CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 04.10.2020
By Lee Vi in NAM GIỚI on 1 Tháng Mười, 2020
Chúa nhật 04.10.2020.
- Đề tài: HẦU VIỆC CHÚA TRONG SỰ LÀM LÀNH.
- Kinh Thánh: Mat 25:31-40; Lu-ca 10:25-37; Gal 6:9-10.
- Câu gốc: “Chớ quên việc lành và lòng bố thí, vì sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:16).
- Đố Kinh Thánh: Phục truyền 9-12.
- Thể loại: Trò chơi lớn.
* CHỈ DẪN: (Xem hướng dẫn Chúa nhật 19.07.2020).
Chủ đề: HẦU VIỆC CHÚA TRONG SỰ LÀM LÀNH.
Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ.
Thời gian 1h 30’.
- CHUẨN BỊ.
– Đọc Kinh Thánh Ma-thi-ơ 25:31-40; Lu-ca 10:25-37; Ga-la-ti 6:9-10.
– Mang theo giấy, viết, Kinh Thánh, các bản mật mã.
– Ban tổ chức chuẩn bị giấy thông hành, mật thư và các bản thảo luận.
- THỰC HIỆN.
- Thông báo cuộc thi và cách chấm điểm.
- Cuộc thi.
– Hàng ngũ trật tự và báo cáo số nhóm viên khi đến mỗi trạm.
– Chấp hành đúng theo yêu cầu tại mỗi trạm.
– Tất cả ban viên tham gia hết mình.
– Thời gian để thảo luận hoặc học thuộc câu gốc là 5 phút.
- Chấm điểm tại mỗi trạm.
– Hàng ngũ trật tự, báo cáo nghiêm chỉnh……. 10 điểm.
– Giải mật thư chính xác…………………………… 10 điểm.
– Thực hiện yêu cầu………………………………… 10 điểm.
– Tinh thần tham gia (đầy đủ các nhóm viên). 10 điểm.
– Đến trạm sớm nhất……………………………….. 10 điểm.
- Giới thiệu.
Trong xã hội loài người xưa nay, dù ở các nước giàu mạnh, vẫn có lớp người nghèo khổ, đói rách, tật nguyền đáng thương, có những tiếng kêu cầu cứu giúp. Có những tổ chức từ thiện lớn đang hoạt động khắp đó đây trên thế giới, mong hàn gắn, xoa dịu phần nào nỗi đau thương của nhân loại. Còn Cơ Đốc nhân chúng ta đáp ứng thế nào? Bây giờ chúng ta cùng nhau “Hầu việc Chúa trong sự làm lành”.
III. DIỄN TIẾN TRÒ CHƠI.
* Người hướng dẫn:
– Chia Ban Nam giới thành nhiều nhóm, 10 người/nhóm.
– Các nhóm viên đặt tên cho nhóm, cử trưởng nhóm.
– Thông báo thể lệ cuộc thi, giới thiệu trò chơi (xem phần 2).
– NHD phát lệnh: “Đến gặp anh YÊU THƯƠNG”.
Ö Trạm 1: Anh Yêu thương.
F Yêu cầu:
– Tập trung nhóm thành 1 hàng dọc.
– Nhận “giấy thông hành”.
– Đọc thuộc câu Kinh Thánh: “Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi” (1Cô-rinh-tô 13:3). Thời gian học thuộc là 5 phút.
– Trưởng nhóm nói lên ý nghĩa của câu Kinh Thánh đã thuộc.
– Phát mật thư 1.
* Mật thư 1: “Gặp anh Vinh hiển để được hướng dẫn”.
Ö Trạm 2: Anh Vinh hiển.
F Yêu cầu:
– Tập trung nhóm thành 1 hàng dọc.
– Nhận “giấy thông hành”.
– Phát bản “Những việc lành cần làm ngay”. Nhóm thảo luận và thư ký đánh dấu X vào những việc lành nào khi cả nhóm đã đồng ý.
NHỮNG VIỆC LÀNH CẦN LÀM NGAY.
