng, chăm sóc và gìn giữ sự sống như món quà quý báu của Chúa ban cho để làm sáng danh Ngài.

3. Quyết định dứt bỏ ý nghĩ tự sát ra khỏi tâm trí. Tìm kiếm Đức Chúa Trời của hy vọng và bình an, đọc Kinh Thánh nắm chắc lời Chúa hứa, hết lòng tin cậy nương náu mình trong Chúa Giê-xu, trao gánh nặng của mình cho Ngài. Đó là những cách tránh sự cám dỗ tự sát.

4. Chẳng những chúng ta đề phòng tự sát, nhưng còn có trách nhiệm giúp đỡ, khuyên giải người có ý định tự sát.

II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

1. Xin đọc Kinh Thánh và tìm hiểu tại sao những người này tự sát: Các Quan Xét 9:50-54; 1Sa-mu-ên 31:4-6; 17:23; 2Các Vua 16:18-19; Ma-thi-ơ 27:3-5.

2. Những lý do nào khiến người ta tự sát?

3. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:

a. Xuất 20:13; Sáng Thế Ký 9:6: Đức Chúa Trời có điều răn gì cho dân Y-sơ-ra-ên? Tại sao?

b. Gióp 14:5; Thi Thiên 139:13-16: Đời sống của mỗi cá nhân thuộc thẩm quyền của ai?

c. 1Cô-rinh-tô 3:16-17; 6:19-20; Ê-phê-sô 5:23-29,33: Chúng ta có trách nhiệm thế nào đối với thân thể mình? Tại sao?

d. Dân Số Ký 11:10-17; 1Các Vua 19:1-8; Giô-na 4:1-6: Tiên tri Môi-se, Ê-li và Giô-na xin Đức Chúa Trời điều gì? Tại sao họ xin như vậy? Chúa đáp ứng thế nào với điều họ xin?

4. Sự tự sát là điều hợp lẽ với người Cơ Đốc không? Xin trình bày.

5. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau và tìm hiểu:

a. Gióp 2:8-10: Tự sát có phải là cách khôn ngoan để giải quyết vấn đề không?

b. Rô-ma 15:13: Trong Đức Chúa Trời chúng ta tìm được điều gì?

c. Rô-ma 14:7-8: Mục đích của đời sống chúng ta trên đất là gì?

d. Ê-sai 43:1-2; Giăng 14:18-27; 1Cô-rinh-tô 10:13: Chúa có lời hứa gì cho con cái Ngài?

e. Phi-líp 4:4-6; 1Phi-e-rơ 5:8: Chúng ta nên làm gì khi gặp khó khăn?

6. Điểm quan trọng nào để đề phòng sự tự sát có thể xảy ra?

7. Câu hỏi thảo luận:

– Người tin Chúa tự sát thì đi Thiên đàng hay địa ngục?

– Sự tự sát vì cớ đau đớn của bệnh tật là điều hợp lẽ không?

– Dấu hiệu nào biết người có quyết định tự sát? Làm thế nào để giúp họ trong trường hợp ấy?

8. Xin cho biết:

– Khi gặp chán nản hay trong hoạn nạn bạn thường nghĩ gì?

– Bạn quý trọng và gìn giữ sự sống Chúa ban cho như thế nào?

– Bạn làm gì giúp người đang ở trong sự chán nản và không muốn sống nữa?

 

 

Post CommentLeave a reply