CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. 24.07.2022
By Lee Vi in Thanh niên on 20 Tháng Bảy, 2022
Chúa nhật 24.07.2022.
- Đề tài: LÒNG TIN CẬY CỦA GIÔ–SÉP.
- Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 37, 39-45.
- Câu gốc: “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo” (Sáng Thế Ký 50:20).
- Đố Kinh Thánh: Các Quan Xét 1-5.
- Thể loại: Thảo luận.
* CHỈ DẪN: Thảo luận.
- Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:
Đề tài 1: Việc nhiều lần Giô-sép thử lòng các anh mình từ đoạn 42-45 cho thấy Giô-sép có ý định trả thù các anh.
Đề tài 2: Việc nhiều lần Giô-sép thử lòng các anh mình từ đoạn 42-45 cho thấy Giô-sép không có ý định trả thù các anh nhưng ông rất yêu thương họ.
- Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
- Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
- Giờ thảo luận.
- Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
- Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
- Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên Chân lý.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Xin đọc Thi Thiên 27:3; 118:8,9; Châm Ngôn 3:26; 14:26; 1Giăng 5:4. Đâu là chỗ khác nhau giữa đức tin mà chúng ta đã học trong đời sống của Áp-ra-ham với lòng tin cậy. Lòng tin cậy và đức tin phải luôn trở thành kim chỉ nam của chúng ta mỗi ngày. Các bạn lấy đức tin cầu nguyện, rồi có được lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời ắt sẽ khiến các bạn biết nhẫn nhục, và chờ đợi Ngài làm thành ý chỉ của Ngài trong bạn.
Nhiều người cả nam lẫn nữ trong Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy nét đặc biệt này. Ông Áp-ra-ham chờ đợi Đức Chúa Trời ban cho mình một con trai; ông Giô-sép tin cậy Đức Chúa Trời trong hoạn nạn; ông Gióp cũng tin cậy Đức Chúa Trời trong cơn khổ nạn (Gióp 13:15); ông Đa-ni-ên và các bạn của ông cũng vậy (Đa-ni-ên 3:17,18; 6:10). Hôm nay, chúng ta sẽ thấy ông Giô-sép bày tỏ lòng tin cậy trọn vẹn nơi Đức Chúa Trời trong đời sống của ông.
- KHAI TRIỂN BÀI HỌC.
- Đối Đầu Với Kẻ Ghen Tị.
Nếu cuộc đời của Giô-sép mà quá dễ dàng, các bạn có thể cho rằng lòng tin cậy chỉ là hậu quả tự nhiên của điều ông từng trải mà thôi. Nhưng ông luôn luôn bị hiểu lầm, bị ngược đãi. Tuy nhiên, qua mọi cảnh ngộ, ông vẫn vững lòng tin cậy Đức Chúa Trời.
Giô-sép vốn được cha mình hết mực nuông chiều. Gia-cốp may cho con trai cưng của mình một chiếc áo dài có nhiều màu sắc, khiến cho các anh em khác của ông ghen tức lắm!
Chẳng những thế, Giô-sép lại có nhiều giấc mộng chứng tỏ ông sẽ được chính các anh em và cả cha mẹ ông nữa, đề cao, tôn trọng. Do đó, anh em của Giô-sép oán ghét ông thật sự (Sáng Thế Ký 37:4,5,8,11).
Cuối cùng, lòng thù oán ấy đạt đến một tuyệt đỉnh, là họ lập mưu để giết Giô-sép (Sáng Thế Ký 37:18). Nhưng người anh cả là Ru-bên đã can ngăn họ. Rốt cuộc, các anh vốn ghen tị với Giô-sép đã quyết định bán ông làm nô lệ. Họ lột áo ông ra và bán cho một đoàn khách thương đi xuống xứ Ai-cập với giá hai mươi đồng bạc.