Chúa Giê-xu đã kêu gọi chúng ta: “Cũng vậy ánh sáng của các con phải chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16). Để làm vinh hiển Danh Đức Chúa Trời, chúng ta phải làm những việc lành nào?
o Chăm sóc kẻ mồ côi, người góa bụa.
o Chỉ giúp đỡ trẻ em khi gặp khó khăn.
o Thăm viếng, ủy lạo kẻ khổ nạn.
o Chỉ chăm sóc những người bị tai nạn.
o Ân cần tiếp khách.
o Phân phát quần áo cho người không có quần áo mặc.
o Noi theo gương của Ta-bi-tha (Công vụ 4:32-37, 9:36-39).
o Noi theo gương của Phi-lê-môn (Phi-lê-môn 4-7).
– Phát mật thư 2.
* Mật thư 2: “Gặp anh Cơ hội gấp”.
Ö Trạm 3: Anh Cơ hội.
F Yêu cầu:
– Tập trung nhóm thành 1 hàng dọc.
– Nhận “giấy thông hành”.
– Đọc thuộc lòng câu Kinh Thánh: “Vậy, đương lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức tin” (Ga-la-ti 6:10). Thời gian học thuộc là 5 phút.
– Trưởng nhóm nói lên ý nghĩa của câu Kinh Thánh đã thuộc.
– Phát mật thư 3.
* Mật thư 3: “Gặp anh Khoe khoang”.
Ö Trạm 4: Anh Khoe khoang.
F Yêu cầu:
– Tập trung nhóm thành 1 hàng dọc.
– Nhận “giấy thông hành”.
– Đóng kịch: Mỗi nhóm sẽ dựng lên một vở kịch 5 phút về đề tài “Khoe khoang trong khi làm việc lành”. Phần Kinh Thánh tham khảo là Ma-thi-ơ 6:1-4. Thời gian dựng và tập kịch là 15 phút.
– Sau 15 phút tập kịch, NHD phát lệnh: “Hãy trở về nhà và bắt tay vào làm việc lành đi” (trở về phòng nhóm và nghỉ giải lao 5’).
- KẾT THÚC.
– Các nhóm lần lượt diễn vở kịch đã tập.
– NHD đúc kết.
Kinh Thánh nhiều lần bày tỏ lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với kẻ khốn cùng, và khuyến khích con dân Chúa trong công việc lành. Những chặng đường vừa qua giúp chúng ta nhận ra công việc lành phải được thúc đẩy bởi tình yêu thương, nếu không sẽ trở nên vô nghĩa. Khi chúng ta thực hiện việc lành thì phải nghĩ đến mục đích là làm vinh hiển Danh Chúa, để thế gian nhận biết chúng ta là con của Đức Chúa Trời. Các bạn ơi, nhanh chân lên kẻo không còn cơ hội, dịp tiện các bạn đang có hãy tận dụng để làm điều thiện cho mọi người. Chúng ta hầu việc Chúa trong sự làm lành với tinh thần khiêm nhường, kín đáo để được Chúa ban thưởng, ngược lại, với tinh thần khoe khoang thì mọi nỗ lực làm việc lành của chúng ta trở nên vô giá trị trước mặt Ngài.
– Công bố kết quả và phát thưởng.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Trong xã hội loài người xưa nay, dù ở các nước giàu mạnh vẫn còn có tầng lớp người nghèo khổ, đói rách, tật nguyền đáng thương, có những tiếng kêu cầu cứu giúp. Có những tổ chức từ thiện lớn đang hoạt động khắp đó đây trên thế giới, mong hàn gắn, xoa dịu phần nào nỗi đau thương của nhân thế. Còn Cơ Đốc nhân chúng ta đáp ứng thế nào?
Trong Kinh Thánh nhiều lần bày tỏ lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với kẻ khốn cùng, và khuyến khích con dân Chúa trong công việc lành.
A. Ý NGHĨA VÀ LẼ CẦN CỦA VIỆC LÀNH.
- Ý nghĩa của việc lành.
