Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 22.03.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ. 22.03.2020

By Lee Vi in PHỤ NỮ on 18 Tháng Ba, 2020

Chúa nhật 22.03.2020.

  1. Đề tài: GIẢI PHÁP TỐI HẬU.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 12:31,13.
  3. Câu gốc: “Nên bây giờ còn có ba điều này: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương” (1Cô-rinh-tô 13:13).
  4. Đố Kinh Thánh: Lê-vi ký 4-6.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 19.01.2020.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Một thi sĩ đã viết “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu, có nghĩa gì đâu một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”.

Qua các câu thơ này chúng ta thấy tình yêu là điều ai cũng từng kinh nghiệm, cảm nhận, nhưng không thể giải thích được? Tại sao lại không giải thích được vì tính cách đa dạng của nó. Hơn thế nữa, tình yêu là vấn đề của cảm xúc chớ không phải của lý trí. Mà nếu không phải là lý trí thì làm sao lý trí biết mà giải thích. Tuy nhiên, 13 câu Kinh Thánh chúng ta học hôm nay, Phao-lô dẫn chúng ta vào thế giới của tình yêu, chỉ rõ cho chúng ta thấy hiệu năng của tình yêu qua màu sắc óng ả của ngôn từ, hành động của người biết yêu và thực hiện tình yêu trên đời sống của chính mình như thế nào?

  1. SỰ THIẾT YẾU CỦA TÌNH YÊU.

Mở đầu cho phân đoạn Kinh Thánh Phao-lô khuyên: “Hãy ước ao cho được sự ban cho lớn hơn hết. Bây giờ, tôi sẽ chỉ dẫn cho anh em con đường tốt lành hơn” (1Côr 12:31). Sự ban cho lớn hơn hết chính là tình yêu. Có trái tim biết yêu thương, biết rung động trước tha nhân là đặc ân lớn mà không phải ai cũng có được. Phao-lô coi đó như điều kiện cần có để bước vào con đường tốt lành hơn. Tình yêu là hương vị chính cho đời sống, mà nếu thiếu thì cả đời sống con người sẽ trở thành nhạt nhẽo, vô vị. Phao-lô kêu gọi con cái Chúa “Hãy ước ao sự ban cho lớn hơn hết” (12:31), từ sự ban cho nầy ông sẽ đưa họ vào những con đường tốt đẹp, đầy hoa thơm, cỏ lạ. Sự ban cho lớn hơn hết nầy là gì? Không gì khác hơn là tình yêu.

            Phao-lô đã cho chúng ta thấy năm ơn lớn mà Chúa ban gồm có: Nói tiếng lạ (ngôn ngữ khác mình chưa bao giờ học qua), tiên tri, kiến thức, đức tin, và dâng hiến rộng rãi. Đây là những ơn rất cần thiết để xây dựng Hội Thánh. Ông nhấn mạnh là năm ơn nầy phải đi kèm với tình yêu vì nếu thiếu tình yêu, chỉ là tiếng động ồn ào, là mục vụ rẻ tiền cho người phục vụ và cả người được phục vụ. Nói rõ hơn, chỉ là hành động giả hình cho tất cả mọi sự nếu “thần” tình yêu đi vắng. Đức Chúa Trời dạy chúng ta tình yêu qua hành động (1Giăng 4:19). Chúa Giê-xu dạy chúng ta yêu nhau qua sự chết của Ngài (Giăng 13:34-35). Đức Thánh Linh tuôn đổ tình yêu vào chúng ta (Rô-ma 5:5). Tình yêu đến nơi nào, nơi đó sẽ sanh bông trái, mùa xuân miên viễn sẽ chiếm ngự.

  1. TÌNH YÊU ĐƯỢC TRÔNG THẤY.

Phao-lô viết: “Sự hay biết kiêu căng, tình yêu làm gương tốt” (1Côr 8:1). Chữ “làm gương tốt” không được xác nghĩa với nguyên bản. Bảng tiếng Anh là “love edifies” mà chữ “edification” là chữ [oikodemè] chữ này là chữ ghép lại của hai chữ “oikos” nghĩa là nhà và “demio” nghĩa là xây dựng. Hợp lại hai chữ có nghĩa là xây dựng nhà mình. Như vậy, tình yêu là điều cần thiết để xây dựng trong mái ấm gia đình, xã hội, và Hội Thánh. Tình yêu cần được bộc lộ rõ ràng, hiển nhiên. Làm sao để tình yêu được trông thấy hiển nhiên? Chỉ có hành động mới làm cho tình yêu được trông thấy. Không phải vì Chúa đã từng dạy chúng ta yêu nhau mà chúng ta gọi Ngài là Chúa của tình yêu phải không? Chính sự hi sinh của Ngài qua sự giáng thế, chịu khổ, chịu chết trên thập tự mà Ngài được nhân loại đón chào, tuyên xưng Ngài là Cứu Chúa của tình yêu.

Nói yêu nhau rất dễ. Nơi đâu chúng ta cũng nghe người ta nói câu “I love you”. Nhưng sự thật thì thế nào? Yêu nhau mà nói xấu nhau, giết nhau, bỏ nhau, hành hạ nhau, cướp của nhau, hủy diệt sự sống lẫn nhau… Điều đó có thể trông thấy trong mỗi cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia, tôn giáo, đảng phái, chánh trị, hội đoàn. Nhiều khi nó còn tràn ngập cả Hội Thánh nơi được xây dựng bằng chất liệu của tình yêu tinh khiết là máu yêu thương của Chúa Cứu Thế.

