Chương trình thờ phượng Ban Thanh niên Chúa nhật 15.03.2015
By andynguyen in Thanh niên on 15 Tháng Tư, 2015
Chúa nhật 15.03.2015.
1. Đề tài: CÁC CUỘC PHÁN XÉT.
2. Kinh Thánh: Rô-ma 2:1-11; 4:10-12.
3. Câu gốc: “Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt” (2Côr 5:10).
4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 19-23.
5. Thể loại: Phỏng vấn.
* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.
1. Chọn một người đóng vai Phao-lô và một người làm phóng viên.
2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và câu trả lời cần phải ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
3. Mời trước một người đúc kết buổi phỏng vấn và nêu lên những điều học hỏi được từ câu chuyện. Cầu nguyện kết thúc (có thể mời nhân vật được phỏng vấn cầu nguyện).
* GỢI Ý PHỎNG VẤN.
(Sau khi NHD giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới phòng nhóm đi lên và Phao-lô từ ngoài bước vào phòng nhóm).
– Phóng viên: Dạ xin kính chào cụ Phao-lô!
– Phao-lô: Chào các cháu!
– PV: Chúng cháu rất vui vì được cụ đến thăm hôm nay. Thay cho các bạn thanh niên trong Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Nhân buổi gặp gỡ nầy cụ có thể giúp chúng cháu tìm hiểu về các cuộc phán xét xảy ra trong tương lai không thưa cụ?
– Phao-lô: Được, các cháu cứ hỏi, ta sẽ giúp các cháu trong khả năng của ta.
– PV: Xin cụ vui lòng cho biết vì sao Chúa không phán xét ngay trong hiện tại mà phải chờ đợi phán xét trong tương lai?
– Phao-lô: Sự phán xét thuộc quyền tối cao của Chúa và Ngài có thời điểm cho công việc nầy.
– PV: Thì ra là vậy. Xin cụ vui lòng cho biết lý do Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét?
– Phao-lô: Sự phán xét là điều phải có vì những lý do sau: (1) Thi hành sự công nghĩa của Ngài. (2) Làm rạng rỡ ơn cứu chuộc kỳ diệu của Đấng Christ mà hiện nay chưa được bày tỏ.
– PV: Cụ có thể cho cháu hiểu mục đích của sự phán xét là gì không?
– Phao-lô: Mục đích của sự phán xét là bày tỏ sự công nghĩa của Đức Chúa Trời trong sự ban thưởng người công bình và hình phạt người ác.
– PV: Thưa cụ, có phải tất cả người công bình đều được thưởng và tất cả người công bình đều bị hình phạt không?
– Phao-lô: Không hề như vậy. Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng hay phạt mỗi người tùy theo việc họ làm.
– PV: Thưa cụ, thế nào là người công bình và người không công bình?
– Phao-lô: Theo Kinh Thánh thì không có người công bình trên đất, sự công bình của con người như áo nhớp trước mặt Đức Chúa Trời. Người được Chúa xưng công bình là người tin nhận Giê-xu làm Chúa Cứu Thế và người không công bình là người chẳng tin.
– PV: Thưa cụ, vậy những người sống trong thời đại không có Kinh Thánh, không biết Đức Chúa Trời thì bị liệt vào hạng người không công bình và bị Đức Chúa Trời đoán phạt sao?
– Phao-lô: Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình. Sự phán xét của Ngài đặt trên những nguyên tắc căn bản sau:
(1) Với những người có luật pháp hay có Kinh Thánh thì dựa trên luật của Kinh Thánh mà bị xét đoán.
(2) Với những người không có luật pháp thì bởi lương tri và sự tỏ ra của Ngài trong cõi thiên nhiên mà bị xét đoán.
(3) Với những người ở dưới ân điển cứu rỗi thì bởi thái độ của họ tin nhận hay chối bỏ mà bị đoán xét.
– PV: Cám ơn Chúa về sự phán xét công bình của Ngài. Xin cụ vui lòng cho biết thêm về sự phán xét của Đức Chúa Trời.
