CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 21.01.2024
By Lee Vi in PHỤ NỮ on 17 Tháng Một, 2024
Chúa nhật 21/01/2024.
- Đề tài: Y-SÁC – NGƯỜI HÒA THUẬN.
- Kinh Thánh: Sáng 26:12-33; 24:1-26:33; Mat 5:9, 25-26, 38-48.
- Câu gốc: “Phước cho những người hòa giải, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Mat 5:9 BHĐ).
- Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 140-143.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
- Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, viết sẵn ra giấy, trao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
- Nếu không có phương pháp học Kinh Thánh, có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:
– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).
– Câu hỏi giải nghĩa (tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).
– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
(1.1) Câu hỏi quan sát: Y-sác được Đức Chúa Trời ban phước như thế nào?
(1.2) Câu hỏi suy luận: Vì sao Y-sác được Đức Chúa Trời ban phước?
(1.3) Câu hỏi ứng dụng: Muốn được Chúa ban phước bạn phải làm gì?
(2.1) Lòng ganh ghét của dân Phi-li-tin đối với Y-sác như thế nào?
(2.2) Vì sao dân Phi-li-tin cư xử như vậy?
(2.3) Có bao giờ bạn gặp cảnh ngộ như Y-sác chưa? Xin kể ra.
(3.1) Xin cho biết cách Y-sác đối phó với dân Phi-li-tin và kết quả Y-sác nhận được?
(3.2) Vì sao Y-sác làm được như vậy?
(3.3) Bạn đã làm gì để giữ hòa khí với người hay gây gổ với mình?
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- GIỚI THIỆU.
Y-sác, đứa con của lời hứa Áp-ra-ham nhận từ Đức Chúa Trời. Y-sác có nghĩa là cười. Sự ra đời của Y-sác đem lại niềm vui mừng cho ông bà Áp-ra-ham trong lúc tuổi cao. Ê-li-ê-se được Áp-ra-ham sai đi, Đức Chúa Trời dẫn dắt người đầy tớ gặp gỡ Rê-bê-ca! Nàng dâu có nét đẹp, đoan trang, đúng như Áp-ra-ham ao ước (Sáng 24).
Y-sác là người quan trọng nối tiếp Áp-ra-ham, nhận lời hứa của Đức Chúa Trời về dòng dõi và sản nghiệp xứ Ca-na-an. Y-sác không di chuyển nhiều như Áp-ra-ham, chỉ một lần dời đến Ghê-ra, đất Phi-li-tin vì nạn đói xảy ra. Tại đây, Y-sác gặp sự gây gổ của vua và dân Phi-li-tin, nhưng nhờ cách xử trí hòa bình, Đức Chúa Trời ban phước cho Y-sác ngày càng sung túc, ấm no. Công việc chính của Y-sác là đào giếng, Y-sác đào lại những giếng cũ của cha mình mà người Phi-li-tin đã lấp, và đào thêm những giếng mới.
Y-sác sống một cuộc sống đầy đủ và sung mãn với tấm gương sáng chói về phép xử thế hòa bình. Vì vậy, hơi thở cuối cùng của Y-sác được Kinh Thánh ghi lại (Sáng 35:29). Y-sác hưởng thọ 180 tuổi.
- SUY GẪM.
- Đời sống tin kính Chúa của Y-sác.
Trong đời Y-sác, Ca-na-an có cơn đói lớn. Dự định đưa gia đình xuống Ai-cập để tránh nạn đói. Nhưng Đức Chúa Trời phán bảo Y-sác chớ xuống Ai-cập. Y-sác ở lại trong xứ. Hành động nầy bày tỏ tấm lòng tin cậy và vâng lời của Y-sác. Đời sống tin kính Chúa của Áp-ra-ham ảnh hưởng đến đời sống tin kính của Y-sác.
- Cách xử thế hòa bình của Y-sác (Sáng 26:12-33).
Khi Y-sác ở lại Ghê-ra, Đức Chúa Trời làm cho Y-sác trở nên hưng thạnh, khiến người Phi-li-tin ghen ghét, tìm cách gây sự. Họ lấp mấy cái giếng trước kia Áp-ra-ham đào. Kế đến, A-bi-mê-léc, vua Phi-li-tin nói với Y-sác: “Hãy ra khỏi nơi ta, vì ngươi thạnh vượng hơn chúng ta bội phần” (c.16). Y-sác đáp lại bằng thái độ khiêm nhường, hạ mình và rút lui. Y-sác rời thành Ghê-ra đến đóng trại trong trũng Ghê-ra. Tại đây, Y-sác đào hai cái giếng, bị bọn chăn chiên Ghê-ra đến tranh giành, chiếm lấy. Y-sác đặt tên hai cái giếng; một cái là Ê-sết, có nghĩa là tranh giành; cái kia là Sít-na, có nghĩa là giành nhau để ghi dấu cho cuộc tranh chấp. Y-sác đào thêm một giếng nữa, lần nầy không bị người Phi-li-tin giành giựt, nên Y-sác đặt tên giếng là Rê-hô-bốt, có nghĩa là rộng rãi. Sự đặt tên các giếng cho thấy tánh khiêm nhu, nhịn nhục cao đẹp của Y-sác.
III. ỨNG DỤNG CHO ĐỜI SỐNG.
– Sự đào giếng của Y-sác: Y-sác đào lại những giếng của cha mình mà kẻ thù đã lấp và đào những giếng mới. Giếng có thể chỉ về đời sống thuộc linh (Giăng 4:14).
– Cách xử thế của Y-sác: Nếp sống của Y-sác tiêu biểu cho nếp sống đạo thường nhật của Cơ Đốc nhân trong cách cư xử tốt với láng giềng bằng hòa bình và yêu thương, nhịn nhục (Mat 5:25-26, 38-48, Mat 5:9).
(1) Sự nhân nhượng của người hòa bình không phải bước lùi, nhưng là bước tiến chinh phục kẻ gây hấn.
(2) Trong sự tranh cạnh, cuối cùng người hòa bình có phước (Thi 23:6; 37:37; Mat 5:9).