Đối với người đời làm lành là việc công đức, để nhờ đó được giải thoát tội, được xưng nghĩa. Cho nên người ta thường cố công ra sức tu thân tích đức và khoe mình trong các việc bố thí, việc từ thiện ấy. Điều nầy trái hẳn với việc làm lành trong quan điểm của Kinh Thánh. Theo Ê-phê-sô 2:8-10 và Ga-la-ti 5:22, chữ “việc lành” chỉ về công việc của đức tin hay bông trái của đức tin. Nghĩa là việc lành là kết quả của sự xưng nghĩa bởi đức tin, chớ không phải việc lành để nhờ đó được xưng nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời. Vì vậy, người Cơ Đốc không làm việc lành để được xưng nghĩa. Nhưng vì đã được xưng nghĩa bởi đức tin, nên chúng ta làm việc lành.
- Sự cần thiết làm việc lành.
Kinh Thánh cho thấy những lý do Cơ Đốc nhân phải làm việc lành.
- Vì mục đích của Chúa cho đời sống: Qua các mạng lệnh của Đức Chúa Trời phán dạy dân sự, chúng ta học biết Đức Chúa Trời là Đấng nhơn từ và thương xót kẻ nghèo thiếu khốn cùng, Đấng bảo vệ kẻ mồ côi và người góa bụa (Xuất 22:21-27; Lê-vi ký 19:9-10,18,33,34; Thi thiên 146:9). Vì thế với những người được cứu chuộc bởi huyết của Chúa Giê-xu, được Ngài kêu gọi vào công việc lành để tỏ cho kẻ nghèo khó biết tình yêu thương, sự chăm sóc của Đức Chúa Trời và tôn vinh Danh Ngài (Ma-thi-ơ 5:16; Ê-phê-sô 2:10; Tít 2:14).
- Vì điều răn của Chúa: Việc lành chẳng những là mục đích của Chúa cho kẻ được cứu, nhưng còn là đòi hỏi của điều răn Ngài. Trong sáu điều răn Đức Chúa Trời qui định cho con người đối với nhau, được Chúa Giê-xu tóm lược trong câu đầy đủ ý nghĩa “Hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma-thi-ơ 19:19b). Trong thời Tân ước, các môn đồ của Chúa được ràng buộc nhau trong tình yêu thương anh em bởi điều răn Ngài phán dạy: yêu thương lẫn nhau như Chúa yêu thương (Giăng 15:12). Chúa đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, chúng ta nên bỏ mạng sống vì anh em mình (1Giăng 3:16).
- Vì lời hứa ban thưởng của Chúa cho người hầu việc: Những việc ta làm cho kẻ nghèo khó vì Danh Chúa, tức là làm cho Chúa, và được Ngài ghi nhận (Ma-thi-ơ 10:40-42; 25:36-40; Châm ngôn 14:21,31; 19:17).
B. CÔNG VIỆC LÀNH.
- Nguyên tắc trong việc lành: Người hầu việc Chúa qua việc lành cần học biết qui luật quan trọng sau đây để việc chúng ta làm có kết quả và có giá trị trước mặt Chúa.
- Việc lành phải được thúc đẩy bởi tình yêu thương của Chúa, chớ không phải vì lý do ích kỷ khoe mình (1Cô-rinh-tô 13:13).
- Việc lành phải làm vì Đấng Christ và vì vinh hiển Danh Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:16; 10:42; 25:35-40).
- Việc lành được đặt theo thứ tự ưu tiên: Từ anh em trong Chúa đến tha nhân (Ga-la-ti 6:10). Mặc dầu việc từ thiện có tính cách bao quát cho mọi người, không phân biệt, nhưng sứ đồ Phao-lô khuyến khích các tín hữu trước nhất làm lành cho các anh em túng ngặt trong vòng họ. Điều nầy phù hợp với nhu cầu hoàn cảnh lúc bấy giờ, vì người tin Chúa bị xã hội loại bỏ, và cần có sự chăm sóc cấp bách hơn. Cũng phù hợp với điều răn của Chúa Chúa Giê-xu dạy các môn đồ: Trước hết chính họ phải yêu thương lẫn nhau.
