Ngày: Tháng Ba 12, 2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 17.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 17.03.2024

in Thanh niên on 12 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 17.03.2024.

  1. Đề tài: GÂY CHUYỆN RẮC RỐI.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế Ký 25:19-34; 27:1-40.
  3. Câu gốc: “Ê-sau liền nói rằng: Có phải vì người ta gọi nó là Gia-cốp mà nó hai lần chiếm lấy vị tôi rồi chăng? Nó đã chiếm quyền trưởng nam tôi, và lại bây giờ còn chiếm sự phước lành của tôi nữa” (Sáng thế Ký 27:36).
  4. Đố Kinh Thánh: Nê-hê-mi 5-9.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, Ủy viên Linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Đức Chúa Trời đã chọn Gia-cốp từ trong bụng mẹ nên Gia-cốp đi trước Chúa để hoàn thành ý nguyện và chương trình của Ngài. 

Đề tài 2: Đức Chúa Trời đã chọn Gia-cốp từ trong bụng mẹ nhưng Gia-cốp không nên đi trước Chúa để hoàn thành ý muốn tốt đẹp bằng một chương trình xấu, một phương pháp xấu.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Bài học hôm nay là một bài học rất có giá trị về phương diện đạo đức. Những điều trong bài học cảnh tỉnh chúng ta, mỗi người cần ghi nhận và áp dụng trong cuộc sống gia đình mỗi ngày. Gia-cốp là biểu tượng của sự thủ đoạn, lấy sự khôn ngoan của mình lừa gạt người cùng gia đình. Kết quả ông gánh chịu nhiều hậu quả trong đời. Tuy nhiên, trên phương diện tâm linh thì Gia-cốp lại là người được Chúa chọn lựa, yêu mến. Vì thế, xin các bạn nhờ Chúa theo sát kỹ bài học để không có sự hiểu lầm về chương trình và hành động của Đức Chúa Trời chúng ta.

  1. LỢI DỤNG CƠ HỘI (Sáng thế Ký 25:29-34).

Thông thường anh em sinh đôi rất giống nhau. Giống nhau về vóc dáng, vẻ mặt và luôn cả tính nết nữa. Trường hợp của 2 anh em con Y-sác là một ngoại lệ. Ê-sau đầy lông (Ê-sau có nghĩa là “nhiều lông”) còn Gia-cốp (có nghĩa là nắm gót). Từ bé cả hai đã khác biệt nhau. Sáng thế Ký 25:27-28 cho chúng ta biết sự khác biệt đó. Ê-sau là biểu tượng của người “hữu dũng, vô mưu” thích săn bắn. Gia-cốp là người trầm mặc, sống nhiều về nội tâm, ở trong lều trại với mẹ. Phân đoạn Kinh Thánh được chia thành hai phần rõ rệt.

  1. Lỗi Lầm Của Ê-sau.

Câu nói “này anh gần thác” để làm lý do cho việc bán quyền trưởng nam của Ê-sau là một lỗi lầm khó có thể bào chữa được. Khi con người thèm khát một điều gì, thường hay tìm cách để thỏa mãn cơn thèm mà quên đi hậu quả của việc mình làm sẽ đưa mình đến đâu. Ở lứa tuổi ngoài 30, với một sức mạnh mẽ, còn sống độc thân, khi lập gia đình Ê-sau mới 40 tuổi (Sáng thế Ký 26:34) thì sao lại nói câu “anh gần thác” được? Câu nói của Ê-sau chắc chắn đã bị Gia-cốp đánh giá và chính Đức Chúa Trời cũng đánh giá ông nữa. Cuối phân đoạn Kinh Thánh ghi “Vậy Ê-sau khinh quyền trưởng nam”. Thế nào là khinh quyền trưởng nam? Ông vì một tô canh (dù đang đói lắm) mà quên đi giá trị lớn lao của người trưởng nam (được hưởng gấp đôi gia tài so với con thứ và được chúc phước). Ông là người được coi là kẻ thừa kế về vật chất, lẫn tâm linh. Vậy mà, chỉ một cơn đói, ông đã bán nó đi. Ôi! Ngày nay cũng có nhiều người làm như vậy. Chỉ vì… những cơn thèm khát… mà bán đứng địa vị làm con Đức Chúa Trời.

