CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 08.01.2023
By Lee Vi in Thanh niên on 4 Tháng Một, 2023
Chúa nhật 08.01.2023.
1. Đề tài: LÀM SẠCH TỘI LỖI.
- Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 5:6-8.
- Câu gốc: “Hãy làm cho mình sạch men cũ đi” (1Cô-rinh-tô 5:7a).
- Đố Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 11-15
- Thể loại: Thuyết trình.
* CHỈ DẪN: Thuyết trình.
- Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
- Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “LÀM SẠCH TỘI LỖI”.
- Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
- Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
- Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Một trong những thách thức của Hội Thánh trong thế gian là sự xâm nhập của tội lỗi. Khi Hội Thánh không còn chiếu sáng sự thánh khiết của Đấng Christ, chẳng khác nào muối mất chất mặn. Do đó vấn đề là làm thế nào để Hội Thánh được giữ mình thoát khỏi ô uế của tội lỗi? Sự thi hành kỷ luật đối với kẻ phạm tội có ý nghĩa gì?
Khi Chúa Giê-xu thấy những kẻ buôn bán làm ô uế đền thờ Đức Chúa Trời, trước hết Ngài làm một cái roi bằng dây da đuổi hết những kẻ ấy ra khỏi đền thờ. Và sau đó giải nghĩa hành động của Ngài: “…đừng làm cho nhà Cha ta thành ra nhà buôn bán” (Giăng 2:14-16).
- DẪN GIẢI.
- TẨY SẠCH TỘI LỖI KHỎI CỘNG ĐỒNG HỘI THÁNH (6-7).
Trong c.6 “Thật anh em chẳng có cớ khoe mình”. Lời quở trách kêu gọi người tín hữu hãy nhìn biết thực trạng đạo đức băng hoại trong Hội Thánh và thái độ hạ mình trước mặt Chúa. “Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao?”. Đánh thức người tín hữu về hiểm họa của tội lỗi đang lan tràn trong Hội Thánh và kêu gọi sự trừ bỏ tội lỗi khỏi cộng đồng.
Chữ “men” trong Kinh Thánh thường dùng chỉ về ảnh hưởng hay sức mạnh bành trướng. Ở đây, Phao-lô nói đến sức mạnh lan tràn của tội lỗi như một chút men làm dậy cả đống bột. Một kẻ phạm tội được dung dưỡng trong Hội Thánh, chắc chắn gây ảnh hưởng tai hại cho mọi tín hữu trong cộng đồng. Chúng ta thấy, chỉ cá nhân A-can phạm tội, nhưng cả dân Y-sơ-ra-ên đều bị sự đoán phạt của Đức Chúa Trời (Giô-suê 7). Vì vậy, sự thi hành kỷ luật dứt bỏ kẻ phạm tội là cách để ngăn chặn tội lỗi lây lan trong Hội Thánh.
Tuy nhiên, kỷ luật như “cây roi” sửa phạt kẻ phạm tội để làm gương cho kẻ khác tránh con đường tội. Nhưng tội lỗi thực sự được tẩy sạch khi trong lòng mỗi cá nhân tín hữu được tẩy sạch.
Cho nên trong sự tẩy sạch tội lỗi, cần có hai yếu tố:
(1) Bên ngoài: Nhờ kỷ luật để cảnh cáo, sửa kẻ lầm lạc.
(2) Bên trong: Nhờ quyền năng của Đức Chúa Giê-xu thay đổi, tẩy sạch tấm lòng (2Cô-rinh-tô 5:17).
Đó là lý do Phao-lô kêu gọi mỗi tín hữu cần có đời sống mới trong Đấng Christ (c.7-8).
- ĐỜI SỐNG TRONG SẠCH.