Các bạn tưởng tượng lúc đó Giô-sép cảm thấy thế nào? Tình thương của cha, chiếc áo đặc biệt, luôn với những giấc mộng của ông đều biến thành mây khói. Tất cả đã trở thành vô dụng! Nhưng Kinh Thánh không chép lại một lời nào của ông Giô-sép phiền trách Đức Chúa Trời. Ông vẫn vững lòng tin cậy vào Đức Chúa Trời.
- Đối Diện Với Kẻ Giận Dữ.
Ngay lúc Giô-sép đến xứ Ai-cập, chúng ta thấy Kinh Thánh chép: “Giô-sép… được Đức Giê-hô-va phù hộ” (39:2). Cùng xem thêm mấy câu 3,21,23. Giô-sép ở đâu thì có Đức Chúa Trời ở đó. Nếu các bạn thuộc về Đấng Christ, thì việc ấy cũng sẽ xảy ra cho chính các bạn nữa. Các bạn ở đâu, thì Đấng Christ cũng ở đó! Các bạn sẽ không phải chịu khổ, chịu khó một mình. Đấng Christ ở với các bạn luôn (Ma-thi-ơ 28:20).
Giô-sép bị bán cho Phô-ti-pha, quan thị vệ của Pha-ra-ôn (Sáng Thế Ký 39:1). Thật là khó trung tín với Đức Chúa Trời khi sống trong nhà một người thờ lạy nhiều thần khác. Nhưng Giô-sép vẫn giữ được lòng trung tín với Chúa. Ông sống một cuộc đời tin kính thật vững vàng. Ông được nhắc lên một địa vị cao, có nhiều trách nhiệm, và làm mọi việc đều có kết quả tốt đẹp (Sáng Thế Ký 39:3). Nhưng những thử thách cũng thường đến đồng thời với sự thành công. Bà vợ của Phô-ti-pha luôn tìm cách cám dỗ Giô-sép phạm tội. Khi bị Giô-sép cự tuyệt, bà ta hết sức giận dữ nên bà nói dối với chồng mình về chuyện Giô-sép. Thế là Phô-ti-pha bắt bỏ tù Giô-sép.
Một lần nữa, Giô-sép phải chịu khổ một cách bất công, bởi ông vô tội. Nhưng Đức Chúa Trời đã không quên Giô-sép (Sáng Thế Ký 39:19,21). Ngài có một chương trình cho đời sống của ông. Ngài đang huấn luyện ông để thực hiện những việc quan trọng hơn nữa. Ông Giô-sép không biết chuyện đó, nhưng ông đã không phản loạn cùng Đức Chúa Trời. Vì ông luôn luôn muốn sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và vì cá tính không chịu thay lòng đổi dạ của ông. Giô-sép lại được cất nhắc lên một địa vị phải chịu trách nhiệm quan trọng (Sáng Thế Ký 39:21,23).
- Đương Đầu Với Hoàn Cảnh Bị Bỏ Rơi.
Năm tháng chầm chậm trôi qua. Từ ngày bị bắt đi khỏi quê hương đến nay, thấm thoát mà đã gần mười một năm rồi. Phần lớn thời gian ấy, Giô-sép đã phải nằm trong ngục.
Nhưng Đức Chúa Trời vẫn còn ở cùng Giô-sép (Sáng Thế Ký 40:9-13,16-19 về việc bàn điềm chiêm bao). Giô-sép yêu cầu quan tửu chánh là người được ông giải nghĩa chiêm bao tâu giúp với Pha-ra-ôn về chuyện ông bị hàm oan, sau khi ông được phục chức. Nhưng vị quan này đã quên mất (Sáng Thế Ký 40:14,15,23). Thế là Giô-sép lại phải mỏi mòn chờ đợi trong lao tù thêm hai năm nữa.
Thật là dễ tin Đức Chúa Trời khi mọi sự đều êm đẹp. Nhưng khi gặp khó khăn thì sao? Lúc ấy có dễ cho chúng ta tin rằng đường lối của Chúa là trọn vẹn, và Ngài vẫn hành động đúng với chương trình Ngài đã hoạch định không?
