Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 18.09.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 18.09.2022

By Lee Vi in PHỤ NỮ on 13 Tháng Chín, 2022

Chúa nhật 18/9/2022

  1. Đề tài: AN-NE – BỞI ĐỨC TIN ĐƯỢC LÀM MẸ.
  2. Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 1.
  3. Câu gốc: Lòng con hoan hỉ trong Đức Giê-hô-va, nhờ Đức Giê-hô-va, sức lực con phấn chấn. Miệng con cười nhạo kẻ thù con; vì sự giải cứu của Ngài làm cho con vui mừng (1Sa-mu-ên 2:1 – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xơ-tê 4-6.
  5. Thể lọai: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn một người đóng vai An-ne và một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và câu trả lời cần phải ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Mời trước một người đúc kết buổi phỏng vấn và nêu lên những điều học hỏi được từ câu chuyện. Cầu nguyện kết thúc (Có thể mời nhân vật được phỏng vấn cầu nguyện).

– PV: Chào bà An-ne.

– An-ne: Chào các chị em phụ nữ.

– PV: Thưa bà, đọc Kinh Thánh chúng tôi được biết bà được Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện một cách đặc biệt. Xin cho phép chúng tôi được thay mặt Ban phụ nữ phỏng vấn bà một vài vấn đề. Trước tiên xin bà giới thiệu về gia cảnh của mình.

– An-ne: Tôi tên là An-ne, vợ của Ên-ca-na người Ép-ra-im. Tôi là một trong hai người vợ của chồng tôi.

– PV: Thưa bà, có một vấn đề thật khó hỏi, nhưng mong bà tha lỗi cho. Trong gia đình của bà với một chồng hai vợ, có vấn đề gì rối rắm không vậy?

– An-ne: Tôi hiểu các bạn, vì phụ nữ chúng ta thường quan tâm đến vấn đề nầy. Xưa cũng như nay, đa thê là một vấn nạn cho các gia đình. Cả chồng lẫn vợ đều là nạn nhân trong cuộc chiến gia đình.

– PV: Thật là đáng sợ. Bà có thể trình bày rõ hơn cho chúng tôi được biết không ạ?

– An-ne: Vâng, tôi sẽ lấy gia đình mình làm điển hình. Tôi son sẻ nhưng được chồng yêu quý, người vợ kia phân bì và luôn trêu ghẹo hầu cho tôi đau khổ về sự son sẻ của mình. Mỗi lần như thế tôi thường khóc và bỏ ăn. Chồng tôi không vui chút nào. Không có ai trong gia đình chúng tôi vui vẻ và thỏa lòng trong cuộc sống vợ chồng.

– PV: Cảnh của gia đình bà nhắc chúng tôi phải cẩn thận gìn giữ hạnh phúc gia đình mình. Nan đề lớn nhất khiến bà sầu khổ là sự son sẻ. Vậy bà làm gì để giải quyết nan đề lớn đó?

– An-ne: Sự sầu khổ triền miên chẳng giải quyết được vấn đề gì. Sự sầu khổ này khiến chồng tôi cũng thêm buồn phiền. Khi nhìn nhận được vấn đề này tôi quyết định giải quyết theo một hướng khác.

– PV: Hướng giải quyết đó là gì vậy, thưa bà?

– An-ne: Tôi quyết định đi vào đền thờ cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời. Vì lòng đầy sầu khổ, nên tôi vừa cầu khẩn vừa tuôn tràn giọt lệ. Tôi bám chặt lấy Ngài giống như Gia-cốp: “Tôi không cho ngài đi đâu, nếu ngài không ban phước cho tôi” (Sáng Thế Ký 32:26 – BHĐ). Tôi khẩn thiết kêu cầu và hứa nguyện nếu Ngài ban cho tôi có con, tôi sẽ dâng nó cho Ngài.

– PV: Bà là người có đức tin lớn và bà đặt đức tin mình vào thật đúng chỗ. Vậy bà có gặp khó khăn hay ngăn trở nào trong khi làm việc đó không?