  1. Lỗi Lầm của Gia-cốp.

Trên phương diện đạo đức, Gia-cốp là người gây họa cho gia đình. Biết tính anh tham ăn, Gia-cốp đã tạo cơ hội để anh bán quyền trưởng nam. Lấy sự khôn ngoan của mình để làm lợi riêng, đặc biệt là đối với người cùng chung ruột thịt là một lỗi lầm lớn. Chính lỗi lầm này đã đưa đến việc lừa cha để được chúc phước và hậu quả Gia-cốp phải gánh chịu nặng nề. Trốn khỏi gia đình, mất mẹ vĩnh viễn (Sáng thế Ký 27:42). Bị cảnh “gậy ông đập lưng ông” với cậu là La-ban (Sáng thế Ký 29:14-30). Sống trong sợ hãi (Sáng thế Ký 27:41; 32:3-8). Bị con gạt (Sáng thế Ký 37).

  1. SỰ DỐI TRÁ (Sáng thế Ký 27:30-33).

Đức Chúa Trời chắc chắn không bằng lòng sự gian trá của Gia-cốp dù Gia-cốp đã được Chúa chọn từ trong bụng mẹ (Sáng thế Ký 25:23). Vì Chúa biết người như Ê-sau sẽ chẳng làm nên tích sự gì. Dù Chúa chọn ông, Gia-cốp không nên dùng sự gian trá để được chúc phước. Gia-cơ đã trách những kẻ “Ăn gian tiền công con gặt” là họ sẽ bị Chúa trừng phạt (Gia-cơ 5:4). Đáng lý, Gia-cốp phải sống thật lương thiện thì ông cũng làm tròn ý nguyện của Chúa được như thường. Sự lương thiện trên đời sống mỗi người là điều kiện căn bản để nhận phước hạnh, vui mừng, bình an từ nơi Chúa. Ý thức giá trị sự lương thiện, nhà văn John Ruskin có nói: “Tạo con cái mình có khả năng sống lương thiện là đầu mối của sự giáo dục”. Tạ ơn Chúa, Gia-cốp đã ăn năn việc làm sai trái của mình (Sáng thế Ký 32:9-12) và thay đổi cách đối xử với anh mình. Đây là điều tốt vì có nhiều người không bao giờ ăn năn dù mình đã làm những điều dối trá, sai trái.

III. KẾT QUẢ CAY ĐẮNG (Sáng thế Ký 27:34-37).

 Đa-vít, trước giả Thi thiên 64 đã kinh nghiệm điều cay đắng khi ông viết “nhắm mũi tên mình, tức là lời cay đắng… bắn vào kẻ trọn vẹn” và kết quả là “thình lình chúng nó bị tên, thương tích”, vì “Đức Chúa Trời sẽ bắn chúng nó”. Ít có người hiểu rằng bất cứ ý tưởng nào, hành động nào cũng sẽ có hậu quả. Mọi người nên ghi nhớ điều đó để tìm điều thiện và điều gì tựa như điều ác thì phải tránh xa đi (1Ti-mô-thê 6:11-12). Gia-cốp là người thành công trong đời sống thiêng liêng. Được chọn là kẻ kế tự cho Y-sác, sống gần gũi và hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhưng vì sự nôn nóng thực hiện khải tượng, Gia-cốp đã có hành động dối trá gạt cha và gạt anh.

Hậu quả là Gia-cốp phải trả giá cho điều sai trái mình đã làm. Ông giương cung bắn tên và mũi tên đã quay ngược về ông. Cuộc đời ông đã phải bị kẻ khác phỉnh gạt và kẻ phỉnh gạt ông lại cũng là người trong gia đình.

* Bài học áp dụng.

