Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 21.05.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 21.05.2023

By Lee Vi in PHỤ NỮ on 15 Tháng Năm, 2023

Chúa nhật 21/05/2023 (Kỷ niệm Chúa Thăng Thiên)

1. Đề tài: CHÚA THĂNG THIÊN.

  1. Kinh Thánh: Công vụ 1:9-11.
  2. Câu gốc: “Sau khi phán những điều ấy xong, Ngài được cất lên trong lúc các môn đồ đang nhìn xem Ngài. Có một đám mây tiếp Ngài khuất đi khỏi mắt họ” (Công vụ 1:9 – BHĐ).
  3. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 41-43.
  4. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình xem chỉ dẫn ở CN 02.04.2023.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chúa Giê-xu Thăng Thiên là một sự kiện quan trọng của Cơ Đốc nhân vì không những ẩn chứa giá trị thần học sâu sắc, mà còn là một phần quan trọng trong nền tảng đức tin cho Cơ Đốc Nhân. Chúng ta cùng học phân đoạn Kinh Thánh hôm nay nhân lễ kỷ niệm Chúa Thăng Thiên.

Sau khi Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá, lòng môn đệ rối bời, không biết những ngày tháng sắp tới của mình sẽ ra sao? Nhưng khi Chúa sống lại, họ được tận mắt nhìn thấy Chúa được cất lên trời, được nghe những điều Chúa phán dặn trước đó (Công vụ 1:4-5), thì lòng họ nguôi đi những lo lắng cho những ngày tháng khó khăn sắp tới. Giờ đây, họ hướng lòng tin cậy nơi Đấng được cất lên trời và ngồi bên hữu Đức Chúa Cha toàn năng. Việc Chúa Giê-xu Thăng Thiên đã trở thành cầu nối vững chắc cho mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và chúng ta. Đồng thời, cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta cần hướng mắt và lòng mình về trời hơn là ham mến những điều ở dưới đất nầy, bởi vì chúng ta là những công dân thuộc Thiên quốc.

Tiếp theo, phân đoạn Kinh Thánh này cũng nhấn mạnh việc theo Chúa Giê-xu đã được cất lên trời thế nào, thì cũng trở lại như thể ấy. Điều nầy một lần nữa khẳng định cho sự hướng lòng về trời của chúng ta là đúng đắn hoàn toàn. Bởi vì trong lần trở lại thứ hai, Ngài sẽ không thấy hình hài mỏng manh của đứa trẻ năm nào để đến giữa con người. Nhưng Ngài sẽ trở lại thế gian nầy với hình ảnh một vị Vua đắc thắng, đầy quyền bính trong tay và thẩm quyền phán xét tối cao. Lời hứa về sự trở lại lần thứ hai của Ngài là sự khích lệ lớn lao cho mỗi Cơ Đốc nhân trong hành trình về Thiên quốc. Hiện nay chúng ta đang ở trong những chuỗi ngày lội ngược dòng, đối diện với bao khó khăn hay bức hại. Nhưng có hề chi khi một ngày không xa, chúng ta sẽ lại gặp Chúa, được Chúa gọi là đầy tớ ngay lành, trung tín, và được Ngài lau ráo hết nước mắt. Niềm an ủi, hạnh phúc, và phần thưởng quý báu mà Chúa dành cho mỗi Cơ Đốc nhân trung tín đến cuối cùng vượt trội so với những gì chúng ta đã, đang và sẽ phải trải qua. Nhưng đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai đang lãng quên, đang ngủ yên trong dòng đời tấp nập với chiếc áo khoác mang tên “Cơ Đốc nhân”, mà quên rằng Chúa sẽ trở lại để đoán xét người sống và người chết. Chúa Giê-xu Thăng Thiên là một sự kiện lịch sử. Kỷ niệm Chúa Thăng Thiên nhắc nhở cho chúng ta không ngừng hướng lòng về Chúa, trông đợi Chúa và sống một nếp sống mặn mà như muối, tỏa soi ánh sáng giữa dòng đời tăm tối. Bạn thể hiện nếp sống trông chờ Chúa như thế nào?

