CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 19.05.2024
By Lee Vi in Thanh niên on 13 Tháng Năm, 2024
Chúa nhật 19.05.2024.
- Đề tài: LỄ NGŨ TUẦN.
- Kinh Thánh: Giăng 14-16.
- Câu gốc: “Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người” (1Cô-rinh-tô 12:11).
- Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 31.03.2024.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Công việc của Đức Thánh Linh rất vĩ đại, kỳ diệu, công việc Ngài trong vũ trụ, trong loài người nhất là trong dân Y-sơ-ra-ên và trong Hội Thánh. Từ khi Đức Thánh Linh giáng lâm vào ngày lễ Ngũ Tuần cho đến khi Chúa Giê-xu tái lâm, được gọi là thời đại của Đức Thánh Linh. Mặc dù là thời đại của Đức Thánh Linh, nhưng Ba Ngôi Đức Chúa Trời lúc nào cũng đồng tâm, hiệp nhất.
Nhờ Đức Thánh Linh, chúng ta học về công việc của Ngài được ghi trong Giăng 14, 15 và 16.
- ĐẤNG YÊN ỦI Ở VỚI CHÚNG TA ĐỜI ĐỜI.
“Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng yên ủi khác để ở với các ngươi đời đời” (Giăng 14:16).
Trong 3 đoạn này có 4 lần gọi Đức Thánh Linh là Đấng yên ủi (14:16,26; 15:26; 16:7), cũng có nghĩa là Đấng nâng đỡ, hướng dẫn, biện hộ và cố vấn.
Giăng 14:1-14, Chúa Giê-xu báo trước cho các môn đồ rằng Ngài sẽ đi sắm sẵn cho họ một chỗ ở trên trời, rồi sẽ trở lại đem họ về cùng Ngài. Nghe vậy, các môn đồ bối rối. Thô-ma hỏi: “Lạy Chúa, chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu?” Phi-líp thưa: “Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi…”.
Biết ý tưởng của các môn đồ, Chúa an ủi họ: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm, lại cũng làm việc lớn nữa, vì ta đi về cùng Cha. Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. Nếu các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi, ta sẽ làm cho” (Giăng 14:12-14).
Lúc ấy, các môn đồ chưa hiểu hết lời hứa của Chúa, nhưng họ được an ủi lắm. Thật vậy, sau khi Chúa về trời, các môn đồ đã làm việc Chúa làm như chữa bệnh, đuổi quỷ, kêu kẻ chết sống lại… Họ cũng làm việc lớn hơn việc Chúa làm nữa, đó là truyền giảng Tin Lành, không phải chỉ tại Giê-ru-sa-lem, Giu-đê, mà đến Sa-ma-ri, các nước Á Châu, các nước Âu Châu một cách kết quả. Đó là chỉ một bài giảng của Phi-e-rơ tại Giê-ru-sa-lem đã có 3.000 người được cứu, rồi lên 5.000 rồi nhiều lắm cho đến mấy vạn người (Công vụ 21:20). Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của họ.
Giăng 14:15-24. Lời hứa trên chưa đủ làm cho các môn đồ yên tâm, nên Chúa hứa thêm rằng, vì họ yêu Ngài, nên Ngài sẽ xin Cha ban cho họ một Đấng yên ủi khác thay cho chính mình Ngài. Chúa Giê-xu chỉ ở với họ một thời gian, còn Đức Thánh Linh ở với họ đời đời. Chúa Giê-xu ở bên cạnh họ, còn Đức Thánh Linh ở trong họ. Ngài còn hứa không để họ mồ côi, cô đơn nhưng Ngài sẽ đến với họ, không phải chỉ một mình Ngài, mà có cả Đức Chúa Trời cùng đến. Như thế thì Ba Ngôi Đức Chúa Trời: Cha, Con, Thánh Linh đến ngự trong lòng họ như ngự vào một đền thờ nguy nga nhất. Đồng thời họ cũng ở trong Chúa và trở nên một cùng Ngài.
Trên đây là một giáo lý mới, nên các môn đồ lấy làm khó hiểu. Vì vậy, Chúa mượn cây nho để giải thích (Giăng 15:1-17).