– Phao-lô: Sự phán xét của Đức Chúa Trời có tính đặc biệt sau:
(1) Cá nhân: Mỗi người phải khai trình việc mình làm với Chúa.
(2) Phổ quát: Mọi người phải ứng hầu trước tòa án của Chúa.
(3) Công bình: Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri, là Đấng thẩm định và thưởng phạt một cách tương xứng nên không có sự khiếu nại.
– PV: Xin cụ cho biết trong các cuộc phán xét nầy ai là quan tòa và ai là bị cáo?
-Phao-lô: Chúa Giê-xu là Quan tòa, còn bị cáo trong mỗi phiên tòa khác nhau.
– PV: Khác nhau như thế nào xin cụ giải thích cho cháu hiểu với.
– Phao-lô: Qua sự bày tỏ của Kinh Thánh, sự xét đoán được diễn tiến như sau:
(1) Phán xét Hội Thánh: Để xét thưởng người được xưng công bình.
(2) Phán xét các nước: Phán xét dân Do-thái và dân ngoại để phân chia người tin và người chẳng tin.
(3) Phán xét thiên sứ ác và sa-tan: Chúa nhốt sa-tan vào địa ngục vào thời đại ngàn năm bình an.
(4) Phán xét cuối cùng: Sau thời đại ngàn năm bình an, những người chẳng tin từ thời A-đam sống lại để chịu sự đoán phạt đời đời trong hỏa ngục, tức là sự chết thứ hai.
– PV: Cám ơn cụ đã giúp chúng cháu hiểu rõ hơn về các cuộc phán xét của Chúa trong tương lai. Biết rõ điều nầy chúng cháu hứa sẽ hầu việc Chúa cách trung tín để được Chúa ban thưởng và sốt sắng đi giải cứu người đang bị đùa đến nơi khổ hình.
NHD: Thưa các bạn! Chúng ta vừa nghe cụ Phao-lô giãi bày về các cuộc phán xét trong tương lai. Nguyện Chúa Thánh Linh ban năng lực để chúng ta làm trọn những điều mình hứa nguyện với Chúa qua bài học nầy. Mời các bạn đứng lên và mời cụ Phao-lô cầu nguyện cho chúng cháu.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Một trong những vấn đề con người không thể giải quyết nổi là sự bất công trong xã hội. Với sự lan tràn của tội lỗi, thì thế gian không còn công lý! Tuy nhiên trong lương tri con người vẫn nhận biết có Đấng báo ân, báo oán, có luật công bình ở đời sau. Có những câu răn người ác được thấy trong ca dao Việt Nam như: “Lưới trời lồng lộng mà chẳng lọt ai” hoặc “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ” hay “Gieo gió gặt bão” v.v..
Kinh Thánh nói quả quyết về ngày phán xét công bình của Chúa trên người công bình và người ác. Sự phán xét của Ngài đặt trên tiêu chuẩn nào? Có tính chất gì? Và sẽ được xảy ra như thế nào?
I. DẪN GIẢI.
A. LÝ DO VÀ MỤC ĐÍCH CỦA SỰ PHÁN XÉT.
1. Lý do của sự phán xét.
a. Thi hành sự công nghĩa của Chúa.
Sự đoán xét là thuộc quyền tối cao của Chúa, và Ngài có thời điểm cho việc nầy. Luật của Đức Chúa Trời đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét (Hê-bơ-rơ 9:27). Phao-lô khuyên các tín hữu “chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến” (1Côr 4:5).
b. Thể hiện cách trọn vẹn sự công nghĩa của Đức Chúa Trời.
Mặc dầu người ác có hưng thạnh trong đời nầy, nhưng “luật báo ứng” cũng được thấy rõ. Tuy nhiên, điều đó chưa được đầy trọn theo công lý của Chúa. Cho nên sự phán xét chắc sẽ đến như lời Phao-lô cảnh cáo con người về thái độ khinh lờn sự công nghĩa của Chúa, là Đấng sẽ trả cho mỗi người tùy theo công việc mình (Rô-ma 2:5-6).
c. Làm rạng rỡ ơn cứu chuộc kỳ diệu của Đấng Christ mà hiện nay chưa được bày tỏ.
