CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 05.11.2023
By Lee Vi in PHỤ NỮ on 3 Tháng Mười Một, 2023
Chúa nhật 05.11.2023
- Đề tài: ẨN DỤ LÚA MÌ VÀ CỎ LÙNG
- Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 13:24-20, 36-43.
- Câu gốc: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt; khi vào vụ gặt, ta sẽ dặn thợ gặt thu gom cỏ lùng trước, bó lại từng bó rồi đốt đi; còn lúa thì thu trữ vào kho của ta” (Mat 13:30 – BHĐ)
- Đố Kinh Thánh: Thi thiên 101-103.
- Thể loại: Thảo luận.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 06/8/2023.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- LÚA MÌ:
Những tín đồ thật trong Hội Thánh, là những bông lúa mì, sau khi nhận lãnh Đức Thánh Linh, đời sống được tái sanh, được sự hướng dẫn thiên thượng, sống một cuộc đời thánh khiết. Cỏ lùng là loại cỏ dại, nguy hiểm, cần phải loại bỏ trong quá trình canh tác. Khi mới mọc, lúa mì và cỏ lùng giống nhau, khó phân biệt, khi cả hai đâm bông mới có thể nhận ra, nhưng lúc đó rễ cỏ lùng và rễ lúa mì đã đan quyện vào nhau, nếu nhổ cỏ lùng thì lúa cũng bị lôi theo.
Đức Chúa Trời luôn muốn sáng tạo ra những tạo vật tốt lành: “Vương quốc thiên đàng ví như một người gieo giống tốt trong đồng ruộng mình” (Mat 13:24 – BHĐ). Nhưng ma quỷ giống như kẻ xấu gieo những hạt giống xấu vào với những hạt giống tốt. Chúa Giê-xu muốn chúng ta phải chấp nhận một thực tế là bên cạnh cái tốt có cái xấu, giống như có trắng phải có đen. Tuy nhiên, Chúa hứa rằng đến ngày sau rốt, tốt, xấu sẽ được phân biệt rõ ràng và xử lý thích đáng: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt; khi vào vụ gặt, ta sẽ dặn thợ gặt thu gom cỏ lùng trước, bó lại từng bó rồi đốt đi; còn lúa thì thu trữ vào kho của ta” (Mat 13:30 – BHĐ).
Hội Thánh đầu tiên sống tốt đẹp như những bông lúa mì tươi tốt: “Ngày nào họ cũng chuyên tâm đến đền thờ; và từ nhà nầy đến nhà khác, họ bẻ bánh và dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ, chân thành” (Công 2:46 – BHĐ). Nhưng, ma quỷ đến phá rối Hội Thánh: “Nhưng lúc mọi người đang ngủ thì kẻ thù của người ấy đến, gieo cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi” (Mat 13:25 – BHĐ). Ma quỷ đến gieo cỏ lùng tức là cấy những tín đồ giả vào Hội Thánh, đó là lúc hai vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra cùng nhau lừa dối Đức Thánh Linh.
Những tín đồ thật là những bông lúa mì, đời sống được tái sanh, có cuộc sống thánh khiết, cỏ lùng là những tín đồ giả nên Hội Thánh trở thành một cộng đoàn gồm thật giả, tốt xấu sống chung, không phân biệt được. Chỉ phân biệt được khi bông trái của hai loại xuất hiện, cũng vậy, tín đồ giả không khác gì tín đồ thật, họ cũng cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, hát Thánh ca, nhưng thực chất chỉ là bề ngoài và trên danh nghĩa. Lúa mì tức là tín đồ thật sẽ được thợ gặt thâu trữ và cất vào kho: “song hãy thâu trữ lúa mì vào kho ta”, những tín đồ công chính sẽ được vào vương quốc của Đức Chúa Trời.
- CỎ LÙNG.
Cỏ lùng mọc nhiều ở trong ruộng lúa mì của người Do thái, lúc mới mọc, nó không khác gì lúa mì. Hạt cỏ lùng rất độc, nếu ăn thậm chí có thể hôn mê. Người ta tách lúa mì và cỏ lùng sau khi gặt. Hạt cỏ lùng giống như hạt lúa mì, Chúa Giê-xu có lấy cỏ lùng làm ẩn dụ chỉ về các Cơ đốc nhân giả hiệu, chỉ có hành vi giả hình.
Những tấm gương cho thấy sự phân biệt tốt, xấu là rất khó. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là một trong 12 sứ đồ của Chúa Giê-xu, là một người được các sứ đồ tin cậy nên cử làm “người giữ bạc”. Cuối cùng lại là một người phản Chúa, bán Ngài bằng ba chục miếng bạc. Lịch sử Hội Thánh cho thấy bắt đầu từ A-na-nia và Sa-phi-ra, sau nầy cũng có những tín đồ giả mạo, nhưng bề ngoài, họ tỏ ra đạo mạo, kỉnh kiền, họ là cỏ lùng chứ không phải lúa mì. Hiện nay, trên thế giới có không biết bao nhiêu tổ chức đang hoạt động đều nhân danh Chúa Giê-xu Christ, trong đó dĩ nhiên lẫn lộn chung lúa mì và cỏ lùng.