 Tại sao người ta yêu nhau mà không thể sống chung hòa thuận với nhau? Thưa, vì người ta yêu nhau bằng ý nghĩa rất thụ động, rất tiêu cực, rất ích kỷ nên chữ “love” của con người nhiều khi nó chỉ có nghĩa là “lust” (chiếm đoạt). Phao-lô nói “tình yêu thì xây dựng”. Trong Hội Thánh Chúa, chúng ta có thể trách, rầy, giảng, phạt, giận, có nghĩa là Hội Thánh phải có những biện pháp kỷ luật để xây dựng, gìn giữ đường lối Chúa giống như trong một gia đình. Điều quan trọng là Hội Thánh cần được mọi người trông thấy như là lâu đài tình ái mà Chúa tình yêu đang trú ngụ.

III. TÌNH YÊU VĨNH HẰNG.

Mọi ân tứ có lúc phải chấm dứt, tùy theo nhu cầu, tùy theo giai đoạn. Nhưng ân tứ tình yêu sẽ là vĩnh hằng, tồn tại mãi mãi. Tại sao? Tại vì nếu thiếu tình yêu thì vũ trụ sẽ khô cằn, lòng người chai cứng, vạn vật héo úa, tả tơi. Cả thế giới tươi đẹp sẽ tàn phai khi Chúa tình yêu bỏ đi. Vì thế, tình yêu phải tồn tại, phải tiếp tục sanh bông trái trên Hội Thánh Đức Chúa Trời. Kinh Thánh ghi “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (1Giăng 4:8,16) mà Đức Chúa Trời luôn luôn vĩnh hằng tồn tại thì tình yêu “Chẳng hề hư mất bao giờ” (c.8) là chuyện tự nhiên.

Phao-lô đưa ra hình ảnh một em bé chơi đồ chơi. Một búp bê, chiếc xe mủ, hay bất cứ cái gì khác. Ban đầu, bé chơi với tất cả sự thích thú, say mê, bồng ẵm… Nhưng chưa được bao lâu, em bé nhanh chóng chán bỏ món đồ và muốn có món đồ khác để chơi. Món đồ cũ bị bỏ rơi, quăng ném, trầy xướt mặt mày, do tánh hung bạo của bé. “Thích” và “yêu” là hai chữ khác nhau. Có khi mình thích cái gì, hoặc ai đó, có khi mình chán cái gì hoặc ai đó… Yêu theo nghĩa của Phao-lô dạy thì không như vậy. “Tình yêu không hề tàn phai” vì yêu chúng ta nhịn nhục (để giữ nhau) vì yêu chúng ta đối xử nhau cách nhân từ, vì yêu nên chẳng ghen tị (khi thấy anh em có cái gì đó hơn mình), vì yêu nên bỏ đi sự chấp trách (4-6) để vui trong lẽ thật, từ đó tình yêu “dung thứ, tin, trông cậy mọi sự”.

* ÁP DỤNG.

Tất cả mọi ân tứ đều tốt đẹp và sẽ vô cùng hữu dụng nếu được sử dụng với tình yêu. Chúng ta cần xét lại động cơ phục vụ, hầu việc của chúng ta là gì? Học hỏi về phương cách, diễn tả tình yêu của Sứ đồ Phao-lô giúp chúng ta biết cách cải thiện những nan đề trong mối tương giao của Hội Thánh (13:4-7). Tình yêu không hề hư mất đã nói lên được giá trị vĩnh hằng của tình yêu. Điều đó giúp mỗi chúng ta có cơ hội duyệt xét lại lời nói, hành vi, cử chỉ của chúng ta có thiếu vắng hương vị của tình yêu không để chúng ta ăn năn, hầu cho cây tình yêu sẽ đơm bông, kết trái trên Hội Thánh (13:8-13). Tình yêu quả thật là quan trọng và không thể thiếu được trong công tác xây dựng hạnh phúc gia đình và Hội Thánh. Mỗi chúng ta là con cái Chúa Giê-xu, chúng ta không thể sống đời sống vô vị, thiếu tình yêu mà vẫn được Ngài chấp nhận. Hãy yêu nhau, vì chính điều đó mà người ta biết chúng ta là môn đồ của Ngài… Chúng ta đừng nhìn quá khứ, đừng xoay ngó dĩ vãng. Hãy chôn vùi buồn, giận, đắng cay vào nấm mộ thời gian. Hãy tha thứ, yêu nhau, xây dựng. Hãy nhóm lại bó lúa tình yêu đã lụn tàn đâu đó trong tình chồng vợ, cha con, bạn bè, Mục sư và ban chấp hành… để ánh lửa đó bừng cháy như đuốc thiêng giữa cảnh đời đen tối, như hải đăng vào vùng biển đen tịch mịch của trần thế vô vọng tội lỗi. Hãy chiếu sáng tình yêu của Chúa trên mặt anh em, trên lời nói, cử chỉ, để danh Chúa được nghe, được nói và được thấy trên những người chưa biết Ngài.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

– Để canh thịt, canh sườn có mùi thơm ngon. Khi nấu canh, bạn nên cho vào soong canh vài miếng vỏ quít khô, canh sẽ rất thơm.

– Để dưa muối không bị đóng váng. Khi muối dưa, bạn hãy cho vào chút hành tây, dưa sẽ không bị đóng váng.

 

 

 

Post CommentLeave a reply