- Việc lành phải được làm cách kín nhiệm “Đừng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì…” (Ma-thi-ơ 6:1-4). Lâu năm về trước, Johann Friedrich Oberlin, một nhà nhân chủng học người Đức bị lạc đường trong bão tuyết gần Strasbourg, và được một Cơ Đốc nhân cứu sống. Tuy nhiên, vị ân nhân nầy từ chối sự thưởng công của Oberlin. Oberlin nài nỉ: “Ít nhất xin ông cho tôi được biết tên ông, cho tôi biết tên của người Sa-ma-ri nhân lành, tên của người liều mạng sống mình vì tôi”. Nhưng người tín hữu khiêm tốn đáp: “Thưa ông, tôi không thấy có ghi chép tên của người Sa-ma-ri nhơn lành kia, nên tôi cũng không nói tên mình”. Mục sư Spurgeon nhắc nhở chúng ta rằng: Người nào tìm kiếm sự khen thưởng của loài người chắc không có sự khen thưởng của Đức Chúa Trời.
- Việc lành phải hướng đến nhu cầu tâm linh: Nếu việc lành của Cơ Đốc nhân chỉ là công tác xã hội, đáp ứng nhu cầu thể chất con người mà không hướng đến nhu cầu tâm linh là điều thiếu sót. Chúa Giê-xu chẳng những hóa bánh nuôi đoàn dân đói mệt, nhưng qua phép lạ ấy Chúa cũng bày tỏ cho họ biết Ngài là Bánh Hằng Sống, và thách thức họ tìm đồ ăn chẳng hay hư nát cho linh hồn mình (Mác 8:1-10; Giăng 6:22-29,33-35). Trong việc giúp người nghèo ở Ấn Độ, mẹ Teresa chia sẻ kinh nghiệm nầy: Khi chúng ta múc thật sâu trong suối của tình yêu thương, chắc sẽ có người hỏi thăm về nguồn của suối ấy. Cho nên việc lành của chúng ta có thể thu hút người ta tìm đến với Chúa, không phải để được bánh no bụng, nhưng Ngài là nguồn của Bánh và Nước Hằng Sống cho tâm hồn.
- Cơ Đốc nhân trong việc lành.
Qua sự khuyên bảo của Kinh Thánh, Cơ Đốc nhân được khuyến khích trong những công tác từ thiện như chăm sóc kẻ mồ côi, người góa bụa, thăm viếng ủy lạo kẻ khổ nạn, ân cần tiếp khách (Ma-thi-ơ 25:35-36; Hê-bơ-rơ 13:1-2; Gia-cơ 1:27). Trong thời các sứ đồ, ngoài việc bố thí cách cá nhân như phân phát quần áo cho kẻ bần hàn (Công 9:36-39), còn có sự ủy lạo bằng tiền bạc cho anh em tín hữu nghèo thiếu. Đây là việc từ thiện lớn lao được bắt đầu từ Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Một công tác có tổ chức và điều hành qua một ban phó tế (Công vụ 6:3-6) và với sự coi sóc khuyên giục của mười hai sứ đồ (Công vụ 6:1-6; 11:27-29; Rô-ma 16:1-2; 2Cô-rinh-tô 8:1-6). Sự sốt sắng về việc lành của các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên là điểm sáng chói nêu gương cho chúng ta hôm nay. Ba-na-ba đã bán đám ruộng của mình và dâng cho việc ủy lạo; Ta-bi-tha đã chịu khó may áo quần giúp anh em cơ hàn (Công vụ 4:32-37; 9:36-39); Phi-lê-môn đã dùng tiền của mình tiếp đãi, giúp đỡ các thánh đồ (Phi-lê-môn 4-7); lòng rộng rãi của các tín hữu Ma-xê-đoan trong việc cứu giúp các tín hữu nghèo ở Giê-ru-sa-lem (2Cô-rinh-tô 8:1-6). Còn chúng ta hôm nay thì sao?