Lúa mì và cỏ lùng sống chung cho đến mùa gặt, đó là lúc mỗi người phải nhận kết quả của riêng mình: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt; khi vào vụ gặt, ta sẽ dặn thợ gặt thu gom cỏ lùng trước, bó lại từng bó rồi đốt đi; còn lúa thì thu trữ vào kho của ta” (Mat 13:30 – BHĐ). Số phận của cỏ lùng hay là những tín đồ giả phải nhận những hình phạt tương ứng với hành vi của họ. Khi đến mùa thu hoạch, thợ gặt rất dễ dàng phân biệt đâu là lúa mì, đâu là cỏ lùng. Lúa mì khi chín, phải cúi mình xuống vì thân mang trỉu hạt, ngược lại cỏ lùng thì vươn cao ngạo nghể, thợ gặt rất khó khăn khi gom nó lại để bỏ vào lò.
III. SỰ TỂ TRỊ CỦA CHÚA.
Đối diện với nan đề trên, các người làm cho người chủ nói rằng: “Vậy chủ có muốn chúng tôi nhổ cỏ đó không? (Mat 13:28 – BHĐ). Nhưng, ông chủ bảo rằng: “Không nên, e khi nhổ cỏ lùng, các ngươi nhổ lầm cả lúa chăng” (Mat 13:29 – BHĐ). Như đã nói, rễ của cỏ lùng bấu vào rễ của lúa mì nên khi nhổ cỏ lùng, lúa mì cũng bị bật gốc lên mà chết. Các tín đồ giả và tín đồ thật đều sống chung với nhau trong cộng đoàn, gom cỏ lùng khỏi ruộng nghĩa là lấy những tín đồ giả khỏi cộng đoàn. Chúa không muốn làm điều đó, e rằng khi lấy những tín đồ giả thì chính những tín đồ thật cũng bị như thế.
Dụ ngôn cỏ lùng và lúa mì cho chúng ta thấy lòng khoan dung và kiên nhẫn của Chúa, Ngài chấp nhận tốt, xấu chung sống với nhau, đợi đến ngày chung cuộc, Chúa mới đoán xét. Sáng và tối, thiện và ác, tốt và xấu trong lòng mọi người, đó là ruộng lúa mì mà trong đó có cỏ lùng lẫn lộn. Chính sự lẫn lộn đó làm chúng ta nhiều khi không có khả năng phân biệt đâu là chân đâu là giả! Nhiều khi còn nhìn nhận sai lạc người tốt ra xấu, người xấu ra tốt. Điều đó không phải là không có.
Qua ẩn dụ trên, Chúa Giê-xu dạy chúng ta rằng luôn luôn có một thế lực xấu xa trong thế gian, tìm kiếm mọi cơ hội để phá huỷ hạt giống tốt. Một Cơ đốc nhân chân chính phải nuôi dưỡng đời sống thuộc linh của mình bằng chính Lời Chúa thì ngày sau rốt mới có thể được hưởng ân huệ như chính lời Chúa Giê-xu phán: “Khi ấy, những người công chính sẽ tỏa sáng như mặt trời trong vương quốc của Cha mình. Ai có tai, hãy lắng nghe!”(Mat 13:43).
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Mẹo lau chùi bếp ga sạch bóng.
Góc bếp sạch sẽ, sáng bóng thường được lau chùi kỹ hơn vào những ngày cuối năm để chuẩn bị đón Tết.
Để đỡ tốn thời gian và công sức cho việc lau chùi góc bếp, đặc biệt là chiếc bếp gas, mời bạn hãy tham khảo vài mẹo nhỏ nhé.
- Bếp gas rất dễ dính dầu mỡ bẩn. Nếu dùng nước kiềm rửa sẽ làm mất sơn trên bếp. Cách tốt nhất, bạn hãy lấy nước cơm để lau chùi, nước cơm có công dụng rất tốt trong việc tẩy rửa dầu mỡ, vết bẩn.
- Hoặc bạn cũng có thể dùng một miếng giẻ sạch, bàn chải đánh răng nhúng giấm hoặc nước cốt chanh để chùi rửa bếp ga, nhưng nhớ phải dùng nước sạch để lau chùi lại nhé.
- Ngoài ra, còn có một cách cực kỳ đơn giản là ra siêu thị mua kem tẩy rửa đa năng, chỉ cần xịt lên vết bẩn rồi lau nhẹ, bếp gas sẽ sáng bóng.