III. CẦU NGUYỆN.

Con tạ ơn Chúa vì Ngài đã Thăng Thiên như Ngài cũng hứa sẽ trở lại. Xin cho con không chăm về thế gian nhưng hướng lòng về trời, sống trông chờ ngày Chúa trở lại và làm chứng về Chúa để nhiều người được cứu.

                                                            Văn phẩm nguồn sống

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Khi trẻ bị sốt.

Khi trẻ bị sốt, các bà mẹ sẽ nghĩ ngay đến việc lau mát để giảm nhiệt độ, nhưng không phải ai cũng biết lau mát đúng cách. Các bà mẹ có con lần đầu thường rất bối rối và lo lắng mỗi khi trẻ bị sốt. Có người vội vàng mặc thêm áo cho trẻ, bên ngoài lại quấn thêm khăn lông dày. Có người thấy trẻ sốt cao, co giật thì vội vàng nặn chanh vào miệng trẻ. Lại có người dùng nước đá cục quấn vào khăn để lau mát hạ sốt cho con.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Phương Thúy – Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, những cách này hoàn toàn sai, có khi làm cho bệnh của trẻ thêm nặng.

Với mức sốt vừa (38-38,5 độ C), cơ thể trẻ có thể chịu đựng được. Sốt cao (từ 39 đến 40 độ C trở lên) trong thời gian dài có thể làm bé bị co giật, dẫn đến thiếu oxy não. Nhiều bé có hệ thần kinh rất nhạy cảm, chỉ cần sốt trên 38 độ C là đã bị làm kinh (co giật). Hiện tượng sốt cao co giật thường gặp ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi. Khi trẻ sốt trên 39 độ C, cơn co giật thường xuất hiện và sẽ mất đi khi thân nhiệt hạ xuống dưới 39 độ C.

Do vậy, các bà mẹ cần nhanh chóng hạ sốt khi trẻ bị sốt cao. Cần cởi bỏ quần áo cho trẻ, dùng thuốc hạ sốt, lau mát hạ sốt, cho trẻ bú hoặc uống nhiều nước và đưa trẻ đến cơ sở y tế. Lau mát hạ sốt cho trẻ khi: Trẻ sốt cao trên 40 độ C, sốt cao kèm co giật hoặc dọa co giật. Trước khi lau cần chuẩn bị 5 cái khăn có khả năng thấm nước tốt, thau nước ấm như nước tắm trẻ, nhiệt kế.

Trước khi tiến hành lau, cần lấy nhiệt độ của trẻ. Cho ít nước lạnh vào thau, cho nước nóng vào bằng nửa lượng nước lạnh. Kiểm tra nhiệt độ của nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau nước, nếu thấy cảm giác ấm giống như nước tắm trẻ hằng ngày là được.

Nhúng cả 5 cái khăn vào thau nước và vắt hơi ráo. Dùng 2 khăn lau ở hai hõm nách, hai khăn lau ở hai bẹn và một khăn lau khắp người. Chú ý: Không đắp khăn lên trên vì ít có tác dụng hạ sốt, và cũng không đắp lên ngực vì tăng nguy cơ viêm phổi.

Cứ cách 2-3 phút thay khăn một lần. Theo dõi nhiệt độ nước, cho thêm nước nóng nếu thấy nước không còn ấm. Cứ cách 15 phút nên kiểm tra nhiệt độ của trẻ, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C. Sau đó tiến hành lau khô và mặc quần áo mỏng cho trẻ.

Những điều kiêng kỵ khi trẻ bị sốt.

– Không nên ủ ấm, mặc quần áo cho trẻ khi trẻ đang sốt vì càng làm thân nhiệt trẻ tăng cao.

– Không nên nặn chanh vào miệng trẻ vì làm cho trẻ bị rộp miệng, phỏng lưỡi, hoặc nghẹt thở.

– Không dùng nước đá lạnh để lau mát hạ sốt cho trẻ.

– Không giật tóc, vỗ vào người bé khi bé đang bị co giật, vì sẽ khiến bé càng bị kích thích, co giật nhiều hơn.

Theo Phụ nữ TP.HCM

Post CommentLeave a reply