Sau khi dự Lễ Vượt Qua và Tiệc Thánh tại phòng cao, Chúa và các mồn đồ đã đi khỏi đó về hướng vườn Ghết-sê-ma-nê. Ngang qua cổng đền thờ, Ngài thấy trên đó có chạm một cây nho bằng vàng, Ngài liền phán: “Ta là gốc nho thật”. Ngài muốn nói: Cây nho trên cổng đền thờ là cây nho không thật, dầu là bằng vàng, Ngài là cây nho thật. Rồi Chúa tiếp tục mượn hình ảnh cây nho dạy về mối liên hệ mật thiết.
Cây nho bao gồm gốc và nhánh. Gốc không sinh ra trái, mà nhánh. Nhưng nhánh tự mình không sinh trái được, mà phải nhờ gốc cung cấp dinh dưỡng. Niềm hãnh diện của cây nho là nhánh nho sanh nhiều trái.
Chúa muốn dạy rằng chúng ta cần có Ngài mới sống, Ngài cần có chúng ta hầu việc mới có kết quả. Chúng ta đừng nhờ vào năng lực, tài trí của mình mà hướng lòng về Chúa Giê-xu, ở trong Ngài để nhận được mọi nhu cầu.
Kinh nghiệm của các môn đồ khi được Chúa ở với họ và họ ở với Chúa, không tốt bằng khi họ được Chúa ở trong họ và họ ở trong Chúa.
Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, tất cả đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, tức là Chúa ở trong họ và họ ở trong Chúa, nên đời sống của họ được thay đổi hoàn toàn, thay vì sợ hãi mà chối Chúa trước mặt những kẻ bắt bớ Ngài, thì bấy giờ cũng trước mặt những kẻ đó, lại tỏ lòng tin cậy quả quyết, Phi-e-rơ dõng dạc đứng lên với mười một môn đồ, dùng Kinh Thánh chứng minh cho sự vu khống của những kẻ cho họ là say rượu. Ông nói: “Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời nầy, ông lên án họ đã đóng đinh Đấng Cứu Thế trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Cứu Thế” (Công vụ 2:36). Kết quả có 3.000 người bị thuyết phục và được cứu.
Tiếp theo là Phi-e-rơ và Giăng cùng lên đền thờ, một già một trẻ tay cầm tay, đồng lòng, hiệp ý, các phép lạ đã xảy ra, nên số người được cứu lên đến 5.000 người. Phi-e-rơ và Giăng bị dẫn đến toà công luận, bị chất vấn, bị đe doạ, bị cấm đoán, bị ngồi tù, nhưng họ cứ dạn dĩ, thản nhiên làm chứng cho mọi người về Chúa Giê-xu đã chết và sống lại. Sách Công vụ các sứ đồ, là công việc của Đức Thánh Linh làm qua các sứ đồ. Đó là ứng nghiệm lời hứa của Chúa trong Giăng 14:12. Bấy giờ các sứ đồ thương yêu, tha thứ, hoà thuận, hiệp nhất. Tất cả đều có chung một mục đích là tôn vinh Chúa, làm tròn trọng trách Ngài giao, bất chấp sống chết.
- ĐẤNG YÊN ỦI DẠY DỖ VÀ NHẮC NHỞ CHÚNG TA.
“Nhưng Đấng yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhơn danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26).
- Dạy Dỗ Mọi Sự.
Chúa đã dạy dỗ chung cho bốn, năm ngàn người, không kể đàn bà và con trẻ, nhưng Ngài dành thì giờ nhiều nhất dạy dỗ riêng mười hai môn đồ những chân lý cao sâu mà Ngài chưa từng dạy dỗ dân chúng. Ngay sau khi dạy dỗ dân chúng, các môn đồ còn hỏi riêng Ngài những điều họ chưa hiểu (Ma-thi-ơ 13:36, 15:15, Mác 4:34). Nhất là sau khi sống lại, Chúa dành trọn 40 ngày dạy dỗ họ về nước Đức Chúa Trời (Công vụ 1:3). Nhưng cũng chưa đủ.
