CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 23.07.2023
By Lee Vi in NAM GIỚI on 18 Tháng Bảy, 2023
Chúa nhật 23.07.2023.
- Đề tài: VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH KHÔNG CON.
- Kinh Thánh: Sáng 1:27-28; 30:19-20, 22-24.
- Câu gốc: “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng…” (Sáng 1:28a).
- Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 148-150.
- Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: Thuyết trình.
- Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
- Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Vấn Đề Gia Đình Không Con”.
- Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
- Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
- Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trong xã hội Đông phương ngày xưa, lời chúc mừng đám cưới thường nghe nhất là “đông con”, như một trong những câu chúc vui của người Việt chúng ta “Đầu năm sanh con trai, cuối năm sanh con gái”. Tuy nhiên, những lời chúc đông con không được hoan nghinh trong các xã hội văn minh ngày nay!
Gia đình không con nói đến trong bài học này không phải là lý do người mẹ son sẻ, nhưng vấn đề là gia đình vợ chồng không muốn sanh con.
Theo những cuộc thăm dò cho thấy, vì cớ nghề nghiệp của vợ chồng trở thành phương cách của cuộc sống, nên ngày càng nhiều đôi vợ chồng đã xao lãng bổn phận làm cha, làm mẹ. Con số người nữ không muốn có con gia tăng song song với phương pháp khoa học tiến bộ về cách ngừa thai.
Là Cơ Đốc nhân, chúng ta có quan niệm thế nào về con cái? Và có thái độ gì trước triết lý sống gia đình không con đang thịnh hành hiện nay?
- DẪN GIẢI.
- QUAN ĐIỂM CỦA KINH THÁNH VỀ CON CÁI.
Trong xã hội văn minh ngày nay, con cái thường bị xem như là gánh nặng. Nhưng Kinh Thánh nói gì về con cái?
Sáng 1:27-28: Sinh con cái là mạng lệnh của Đức Chúa Trời trong hôn nhân và sự ban phước của Ngài.
Sáng 24:60: Thường lời chúc cho cô dâu trong ngày cưới sẽlà “mẹ của ức triệu người” để dòng dõi trở nên đông đúc và hùng mạnh.
Sáng 30:19-20, 22-24: Trong ý nghĩa con cái “là vật quý báu”, “Đức Chúa Trời ban cho”. Và mỗi khi sanh con, họ thường có lời cầu xin Chúa cho có thêm con nữa. Điều này có nghĩa con cái là quà tặng quý báu từ Đức Chúa Trời.
Thi Thiên 127:3: Con cái là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời ban cho, là phần thưởng của hôn nhân. Những chữ “bông trái của tử cung” diễn tả phước hạnh của người đàn bà sanh con cái. Là hình ảnh tương phản với người đàn bà tử cung bị đóng lại. Có nghĩa là người đàn bà không thể sanh con cái. Trong thời Cựu ước, người đàn bà son sẻ cho đó là điều bất hạnh, như chúng ta thấy sự sầu thảm trong lòng bà An-ne (1Sa 1).
Sự thiếu vắng con cái là vắng bóng hạnh phúc của gia đình (Thi Thiên 128:3). Hay có thể nói con cái “trang điểm” cho hạnh phúc trọn vẹn của gia đình.
Ma-thi-ơ 11:25; 19:13-15: Con trẻ được Chúa Giê-xu quý trọng, tiếp nhận và ban phước.
Qua sự ghi nhận của Kinh Thánh, chúng ta học biết những điểm quan trọng về con cái như sau:
– Gia đình và con cái là ý chỉ của Đức Chúa Trời đối với hôn nhân.
– Con cái là quà tặng quý báu, là cơ nghiệp phước hạnh do sự ban cho của Đức Chúa Trời.
– Con cái là phần thưởng của hôn nhân, hạnh phúc của gia đình.
Như thế, theo quan điểm của Kinh Thánh, chúng ta biết chủ trương gia đình không con cái là điều sai trật, vì những lý do sau:
– Trái với mạng lịnh của Đức Chúa Trời về gia đình và con cái.
– Trái với mục đích của Đức Chúa Trời đối với hôn nhân là sinh sản con cái, xây dựng gia đình phục vụ Chúa, làm vinh Danh Ngài.
– Từ chối sứ mạng của Đức Chúa Trời ủy thác cho người làm cha, làm mẹ trong công tác nuôi nấng dạy dỗ con cái nhận biết Chúa và đạo lý Ngài.
- LÝ DO VÀ HẬU QUẢ CỦA GIA ĐÌNH KHÔNG CON.
Trong một cuộc nghiên cứu về quan điểm gia đình không muốn có con trong xã hội Mỹ ngày nay, chúng ta thấy có những lý do sau:
– Vì “mốt” sống: “Không thể theo “mốt” chúng tôi đang sống, nếu chúng tôi có con cái”.