Vì trong ngày phán xét, công lao cứu chuộc của Ngài sẽ được chiếu rạng trong người được chuộc với sự ban thưởng mão miện sáng láng, đồng thời đoán phạt người chẳng tin: “Trong khi Đức Chúa Giê-xu từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo thù người chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta. Khi Ngài sẽ đến trong ngày đó, để được sáng danh trong các thánh đồ, được khen ngợi trong mọi người tin…” (2Tês 1:7-8,10).
2. Mục đích của sự phán xét.
Các lý do nêu trên cho thấy điểm chính trong sự phán xét không phải tra xét để chứng tỏ người nầy có tội hay không có tội, cũng không phải để quyết định số phận của người ta. Vì án phạt đã quyết định từ khi con người còn sống trên cõi tạm, và số phận họ cũng đã được định sẵn lúc qua đời. Tuy nhiên án phạt của Chúa có thể bãi bỏ, số phận hư mất tương lai của con người có thể được thay đổi là tùy thái độ của mỗi cá nhân đối với Đức Chúa Trời trong hiện tại, tin hay chối bỏ Ngài, vì sẽ không có cơ hội thứ hai cho con người sau khi chết (Giăng 3:36; 5:24; Lu-ca 16:19-30).
Như vậy mục đích của sự phán xét sau cùng nói chung là bày tỏ sự công nghĩa của Đức Chúa Trời trong sự ban thưởng người công bình và hình phạt người ác, để công khai biểu lộ điều kín giấu của con người và cả vũ trụ nhìn biết sự thưởng phạt của Đức Chúa Trời là công bình (Ma-thi-ơ 12:36; 2Côr 5:10; Lu-ca 12:2,8-9).
Nhà thần học L.C. Turner luận như sau: “Mục đích của sự phán xét là sự ban thưởng và hình phạt. Không phải tất cả người được cứu rỗi đều được thưởng giống nhau, và không phải người hư mất đều bị xử phạt như nhau. Đức Chúa Trời sẽ trả lại cho mỗi người thể theo việc làm của họ. Sự ban thưởng và sự xử phạt sẽ được áp dụng thể theo trường hợp và phẩm hạnh”.
B. TIÊU CHUẨN VÀ TÍNH CHẤT CỦA SỰ PHÁN XÉT.
Theo nhà giải kinh J. D. Olsen, những nguyên tắc trong sự phán xét nói chung được căn cứ trên hai thứ luật pháp của Đức Chúa Trời: Luật đạo đức và luật ân điển.
1. Luật đạo đức.
Luật “đạo đức” phản ảnh đức tánh công nghĩa thánh khiết của Đức Chúa Trời. Hay nói cách khác là do đức tánh nầy mà luật đạo đức được thiết lập và có tính chất bất biến (Ma-thi-ơ 5:17-18). Luật đạo đức phù hợp với con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, tức là được dựng nên trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật, được giống Ngài trong phần đạo đức (Ê-phê-sô 4:24). Cho nên nếu vi phạm luật đạo đức, có nghĩa là xúc phạm bản tánh công nghĩa của Đức Chúa Trời, và hậu quả là nhân cách của con người cũng bị méo mó, hư hỏng. Vì vậy vi phạm luật đạo đức của Chúa là một tội trọng trước mặt Ngài. Luật đạo đức được thể hiện trong ba hình thức.
a. Trong mười điều răn: Trong thời Cựu Ước, luật đạo đức đã đi vào lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên. Qua sự kiện Đức Chúa Trời ghi tạc trên bảng đá mười điều răn tại núi Si-nai và trao cho Môi-se truyền dạy dân sự Ngài (Xuất 24:12).
b. Trong Kinh Thánh: Chữ “luật pháp” thường được dùng chỉ về Ngũ Kinh Môi-se, tức là năm sách ghi chép mười điều răn và các mạng lịnh Đức Chúa Trời phán dạy qua Môi-se (Ma-thi-ơ 7:12; Lu-ca 16:16). Tuy nhiên chữ “luật pháp” cũng được dùng chỉ về cả bộ Kinh Thánh hay Lời Đức Chúa Trời. Và Lời Ngài chính là luật đạo đức, vì căn cứ theo Kinh Thánh mà người ta bị xét đoán (Hê-bơ-rơ 4:12-13; Rô 3:19-20).
c. Trong lương tri của con người.