Hai năm sau, Pha-ra-ôn thấy hai chiêm bao, khiến nhà vua vô cùng bối rối (Sáng Thế Ký 41:1-7). Không có một thuật sĩ hay một nhân vật khôn ngoan nào trong cả xứ Ai-cập có thể giải nghĩa nổi cho vua. Cuối cùng, quan tửu chánh mới nhớ lại tên tù mình quên lửng đi là Giô-sép (câu 9) nên tâu với vua Pha-ra-ôn về trường hợp của ông. Giô-sép liền được đem ra khỏi ngục và đưa đến ra mắt nhà vua. Ông giải nghĩa được các chiêm bao của Pha-ra-ôn (câu 25-32). Nhưng ngay trong dịp tốt được ra mắt nhà vua ngoại đạo đó, Giô-sép đã bày tỏ đức tin của mình nơi Đức Chúa Trời (câu 16,25,28,32).
Pha-ra-ôn và cả triều đình đều xúc động mạnh trước sự khôn ngoan của Giô-sép và nhìn nhận là quyền năng của Đức Chúa Trời đang tác động trong đời sống ông (Sáng Thế Ký 41:38). Những điềm chiêm bao thuở ấu thời của ông đã ứng nghiệm (Sáng Thế Ký 42:9). Pha-ra-ôn cử ông làm thủ tướng để cai trị cả nước, chỉ ở dưới quyền nhà vua mà thôi (41:41-44). Bấy giờ khi nạn đói lan tràn, các anh em ruột của ông đã thật sự phải quỳ gối trước mặt ông (Sáng Thế Ký 42:6; 43:21,28; 44:14).
Nhưng một khi đã có uy quyền rồi, Giô-sép không hề có ý định trả thù các anh. Trái lại, ông rất thương yêu họ (Sáng Thế Ký 42:24; 43:30; 45:1-3; 50:15,19,21). Cá tính cao thượng đích thực của Giô-sép là tấm lòng tin cậy và yêu mến Đức Chúa Trời mà không có gì làm lay chuyển được. Ông nhận biết rằng qua mọi gian lao, khốn khó, Ngài vẫn hành động trong đời sống của mình (Sáng Thế Ký 45:5-8).
- BÀI HỌC ÁP DỤNG.
Xin đọc Rô-ma 8:28. Có bao nhiêu việc hiệp lại để làm ích cho người yêu mến Đức Chúa Trời? “Mọi sự” chớ không phải chỉ có những điều thích thú mà thôi. Chúng ta phải nhớ rằng ngay cả những việc khó khăn, những việc chúng ta không thể hiểu nổi cũng phải “hiệp lại” để làm ích cho chúng ta chính lúc ấy.
Giô-sép đã phải đối diện với kẻ ghen tị, với người vì oán ghét mà sinh lòng tức giận, với trường hợp bị bỏ rơi, nhưng ông vẫn tin cậy Đức Chúa Trời. Các bạn có yêu mến kẻ ghen tức, oán ghét mình không? Các bạn có nhẫn nhục chịu đựng kẻ đang tức giận, gièm pha và chế nhạo mình, bởi vì các bạn vẫn đứng vững vì điều phải, phải không? Các bạn có cảm tưởng gì khi người ta quên mình đi, và có lẽ dường như cả Đức Chúa Trời cũng quên lửng các bạn nữa?
Lời làm chứng của Giô-sép chứa đựng sự thành tín của Đức Chúa Trời được ghi lại trong câu gốc của bài học hôm nay. Cho nên, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất, các bạn hãy đặt lòng tin cậy vào Đức Chúa Trời. Ngài sẽ chẳng bao giờ thất hứa với các bạn và lời chứng của các bạn cũng sẽ là “Đức Chúa Trời toan làm điều ích cho tôi”.
III. CÂU HỎI THẢO LUẬN.
- Giô-sép đã đối đầu với kẻ ghen tị, oán ghét và bỏ quên ông như thế nào?
- Các bạn có thể nghĩ ra một thí dụ chứng tỏ Đức Chúa Trời có thể dùng nghịch cảnh để làm ích lợi cho đời sống chúng ta không?