– An-ne: Có đấy các bạn. Ngay lúc tôi cầu nguyện, thầy tế lễ Hê-li, ngồi gần đấy hiểu lầm tôi và nói: “Chừng nào nàng mới hết say? “Hãy đi giã rượu đi”. Tôi cho ông biết rằng vì tôi có quá nhiều nan đề nên khóc lóc cầu nguyện chớ tôi không phải là người say. Hê-li nghe vậy bèn chúc tôi lên đường bình an và sớm được Chúa nhậm lời. Tôi ra khỏi đền thờ lòng đầy hân hoan, vui mừng vì đã tin cậy Chúa.

– PV: Thời gian bao lâu thì bà được Chúa nhậm lời cầu nguyện?

– An-ne: Ngay trong năm đó tôi thụ thai và sanh được một con trai. Tôi đặt tên cho con là Sa-mu-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời nhậm lời.

– PV: Bà thật là người được phước. Chắc lúc đó bà hãnh diện với mọi người về Sa-mu-ên và yêu quý Sa-mu-ên lắm phải không, thưa bà?

– An-ne: Tôi hãnh diện và yêu quý Sa-mu-ên lắm, nhưng tôi không thể giữ con lại cho mình vì biết rằng con mình thuộc về Chúa vì tôi đã hứa nguyện dâng nó cho Ngài rồi.

– PV: Vào độ tuổi nào bà mới đem Sa-mu-ên lên đền thờ dâng cho Đức Giê-hô-va?

– An-ne: Sau khi Sa-mu-ên dứt sữa, tôi dẫn nó lên đền thờ cùng đem theo các của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va tại trước mặt thầy tế lễ Hê-li. Tôi nhắc cho Hê-li nhớ lại người đàn bà năm xưa khóc lóc cầu nguyện trước mặt ông, bây giờ đã được Chúa nhậm lời ban cho có con trai, nay giữ lời hứa nguyện dâng con cho Ngài. Hai mẹ con tôi cùng thờ phượng Chúa, rồi tôi ra về, để con lại đền thờ.

– PV: Thật đáng khâm phục về lòng trung tín của bà. Chắc là bà cũng buồn và nhớ con lắm?

– An-ne: Đức Giê-hô-va ban thưởng cho tôi bằng cách cho tôi thọ thai và sanh thêm được ba con trai và hai con gái. Mỗi năm tôi lên đền thờ dâng tế lễ và thăm con. Tôi may áo dài cho con mặc và rất yên tâm vì thấy con mỗi ngày một khôn lớn và biết hầu việc Chúa trong đền thờ. Niềm vui lớn của vợ chồng tôi là thấy con trưởng thành trong nhà Chúa. Chúng tôi không ngớt lời cảm tạ Ngài.   

– PV: Chúng tôi xin được hòa lòng trong niềm vui của gia đình bà. Ước mong rằng Chúa nhậm lời cầu nguyện và ban cho gia đình chúng tôi có được những đứa con ngoan, yêu mến và biết hầu việc Chúa như Sa-mu-ên. Cảm ơn bà đã dành thì giờ cho Ban phụ nữ trong giờ phỏng vấn qua. Nguyện Chúa giúp chúng tôi là những người nữ biết đặt đức tin vào Ngài. Xin bà cầu nguyện cho chúng tôi.

Mời Ban phụ nữ đứng lên cầu nguyện.   

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

An-ne trở thành một người mẹ bởi đức tin, lúc đầu nàng là người đàn bà không có con. Rồi nàng trở thành một người mẹ và với việc đó vai trò của nàng đã hoàn tất. Từ đó về sau, sự khải thị của Đức Chúa Trời chẳng còn được biểu hiện nơi An-ne, là người mẹ nữa mà ở nơi Sa-mu-ên, đứa con mà nàng đã cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho.

Do đó, về phương diện nào đó, An-ne khiến chúng ta nhớ đến Sa-ra, nhưng nàng rất khác Sa-ra ở một vài điểm. Tình yêu của Sa-ra, thật tình mà nói, cũng giống như tình yêu của một người đàn bà khác trước khi bà được làm mẹ. Nhưng trước khi Sa-ra sanh ra đứa con, chúng ta không thấy dấu hiệu nào của đức tin nơi bà cả. Bà thường cười trong sự không tin của mình và chính nhờ vào đức tin vững vàng của Áp-ra-ham mà ngay từ lúc đầu ông đã đưa vợ đến đức tin.