Luật đạo đức của Đức Chúa Trời chẳng những được ghi khắc trên đá, được ghi chép trong Kinh Thánh, nhưng còn được ghi tạc trong lương tri của con người. Bằng chứng cho thấy dầu không có luật pháp bằng văn tự, nhưng trong con người vốn có bản tánh đạo đức của Chúa nên có thể phân biệt điều phải, điều trái. Ý tưởng họ khi thì cáo trách, khi thì bênh vực và lương tâm chính là chứng nhân cho luật pháp đặt trong họ (Rô-ma 2:12-16).
d. Trong cõi thiên nhiên: Thần tánh Đức Chúa Trời chẳng những được khải thị trong Kinh Thánh, nhưng còn được bày tỏ trong cõi thiên nhiên. Con người có thể nhận biết bản tánh thánh thiện, thấy rõ luật công lý “gieo gặt” của Ngài trong thiên nhiên (Rô-ma 1:20).
2. Luật ân điển.
Gọi là “Ân điển” vì luật nầy căn cứ trên công lao cứu chuộc của Đấng Christ. Bởi ân điển và đức tin mà người ta được sự tha tội, được cứu khỏi sự phán xét của Chúa, và được nhận vào sự sống đời đời. Luật ân điển bao gồm hai khía cạnh:
a. Với người tin: Luật ân điển là vầng đá của sự cứu rỗi.
b. Với người chẳng tin: Người chẳng tin tức là người chối bỏ ân điển của Tin Lành, thì luật ân điển sẽ là vầng đá của sự đoán phạt (Giăng 5:24; Rô-ma 8:1; Ma-thi-ơ 21:44; 2Côr 2:15-16). Căn cứ theo đó mà Đấng Christ sẽ xét đoán con người trong tương lai.
Tóm lại, hai thứ luật pháp kể trên cho thấy sự phán xét của Đức Chúa Trời được đặt trên những nguyên tắc căn bản sau đây:
Với những người có luật pháp, hay nói chung là có Kinh Thánh, thì bởi đó mà bị đoán xét.
Với những người không có luật pháp, thì bởi lương tri và sự tỏ ra của Ngài trong cõi thiên nhiên mà bị xét đoán.
Với người ở dưới ân điển cứu rỗi, thì bởi thái độ của họ tin nhận hay chối bỏ mà bị đoán xét.
Kinh Thánh thường nhắc đi nhắc lại rằng Đức Chúa Trời sẽ đoán xét mọi người “tùy theo công việc họ làm” lúc còn trong xác thịt (Rô-ma 2:6; Khải 20:13; 2Côr 5:10; Giăng 5:28-29). Điều này không có nghĩa nhờ việc lành mà chúng ta được cứu khỏi sự đoán phạt của Chúa. Nhưng “việc mình làm” ở đây có thể được hiểu trong hai điểm nầy: (1) Nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân, nghĩa là mỗi người đều chịu trách nhiệm về việc mình làm (Ê-xê 18:4). (2) Việc làm bên ngoài là sự chứng nghiệm thực giả bên trong, và căn cứ theo đó Đức Chúa Trời định giá thưởng phạt. Thật ra, Đức Chúa Trời đoán xét từ cớ tích sâu thẳm trong lòng con người, và từ đó nẩy ra lời nói và hành động. Hành động hay việc làm bên ngoài chỉ là “trái” chứng tỏ chân tướng bên trong của con người. Vì trái tốt ra từ cây tốt và trái xấu ra từ cây xấu (Ma-thi-ơ 7:16-20; 1Côr 4:5).
Qua những nguyên tắc trên, chúng ta có thể tìm thấy vài tính chất đặc biệt trong sự phán xét của Đức Chúa Trời:
(1) Cá nhân (Rô-ma 14:12): Mỗi người phải khai trình việc mình làm trước mặt Chúa.