Phao-lô không như các môn đồ được Chúa trực tiếp dạy dỗ. Thử hỏi: ai đã dạy Phao-lô những chân lý muôn đời mà ông đã viết trong các thơ tín Rô-ma, 2Cô-rinh-tô, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, 2Tê-sa-lô-ni-ca, 2Ti-mô-thê, Tít và Phi-lê-môn? – Chính Đức Thánh Linh đã dạy Phao-lô. Chúng ta thường gọi đó là mặc khải hay khải thị, nghĩa là Đức Chúa Trời tiết lộ, bày tỏ. Kinh nghiệm như vậy Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời đã dùng Đức Thánh Linh để bày tỏ những sự dạy dỗ cho chúng ta, vì Đức Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời nữa” (1Cô-rinh-tô 2:10).
Ngày nay chúng ta không còn được mặc khải, vì sự mặc khải Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong Kinh Thánh đã đầy đủ trọn vẹn (Khải Huyền 22:18,19), chúng ta phải nhờ Đức Thánh Linh soi sáng để hiểu những sự dạy dỗ đã ghi.
- Nhắc Nhở Mọi Điều Chúa Đã Phán.
Trong ba năm hơn, Chúa đã làm biết bao việc, dạy dỗ biết bao điều, tâm trí con người không thể nào nhớ hết. Nhưng nhờ Đức Thánh Linh nhắc nhở, sứ đồ Ma-thi-ơ đã viết 28 đoạn, Phi-e-rơ được Đức Thánh Linh nhắc nhở mọi sự, Mác đã ghi chép một cách kỹ lưỡng và thứ tự… Trong một thư tín, Phi-e-rơ đã nhấn mạnh rằng: “Vả, khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài. Vì Ngài đã lãnh sự tôn trọng, vinh hiển từ nơi Đức Chúa Trời Cha Ngài, khi Đấng tôn nghiêm rất cao phán cùng Ngài rằng: Nầy là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng ta mọi đường, chính chúng tôi đã từng nghe tiếng ấy đến từ trời, lúc chúng tôi ở với Ngài trên hòn núi thánh” (2Phi-e-rơ 1:16-18).
Lu-ca không phải là một sứ đồ, mà là một sử gia, đã từng sống tại Palestin trong thời Chúa Giê-xu còn trên đất, nên đã biết một số công việc và sự dạy dỗ của Ngài. Hơn nữa, ông đã nghe được nhiều thông tin từ bà Ma-ri và các sứ đồ. Đức Thánh Linh cũng nhắc ông nhớ mọi sự, nên ông đã ghi lại một cách chính xác, đáng tin.
Giăng là một trong các sứ đồ được Chúa yêu. Đi những nơi quan trọng, Chúa chỉ đem theo Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ. Ngoài ra, ông còn được gần gũi với Chúa hơn hết là nghiêng mình trên ngực Ngài. Nhờ đó, ông nghe nhiều, hiểu nhiều và cũng được Đức Thánh Linh nhắc nhở nên ông đã ghi lại những điều rất quan trọng và thú nhận rằng không thể nào ghi hết mọi sự (Giăng 21:24-25).
Đức Thánh Linh đã làm 2 việc liên tục và thường xuyên: Dạy dỗ và nhắc nhở, khi Ngài nhắc nhở điều cũ thì dạy dỗ điều mới, và cứ như vậy Đức Thánh Linh đã dạy dỗ và nhắc nhở Ma-thi-ơ chép gia phả của Chúa Giê-xu từ trên xuống dưới, ngược lại Ngài dạy dỗ và nhắc nhở Lu-ca chép gia phả của Chúa Giê-xu từ dưới lên trên, nhưng cả hai đều có ý nghĩa và chính xác. Riêng Giăng 1:18, ông đã giới thiệu Chúa Giê-xu một cách độc đáo. Nhất là gia phả của Ngài ông chỉ tóm lại bằng câu tuyệt diệu: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” (1:1). Nếu không được Đức Thánh Linh dạy dỗ và nhắc nhở, chẳng hề trong đời có người nào đã viết một câu như vậy.