Ngày nay, hầu như trong xã hội nào cũng có người cùng khốn đáng thương. Một nhu cầu thật lớn lao đòi hỏi sự đáp ứng của Hội Thánh Chúa trong những công tác từ thiện có tính cách rộng lớn trên nhiều bình diện khác nhau như cứu tế, y tế, giáo dục… Sự dấn thân vào việc bày tỏ tình thương của Chúa là một thách thức đức tin của người Cơ Đốc. George Muller, người vốn chẳng có chi, nhưng bởi đức tin đã chấp nhận chăm sóc hàng ngàn cô nhi, và sáng lập một trong những cô nhi viện lớn tại Anh Quốc khoảng cuối thế kỷ 19. Ngoài sự góp phần vào việc từ thiện qua các tổ chức chung của Hội Thánh theo ân tứ và khả năng Chúa cho, mỗi Cơ Đốc nhân cần có sự nhạy bén trong việc đáp ứng những nhu cần trước mắt chúng ta. Qua thí dụ về người Sa-ma-ri nhơn lành, chúng ta học biết điều nầy: Thương người không phải chỉ bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng phải được bày tỏ qua hành động cụ thể với sự hy sinh sức lực, thì giờ và cả đến tiền bạc của mình trong sự cứu giúp người lâm nạn ngay bên cạnh chúng ta. Vì thế, sự trở thành “người Sa-ma-ri nhơn lành” trong cuộc sống hằng ngày là việc lành thực tiễn nhất đối với Cơ Đốc nhân.
* Câu chuyện khích lệ: Hoàng đế Ivan cai trị nước Nga từ năm 1440-1505. Vua thích giả dạng đi thăm dân chúng và xin trọ ban đêm, nhưng không ai chịu tiếp đón. Rốt lại, một bác nông dân nghèo tiếp Vua, cho Vua một khúc bánh mì và ngủ trên nệm rơm. Lúc ấy gia đình bác có thêm một em bé sơ sinh. Sáng hôm sau khi về triều, Vua sai quân lính hộ vệ đến thăm và cám ơn bác nông phu, cùng tặng cho bác một bao vàng, và hứa sẽ thâu dụng đứa trẻ mới sinh. Vua nói: “Hôm qua ngươi đã tiếp ta trong hình ảnh của kẻ ăn mày, bây giờ với tư cách của một hoàng đế, ta trở lại ban thưởng cho ngươi”. Hê-bơ-rơ 13:2 khuyên chúng ta: “Chớ quên sự tiếp khách; có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết”.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Việc lành của Cơ Đốc nhân nghĩa là gì? (Êph 2:8-10; Gal 5:22)
- Đức Chúa Trời có tấm lòng thế nào đối với kẻ nghèo khó? Con dân Chúa nên làm gì cho anh em khốn cùng? (Xuất 22:21-27; Lê-vi ký 19:9-10,18,33-34; Thi thiên 146:9).
- Đức Chúa Trời có mục đích gì cho kẻ được chuộc? (Ê-phê-sô 2:10; Tít 2:14). Chúa Giê-xu dạy chúng ta điều răn gì? (Ma-thi-ơ 12:19, Giăng 15:12).
- Người làm việc lành cho Chúa được lời hứa gì? (Ma-thi-ơ 10:40-42; 25:36-40; Châm ngôn 14:21,31; 19:17).
- Làm việc lành thế nào là hầu việc Chúa? Những nguyên tắc nào cần thiết khi làm việc lành? (1Cô-rinh-tô 3:13; Ma-thi-ơ 5:16; Ga-la-ti 6:10; Ma-thi-ơ 6:1-4).
- Mục đích làm việc lành của Cơ Đốc nhân là gì? (Mác 8:1-10; Giăng 6:22-29,33-35). Kinh Thánh khuyến khích Cơ Đốc nhân trong những việc lành nào? (Ma-thi-ơ 25:35-36; Hê-bơ-rơ 13:1-2; Gia-cơ 1:27).
- Công việc từ thiện nào được tìm thấy trong Hội Thánh đầu tiên, và được thực hiện bằng cách nào? (Công vụ 2:44-45; 4:34-37; 6:1-6; 11:27-29; Rô-ma 16:1-2; 2Cô-rinh-tô 8:1-6,18-24).
- Mục đích làm các việc lành của bạn là gì?
- Điều gì ngăn trở bạn không sẵn sàng làm việc lành cho người khác?
- Bạn có phải là người Sa-ma-ri nhơn lành cho những người anh em lân cận trong lúc có cần không?