– Vì công việc, nghề nghiệp: “Làm nghề này thì cũng giống như có con rồi”.
– Vì tiền bạc, vật chất: “Tốt hơn là mua một nhà nghỉ mát còn hơn là dành lợi tức chúng tôi vào quỹ tiết kiệm cho con cái”. (Việc nuôi một đứa con từ khi sanh ra đến năm 18 tuổi, tính trung bình phải tốn khoảng 135.000 mỹ kim).
– Vì muốn tự do: “Chúng tôi tự ý lựa chọn cho mình. Nuôi những con mèo, chúng có thể tự chăm sóc và chúng tôi được tự do”.
– Vì lợi ích cá nhân: “Chúng tôi không sẵn sàng để hy sinh thì giờ cho con cái!”
Phân tích những lý do trên, chúng ta nhận thấy tất cả đều đến từ một nguyên nhân chính là lòng tư kỷ, chỉ biết có mình! Đối với những người tôn sùng cá nhân chủ nghĩa, bị thu hút bởi triết lý sống hiện sinh, khoái lạc, những lý do biện minh cho gia đình không con nghe qua thật là “hữu lý”, thật là có lợi trước mắt! Nhưng đây là điều trái nghịch với đường lối và ý chỉ của Đức Chúa Trời. Nếu nói rằng không con để được tự do, rảnh rỗi thì giờ, thì sự mưu cầu hạnh phúc cá nhân trong sự ích kỷ có giá trị gì so với thì giờ đầu tư trong sự gây dựng con cái cho mục đích phục vụ Chúa và tha nhân?
Nếu nói rằng không con vì cớ sự bận rộn của nghề nghiệp, thì người chồng đã đánh mất thiên chức cao đẹp của người làm cha, người vợ sẽ mất đặc tính đẹp đẽ của người làm mẹ! Mặc dầu nghề nghiệp cần cho cuộc sống, nhưng nếu đánh mất sứ mạng thiêng liêng của người làm cha, làm mẹ thì sẽ mất đi ý nghĩa của gia đình theo như mục đích của Chúa gọi.
Nếu nói rằng không con để khỏi bận tâm vào gánh nặng kinh tế, thà đầu tư vào sự nghiệp, thì sự nghiệp vật chất chóng tàn đó có phải là cứu cánh của hạnh phúc thật không, có so được với sự “gây dựng con cái” là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời ban cho không? Tóm lại những điểm ưu, khuyết giữa gia đình không con vì ích kỷ và gia đình có con theo mục đích của Chúa, có thể được diễn tả trong bản so sánh dưới đây:
Gia đình không con.
– Không sanh con cái. – Không có trách nhiệm của người cha, người mẹ. – Không có niềm vui của người làm cha, làm mẹ. – Hạnh phúc cá nhân. – Gia đình dễ đổ vỡ vì không có mối ràng buộc giữa cha mẹ và con cái. – Cô đơn trong tuổi già. |
Gia đình có con.
– Sanh con cái. – Chồng, vợ trong sứ mạng của người làm cha, làm mẹ. – Có niềm vui của người làm cha, làm mẹ. – Hạnh phúc gia đình con cái. – Gia đình bền vững với mối ràng buộc giữa cha mẹ và con cái. – Tuổi già với con cái. |
Theo bản so sánh trên, chúng ta nhận thấy hai điều này:
- Gia đình theo chủ trương không con cái vì lý do tư kỷ là một “đơn vị đóng kín”, chỉ có hai cá nhân, bắt đầu và chấm dứt trong chính nó! Với cách sống ích kỷ chẳng những đánh mất mục đích của Chúa đối với gia đình, nhưng còn gây ảnh hưởng nguy hại đến xã hội. Trong khía cạnh này, bác sĩ Halfdan Mahler, nhận định như sau: “…Hiện tượng không muốn có con tại những xã hội kỹ nghệ hóa không phải là một hiện tượng tốt. Trẻ con trong những xã hội này cảm thấy chúng bị bỏ rơi hoặc là một gánh nặng cho cha mẹ. Mặc cảm này sẽ tác hại tâm lý của chúng và biến chúng thành phần tử bị thác loạn trong tương lai. Xã hội với đa số người thác loạn tâm lý sẽ đi đến chỗ tự hủy diệt”.