Về An-ne, không thể cho rằng nàng đã chịu ảnh hưởng thôi thúc của chồng nàng là Ên-ca-na. Chồng nàng là người tốt. Mỗi năm ông đi đến Si-lô để thờ phượng tại nơi thánh theo tập tục tôn giáo. Ông yêu thương An-ne hơn Phê-ni-a, và tại các buổi lễ hội công cộng, ông dành phần trọng hơn cho người vợ yêu quý. Ông đã thấy An-ne khóc than vì không có con. Ông hỏi: “Hỡi An-ne sao nàng khóc? Cớ sao không ăn và lòng buồn bực dường ấy? Ta há chẳng đáng cho nàng hơn mười đứa con trai ư?” Câu hỏi ấy tỏ ra sự thông cảm sâu sắc với nàng. Nhưng Ên-ca-na chẳng có một đức tin quyết định và bộc lộ. Ở đây không có ý dựa vào điều ấy mà cho rằng ông không phải là một kẻ được Đức Chúa Trời chọn lựa. Nhưng vốn ngần ngại, ông tự rút lui một cách dễ dàng đối với tình trạng son sẻ của An-ne. Ông chưa có một lần chiến đấu trong sự cầu nguyện với Đức Chúa Trời, như Áp-ra-ham đã làm khi cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho mình một đứa con. Có lẽ thỉnh thoảng ông cầu khẩn: “Lạy Chúa, xin ban cho An-ne, vợ tôi, một đứa con yêu quý”. Nhưng các lời cầu nguyện chung chung đó không hàm ý một sự chiến đấu không thôi của đức tin mà một linh hồn xúc cảm sâu xa đòi hỏi. Những kẻ mở miệng cầu nguyện như thế sẽ cảm thấy không thiếu điều gì cả cho dù họ vẫn không được đáp lời. Họ vốn chẳng có đức tin mạnh mẽ.

Trái lại, An-ne có đúng cái điều mà Ên-ca-na thiếu. Trong nhà một vị tộc trưởng, người chồng dẫn đạo còn người vợ đi theo. Còn ở gia đình Ên-ca-na, tình trạng lại đảo ngược, sự ganh đua đức tin xảy ra hết sức sôi động trong lòng An-ne. Người đàn bà đã lấy chồng nhiều năm mà không có con, lúc nào cũng buồn lo cả, thậm chí họ lại còn khóc than nữa. Nhưng thời đại hiện nay, ít người hiểu như An-ne ngày trước rằng chính Đức Giê-hô-va khiến cho son sẻ, và chỉ có Ngài mới thay đổi được tình trạng đó. Đôi khi Ngài làm việc đó với sự giúp đỡ của một bác sĩ mà cũng có lúc không, nhưng trong cả hai trường hợp, chính Đức Giê-hô-va điều khiển sự hoài thai. Thế hệ chúng ta đã sa ngã dưới mức thuộc linh để có thể nhận thức được quan niệm đó. Thay vì tìm kiếm Đức Chúa Trời để giải quyết tình trạng son sẻ, thế hệ hiện đại chỉ biết nhờ khoa học để giải quyết vấn đề. Con người cảm thấy tự mãn và nghĩ rằng mình có thể dùng mưu trí để thoát khỏi mọi bệnh tật. Tuy nhiên, chủ nghĩa nhân bản hết sức mâu thuẫn với những lời diễn tả của An-ne trong khi nàng ca hát: “Thôi, chớ nói những lời kiêu ngạo… Vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thông biết hết mọi điều”. Vì vậy, đức hạnh bản năng của An-ne là đức tin của nàng. Nàng không tự mình có được, mà là do Đức Chúa Trời ban cho. Đức Giê-hô-va đã dự định điều lớn lao cho nàng. Nàng đã dẫn dắt dân sự đến một giao lộ trong lịch sử của họ và chính tại chỗ giao tiếp nầy mà Sa-mu-ên ra đời. Trong sự chán nản tuyệt vọng triền miên của An-ne, rồi sau đó là sự vui mừng của nàng, Đức Giê-hô-va đã tỏ cho chúng ta thấy rằng Ngài đang chuẩn bị để Sa-mu-ên ra đời.