Nhờ Đức Thánh Linh dạy dỗ và nhắc nhở, các trước giả Tân Ước đã đem mọi sự xảy ra mà chứng minh rằng dự ngôn của các tiên tri trong Cựu Ước đã ứng nghiệm. Câu này được nhắc lại những lần trong mọi trường hợp: “Vậy, cho ứng nghiệm lời tiên tri…” Mục đích của tác giả muốn nói: Giê-xu là Đấng Cứu Thế.
III. ĐẤNG YÊN ỦI LÀM CHỨNG VỀ CHÚA GIÊ-XU.
“Khi nào Đấng Yên Ủi sẽ đến, là Đấng ta sẽ bởi Cha sai xuống tức là Thần Lẽ thật từ Cha, ấy chính Ngài sẽ làm chứng về ta. Còn các ngươi cũng sẽ làm chứng về ta, vì các ngươi đã ở cùng ta từ lúc ban đầu” (15:26,27).
Dù các sứ đồ sẽ làm việc Chúa làm và làm việc lớn hơn nữa, vì đời sống đạo đức của họ được phong phú như những nhánh nho nhiều trái, thì họ vẫn bị người đời ghét. Từ câu 18-25 Chúa lần lượt phán trước: “Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì phải biết rằng họ ghét ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các người… Họ ghét vô cớ”.
Người đời đã ghét Chúa Giê-xu vô cớ, nên họ cũng ghét kẻ thuộc về Ngài như vậy. Đấng Yên Ủi đến để làm chứng về Chúa Giê-xu cho người đời. Các môn đồ đã từng ở với Chúa Giê-xu, kinh nghiệm tình yêu vô đối và tuyệt vời của Ngài, nên họ cũng phải làm chứng về Ngài. Khi môn đồ làm chứng về Chúa Giê-xu thì Đức Thánh Linh cũng hiệp với họ mà làm chứng để thuyết phục người nghe tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của họ. Chúa dặn dò: “Nhưng Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyến phép và làm chứng về ta…” (Công vụ 1:8). Kinh nghiệm sự yên ủi đó, Phi-e-rơ đã nói: “Chúng tôi là nhân chứng biết rõ việc ấy. Thánh Linh mà Thượng Đế ban cho những người vâng lời Ngài cũng làm chứng với chúng ta” (Công vụ 5:32 BDY). Chúng ta không thể làm chứng một cách hiệu quả, nếu không được Đức Thánh Linh cùng làm chứng với chúng ta.
- ĐẤNG YÊN ỦI THUYẾT PHỤC TỘI NHÂN.
“Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. Về tội lỗi, vì họ không tin ta, về sự công bình, vì ta đi về cùng Cha, và các ngươi sẽ chẳng thấy ta nữa, về sự phán xét, vì vua chúa thế gian nầy đã bị phán xét” (Giăng 16:8-11).
Chúa báo trước những nguy nan đang chờ các môn đồ, để khi việc ấy đến, họ không bối rối. Vì Đấng Yên Ủi sẽ đến với họ, là điều ích lợi lớn cho họ.
Đức Thánh Linh thuyết phục tội nhân 3 điều: (1) Tội lỗi, (2) Sự công bình, (3) Sự phán xét.
- Về tội lỗi, vì họ không tin ta.
Mọi người đều đã phạm tội. Đấng Cứu Thế đến để cất tội lỗi đi để mọi người được cứu khỏi tội. Thế mà một số tội nhân lại không tin, làm cho tội càng thêm tội. Không tin Đấng Cứu Thế là không nhận mình có tội, hoặc nhận mình có tội mà không nhận Đấng Cứu Thế đã vì mình chịu chết. Không nhận mình có tội là nói Đức Chúa Trời nói dối (1Giăng 1:10). Không tin Đấng Cứu Thế là từ chối tình thương của Đức Chúa Trời, là giày đạp Con Độc Sanh của Ngài là cố ý phạm tội, thì không còn tế lễ nào chuộc tội được nữa, mà chỉ chờ đợi sự phán xét kinh khiếp mà thôi (Hê-bơ-rơ 10:26,31).
Vì vậy, Đức Thánh Linh phải thuyết phục mọi người nhận mình đã phạm tội, và tội nặng nhất là không tin Chúa Giê-xu. Ai cũng sẽ được cứu miễn là phải thành thật nhận mình có tội và tin Cứu Chúa Giê-xu.