(2) Phổ quát: Mọi người đều phải ứng hầu trước tòa án của Chúa (Rô-ma 14:10-12).
(3) Công bình: Tiêu chuẩn đoán xét của Chúa không ai có thể đối nại. Vì Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri thấu biết tận đáy lòng người, nên không ai có thể binh vực mình. Vì Đức Chúa Trời là Đấng thẩm định nghiêm minh, thưởng phạt cách đầy đủ và tương xứng nên không có sự khiếu nại. Do đó đến thì giờ phán xét của Ngài đã định, khi cửa ân điển đã đóng, trước sự phán xét của Ngài, loài người chỉ biết cúi đầu nhận tội mà không cần có luật sư nào để biện hộ, cũng không có lời nào binh vực (Rô-ma 3:19-20; 2:11).
C. THỨ TỰ VÀ KẾT CUỘC TRONG SỰ ĐOÁN XÉT.
1. Đấng đoán xét.
Chúa Giê-xu là Đấng xét đoán (Giăng 5:22).
2. Chương trình xét đoán.
a. Sự xét đoán Hội Thánh.
Thời điểm xảy ra là khi Chúa hiện đến và Hội Thánh được cất lên gặp Ngài tại không trung. Hội Thánh sẽ chịu sự xét đoán của Đấng Christ (1Tês 4:17; 2Côr 5:10). Trong nguyên văn Hy-lạp từ “ngôi xét đoán” hay “tòa án” của Đấng Christ, có hai chữ: (1) Crierion, chỉ về chiếc ghế quan tòa ngồi để xét đoán theo một tiêu chuẩn đã định. (2) Bema, chỉ một nơi cao có nhiều bậc, tiêu biểu cho pháp đình. Theo Harrison, trong các cuộc tranh giải thể thao của người Hy-lạp xưa, vị chủ toạ ngồi ở chỗ gọi là “bema” để ban thưởng cho người thắng cuộc. Ý nầy được Phao-lô dùng trong phương diện thuộc linh. Trong 1Cô-rinh-tô 9:24, sứ đồ Phao-lô khuyên các tín hữu, hãy “chạy” thế nào cho được thưởng. Như vậy mục đích của sự xét đoán Hội Thánh là để ban thưởng cho người có lòng trung tín với Chúa trong thế gian, chớ không phải để đoán phạt họ trong hồ lửa (2Tim 4:6-8). Các việc làm của các con cái Chúa sẽ được Chúa định giá và ban thưởng hay quở trách. Công việc nào đặt nền tảng trên Đấng Christ, tức là việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, được ví sánh như vàng, bạc, bửu thạch sẽ còn lại sau ngọn lửa thử nghiệm, chỉ về sự đoán xét và được ban thưởng. Trái lại việc làm của người vì cớ tích của xác thịt, của ý riêng, thì ví như rơm rạ, sẽ bị cháy rụi trước ngọn lửa thử nghiệm. Như vậy họ sẽ bị mất phần thưởng (1Côr 3:11-15).
Có năm loại mão triều thiên mà Kinh Thánh nói đến dành cho ngày ban thưởng: Mão Triều Thiên Không Hay Hư Nát (1Côr 9:25); Mão Triều Thiên Của Sự Công Bình (2Tim 4:8); Mão Triều Thiên Của Sự Sống (Khải 2:10); Mão Triều Thiên Của Sự Vinh Hiển (1Phi 5:4); Mão Triều Thiên Bằng Vàng (Khải 4:4).
b. Sự xét đoán các nước (Ma-thi-ơ 25:21-46): Theo các nhà giải kinh, sự phán xét nầy bao gồm sự phán xét dân Do Thái và các dân ngoại, và trong sự phán xét nầy có sự tham dự của 12 sứ đồ (Lu-ca 22:30). Sự phán xét nầy xảy ra sau khi Đấng Christ từ trời hiện xuống. Mục đích của sự phán xét là để phân chia giữa “chiên” và “dê”, tức giữa người tin và người chẳng tin. Người tin sẽ được vào hưởng phước trong nước ngàn năm bình an với Chúa, còn người ác sẽ bị đoán phạt đời đời.
c. Sự phán xét thiên sứ ác và sa-tan.