Khi gặp sự khốn khó, An-ne mới phó mình hoàn toàn cho Đức Giê-hô-va. Nàng vững tin rằng chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể biến đổi một người đàn bà thành một người mẹ. Do đó, hãy gọi điều đó là trực giác thiên thượng, hoặc linh cảm thiên thượng, nhưng cũng có điều gì khác thôi thúc An-ne. Nàng đã không mãn nguyện. Dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, ngay cả việc Phê-ni-a thường xuyên chọc tức nàng là để khiến lòng nàng sốt sắng ao ước thêm hơn. Nàng bày tỏ mọi nhu cầu của mình với Đức Chúa Trời. Nàng biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên con trẻ. Nàng biết Ngài sẽ làm điều đó cho nàng, nếu nàng nhận Ngài làm đồn lũy và chẳng bao giờ nàng ngưng cầu khẩn xin một đứa con.

Hành động của An-ne là đi vào trong đền thờ, nàng ẩn mình nơi kín đáo, sát bức tường. Tại nơi đó, nàng sốt sắng cầu nguyện. Nàng vật lộn với Đức Chúa Trời và chỉ khi nào lời cầu nguyện được đáp ứng thì nàng mới buông Ngài ra. Có lẽ lời cầu nguyện đó không hoàn toàn tinh sạch và không tì vít. Chính cái hình ảnh Phê-ni-a trêu chọc nàng. Chắc chắn nàng mong chiến thắng người đàn bà đã quấy nhiễu nàng một cách không thương xót. Ít ra nhờ thế mà chúng ta có thể hiểu bài ca của nàng: “Miệng tôi thách đố kẻ thù nghịch tôi”. Chúng ta cũng biết rằng nàng sẵn sàng dâng đứa con cho Đức Giê-hô-va ngay lập tức, việc đó làm thỏa mãn nàng. Tất cả mọi sự nầy cho thấy rằng nàng rất mong muốn được thoát khỏi sự sỉ nhục vì không có con.

Nhưng lời cầu nguyện đó cũng được thôi thúc bởi đức tin chân thật và không bợn nhơ đặt nơi sự kiện Đức Chúa Trời có thể ban cho nàng một đứa con. Nàng thấy nơi Đức Chúa Trời không những có thể đáp ứng lời cầu nguyện, mà còn chắc chắn đáp lời nữa. Đức tin chắc chắn đó của nàng đã khiến nàng bám chặt vào Đức Chúa Trời hằng sống.

Lời cầu nguyện của nàng đã được đáp lời, Đức Giê-hô-va đã ban Sa-mu-ên cho nàng. Dĩ nhiên, điều thực tế là không phải mọi bà mẹ đều sẵn sàng dâng con mình ngay lúc nó ra đời. Tuy nhiên, nhờ An-ne mà tư tưởng này được truyền từ Đức Chúa Trời đến mọi phụ nữ Cơ đốc. Cũng như An-ne, họ phải nhận thức rằng Đức Chúa Trời ban cho họ con cái. Một khi đã nhận thức được điều đó, các bà mẹ sẽ vui mừng mà dâng con cái họ cho Đức Giê-hô-va là Đấng đã dựng nên chúng nó.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Giữ hoa tươi lâu.

Trước khi cắm hoa vào bình, cho phần gốc ngâm vào giấm một lúc. Cành hoa vừa dễ hút nước vừa giữ được hoa tươi lâu. Bạn cũng có thể cho vài giọt giấm vào bình hoa khi thay nước.

Giữ mỡ nước dùng được lâu.

Mỡ nước sau khi rán, lúc còn chưa đông, ta cho thêm một chút muối, khuấy đều rồi đổ vào keo đậy kín, mỡ sẽ giữ được lâu và thơm.

 

 

Post CommentLeave a reply