  1. Chúng ta học điều gì từ đời sống Gia-cốp? Chúng ta học hỏi điều gì từ sự khinh quyền trưởng nam của Ê-sau? Từ kinh nghiệm rút ra, chúng ta nên có một phong cách xử thế như thế nào? (Sáng thế Ký 25:29-34).
  2. Thực hành đời sống dối trá đã đem Gia-cốp đến hành động gì? Gia-cơ đã khuyên kẻ “lừa gạt” nên sống như thế nào? Sự giáo dục con cái nên nhấn mạnh đến điều gì? (Sáng thế Ký 27:30-33).
  3. Trước giả Thi thiên cho biết hậu quả của người tạo điều cay đắng sẽ nhận bông trái gì? Bạn có tin câu “ác lai, ác báo” là định luật Đức Chúa Trời luôn áp dụng không? (Sáng thế Ký 27:34-37).
  4. Bài học hôm nay nhắc nhở chúng ta cẩn trọng trong sự tương giao giữa mình và người khác, đặc biệt là anh em trong gia đình. Đừng vì quyền lợi riêng tư, ý muốn thấp hèn mà làm đau lòng nhau. Gia-cốp đã hành động kém quang minh, chính đại và ông phải gánh chịu hậu quả đắng cay. Hãy sống và làm những điều đẹp lòng Chúa.
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 17.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 17.03.2024

in PHỤ NỮ on 12 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 17/03/2024.

  1. Đề tài: SINH NHẬT – CẢM TẠ CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 91.
  3. Câu gốc: “Ngài là nơi nương náu và là đồn lũy của con. Cũng là Đức Chúa Trời của con, con tin cậy nơi Ngài” (Thi 91:2 BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 10-12.
  5. Thể loại: Sinh nhật, cảm tạ, làm chứng.

* CHỈ DẪN: Sinh nhật, cảm tạ, làm chứng.

  1. Thông báo danh sách những người có ngày sinh trong quý I (tháng 1, 2, 3) trước một tuần lễ; bổ sung những tên còn thiếu.
  2. Thư ký trao danh sách cho thủ quỹ mua quà. Quà tặng sinh nhật nên mua nhiều hơn số cần, phòng khi có khách, thân hữu… đến dự và cũng có ngày sinh trong quý đó.
  3. Những người không nhớ ngày sinh, có thể chọn ngày cưới, ngày tin nhận Chúa, ngày chịu báp tem… để làm sinh nhật.
  4. Chuẩn bị một chiếc bánh sinh nhật (nếu có thể), kích thước chiếc bánh tùy theo số người tham dự.
  5. Mời những người có tên trong danh sách “sinh nhật” lên phía trên, số người còn lại hát chúc mừng. Tất cả cùng cầm dao cắt bánh. Mời người cầu nguyện đặc biệt cho họ.
  6. Ban hướng dẫn tặng quà cho những người có sinh nhật.
  7. Mời một số người làm chứng, ca ngợi Chúa, chia sẻ những kinh nghiệm thuộc linh… Khi làm chứng nên trình bày thành thật, đừng thổi phồng.
  8. Chơi trò chơi, đố vui và ăn bánh sinh nhật…

* TRÒ CHƠI DÀNH CHO NGƯỜI CÓ SINH NHẬT.

THẮP NẾN SINH NHẬT.

– Chuẩn bị: Dùng giấy bìa cứng làm một số cây nến, ghi lời yêu cầu vui, ngắn gọn lên giấy, cuộn lại nhét vào cây nến, dùng băng keo dán cây nến lên bảng (số nến tương đương với số người có ngày sinh trong quí).

Nếu dùng nến thật thì cũng gắn lời yêu cầu vào như nến bằng giấy rồi bạn đốt nến và sắp lên bàn sao cho đẹp mắt.

