Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 17.07.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 17.07.2022

By H'Dên in PHỤ NỮ on 15 Tháng Bảy, 2022

Chúa nhật 17/7/2022

  1. Đề tài: ĐẤNG SIÊU VIỆT.
  2. Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 1:1-6.
  3. Câu gốc: Nhưng trong những ngày cuối cùng nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên làm Đấng thừa kế muôn vật; cũng qua Con ấy, Ngài đã sáng tạo vũ trụ (Hê-bơ-rơ 1:2 – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Sử Ký 34-36.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN

  1. Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước (Mục sư, Truyền đạo).
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Phụ nữ. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chúa Giê-xu không chỉ là đại diện cho Đức Chúa Trời, mà Ngài chính là Đức Chúa Trời đã từng phán dạy trong thời Cựu Ước. Ngài là vĩnh cửu; Ngài đã đồng công với Đức Chúa Cha trong việc sáng tạo thế giới. Ngài là sự mặc khải trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Bạn không thể có một cái nhìn nào về Đức Chúa Trời rõ ràng hơn là nhìn vào Chúa Cứu Thế. Chúa Cứu Thế Giê-xu là sự biểu hiện trọn vẹn của Đức Chúa Trời trong một thân thể con người.

Theo quan niệm của con người: Sự hiểu biết của họ về Thượng Đế thật là quá đơn giản. Lời cầu xin của Phi-líp: Thưa Chúa, xin chỉ Cha cho chúng con thì đủ rồi(Giăng 14:8 – BHĐ). “Ai thấy Ta tức là thấy Cha”, Thượng Đế vô hình đã được thấy trong Chúa Cứu Thế Giê-xu (Giăng 14:9). Chúng ta có thể tin có một Thượng Đế, và chỉ có thể biết Ngài một cách riêng biệt và Con Ngài là Cứu Chúa Giê-xu Christ. Nhưng thật sự Ngài là Đấng cao trọng lạ lùng. Sự cao trọng của Chúa Giê-xu sẽ được giải bày trong bài học này qua những phần sau đây:

  1. Sự cao trọng trong Sự mặc khải (1:1-3).
  2. Sự cao trọng hơn Thiên sứ (1:4-14).
  3. Sự cao trọng hơn Môi-se (3:1-6).
  4. SỰ CAO TRỌNG TRONG SỰ MẶC KHẢI (1:1-3).

Tác giả đã đưa chúng ta khám phá ra sự mặc khải của Chúa. Sự mặc khải cũ đời xưa là Ngài dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta, nhưng qua sự khải thị mới bây giờ cho đến ngày sau rốt Ngài phán dạy chúng ta qua chính Con Ngài. Tất cả mọi người đều biết về sự cứu rỗi và sự sống đời đời. Chính Ngài đã bày tỏ qua thiên nhiên, qua lương tâm, qua lịch sử dân tộc Do-thái, bởi các thầy tế lễ và các Đấng tiên tri. Cuối cùng Ngài đã bày tỏ qua chính Con Ngài. Đây là sự giải bày rõ ràng nhất về Thượng Đế cho loài người. Nếu chúng ta muốn biết, hiểu và thấy Ngài, chúng ta phải học biết về Chúa Giê-xu. Theo như Phao-lô, Ngài là Đấng tể trị tất cả muôn vật (Ê-phê-sô 1:10), Ngài là Đấng sáng tạo thế gian (Giăng 1:1-3), Ngài bày tỏ sự vinh hiển Đức Chúa Trời (Giăng 17:5,6), Ngài là Đấng làm sạch tội cho kẻ tiếp nhận Ngài (1Giăng 1:7), và Ngài là Đấng cao quý ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời trong nơi vinh hiển đời đời (Rô-ma 8:34).

Trong Đức Chúa Giê-xu Christ và chỉ trong Ngài chúng ta mới có được sự tự do hoàn toàn, được có sự hiện diện của Thượng Đế và giao thông với Ngài.

  1. ĐẤNG CAO TRỌNG HƠN THIÊN SỨ (1:4-5).