Kinh Thánh nói đến sự bỏ sa-tan vào địa ngục trong thời đại Thiên hi niên, trước ngày phán xét cuối cùng của thế giới (Khải 20:7-10). Kết cuộc là hồ lửa đời đời cho chúng.
d. Sự phán xét sau cùng (Khải 20:11-15).
Sự phán xét này xảy ra sau thời đại ngàn năm bình an, dành cho tất cả người chẳng tin từ đời A-đam. Họ sống lại để chịu phán xét. Kết cuộc là sự đoán phạt trong hồ lửa, tức là sự chết thứ hai.
Tóm lược.
1. Sự phán xét của Đức Chúa Trời là cần thiết, vì sự công nghĩa Ngài được bày tỏ đúng mức, đúng lúc, và công lao cứu chuộc của Đấng Christ phải được tôn vinh.
2. Sự phán xét của Chúa căn cứ trên luật đạo đức và luật ân điển. Tính chất của sự phán xét là: Cá nhân, phổ quát và công bình.
3. Mục đích của sự phán xét là thưởng người công bình, phạt người ác, Đấng đoán xét là Đức Chúa Giê-xu Christ.
4. Sự phán xét bao gồm: Hội Thánh, các dân tộc, thiên sứ ác, Sa-tan, và cuối cùng là cả nhân loại, tức người chẳng tin.
II. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
1. Trong những câu Kinh Thánh sau đây xin tìm ba lý do tại sao cần có sự phán xét? Hê-bơ-rơ 9:27; 1Cô-rinh-tô 4:5, Rô-ma 2:5-6, 2Tê-sa-lô-ni-ca 1:6,10.
2. Sự phán xét của Đức Chúa Trời có ý nghĩa và mục đích gì? (Xin xem thêm 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:24-25; Lu-ca 12:2, 8-9; 2Côr 5:10; Khải 20:12).
3. Sự đoán xét của Chúa được đặt trên những nguyên tắc nào? Và có nghĩa gì? Rô-ma 2:6-8,12; Rô-ma 2:12-13; 3:19; Rô-ma 2:14-15; Giăng 3:36; 5:24.
4. Những nguyên tắc trên được đặt trên hai tiêu chuẩn hay hai luật nào? Và được áp dụng cho những ai?
5. Qua những nguyên tắc trên, xin tìm hiểu tính chất của sự đoán xét (Rô-ma 2:6,11; 14:10,12; Ma-thi-ơ 12:36).
6. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu: 1Côr 3:11-15; 2Côr 5:10; 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:17; Ma-thi-ơ 25:21.
a. Cuộc đoán xét nầy dành cho ai?
b. Khi nào? Tại sao? Do ai phán xét?
c. Sự đoán xét được đặt trên tiêu chuẩn gì?
d. Với mục đích gì? Kết cuộc thế nào?
e. Xin kể tên những mão miện của sự ban thưởng: 1Côr 9:25; 2Tim 4:8; Khải 2:10;4:4; 1Phi 5:4.
7. Ma-thi-ơ 25:31-46: Sự đoán xét nầy dành cho ai? Khi nào? Do ai đoán xét? Và với mục đích gì?
8. 2Phi 2:4; Giu-đe 6; 1Côr 6:3; Khải 20:10: Sự đoán xét nầy dành cho ai? Khi nào? Và kết cuộc như thế nào?
8. Khải 20:11-15: Sự đoán xét nầy dành cho ai? Khi nào? Do ai đoán xét? Và kết cuộc là gì?
9. Qua sự ghi nhận trên:
a. Xin so sánh sự khác nhau giữa sự đoán xét người tin và người không tin.
b. Theo tiêu chuẩn xét đoán, chúng ta học biết gì về Đức Chúa Trời và sự công nghĩa của Ngài?
10. Các công việc bạn đang làm sẽ được Chúa định giá thế nào trong sự xét đoán của Ngài? Được thưởng hay bị Chúa quở trách?