- Biết rằng gia đình không con không gặp những khó khăn, thách thức như trong gia đình có con cái, phải trả giá đắt với sự hy sinh thì giờ tiền bạc, công sức và hạnh phúc cá nhân. Tuy nhiên nếu mưu tìm hạnh phúc gia đình trong sự ích kỷ không con cái, thì đó không phải là hạnh phúc thật! Hạnh phúc thật là khi ta học tập biết chia sẻ, biết hy sinh; là khi ta vượt thắng những khó khăn để đạt đến mục đích Chúa gọi, để hoàn thành sứ mạng Ngài trao thác. Lời bình luận của một nhà tâm lý xã hội học như sau: “Người ta sợ có con vì cho rằng phá hoại hạnh phúc cá nhân của mình. Nhưng hạnh phúc thật là gì? Nếu không phải là đương đầu với những khó khăn và chinh phục những khó khăn này? Đời sống gia đình cung cấp cho chúng ta những giờ phút thách thức và chính những giờ phút này đem lại cho chúng ta hạnh phúc thật khi chúng ta chinh phục được thách thức”.
- THÁI ĐỘ CHÚNG TA TRƯỚC VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH KHÔNG CON.
Chúng ta học biết chủ trương gia đình không con cái vì lý do tư kỷ là điều trái với đường lối của Đức Chúa Trời đối với hôn nhân. Vậy chúng ta có đáp ứng thế nào trước vấn đề này?
Giữ vững mục đích của Đức Chúa Trời đối với gia đình: Đón nhận con cái như quà tặng quý báu từ Chúa và sẵn sàng trong sứ mạng làm cha, làm mẹ.
Hướng dẫn người sắp kết hôn học biết sự cao đẹp của sứ mạng làm cha, làm mẹ; và tìm đến lý tưởng hạnh phúc gia đình với sự gây dựng con cái trong sự phục vụ Chúa.
Trong niềm tin, chúng ta không thể chấp nhận chủ trương gia đình không con vì ích kỷ. Chúng ta nghĩ thế với những lý cớ sau đây:
– Vì môi trường sống hiện tại đầy ảnh hưởng xấu, thật không thuận lợi cho sự gây dựng con cái!
Dầu môi trường không thuận lợi, nhưng đây là một thách thức cho người cha, người mẹ nhờ ơn Chúa để vượt thắng; hầu chu toàn sứ mạng Ngài gọi trong gia đình.
– Không con cái để thuận lợi cho việc hầu việc Chúa. Lý do như rất hợp lẽ và lý tưởng. Tuy nhiên, hãy suy xét và tìm cầu ý Chúa. Có thể chúng ta bị lầm lẫn trong cách hầu việc Chúa. Không phải không có con cái mới hầu việc Chúa tốt. Sự chu toàn trách nhiệm nuôi dạy con cái trở thành người phục vụ Chúa cũng là sự hầu việc Chúa quan trọng. Điều cần là chúng ta nên học biết ý chỉ của Chúa và hầu việc Chúa ngay trong chỗ Chúa gọi.
Tóm lược
- Chủ trương gia đình không con cái vì tư kỷ là trái nghịch với ý chỉ của Đức Chúa Trời.
– Sai trật đường lối Chúa đối với gia đình và con cái.
– Đánh mất mục đích Chúa đối với hôn nhân là xây dựng gia đình và hướng dẫn con cái phục vụ Chúa.
– Phủ nhận sứ mạng làm cha, làm mẹ được Chúa ủy thác.
- Gia đình mưu tìm hạnh phúc ích kỷ cá nhân mất sự ban phước của Chúa.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
- Sáng 1:27-28: Trong sự ban phước cho hôn nhân A-đam và Ê-va, Đức Chúa Trời có mạng lịnh gì cho họ?
- Sáng 24:60: Ngày xưa người ta hay chúc gì cho cô dâu trong ngày cưới? Tại sao?
- Sáng 30:19-20, 22-24: Thường mỗi khi sanh con, người Do Thái hay nói gì? Và những lời ấy có nghĩa gì?
- Ngày nay con cái bị xem như là “gánh nặng”, nhưng trong Thi Thiên 127:3, nói gì về con cái?
- Ma-thi-ơ 11:25; 19:13-15: Chúa Giê-xu có thái độ nào với con trẻ? Tại sao?
- Chúng ta hiểu thế nào về con cái theo quan điểm của Kinh Thánh?
- Theo quan điểm của Kinh Thánh, chủ trương gia đình không con là đúng hay sai? Tại sao?
- Cho biết những lý do gia đình không muốn con cái. Những lý do đó có hợp lẽ với sự dạy dỗ của Kinh Thánh không? Xin cắt nghĩa.
- Xin phân tích những điểm ưu, khuyết của gia đình không con và gia đình có con.
- Theo sự phân tích trên, chúng ta có nhận xét gì về hậu quả của gia đình không con?
- Xin tóm lược những điều quan trọng về con cái theo quan điểm của Kinh Thánh. Cắt nghĩa tại sao gia đình không con là sự sai trật đường lối Chúa.
- Bạn có quan điểm gì về con cái?
– Con cái là gánh nặng hay là ơn phước Chúa ban cho?
– Xin cho biết gia đình bạn được xây dựng theo đường lối Chúa hay theo ý muốn riêng của mình?