Ví dụ về lời yêu cầu: “Chúc bạn Sinh nhật vui vẻ! Mời bạn uống một lượt 5 ly nước”, hoặc “Mừng Sinh nhật bạn! Bạn có thể mời người hát tặng bạn một bài”…

– Cách chơi: NHD sẽ mời lần lượt từng người có ngày sinh trong quí lên và chọn cho mình một cây nến. Tìm xem cây nến xinh xắn có chứa điều gì bí ẩn và khi tìm ra được hãy đọc lớn điều bí ẩn đó lên và thực hiện.

* TRÒ CHƠI TẬP THỂ.

HIỆP LÀM MỘT.

– Cách chơi: NHD hô to: “Hiệp một, hiệp một”. Tất cả hỏi lại: “Hiệp mấy, hiệp mấy?” NHD: Hiệp 5 hoặc 3, 7 (tùy ý). Mỗi người phải tìm đủ 5, 3 hoặc 7 người thành một nhóm. NHD có thể cho: 7 người một vòng tròn, nhưng chỉ đứng 5 hoặc 4 chân (7 người gom thành một nhóm chỉ có 4 hoặc 5 chân chạm đất). Những người không hiệp nhóm theo lời yêu cầu của NHD sẽ bị phạt.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 17.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 17.03.2024

in NAM GIỚI on 12 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 17.03.2024

  1. Đề tài: ĐẦY TỚ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
  2. Kinh Thánh: Giê-rê-mi 18:1-6; Thi 119:73; Mat 20:26-28; Phi-líp 2:5-8; 1Cô 1:26-31.
  3. Câu Gốc: “Nếu ai hầu việc Ta, thì phải theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ hầu việc Ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc Ta, thì Cha Ta ắt tôn quí người” (Giăng 12:26).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 34-36.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, Ủy viên Linh vụ giao hai đề tài cho hai nhóm.

Đề tài 1: Là người đầy tớ của Đức Chúa Trời, tôi nhận mệnh lệnh từ Ngài và tự tôi sẽ cố gắng thực hiện.

Đề tài 2: Là người đầy tớ của Đức Chúa Trời, tôi luôn vâng lời theo sự dẫn dắt của Chúa và để Ngài hành động qua tôi.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Bạn có muốn trở thành đầy tớ của Đức Chúa Trời không? Hãy tìm xem Chủ ở nơi đâu, rồi bạn cần có mặt ở đó. Tìm xem Chủ đang làm gì, rồi bạn cần làm ngay việc đó. Chúa Giê-xu phán: “Nếu ai hầu việc Ta, thì phải theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ hầu việc Ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc Ta, thì Cha ta ắt tôn quí người” (Giăng 12:26).

Chúng ta thường hành động như thể Chúa nói cho chúng ta biết Ngài muốn chúng ta làm gì rồi sai đi cho chúng ta tự mình cố gắng làm. Sau đó, bất cứ khi nào cần, thì chúng ta có thể kêu cầu và Chúa sẽ giúp. Đó không hề là hình ảnh của Kinh Thánh. Khi Chúa sắp làm điều gì, Ngài bày tỏ điều ấy cho dân sự Ngài hoặc qua đầy tớ của Ngài (A-mốt 3:7).

Khi Đức Chúa Trời sắp làm điều gì qua bạn, Ngài phải đem bạn ra khỏi nơi của bạn để đến nơi của Ngài. Chính lúc biết Chúa đang hành động tại chỗ của bạn, đời sống bạn sẽ lâm vào chỗ tương phản với Ngài. Bạn không thể vừa cứ đi theo con đường riêng của mình vừa đồng đi với Đức Chúa Trời được.

  1. I. Là một người đầy tớ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải:

(1) Chịu nhào nặn (2) Ở lại trong tay người chủ (Giê-rê-mi 18:1-6). Sau đó chỉ một mình người chủ mới có thể sử dụng vật dụng mà chủ chọn. Đầy tớ không thể tự mình làm được điều gì cả. Chúa Giê-xu phán: “Con chẳng tự mình làm việc gì được” (Giăng 5:19) và “Vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5). Khi Đức Chúa Trời làm việc qua đầy tớ đó, người đó có thể làm bất cứ đIều gì Đức Chúa Trời làm.