Sự dạy dỗ của Phao-lô (c.7-8) trong bối cảnh lễ Vượt Qua của dân Do-thái, là ngày Đức Chúa Trời giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi xứ nô lệ Ai-cập. Cũng trong ngày đó, Đức Chúa Trời hành hại con trai đầu lòng của Ai-cập, đồng thời cứu sống con trai đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên bằng dấu hiệu của huyết con chiên bôi trên cửa. Cho nên chiên bị giết để lấy huyết bôi trên cửa đêm ấy gọi là con chiên của lễ Vượt Qua. Trong sự giữ lễ Vượt Qua, Đức Chúa Trời truyền cho dân những luật lệ như sau:
– Dẹp sạch tất cả những men trong nhà, nơi công cộng (Xuất 12:19; 13:7).
– Chỉ ăn bánh không men trong thời gian giữ lễ (Xuất 12:15).
Những biểu tượng: Men, men cũ, bột nhồi mới, bánh không men, con chiên lễ Vuợt Qua, có nghĩa bóng tương quan có thể diễn tả như sau:
Dân Y-sơ-ra-ên. Hội Thánh Đấng Christ.
– Men: Ảnh hưởng bành trướng của tội lỗi.
– Men cũ: Tội lỗi trong đời sống cũ.
– Dẹp sạch chất men trong nhà. Tẩy sạch tội lỗi trong Hội Thánh.
– Bột nhồi mới, bánh không men. Đời sống mới trong sạch.
– Chiên lễ Vượt Qua. Đấng Christ.
Nghĩa bóng trên cho chúng ta học biết những điểm quan trọng sau:
– Như dân Y-sơ-ra-ên nhờ huyết con chiên lễ Vượt Qua mà được giải cứu khỏi xứ Ai-cập, thì chúng ta nhờ sự đổ huyết của Đấng Christ được giải cứu khỏi ách nô lệ của tội lỗi.
– Như dân Y-sơ-ra-ên phải dẹp sạch chất men trong nhà trong lễ Vượt Qua, thì Hội Thánh là những người được cứu chuộc bởi Đấng Christ cũng cần phải được tẩy sạch khỏi chất men gian ác của đời sống cũ để bắt đầu đời sống mới trong Ngài.
– Như dân Y-sơ-ra-ên không được phép ăn bánh có men khi dự lễ Vượt Qua, thì người được cứu chuộc bởi Đấng Christ, đời sống phải như “bột nhồi mới”, như bánh không men của sự thật thà và lẽ thật (c.8).
TÓM LẠI.
– Nguyên tắc lan rộng của tội lỗi là từ cá nhân đến cộng đồng.
– Bí quyết gìn giữ Hội Thánh khỏi sự xâm nhập của tội lỗi là mỗi cá nhân tín hữu phải có đời sống mới trong Đấng Christ như bánh không men.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Con sinh lễ Vượt Qua có ý nghĩa gì đối với dân Y-sơ-ra-ên (Xuất 12:5-13; 13:3)? Đấng Christ có ý nghĩa gì đối với Cơ đốc nhân? (2Cô-rinh-tô 5:17).
- Những ý nghĩa qua các biểu tượng trên, xin tìm hiểu:
- Tại sao cần có sự tẩy sạch tội lỗi trong cộng đồng Hội Thánh (Xuất 12:15; 13:17).
- Tại sao cần sự tẩy sạch tội lỗi trong đời sống cá nhân tín hữu là cần thiết trong sự tẩy sạch tội lỗi trong cộng đồng? (Xem thêm Giô-suê 7).
- Mỗi Cơ đốc nhân được kêu gọi đến đời sống như thế nào, so sánh sự khác nhau với đời sống cũ (c.8)?
- Qua sự dạy dỗ của Phao-lô từ c.6-8 cho chúng ta nhận thấy sự áp dụng kỷ luật trong 5:1-5 có ý nghĩa gì?
- Theo câu hỏi 3, kỷ luật là yếu tố cần trong sự ngăn chặn ảnh hưởng của tội lỗi. Nhưng cần có yếu tố nào khác giúp chúng ta từ bỏ tội lỗi để sống đổi mới trong sự thánh thiện (c.8).
- Hai yếu tố tìm thấy trong câu hỏi 4 có liên quan với nhau thế nào trong sự gìn giữ cộng đồng Hội Thánh khỏi sự xâm phạm của tội lỗi?