- Về sự công bình, vì ta đi về cùng Cha.
Hê-rốt, Phi-lát, người La-mã, dân Do-thái đã âm mưu, cấu kết nhau để đóng đinh Chúa Giê-xu trên thập tự giá như một tội nhân. Đó là họ đã hành động một cách bất công và gian ác. Nhưng Đức Chúa Trời đã theo luật công bình mà khiến Chúa Giê-xu sống lại, tiếp Ngài lên trời, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.
Vì vậy, Đức Thánh Linh đã thuyết phục mọi người, cho họ thấy rõ Chúa Giê-xu là Đấng Công Bình, thánh khiết, hoàn toàn vô tội đã chết vì tội nhân và tế lễ đền tội đó đã được Đức Chúa Trời nhậm. Phi-e-rơ giải thích một cách rõ ràng: “Vả Đấng Cứu Thế đã vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng Công Bình thay cho kẻ bất nghĩa, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời” (1Phi 3:18).
Một tù trưởng người Châu Phi được xem phim đời sống của Chúa Giê-xu. Đến lúc Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, ông đứng dậy, chạy lên màn bạc, kêu lớn: “Chúa Giê-xu ơi, hãy xuống, tôi là kẻ đáng phải chết như vậy chứ không phải Ngài đâu!” đó là ông nói đúng luật công bình.
- Về sự phán xét, vì vua Chúa thế gian nầy đã bị phán xét.
Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá và sống lại, là dòng dõi của người nữ giày đạp đầu con rắn, là ma quỷ (Sáng thế Ký 3:15). Từ đó, ma quỷ đã lột hết quyền hành bạo ngược của nó (Hê-bơ-rơ 2:14-15, 1Giăng 3:8).
Trong hơn ba năm chức vụ, Chúa đã đuổi quỷ ra khỏi nhiều người, nên nó tức giận quyết định báo thù. Chúa đã cảnh cáo các môn đồ: “Ta thấy Sa-tan từ trời sa xuống như chớp” (Lu-ca 10:18). Trong đêm thứ năm thương khó, nó đã tập trung toàn lực, đứng sau Hê-rốt, Phi-lát, người La-mã, dân Y-sơ-ra-ên, xúi giục họ đóng đinh Chúa Giê-xu và nó đã thành công. Nhưng nó không ngờ, sáng Chúa nhật đó, Chúa Giê-xu đã sống lại, kế hoạch của Sa-tan phá sản hoàn toàn.
- ĐẤNG YÊN ỦI DẪN CHÚNG TA VÀO MỌI LẼ THẬT.
“Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa, nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần Lẽ Thật đến thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật, vì Ngài không nói tự mình nhưng nói mọi điều mình đã nghe và tỏ bày cho các ngươi mọi sự sẽ đến” (13:13).
Ma quỷ là cha của sự nói dối, ma quỷ chẳng bao giờ biết nói thật. Các quỷ sứ nó chuyên đem lời lẽ dối trá gieo rắc vào tâm trí loài người, còn Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật, dẫn các môn đồ vào lẽ thật toàn diện.
Nhờ Đức Thánh Linh dẫn dắt mà các sứ đồ đã biết được công cuộc cứu chuộc của Chúa trong quá khứ, hiện tại và tương lai như Kinh Thánh đã bày tỏ. Lẽ Thật được trình bày một cách giản dị và minh bạch như vậy, mà Sa-tan còn giả mạo thiên sứ, dùng sứ đồ giả, tiên tri giả, giáo sư giả, tín đồ giả để lừa gạt những kẻ ngây thơ, yếu đuối.
Chúa nói thêm: “Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về Ta mà rao bảo cho các ngươi. Mọi sự Cha có đều là của Ta, nên Ta nói rằng Ngài sẽ lấy điều thuộc về Ta mà rao bảo cho các ngươi vậy” (Giăng 16:14,15).