Khi đọc trong Kinh Thánh chúng ta thấy thiên sứ xuất hiện rất nhiều lần, nhiều nơi để bày tỏ sứ điệp của Chúa cho dân sự. Giống như thiên sứ Gáp-ri-ên (Lu-ca 1:26). Thiên sứ của Nhi đồng (Ma-thi-ơ 18:10). Tại đây, tác giả sách Hê-bơ-rơ bày tỏ về sự cao trọng của thiên sứ và cũng không giảm thiểu trách nhiệm của thiên sứ trong công việc của Đức Chúa Trời, nhưng không cho phép một sự lấn áp về vị trí của Đấng Christ. Đức Chúa Giê-xu Christ và chỉ mình Ngài là Đấng trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người. Ngài là Thầy Tế lễ thượng phẩm giữa Đức Chúa Trời và con người. Ngài được mang những danh cao trọng. Người là Con đời đời. Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài Danh trên hết mọi danh (Phi-líp 2:10-11). Tác giả sách Hê-bơ-rơ đã trích trong Thi thiên: “Ngươi là Con Ta, ngày nay Ta đã sanh ngươi” chứ không nói đến thiên sứ (Thi thiên 2:7-9) cũng đã đề cập Con được ban cho các quyền hạn trừng phạt. Đó là hình ảnh Đức Chúa Giê-xu đã được khẳng định và có sự liên hệ rõ ràng giữa Ngài với Đức Chúa Trời “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30). “Ai đã thấy Ta là thấy Cha” (Giăng 14:9).

III. ĐẤNG CAO TRỌNG HƠN MÔI-SE (3:1-6).

Đối với dân Do-thái, Môi-se được coi như là lãnh tụ vĩ đại. Trải qua các đời họ vẫn tôn sùng như anh hùng dân tộc. Họ rất coi trọng ông. Và chính ông cũng đã có lần mặt đối mặt trò chuyện cùng Đức Chúa Trời (Dân Số Ký 12:7). Ông đã đưa dân sự ra khỏi ách nô lệ Ai-Cập, đem đến cho họ bảng luật pháp từ Đức Chúa Trời, chỉ cho họ thiết lập đền tạm và cách thờ phượng Đức Chúa Trời. Vì vậy ông được tôn sùng như một nhà chính trị, xã hội và tôn giáo. Môi-se và luật pháp cũng giống như dân Do-thái gắn liền với cuộc sống. Tác giả Hê-bơ-rơ thừa nhận điều nầy và không làm giảm đi uy thế của ông. Tuy nhiên có một Đấng cao trọng hơn bởi vì chính Ngài và công việc Ngài bày tỏ. Đó chính là Đức Chúa Giê-xu Christ. Ngài thật là Đấng thành tín. Đây là bản tính cố hữu của Ngài từ lúc giáng thế tại Bết-lê-hem cho đến khi bị đóng đinh trên thập tự giá. Ngài luôn bày tỏ là Đấng chân thật, luôn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Do đó Ngài cao trọng hơn Môi-se. Đức Chúa Giê-xu chính là Đấng sáng tạo và bảo tồn. Ngài là Đấng cứu chuộc. Ngài ở một ngôi vị cao hơn Môi-se. Đấng Christ bắt đầu là cái nhà trong sự sáng tạo, bắt đầu từ dân tộc Do-thái, cao hơn nữa là Hội Thánh và rồi đến nước Đức Chúa Trời. Môi-se ở ngôi vị cao, nhưng chỉ là một phần của cái nhà đó. Nhưng Chúa Giê-xu Christ ở trên tất cả những điều đó và trước đó Ngài là Đấng làm nên nó. Nên Ngài là Đấng cao trọng hơn Môi-se vì:

* Đấng Christ:

– Con.

– Đấng tạo dựng nhà và trên cả nhà.

– Hoàn thành sự khải thị.

* Môi-se:

– Tôi tớ.

– Một phần của cái nhà và ở trong nhà.

– Chứng nhân cho sự khải thị.

Khi đọc Hê-bơ-rơ lưu ý điều nầy: Tác giả không có ý coi thường các thiên sứ hoặc hạ thấp nhân phẩm của Môi-se. Trong sự so sánh thiên sứ chỉ là những đấng phục dịch Đức Chúa Trời và những người được sự cứu rỗi. Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, là Đấng chủ tể của muôn vật, kể cả các thiên sứ cũng phải phục dịch và tôn thờ. Môi-se là một đầy tớ trung tín trong chức phận được giao phó. Còn Chúa Giê-xu đã trung tín như một người con và là người kế nghiệp cả nhà. Duy một mình Ngài là Đấng đáng được tôn thờ.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC

Một số bài thuốc có khoai tây:

Thuốc nhuận tràng: Khoai tây luộc chín, ăn 100g hoặc hơn. Có thể phối hợp với bài thuốc chữa đau viêm dạ dày ở trên.

Chữa đau bụng: Vỏ củ khoai tây sống rửa sạch (10-20g) sắc nước uống.

Post CommentLeave a reply