  1. II. Làm đầy tớ đòi hỏi phải vâng lời:

Đầy tớ phải làm những gì được truyền bảo, nhưng buộc phải nhớ ai là người đang hoàn tất công việc – đó là Đức Chúa Trời.

Nếu bạn đang hầu việc Chúa theo định nghĩa này của thế gian về đầy tớ, khái niệm này phải thay đổi cách bạn tiếp cận sự hầu việc Chúa. Bạn không nhận những mệnh lệnh để sau đó đi ra thực hiện. Bạn liên hệ và đáp ứng với Chúa, điều chỉnh đời sống bạn cho đúng, để Chúa có thể làm mọi điều Ngài muốn qua đời sống bạn.

III. Những tấm gương của người đy tớ vâng phục Chúa.

  1. 1. Tiên Tri Ê

Tiên tri Ê-li đã thách thức những tiên tri Ba-anh (vị thần phồn thực của Ca-na-an), để chứng minh một lần đủ cả rằng Đức Chúa Trời là thần, ông đã hết sức mạo hiểm trong cương vị đầy tớ của Chúa.

Ê-li ít hơn tiên tri Ba-anh và tiên tri Át-tạt-tê theo tỉ lệ một trên 850. Nếu Đức Chúa Trời không bày tỏ công việc của chính Ngài bằng cách giáng lửa và thiêu hóa của lễ (và bàn thờ) như Ê-li đề xướng, thì ông sẽ hoàn toàn thất bại. Ê-li ắt hẳn mất mạng. Ông sửa lại bàn thờ của Chúa. Ê-li đã phải cứ ở lại và làm mọi điều Chúa ra lệnh cho ông. Ê-li vâng theo mạng lệnh Chúa chứ không dựa trên sáng kiến của cá nhân ông. Ông đi đến nơi Chúa sai, và làm mọi điều Chúa bảo. Sau đó Đức Chúa Trời hoàn tất mục đích Ngài qua ông. Ê-li muốn mọi người xác nhận Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Đó chính là cách mọi người đã đáp ứng.

Ê-li hay Chúa đã giáng lửa từ trời xuống? Đức Chúa Trời làm. Ê-li làm gì? Chỉ vâng lời. Ê-li không có khả năng làm điều Chúa làm. Và Chúa đã hành động qua sự vâng lời của đầy tớ Ngài, để mọi người nhận biết Chúa là Đức Chúa Trời Chân Thật, bởi việc làm mà chỉ mình Ngài mới có thể làm được (1Các vua 18:1-46).

  1. 2. Chúa Giê-xu.

Nhiều đoạn Kinh Thánh mô tả Chúa Giê-xu là đầy tớ của Đức Chúa Trời. Ngài trở thành một đầy tớ đã hoàn tất ý muốn của Đức Chúa Trời trong chương trình cứu chuộc loài người. Đây là những điều mà sứ đồ Phao-lô nói về Ngài:

“Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự!” (Phi-líp 2:5-8).

Trong lời chỉ dẫn của Chúa Giê-xu cho các môn đồ về tinh thần làm đầy tớ, Ngài mô tả vai trò phục vụ của chính Ngài:“Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:26-28). Chúa Giê-xu cũng dạy chúng ta về mối quan hệ giữa chúng ta với Ngài: “Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các ngươi thể ấy” (Giăng 20:21).

 

 

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. 1. Bạn đang làm việc nào trong đời sống cá nhân và trong Hội Thánh, mà bạn biết mình không thể hoàn tất nếu Chúa không can thiệp vào?
  2. 2. Khi Chúa làm việc thì chất lượng phục vụ và số lượng những kết quả lâu bền, có khác biệt so với khi bạn làm việc không?

3. Bạn có muốn trở thành người đầy tớ của Đức Chúa Trời không? Bạn có tin rằng Ngài sẽ làm những việc phi thường qua đời sống bạn không? Tại sao?