Chúa muốn chúng ta phân biệt hành động và ngôn ngữ của Sa-tan khác hơn của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời tôn vinh Chúa Giê-xu, nói mọi sự về Chúa Giê-xu mà thôi, còn Sa-tan tự tôn vinh và nói mọi sự theo ý nó. Dù nó có mang mặt nạ thiên sứ, nhưng khi nghe nó nói, thấy nó làm chúng ta sẽ nhận ra ngay. Các thư tín đã điểm mặt những sứ giả của Sa-tan (2Cô-rinh-tô 11:12-15,26; 1Ti-mô-thê 4:1-3, 6:2-5; 2Phi-e-ơ 2:1-3).
Tóm lại, cả Kinh Thánh Cựu và Tân ước chứa đựng lẽ thật toàn diện của Đức Chúa Trời ban cho loài người. “Cả Kinh Thánh đều bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (2Ti-mô-thê 3:16).
Qua ba đoạn Kinh Thánh nêu trên, chúng ta rút ra những bài học thiết yếu:
Đức Thánh Linh yên ủi chúng ta là nâng đỡ khi vấp ngã, vỗ về khi đau yếu, khích lệ khi nản lòng, cố vấn khi gặp khó khăn, biện hộ khi bị vu oan… Chúa yên ủi chúng ta để dùng chúng ta yên ủi người khác (Ê-sai 40:1, 2Cô-rinh-tô 1:5, Công vụ 4:36-37).
Đức Thánh Linh dạy dỗ và nhắc nhở chúng ta. Dù chúng ta có Kinh Thánh trong tay, nhưng nếu không được Đức Thánh Linh dạy dỗ, chúng ta sẽ không hiểu hoặc hiểu sai. Phải xin Chúa mở mắt chúng ta, để ai nấy thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Ngài, nhờ Ngài dạy dỗ và nhắc nhở chúng ta để dùng chúng ta dạy dỗ, nâng đỡ, nhắc nhở và khích lệ người khác. (Thi thiên 119:18, Ê-sai 50:4, 2Ti-mô-thê 2:2,24, 4:2).
“Dạy tức là học”. Không có cách nào tốt hơn để học bằng dạy, dạy nhiều thì học nhiều. Càng chia sẻ cho người khác, mình càng được nhiều hơn.
Đức Thánh Linh và chúng ta phải làm chứng về Chúa Giê-xu. Khi chúng ta làm chứng về Chúa Giê-xu thì Đức Thánh Linh dùng quyền năng của Ngài mà xác minh lời chứng của chúng ta và thuyết phục tội nhân. Khi Phi-líp đang làm chứng tại Sa-ma-ri, thì Chúa bảo ông xuống Ga-xa. Đến đó, Phi-líp gặp hoạn quan Ê-thi-ô-bi đang ngồi trên xe đọc sách tiên tri Ê-sai. Đức Thánh Linh bảo Phi-líp chạy theo xe đó, Phi-líp làm chứng cho vị quan này và dẫn ông về với Chúa. Cho đến ngày nay, Hội Thánh Ê-thi-ô-bi còn nói rằng chính hoạn quan đó đã đem Tin Lành về xứ họ.
Đức Thánh Linh thuyết phục tội nhân ba điều: Tội lỗi, sự công bình và sự phán xét. Đây là ba điều chúng ta phải làm chứng luôn. Không ai tin Chúa, nên họ không biết mình có tội. Không ai tin Chúa nếu họ không biết sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu là đúng với luật công bình để cứu chuộc tội nhân. Không ai dám tin Chúa, nếu họ không biết Sa-tan đã bị tước đoạt hết quyền hành và bị Chúa giày đạp đầu nó.
Nếu không nhờ Đức Thánh Linh dẫn dắt, chúng ta sẽ lạc vào rừng giả dối. Biết lẽ thật, là biết Chúa Giê-xu vì chính Ngài là lẽ thật. Sự giáng sanh, sự chết, sự sống lại, sự thăng thiên, sự cầu thay và sự tái lâm của Chúa Giê-xu là lẽ thật. Nên chúng ta phải nhờ Đức Thánh Linh dẫn dắt để biết rõ và biết đúng.
Nguyện Đức Thánh Linh làm việc của Ngài trong chúng ta mỗi ngày cho đến khi Chúa Giê-xu tái lâm.